“Suy nghĩ về một bản kiến nghị” plus 4 more |
- Suy nghĩ về một bản kiến nghị
- NATO lần đầu trong lịch sử thừa nhận Trung Quốc là “thách thức”
- Bộ Ngoại giao: sẽ xác minh thông tin tàu hải cảnh Trung Quốc vào vùng biển Việt Nam
- Ảnh vệ tinh cho thấy khinh khí cầu Trung Quốc hoạt động phi pháp ở Trường Sa
- 'Trump là 'món quà chiến lược' và 'tài sản lớn nhất' của Bắc Kinh?
Posted: 05 Dec 2019 01:56 PM PST
Đó là bản kiến nghị của mười hai nhà học giả, khoa bảng có tiếng gửi chính quyền thành phố Đà Nẵng phản đối đặt tên đường Francisco De Pina và Alexandre De Rhodes. 1) Trong bản kiến nghị, đoạn nói về ông Alexandre de Rhodes khiến tôi thú vị nhất. Là một phần trong kiến nghị phản bác sự tôn vinh ông Alexandre de Rhodes, đoạn đó trong khi ra sức thuyết phục rằng ông Alexandre de Rhodes không xứng đáng về mặt công lao, ngộ nghĩnh thay, lại cho thấy khá rõ công lao của ông. Ông không phải là người đầu tiên, nhưng cho tới giai đoạn của ông, ông lại là người tổng kết và phổ biến hữu hiệu chữ Quốc ngữ. Rõ ràng về phương diện nay, ông Alexandre de Rhodes xứng đáng là một người đại diện cho công cuộc sáng tạo chữ Quốc ngữ. Đoạn này còn cho thấy tính trung thực tri thức của ông Alexandre de Rhodes: ông viết rõ công trình do ai khởi đầu, việc của ông tiếp theo những công trình trước đó như thế nào. Tính trung thực tri thức này thực đáng được xiển dương, nhất là khi trong vòng vài chục năm nay đạo đức học thuật của nước ta xuống cấp trầm trọng với không ít các tố cáo hành vi đạo văn của nhiều vị giáo sư, trí thức. 2) Về ý đồ của ông Alexandre de Rhodes thì chắc nhiều người thấy rõ là dùng chữ Quốc ngữ để truyền giáo. Đạo Thiên Chúa là một đạo rất lớn của nhân loại, văn minh Thiên Chúa Giáo là nền văn minh duy lý và chính xác làm nền cho khoa học kỹ thuật cũng như các tư tưởng triết học lớn của nhân loại hiện nay. Tôi không thấy đạo Thiên Chúa, văn minh Thiên Chúa giáo truyền vào Việt Nam có gì sai trái. Trái lại, tôi cho rằng Việt Nam, như nhiều nước khác, hưởng nhiều lợi ích của việc du nhập, lan toả đạo Thiên Chúa cũng như nền văn minh của đạo này trong dân chúng. Đạo Thiên Chúa tới Việt Nam trễ hơn đạo Phật nhiều, nhưng cùng với đạo Phật làm cho nền văn minh của người Việt giàu có hơn, tiến bộ hơn, nhân bản hơn, hội nhập với thế giới hơn. Xin mở ngoặc điểm này: đạo Thiên Chúa khác với một số thành viên trong đạo. Nếu một người theo đạo Thiên Chúa hay đạo Phật có lỗi thì không nên nói đạo đó có lỗi. Ông Alexandre de Rhodes tới hoạt động tại Việt Nam trên 200 năm trước khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng vào Đà Nẵng, do đó nói ông "dẫn đường cho thực dân Pháp chiếm nước ta" là khiên cưỡng. Có người trách quan điểm gay gắt của ông Alexandre De Rhodes về các đạo khác. Tôi nghĩ nên đánh giá một cách nhẹ nhàng: thời Trịnh Nguyễn phân tranh, khoa học chưa phát triển đủ để kết nối thế giới, các dân tộc còn xa nhau, các tập tục, quan điểm, triết lý sống còn xa lạ nhau… Một số người công kích vài khác biệt trong cách ký âm thời ông với thời nay, tôi lại thấy các khác biệt là đương nhiên. Khoảng cách thời gian gần bốn trăm năm là quá đủ dài cho những biến âm xảy ra, cả về phát âm, ký âm và mối tương tác giữa chúng với nhau. 3) Các nhà quản trị Phương Tây quan tâm tới Hiệu Quả việc làm chứ không để ý tới Ý Đồ. Người ta có thể phân tích Ý Đồ để tìm hiểu và dự đoán sự việc, còn khi Tưởng Thưởng, Công Nhận (R&R = Reward and Recognition) thì người ta chú ý tới hiệu quả công việc, mang lại lợi ích gì, cho ai. Bản Kiến Nghị viết: "Người Việt Nam đã tận dụng chữ quốc ngữ… thành lợi khí của chính mình để phát triển văn hóa dân tộc", tức công nhận chữ Quốc ngữ là một công cụ phát triển văn hóa dân tộc. Điều này chỉ lập lại đánh giá của gần như TẤT CẢ các bậc thức giả tinh hoa của Việt Nam trong vòng trăm năm nay, dù theo đường lối chính trị nào, cũng đều nhìn thấy trong chữ Quốc ngữ một lợi khí sắc bén cho người Việt. Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Hoàng Xuân Hãn... Người đại diện xứng đáng cho công cuộc chế tạo công cụ sắc bén vô cùng có lợi ấy cho dân Việt, ông Alexandre De Rhodes và ông Francisco De Pina, lại không được đặt tên đường thì có gì vô lý hơn? có gì bội bạc hơn, kém văn minh hơn? Trong điểm này, có lẽ nên nhấn mạnh một ý của bản Kiến Nghị "Người Việt Nam đã tận dụng chữ quốc ngữ… để chuyển tải một cách đầy hiệu lực những tư tưởng yêu nước và những phương thức đấu tranh nhằm lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp". Đúng là người Việt có dùng chữ Quốc ngữ để tuyên truyền, kêu gọi kháng chiến chống Pháp. Nhưng, về phương diện văn hóa, do chữ Quốc ngữ dùng mẫu tự La-tinh nên tác dụng lớn nhất về mặt độc lập dân tộc không phải với Pháp, mà là với Trung Quốc có chữ viết theo kiểu tượng hình. Ông cha ta, trong ngàn năm, dù ngoan cường chống Trung Quốc xâm lăng và đồng hóa, vẫn có tâm trạng tiểu quốc sợ Tàu. Khi Pháp tới, càng tiếp cận văn minh phương tây, văn minh thế giới, cả về khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội, người Việt chẳng những rũ bỏ tâm lý sợ Tàu mà còn tự tin và tự hào về mình. Chữ Quốc ngữ góp phần rất lớn trong công cuộc này. Không biết từ lúc nào, tâm lý sợ Tàu quay về với nước Việt? Xin thế hệ hiện nay sáng suốt, quí trọng, bảo vệ công cụ của tiền nhân giúp người Việt ngẩng đầu đón gió văn minh, triệt bỏ mầm mống lệ thuộc thiên triều. Đặt tên đường Alexandre De Rhodes và Francisco De Pina không chỉ vinh danh, cám ơn các ông, mà quan trọng hơn là khẳng định con đường tiến lên văn minh và bảo vệ lãnh thổ cha ông! Lê Học Lãnh Vân (ngày 28 tháng 11 năm 2019) https://motthegioi.vn/chuyen-hom-nay-c-155/suy-nghi-ve-mot-ban-kien-nghi-126537.html | ||||||||||||||
NATO lần đầu trong lịch sử thừa nhận Trung Quốc là “thách thức” Posted: 05 Dec 2019 01:52 PM PST Dân trí: Lần đầu tiên trong 70 năm kể từ khi khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương được thành lập, NATO thừa nhận những "thách thức" tới từ Trung Quốc.
SCMP đưa tin, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 3/12 cho hay NATO lần đầu tiên chính thức thừa nhận các thách thức xuất phát từ Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Stoltenberg nhấn mạnh rằng ông không muốn biến Bắc Kinh thành đối thủ của NATO. Ông Stoltenberg cho rằng sự phát triển trong khả năng quân sự gần đây của Trung Quốc bao gồm các tên lửa có thể tấn công châu Âu và Mỹ đồng nghĩa với việc NATO sẽ phải xử lý vấn đề này cùng nhau. Lãnh đạo 29 nước thành viên NATO sẽ ký một tuyên bố chung vào ngày 4/12 để thừa nhận "cơ hội và thách thức" tới từ Trung Quốc. Ngoài ra, trong kỳ họp đánh dấu sinh nhật 70 của khối, NATO cũng được cho sẽ thông qua một bản kế hoạch hành động về cách tiếp cận của khối với Trung Quốc. "Chúng tôi lúc này thừa nhận rằng sự phát triển của Trung Quốc có tác động về mặt an ninh với các đồng minh NATO", ông Stoltenberg nhận định, nhấn mạnh rằng Bắc Kinh hiện có ngân sách quốc phòng lớn thứ 2 toàn cầu. Theo SCMP, Trung Quốc thời gian qua đã bị cáo buộc thực hiện các cuộc tấn công mạng chống lại châu Âu cùng các kế hoạch gián điệp và đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp, bồi đắp trái phép và quân sự hóa Biển Đông cũng đã thu hút sự quan tâm của Mỹ và một số đồng minh NATO. Washington lên án hành động của Trung Quốc tại khu vực biển giàu tài nguyên là "hăm dọa". Phạm vi phòng thủ của NATO giới hạn tại châu Âu và Bắc Mỹ, nhưng ông Stoltenberg nói rằng sự ảnh hưởng của Trung Quốc bắt đầu có tác động tới NATO. "Điều này không phải là đưa NATO tới Biển Đông mà là sự ghi nhận rằng Trung Quốc đang tiến lại gần hơn chúng ta ở Bắc Cực, ở châu Phi, đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng của chúng ta ở châu Âu, vào không gian mạng", quan chức NATO nói. Tuy nhiên, ông Stoltenberg nhấn mạnh rằng cách tiếp cận của NATO không phải nhằm "tạo ra đối thủ mới mà là phân tích, nắm rõ và phản ứng lại một cách cân bằng với những thách thức từ Trung Quốc". Châu Âu được cho đang gặp khó khăn trong việc tìm ra một quan điểm chung về Trung Quốc. Một số nước nhấn mạnh vào mối đe dọa mà Bắc Kinh mang tới, trong khi những nước nghèo hơn ở phía nam và đông Âu lại chào đón các khoản đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng từ Trung Quốc. Bản nháp của tuyên bố chung của hội nghị lần này đã được các đại sứ từ các nước đồng ý về nội dung dù chưa được các lãnh đạo chính thức thông qua. Văn bản này cũng nhấn mạnh sự cần thiết của hệ thống thông tin liên lạc "an toàn và vững vàng", đặc biệt là mạng lưới 5G. Đức Hoàng Theo SCMP https://dantri.com.vn/the-gioi/nato-lan-dau-trong-lich-su-thua-nhan-trung-quoc-la-thach-thuc-20191204071213900.htm | ||||||||||||||
Bộ Ngoại giao: sẽ xác minh thông tin tàu hải cảnh Trung Quốc vào vùng biển Việt Nam Posted: 05 Dec 2019 01:51 PM PST 2019-12-05 Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam nói dối hơn Cuội Bà Thu Hằng khoe : "các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn giám sát chặt chẽ mọi hoạt động trên vùng biển của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế." Nhưng khi trả lời câu hỏi về việc tàu hải cảnh 35111 của Trung Quốc vừa quay lại vùng biển Việt Nam vào hồi cuối tháng 11 đầu tháng 12 vừa qua bà Thu Hằng lại nói: "chúng tôi sẽ xác minh thông tin này". Đã nói " luôn giám sát chặt chẽ" thì tại sao lại trả lời "sẽ xác minh"!? Dân Quyền
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 5/12 lên tiếng phản ứng trước thông tin Trung Quốc cho triển khai khinh khí cầu ra Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa, và cho biết sẽ xác minh thông tin về việc tàu hải cảnh Trung Quốc quay lại vùng biển của Việt Nam. Trước đó, các báo của Philippines và trang tin South China Morning Post đăng các ảnh vệ tinh chụp được hôm 18/11 cho thấy Trung Quốc đã triển khai khinh khí cầu ra quần đảo đang tranh chấp để thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo phục vụ mục đích quân sự tại đá Vành Khăn. Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói: "Việt Nam đề nghị các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế và có những đóng góp trách nhiệm, xây dựng trong việc duy trì an ninh, an toàn, hòa bình, ổn định ở Biển Đông". Bà Hằng đông thời cũng khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và lịch sử về chủ quyền đối với toàn bộ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông. Trả lời câu hỏi về việc tàu hải cảnh 35111 của Trung Quốc vừa quay lại vùng biển Việt Nam vào hồi cuối tháng 11 đầu tháng 12 vừa qua, bà Hằng nói: "chúng tôi sẽ xác minh thông tin này". Bà Hằng cũng nói các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn giám sát chặt chẽ mọi hoạt động trên vùng biển của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế. Tàu hải cảnh 35111 là tàu đã vào vùng biển gần Bãi Tư Chính của Việt Nam từ hồi giữa tháng 5 cho đến tháng 10 vừa qua để quấy nhiễu các hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam tại đây. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ chính thức lên tiếng xác nhận vài tuần sau khi có tin trên các trang mạng xã hội về sự xuất hiện của các tàu hải cảnh Trung Quốc ở vùng biển Việt Nam.
| ||||||||||||||
Ảnh vệ tinh cho thấy khinh khí cầu Trung Quốc hoạt động phi pháp ở Trường Sa Posted: 05 Dec 2019 01:49 PM PST
Hình ảnh vệ tinh mới đây được công bố cho thấy Trung Quốc đã triển khai một khinh khí cầu được cho là hoạt động do thám tại quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Tờ PhilStar của Philippines tham chiếu nguồn tin từ ImageSat International (ISI), đơn vị chuyên cung cấp ảnh vệ tinh có độ phân giải cao, ngày 25.11 đã công bố một bức ảnh vệ tinh cho thấy một vật thể hình khinh khí cầu của Trung Quốc xuất hiện tại đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Bức ảnh trên được ISI chụp vào ngày 18.11, là bằng chứng đầu tiên cho thấy Trung Quốc đã triển khai một thiết bị hình khinh khí cầu, mà ISI cho là được sử dụng với mục đích thu thập thông tin quân sự tại khu vực này. "Khinh khí cầu trong ảnh khả năng cao được sử dụng cho mục đích thu thập thông tin tình báo quân sự. Việc sử dụng khí cầu giúp cho Trung Quốc tiếp tục có được nhận diện liên tục về tình hình ở khu vực giàu tài nguyên này", ISI viết trong bài đăng trên mạng xã hội Twitter. Còn theo báo cáo của tạp chí quân sự Kanwa Asian Defense, Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm về máy bay trên không vào năm 2017 trong đó những khinh khí cầu khổng lồ được gắn các radar để giúp phát hiện các máy bay tầm thấp. Những chiếc khinh khí cầu này có thể duy trì ổn định trong một thời gian dài với hiệu quả cao cùng với chi phí thấp, giúp giám sát một khu vực với phạm vi lớn khi các máy bay do thám không được triển khai. Khi được kết hợp với radar mặt đất, vệ tinh và máy bay trinh sát cảnh báo sớm, chúng có thể tạo thành một mạng lưới giám sát toàn diện cho quân đội Trung Quốc. Các thiết bị bay này đang được triển khai tại một số điểm nóng chiến lược của Trung Quốc như biên giới với Bắc Triều Tiên và eo biển Đài Loan. Theo Kanwa Asian Defense, những chiếc khinh khí cầu có thể giám sát cả mục tiêu trên không và các đối tượng mặt đất trong vòng bán kính 300km (186 dặm). Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã không ngừng khai thác và quân sự hóa các rạn san hô ở Biển Đông bao gồm xây dựng nhà để máy bay, nhà chứa tên lửa, kho chứa vũ khí, nhiên liệu, hải cảng, radar, thiết bị thu thập thông tin tình báo cùng với sự gia tăng các máy bay và tàu quân sự Trung Quốc trên tuyến đường biển chiến lược mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố là lãnh thổ của mình, bất chấp thực tế Tòa án Trọng tài quốc tế đã vô hiệu hóa yêu sách phi lý của họ. Năm ngoái, Trung Quốc đã âm thầm triển khai trái phép tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa đất đối không trên Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa, trong một động thái nhằm thống trị kiểm soát không phận và thể hiện yêu sách tại Biển Đông. Trong một diễn biến đáng chú ý vừa qua, người phát ngôn của hạm đội 7 thuộc hải quân Mỹ, chỉ huy Reann Mommsen tiết lộ rằng, chiến hạm USS Gabrielle Giffords hôm 20.11 đã di chuyển trong phạm vi 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn. Bà Mommsen cũng cho biết, một tàu chiến khác của Mỹ là tàu khu trục USS Wayne E. Meyer hôm 21.11 đã thực hiện hành trình đi qua Quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc. "Những nhiệm vụ này được tiến hành dựa trên luật pháp quốc tế và thể hiện cam kết của chúng tôi đối với việc duy trì quyền lợi, quyền tự do cũng như quyền sử dụng vùng biển và vùng trời được đảm bảo cho tất cả các quốc gia", chỉ huy Mommsen khẳng định. | ||||||||||||||
'Trump là 'món quà chiến lược' và 'tài sản lớn nhất' của Bắc Kinh? Posted: 05 Dec 2019 01:48 PM PST
Ông Trump quảng cáo mình là tổng thống Mỹ đầu tiên có thái độ cứng rắn với Trung Quốc, trong khi nhiều học giả và phân tích gia lại cho rằng tính cách và chính sách của ông rất có lợi cho Bắc Kinh. Adam Ni, nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Macquarie ở Sydney, Australia, nhận định trong bài ''Trump is a strategic gift for Beijing'': ''Trump là một món quà chiến lược cho Bắc Kinh. Ông đang làm suy yếu vị thế quốc tế và sự đoàn kết của Hoa Kỳ vào thời điểm quan trọng, khi nước này rất cần tập trung vào các thách thức chính, trong đó có thách thức Trung Quốc.'' Tác giả Adam Ni lập luận rằng ''trong khi Trump thách thức an ninh kinh tế và lợi ích khu vực của Trung Quốc, ông đã thất bại trong việc đưa ra một chiến lược hiệu quả để cạnh tranh lâu dài với nước này.'' 'Món quà chiến lược'
Theo Adam Ni ông Trump tạo lợi thế chiến lược cho Bắc Kinh trong bốn lãnh vực: An ninh khu vực, thương mại, cạnh tranh chiến lược và hệ thống chính trị.
''Về an ninh khu vực, cách tiếp cận hẹp hòi và hẹp lòng ''Nước Mỹ trên hết'' của chính quyền Trump đối với các vấn đề quốc tế đang làm xói mòn vị thế lãnh đạo của Hoa Kỳ, mở ra không gian cho Bắc Kinh.'' Adam Ni bình luận. ''Các quyết định như triển khai tên lửa mới tới châu Á và giúp Đài Loan hỗ trợ nhiều hơn khiến Bắc Kinh lo lắng. Nhưng Trump cũng đang làm suy yếu hệ thống liên minh và uy tín của Mỹ trong khu vực, bằng cách gây sức ép buộc Nhật Bản và Hàn Quốc phải trả nhiều tiền hơn cho quân đội Mỹ đóng tại các quốc gia này và nhắm vào các đồng minh này trong các biện pháp bảo hộ thương mại. Những điều này gây hậu quả sâu sắc trong khả năng cạnh tranh với Trung Quốc của Mỹ trong những năm tới.'' Về thương mại, Adam Ni vạch ra ràng nhiều thành phần quan trọng trong nước Mỹ (như nông dân) đang phải vật lộn với chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Áp lực chính trị từ quá trình luận tội làm tăng thêm áp lực cho Trump phải tìm lấy một thỏa thuận với Bắc Kinh và tuyên bố "chiến thắng".
Về cạnh tranh chiến lược dài hạn, tác giả Adam Ni viết: ''Các chính sách của Mỹ, bao gồm với Iran, Nga và Triều Tiên, đang tạo ra tiềm năng cho sự chuyển hướng chiến lược. Cuộc phiêu lưu của Hoa Kỳ ở Trung Đông sau biến cố 911 là một bước ngoặt chiến lược tạo nhiều bất lợi. Hoa Kỳ không thể có thêm hớ hênh khác khi đối mặt với sự trỗi dậy của Bắc Kinh. Chắc chắn một điều là Trump đã không cho thấy ông có khả năng lãnh đạo và trí tưởng tượng cần có để giải quyết thách thức Trung Quốc, và một kế hoạch hiệu quả cho cạnh tranh chiến lược vẫn chưa thành hiện thực.'' Mặt khác, phân hóa chính trị trầm trọng tại Mỹ dưới thời ông Trump được Adam Ni đánh giá là đã cho Bắc Kinh một cơ hội bằng vàng: ''Ở một mức độ sâu sắc hơn, vượt ra khỏi lợi ích trước mắt, quy trình luận tội và rối loạn của hệ thống chính trị Hoa Kỳ được các nhà lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc xem là thất bại của nền dân chủ kiểu phương Tây. Các giá trị tự do, kiểm tra và cân bằng, và phương tiện truyền thông tự do được coi là nguồn bất ổn hơn là sức mạnh. Từ quan điểm của Bắc Kinh, các cuộc biểu tình chống chính phủ hàng loạt đang diễn ra ở Hong Kong là một sự khẳng định sống động về điều này.'' 'Tài sản tốt nhất'
Trang Foreign Policy, trong khi đó, trích lời Yan Xuetong, một trong những nhà tư tưởng chiến lược quan trọng nhất của Trung Quốc trong bài xã luận ''Trump is Beijing's best asset'': ''Ông Trump, qua việc phân cực chính trị nội địa Hoa Kỳ, làm tổn hại uy tín quốc tế và tư thế lãnh đạo toàn cầu từ trước đến giờ của Washington, và phá hoại các thỏa thuận liên minh lâu dài, tạo cho cho Bắc Kinh một cơ hội chiến lược lớn nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.'' Dĩ nhiên không phải ai cũng đồng ý với nhận xét của nhà tư tưởng Yan Xuetong. Giới ủng hộ Trump sẽ nói rằng ông Trump đã khơi mào một cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh, cấm Huawei được vào mạng 5G của Hoa Kỳ và gần đây đã hạn chế visa cho các thành viên Đảng Cộng sản Trung Quốc liên quan đến việc tống giam hàng triệu người Hồi giáo ở Tân Cương.
Ho sẽ lập luận rằng đây rõ ràng là những thái độ hết sức cứng rắn với Bắc Kinh. Vậy tại sao những chuyên gia này lại cho rằng sự hiện diện của Donald Trump tại Nhà Trắng là điều có lợi Trung Quốc? Paul Haenle và Sam Bresnick, đồng tác giả của bài xã luận trên Foreign Policy, giải thích: ''Đối với Bắc Kinh, nhược điểm của Trump quan trọng hơn những hành động phô trương của ông. Trong nhiều cuộc thảo luận riêng với các quan chức chính phủ và học giả Trung Quốc, chúng tôi thấy rằng ngày càng nhiều người trong số họ đang mong cho Trump tái đắc cử năm tới.'' ''Vào thời điểm ảnh hưởng chính trị và khả năng quân sự của Trung Quốc đang tăng lên, những người này cho rằng bất kể những tuyên bố hung hăng, Trump đã dành cho Bắc Kinh một không gian để mở rộng ảnh hưởng trên khắp châu Á. Quan trọng hơn nữa là Trump đã làm suy yếu một cách toàn diện thế lãnh đạo toàn cầu của Washington. Nhiều người trong giới trí thức Trung Quốc kết luận rằng các chính sách của Trump là chiến lược rất tốt cho Trung Quốc về lâu về dài.' Viết rằng ''những nhà tư tưởng Trung Quốc coi Trump là một con chó sủa to nhưng ít cắn,'' hai tác giả Paul Haenle và Sam Bresnick nhắc lại việc ngay sau cuộc bầu cử năm 2016 ông Trump đã thử thách sự kiên nhẫn của Bắc Kinh khi có cuộc điện đàm với Tổng thống Đài Loan Tsai Ing-Wen, việc mà Bắc Kinh cho là vi phạm chính sách của 'Một Trung Quốc': "'Lúc ấy Trump công khai đặt câu hỏi liệu ông có nên tuân thủ chính sách này không. Thế nhưng ngay sau đó ông cũng nói sẽ phải hội ý với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước khi có cuộc gọi điện khác với Tsai. Hiện giờ, mặc dù chính quyền Mỹ đã bật đèn xanh việc bán một số vũ khí cho Đài Loan, nhưng việc Trump có hỗ trợ Đài Loan khi Bắc Kinh tấn công hay không là điều vẫn còn đáng nghi ngờ, đặc biệt là với thái độ hám lợi của ông đối với sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ.'' Paul Haenle và Sam Bresnick khẳng định rằng Trump gây nhiều tổn hại cho các thể chế và cơ chế quản trị toàn cầu đã giúp Hoa Kỳ trở thành siêu cường ưu việt của thế giới: ''Bắc Kinh đã được lợi đáng kể từ nhiệm kỳ của Trump. Chính quyền Trump đã bỏ việc sử dụng các tòa án của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong việc kiện tụng các khiếu nại thương mại và đã chặn các cuộc bổ nhiệm vào Cơ quan phúc thẩm của tổ chức.'' ''Những hành động này không chỉ cản trở hệ thống giải quyết tranh chấp thương mại quan trọng nhất của thế giới mà còn thúc đẩy các quốc gia khác xem thường luật pháp quốc tế.'' ''Trong khi Trump đang hủy bỏ các hiệp định thương mại hợp tác vốn là trung tâm của chính sách kinh tế quốc tế của Hoa Kỳ thì Bắc Kinh đang trong giai đoạn đàm phán cuối cho Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực, một thỏa thuận sẽ ràng buộc Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Mới Zealand, và 10 Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á thành một khối thương mại lớn nhất thế giới.'' Paul Haenle và Sam Bresnick viết. Họ kết luận: ''Nếu thỏa thuận này được ký kết, Hoa Kỳ sẽ bị loại khỏi hai thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất toàn cầu, một là Thỏa thuận Toàn diện và Tiến bộ về Quan hệ Đối tác xuyên Thái Bình Dương, được đàm phán giữa 11 quốc gia tham gia đàm phán thỏa thuận Đối tác xuyên Thái Bình Dương ban đầu.''
Nếu học giả Bắc Kinh mong cho Donald Trump được tái đắc cử, vì cho rằng sự có mặt của ông trong Nhà Trắng có lợi cho Trung Quốc, thì giới ủng hộ Trump cũng mong ông được trị vị thêm bốn năm nữa, nhưng với một lý do hoàn toàn trái ngược. Những người ủng hộ Trump tin rằng chỉ ông mới ''trị được'' Trung Quốc, và ông là vị tổng thống thay đổi chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ với nước này. Sự thật không phải như vậy. Thái độ của Hoa Ký về Trung Quốc đã có một sự thay đổi tiêu cực rất rõ rệt tại Mỹ từ cuối năm 2015, và điều quan trọng không phải ai cũng nhận ra là sự thay đổi này có từ trước khi ông Trump đến Nhà Trắng. Daniel Kliman, cựu cố vấn cấp cao của bộ quốc phòng Mỹ, được tác giả David Grossman, trong bài ''Mỹ muốn gì từ Trung Quốc? Và thế cờ chót của Mỹ là gì?''nói: "Tôi nghĩ rằng nếu bà Hillary Clinton, hoặc một thành viên đảng Dân chủ khác, hoặc đảng Cộng hòa khác lên làm tổng thống vào năm 2016, bạn sẽ thấy bước ngoặt sắc nét này.' Không phải học giả Trung Quốc nào cũng mong Donald Trump tái đắc cử. ''Phải nói cho rõ, không phải mọi học giả hay quan chức Trung Quốc mà chúng tôi đã tiếp xúc đều muốn thấy Trump tại chức thêm bốn năm nữa. Một số người, chẳng hạn như giáo sư Đại học Quan hệ Quốc tế Da Wei, lập luận rằng Trump làm hại cho cả lợi ích của Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ và có thể dẫn đến một trật tự quốc tế bị xâm phạm sâu sắc cũng như làm sự trỗi dậy của Bắc Kinh phức tạp thêm.'' Paul Haenle và Sam Bresnick viết. |
You are subscribed to email updates from Dân quyền. To stop receiving these emails, you may unsubscribe now. | Email delivery powered by Google |
Google, 1600 Amphitheatre Parkway, Mountain View, CA 94043, United States |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét