“Dịch vụ - ngành kinh tế thứ ba ” plus 6 more |
- Dịch vụ - ngành kinh tế thứ ba
- THĂM CỤ VĨNH VÀ NGẪM NGHĨ…
- QH thông qua, Vân Đồn, Phú Quốc sẽ thành đặc khu cho người Trung Quốc?
- Điều tra luận tội Tổng thống: Phe Dân chủ tiến hành các bước kế tiếp
- Video Phạm Chí Dũng kêu gọi hoãn EVFTA được trình chiếu tại Châu Âu
- Trung Quốc sắp trả đũa Mỹ vì chuyện Hồng Kông, Tân Cương
- Hải quân Ấn Độ rượt đuổi tàu Trung Quốc vì khảo sát trái phép
Dịch vụ - ngành kinh tế thứ ba Posted: 04 Dec 2019 02:25 AM PST Thiện Tùng 04/12/2019 Theo xu hướng phát triển của thời đại, Dịch vụ không dừng lại ở 2 lĩnh vực Nông, Công nghiệp mà nó phát triển sang các lĩnh vực Văn hóa, Xã hội.... Dịch vụ được xem là ngành kinh tế thứ ba, tất cả các hoạt động kinh tế nằm ngoài 2 ngành Nông nghiệp và Công nghiệp đều được xem là thuộc ngành Dịch vụ, như Giáo dục, Giao thông, Y tế... chẳng hạn. Dịch vụ là nhu cầu của xã hội, đang phát triển trên diện rộng, khắp mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Dịch dụ dựa trên cơ sở đồng thuận giữa những đối tác trong giao dịch. CHÚC MỪNG CHỊ KIM TIẾN ÔM BÌNH VỀ HƯU Hoàng Minh Tuấn: CHIA TAY CHÍNH PHỦ, CHỊ TIẾN ĐƯỢC TẶNG HOA, TẶNG BÌNH. Sáng nay 02/12/2019, Chính phủ đã tiến hành phiên họp thường kỳ tháng 11. Trước khi bắt đầu phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Chính phủ tặng hoa, chúc mừng và bày tỏ sự tri ân với nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến... Ngành Y ở Việt Nam đang phát triển trên 2 khu vực Công và Tư – Công thứ gì cũng Công, Tư thứ gì cũng Tư. Vì vậy, dịch vụ ở 2 lãnh vực nầy không thể giống/như nhau: Công: Sử dụng đất công / Nhà và phương tiện công / Người công (được trà lương bằng ngân sách) - Thứ gì cũng từ của công (của Dân), thì thu phí dịch vụ phải thấp hơn khu vực tư?. Tư : Phải mua quyền sử dụng đất / Phải dùng tiền tự có hoặc vay ngân hàng cất nhà và mua sắm phương tiện / Phải thuê và trả lương cho người làm – Thứ gì cũng tư, thì thu phí dịch vụ không thể thấp hơn khu vực công?. Bảo hiểm Y tế hiện hành là chủ trương của Chính phủ, chỉ được diễn ra ở khu vực "Quốc doanh"- nạp tiền trước theo mức quy định, sẽ được khám chữa khi có bịnh. Bảo hiểm Y tế là hình thức Dịch vụ đồng thuận giữa ngành Y tế và từng cá nhân trong xã hội. Thẻ Bảo hiểm Y tế được xem như bản khế ước giữa ngành Y và người mua bão hiểm. Trong thực tế, ngành Y tế Công (quốc doanh) không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình theo khế ước (thẻ Bảo hiểm) đã được thỏa thuận giữa 2 phía. Nếu Ngành Y như "từ mẫu" thì phước đức cho đời quá? Đàng nầy Ngành Y như "ác mẫu" mới là điều đáng buồn, nếu không nói là đáng giận. Những biểu hiện "tiêu cực" trong ngành Y Công người ta đã nói mệt mà chưa chịu nghỉ. Hơn nữa, trong năm 2019, Bộ Y tế đã liên tiếp ban hành 2 Thông tư số 13 và 14/2019 tăng mức thu phí dịch vụ Y tế khu vực công nhầm thu hẹp khoảng cách giữa dịch vụ Y tế Công và Tư. Có lẽ xuát phát từ đó, gần đây, dịch vụ Y tế khu vực Công phát triển "phong phú, linh hoạt", ngày một sâu rộng. Bài viết nầy, tôi chỉ kê những gì mình thấy và có va chạm . Tôi thấy: - Bịnh viện Đa khoa ở tỉnh Tiền Giang nói riêng: Sử dụng đất công / Nhà và phương tiện công / Người công (người làm được trả lương), thế mà họ chia thành 2 khu vực khám chữa bịnh: khu vực khám "Nghĩa vụ" (trách nhiệm) và khu vực khám theo "Yêu cầu" - khu vực khám Nghĩa vụ lèo tèo, chậm chạp..., khiến người bịnh buộc lòng phải sang khu vực khám theo Yêu cầu. Vì bịnh nhân dồn sang quá đông, bác sĩ khu vực khám theo Yêu cầu có hiện tượng khám qua loa (khám lấy lễ). - Tâm trạng bịnh nhân: số khám khu vực Nghĩa vụ chờ lâu chán; số khám ở khu vực Yêu cầu ngoài khám qua loa còn phải tốn tiền công khám cũng chán. Lai rai nghe có một số người đã mua Bảo hiểm Y tế uể oải nói đại ý: Lỡ mua Bảo hiểm Y tế, hết hạn tôi nghỉ mua, để tiền khi có đau yếu gọi bác sĩ tư sẽ tốt và đỡ tốn hơn – tiền mua bảo hiểm+phí dịch vụ tính ra cao hơn chữa trị ở bác sĩ tư!. Tôi va chạm Tôi là "Người kháng chiến cũ", thuộc thế hệ U.80, có thẻ Bảo hiểm Y tế 100% (toàn phần), có cố tật dị ứng thuốc Tây y nên ít đến bịnh viện. Tuổi già sức yếu, năm 2019 nầy tôi đến bịnh viện hơi nhiều. Trước khi nói cụ thể những gì mình va chạm, tôi xin nói để gẫm cho vui: Ai cũng vậy, chỉ tính từ cổ trở lên có 3 khoa do ngành Y phụ trách: khoa mắt / Khoa tai mũi họng / Khoa răng hàm mặt. Không như những đồ vật nếu bị hư có phụ tùng thay thế, còn con người thì không, nếu bộ phận nào đó bị hư chỉ o bế lại xài tạm. Tôi ngoài thương binh mất sức 71%, "bộ đồ lòng" rơ hết ráo, còn vướng 2 chứng bịnh mắt và tai mũi họng. Ngặt nỗi cơ thể tôi lại kỵ thuốc kháng sinh (giống như bịnh tiểu đường kỵ mỗ xẻ), đó là khó khăn cho khâu điều trị. Thông thường, diêm nhiễm thì phải dùng thuốc kháng sinh, nhưng cơ thể tôi cho kháng sinh vào thì dị ứng sưng mắt, nghẹt thở phải đi cứu cấp ngay - 10 tháng qua của năm 2019 nầy, bịnh viện phải cấp cứu cho tôi 4 lần do bị nghẹt thở vì cơ thể không chấp nhận thuốc kháng sinh. - Khoa mắt ở tỉnh Tiền Giang tách khỏi bịnh viện Đa khoa tỉnh. Theo quy định, dù có bảo hiểm, muốn khám chữa trị bịnh mắt khỏi tốn tiền phải xin giấy giới thiệu từ bịnh viện Đa khoa tỉnh. Bữa nọ mắt tôi ngứa, đổ ghèn..., sợ mất công không xin giấy chuyển, tôi đến khoa mắt chấp nhận chịu tiền khám hết 33.000 đồng, nhưng họ chỉ khám mà không cấp thuốc, chỉ ghi tên thuốc và bảo đến tiệm thuốc Tây An Tâm mua chai thuốc nhỏ mắt hết 65.000 đồng - coi như đứt 100.000 đồng mà chỉ có được chai thuốc nhỏ mắt thông thường. Có phải đây là cách dịch vụ ngành Y công lánh bảo hiểm?. - Tôi bị đau ở cổ họng, vào khu vực khám "Nghĩa vụ" thuộc bịnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang khám. Không được thẳng đến khoa "tai mũi họng" mà phải đến điểm tập trung chờ số thứ tự được báo trên bản điện tử - số hiện trên bản điện tử 14 còn số tôi 76. Tôi phải mất gần một buổi sáng mới được khám qua loa và cho thuốc kháng sinh. Về uống, sưng mắt, nghẹt thở, phải tự thuê xe đi cứu cấp và mỗ nội soi ở bịnh viện tuyến trên (Chợ Rẫy. Có bảo hiểm đến khám chữa bịnh khu vục "nghĩa vụ" khỏi tốn tiền nhưng mất nhiều thời gian chờ đợi ? - Lần khác, tôi bị ngứa sần mình, sợ vào khu vực khám "Nghĩa vụ" mất thì giờ, tôi vào khu vực khám theo "Yêu cầu". Bác sĩ hất hàm bảo phụ tá đo huyết áp tôi, sau đó, ông xem sơ sài vài chỗ tôi bị ngứa rồi ghi giấy cho tôi đi xét nghiệm máu. Khi tôi bắt đầu đi, bác sĩ hỏi: + "Có mang tiền theo không?". + "Có hơn trăm ngàn" – tôi trả lời. + "Đâu đủ, phải 350.000 đồng" – bác sĩ nói. + Tôi đâu đủ tiền! Thôi bác sĩ cho thuốc gì đó tôi uống đỡ rồi hãy tính sau?- tôi nói. Thế là mất hết nửa buổi, tốn 50.000 đồng tiền khám bịnh, mà chỉ được bác sĩ cấp cho vĩ 10 viên thuốc dị ứng, giá thị trường 5.000 đồng như tôi đã thường mua. Có phải đây là cách dịch vụ ngành Y công lách bảo hiểm?. - Đầu tháng 10/2019, gia đình đưa tôi vào bịnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang cấp cứu vì nghẹt thở, có lẽ do thời tiết thay đổi, vết mỗ ở cổ tôi hành. Trong 14 ngày đầu tháng 10/2019, bịnh viện 3 lần chích và cho tôi uống kháng sinh là 3 lần tôi bị nghẹt thở do dị ứng thuốc. Không còn cách nào khác, bịnh viện Đa khoa Tiền Giang chuyển tôi đến bịnh viện Phạm Ngọc Thạch TP HCM với dạng cứu cấp. Điều đáng nói ở đây, người có bảo hiểm Y tế, theo lẽ thông thường, bịnh viện chuyển đi đâu thì bịnh viện phải chịu phí tổn? Đàng nầy, bịnh viện nói theo quy định mới, bắt chúng tôi phải trả 1.100.000 đồng tiền xe và phải boa cho người lái xe và y tá hộ tống mỗi người 100.000 đồng – thế là tôi phải 1.300.000 đồng cho chuyến xe cấp cứu nầy. Có phải đây là cách dịch vụ Y tế công lách bảo hiểm ?. - Tôi đến với dạng cấp cứu mà bịnh viện công Phạm Ngọc Thạch TP HCM, họ để tôi ngồi rồi nằm run en phát rét trên băng ca ở hành lang 6 tiếng đồng hồ (từ 16 giờ đến 20 giờ) để làm thủ tục nhập viện. Không cần tham khảo với phía bịnh nhân (đối tác), 20 giờ đêm, bịnh viện nầy chuyển tôi đến một phòng riêng cũng trong khu vực. Về ở, căn phòng nầy, ngoài một ít tiện nghi, có 2 giường – 1 giường cho bịnh nhân, 1 giường cho người nuôi bịnh. Theo bản quyết toán chúng tôi còn lưu giữ, sau khi trừ 200.000 đồng do có bảo hiểm 100%, mỗi ngày (24 giờ) chúng tôi phải trả cho bịnh viện 2.200.000 đồng (ở 4 ngày phải trả 8.8000 đồng). Về ăn, bịnh viện cho rằng tôi ăn không được do gia đình cung cấp thức ăn không thích hợp, họ chỉ đạo cho căn-tin của bịnh viện cấp, nếu cháo một suất 67.000 đồng, nếu bánh canh mỗi suất 100.000 đồng – dầu ăn được hay không cũng phải trả tiền như thế!. Dường như bịnh viện PNT không mấy quan tâm đến sức khỏe bịnh nhân mà chú tâm nhiều ở khâu Dịch vụ ?! . Bốn ngày nằm bịnh ở đây, sức lực tôi ngày càng cạn kiệt, do tôi không ăn uống được và bác sĩ điều trị cứ ép uống thuốc kháng sinh mỗi ngày 3 lần – sau mỗi lần uống thuốc là tôi bị sốt. Bác sĩ cứ bảo tôi phải ăn và uống nhiều vào. Không thể ăn uống được, tôi cứ lắc đầu và sức khỏe mỗi lúc một cạn kiện. Có lẽ bó tay trong điều trị, họ "kết tội" tôi "không chịu hợp tác", cho xuất viện. Sau khi phải trả tổng cộng phí tổn 18 triệu cho bịnh viện, con tôi phải kè tôi ra xe để về nhà. Trong cái rủi lại có cái may: Nhờ bịnh viện "trục xuất", về nhà tôi cậy bác sĩ tư chích thuốc khỏe, vô nước, vô đạm ... tốn chỉ hơn 1 triệu đồng, sức khỏe tôi hồi phục dần. Công bằng mà nói, có lẽ nhờ bịnh viện PNT dùng thuốc kháng sinh tiêu diệt hết vi khuẩn trong người tôi và nhờ bác sĩ tư kịp thời chích thuốc khỏe, vô nước, vô đạm tôi mới sống được tới ngày nay. Nếu tôi còn tiếp tục nằm dài hạn ở bịnh viện PNT, bác sĩ cứ cho tôi uống thuốc kháng sinh liều cao chắc tôi phải chết theo mấy con vi khuẩn trong người tôi. Và, vì thương xót tôi, người thân của tôi phải vét hết vốn tự có để may ra đủ trả tiền cho bịnh viện và chôn cất thân xác tôi.Theo thiển nghĩ của tôi: "Đốt nhà để diệt chuột" không phải là cách trị bịnh cứu người của bác sĩ ?. Có phải đây là cách dịch vụ Y tế công lách bảo hiểm ?. Khi sức khỏe hồi phục, tôi viết và gởi cho trang điện tử Dân Quyền VN đăng bài "Tôi bị án oan". Sau khi đọc bài viết nầy: Em gái tôi, bác sĩ nghỉ hưu ở Sàigòn; Cô bạn Thuận ở Úc; Thầy giáo Long ở Mỹ Tho..v.v... điện thoại hỏi thăm và đều nói đại ý: "Kệ nó anh ơi, ở đâu, ngành nghề nào cũng vậy, nói chi cho thêm mệt"?!. Thú thật, nghe câu nói hàm chứa quan điểm "bất chiến tự nhiên thành" của những người nầy tôi còn "mệt" hơn nói và viết!. Kết | ||
Posted: 04 Dec 2019 02:24 AM PST Mạc Văn Trang Chiều qua cùng chị Kim Chi và anh Lê Thân vào thăm cụ Nguyễn Trọng Vĩnh trong BV Hữu Nghị. Cụ sống nhờ truyền dinh dưỡng và ô-xy, nhưng tai vẫn nghe được và Não vẫn hoạt động tốt đấy nhé! Hỏi cái gì ưng, Cụ gật gật; hỏi cái gì không ưng, Cụ lắc đầu nguầy nguậy. Nhìn Cụ thương quá! Nhưng nghĩ, cuộc đời 104 tuổi của Cụ quá tuyệt vời rồi. Giờ Cụ ra đi vào CÕI NGƯỜI HIỀN, cũng thật là mỹ mãn, linh diệu… Trước khi vào Viện, gặp chị Nguyễn Nguyên Bình, con gái Cụ tại nhà riêng của Cụ, được chị tặng 2 cuốn sách: "KỂ LẠI CUỘC ĐỜI"- Hồi ức của Cụ Vĩnh và cuốn "PHẢI, TRÁI SỰ ĐỜI", tập hợp hơn 100 bài viết phản biện của Cụ từ 2004 đến 2015 (Những bài phản biện từ 2016 đến 2019 chưa xuất bản). Mở đầu cuốn này, Cụ viết câu thơ: "Còn hơi, còn sức còn lên tiếng Là muốn quyền uy bớt lỗi lầm". Trời đất ạ, đây là những gì Cụ viết vào giai đoạn từ 90 tuổi trở đi, mà nhiều bài viết có tầm minh triết, tư duy mạch lạc, phân tích sắc bén, dẫn chứng cụ thể, đầy thuyết phục. Đặc biệt, mới đọc được Chương I: "Thời niên thiếu" trong cuốn "KỂ LẠI CUỘC ĐỜI", thấy Cụ nhớ lại từng chi tiết từ lúc 5-6 tuổi cho tới năm 18 tuổi , thật khâm phục. Xin tóm tắt đôi nét về thời Thơ ấu của Cụ. Nguyễn Trọng Vĩnh mồ côi Mẹ lúc 1 tuổi. Dì ruột thương Vĩnh mới 1 tuổi và anh Thọ, anh trai Vĩnh 4 tuổi bơ vơ, nên lấy bố Vĩnh, làm Mẹ kế. Bố vĩnh một ông Đồ xứ Thanh Hóa, chả biết làm gì, ngoài dạy chữ Nho vào lúc đã suy, nên nhà nghèo túng quanh năm. Bố đi dạy học mãi Kiến An, Vĩnh ở quê, lúc 6 tuổi được bác dạy cho chữ Nho, hết cuốn Tam tự kinh và Tam Thiên tự… Năm Vĩnh 8 tuổi, bố đón 3 mẹ con lên Hà Nội, ở nhờ nhà bà con. Bố vẫn đi dạy học ở Kiến An, nhưng chỉ đủ nuôi thân là chính. Ba mẹ con xoay xỏa nuôi nhau. Vĩnh và anh hàng ngày đi bán bánh mì dạo (lúc đó gọi là bánh Tây)… Năm Vĩnh lên 9, bố bị xã gọi về đóng thuế Thân, 2 đồng rưỡi 1 suất. Bố không có tiền đóng thì bị bắt, còn bị hành hạ… Thế là đành bán Vĩnh cho một nhà ở Hà Nội lấy 6 đồng, bên ngoài gọi là "con nuôi". 6 năm thực chất là đi ở, phục vụ mọi người, mọi việc trong nhà này vô cùng vất vả, cực nhọc. Nhưng Vĩnh rất chịu khó, tinh nhanh, nên mọi việc đều vượt qua. Có một bà cô trong nhà rất thương quý Vĩnh, cho tiền để Vĩnh lén đi học chữ quốc ngữ, về đọc chuyện cho bà nghe… Mãi năm Vĩnh 15 tuổi (1929), cha mới dành đủ 6 đồng, đến chuộc Vĩnh, đưa về quê, để đi học trường Cao đẳng Tiểu học của Tây. Vĩnh người cũng nhỏ, khai rút tuổi xin vào lớp Năm (lớp 1). Lên lớp Tư, thấy Vĩnh học giỏi quá, nên cô giáo xin cho lên lớp Ba, sau đó lên Nhì, lớp Nhất. Vĩnh luôn đứng số 01. Trong những năm ở quê một mình đi học, bố gửi cho mỗi tháng 01 đồng rưỡi để "tự túc", tiền học không phải đóng… Hết lớp Nhất, thi tốt nghiệp Cao đẳng Tiểu học, Vĩnh phải cơm nắm muối vừng đi bộ từ nhà lên Tỉnh lị Thanh Hóa 44km mất 1 ngày rồi thi 2 ngày... Ở tuổi 90 Cụ nhớ lại, giáo viên rất giỏi, tận tâm, công bằng, các môn học ít thôi, nhưng có ích cho suốt cuộc đời, nhất là môn tiếng Pháp, được dùng từ lớp Ba, rất hữu ích cho công việc sau này… Có mấy chuyện vui vui. Hồi học lớp Nhì, Vĩnh đã được một gia đình khá giả mời về dạy cho mấy con trong nhà. Có cô bé 13 tuổi con ông chủ đã mê "thầy". Hai bên "tình trong như đã, mặt ngoài còn e"… Lúc Vĩnh đang học năm cuối, vừa 18 tuổi, ông bác mai mối, đưa Vĩnh sang nhà Chánh tổng giàu có để gán ghép lấy con gái Chánh tổng, may quá, cô ta không ưng. Sau mới biết cô này đang mang thai hoang. Hú vía! Nhưng sau khi Vĩnh tốt nghiệp, bố Vĩnh gọi ra Hà Nội, thế là phải chia phôi mối tình đầu với cô bé 13… Cụ Vĩnh nhớ lại, lúc đi học, học sinh Tiểu học đã bàn luận về chính trị, biết có những Hội kín hoạt động yêu nước; đã truyền tay nhau đọc những bài thơ văn của các Chí sĩ kêu gọi yêu nước, "gây chấn động", "sôi máu trong huyết quản"… Đó cũng là men say để chàng trai Vĩnh sớm tham gia vào các phong trào yêu nước, cách mạng, mà Trái tim và Tâm hồn luôn vang vọng lời Phi Khanh dặn Nguyễn Trãi, Vĩnh đọc từ năm Tiểu học: …"Con đang độ đầu son tuổi trẻ Bước gian nan há kể nhường ai Phải nên thương lấy giống nòi Đừng ham phú quý mà nguôi tấc lòng Thời thế có anh hùng là thế Chữ vinh hoa, xá kể làm chi Mấy trang hào kiệt xưa kia Hy sinh thân thể cũng vì nước non"… Những dấu ấn từ thuở niên thiếu ấy cứ in đậm mãi trong tâm khảm suốt quá trình hoạt động sau này, cho đến trên 100 tuổi, vẫn chỉ một lòng vì Dân, vì Nước, bất chấp vinh hoa mua chuộc hay nguy nan đe dọa. Cụ Vĩnh sẽ thanh thản về cõi Vĩnh hằng. "CÁI CÒN LẠI" của Cụ chẳng phải là những tấm Huân chương, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng … mà là những bài viết Góp ý, Phản biện nóng bỏng Thời sự, chứa chan lòng Yêu Nước, Thương Dân, đầy Trí tuệ sắc bén, và một Nhân cách sống giản dị, thanh cao, đáng nêu gương cho những người tử tế. 02/12/2019 Mạc Văn Trang | ||
QH thông qua, Vân Đồn, Phú Quốc sẽ thành đặc khu cho người Trung Quốc? Posted: 04 Dec 2019 02:24 AM PST Một bộ phận Quân đội không ù lì để ngoan ngoãn như trước Quy định miễn thị thực cho người nước ngoài tới các khu kinh tế đặc biệt trên biển đã gây chia rẽ ngay cả trong giới quân đội. Cụ thể Báo Quân Đội Nhân Dân đã cho đăng bài dưới đây chứng tỏ rằng một bộ phận Quân đội không ù lì ngoan ngoãn nghe những gì bọn theo Tàu giải thích. Bài báo có đoạn: "Vân Đồn và Phú Quốc nghiễm nhiên biến thành đặc khu cho người Trung Quốc mà không cần phải thông qua luật đặc khu. Các nhóm lợi ích cuối cùng đã đạt được lợi ích của mình bất chấp phải thí đi lợi ích của Tổ Quốc. Nhưng Quốc Hội này cũng không tồn tại được bao lâu nữa. Sẽ có một Quốc Hội khác, đến lượt mình, sẽ hủy bỏ Quy định vô cùng bất lợi cho Tổ Quốc mà Quốc hội hôm nay (25/11/2019) đã thông qua." BBT Huỳnh Ngọc Chênh 26/11/2019 Chiều ngày 25/11/2019 trong khi hàng triệu người hâm mộ bóng đá Việt Nam đang dán mắt vào màn hình TV, say sưa với những bàn thắng của các tuyển thủ Việt Nam ghi vào lưới thủ môn Brunei, thì trong phòng lạnh Diên Hồng 404 trên tổng số 446 ĐBQH đã bỏ phiếu thông qua Quy định miễn thị thực cho người nước ngoài tới các khu kinh tế đặc biệt trên biển. "Đó là những khu kinh tế ven biển đáp ứng đủ các điều kiện: có sân bay quốc tế, có không gian riêng biệt, cách biệt với đất liền… Quy định này được giải thích là có liên quan đến nội dung về "đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt" (gọi tắt là đặc khu kinh tế). Miễn visa 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế đặc biệt trên biển "Nội dung này đã được Quốc hội thống nhất trong phiên biểu quyết thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chiều 25/11". "Cụ thể, đây là quy định tại Khoản 7 Điều 1 sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 12 luật hiện hành về trường hợp miễn thị thực cho người nước ngoài đến Việt Nam". "Theo đó, ngoài những trường hợp đang áp dụng, luật này mở rộng diện miễn thị thực với những người nước ngoài khi "vào khu kinh tế ven biển do Chính phủ quyết định khi đáp ứng đủ các điều kiện: có sân bay quốc tế, có không gian riêng biệt; có ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế – xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam" ( Dantri.com.vn, 25/11/2019). Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, việc bổ sung trường hợp người nước ngoài được miễn thị thực vào khu kinh tế ven biển như trên là bảo đảm chặt chẽ. 1. Có bao nhiêu khách nước ngoài đến Vân Đồn mà không đến lục địa Việt Nam ngoài người Trung Quốc? 2. Như vậy, với quy định này người Trung Quốc sẽ tự do ra vào Vân Đồn và Phú Quốc mà không phải xin thị thực. Vân Đồn và Phú Quốc nghiễm nhiên biến thành đặc khu cho người Trung Quốc mà không cần phải thông qua luật đặc khu. 3. Các nhóm lợi ích cuối cùng đã đạt được lợi ích của mình bất chấp phải thí đi lợi ích của Tổ Quốc. 4. Nhưng Quốc Hội này cũng không tồn tại được bao lâu nữa. Sẽ có một Quốc Hội khác, đến lượt mình, sẽ hủy bỏ Quy định vô cùng bất lợi cho Tổ Quốc mà Quốc hội hôm nay (25/11/2019) đã thông qua. 404 ĐBQH bỏ phiếu thuận hôm nay (25/11/2019) không bao giờ tiên lượng được tai họa từ lá phiếu của họ mang lại (con số 404 là điềm gở mà cả người Tàu lẫn người Nhật đều không ưa thích). Đến lúc sám hối thì đã quá muộn! NNC
| ||
Điều tra luận tội Tổng thống: Phe Dân chủ tiến hành các bước kế tiếp Posted: 04 Dec 2019 02:23 AM PST Reuters
Các nhà lập pháp bên đảng Dân chủ tuần này sẽ thực hiện một bước quan trọng trong quá trình tiến tới luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump, với việc khởi sự các cuộc điều trần báo hiệu rằng các cáo trạng chính thức sẽ được loan báo trong vài tuần tới đây. Ủy ban Tư pháp Hạ viện sẽ tổ chức điều trần vào ngày 4/12 để giải thích cho công chúng hiểu rõ những gì cấu thành một sai phạm có thể luận tội đối với Tổng thống. Ủy ban này cũng sẽ nhận báo cáo từ Ủy ban Tình báo Hạ viện đề ra những bằng chứng mà phe Dân chủ nói là cho thấy ông Trump lạm dụng chức vụ để thu lợi ích chính trị cho bản thân. Mọi sự chú ý đang dồn vào những nỗ lực của ông Trump áp lực Ukraine điều tra đối thủ chính trị là Joe Biden, cựu Phó Tổng thống đang ra ứng cử trong cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc năm 2020, và con trai ông ta là Hunter Biden, thành viên trong ban quản trị của một công ty năng lượng Ukraine. Ông Trump khẳng định không làm gì sai và nói rằng cuộc điện đàm hôm 25/7 với Tổng thống Ukraine là 'tuyệt vời'. Trong cuộc trao đổi đó, ông đã thúc giục Ukraine điều tra nhà Biden. Trong các cuộc điều trần sắp tới, Ủy ban Tư pháp Hạ viện sẽ nghe trình bày từ 4 học giả pháp lý về các cơ sở mà một Tổng thống Mỹ có thể bị truất phế. Tòa Bạch Ốc loan báo Tổng thống Trump và luật sư của ông sẽ không tham gia cuộc điều trần vào ngày 4/12, viện lý do thiếu sự công bằng cốt lõi. | ||
Video Phạm Chí Dũng kêu gọi hoãn EVFTA được trình chiếu tại Châu Âu Posted: 04 Dec 2019 02:22 AM PST 03/12/2019 VOA Tiếng Việt
Hôm 3/12, video của nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng chuẩn bị cho hội nghị Nhân quyền và Tự do Mậu dịch Liên Âu-Việt Nam đã được công bố, trong đó ông kêu gọi Nghị viện Châu Âu không phê chuẩn Hiệp định EVFTA, hay IPA. Theo các tổ chức nhân quyền, ông Dũng đưa ra thông điệp này chỉ hai ngày trước khi ông bị bắt hôm 21/11 vừa qua. Trong video trình bày bằng tiếng Anh gửi cho Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) hôm 19/11 để trình chiếu trước hội nghị hôm 3/12, ông Dũng nhấn mạnh: "Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (IPA) chỉ làm cho Liên minh châu Âu bị thiệt hại vì phải nhập siêu hằng năm từ Việt Nam 20 đến 25 triệu đôla. Ngoài ra, ông Dũng nhận định rằng "8 cuộc Đối thoại Nhân quyền Liên Âu-Việt Nam trong các năm qua chẳng có tác dụng gì," và "95% những khuyến nghị cải thiện nhân quyền của Liên Âu đã bị Việt Nam bỏ qua." Ông Dũng bác bỏ quan điểm của Hà Nội về bước tích cực cho phép thiết lập Công đoàn tự do trong Bộ Luật Lao động mới, theo lời hai tổ chức Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) và Đoàn kết Thiên Chúa Giáo Năm Châu (CSW). "Từ ngữ "Công đoàn độc lập" không hiện hữu trong Bộ Luật Lao động sửa đổi và Luật Công đoàn. Trong quan điểm của Hà Nội, Công đoàn Độc lập bị xem là 'phản động' và khiến họ lo sợ nhất, vì Việt Nam luôn so sánh đồng dạng Công đoàn Độc lập với Công đoàn Solidarnosc có hành động 'lật đổ chính quyền' Ba Lan năm 1989". "Hà Nội chỉ hứa sẽ xét lại vào năm 2023 hay 2025 để phê chuẩn Công ước 87 về tự do thành lập Công đoàn độc lập và Công ước 105 về chống cưỡng bức lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế. Nhưng đây chỉ là "trò bịp" để kéo giờ, và làm nản lòng Liên Âu cũng như Tổ chức Lao động Quốc tế," ông Dũng nói. Ông Dũng khẳng định: "Chẳng có một thông báo chi tiết nào về thời gian phê chuẩn cũng như cam kết nào Hà Nội sẽ thực hiện". Ông Phạm Chí Dũng kết thúc bức thông điệp bằng lời kêu gọi Quốc hội Châu Âu hoãn phê chuẩn hai hiệp ước EVFTA và IPA "cho đến khi nào chế độ Việt Nam chịu cam kết thực thi nhân quyền", với sự cảnh báo rằng Hiệp ước mậu dịch như hiện nay sẽ không bao giờ chấm dứt được các cuộc đàn áp bất bao dung của Hà Nội. "Chế độ bắt bỏ tù ngày càng nhiều những nhà bất đồng chính kiến ngay sau khi Liên Âu phê chuẩn EVFTA và IPA. Những nhà bất đồng chính kiến nổi danh nào chống EVFTA vì lý do Việt Nam không tôn trọng nhân quyền cũng như những ai đứng lên chống Trung quốc xâm phạm lãnh hải sẽ phải nhận những án tù nặng nề," ông Dũng nói. "Bức Thông điệp đắng cay của Phạm Chí Dũng là lời tiên báo cho chính số phận ông," VCHR và CSW cho biết trong một thông cáo. Công an Việt Nam bắt giam ông Phạm Chí Dũng hôm 21/11 với cáo buộc "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước" theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự. Cũng tại hội nghị này, VCHR và CSW kêu gọi Quốc hội Châu Âu hoãn phê chuẩn Hiệp ước Tự do Mậu dịch Liên Âu-Việt Nam bao lâu Việt Nam chưa bảo đảm tôn trọng Nhân quyền cho nhân dân họ. Bà Penelope Faulkner, Phó Chủ tịch VCHR, cảnh báo Liên Âu chớ nóng vội kết thúc Hiệp ước EVFTA trước bối cảnh cuộc đàn áp chính trị tại Việt Nam. Sách nhiễu, bạo hành và bắt bớ các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền, tín đồ tôn giáo, các bloggers và nhà báo gia tăng, những án tù giáng xuống họ 15 tới 20 năm vì tội vi phạm "an ninh quốc gia". Hội nghị Nhân quyền và Tự do Mậu dịch Liên Âu-Việt Nam do Dân biểu Quốc hội Châu Âu Julie Ward (S&D in EP, Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ) chủ trì, và do Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) và Đoàn kết Thiên Chúa Giáo Năm Châu (CSW) đồng tổ chức tại Nghị viện Châu Âu hôm 3/12. https://www.voatiengviet.com/a/video-pham-chi-dung/5191023.html | ||
Trung Quốc sắp trả đũa Mỹ vì chuyện Hồng Kông, Tân Cương Posted: 04 Dec 2019 02:21 AM PST
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho biết chính quyền Bắc Kinh đang cân nhắc nhiều biện pháp trả đũa Washington do can thiệp vào hai vấn đề Hồng Kông và Tân Cương. Theo giới truyền thông Trung Quốc cùng các nhà quan sát ngoại giao thì biện pháp khả dĩ sẽ là hạn chế thị thực với quan chức lẫn nghị sĩ Mỹ. Tờ Thời báo Hoàn cầu – phụ trương Nhân dân Nhật báo – dẫn nguồn tin tiết lộ một danh sách thực thể không đáng tin trong đó có cá nhân/tổ chức Mỹ sẽ sớm được ban hành. Tổng biên tập Hồ Tích Tiến của báo này thậm chí còn đề xuất cấm tất cả những ai sở hữu hộ chiếu Mỹ đến Tân Cương. Chính quyền Washington vào đầu tháng 10 công khai danh sách trừng phạt 28 thực thể vi phạm nhân quyền với người Hồi giáo tại Tân Cương. Mới đây Tổng thống Donald Trump ký thông qua Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông (HKHRDA) – tạo điều kiện trừng phạt quan chức Trung Quốc vi phạm nhân quyền tại đặc khu. Tổng thống Trump thừa nhận HKHRDA ảnh hưởng nỗ lực đạt thỏa thuận thương mại với Trung Quốc của ông, nhưng sự ủng hộ từ lưỡng đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa dành cho đạo luật quá lớn buộc nhà lãnh đạo phải chấp nhận ký thông qua. Trung Quốc ngay sau đó đáp trả bằng cách không cho tàu chiến hay máy bay quân sự Mỹ thăm Hồng Kông, đồng thời xử phạt 5 tổ chức phi chính phủ (NGO) có trụ sở tại Mỹ. Chưa rõ hình thức xử phạt là gì. Năm NGO rất ít hoạt động trên lãnh thổ đại lục, còn ở Hồng Kông họ chỉ phải tuân thủ luật pháp đặt khu, tuy nhiên hạn chế thị thực hoàn toàn có thể thực hiện được. Cẩm Bình (theo SCMP) | ||
Hải quân Ấn Độ rượt đuổi tàu Trung Quốc vì khảo sát trái phép Posted: 04 Dec 2019 02:21 AM PST
Truyền thông Ấn Độ cho biết, hải quân nước này đã xua đuổi một tàu Trung Quốc được cho là tiến hành hoạt động khảo sát trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế Ấn Độ (EEZ) trên Vịnh Bengal mới đây. Sự việc xảy ra cách đây vài tuần khi tàu Shi Yan 1 của Trung Quốc bị máy bay giám sát hàng hải phát hiện khi đang tiến hành các hoạt động khảo sát gần cảng Blair (thủ phủ của quần đảo Andaman và Nicobar) trong vùng biển của Ấn Độ mà chưa được sự cho phép. Ấn Độ đã điều một tàu hải quân bám sát và đề nghị tàu Shi Yan 1 rời đi. Tàu của Trung Quốc sau đó đã rời khỏi vùng biển Ấn Độ và chuyển đến điểm đến khác có lẽ là hướng về Trung Quốc. Hãng thông tấn ANI của Ấn Độ dẫn nhiều nguồn tin cho biết, con tàu Shi Yan 1 cũng có thể đã được Trung Quốc sử dụng để do thám các hoạt động của Ấn Độ trên lãnh thổ đảo phía đông nam Vịnh Bengal - nơi Ấn Độ đặt nhiều trạm quan sát theo dõi sự hiện diện hải quân ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực Phản ứng trước động thái trên, chỉ huy hải quân Ấn Độ, đô đốc Karambir Singh nhấn mạnh, bất cứ ai hoạt động trong khu vực của Ấn Độ, phải thông báo trước. Hải quân Ấn Độ từ lâu đã luôn cảnh giác cao độ đối với các tàu Trung Quốc đi vào Vùng Ấn Độ Dương từ eo biển Malacca. Hồi đầu năm nay, Ấn Độ đã cho mở cửa căn cứ không quân thứ 3 trên quần đảo Andaman và Nicobar nhằm tăng cường năng lực trinh sát hoạt động của hạm đội hải quân Trung Quốc trên Ấn Độ Dương. Mới đây, một bay giám sát hàng hải P-8i của Hải quân Ấn Độ cũng phát hiện 7 tàu hải quân Trung Quốc hoạt động quanh Ấn Độ Dương và chụp lại các hình ảnh của tàu Trung Quốc triển khai ở khu vực. Hải quân Trung Quốc thời gian qua đã thường xuyên xâm nhập vùng biển Ấn Độ và viện lý do thực hiện các nhiệm vụ chống cướp biển ở khu vực. Tuy nhiên, Trung Quốc thường triển khai các chiến cùng với tàu ngầm hạt nhân và thông thường không có ý nghĩa trong các hoạt động chống cướp biển. Điều này đã đặt ra khá nhiều nghi vấn và lo ngại về sự hiện diện đó là một phần trong nỗ lực gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương. Hoàng Vũ (theo Sputnik, The Times of India) |
You are subscribed to email updates from Dân quyền. To stop receiving these emails, you may unsubscribe now. | Email delivery powered by Google |
Google, 1600 Amphitheatre Parkway, Mountain View, CA 94043, United States |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét