“Xây đường băng trong rừng, Trung Quốc bị nghi đặt tiền đồn quân sự tại Campuchia ” plus 5 more |
- Xây đường băng trong rừng, Trung Quốc bị nghi đặt tiền đồn quân sự tại Campuchia
- Vô hiệu hóa 50 trang tin mang tên lãnh đạo để ‘bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng’
- 3 năm là quá nặng!
- Hơn 2.000 tổ chức, cá nhân xin khoan hồng cho Phạm Nhật Vũ
- Miệng nhà quan có… lưỡi!
- BỘ THÔNG TIN TRUYỀN THÔNG NÊN TREO CỜ RỦ
Xây đường băng trong rừng, Trung Quốc bị nghi đặt tiền đồn quân sự tại Campuchia Posted: 23 Dec 2019 02:20 PM PST Các hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại Campuchia, bao gồm một sân bay với đường băng dài, đã làm dấy lên nghi vấn về khả năng Bắc Kinh đặt căn cứ quân sự tại quốc gia Đông Nam Á.
Sau khi hoàn thiện vào năm tới tại một dải đất ven biển xa xôi, sân bay quốc tế Dara Sakor sẽ được biết đến là nơi có đường băng dài nhất tại Campuchia với khu vực thuận lợi cho các phi công lái máy bay chiến đấu. Gần đó, các công nhân vẫn đang dọn sạch cây cối tại một công viên quốc gia, mở đường cho một cảng nước sâu để đón các tàu hải quân. Theo New York Times, đường băng này giống như một vết sẹo cắt ngang khu vực từng là rừng hoang sơ của Campuchia. Một công ty Trung Quốc có mối liên kết về chính trị, đơn vị xây dựng đường băng và cảng tại Campuchia, nói rằng chúng chỉ được sử dụng cho mục đích dân sự. Tuy nhiên, quy mô của thỏa thuận thuê đất tại Dara Sakor, khu vực chiếm 20% bờ biển của Campuchia trong thời hạn 99 năm, đã đặt ra nhiều nghi vấn. Các hoạt động đang diễn ra tại Dara Sakor cũng như các dự án khác của Trung Quốc gần đó khiến nhiều người lo ngại rằng, Bắc Kinh đang lên kế hoạch biến Campuchia thành một tiền đồn quân sự tại Đông Nam Á. Sự bùng nổ về hoạt động xây dựng của Trung Quốc đã gióng lên hồi chuông báo động về tham vọng quân sự của Bắc Kinh vào thời điểm sự hiện diện của Mỹ tại khu vực đang có dấu hiệu giảm dần. Các hoạt động xây dựng của Trung Quốc không chỉ diễn ra tại các đảo nhân tạo trên Biển Đông, mà còn trên khắp khu vực Ấn Độ Dương và hướng tới căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên của Bắc Kinh ở Djibouti tại vùng Sừng châu Phi. Được biết đến với tên gọi "chuỗi ngọc trai", chiến lược quốc phòng của Trung Quốc sẽ phát huy hiệu quả từ một "viên ngọc" đặt tại Campuchia. "Tại sao người Trung Quốc xuất hiện giữa một khu rừng để xây dựng một đường băng. Công trình này sẽ cho phép Trung Quốc mở rộng sức mạnh không quân ra toàn khu vực và thay đổi toàn bộ cuộc chơi", Sophal Ear, nhà khoa học chính trị tại Trường Occidental ở Los Angeles, nhận định. Khi tìm cách phô trương sức mạnh ra bên ngoài, Trung Quốc sẽ "chạm trán" với "ô an ninh" được Mỹ thiết lập từ hàng chục năm trước trong khu vực. Campuchia được cho là đã bị cuốn vào quỹ đạo chính trị giữa các nước lớn. Chính quyền Thủ tướng Hun Sen "nặng lời" với Mỹ, trong khi xích lại gần Trung Quốc - nước hiện là nhà đầu tư và đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia. Theo giới chức quân sự Mỹ, xuôi xuống khu vực bờ biển từ Dara Sakor, Trung Quốc đã đạt được một thỏa thuận để có những đặc quyền nhằm mở rộng một căn cứ hải quân hiện thời của Campuchia. Mặc dù vậy, Bắc Kinh vẫn phủ nhận về việc có ý đồ quân sự tại Campuchia. "Chúng tôi lo ngại rằng các cơ sở như đường băng và cảng tại Dara Sakor đang được xây dựng trên quy mô nhằm phục vụ cho các mục đích quân sự, vượt xa hơn rất nhiều so với nhu cầu hạ tầng cho hoạt động thương mại cả ở hiện tại cũng như kế hoạch trong tương lai", Trung tá Dave Eastburn, người phát ngôn Lầu Năm Góc, nhận định. Theo Trung tá Eastburn, "bất kỳ bước đi nào của chính phủ Campuchia để mời nước ngoài hiện diện quân sự tại đây cũng sẽ gây rối loạn cho hòa bình và ổn định tại Đông Nam Á". Một báo cáo của tình báo Mỹ được công bố trong năm nay đã đặt ra nghi vấn về việc Campuchia sẽ cho phép Trung Quốc duy trì hiện diện quân sự tại nước này. Bộ Tài chính Mỹ trong tháng này đã áp lệnh trừng phạt một tướng cấp cao của Campuchia sau khi cáo buộc người này có liên quan tới hành vi tham nhũng ở Dara Sakor. Thủ tướng Hun Sen đã bác bỏ thông tin cho rằng, ông cho phép quân đội Trung Quốc thiết lập căn cứ tại Campuchia. Chính phủ của Thủ tướng Hun Sen khẳng định đường băng và cảng ở Dara Sakor sẽ biến một khu rừng nhiệt đới hẻo lánh của Campuchia thành một trung tâm hậu cần toàn cầu - nơi "những điều kỳ tích có thể xảy ra". "Sẽ không có quân đội Trung Quốc tại Campuchia, hoàn toàn không có, đó chỉ là thông tin hư cấu. Có lẽ người da trắng muốn kiềm chế Campuchia bằng cách cản trở chúng tôi phát triển kinh tế", người phát ngôn chính phủ Campuchia Pay Siphan cho biết. Thỏa thuận thuê đất kỳ lạ
Hồi tháng 7, một số người mặc quân phục có vũ trang xuất hiện tại căn nhà gỗ của Thim Lim, một ngư dân đang sinh sống tại công viên quốc gia lớn nhất của Campuchia. Họ yêu cầu ông phải rời đi. Theo lời kể của Thim Lim, các quan chức từ Bộ Quản lý Đất đai Campuchia đã nói với ông rằng, nhà của ông sẽ bị san phẳng vào năm tới để mở đường cho "một cảng quân sự do người Trung Quốc xây dựng". Những dân làng có mặt trong cuộc gặp ngày hôm đó đã xác nhận lời kể của Thim Lim, trong khi các quan chức Campuchia chưa đưa ra bình luận. "Trung Quốc lớn đến mức họ có thể làm bất kỳ điều gì họ muốn", Thim Lim nói. Khu đất của Thim Lim là một phần trong thỏa thuận cho thuê đất ở Dara Sakor giữa Campuchia với Union Development Group, một công ty Trung Quốc ít tiếng tăm và không có nhiều dấu ấn trên trường quốc tế, ngoại trừ thỏa thuận thuê 45.000 ha đất tại Campuchia. Ngay từ đầu, thỏa thuận này đã bị đặt câu hỏi nghi vấn. Ngoài quy trình mở thầu không công khai, Union Development Group còn được Campuchia trao cho thỏa thuận thuê đất lên tới 99 năm với diện tích cho thuê nhiều gấp 3 lần so với quy định theo luật của Campuchia. Thậm chí, công ty Trung Quốc còn được miễn tiền thuê trong 10 năm. Ngày 9/12, Tướng Kun Kim, cựu tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Campuchia, và gia đình ông đã bị Bộ Tài chính Mỹ áp lệnh trừng phạt. Washington cho rằng ông Kim được hưởng lợi từ mối quan hệ với "một thực thể nhà nước của Trung Quốc" và từng triển khai binh sĩ để hăm dọa, tháo dỡ, giải tỏa khu đất tại Campuchia. Mặc dù "thực thể Trung Quốc" không được Mỹ nêu đích danh, song các nhóm nhân quyền và người dân địa phương cho biết đó chính là Union Development Group. Chủ trì lễ ký kết thỏa thuận thuê đất Dara Sakor vào năm 2008 là cựu Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ, một lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc. Các tài liệu quảng cáo của công ty Trung Quốc mô tả dự án tại Dara Sakor là dự án đầu tư bờ biển lớn nhất không chỉ tại Đông Nam Á mà trên toàn thế giới. Tuy nhiên thực tế cho thấy, khu phức hợp nghỉ dưỡng đã được xây dựng ở Dara Sakor không sầm uất như kỳ vọng. Sân golf vắng vẻ, còn sòng bạc cũng không có người qua lại. Nhà hàng tại đây chỉ có một gia đình Trung Quốc ghé thăm, nhưng họ cũng mang theo hải sản tới để tránh phải trả giá cao tại khu nghỉ dưỡng. Mặc dù vậy, thay vì rút khỏi một dự án kinh doanh ảm đạm, Union Development Group vẫn tiếp tục tăng cường hoạt động. Công trình mới tại Dara Sakor bao gồm đường băng dài 3.200 mét và cảng nước sâu có thể đón được các tàu 10.000 tấn. Hiện vẫn chưa rõ ai là người nắm quyền kiểm soát dự án ở Dara Sakor. Trong suốt nhiều năm, Union Development Group nói rằng Dara Sakor hoàn toàn là của tư nhân. Tuy nhiên, Tướng Chhum Socheat, Thứ trưởng Quốc phòng Campuchia, nói với New York Times rằng cơ quan hàng không dân dụng của nước này sẽ vận hành dự án sân bay ở Dara Sakor, đồng nghĩa với việc dự án này không liên quan tới quân đội Trung Quốc. Tuy vậy, người phát ngôn của Cơ quan Hàng không Dân dụng Campuchia Sin Chansereyvutha khẳng định: "Chúng tôi không có bất kỳ thỏa thuận nào" ở sân bay Dara Sakor. Mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc Cách Dara Sakor chưa đầy 80 km, một công trình vắng vẻ khác do Trung Quốc xây dựng mọc lên tại một công viên quốc gia khác. Khu nghỉ dưỡng quốc tế Sealong Bay có tầm nhìn hướng ra biển và đầu bếp Trung Quốc. Tuy nhiên dự án bên cạnh đó mới thu hút được chú ý: Căn cứ hải quân Ream, căn cứ lớn nhất của Campuchia.. Hồi tháng 7, Thời báo phố Wall đã đưa tin về một dự thảo thỏa thuận bí mật trao cho Trung Quốc quyền tiếp cận độc quyền với một phần căn cứ hải quân Ream trong vòng 30 năm. Những đồn đoán về Ream bắt đầu gia tăng trong năm nay khi Mỹ, bên đã chấp thuận yêu cầu từ Campuchia về việc nâng cấp các cơ sở bảo dưỡng tàu và huấn luyện tại căn cứ Ream, nhận được thông báo rằng Campuchia không còn muốn người Mỹ giúp đỡ. "Việc rút lại yêu cầu 6 tháng sau đó đã gây bất ngờ và đặt ra câu hỏi về kế hoạch của chính phủ Campuchia đối với căn cứ", người phát ngôn Lầu Năm Góc Eastburn cho biết. Trong khi đó, Tướng Chhum Socheat bác bỏ việc Campuchia yêu cầu Mỹ rót tiền để nâng cấp căn cứ Ream. "Chúng tôi hoàn toàn đủ khả năng. Chúng tôi có cần nhờ người Mỹ giúp phát triển lãnh thổ của mình không? Chúng tôi có cần van xin Mỹ thực hiện dự án này không?", ông Socheat đặt câu hỏi. Tuy nhiên, trong bức thư hồi tháng 5 gửi Bộ Quốc phòng Campuchia, tùy viên quốc phòng Mỹ ở Phnom Penh cho biết Campuchia đã "yêu cầu Mỹ hỗ trợ tiến hành sửa chữa và cải tạo quy mô nhỏ đối với những cơ sở do Mỹ cung cấp tại căn cứ". Nhấn để phóng to ảnh Một tháng sau đó, một quan chức quốc phòng Campuchia hồi đáp rằng "việc sửa chữa và cải tạo các cơ sở ở căn cứ không còn cần thiết". Trong bức thư, Joseph Felter, cựu phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Nam và Đông Nam Á, cảnh báo Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh rằng "sự thay đổi chính sách đột ngột này có thể là dấu hiệu cho thấy những kế hoạch thay đổi lớn hơn tại căn cứ hải quân Ream, đặc biệt là các kế hoạch liên quan tới việc tiếp nhận các khí tài quân sự của Trung Quốc". Bộ Quốc phòng Campuchia không hồi đáp bức thư trên. Trong khi đó, Thủ tướng Hun Sen cùng các cấp phó cáo buộc Mỹ tìm cách hỗ trợ phe đối lập chống lại chính phủ của ông. Hạ viện Mỹ hồi tháng 7 thông qua một dự luật trừng phạt các cá nhân làm suy yếu nền dân chủ ở Campuchia. Hai năm trước đó, quân đội Campuchia đã hủy các cuộc tập trận chung với Mỹ và thay vào đó, bắt đầu các cuộc tập trận chung với Trung Quốc. Trong một động thái cho thấy mối quan hệ quân sự ngày càng gắn bó giữa hai nước, Thủ tướng Hun Sen hồi tháng 7 thông báo ông đã chi 240 triệu USD mua vũ khí của Trung Quốc. "Nếu Đại sứ quán Mỹ không ưa chúng tôi, họ có thể đóng đồ đạc và rời đi. Họ là những kẻ gây rối. Chúng tôi nhận thấy điều đó khi họ coi thường Campuchia. Còn Trung Quốc đang đẩy mạnh sự thịnh vượng của chúng tôi. Chúng tôi là những người bạn rất tốt", người phát ngôn của chính phủ Campuchia Pay Siphan khẳng định. Thành Đạt Theo New York Times | ||||
Vô hiệu hóa 50 trang tin mang tên lãnh đạo để ‘bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng’ Posted: 23 Dec 2019 02:19 PM PST
"Mục đích của chúng là làm tan rã, suy giảm niềm tin của người dân đối với Đảng, chế độ, lực lượng vũ trang nhân dân", báo Dân Trí dẫn lời Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam, nói tại Hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo năm 2019. Theo tướng Nghĩa, để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là "bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng" thì cần phải có sự chuyển biến nhận thức hơn nữa trong bối cảnh cuộc đấu tranh với các thế lực thù địch ngày càng "cấp bách", "nóng bỏng" và "không nhân nhượng" khi phải đối diện với âm mưu thủ đoạn ngày càng "tinh vi, phức tạp, trực diện và triệt để khai thác công nghệ" của các thế lực thù địch, trong đó "thậm chí có những cán bộ cao cấp" và "có cả những tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang", vẫn theo Dân Trí. Tướng Nghĩa cũng lưu ý đến một vấn đề quan trọng khác là chống "lợi ích nhóm" trên mặt trận tư tưởng. "Nhiều thông tin do nội bộ chúng ta đưa ra để thế lực thù địch lợi dụng chống phá", ông Nghĩa thông tin thêm. Cũng tại cuộc họp của Ban tuyên giáo, Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo khi nói về công tác quản lý báo chí đã lưu ý về tình trạng khó khăn khi xử lý thông tin cung cấp từ "bên nọ", "bên kia". "Tình trạng đơn thư của địa phương chuyển lên về báo chí rất nhiều. Khi gửi yêu cầu báo cáo thì bên này nói thế này, bên kia nói thế kia, chúng tôi rất khó xử lý", Vietnamnet dẫn lời ông Bảo nói. Hội nghị tổng kết năm của Ban tuyên giáo Trung ương diễn ra giữa bối cảnh cuộc chiến chống tham nhũng tại Việt Nam, do Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, được cho là càng gần cuối năm càng "rực cháy", khi đại án MobiFone-AVG đang diễn ra thu hút nhiều sự chú ý của công luận với một cựu quan chức của Bộ TTTT bị đề nghị án tử hình. Hồi đầu tháng này, Tướng Đoàn Duy Khương – Giám đốc Công an thành phố Hà Nội – trong một báo cáo về tình hình an ninh trật tự của thủ đô năm 2019, cho rằng các tổ chức phản động đã sử dụng phương thức cấp đất, cấp nhà miễn phí để lừa bịp, lôi kéo và chiêu dụ người dân. Tuy nhiên, một nạn nhân mất đất của Hà Nội, anh Trịnh Bá Tư, khẳng định với VOA rằng anh chưa từng biết và cũng không tin rằng chiêu thức "cấp đất, cấp nhà" này, mà chính tự bản thân Đảng Cộng sản đã làm cho người dân nhận thức ra vấn đề qua thực tế tham nhũng và tiêu cực tràn lan. Thông tin tại cuộc họp ngày 23/12, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết trong năm qua, Bộ này đã xây dựng 20 kế hoạch, "chủ động nắm tình hình", đấu tranh với 300 mạng xã hội, bao gồm Facebook, blog, YouTube, đăng tải 1.500 tin bài trên báo chính thống, 113.000 tin bài viết và video clip, 304 trang web, blog và hàng ngàn bình luận để "đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái thù địch". Công an Việt Nam cũng đã "vô hiệu hoá" 50 trang tin điện tử mang tên các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và yêu cầu dỡ bỏ hàng trăm link trên YouTube có nội dung được cho là "kích động biểu tình, gây rối và vi phạm pháp luật". Tình trạng siết chặt kiểm duyệt thông tin tại Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt vào thời điểm chuẩn bị tổ chức cho Đại hội Đảng khoá 13 vào năm tới. Tháng 10 vừa qua, Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) có trụ sở ở Mỹ đã xếp Việt Nam vào danh sách 10 quốc gia kiểm duyệt báo chí gắt goa nhất thế giới. | ||||
Posted: 23 Dec 2019 02:18 PM PST | ||||
Hơn 2.000 tổ chức, cá nhân xin khoan hồng cho Phạm Nhật Vũ Posted: 23 Dec 2019 02:18 PM PST Sau khi hối lộ Nguyễn Bắc Son, Phạm Nhật Vũ phải chi bao nhiêu triệu $ để có được danh sách ủng hộ viên hùng hậu thế này?: Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ nhiều địa phương; ông Kirsan Ilyumzhinov - nguyên Tổng thống đầu tiên Nước cộng hoà Kalmykia thuộc Liên bang Nga (1993-2010); ông Konstantin Vasilievich Vnukov - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam; ông Atkov Oleg Yurevich - Phi công vũ trụ, Giáo sư, Anh hùng Liên bang Xô-Viết; ... Sáng 23/12, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) tiếp tục với phần tự bào chữa của các bị cáo và phần bào chữa của các luật sư.
Theo thông báo của HĐXX, vì lý do sức khỏe, bị cáo Phạm Nhật Vũ - cựu Chủ tịch AVG - gửi đơn tới HĐXX, có xác nhận của bệnh viện về tình hình sức khỏe. Trong đơn, ông Vũ xin giữ nguyên các lời khai như trong kết luận điều tra, cáo trạng cũng như lời khai trước tòa. Trình bày phần bào chữa cho bị cáo Vũ, luật sư Trần Hoàng Anh cho rằng, hiếm có một vụ án nào mà gia đình bị cáo chưa có đơn xin khoan hồng thì đông đảo các tổ chức, cá nhân uy tín trong và ngoài nước đã có đơn xin bảo lãnh, khoan hồng như vụ án đang xét xử đối với bị cáo Phạm Nhật Vũ. Theo luật sư Hoàng Anh, tính đến ngày 31/10/2019, đã có 1.731 chữ ký và đơn xin khoan hồng, giảm nhẹ tội cho bị cáo Vũ được gửi đến Viện Kiểm sát bởi các cá nhân có uy tín, có sức ảnh hưởng lớn cả trong và ngoài nước; hơn 300 tổ chức xã hội ở nhiều lĩnh vực đã xác nhận, xin bảo lãnh, xin khoan hồng cho ông Vũ. Các tổ chức, cá nhân có đơn xin khoan hồng có thể nói đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ nhiều địa phương; ông Kirsan Ilyumzhinov - nguyên Tổng thống đầu tiên Nước cộng hoà Kalmykia thuộc Liên bang Nga (1993-2010); ông Konstantin Vasilievich Vnukov - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam; ông Atkov Oleg Yurevich - Phi công vũ trụ, Giáo sư, Anh hùng Liên bang Xô-Viết; Thượng toạ, Tiến sỹ Manor Kumar - phó Trụ trì Thánh tích Bồ đề đạo tràng, phụ trách tháp Đại Giác, Ấn độ; Đại lão Hòa thượng Yoshimizu Daichi - nguyên Hội trưởng Phật giáo Tịnh Độ Tông Nhật Bản... "Nội dung các đơn này đều khẳng định, trong 20 năm kinh doanh và sinh sống tại Việt Nam, ông Vũ âm thầm làm từ thiện và đã có đóng góp rất lớn cho các cá nhân, tổ chức xã hội với số tiền hàng nghìn tỷ đồng. Sau khi vụ án xảy ra, để thu thập các tình tiết giảm nhẹ, gia đình mới đi xin xác nhận giấy tờ từ các nơi được 1.300 tỷ, con số thực tế còn lớn hơn nhiều." - ông Hoàng Anh nói. Cần áp dụng 10 tình tiết giảm nhẹ Tiếp tục bào chữa, luật sư Trần Hoàng Anh cho biết, đến nay, ông Vũ không có ý kiến về tội danh bị truy tố mà chỉ mong tòa xem xét chứng cứ khách quan thể hiện khởi đầu ông Vũ mong muốn và xin phép bán AVG cho đối tác nước ngoài; sau đó, do yêu cầu về mặt quản lý nhà nước và nhu cầu kinh doanh, MobiFone đã chủ động đề xuất, đàm phán với ông để mua cổ phần của AVG. Đến nay, cũng không có chứng cứ nào thể hiện hai bên có sự hứa hẹn, thỏa thuận về việc biếu tiền hay quà gì. Luật sư Anh trình bày, ngay khi dư luận dị nghị về việc giá mua bán cao, làm thất thoát tài sản Nhà nước, mặc dù chưa cơ quan Nhà nước nào xác định ông Vũ có sai phạm gì, cũng không yêu cầu ông Vũ khắc phục gì, chưa khởi tố vụ án… ông Phạm Nhật Vũ đã thu gom hết tiền gia đình, vay mượn thêm, chủ động đề xuất xin huỷ hợp đồng chuyển nhượng, trả lại hết tiền đã nhận và nhận lại hết cổ phần. "Thậm chí, để đảm bảo Nhà nước không bị bất cứ thiệt hại, tổn thất gì, ông Phạm Nhật Vũ đã trả thêm toàn bộ tiền lãi suất, chi phí thuê tư vấn và tất cả các chi phí phát sinh khác mà MobiFone đã chi phí cho việc mua bán với số tiền lên đến hơn 329 tỷ đồng; mua lại số thiết bị, vật tư tồn kho của MobiFone với chi phí khoảng 120 tỷ đồng…" - ông Anh nói và cho rằng, thân chủ của ông hoàn toàn đáp ứng và cần được áp dụng 10 tình tiết giảm nhẹ theo quy định của Bộ luật Hình sự. Viện Kiểm sát: Ông Vũ chủ động, tích cực khắc phục hậu quả Trước đó, tại phần luận tội sáng 20/12, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, bị cáo Phạm Nhật Vũ mặc dù không phải chịu trách nhiệm chính về các hậu quả thiệt hại của MobiFone do hành vi phạm tội vi phạm về đầu tư công của Nguyễn Bắc Son và đồng phạm gây ra nhưng trước khi khởi tố vụ án, ông Vũ đã chủ động, tích cực khắc phục toàn bộ số tiền thiệt hại cho MobiFone. Đồng thời, bị cáo Vũ đã tích cực phối hợp cung cấp tài liệu để cơ quan điều tra làm rõ hành vi của các bị cáo vi phạm về đầu tư công, cũng như hậu quả của vụ án. Do đó, đại diện VKS cho rằng có đủ căn cứ không xử lý trách nhiệm của ông Vũ về hành vi này. Trong quá trình điều tra vụ án đưa và nhận hối lộ, bị cáo Vũ đã có đơn tự nguyện khai báo và đầu thú về hành vi phạm tội, nhận thức rõ và ăn năn hối lỗi về hành vi phạm tội; tích cực khai báo và hợp tác với cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát để làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo nhận hối lộ, giúp cho cơ quan tố tụng sớm kết thúc điều tra vụ án. Ngoài ra, bị can Phạm Nhật Vũ có nhiều hoạt động từ thiện và đóng góp cho hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngày 29/6/2019, Hội đồng Chứng minh và Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có đơn ghi nhận ông Phạm Nhật Vũ đã có nhiều đóng góp cho an sinh xã hội, trùng tu di tích lịch sử văn hóa… và lĩnh vực giao lưu mở rộng quan hệ Quốc tế của Giáo hội. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tình, thành phố cũng có đơn đề nghị xem xét cho bị cáo Vũ được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật. Do đó, theo VKS, với những tình tiết giảm nhẹ đáng kể như trên, cần áp dụng đầy đủ, triệt để các quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 3; khoản 1, 2, Điều 51 và các quy định khác của Bộ luật Hình sự năm 2015 để xem xét quyết định mức hình phạt tương xứng với những tình tiết giảm nhẹ của bị cáo Phạm Nhật Vũ. Bày tỏ quan điểm về vụ việc này, luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng Văn phòng luật sư Bách giao luật và Liên danh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - cho rằng, hơn 2.000 đơn thư, chữ ký của các cá nhân, tổ chức uy tín trong và ngoài nước xin khoan hồng cho bị cáo có thể được xem là bằng chứng củng cố thêm cho tình tiết giảm nhẹ khác của bị cáo theo khoản 2, Điều 51 Bộ luật Hình sự. Căn cứ vào đó, HĐXX sẽ có quyết định cuối cùng. Khoản 2, Điều 51: "Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án". Tiến Nguyên | ||||
Posted: 23 Dec 2019 02:14 PM PST Xuân Dương: "Ông Đinh La Thăng từng khai rằng việc việc PVN (Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam) góp vốn vào OceanBank "Theo quy định của pháp luật, việc này phải được sự đồng ý của Thủ tướng". Cùng giống như ông Thăng, ông Son khai "Do Thủ tướng có công văn chấp thuận chủ trương đầu tư nên bản thân nghĩ rằng làm đúng". [1]" Liên quan đến "Miệng quan", người Việt có câu: "Miệng nhà quan có gang có thép". Lại cũng có câu: "Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo". Vận vào trường hợp ông Nguyễn Bắc Son khi còn đương chức, miệng ông này "có gang có thép" hay không người viết không dám lạm bàn nhưng những gì ông nói trước tòa thì quả là "nhiều đường lắt léo". Ban đầu ông Son khai nhận của Phạm Nhật Vũ 3 triệu USD. Số tiền này lúc nhận để ngoài ban công sau đó đưa cho con gái. Sáng 17/12/2019, tại tòa ông Son phủ nhận lời khai này, đến buổi chiều lại khai có nhận 3 triệu USD và cải chính rằng không đưa tiền cho con gái, tuy nhiên dùng tiền đó vào việc gì thì ông không nhớ! Với riêng ông Son đành phải ghép hai câu thành ngữ nêu trên thành câu mới, rằng "Miệng nhà quan có … lưỡi". Có người không đồng ý câu tổng kết trên vì cái sự "lắt léo" của ông Son xảy ra sau khi bị bắt, tức không còn là "quan" nữa, thế chẳng nhẽ những "lời vàng ngọc" ông ấy nói khi còn là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đúng tuốt tuồn tuột? Ông Đinh La Thăng từng khai rằng việc việc PVN (Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam) góp vốn vào OceanBank "Theo quy định của pháp luật, việc này phải được sự đồng ý của Thủ tướng". Cùng giống như ông Thăng, ông Son khai "Do Thủ tướng có công văn chấp thuận chủ trương đầu tư nên bản thân nghĩ rằng làm đúng". [1] Thẩm phán Trương Việt Toàn khen ông Son "rất dũng khí" trong lời khai sau: "Đây là lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo doanh nghiệp thực hiện dự án. Tôi và anh Tuấn đều từ ban Đảng chuyển sang, không có kiến thức, chuyên môn sâu về kinh doanh, tài chính nên tin tưởng vào các cơ quan tham mưu và các bộ ngành. Các văn bản tôi đều bút phê chứ không có đề xuất". [2] Khi nhận chức chẳng thấy hai ông cựu Bộ trưởng từ chối với lý do "không có kiến thức, chuyên môn sâu về kinh doanh, tài chính", khi ra tòa thì mới đổ vạ rằng do "từ ban Đảng chuyển sang", thế miệng nhà quan có … lưỡi hay có … gang thép? Ông Son và không ít người cùng chung cảnh ngộ với ông này đang biện minh, rằng họ thực hiện quyết định chuyển từ Ban sang Bộ dù thiếu kiến thức nên họ không có lỗi, họ không nên bị kỷ luật. Liệu có phải ông Son đang trách "quy trình" chọn Bộ trưởng? Tại "quy trình" nên ông và ông Tuấn phải làm những việc mình không có kiến thức, không chuyên sâu! Không biết ôm một lúc gần 70 tỷ đồng Phạm Nhật Vũ hối lộ cất ở hành lang thì ông Son cần đến kiến thức chuyên môn sâu về lĩnh vực gì? Mà chẳng lẽ thật sự bao nhiêu năm lãnh đạo ông Son chỉ "ăn" mỗi 3 triệu USD vụ AVG? Nhưng phải công nhận quan tòa rất tinh khi cho rằng nói được điều đó quả là ông Son có "dũng khí". Có điều, thường thì Thủ tướng chỉ cho ý kiến về chủ trương, đường lối và luôn có chỉ đạo phải tuân thủ pháp luật, còn thực hiện cụ thể thì người đứng đầu bộ, ngành, tỉnh,… phải tự mình quyết định. Chẳng nhẽ Thủ tướng còn phải cầm tay chỉ việc cho … Bộ trưởng như với 30% cán bộ, công chức sáng cắp ô đi, tối cắp về mà báo chí đặt câu hỏi? Nếu thực tế không có hiện tượng Bộ trưởng phải cầm tay chỉ việc thì vì sao không ít vị lại cố tình "báo cáo Thủ tướng", lại cứ viện dẫn chỉ đạo của Thủ tướng? Gần 5 năm trước, trong bài "Quốc gia đội sổ và … báo cáo Thủ tướng" đăng trên Giaoduc.net.vn người viết đã nêu câu hỏi: "Đất nước chỉ có một Thủ tướng nhưng có 63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương, 22 cơ quan cấp bộ, liệu rồi đây còn bao nhiêu vụ việc sẽ lại đến tay Thủ tướng?". [3] Thực ra "Báo cáo Thủ tướng" là kế thứ mười của "Binh pháp quan trường" (đã đăng được 9 kế), dù viết xong nhưng không gửi đăng vì không muốn làm khó tòa soạn. "Báo cáo Thủ tướng" là kế để phòng thân, để rủi sau này phải đứng trước tòa thì còn có chỗ bấu víu, thậm chí là còn để… đổ vạ. Đã xuất hiện tình trạng khiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải lên tiếng cảnh báo: "Nguy cơ lớn nhất là không hành động vì sợ trách nhiệm". [4] Sợ trách nhiệm nên không làm, khi buộc phải làm thì tìm mọi cách "báo cáo Thủ tướng". Đã báo cáo mà vẫn có sai sót khi thực hiện thì cả hai phía - người báo cáo và người nhận báo cáo - đều phải chung tay chịu trách nhiệm, thế gọi là "đổ vạ" hay "giăng bẫy"? Có một băn khoăn là không biết hiện tượng "đổ vạ" sẽ dừng ở cấp trên trực tiếp hay "những bàn tay nhúng chàm" đang giơ ngón trỏ về phía "quy trình"? Cũng còn một hướng khác, được Báo Vietnamnet.vn chạy thành tít bài "Quốc hội là dân, dân quyết sai dân chịu chứ kỷ luật ai?". Bài báo dẫn ý kiến một vị lãnh đạo lúc đó: "Quốc hội là cơ quan lập pháp, nếu đưa ra quyết định, chủ trương sai cũng phải nhận khuyết điểm, nhưng không thể đem cả Quốc hội ra kỷ luật". [5] Không thể kỷ luật người sai phạm vì làm theo "ý kiến chỉ đạo" của cấp trên, "không thể đem cả Quốc hội ra kỷ luật" vì "dân quyết sai dân chịu", thế có phải chỉ hai đối tượng là "quy trình" và "dân chúng" phải chịu kỷ luật? Nếu kết luận trên đây là đúng thì có lẽ phải nghiên cứu ngay quy trình kỷ luật hai đối tượng này, tránh tình trạng "trên có chính sách, dưới (dân và quy trình) có đối sách". Trong trò "Chơi ô ăn quan" bọn trẻ hát "Hết quan tàn dân…", dân muốn "không tàn" thì đừng để "hết quan", liệu người lớn có nghĩ như con nít? Một bộ phận không nhỏ những người "vô trách nhiệm không thời hạn" cho đến trước khi bị bắt giam như Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Đinh La Thăng,… thì không nên để họ vào cùng hàng ngũ với dân bởi nếu thế họ sẽ bị kỷ luật hai lần – trước tòa và cùng dân. Hết quan lại không phải dân thì họ là gì? Tài liệu tham khảo: [1] //tuoitre.vn/ong-nguyen-bac-son-khong-dua-3-trieu-usd-cho-con-gai-khong-nho-tieu-het-vao-viec-gi-20191218173424677.htm [2]//tuoitre.vn/khai-gi-la-quyen-cua-ong-nguyen-bac-son-nhung-su-that-chi-co-mot-20191218084043216.htm [3]//giaoduc.net.vn/goc-nhin/quoc-gia-doi-so-va-bao-cao-thu-tuong-post156922.gd [4]//www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Chinh-tri/949884/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-nguy-co-lon-nhat-la-khong-hanh-dong-vi-so-trach-nhiem [5] //vietnamnet.vn/vn/thoi-su/qh-la-dan-dan-quyet-sai-dan-chiu-chu-ky-luat-ai-169988.html Xuân Dương | ||||
BỘ THÔNG TIN TRUYỀN THÔNG NÊN TREO CỜ RỦ Posted: 23 Dec 2019 02:13 PM PST Bá Tân Theo quy định hiện hành, khi có quốc tang, các công sở nhà nước phải treo cờ rủ. Quy định bắt buộc ấy được tuân thủ khá nghiêm ngặt, phần nhiều mang tính đối phó, thực ra chẳng mấy ai quan tâm cái quốc tang dành cho ông nọ, bà kia. Bộ thông tin truyền thông đang trong những ngày tang tóc ngành tang, thậm chí còn chấn động dư luận trên cả quốc tang. Cùng thời điểm, trong một vụ án, hai nguyên bộ trưởng và một vụ trưởng bị lôi ra tòa bởi tội danh đại tham nhũng. Không chỉ phơi bày cái mặt mo trước pháp đình, hai đại bị cáo nguyên bộ trưởng còn quay lưng tố nhau về hành vi cố ý làm trái. Lịch sử ngành thông tin truyền thông mãi mãi ô nhục bởi "ranh tiếng" sặc mùi tanh hôi của hai kẻ một thời cầm đầu. Ít nhất trong thời gian xét xử đại án AVG, bộ Thông tin – Truyền thông (ngành thông tin truyền thông nói chung) nên treo cờ rủ. Nhục nhã như thế, tang tóc đến độ xưa nay chưa từng có, nếu không treo cờ rủ, chứng tỏ ngành thông tin truyền thông chỉ mê mãi vui cười mà không biết ngậm ngùi chiều sâu từ nỗi đau. Cuộc đời người ta cười nhiều hơn khóc, tuy nhiên lúc không cầm được nước mắt, khi nỗi lòng quặn thắt đớn đau mà vẩn tỉnh bơ, cử chỉ ấy chứng tỏ phần con áp đảo phần người, loại như thế chưa vượt qua động vật cấp thấp. Khoa học giáo dục luôn gắn liền hai mặt: Ngợi ca cái đẹp, lên án cái xấu. Ngổn ngang những cái xấu, lộ diện những cái cực xấu mà làm ngơ bỏ qua, thậm chí cấm không được nhắc đến, làm như thế là phản tác dụng, phản giáo dục. Ngành thông tin truyền thông (kể cả bên tuyên giáo, hai đại bị cáo Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn từng là phó ban tuyên giáo trung ương) rất nên mở đợt "chỉnh huấn, chỉnh quân" để chủ động ngăn chặn những phần tử có nguy cơ trở thành "tấm gương" như Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn. Trước mắt, ít nhất trong thời gian xét xử đại án AVG, ngành thông tin truyền thông (có thêm bên tuyên giáo càng tốt) hãy treo cờ rủ, coi đó là cách răn dạy những người trong ngành đừng lao vào vũng lầy như Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn. 22-12-2019 Nguồn: Tiếng Dân |
You are subscribed to email updates from Dân quyền. To stop receiving these emails, you may unsubscribe now. | Email delivery powered by Google |
Google, 1600 Amphitheatre Parkway, Mountain View, CA 94043, United States |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét