“Vì sao quan chức Việt bắt đầu thích… tị nạn chính trị?” plus 7 more |
- Vì sao quan chức Việt bắt đầu thích… tị nạn chính trị?
- Tran Duc Anh Son: XIN TRẢ LỜI CÁC BẠN
- TỰ DO, ĐỘC LÂP, NHÂN BẢN, DẤN THÂN- CÁCH TÂN SÁNG TẠO NĂM NĂM MỚI BẤY NHIÊU NGÀY
- Đây ! Gia đình Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Nhân Chiến làm quan ở Bắc Ninh
- Đã đến lúc Trung Quốc thừa nhận kinh tế mất đà
- Người dân đếm xe ở BOT: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra
- LHQ mở trại tị nạn cho người Venezuela ở Colombia
- Trung Quốc hợp pháp hoá quyền mật thám
Vì sao quan chức Việt bắt đầu thích… tị nạn chính trị? Posted: 10 Mar 2019 03:53 PM PDT Thường Sơn (VNTB) - Sau hàng loạt cái tên Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Trịnh Xuân Thanh, Đỗ Đình Duy, Lê Chung Dũng thuộc 'họ dầu khí', Phan Văn Anh Vũ… phải 'ra đi tìm đường cứu nước' vào hai năm 2016, 2017 và 2018 - hoặc bằng 'thẻ xanh' hoặc đào thoát, đến đầu năm 2019 đã xuất hiện một hiện tượng 'lạ' khác: một sĩ quan quân đội Việt Nam cũng đang tìm cách xin tị nạn chính trị. Từ bản tin VOA Ngày 4/3/2019, một người đàn ông gọi cho VOA Việt Ngữ, nói rằng ông tên là Lê Quang Hiếu Hùng, cựu quân nhân làm việc cho Bộ Quốc phòng Việt Nam, hiện đang bị bắt giam ở nhà tù Cuba. "Tôi tên là Lê Quang Hiếu Hùng, sinh ra ở Việt Nam và hiện nay đang có quốc tịch Grenada ở vùng Caribe. Tôi bị chính phủ Việt Nam yêu cầu cảnh sát Cuba bắt tôi. Việc bắt giữ này là trái phép. Hiện tôi đang bị giam ở nhà tù La Condesa." Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng Việt Nam ra lệnh truy nã ông Lê Quang Hiếu Hùng, người hiện được cho là bị Cuba tạm giam. Ông Hùng cho biết nguyên nhân ông bị Việt Nam ra lệnh bắt: "Người ta nói Interpol Việt Nam đăng tin là tôi pha chế xăng dầu giả. Tôi từng là một quân nhân trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, thuộc Bộ Quốc phòng của Việt Nam. Tôi không có sai phạm như cáo buộc. Đây là một việc chính trị. Tôi đã xin tị nạn chính trị tại Mỹ… Đã có tình báo của Việt Nam tại Mỹ tìm tôi tại Mỹ và hăm dọa tôi, nên tôi đã rời khỏi nước Mỹ." Báo Công an Nhân dân vào tháng 11/2018 loan tin rằng ông Lê Quang Hiếu Hùng, 44 tuổi, ngụ tại Tp. HCM, nhân viên quốc phòng thuộc Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô, đã bị Cơ quan Điều tra hình sự các Tổ chức sự nghiệp, Bộ Quốc phòng, ra lệnh truy nã theo một quyết định đề ngày 22/10 với tội danh "sản xuất, buôn bán hàng giả, quy định tại Điều 192 Bộ Luật hình sự." Từ Virginia, bà Nguyễn Thụy Tú Quỳnh, vợ của ông Hùng, cho VOA biết chồng bà đã rời Mỹ hôm 8/2 và tìm cách đến Grenada nhưng đã bị bắt ở Panama: "Khi tới Panama thì bị Hải quan ở đó giữ lại trong một ngày. Ngày hôm sau thì bị đưa về Cuba và bị giam ở đó cho tới bây giờ. Sau khi ở đó hơn 1 tuần, anh được phép gọi về báo cho tôi biết tình trạng như vậy. Theo một viên đại úy trong nhà tù ở đó cho anh biết thì trong 4 ngày nữa anh sẽ bị công an Việt Nam qua để đưa anh về nước." Theo bà Tú Quỳnh, ông Hùng từng mang cấp hàm thiếu tá, Trưởng phòng Kinh doanh của Chi nhánh Đầu tư Xây dựng Miền Nam, thuộc Tổng Công ty Lũng Lô, dưới trướng của Đại tá Trần Văn Đồng, cựu Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Lũng Lô. Bà Quỳnh cho biết Đại tá Đồng vừa bị Bộ Quốc phòng tiến hành thanh tra vào tháng 6/2018 về những sai phạm với vai trò Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Lũng Lô… Vì sao? Trong khoảng 6 năm qua, trong giới đại gia và quan chức, đặc biệt ở khu vực Hà Nội, đã khá phổ biến kinh nghiệm cần một khoản chi phí 500.000 đô la để được nhập tịch Canada và Mỹ. Ngay trước Đại hội XII của đảng cầm quyền, một đơn thư gửi đến Bộ Chính trị đã tố cáo bà Nguyễn Thị Thanh Phượng, con gái thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng, có quốc tịch Mỹ… Dù chẳng ai dám nói trắng ra, nhưng nhiều quan chức và thương gia đều ngầm hiểu với nhau là việc có thêm một quốc tịch nước ngoài mà do đó vi phạm luật Việt Nam là "chẳng có gì xấu trong tình hình hiện nay". Mà tình hình hiện nay lại là một núi lửa đang chực chờ phun trào, bao gồm những biến động chính trị nội bộ không thể lường trước, làn sóng phản kháng xã hội của các tầng lớp nhân dân ngày càng dữ dội, trong đó phải kể đến tâm lý "hồi tố tài sản tham nhũng" và sự trả thù của người dân một khi chế độ không còn nằm trong tay lớp quan lại nhũng nhiễu. Nhiều thông tin không chính thức cho biết nhiều quan chức trung cấp, trong đó có cả những cái tên cụ thể, đang làm việc cho có và dường như chỉ chờ cơ hội thuận lợi là xin nghỉ việc để cùng gia đình đến một nước nào đó định cư, kể cả việc phải trả lại thẻ đảng hoặc giấu biến gốc gác đảng viên đảng cộng sản. Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Canada… là những điểm đến đầy hấp dẫn. Với quan chức cao cấp (từ bộ trưởng trở lên), tin tức về tài sản, tâm trạng và đường đi nước bước của họ kín đáo hơn. Tuy nhiên thỉnh thoảng cũng xuất hiện một cái tên nào đó đang nhấp nhổm "hưu non" và"chờ vé bay". Nhưng tình trạng vợ con của một số trong giới quan chức trung – cao cấp từ lâu đã ung dung ở các nước phương Tây thì không thể che mắt thiên hạ. Không thiếu gì bằng chứng về các công tử "ăn chơi nhảy múa" và sắm xe xịn, mua nhà không cần trả giá bên trời tây bằng tiền của cha mẹ. Trong những năm gần đây, làn sóng "ra đi tìm đường cứu nước" của giới quan chức và người giàu Việt Nam có nhiều dấu hiệu tăng vọt. Theo hồ sơ Panama, chỉ riêng trong năm 2015, lượng ngoại tệ từ Việt Nam chuyển ra nước ngoài đã lên tới 19 tỷ USD. Tình hình trên diễn ra trong bối cảnh "lò" của ông Nguyễn Phú Trọng đang rừng rực cháy ở Việt Nam, đầy triển vọng biến năm 2018 và cả vài năm sau đó thành một chiến trường "truy sát tham nhũng" mà sẽ khiến không chỉ quan chức cấp trung ương mà cả nhiều quan chức cấp địa phương bị tống vào "lò". Có lẽ vụ Trịnh Xuân Thanh trốn sang Đức vào nửa cuối năm 2016 và sau đó làm hồ sơ xin tị nạn chính trị ở Đức khá 'thành công' đã kích thích nhiều quan chức tham nhũng khác đi theo con đường đó, thậm chí còn có thể tự biến thành… nhà hoạt động nhân quyền bị đàn áp. Trong cuộc gọi điện cho đài VOA, Thiếu tá Lê Quang Hiếu Hùng đã không hề chứng minh rằng vụ việc của anh ta là 'việc chính trị', trong khi lại có khá nhiều dấu hiệu cho thấy Hùng dính vào một vụ làm ăn phi pháp vốn đầy rẫy ở Việt Nam. Dự liệu là sau trường hợp của Lê Quang Hiếu Hùng, sẽ có thêm những quan chức Việt 'ra đi tìm đường cứu nước' ở xứ 'tư bản giãy chết', mà nếu phương thức lo thẻ xanh không thật an toàn thì chắc chắn họ sẽ không ngần ngại tìm ra một lý do nào để tị nạn chính trị. Nhưng muốn được các quốc gia phương Tây hoặc Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn chấp nhận tư cách tị nạn chính trị, những quan chức Việt này lại phải chứng minh được là họ có những hoạt động bất đồng hoặc đối lập với chính quyền cộng sản ở Việt Nam và đã bị đàn áp. Làm thế nào để họ có thể 'kiến tạo' được một hồ sơ đắt giá đến thế? Liệu họ có dám đứng lên đối kháng với chính quyền như giới đấu tranh dân chủ nhân quyền đã làm? T.S. VNTB | ||
Tran Duc Anh Son: XIN TRẢ LỜI CÁC BẠN Posted: 10 Mar 2019 03:38 PM PDT
Hai ngày qua có quá nhiều người hỏi tôi (thông qua nhiều các liên lạc khác nhau) là tôi đã viết gì trên FB, dẫn đến việc vi phạm quy định của Đảng cộng sản Việt Nam, nên bị khai trừ ra khỏi Đảng. Tuy nhiên hai ngày qua tôi bận bù đầu cho cái tham luận CERAMICS IN SHIPWRECKS EXCAVATED IN VIETNAM'S SEA FROM THE 1990S TO THE PRESENT: ORIGIN AND TRADE ROUTES để tham gia một cuộc hội thảo quốc tế về "Mạng lưới hải thương châu Á trong lịch sử", và phải hoàn tất bài phản biện đề tài khoa học "Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội biển đảo Khánh Hòa đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030", do TS. Hoàng Văn Phai, Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng làm chủ nhiệm đề tài. Tôi phải nộp bài phản biện trước ngày mai để Hội đồng họp đánh giá vào ngày 14/3 tại Nha Trang (Khánh Hòa). Vì thế tôi ngưng liên lạc với mọi người để tập trung tinh thần và trí lực, làm cho xong hai việc này. Nay việc đã xong, tôi có chút thời gian hiếm hoi, trước khi bắt tay viết tham luận "Bảo tồn di sản văn hóa Phật giáo ở Hàn Quốc - Một vài dẫn chứng và bài học kinh nghiệm" để tham gia tọa đàm TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA PHẬT GIÁO VIỆT NAM & HÀN QUỐC, tổ chức tại chùa Quán Thế Âm (Thành phố Đà Nẵng) vào ngày 23/3/2019 (nhằm ngày 18 tháng 2 năm Kỷ Hợi). Vì thế, tôi xin trả lời câu hỏi của quý vị như sau: Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng ra quyết định khai trừ tôi ra khỏi Đảng cộng sản Việt nam, vì tôi đã đăng 3 status sau trên Facebook cá nhân của mình: 1. Status đăng ngày 5/8/2018: HỎI VÀ "TRẢ LỜI" - Ngày 2/8/2018, báo Tuổi Trẻ hỏi Phùng Xuân Nhạ: "Bộ trưởng nhận trách nhiệm, RỒI SAO NỮA?" - Ngày 4/8/2018, báo Người Lao động "trả lời giúp": Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lên Tây nguyên dự khánh thành trường dân lập (https://nld.com.vn/…/bo-truong-phung-xuan-nha-day-lam-nguoi…) Trạng Trình nói rồi: "Thớt có tanh tao, ruồi đổ đến. Gang không mật mỡ, kiến bò chi?". Vậy, theo quý vị Phùng Xuân Nhạ là ruồi, hay là kiến? Nhưng theo tôi, y chắc chắn không phải là NGƯỜI. NGƯỜI NƯỚC HUỆ (@ Đà thành, Quảng Nam quốc). Status này tôi có đăng kèm 2 bức ảnh lấy từ các bài báo trên 2. Status đăng ngày 18/8/2018: Status này chỉ có 4 chữ: TẬN CÙNG TRƠ TRẼN, kèm theo link bài viết "Chiêu thức chống phá mới của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa" của PGS, TS. ĐỖ MẠNH HÒA (Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự), đăng trên báo điện tử Công an nhân dân, cách đó mấy ngày. 3. Status đăng ngày 02/9/2018: Đây là một bức hí họa, do ai đó tag vào Facebook của tôi vào sáng 2/9/2018. Trưa hôm đó tôi mở FB ra, thấy cái hình này đang ở chế độ chờ, nên tôi cho nó hiển thị và viết thêm câu hỏi: "Có phải như ri không mấy hia mấy chế". Lúc đó khoảng hơn 12g trưa. Chừng 30 phút sau thì anh Nguyễn Phú Thái, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng gọi điện thoại nói tôi xóa cái status có hình vẽ trên vì có người phản ứng với anh. Tôi đã xóa ngay. Uỷ ban Kiểm tra thành ủy Đà Nẵng đã tổ chức 1 đoàn kiểm tra, bắt đầu từ ngày 20/11/2018 để xác minh việc này và yêu cầu tôi giải trình và kiểm điểm 6 lần, qua nhiều cấp khác nhau. Trong cả 6 lần đó, tôi đều nói tôi không sai khi đăng 2 status 1 và 2 và có giải trình cụ thể; đồng thời nhận sơ suất khi để cái hình hí họa ấy hiện lên trên FB của mình trong 30 phút. Tuy nhiên Ủy ban Kiểm tra nói là tôi đã vi phạm các quy định của đảng về việc những điều đảng viên không được làm. Và đây là lần thứ 2 tôi vi phạm điều này. Lần trước đã nhận án kỷ luật Cảnh cáo, thì lần này phải nhận án cao hơn là Cách chức (trong đảng) hoặc Khai trừ. Tôi chỉ là một đảng viên thường, không có chức vụ gì trong đảng, nên họ không áp dụng mức Cách chức, mà áp dụng mức cao nhất là Khai trừ. Tôi chấp nhận điều đó. Không phản ứng kiện cáo gì. Mọi chuyện với tôi chỉ có như vậy thôi. Còn có lý do lý trấu gì ở phía sau hay không thì tôi không rõ. Thứ 2, tôi cũng đính chính 1 thông tin mà báo điện tử Một Thế Giới đã đăng là tôi đã nộp đơn xin từ chức Phó Viện trưởng sau vụ bị kỷ luật. Tin này không đúng. Tôi chỉ nộp đơn xin thôi việc ở Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng vào ngày 1/2/2019, vì tôi đã tìm được một công việc mới phù hợp với năng lực và niềm đam mê của mình. Tôi đang chờ cấp trên ra quyết định cho nghỉ việc để sang làm việc ở nơi mới. Tất nhiên, việc xin nghỉ việc cũng đồng nghĩa với thôi chức Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng và thôi chức Tổng biên tập tạp chí Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng mà tôi đang giữ. Chỉ có vậy thôi. Cám ơn tất cả quý vị đã quan tâm đến câu chuyện của tôi, cả những người chia sẻ, ủng hộ tôi lẫn những người chê bai, cạnh khóe tôi vì chuyện này. Đời người sống được bao lăm mà cứ phải cất những phiền toái này trong lòng. Tôi vứt bỏ nó đi cho nhẹ nhàng. Bây giờ tôi đi viết tham luận tham gia tọa đàm Phật giáo đây. Thầy Thích Huệ Vinh gọi điện và gửi mail thúc quá trời. Mà tôi thì không muốn thầy ấy buồn vì sự chậm trễ của mình. Rứa hỉ. NGƯỜI NƯỚC HUỆ (một ngày Chủ nhật dự là sẽ bận rộn) | ||
TỰ DO, ĐỘC LÂP, NHÂN BẢN, DẤN THÂN- CÁCH TÂN SÁNG TẠO NĂM NĂM MỚI BẤY NHIÊU NGÀY Posted: 10 Mar 2019 03:15 PM PDT Nguyên Ngọc Tại sao giữa một xã hội đang răm rắp sít sao một bề như ai cũng biết, ta lại bỗng chơi trò đi lập ra một cái "đoàn" gọi là "độc lập". Và vậy thì thực chất cái ta gọi là độc lập đó là gì, nói như các nhà khoa học, ta nên "định hình" nó như thế nào, hoặc cho ra giọng hàn lâm, "bản sắc" nó là gì… Hóa ra có thể có không ít câu hỏi không đơn giản về cái việc ta đã làm, đang làm, ít nhất là trong một xã hội như ta đang sống. Thật may và thật thú vị, có một người đã trả lời câu hỏi đó hộ chúng ta, mà là trả lời hết sức rõ ràng và đích đáng, thật thà đến kinh ngạc... ( Hà Nội 9.1.2019)Tại lễ tổng kết trang trọng hoạt động của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam hớn hở loan báo với bốn vạn hội viên của ông rằng: Anh em ơi, "Nhà nước vẫn nuôi anh em chúng ta" đấy anh em ạ! Tin vui lớn, rất lớn, thậm chí là tin vui sống còn! Có thể hiểu sự thể là thế này: trước đây Nhà nước từng nuôi "anh em chúng ta", rồi tới một ngày đẹp trời nào đó, một bộ phận nào đó trong Nhà nước ấy bỗng sực thấy ra không nên nuôi "anh em chúng ta" nữa, tốn kém lắm mà chẳng được tích sự gì, cứ thả cho "anh em chúng ta" tự sống lấy, liệu tự sống lấy được thì sống, không được thì… thôi. "Anh em chúng ta" bỗng hoảng hốt quá, thế này thì chết đến nơi cả lũ rồi. Ông Chủ tịch của "anh em chúng ta", vốn rất tận tụy, bèn khổ công chạy hết chỗ này đến chỗ nọ, thống thiết và kiên trì trình bày những trăn trở đau đớn này của "anh em chúng ta" cho đến tận lãnh đạo cao nhất. Cuối cùng nỗ lực lớn của ông đã thành công lớn, thỉnh cầu, xin xỏ của ông đã được đáp ứng, mừng ơi là mừng, Nhà nước bảo thôi thì Nhà nước lại "vẫn tiếp tục nuôi anh em chúng ta" vậy, ông báo như reo lên vừa cười lớn (có kèm ảnh làm bằng hẳn hoi). Vậy là rõ rồi, Ban Vận động thành lập Văn đoàn độc lập đã ra đời (3.2014), trước tiên để nói rằng chúng tôi, những người cầm bút này, không thuộc bốn vạn "anh em chúng ta" của ông Chủ tịch đi xin ăn nọ. Chúng tôi không cầm bút để được Nhà nước nuôi để Nhà nước dùng. Chúng tôi là những người cầm bút không muốn để cho ai dùng mình cả. Có thể có một câu châm ngôn mới: "Hãy nói cho tôi biết ai nuôi và dùng Hội của anh, tôi sẽ nói cho anh biết Hội của anh là cái thứ Hội gì!". Sống bằng gì, vậy mà rất quan trọng, nó quyết định đến cả cái ta gọi là bản chất của cái hội đó, và dẫu muốn hay không, tất nhiên của cả người cầm bút tự nguyện ở trong đó nữa. Điều này, chính ông Chủ tịch vừa kể trên đã bộc bạch, thống thiết mà lại còn có ý khoe sự lên giọng dũng cảm đe dọa của ông nữa. Ông tuyên bố với Nhà nước: Nếu các vị không chịu nuôi "anh em chúng ta" của tôi nữa thì Nhà nước sẽ "mất đi một đội quân bốn vạn chiến sĩ bảo vệ mặt trận văn hóa tư tưởng của đất nước!". Vậy mà, như mọi người đều thấy, ở cái nước này, ông đã dọa được thật. Nhà nước đã thôi thì lại phải chịu tiếp tục "nuôi anh em chúng ta" của ông. Cám ơn Ông Chủ tịch quá, bằng bộc bạch không thể thật thà hơn, ông đã giúp định hình Văn đoàn chúng tôi rất rõ ràng: Chúng tôi không cầm bút để "bảo vệ mặt trận văn hóa tư tưởng" của cái mà ông gọi nhầm là "đất nước" đó. Ai muốn làm việc ấy thì cứ đi mà làm, chúng tôi không liên quan. Còn chúng tôi, chúng tôi làm chuyện khác, chúng tôi cầm bút vì điều khác, vì những điều mỗi chúng tôi suy nghĩ và tin, muốn chia sẻ niềm tin hay trăn trở của mình về niềm tin đó cho đồng loại. Có lần tôi đã nói ở đâu đó, nay cho phép tôi được nhắc lại, rằng đương nhiên không nên coi thường quá cái gọi là chức năng và sức mạnh của văn học, nhưng cũng chẳng nên cường điệu đề cao nó quá. Nhà văn nói cho cùng cũng chỉ có thể làm mỗi một việc: đề nghị với mọi người một cách nhìn, cách nhìn riêng của anh ta về mọi sự trên đời. Tôi nhớ cách đây không lâu lắm trên một tờ báo lớn ra hằng ngày ở Pháp, ngay ở một góc về bên phải cuối trang nhất, ngày nào cũng có một mục rất nhỏ mà rất thú vị, thường không quá một trăm chữ, được đóng khung đậm, tên là "Nhưng ông Wurmser nói rằng …" ("Mais Wurmser dit…"). Chẳng hạn trong ngày hôm đó có một vụ đình công ở nhà máy X, một vụ cháy nhà ở phố Y, một cô gái thất tình hay sao đó nhảy xuống sông Seine tự vẫn, một vụ kẹt xe kéo dài quá đáng ở đại lộ số…, một ông tổng thống đột nhiên tuyên bố từ chức, một bà nghị sĩ từ cánh hữu bất ngờ nhảy sang cánh tả, v.v. và v.v. Về vô số chuyện lớn nhỏ hằng ngày đó, mọi người bảo rằng ấy là do thế này hay thế nọ, ý nghĩa là thế này hay thế nọ… Nhưng ông Wurmser lại nói có thể nguyên do, ý nghĩa và hệ quả của chuyện đó không hẳn như các vị bàn đâu. Theo ông đúng ra nó là thế này cơ, cần nhìn thấy nó và nghĩ về nó, hiểu nó như thế này cơ… Ngày này qua ngày khác, suốt mấy chục năm không sót một ngày, ở cái góc nhỏ cuối trang nhất trên tờ báo ấy, rất ít khi quá một trăm chữ, bằng những nhận xét, suy nghĩ và bình luận riêng về mọi sự trên đời, từ góc nhìn và cách nhìn và cách nghĩ độc đáo, độc lập, khác lạ của riêng ông, từng ngày từng ngày, cuối cùng người đọc nhận ra một Paris, một nước Pháp, một thế giới hoàn toàn khác với những gì họ vẫn nhìn thấy, vẫn nghe nói và vẫn tưởng là. Một Paris, một nước Pháp, một thế giới do Wurmser đề nghị với họ. Đọc Wurmser liên tục nhiều năm, tôi nhận ra có vẻ ông không chủ ý tuyên truyền, áp đặt cách nhìn riêng của ông về thế giới. Ông chỉ gieo rắc hoài nghi. Ông bảo rằng người ta nói thế này, thế này, nhưng có thể còn có cách hiểu khác, thấy khác, như cách của tôi đề nghị đây chẳng hạn. Cũng có nghĩa là lại còn cách nhìn, thấy và hiểu khác hơn nữa. Những mẩu nhỏ liên tục nhiều chục năm của Wurmser kết nối chung lại sẽ thành một cuốn tiểu thuyết. Và tiểu thuyết, văn học, và chắc nghệ thuật nói chung là vậy, công việc của nó, đúng như Wurmser làm trên các trang báo hằng ngày của ông, là phá vỡ những cách nhìn cách nghĩ đã thành nếp, cũ kỹ và dễ dãi. Nó bảo con người cần dám hoài nghi những gì đã được coi là chân lý, kể cả những chân lý lớn. Để tự đi tìm cách nhận ra chân lý của chính mình, độc lập và tự do. Công việc của nhà văn hẳn cũng chính là vậy – và chỉ có thể là vậy: Gây hoài nghi về những chân lý có sẵn. Công việc của anh ta là tạo nên thêm cho mọi người những thế giới tưởng giống như thật mà lại không hề có thật, với bầu trời riêng, khí quyển riêng và những quy luật riêng của nó. Trong những thế giới đó sống những con người mà Milan Kundera gọi rất hay là những "cái tôi tưởng tượng" hay những "cái tôi thử nghiệm", với tất cả số phận hạnh phúc và đau khổ của họ. Làm vậy nhà văn bỗng khiến cho thế giới và các nhân loại của nó được nhân lên vô số lần mà mỗi lần lại khác nhau; khiến cho thế giới và nhân loại thật vốn chỉ có thể có một này trở nên nhiều và phong phú đến vô tận, cuộc sống vốn chỉ có một lần của mỗi người bỗng có thêm vô số dị bản khả dĩ, giàu có vô biên, cho phép ta thử nghiệm. Và mỗi người sẽ trở nên độc lập và tự do hơn bởi vì văn học đã đem đến cho họ vô vàn cơ hội để tưởng tượng và thử nghiệm lựa chọn sống… Chính bằng cách đó văn học, với nhận thức khiêm nhường về chức năng và sức mạnh của mình, góp phần làm cho xã hội và con người mỗi ngày tự do hơn, mạnh mẽ hơn, người hơn, vì biết và dám lựa chọn tự do hơn… | ||
Đây ! Gia đình Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Nhân Chiến làm quan ở Bắc Ninh Posted: 10 Mar 2019 03:07 PM PDT
BẮC NINH : cả nhà làm quan, cả họ vơ vét. Người ta biết tệ trạng tham nhũng, lạm quyền đã tới cao độ, nhưng khó tưởng tượng thực tế còn ghê rợn hơn Hà Văn Nam đã bị bắt bởi lên tiếng về BOT bẩn, trong đó có Bắc Ninh, Nam chỉ chỉ ra các điểm sai, riêng BOT Bắc Ninh Nam chỉ yêu cầu minh bạch, giảm phí cho nhân dân quanh trạm. Câu chuyện cả nhà bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh làm quan : 1. Bố: Nguyễn Nhân Chiến (sinh năm 1960) – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh. 2. Vợ ông Chiến: Ngô Thị Khường – Phó Trưởng Phòng Bảo hiểm Xã hội thành phố Bắc Ninh (bằng Đại học tại chức). 3. Con trai: Nguyễn Nhân Chinh (sinh năm 1984) – Tỉnh uỷ viên, Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Ninh (bằng Đại học tại chức). 4. Con trai: Nguyễn Nhân Đạt (sinh năm 1989) – Trưởng phòng Thi đua, khen thưởng của Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh (bằng ĐH tại chức). 5. Con dâu: Chu Thị Ngân (sinh năm 1984) – Trưởng phòng Dân vận của Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ. 6. Con dâu: Nguyễn Minh Huệ (sinh năm 1989) – Phó Trưởng phòng Kinh tế Đối ngoại của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh (ĐH tại chức) 7. Em ruột ông Chiến: Nguyễn Nhân Thắng – Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh (bằng ĐH tại chức). 8. Em ruột ông Chiến: Nguyễn Nhân Bình – Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân huyện Tiên Du (bằng ĐH tại chức). 9. Em dâu ông Chiến: Lại Thị Nguyệt – Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Bắc Ninh. Bà Nguyệt có bằng Trung cấp Dược sau đó học ĐH tại chức Dược. Việc bổ nhiệm 1 Dược sĩ làm GĐ Trung tâm Y tế có là khách quan ko? Tại sao ko phải là bổ nhiệm 1 Bác sĩ đa khoa? 10. Em dâu ông Chiến: Trần Thị Bích Liên – Trưởng phòng của Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Bắc Ninh (ĐH tại chức). 11. Em ruột ông Chiến: Nguyễn Thị Ngọc – Trưởng phòng Công tác Học sinh sinh viên của Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Bắc Ninh. (ĐH tại chức) 12. Em rể ông Chiến: Nguyễn Trọng Oanh – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Bắc Ninh (ĐH tại chức) 13. Anh con bác ruột ông Chiến: Nguyễn Nhân Lừng – Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bắc Ninh. 14. Cháu ông Chiến: Nguyễn Nhân Cường – Phó Trưởng phòng của Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh. 15. Cháu ruột ông Chiến: Nguyễn Hữu Thọ – Bí thư đoàn Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn. 16. Anh con bác ruột ông Chiến: Nguyễn Việt Giang – Giám đốc Quỹ phát triển đất tỉnh Bắc Ninh (ĐH Tại chức). 17. Cháu ông Chiến: Nguyễn Thu Hương – Phó Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường thành phố Bắc Ninh. (ĐH tại chức) 18. Cháu dâu ông Chiến: Tạ Thị Huyền – Cán bộ Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn. 19. Cháu ruột ông Chiến: Nguyễn Nhân Giang – Phó Trưởng công an huyện Tiên Du (ĐH tại chức) 20. Trưởng họ nhà ông Chiến: Nguyễn Nhân Công – Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá Kinh Bắc (ĐH tại chức). Ngoài danh sách 20 người kể trên còn có cả những người thuộc gia đình thông gia với nhà ông Chiến cũng được bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng trong bộ máy công quyền của tỉnh Bắc Ninh như: 1. Nguyễn Trọng Cường (cháu ruột ông Nguyễn Trọng Oanh) – Trưởng phòng Đăng ký Đất đai của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bắc Ninh. Anh Cường tốt nghiệp Thạc sĩ năm 2013, có thể năm đó anh ta được xét vào công chức Nhà nước. Tuy nhiên tại sao việc bổ nhiệm anh Cường làm Trưởng phòng của một Sở lại cấp tốc đến vậy? Và cơ sở nào để xét thu hút nhân tài anh Cường trong khi cả tỉnh Bắc Ninh từ khi tách tỉnh 1997 đến nay mới tổ chức thi tuyển công chức duy nhất 1 lần. 2. Chu Thị Thuý (em ruột Chu Thị Ngân) – Cán bộ của Sở Tài nguyên Môi trường (trường hợp tuyển dụng của chị Thuý giống với trường hợp anh Cường). 3. Chu Đăng Khoa; Sinh năm 1979 (Anh ruột Chu Thị Ngân) – Trưởng phòng Lao động- Thương binh và xã hội huyện Yên Phong (ĐH Tại chức) 4. Nguyễn Văn Lịch (em rể Chu Thị Ngân) – Đội trưởng đội Đăng ký xe của Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Bắc Ninh(ĐH Tại chức) Trong danh sách 24 người kể trên thì đa phần đều học tại chức sau một số đi học Thạc sĩ để xoá bằng ĐH tại chức. Và ngoài 24 người kể trên còn rất nhiều người là họ hàng nhà ông Chiến đang công tác ở những cơ quan, đơn vị sự nghiệp khác của tỉnh và huyện. | ||
Đã đến lúc Trung Quốc thừa nhận kinh tế mất đà Posted: 10 Mar 2019 02:46 PM PDT Phạm Nghĩa
Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đã ở trên một con dốc trơn trượt trong vòng 8 năm qua và chưa thấy dấu hiệu dừng lại. Tất cả những gì Trung Quốc cần bây giờ là một bức tranh rõ ràng hơn về tiềm năng thực sự của nước này và cách thức đạt được nó, nhất là trong bối cảnh nhiều bất ổn đang treo lơ lửng. Các quan chức Trung Quốc dường như vẫn tự tin rằng tăng trưởng kinh tế của nước này có thể đạt mức 6% vào năm 2019 dù dữ liệu thực tế báo hiệu điều ngược lại. Nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại đáng kể và Bắc Kinh cần nhanh chóng thừa nhận điều này. Trung Quốc có vẻ đã cường điệu và thiếu thực tế về những gì thực sự xảy ra đối với tăng trưởng kinh tế. Nền kinh tế toàn cầu trúng đòn mạnh từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và cú sốc sắp tới có thể còn lớn hơn, trừ khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới giải quyết được bất đồng. Dòng chảy thương mại thế giới chậm lại, kỳ vọng tăng trưởng bị ảnh hưởng và thị trường tài chính xáo trộn. Bắc Kinh vẫn còn cơ hội để điều chỉnh những hạn chế và giữ vị trí trong cuộc chơi - nhưng chỉ với điều kiện các chính sách đúng đắn được ban hành. Nền kinh tế Trung Quốc đang "khát" một cơ chế quản lý mạnh mẽ và một kế hoạch thực thi vững vàng. Những biện pháp nửa vời chẳng giúp được gì cho họ trong lúc này. Bắc Kinh cần các giải pháp sâu rộng, cụ thể, như: cắt giảm thuế nhiều hơn, giảm thâm hụt chi tiêu và nới lỏng chính sách tiền tệ. Nhưng Trung Quốc phải hiểu rõ các xu hướng trong quá khứ, hiện tại và tương lai để làm nền tảng đưa ra quyết định. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc nên hết sức thành thực về việc nền kinh tế nước mình đang mất đà. Thật vô nghĩa khi những tuyên bố tích cực về nền kinh tế cứ lặp đi lặp lại, khiến các nhà hoạch định chính sách loay hoay với những dự báo màu hồng, thiếu định hướng. Bắc Kinh cần hiểu rõ tất cả rủi ro tiềm tàng. Nếu phỏng đoán về tăng trưởng GDP chỉ đạt mức 4%-5% trong năm nay thì đó là một điều đáng báo động; còn nếu chỉ đạt mức 2%-3% thì chính phủ Trung Quốc sẽ phải bấm nút khẩn cấp. Đưa ra các dự báo dễ thở đối với mức tăng trưởng trong năm 2019 - khoảng 6%-6,5% - không đem lại điều gì khác ngoài việc phản tác dụng. Bắc Kinh nên từ bỏ khái niệm ổn định trong thời gian ngắn mà không cần tới các biện pháp can thiệp triệt để. Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đã ở trên một con dốc trơn trượt trong vòng 8 năm qua và chưa thấy dấu hiệu dừng lại. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm mạnh từ mức cao nhất 12,2% vào đầu năm 2010 xuống còn 6,4% vào cuối năm ngoái. Chiều hướng tiêu cực này nhiều khả năng tiếp tục nối dài. Ngoài những dự báo màu hồng, việc hoạch định chính sách cũng bị biến dạng bởi các dữ liệu thống kê của chính phủ Trung Quốc - vốn không xác định được điểm yếu trong nền kinh tế. Trong khi số liệu chính thức vẫn vẽ ra một bức tranh lạc quan vào lúc này, các số liệu tăng trưởng ít chính thống hơn lại chỉ ra một khía cạnh khác. Các lĩnh vực như mua bán xe hơi, thị trường nhà ở và khảo sát khu vực tư nhân cho thấy mức độ hoạt động thực sự của nền kinh tế đang sụt giảm đáng kể. Thậm chí, một số dữ liệu chính thức bị sai lệch. Chẳng hạn, chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) thể hiện sự lạc quan đang tiệm cận mức cao trong 25 năm. Ngược lại, các báo cáo của thị trường độc lập chỉ ra mối quan ngại sâu sắc hơn về cuộc chiến thương mại, nỗi lo mất việc làm và sức mua yếu hơn. Những điều này khiến người tiêu dùng chi tiêu cẩn thận hơn. Với chi tiêu tiêu dùng chiếm tới 2/3 tăng trưởng của Trung Quốc - là một động lực chính của GDP, điều này rất quan trọng. Tốc độ bán lẻ chậm hơn, sức mua xe hơi giảm và thị trường nhà đất "im hơi lặng tiếng" đều làm gia tăng nguy cơ giảm nhu cầu tiêu dùng. Do đó, chính phủ Trung Quốc nên cân nhắc cắt giảm thuế mạnh hơn, tạo thêm công ăn việc làm và cắt giảm chi phí cho vay. Niềm tin về kinh tế rất quan trọng đối với tăng trưởng nhưng nó đang bị tuột dốc. Một loạt cuộc khảo sát niềm tin kinh doanh cho thấy sản lượng của các nhà máy, lượng tuyển dụng mới, dự định đầu tư… đều lung lay và khả năng hồi phục bền vững vẫn chưa thấy đâu. Có thể Bắc Kinh đang hy vọng sớm đạt được đột phá trong thỏa thuận thương mại với Washington. Thế nhưng, điều này lại không phải là trọng tâm. Nền kinh tế trong nước của Trung Quốc hiện đối mặt nhiều rủi ro nhất và đó là nơi Bắc Kinh cần tập trung nhiều nỗ lực hơn. Mở "cổng xả lũ" trong lĩnh vực tiền tệ và tài chính là ưu tiên cấp bách hiện nay. Bắc Kinh phải nhận ra rủi ro và thức tỉnh trước khi quá muộn. | ||
Người dân đếm xe ở BOT: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra Posted: 10 Mar 2019 02:38 PM PDT "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" không chỉ là khẩu hiệu dân vận hoặc phương châm thực hiện chủ trương, đường lối mà phải trở thành một định chế và quyền làm chủ của nhân dân trong quản lý nhà nước xã hội chủ nghĩa (trích Tạp chí Cộng sản). Vậy việc người dân đếm xe ở BOT Ninh Lộc có đúng tinh thần đó không? Hãy lắng nghe ý kiến của các luật sư. Liên quan đến việc người dân lập nhóm đếm phương tiện tại BOT Ninh Lộc thời gian qua, luật sư Nguyễn Tiến Lập cho rằng người dân phải trực tiếp vào cuộc bởi họ e ngại các khoản tiền do chính mình bỏ ra để nộp phí đường sẽ có thể bị chiếm đoạt một cách bất minh. Luật sư Lập cho rằng cần phải đánh giá sòng phẳng và dám nhìn vào sự thật. Người dân tự bỏ công, bỏ sức để phục vụ hay làm thay các công việc của các cơ quan nhà nước thì tại sao lại ác cảm đối với họ? Hơn nữa, họ đang thực hiện các quyền cơ bản về giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước và tham gia quản lý xã hội đã được Hiến pháp quy định thì tại sao lại ngăn cản? Ông Nguyễn Tiến Lập cho rằng hiện tượng này phản ánh một trạng thái mới và một cấp độ cao trong nhận thức chính trị của người dân, rằng họ coi mình là người chủ thật sự của đất nước và của chính cuộc sống của họ. Đó không phải là điều tốt đẹp mà cả dân tộc chúng ta hằng mong ước và phấn đấu vươn tới hay sao? Ông Lập cho rằng giám sát độc lập bao giờ cũng khách quan, vô tư vì nó phi vụ lợi. Đối với những vấn đề quan trọng và phức tạp như việc thu phí đường BOT vừa qua, không thể có việc giám sát theo cách tự phát của cá nhân mà phải là hành động có tổ chức của người dân. "Tôi thấy nhiều người rất ngại hay thậm chí sợ việc người dân tự liên kết với nhau và tự tổ chức làm một việc gì đó mà không thông qua chính quyền. Họ cho rằng cái gì chính quyền không kiểm soát trực tiếp thì sẽ là tiêu cực và gây tổn hại cho trật tự công cộng. Đó chính là sự nhầm lẫn bởi cần hiểu rằng một xã hội văn minh và phát triển ở trình độ cao là ở đó có sự tự quản rộng lớn của người dân, cái được gọi là phát triển xã hội và phát triển cộng đồng", ông Lập nói. Trong khi đó, về khía cạnh này ở Việt Nam, ông Lập cho rằng vẫn còn rất yếu và kém hơn nhiều nước. Người dân thụ động và lệ thuộc quá nhiều vào chính quyền, làm cho chính quyền nhiều nơi thật sự quá tải và mệt mỏi. Đối với các dự án PPP, ông Lập cho biết rất nhiều nước đã thành lập các Trung tâm thông tin về lĩnh vực này, giao cho một cơ quan nhà nước quản lý, để cung cấp mọi thông tin chi tiết cho người dân và tiếp nhận các tư vấn từ chuyên gia cho mục đích quản trị minh bạch và hiệu quả các dự án này. "Lưu ý rằng các tổ chức xã hội đó là nơi thu hút rất nhiều chuyên gia giỏi, đặc biệt những người đã nghỉ hưu, đến tình nguyện làm việc. Đơn giản bởi ở đó họ tìm thấy tự do cá nhân và hạnh phúc của sự sáng tạo và cống hiến", ông Lập chia sẻ. Còn theo LS.Trần Minh Hùng - Đoàn Luật sư TP.HCM, hiện nay, các quy định của pháp luật liên quan đến dự án đầu tư BOT không quy định cụ thể người dân có quyền giám sát BOT hay không. Tuy nhiên, công dân có quyền được làm những gì pháp luật không cấm là điều đã được khẳng định rõ trong Hiến pháp. Cùng với đó, theo quy định tại Điều 28: "1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở,địa phương và cả nước. 2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân". Như vậy, luật sư.Hùng cho rằng việc người dân giám sát BOT không những không hề vi phạm pháp luật mà họ còn đang thực hiện quyền của một công dân. Đồng thời xét về việc giám sát, công dân là người có quyền giám sát cao nhất trong mọi hoạt động tư pháp, hành chính, kinh tế; quyền giám sát của các hoạt động cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, không có bất kỳ cơ quan hay người có thẩm quyền nào có quyền ngăn cấm quyền của công dân, trừ trường hợp đó là hành vi pháp luật cấm. Ông Hùng cho hay, hầu như trước đây dân rất ít quan tâm đến các hoạt động của nhà nước, nhất là trong hoạt động tham gia đóng góp ý kiến và giám sát hoạt động của các cơ quan chức năng, nếu có thì cũng không có hoạt động cụ thể. Vì vậy việc người dân tiến hành giám sát BOT độc lập với cơ quan chức năng là một điều đáng mừng. "Điều này thể hiện sự quan tâm của công dân đối với đất nước, nhất là với tình hình hoạt động của các dự án BOT ngày càng có nhiều điều bất cập trong việc tổ chức xây dựng và hoạt động, tổ chức mức phí thu, thời gian thu… không được công khai và minh bạch một cách rõ ràng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi và gây bức xúc cho người dân", ông Hùng nói. Cũng theo ông Hùng, việc giám sát của người dân mặt khác cũng là một phương pháp giúp cơ quan nhà nước chú ý hơn vào việc quản lý các trạm BOT mà trước đây có sự quản lý lỏng lẻo dẫn đến tình trạng lạm dụng các của chủ đầu tư, như việc gian lận trong thu phí BOT. Lam Thanh | ||
LHQ mở trại tị nạn cho người Venezuela ở Colombia Posted: 10 Mar 2019 02:32 PM PDT
Cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc (LHQ) cho hay họ đã mở trại tị nạn đầu tiên tại Colombia dành cho người dân Venezuela rời khỏi đất nước họ. Người phát ngôn của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) Andrej Mahecic cho biết, trại tị nạn này được thành lập cùng với chính quyền Colombia ở thành phố biên giới Maicao mở cửa vào ngày 8.3, và ban đầu có thể tiếp nhận tới 350 người, với "khả năng phát triển" trong tương lai. Hôm 8.3, cơ quan có trụ sở tại Geneva cho biết có hàng trăm người bao gồm trẻ em, người già và những người cần phải chăm sóc y tế hiện "bị buộc phải sống trên đường phố" vì thiếu nơi ở tại Maicao. UNHCR cho biết 2,7 triệu người Venezuela đã rời khỏi đất nước bị khủng hoảng kể từ năm 2015, và Colombia là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dòng chảy người di cư này khi đang tiếp nhận khoảng 1,1 triệu người. Trong khi đó, Mỹ cho biết họ sẽ không dùng vũ lực để cung cấp viện trợ nhân đạo cho Venezuela, khi chính quyền nước này đã chặn các đoàn xe viện trợ tại biên giới vào tháng trước. "Chính phủ Mỹ đã nói rằng chúng tôi sẽ không sử dụng vũ lực để cung cấp viện trợ này và chính phủ Colombia cũng tuyên bố điều tương tự, vì vậy rõ ràng chúng tôi đồng ý với quan điểm đó và sẽ không tham gia vào bất kỳ hành động nào trái với quan điểm đó", Đặc phái viên về vấn đề Venezuela của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Elliott Abrams nói. Thiên Hà (theoAl-Jazeera) | ||
Trung Quốc hợp pháp hoá quyền mật thám Posted: 10 Mar 2019 02:26 PM PDT Trung Quốc ban hành dự thảo luật tình báo làm khung pháp lý cho các hoạt động giám sát và tăng quyền lực hoạt động mật vụ trong nước và ở nước ngoài. Cảnh sát đã có các phương tiện giám sát thông tin liên lạc và rất nhiều cơ quan dò la bất cứ ai bị nghi ngờ gây tổn hại an ninh quốc gia. Những năm qua đã ban bố luật an ninh, gián điêp, an ninh mạng. Sáu trang dự thảo luật lần này đuọc công bố trên cổng thông tin điện tử quốc hội Trung quốc cũng một tinh thần ấy , cùng các chi tiết dè xẻn. Nhưng 28 điều khoản dự thảo luật lần này trao cho cơ quan an ninh quyền lực tối đa, sử dụng cả công nghệ nghe lén, đột nhập mạng lấy trộm thông tin… trừng phạt tổ chức, cá nhân nước ngoài bị qui kết xâm phạm an ninh quốc gia. Các cơ quan anh ninh có quyền lực tối đa thu thập thông tin trong nước cũng như ngoài nước, và đặc biệt buộc các công ti, cá nhân phải hợp tác trong các cuộc điều tra an ninh quốc gia Kể từ khi Tập Cẩm Bình lên chấp chính cuối 2012, Bắc Kinh càng sợ ảnh hưởng văn hoá, chính trị, tư tưởng phương Tây. Nhà cầm quyền hối thúc công chúng phải đặc biệt cảnh giác trước những đe doạ an ninh quốc gia. Năm 2016 mở cuộc vận động con gái Tàu không giao du với người nước ngoài – gián điệp tiềm năng. Cảnh sát Bắc Kinh tăng mức thưởng lên 500.000 tệ - 65.000 euro cho những ai tố cáo gián điệp. Văn Lý ( Theo Cnews ) |
You are subscribed to email updates from Dân quyền. To stop receiving these emails, you may unsubscribe now. | Email delivery powered by Google |
Google, 1600 Amphitheatre Parkway, Mountain View, CA 94043, United States |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét