“Tuyên bố của nhóm “Lão mà chưa an” về phê chuẩn ba công ước cơ bản của tổ chức lao động quốc tế (ILO)” plus 5 more |
- Tuyên bố của nhóm “Lão mà chưa an” về phê chuẩn ba công ước cơ bản của tổ chức lao động quốc tế (ILO)
- Chính trường Việt Nam nửa cuối 2018 sẽ tái hiện nửa cuối năm 2015?
- AI: VN cần điều tra cái chết một người biểu tình
- Từ ông Tập đến ông Tổng: cảnh giác trước sự trỗi dậy độc tài
- “Uy tín của Tập Cận Bình bị sứt mẻ”
- Mùa hè đấy bất mãn ở Trung Quốc
Posted: 06 Aug 2018 06:31 PM PDT Việt Nam là thành viên của ILO từ lâu và đã phê chuẩn năm trong tám công ước cơ bản của ILO (số 29; số 138; số 182; số 100; và số 111). Ba công ước cơ bản chưa được Việt Nam phê chuẩn là công ước số 87 về quyền tự do liên kết và bảo vệ quyền được tổ chức, công ước số 98 về quyền tổ chức và thương lượng tập thể, và công ước số 105 về xoá bỏ lao động cưỡng bức. Cả Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) lẫn Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam EU (EVFTA) đều yêu cầu Việt Nam phê chuẩn ba công ước cơ bản còn lại của ILO. Giả như còn TPP thì có thể ba công ước này đã được phê chuẩn. Việc tham gia CPTPP và EVFTA là rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam và chúng tôi ủng hộ việc đó. CPTPP đã được ký tháng 3-2018 và đang trong quá trình phê chuẩn. Việt Nam và EU đã thống nhất toàn bộ văn bản của EVFTA và EVFTA dự kiến được ký vào tháng 10-2018. Do phần đầu tư phải được Quốc hội của tất cả các nước EU chuẩn y, nên phần này đã được tách riêng thành Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA); như thế EVFTA chỉ cần Quốc hội EU và Quốc hội Việt Nam chuẩn y là xong. Tuy nhiên, phiên họp cuối cùng vào tháng 3-2019 của Quốc hội EU là phiên chót mà EVFTA có thể được chuẩn y (nếu được ký và được trình), ngoài phiên này ra không còn cơ hội nào cho EVFTA trong năm 2019 (do có bầu cử Quốc hội EU vào tháng 5-2019) và sau 2019 thì tương lai EVFTA có thể mờ mịt hơn nhất là trong bối cảnh vụ Trịnh Xuân Thanh có thể gây bất lợi quan hệ Việt Nam – Đức và Việt Nam – EU. Như thế cơ hội cho EVFTA không thật sáng sủa như báo chí chính thống đưa tin. Chúng tôi yêu cầu Quốc hội Việt Nam phê chuẩn ba công ước cơ bản của ILO nói trên càng sớm càng tốt (tốt nhất vào kỳ họp tháng 10-2018) và thực hiện nghiêm túc chúng nếu không muốn lỡ hẹn EVFTA như Việt Nam đã từng bị trễ việc ký kết BTA với Mỹ và việc gia nhập WTO do ảnh hưởng của những người thân Trung Quốc. | |
Chính trường Việt Nam nửa cuối 2018 sẽ tái hiện nửa cuối năm 2015? Posted: 06 Aug 2018 06:29 PM PDT Phạm Chí Dũng/Người Việt
Quy luật nửa đầu và nửa cuối năm Vào mùa Hè năm 2015 khi chiến dịch chạy đua vào Bộ Chính trị Đảng cầm quyền khóa 12 ở Việt Nam chính thức lao vào giai đoạn căng biến, chính trường quốc gia này thình lình phát hiện sự biến mất của một Ủy viên Bộ Chính trị có khuynh hướng hướng "thân Trung": Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh. Trong suốt mùa Hè đó, cái tên "tướng chữa bệnh" đã bắt chết với một Phùng Quang Thanh còn sống sờ sờ và gây ra một làn sóng hiếu kỳ, ngờ vực cùng dự cảm nguy biến về một âm mưu kinh khủng nào đó đã hình thành – một thứ "đảo chính cung đình" – ngay trước Đại hội 12 của đảng cầm quyền. Ba năm sau đó, mùa Hè năm 2018 bất chợt "đỏ lửa" bởi cuộc biểu tình phản đối Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng lên đến hàng trăm ngàn người ở Sài Gòn, cùng một cuộc biểu tình với tính chất tương tự nhưng đã đóng đinh bằng trận bạo loạn bởi những kẻ bịt mặt không phải người Bình Thuận ngay tại thành phố Phan Thiết. Lịch sử đương đại của triều chính Việt Nam đã hình thành một sự vận động nối tiếp và logic như thể có tính quy luật: trong BA năm, từ 2012 đến 2015, cứ nửa đầu năm chính trị tương đối bình lặng thì nửa cuối mỗi năm đó lại sôi trào đấu đá nội bộ trong đảng. Nhưng vào giai đoạn 2015-2018, tính chất căng thẳng của xung đột nội bộ đã không còn cho phép cái nửa đầu năm êm dịu nữa, mà thay vào đó là sự chuẩn bị âm thầm, và sắt máu hơn nữa là xảy ra một số sự biến chính trị ngay vào nửa đầu năm. Mùa Hè năm 2012 Vào mùa Hè năm 2012, trên mạng xã hội chợt hiện ra một cái tên lạ hoắc: Quan làm báo. Nhưng khác hẳn với trang mạng Dân làm báo bị chính quyền mặc định là "phản động," Quan làm báo lại mang đặc thù của những bàn tay bí mật từ nội bộ đảng, ngồn ngộn dữ liệu và bí mật cung đình trong nội bộ và mang mục tiêu triệt hạ những nhân vật cao cấp này kia trong nội bộ. Mùa Hè năm 2012 cũng là thời điểm bắt đầu manh nha cuộc chiến của hai phe nhóm trong nội bộ đảng: cặp bài trùng Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư – Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước với Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng. Sự hiện hình của trang Quan làm báo, với phạm vi công kích nhắm đến phe Nguyễn Tấn Dũng – thật giống như một tiền đề hết sức quan yếu để "toàn đảng, toàn quân tiến đến Hội nghị Trung ương 6". Chỉ bốn tháng sau khi xuất hiện, Quan làm báo đã gây bão không chỉ trên mạng xã hội, trong dư luận đời thực mà cả trong chính trường giới quan chức trung cao cấp đang nhấp nhổm hồi hộp và mắt trước mắt sau tính toán chọn lựa phe cánh chính trị, Hội nghị Trung ương 6 đã mở màn với kịch bản "kỷ luật đồng chí X". Tuy thế, những giọt nước mắt nhòe cặp kính của Nguyễn Phú Trọng lại là câu trả lời cay đắng dành cho phe đảng. Không những vượt qua mối nguy hiểm bị kỷ luật và để không bị loại khỏi Bộ Chính trị, "đồng chí X" còn lần đầu tiên thu thập được đến 75% phiếu của các Ủy viên trong Ban chấp hành Trung ương, đặt tiền đề cho cuộc chinh phạt đỉnh cao nhất của "ứng cử viên số một cho chức Tổng bí thư" – trong một cuộc bỏ phiếu thăm dò kín tại Hội nghị Trung ương 10 vào đầu năm 2015 và trùng với cái chết đầy "ma quái" của nhân vật Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh. Thực ra, Nguyễn Bá Thanh cũng bắt đầu bi kịch của ông ta vào một mùa Hè – Hè năm 2014. Sau khi từ bỏ cái ghế Bí thư Đà Nẵng mà được xem là "vua không ngai" ở thủ phủ miền Trung, Nguyễn Bá Thanh đã được Tổng bí thư Trọng kỳ vọng sẽ bổ sung vào Bộ Chính trị và trở thành một tay kiếm lạnh lùng cho cuộc chiến "chống tham nhũng". Nhưng do cái chết đọng lại quá nhiều nghi vấn của ông Thanh, khi đó ông Trọng đã chưa thể tiến hành được kế hoạch "đốt lò" mà chỉ có thể hoạt náo từ giữa năm 2016 cho đến nay. Những mùa Hè sau đó Trong sáu năm qua, chính trường Việt Nam chỉ tạm êm ả vào mùa Hè năm 2013, trong khi những mùa Hè sau đó đều hoặc âm ỉ, hoặc nóng rẫy cái lò bát quái giữa các phe phái. "Phe cánh chính trị" đã từ lâu trở thành một thuật ngữ không thể thiếu trong các báo cáo đặc biệt của các cơ quan đặc biệt như tình báo, an ninh thuộc công an, quân đội và khối nội chính đảng. Kể từ vụ Phùng Quang Thanh từ một bệnh viện Pháp trở về Hà Nội vào mùa Hè năm 2015 và sau đó bị xem là "cấm cố" ở một nơi nào đó trong "Thành", "phe cánh chính trị" đã trở nên một thứ ma túy đê mê thấm vào đến tận tủy sống một số chính khách này nhưng cũng là nỗi run sợ đến mất ngủ mất ăn của một số chính khách khác. Chính vào lúc đã tạm loại được Nguyễn Tấn Dũng khỏi Bộ Chính trị để buộc nhân vật này phải toát lộ tương lai "trở về làm người tử tế", Nguyễn Phú Trọng đã khởi động "lò" của mình vào mùa Hè năm 2016 với tiêu lệnh "việc cần làm ngay" – một cụm từ mà ngay lập tức khiến người ta nhớ lại mồn một khẩu lệnh "Những việc cần làm ngay" của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh ba chục năm trước đó. Tham vọng chỉnh đảng và tôn bật hình ảnh cá nhân của Nguyễn Phú Trọng là không cần bàn cãi: cái chí khí ngút trời ấy đã biến ông Trọng chỉ trong vòng một năm rưỡi từ biệt danh "giáo làng" nhu nhược thành "Sỹ phu Bắc Hà," "Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo," thậm chí "Minh quân" hay gần đây nhất là "Người đốt lò vĩ đại". Hẳn đó phải là nền tảng hết sức biện chứng lịch sử và biện chứng duy vật để vào mùa Hè năm 2017, Giáo sư kinh tế - chính trị học Mác - Lê Nguyễn Phú Trọng tiến đến việc "trảm" Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị Kiêm Bí thư Thành ủy TP.HCM – một chính khách sống bằng rượu Chivas vài chục triệu đồng một chai và dường như từng cười nhạo ông Trọng về chủ nghĩa Mác - Lê lẫn thất bại cay đắng của ông ta trước "đồng chí X". Nhưng mùa Hè năm 2017 còn bất ngờ nồng nàn một hương vị ngoại giao lẫn "tình báo" lạ lùng: vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh." Không biết vô tình hay hữu ý, vụ việc chấn động toàn châu Âu này lại khiến nhân vật Chủ tịch nước Trần Đại Quang "biến mất" trong một tháng sau đó, tiếp biến cơn địa chấn ngoại giao giữa Đức và Việt Nam. Về thực chất, mùa Hè năm 2017 đã trở nên vô cùng đáng nhớ đối với Nguyễn Phú Trọng khi tên ông được ghi vào lịch sử như Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam bị người Đức trừng phạt bằng quyết định tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược Đức – Việt do vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh". Còn bây giờ đang là mùa Hè năm 2018… Mùa Hè 2018 và vài lá bài tẩy đã lật ngửa Khác hẳn với bầu không khí kìm nén, hoặc giả vờ kìm nén của giai đoạn 2012-2015, nửa đầu năm 2018 đã khởi đi với chiến dịch "đốt lò" rúng động toàn chính trường Việt Nam của Nguyễn Phú Trọng. Không chỉ là phạm trù cá nhân Đinh La Thăng gắn với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, mà "lò" đã cháy trên diện rộng, từ vụ Thượng tá Tình báo Công an Phan Văn Anh Vũ mà rất nhiều khả năng dắt dây đến nhiều quan chức cao cấp của ngành Công an và còn có thể cao hơn thế, đến hai tướng cảnh sát Nguyễn Thanh Hóa, Phan Văn Vĩnh và cả tướng tình báo Phan Hữu Tuấn bị tống giam, hàng loạt đồn đoán trong dư luận xã hội lẫn dự đoán của giới chuyên gia chính trị về số phận không hề ngọt ngào của Trần Đại Quang trước Hội nghị Trung ương 7 vào tháng Năm, 2018, rồi Thứ trưởng Công an Bùi Văn Thành bị giáng chức… Nhưng ngay sau Hội nghị Trung ương 7 với thái độ "xui xị" thật khó hiểu của Nguyễn Phú Trọng, ở phía Nam Việt Nam đã bất thần nổ ra cuộc biểu tình cực lớn phản đối Luật Đặc khu. Lòng dân phẫn uất là lý do quá dễ hiểu trong một chế độ đang lao thẳng vào bóng đêm. Nhưng vẫn còn một lý do khác: Sau cuộc biểu tình trên và đặc biệt sau trận bạo loạn ở Phan Thiết, ngày càng nhiều dư luận cho rằng đã có một bàn tay bí ẩn nào đó, của một thế lực bí ẩn nào đó trong nội bộ đảng, hậu thuẫn cho cuộc biểu tình khổng lồ ở Sài Gòn và bảo kê cho những kẻ bịt mặt đốt phá ở Phan Thiết. Thế lực đó có thể liên quan gián tiếp hoặc trực tiếp đến công an và do vậy công an mới không đàn áp dã man như trước đây. Và trên hết, thế lực chính trị giấu mặt đó muốn "mượn" người dân, hay chính xác là lợi dụng người dân, để kích động một chiến dịch biểu tình trên quy mô lớn và kéo dài như mô hình "áo đỏ – áo vàng" ở Thái Lan, nhằm gây áp lực mặc cả vị thế chính trị trong nội bộ đảng hay tạo áp lực đủ mạnh để yêu sách một chóp bu cao cấp nào đó của đảng phải từ chức… Dường như Nguyễn Phú Trọng, chứ không phải chế độ của ông ta, đang bị thách thức quyền lực một cách công khai. Hình như vài lá bài tẩy đã được lật ngửa. Và dường như mùa Hè năm 2015, khi bầu không khí "toàn đảng, toàn quân, toàn dân lập thành tích chào mừng đại hội 12" đang có bề tái hiện vào mùa Hè năm 2018. Những gì đã được khởi đi từ vụ Phùng Quang Thanh mang mùi vị "đảo chính" vào mùa Hè năm 2015 có vẻ đang trở lại cái hương vị ngất người của nó vào mùa Hè năm nay. Và nếu đúng là thế mà không thể sai khác, nửa cuối năm 2018 sẽ phải chứng kiến một trận tương tàn trong chính trường Việt Nam, nhưng không chỉ là sự xung đột giữa một số cá nhân như trước Đại Hội 12, mà sẽ "bão trên diện rộng" và quyết định số phận chính trị của nhiều chủ thể quan chức khác. P. C.D. Tác giả gửi BVN | |
AI: VN cần điều tra cái chết một người biểu tình Posted: 06 Aug 2018 06:24 PM PDT
Ngày 3/8, Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) công bố văn thư hối thúc Việt Nam mở ngay cuộc điều tra về cái chết của một người biểu tình tên Hứa Hoàng Anh.
Ông Hứa Hoàng Anh. Ảnh: FB Hứa Hoàng Anh
Trích lời bà Clare Algar, Giám đốc Cao cấp Điều phối Toàn cầu của Ân xá Quốc tế, văn thư nói về phản ứng của AI trước những báo cáo về cái chết của Hứa Hoàng Anh, người nông dân đã tham gia các cuộc biểu tình quy mô lớn gần đây tại Việt Nam: "Ân xá Quốc tế hối thúc chính quyền các cấp ở Việt Nam ngay lập tức mở một cuộc điều tra sâu rộng và công minh về nghi vấn các sĩ quan cảnh sát đã tra tấn và làm chết Hứa Hoàng Anh, một người nông dân ở tỉnh Kiên Giang, Việt Nam, người đã tham dự cuộc biểu tình tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 10 tháng 6. AI, qua văn thư nói trên cho biết tổ chức nhân quyền Defend the Defenders báo cáo rằng Hứa Hoàng Anh, 35 tuổi, được phát hiện là đã tử vong sau khi một vài cán bộ công an tỉnh Kiên Giang tới nhà anh vào ngày 02 tháng 08. Phía công an sau đó cho rằng nguyên nhân dẫn đến cái chết là do tự sát. Tuy nhiên, các vết thương trên đầu, cổ và bụng được tìm thấy tạo ra nghi vấn rằng ông Hoàng Anh có thể đã bị tra tấn đến chết. Tổ chức Ân xá Quốc tế nhận định: "Quyền tự do hội họp ôn hòa được quy định trọng điều 21 của Công ước Quốc tế về Quyền dân sự và Chính trị, chính quyền Việt Nam cần phải tôn trọng và bảo vệ quyền hợp pháp này bởi nó được quy định tại điều 25 trong hiến pháp Việt Nam. Chính quyền cũng cần phải bảo vệ mọi lúc các quyền tuyệt đối như quyền được sống và quyền không bị tra tấn và các hình thức đối xử vô nhân đạo khác, điều này cũng có nghĩa cần phải triển khai ngay lập tức các cuộc điều tra hiệu quả, độc lập đối với các trường hợp nạn nhân bị chết khi đang giam giữ trong đồn công an." Và vạch ra: "Quyền được sống và được bảo vệ bởi luật pháp đồng thời cũng được ghi tại điều số 6 của Công ước Quốc tế về Quyền dân sự và Chính trị và Công ước chống Tra tấn của Liên hiệp quốc mà Việt Nam là một thành viên từ năm 2013." Yêu cầu chính phủ Việt Nam lập tức điều tra về nghi vấn các sĩ quan cảnh sát đã tra tấn và gây ra cái chết Hứa Hoàng Anh của AI được đưa ra trước bối cảnh cộng đồng dân mạng đang ồn ào bàn tán về cái chết bất thường của ông. Được biết ông Hứa Hoàng Anh sinh năm 1984, ở huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Ông Hoàng Anh bất ngờ "đột tử" vào trưa ngày 2/8, trên đường được đưa về nhà, và đêm trước đó, đã bị Công an huyện Châu Thành mời lên "làm việc" về việc ông tham gia biểu tình phản đối những dự luật Đặc khu, An ninh Mạng, vào ngày 10/6/2018 tại Sài Gòn. Hiện gia đình ông Hứa Hoàng Anh hoàn toàn giữ im lặng về cái chết của người thân và không tiếp xúc với báo giới. A.L. Theo BBC Việt ngữ VNTB gửi BVN | |
Từ ông Tập đến ông Tổng: cảnh giác trước sự trỗi dậy độc tài Posted: 06 Aug 2018 06:20 PM PDT Ánh LiênTập Cận Bình, người ở độ tuổi 64 nhưng đã thiết lập quyền lực tối cao của mình ở đất nước hơn 1 tỷ dân qua việc: xóa bỏ giới hạn 2 nhiệm kỳ dành cho Chủ tịch.Ông Tập từng nhiều lần tuyên bố sẽ lãnh đạo Trung Quốc - một cường quốc lớn thứ 2 về kinh tế và là một trong những quốc gia có lực lượng quân sự lớn. Và nếu ông duy trì sự cố kết quyền lực, ông sẽ giống như V.Putin, ngồi trên ngai vàng quyền lực 10-20 năm, hoặc có thể lâu hơn thế nữa. Quan trọng của một nền độc tài quyền lực chính là, lộ trình phát triển, nguyên tắc phát triển sẽ phần lớn phụ thuộc vào một cá nhân. Nhưng điều tuyệt vời của thế giới phẳng hiện nay là, thực tiễn khắc nghiệt của đời sống và sự phát triển đang chứng minh: khi anh ngồi trên ghế quá lâu, anh sẽ đổ đốn. Sự đổ đốn có thể khiến cho đất nước từng là cường quốc châu Phi như Zimbabwe thực hành 'cân hàng kg tiền' để mua trứng hay thậm chí, biến một quốc gia 'giàu nứt đổ vách' như Venezuela trở thành một quốc gia mà nhân dân phải móc bọc rác để tìm thức ăn.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và TBT Nguyễn Phú Trọng duyệt binh danh dự tại Hà Nội. Trung Quốc cũng vậy, từng có những đại cách mạng về văn hóa lẫn nhảy vọt để lại hàng triệu người chết và ly tán về tinh thần. Tất nhiên, người dân Trung Quốc sẽ không im lặng, bởi đất nước của họ không thể để bị nhào nặn bởi tham vọng quyền lực của một vài người mà họ biết rằng, nó sẽ đưa họ vào "thiên đường tối tăm". Vấn đề là, dù có cố gắng thống nhất đến mấy trong nội bộ Đảng Cộng sản, thì khi quyền lực về tay một người, sẽ đến một lúc nó xuất hiện nứt vỡ. Theo trang Theguardian ngày 4 - 8, Tập đã bị phê bình gián tiếp trên báo chí, tên của ông dần ít xuất hiện trên tờ Nhân dân nhật báo, các chân dung cũng dần được gỡ xuống; những tin đồn về việc đảo chính ở Bắc Kinh bắt đầu xuất hiện. Những chuyển biến nhỏ này tuy không giúp 'đảo chính' được Tập nhưng lại làm mờ quyền lực của ông. Giới trí thức tự do Trung Quốc là một trong nhóm đối tượng đả phá kịch liệt nhất sự độc tôn quyền lực, họ cũng đã có thư ngỏ về điều này. Và khi chỉ trích, họ sẽ bị bắt, như trường hợp Giáo sư Tôn Văn Quảng (Sun Wenguang), 84 tuổi gần đây. Sở dĩ phải diễn giải dài dòng về Tập và những chuyển động chính tại Trung Quốc vì tại vùng đất phía Nam, có một quốc gia cũng có những động thái tương tự. Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư (TBT) Đảng CSVN, người từng được không ít nhà chính trị đánh giá là khù khờ - dễ bảo từ thời điểm làm Bí thư thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội và gần nửa nhiệm kỳ TBT. Trong giai đoạn mà ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ đưa bàn tay chi phối các ngóc ngách của bộ máy chính trị, không ai nghĩ, một Nguyễn Phú Trọng, tuổi đã cao lại bắt đầu ngồi dậy và hình thành quyền lực dường như là tuyệt đối. Dư luận nhìn về ông Nguyễn Phú Trọng với ánh mắt dè dặt khi ông tiến hành các động thái khôi phục lại sự 'lãnh đạo toàn diện' của Đảng từ Quân đội, Công an (Đảng ủy), kinh tế (Ban kinh tế Trung ương) cho đến chính trị (Ủy ban KTKL). Và rồi, đã có sự bất ngờ và ngưỡng vọng khi ông tiến hành các hoạt động chống tham nhũng trong nội bộ cấp cao của các ban ngành. Những con sâu to bự được lôi ra ánh sáng, nhân dân hồ hởi về điều này, họ cho rằng, dưới thời ông Trọng, đã có vẻ làm tốt chống tham nhũng (một vấn đề quốc nạn) hơn ông Dũng và các vị tiền nhiệm trước. Có vẻ, ông Trọng đang cố gắng đưa Đảng CS trở về đúng với câu nói: Đảng là trí tuệ, danh dự của thời đại chúng ta; Đảng là hiện thân của sự khôn ngoan, tinh hoa của dân tộc. Nhưng điều gì làm nên những yếu tố có phần hoa mỹ đó, phải chăng là tập trung tối đa thu vén quyền lực thông qua người đứng đầu? Không phải vậy, Việt Nam chưa bao giờ là Trung Quốc, ngay trong thời kỳ mà Đảng CS ngự trị tại miền Bắc, ngay cả ông Hồ - dù là một Chủ tịch ĐCS, nhưng ông khác với Lenin, Stalin hay Mao Trạch Đông. Thanh trừng phe phái, tuyệt đối hóa quyền lực không hiện diện đậm nét bằng sự thỏa hiệp. Tại sao phải lùi về quá khứ? Vì thực tế cho thấy, sự ngưỡng mộ công cuộc chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng đang chuyển hướng thành mong muốn ông ngồi vị trí lâu hơn, hay thậm chí tôn sùng ông như một lãnh tụ. Điều này về cơ bản không khác gì giai đoạn đầu của ông Tập. Sự ngồi quá lâu hay độc tôn có thể không gây khó khăn gì trong chiến tranh, nhưng hòa bình hay thời kỳ hội nhập thì nó lại là một mối nguy hại. Cái thời kỳ ăn bobo và xin từng gram thịt dưới thời ông Lê Duẩn vẫn ám ảnh không ít người độ tuổi xế chiều. Nhiều người không thích ông Trọng về sự 'cố thủ CNXH' của ông, nhưng họ không thể phớt lờ về thành quả chống tham nhũng hiện thời. Giới trí thức tự do cũng vậy, nhưng cạnh đó họ vẫn có một nỗi lo lớn về cái gọi là: sự thâu tóm quyền lực tuyệt đối. Họ không muốn một Lê Duẩn thời hiện đại, một Tập Cận Bình tại Việt nam. Họ muốn chính trị là sự chia ba hơn là tập trung vô một - dù cho rằng, nó còn ít nhiều hình thức. Khi ông TBT Nguyễn Phú Trọng khen trà Trung Quốc ngon hơn trà Việt Nam, nhiều người nhạy cảm rùng mình khi nghĩ đến viễn cảnh học theo chính trị thu vén quyền lực như Tập Cận Bình, có chút gì đó tỏ ra tham vọng. Khi ông TBT tuyên bố 'toàn người bất hảo' hay 'không để ai muốn nói gì thì nói', không ít người rùng mình vì tư duy ngôn luận đó chỉ có trong thời kỳ chiến tranh. Do vậy, nhìn vào cuộc chiến chống tham nhũng ở ông Trọng, người ta luôn trong tâm thế 'cẩn trọng'. Hoan nghênh kết quả, nhưng phê phán đường lối tôn sùng quyền lực. Vì lẽ đó mà khi có sự hoan nghênh việc ông Tổng Trọng đưa cả Trung tướng Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) ra ánh sáng vì bảo kê nạn cờ bạc, thì cũng đồng thời phê phán cả vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức. Không thể im lặng trước biểu hiện thái quá của quyền lực tập trung, và càng không để hình thành một Tập Cận Bình tại Việt nam bởi những hệ quả đau đớn từ sự 'độc tài quyền lực' vẫn đang biểu hiện sinh động trong quá khứ. Giới trí thức tự do, và cả những con người tự do đang nhìn từng động thái nhỏ của ông TBT Nguyễn Phú Trọng. Hãy cảnh giác, nếu không độc tài sẽ trỗi dậy: hẳn đây là quan điểm của không ít người. A.L. VNTB gửi BVN | |
“Uy tín của Tập Cận Bình bị sứt mẻ” Posted: 06 Aug 2018 06:16 PM PDT Steffen Richter phỏng vấn Willy Lam/Zeit OnlineNguyễn Văn Vui dịchLần đầu tiên, nhà lãnh đạo độc đoán Tập Cận Bình của Trung Quốc đang bị chỉ trích từ trong nước: Ông ta bị cho là đã không có đối sách thỏa đáng với Trump. Chuyên gia Willy Lam cho chúng ta biết chuyện gì xảy ra phía sau hậu trường chính trị Trung Quốc.Từ ngày Mao Trạch Đông thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đến nay, không một nhà chính trị nào đã lãnh đạo một cách độc đoán như Tập Cận Bình ngày nay. Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch đảng cầm quyền Cộng sản Trung Quốc (CSTQ) đã làm tất cả để kiểm soát chặt chẽ và nắm quyền điều khiển trong mọi lĩnh vực quốc gia, dù là chính trị, xã hội, truyền thông hay kinh tế. Những ý kiến khác biệt hầu như không được chấp nhận, sự đàn áp trong nước ngày càng gia tăng. Dưới sự lãnh đạo của Tập, các thành quả kinh tế của Trung Quốc được dùng để làm sức ép cho chính sách đối ngoại của mình, và chế độ độc tài đang mở rộng về kinh tế cũng như quân sự. Trước tình thế đó, trong Chính phủ Mỹ của Donald Trump cũng như tại các quốc gia khác, sự kháng cự đã gia tăng lâu nay. Có mới chăng là các chỉ trích trong nội bộ Đảng CSTQ về tài lãnh đạo của Tập ngày càng công khai. Bên cạnh các nhà kinh tế đã từng phê phán cách ứng phó của Tập Cận Bình đối với Mỹ, lần đầu tiên vào cuối tháng Bảy qua, một bản chỉ trích toàn diện về chính sách cứng rắn của Tập bởi một Giáo sư luật từ Đại học Thanh Hoa nổi tiếng ở Bắc Kinh đã được phổ biến công khai. Willy Lam là một trong những chuyên gia am tường về tầng lớp ưu tú của Trung Quốc, về Đảng Cộng sản và lãnh đạo của nó là Tập Cận Bình. Chúng tôi đã nói chuyện với ông để tìm hiểu thêm về những gì xảy ra phía sau loạt phê phán mới này ở Trung Quốc. ZEIT ONLINE: Tầng lớp ưu tú của CSTQ rất hiếm khi có những tranh cãi nội bộ lọt được ra ngoài. Tuy nhiên gần đây đã có những dấu hiệu đầu tiên về sự bất mãn đối với phong cách lãnh đạo của Chủ tịch đảng Tập Cận Bình. Việc này nên được hiểu như thế nào?Willy Lam: Có hai lý do chính khiến người dân Trung Quốc, kể cả những người thuộc tầng lớp ưu tú, không hài lòng với ông Tập. Một là vào tháng Ba vừa qua, ông ta đã vận động để được Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) thông qua làm Chủ tịch nước suốt đời. Lý do thứ hai và quan trọng hơn là nhóm chóp bu chính trị đã cho rằng cách ứng xử của Trung Quốc trước những thách thức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là một thất bại, đặc biệt là trong việc tranh chấp thương mại giữa đôi bên. ZEIT ONLINE: Như vậy thì Tập Cận Bình đã được cố vấn sai hay sao?Willy Lam: Có những dấu hiệu cho thấy đội ngũ của ông Tập không được nhất trí. Dường như có sự bất đồng ý kiến giữa ông và người cố vấn kinh tế thân cận nhất của ông là Phó Chủ tịch Lưu Hạc (Liu He), người chịu trách nhiệm về quan hệ thương mại với Hoa Kỳ. Thay vì phụ trách lãnh vực chính là Mỹ, ngày nay Lưu Hạc phải đi chăm lo cho các xí nghiệp nhà nước và các vấn đề an toàn công nghiệp, cả hai lãnh vực thực sự không quan trọng cho lắm. Có vẻ như Lưu đã bị Tập cho ra rìa bởi vì Lưu không ngăn tránh được tranh chấp thương mại với Trump. Nếu thực như vậy thì hiện nay trong tập đoàn lãnh đạo không có ai gọi là có khả năng thay thế được ông Lưu và có đủ thẩm quyền để đưa ra một chiến lược đối với những thách thức ngày càng phức tạp hơn của Trump. Cuối cùng nhận xét chung là Chủ tịch đảng đã không có cách ứng phó thích hợp cho chính sách trừng phạt thuế quan của Trump, mà đó là thách thức lớn nhất trong thời gian gần đây đối với nền kinh tế Trung Quốc. EITZ ONLINE: Những người phê phán Tập Cận Bình thực sự đang lo lắng chuyện gì?Willy Lam: Đảng CSTQ cầm quyền nhưng không có tính chính danh vì không qua các cuộc bầu cử dân chủ. Trung Quốc là một chế độ chuyên quyền. Nền cai trị của họ dựa trên hai trụ cột: tăng trưởng kinh tế và chủ nghĩa dân tộc, chính chủ nghĩa này được thúc đẩy bởi chiêu bài của ông Tập về "Giấc mơ Trung Quốc", theo đó Trung Quốc sẽ thay chỗ đứng của Hoa Kỳ, thành cường quốc thế giới vào năm 2049. Đây là hai cơ sở mang lại tính chính danh cho nền cai trị của họ lâu nay, nhưng hiện giờ cả hai đang bị lung lay. Trễ nhất là khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung xảy ra, thì những vấn đề nghiêm trọng của nền kinh tế Trung Quốc lần lượt phơi bày trước công chúng, đặc biệt là số nợ Chính phủ khổng lồ và sự kiểm soát quá mức đối với doanh nghiệp nhà nước. Tăng trưởng kinh tế TQ trong hai năm qua chủ yếu chỉ nhờ vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quốc nội cũng như vào một thị trường bất động sản quá nóng – mà quả bong bóng này đang đe dọa nổ tung bất cứ lúc nào. Ngay cả trước khi có tranh chấp thương mại với Hoa Kỳ, vào năm 2015 sự sụp đổ trên các thị trường chứng khoán đã tiêu hủy tài sản khá lớn của người dân. Điều này đã làm dân chúng mất lòng tin vào tương lai, họ cũng không còn tin tưởng vào một sự tăng trưởng kinh tế dài hạn như trong ba thập kỷ qua nữa. Nếu Đảng CSTQ không thực hiện được các điều họ đã hứa hẹn về kinh tế, thì tính chính danh của họ sẽ bị đặt thành vấn đề. ZEIT ONLINE: Vậy quyền lực của Tập Cận Bình có bị nguy không?Willy Lam: Vị trí số một của Tập Cận Bình trong nhà nước và đảng vẫn còn nguyên vẹn, bởi vì ông ta hoàn toàn kiểm soát được quân đội và công an. Quyền lực của ông ta vẫn ổn định, nhưng đây là lần đầu tiên uy tín của Tập bị sứt mẻ. Người ta có thể thấy điều này qua hai diễn biến. Khi đứng trước những chỉ trích nội bộ ngày càng gia tăng với đường lối cầm quyền của mình, Tập Cận Bình đã đi tìm sự hỗ trợ từ các tỉnh, từ các lãnh đạo vùng, các cán bộ cao cấp trong các thành phố lớn. Kỳ lạ thay, từ những nhân vật chính trị nặng ký địa phương này không hề có sự hồi âm ủng hộ nào cả. Sự tổn thương uy tín của Tập còn thể hiện qua diễn biến thứ hai: Ông ta bị chỉ trích công khai bởi chính những người trí thức hàng đầu trong nước. Họ cáo buộc ông ta đã cản trở sự cởi mở của Trung Quốc và đi ngược với chính sách cải cách thị trường dưới thời Đặng Tiểu Bình. Và họ cũng bất mãn khi ông Tập đem ra sử dụng lại các mô thức cai trị của Mao Trạch Đông, chẳng hạn như tôn sùng cá nhân và cầm quyền suốt đời. ZEIT ONLINE: Ông Chủ tịch nước và phe ủng hộ ông ta sẽ phản ứng như thế nào với tình trạng bất mãn này?Willy Lam: Tập Cận Bình là một người rất ngoan cố, ông ta sẽ không quay lại với chính sách cải cách của Đặng Tiểu Bình đâu. Nhưng Tập sẽ tìm kiếm sự thỏa hiệp với các thành phần bất mãn của giới chóp bu và có lẽ phải chia sẻ quyền lực với các địch thủ của mình trong đảng. ZEIT ONLINE: Trong lịch sử gần đây, có khi nào một lãnh đạo đảng bị chỉ trích nhiều như Tập Cận Bình hay không?Willy Lam: Không, đây là lần đầu tiên. Lấy thí dụ Hồ Cẩm Đào, người tiền nhiệm của Tập. Hồ là một nhà chính trị yếu hơn nhiều, được ít hỗ trợ từ quân đội và đảng hơn. Nhưng uy tín của ông Hồ không bao giờ bị đe dọa như ông Tập ngày nay, nhất là khi chúng ta nhìn trong bối cảnh ông Tập là một nhà cầm quyền cứng rắn hơn, kiểm soát công an và quân đội mạnh hơn nhiều. Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng ông Tập bị áp lực rất lớn từ bên ngoài, bởi vì cuộc chiến thương mại cuối cùng thực ra là một biểu hiện của cuộc xung đột văn hóa giữa một bên là thuyết kinh tế tư bản laissez-faire, do Mỹ dẫn đầu phương Tây, và bên kia là thuyết kinh tế tư bản nhà nước, chủ yếu tập trung vào kiểm soát chặt chẽ, do những người cộng sản chuyên chế ở Trung Quốc chủ trương. Tuy Trung Quốc đã có nhiều thành công ngoạn mục trong những thập kỷ gần đây, nhưng hôm nay Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ bị lép vế trong cuộc chạy đua này. Người Trung Quốc đã nhìn ra những mặt yếu kém của mô hình Trung Quốc và chính điều này làm tổn hại nghiêm trọng đến tính chính danh cầm quyền của Đảng CSTQ. Chú thích: Willy Lam là Phó Giáo sư về ngành Nghiên cứu Trung Quốc tại Viện Đại học Hồng Kông. Willy Lam được biết đến như là một trong những chuyên gia am tường về tầng lớp ưu tú của Trung Quốc, về Đảng CSTQ và lãnh tụ của nó là Tập Cận Bình. Willy Lam là tác giả của năm cuốn sách về Trung Quốc, trong đó có cuốn "Chính trị Trung Quốc trong kỷ nguyên của Tập Cận Bình: Phục hưng, cải cách, hay thoái bộ?". N.V.V. Dịch giả gửi BVN | |
Mùa hè đấy bất mãn ở Trung Quốc Posted: 06 Aug 2018 06:11 PM PDT Phạm Nguyên Trường dịchCách đây 5 tháng, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định để Tập Cận Bình cầm quyền vĩnh viễn, những người bình thường cho rằng uy quyền trong nhà nước độc đảng Trung Quốc của ông ta mạnh đến mức không ai dám tấn công quyền lực của ông ta. Mọi thứ đã thay đổi như thế nào?
Nhà lãnh đạo Trung Quốc - Tập Cận Bình. Ảnh: Project-syndicate Chính trị có một thói quen rất khó chịu là làm cho chúng ta ngạc nhiên - đặc biệt là ở đất nước như Trung Quốc, nơi minh bạch thì ít mà mưu đồ thì nhiều. Cách đây 5 tháng, Chủ tịch Tập Cận Bình đã bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước và thể hiện ý định phục vụ suốt đời làm cho cả nước kinh hoàng. Nhưng cái làm người ta thực sự ngạc nhiên lại diễn ra sau đó. Khi Tập [Cận Bình] tuyên bố như thế, người ta cho rằng uy quyền trong nhà nước độc đảng Trung Quốc của ông ta mạnh đến mức không ai dám tấn công quyền lực của ông ta. Hiện nay Tập [Cận Bình] đang đứng trước một mùa hè tồi tệ nhất kể từ ngày ông ta lên cầm quyến vào tháng 11 năm 2012 – những tin tức xấu thường xuyên xuất hiện làm cho nhiều người Trung Quốc, nhất là giới ăn trên ngồi trốc cảm thấy thất vọng, lo lắng, bực bội, bất lực và bất mãn với nhà lãnh đạo đầy quyền lực của mình. Tin xấu mới nhất, lan ra hồi cuối tháng trước. Đấy là các nhà điều tra của chính phủ đã phát hiện ra một công ty dược phẩm đã sản xuất vaccines ngừa bệnh bạch hầu, bệnh uốn ván và ho gà không đủ tiêu chuẩn và đưa dữ liệu giả về vaccine ngừa bệnh dại. Hàng trăm ngàn trẻ em trên khắp Trung Quốc đã bị tiêm vaccine rởm. Tất nhiên là, trước đây ở Trung Quốc cũng đã có nhiều vụ bê bối tương tự như thế - từ công thức sữa bẩn cho trẻ em đến thuốc làm loãng máu chứa tạp chất - các doanh nhân tham lam và các quan chức tham nhũng bị đưa ra tòa. Nhưng Tập [Cận Bình] đã đặt cược khá nhiều vốn liếng chính trị vào việc bài trừ tham nhũng và tăng cường những biện pháp kiểm soát. Sự kiện một công ty tư nhân có liên hệ với nhiều quan chức chop bu lại rơi vào trung tâm của vụ bê bối vaccine là bằng chứng cực kì khó chịu, chứng tỏ rằng công cuộc phòng chống tham nhũng từ trên xuống của Tập [Cận Bình] không hiệu quả như người ta tuyên bố. Hậu quả ngoài ý muốn của việc củng cố quyền lực của Tập [Cận Bình] là ông ta phải chịu trách nhiệm về vụ bê bối - ít nhất là trong mắt dân chúng Trung Quốc. Nhưng, cuộc công kích nhắm vào Tập [Cận Bình] bắt đầu trước khi vụ rắc rối về vaccine bị phát giác. Lo lắng về tệ sùng bái cá nhân đã gia tăng một cách từ từ. Trong những tháng gần đây, những người trung thành với Tập [Cận Bình] đã làm hết sức mình để nâng uy tín của ông ta lên. Ngôi làng lẻ loi mà Tập [Cận Bình] sống như một người nông dân trong giai đoạn Cách mạng Văn hóa đã được coi là cội nguồn của "kiến thức tuyệt vời" và trở thành điểm du lịch với rất đông người tham quan. Đối với một số người, chuyện này làm người ta nhớ lại hình ảnh gần như thánh thần mà người ta gán cho Mao Trạch Đông. Chính việc sùng bái như thế mà "Đại nhảy vọt" và "Cách mạng Văn hóa" đã làm hàng triệu người chết và phá hủy gần như toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc.
Cuốn sách về "Tư bản thân hữu Trung Quốc" cho thấy các nhóm thân hữu đã chi phối quyền lực, thao túng quyền lực để cuối cùng lấy cắp tài sản quốc gia rồi chia chác cho nhau diễn ra ở Trung Quốc như thế nào. Ảnh: Doanh Nhan Plus Và, trên thực tế, tin tức kinh tế của Trung Quốc hiện nay là đáng thất vọng; giá cổ phiếu trong năm nay đã giảm tới 14%. Cách đây ba năm, đứng trước sự kiện là giá cổ phiếu giảm mạnh, Tập [Cận Bình] đã hạ lệnh cho các công ty quốc doanh mua cổ phần nhằm chống đỡ cho thị trường. Nhưng, ngay khi người ta không còn bị buộc phải mua cổ phiếu, thị trường lại sụt giảm một lần nữa, đấy là do dự trữ ngoại hối đã cạn kiệt. Lần này Tập [Cận Bình] không mắc lỗi ngu ngơ về kinh tế như trước, nhưng thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ ra sao vẫn là một câu hỏi chưa có câu trả lời. Và có nhiều tin xấu hơn về kinh tế. Đồng nhân dân tệ đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 13 tháng, và trong khi tăng trưởng GDP dường như đang đi đúng hướng nhằm đáp ứng mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2018, nền kinh tế đang có dấu hiệu suy yếu. Đầu tư, mua bán bất động sản và tiêu dùng tư nhân đều đang chậm lại, buộc chính phủ không thể tiếp tực cắt giảm nợ công và cấp thêm tiền nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, tình hình kinh tế tồi tệ nhất là cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ. Mặc dù người ta vẫn chưa cảm nhận được tác động kinh tế cuộc chiến này, cuộc xung đột thương mại mà Tổng thống Mỹ, Donald Trump, khởi xướng có thể là thách thức gay go nhất mà Tập [Cận Bình] phải đối mặt cho đến lúc này. Vì cuộc chiến này vượt ra khỏi lĩnh vực kinh tế. Thứ nhất, Tập [Cận bình] thúc đẩy "Giấc mộng Trung Hoa", tức là đất nước phải trở lại thành siêu cường quốc tế. Nhưng, khi cuộc chiến thương mại nổ ra, Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường và công nghệ Mỹ. Không những không phải là nước bá chủ vừa được cải lão hoàn đồng, sẵn sàng tái định hình nền kinh tế toàn cầu, Trung Quốc của Tập [Cận Bình] cho người ta thấy đấy chỉ là gã khổng lồ chân đất sét mà thôi. Ảnh hưởng địa chiến lược là rất lớn, khó có thể phóng đại thêm. Trong 40 năm qua, kể từ khi Đặng Tiểu Bình bắt đầu đưa Trung Quốc ra khỏi thời đại tối tăm của Mao, đất nước này đã đạt được tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế chưa từng có. Nhưng tiến trình đó sẽ là không thể - hoặc, ít nhất, chậm hơn nhiều – nếu Trung Quốc không tiếp tục giữ vững chính sách hợp tác với Mỹ. Trong giai đoạn cầm quyền của mình, Tập [Cận Bình] đã chấm dứt chính sách đó, đặc biệt là những hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Những sự kiện này cho ta kết luận đơn giản: Trung Quốc đang lạc đường. Điều này có ảnh hưởng lớn đối với giới ăn trên ngồi trốc ở Trung Quốc, có thể cảm nhận được thất vọng của họ - thất vọng lại đang gia tăng. Tuy nhiên, mặc dù có những tin đồn về việc các nhà lãnh đạo già nua, đã về hưu, đang chống lại ông ta, dường như Tập [Cận Bình] sẽ không bị người ta hất cẳng. Ông ta vẫn nắm chắc bộ máy an ninh và quân đội của đất nước độc đảng này. Hơn nữa, ông ta không có đối thủ đủ can đảm hoặc có ảnh hưởng thực sự, có thể thách thức được quyền lực của mình, như Đặng Tiểu Bình và các nhà cách mạng kỳ cựu khác đã làm vào năm 1978, khi họ hạ bệ được Hoa Quốc phong - được Mao chỉ định trở thành lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, đối với Tập [Cận Bình] con đường phía trước vẫn đầy chông gai. Nếu tiếp tục theo đuổi đường lối hiện tại, thì sau mỗi lần vấp ngã, nhân dân Trung Quốc sẽ ngày càng có nhận thức tiêu cực về khả năng lãnh đạo của ông ta. Tuy nhiên, quá trình thay đổi cũng có thể làm làm hại uy tín của Tập [Cận Bình], vì nó buộc người ta phải công nhận rằng đã có những nhận định sai lầm – đấy là vấn đề đối với tất cả các nhà lãnh đạo, nhưng đặc biệt có hại đối với những người cứng rắn như Tập [Cận Bình]. Và Tập [Cận Bình] sẽ buộc phải chấp nhận một số chính sách mới, mặc dù chúng xung đột với khuynh hướng tự nhiên và những giá trị mà ông ta coi trọng. Rủi ro là có thật. Nhưng có lẽ Tập không có nhiều lựa chọn, ngoài việc đương đầu với nó. Mùa hè đầu bất mãn ở Trung Quốc cho thấy một cách rõ ràng rằng, ông ta cần một chiến lược mới. P.N.T. VNTB gửi BVN |
You are subscribed to email updates from Bauxite Việt Nam. To stop receiving these emails, you may unsubscribe now. | Email delivery powered by Google |
Google, 1600 Amphitheatre Parkway, Mountain View, CA 94043, United States |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét