“Việt Nam cho xuất viện 15/16 bệnh nhân nhiễm COVID-19” plus 14 more |
- Việt Nam cho xuất viện 15/16 bệnh nhân nhiễm COVID-19
- Tạo lập niềm tin thời bệnh dịch virus Covid-19
- Thủ tướng cảm ơn cô giáo viết bài thơ chống dịch Covid-19
- TP.HCM chính thức kiến nghị Chính phủ cho nghỉ học hết tháng 3 tránh dịch covid-19
- Covid-19: Khách nước ngoài tươi cười dạo phố Sài Gòn
- Đề xuất Chính phủ nhiệm kỳ sau giảm 2 bộ
- Mở cửa khẩu Tân Thanh, nông sản thêm đường sang Trung Quốc
- Thế giới ra sao nếu ông Trump tái cử?
- Ấn tượng về bản Tuyên bố nhanh kỷ lục với dẫn dắt của Việt Nam
- WHO lật tẩy những suy đoán không đúng về Covid-19
- Vé máy bay, tour du lịch siêu rẻ, chưa bao giờ du lịch tiết kiệm thế
- Tin tức dịch CoVid-19 ngày 20/2: Số ca nhiễm mới Covid-19 giảm mạnh
- Thanh niên mới ra tù đi giật điện thoại, bị ngã xe tử vong
- Vợ dùng dao đâm chết chồng ở Sài Gòn
- Bảo Thanh khoe nhà tiền tỷ mới tậu sau 'Về nhà đi con'
Việt Nam cho xuất viện 15/16 bệnh nhân nhiễm COVID-19 Posted: 19 Feb 2020 08:06 PM PST - Bé N.G.L, 3 tháng tuổi - bệnh nhi duy nhất tại Việt Nam nhiễm COVID-19 sau 9 ngày điều trị đã được xuất viện. Sáng 20/2, BV Nhi Trung ương công bố, bé gái N.G.L., 3 tháng tuổi ở Bình Xuyên, Vĩnh Phúc đã khỏi bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới (COVID-19) sau 9 ngày điều trị, kết quả 2 lần xét nghiệm đều âm tính. Đây là trường hợp bệnh nhi duy nhất tại Việt Nam nhiễm COVID-19. Sau khi được xuất viện, cháu bé được đưa về địa phương, tuy nhiên sẽ cần tiếp tục theo dõi một thời gian nữa tại Trung tâm y tế huyện Bình Xuyên. Bệnh nhi được khám lại trước khi xuất viện GS Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết thêm, mẹ bé, dù chăm sóc bé trực tiếp nhưng cũng không bị nhiễm COVID-19, xét nghiệm 2 lần đều cho kết quả âm tính. Giải thích về điều này, TS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc TT Trung tâm Y học Lâm sàng các bệnh nhiệt đới, BV Nhi Trung ương cho biết, ngay khi công bố bệnh nhi đầu tiên nhiễm virus corona mới, ông đã xem lại rất kỹ các kiến thức y học về loại virus này để cắt tất cả các đường lây. Nhận thấy virus chủ yếu lây truyền qua tiếp xúc và giọt bắn nên trong quá trình chăm sóc, mẹ bé luôn đeo khẩu trang, tránh giọt bắn của trẻ vào mắt, niêm mạc, đường hô hấp. Bé L. là trường hợp thứ 15 của Việt Nam nhiễm COVID-19. Bé lây gián tiếp từ bà ngoại, sau khi bà ngoại được xác định dương tính với COVID-19 do tiếp xúc với nữ công nhân N.T.D, 23 tuổi – một trong 6 công nhân được xác định dương tính với loại virus này khi trở về từ Vũ Hán ngày 17/1. 5 ngày trước khi vào viện, trẻ xuất hiện quấy khóc, chảy nước mũi, ho húng hắng, khò khè nhẹ, sốt nhẹ 37,4 độ C nhưng vẫn bú tốt, không khó thở. Bệnh nhi cùng mẹ lên xe trở về Vĩnh Phúc Bệnh nhi được khám và cách ly tại phòng khám đa khoa Quang Hà, huyện Bình Xuyên. Sau khi có kết quả dương tính với COVID-19 ngày 11/2, cháu bé được chuyển lên BV Nhi Trung ương để theo dõi, điều trị, kịp thời xử lý khi có tình huống bất trắc xảy ra. Khi đến viện, cháu bé ăn uống kém, hắt hơi sổ mũi, chụp phim tổn thương phổi mức độ nhẹ, bạch cầu tăng nhẹ, các chỉ số khác ở giới hạn bình thường. Nói về phương pháp điều trị cho bệnh nhi, TS Lâm cho biết, các y bác sĩ đã hội chẩn, đưa ra các liệu pháp điều trị theo phác đồ của WHO, CDC Hoa Kỳ, Bộ Y tế, sử dụng thuốc căn bản điều trị cho cháu bé, kết hợp chăm sóc sức khoẻ tinh thần, vệ sinh thân thể, hỗ trợ dinh dưỡng, bổ sung các chất tăng cường miễn dịch. Đến ngày 13/2, trẻ không còn sốt, không ho, có đờm, không khó thở, tim phổi bình thường, đại tiểu tiện bình thường. Từ ngày 14/2 đến nay, tình trạng lâm sàng của bệnh nhân ổn định. Chia sẻ từ buồng bệnh, mẹ của bé chia sẻ: "Giờ cháu ăn uống ngủ nghỉ rất tốt. Mẹ con tôi rất cảm ơn các y bác sĩ của bệnh viện đã luôn chăm sóc tận tình. Tôi chỉ có mong ước, sau cháu lớn cũng làm nghề như các bác sĩ để giúp nhiều bạn khác". PGS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, trong chiều nay cũng có thêm 2 bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở Bình Xuyên được ra viện và trong chiều mai, bệnh nhân Việt kiều Mỹ, 70 tuổi ở TP.HCM cũng đủ điều kiện xuất viện. Như vậy, Việt Nam có 15/16 bệnh nhân nhiễm COVID-19 được xuất xiện. Trường hợp bệnh nhân duy nhất phải ở lại viện điều trị là bố nữ công nhân N.T.D. Ông Khuê chia sẻ, Việt Nam áp dụng chiến lược 4 tại chỗ, tinh thần "chống dịch như chống giặc", luôn sẵn sàng các tình huống trên mức khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới. Thúy Hạnh WHO lật tẩy những suy đoán không đúng về Covid-19Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiếp tục lý giải những hiểu lầm xung quanh dịch bệnh COVID-19 mà nhiều người lan truyền. | ||||||||||||||||||||||||
Tạo lập niềm tin thời bệnh dịch virus Covid-19 Posted: 19 Feb 2020 06:49 PM PST - Dịch bệnh viêm phổi Covid-19 đã dần lắng xuống ở Việt Nam dù vẫn còn diễn biến rất căng thẳng trên thế giới. Đến lúc này, dù không được lơ là, mất cảnh giác nhưng chúng ta cũng cần tìm các liều thuốc vitamin cho nền kinh tế. Giữ vững niềm tin Lòng tin, tâm thế của người dân trước khả năng chống chọi, kiểm soát dịch bệnh là rất quan trọng, quyết định đến rất nhiều lĩnh vực từ tâm thức xã hội đến phát triển kinh tế. Trong suốt thời gian qua, kể từ khi hai người Trung Quốc đầu tiên bị nhiễm bệnh được phát hiện đến lúc tất cả người bệnh đã bình phục và xuất viện hôm qua, các biện pháp, chính sách phòng chống dịch bệnh ở nước ta là rất kiên quyết và hiệu quả. Việt Nam tạm ngừng một số tour du lịch, tạm dừng cấp phép đối với một số chuyến bay, kiểm soát chặt chẽ giao thương cửa khẩu, thực hiện kiểm soát y tế tại các cửa khẩu, hạn chế các lễ hội và hội họp đông người, cho học sinh, sinh viênnghỉ học, tăng cường truyền thông các thông tin về dịch bệnh và tác động của dịch bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận những giải pháp và nỗ lực của Việt Nam trong xử lý dịch bệnh COVID-19 là "rất tốt". Các tổ chức quốc tế đánh giá phản ứng của Chính phủ Việt Nam trước dịch Covid-19 thời gian qua là "rất kịp thời, nhanh, quyết liệt và hiệu quả". Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nói hôm họp báo gần đây: "Các ca bệnh được điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế, tiệm cận với các phác đồ của thế giới và không có gì là cao siêu". Trong cuộc họp báo mới đây Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đánh giá, tỷ lệ tử vong do Covid-19 gây ra không cao như các chủng virus corona khác, trong đó có SARS và MERS. Hơn 80% người mắc Covid-19 chỉ bị bệnh nhẹ và sẽ phục hồi; khoảng 14% ca nhiễm Covid-19 bị bệnh nặng như viêm phổi và khó thở; khoảng 5% người bệnh gặp phải các bệnh nghiêm trọng, trong đó có suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn và suy đa tạng; và nhất là chỉ có 2% ca nhiễm Covid-19 tử vong và nguy cơ tử vong tỷ lệ thuận với độ tuổi của người bệnh. Như vậy, đến thời điểm này có thể nói lòng tin của người dân đã được củng cố vào năng lực của Chính phủ trong phòng bệnh; lo ngại về bùng phát dịch bệnh đã được giảm bớt phần nào. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: "Chống dịch không được chủ quan, lơ là, đồng thời không hoang mang".
Tới đây, dứt khoát chúng ta không được lơ là nhưng đồng thời dứt khoát không hoang mang thì mới chống chọi tốt được với dịch bệnh cũng như khắc phục được những tác động to lớn của nó đến đời đống người dân và phát triển kinh tế. Không nên nới lỏng tiền tệ Trong bối cảnh nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn chồng chất do tác động của dịch bệnh, đã xuất hiện ý kiến cần nới lỏng chính sách tiền tệ. Một số quốc gia cũng bắt đầu thực hiện, hay suy tính về chính sách này. Tuy nhiên, với Việt Nam có lẽ giải pháp này không đúng và trúng để chữa bệnh. Chẳng hạn, ngành du lịch đang gặp khó khăn chồng chất do không có khách du lịch dưới tác động của những chính sách hạn chế visa, hạn chế chuyến bay. Các bãi biển ở Nha Trang, Phú Quốc, hay Hạ Long vắng bóng khách du lịch. Thiếu khách du lịch là khó khăn trực tiếp của ngành du lịch, chứ đâu phải mở rộng tiền tệ, giảm lãi suất là giải quyết được vấn đề? Chúng ta cần tuyên truyền Việt Nam là một điểm đến an toàn, thân thiện cho khách du lịch, nhất là ở những nước hàn đới như Nga. Hơn một trăm ngàn khách Nga vẫn tiếp tục đổ đến các bãi biển Nha Trang là tín hiệu tốt cần được kích thích. Cách tiếp cận như trên cũng nên được soi vào các ngành sản xuất, dịch vụ khác – những ngành đang bị tác động lớn bởi chuỗi sản xuất đứt gãy. Nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng họ gặp khó khăn là không thể nhập khẩu linh kiện, thiết bị từ Trung Quốc về sản xuất; và sản xuất ra hàng hóa nhưng chưa tìm được thị trường để xuất khẩu. Đứt gãy chuỗi sản xuất là vấn đề, làm sao nới lỏng tiền tệ lại giúp khắc phục được vấn đề trên của doanh nghiệp? Tỷ lệ tín dụng/GDP ở Việt Nam nhiều năm nay ở mức 150-160%, ở mức cao nhất thế giới. Trong bối cảnh lạm phát đang có dấu hiệu gây áp lực, thì kích thích tiền tệ sẽ tác động ngay đến tâm lý kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp. Hơn nữa, việc mở rộng chính sách tiền tệ quá đà những năm 2007, 2009, để lại nhiều hệ lụy cay đắng suốt cả thập kỷ qua cũng cần phải ghi nhớ. Vai trò của tài khóa Trong khi các ngành khó khăn, Nhà nước cần thúc đẩy tỷ lệ giải ngân nhanh để vừa thúc đẩy kinh tế, vừa tạo vốn mồi thu hút cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Đáng tiếc là tỷ lệ giải ngân đầu tư công rất thấp. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát phát triển nguồn ngân sách nhà nước chỉ đạt khoảng 63% dự toán trong năm trước, theo Bộ Tài chính. Đó là điều rất lãng phí vì tiền ngân sách vẫn nằm im trong kho bạc, thậm chí phải trả lãi như trái phiếu Chính phủ, trong khi nhiều tỉnh thiếu hụt cơ sở hạ tầng trầm trọng cho phát triển. Trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt ưu tiên tập trung giải ngân đầu tư công. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư công quan trọng quốc gia như đường bộ cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, đường ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An, các dự án giao thông và thủy lợi giữ nước ngọt tại vùng đồng bằng sông Cửu long. Không triển khai được các dự án quan trọng này thì lấy đâu ra tăng trưởng cho hiện tại và tương lai? Khi Luật PPP được Quốc hội thông qua vào tháng Năm tới cũng là động thái rất tốt huy động vốn đầu tư tư nhân. Có các công trình lớn bằng các nguồn vốn của Nhà nước, tư nhân trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, đặc biệt là phát điện, mới giúp có tác động lan tỏa, vừa giúp hạn chế tác động của bệnh dịch, vừa giúp tăng trưởng kinh tế. Thời cơ cho nhiều sáng kiến Trong nguy bao giờ cũng có cơ và thời dịch bệnh này cũng vậy. Để doanh nghiệp phát triển, an tâm làm ăn trước hết cần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho họ chứ chưa cần đến các chính sách mạnh hơn. Đây là cơ hội rất tốt để tiếp tục cắt bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp pháp, bất hợp lý; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính. Cách đây hơn 1 năm, Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng đã gửi báo cáo, trong đó nêu rõ 37 vấn đề vướng mắc, chồng chéo, những nội dung quy định không cụ thể, không rõ ràng xuất hiện trong quá trình thực hiện các luật như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng,… Nhiều lãnh đạo địa phương đã nhận thấy nhiều vướng mắc trong quá trình ra quyết định liên quan đến các luật này đối với doanh nghiệp và họ không biết tuân thủ như thế nào. Họ xin ý kiến của các bộ quản lý ngành nhưng ngay cả các bộ cũng không có ý kiến trả lời cụ thể vì chỉ phản hồi chung chung là "thực hiện theo quy định pháp luật". Những khó khăn, vướng mắc này nên được tháo gỡ ngay để tạo điều kiệ cho doanh nghiệp trong bối cảnh này. Tất nhiên, cần một cơ chế động lực để các công chức nhà nước dám và yên tâm khi thực hiện những cải cách này. Thực tế là còn rất nhiều các chính sách mới khác để thúc đẩy nền kinh tế mà trong khuôn khổ bài viết này khó liệt kê đầy đủ. Chính phủ chưa điều chỉnh mục tiêu tăng tưởng có lẽ xuất phát từ góc độ tăng trưởng GDP là một chỉ tiêu mang tính pháp lệnh để điều hành nhiều chỉ tiêu về tiền tệ, đầu tư, nợ công, bội chi,… Điều này thể hiện quyết tâm rất lớn nhằm giữ niềm tin của người dân và doanh nghiệp. Giữ mục tiêu là cách thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ để nền kinh tế phát triển trong giai này. Nếu giảm mục tiêu tăng trưởng sẽ dẫn đến tâm lý chung của xã hội bị bào mòn không chỉ cho năm nay mà còn đến cả giai đoạn 5-10 năm sau và để vực lại tâm lý, sức sống của cả nền kinh tế sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Nền kinh tế đang rất cần các "liều thuốc" bổ trợ giúp phục hồi nhanh nền kinh tế ngay sau khi dịch qua đi. Sẽ cần các liều thuốc vitamin để giúp nó khỏe mạnh để chống đỡ và vượt qua không chỉ dịch bệnh lần này. Niềm tin của người dân và doanh nghiệp là quan trọng nhất và để có niềm tin đó không chỉ cần những nỗ lực tiếp nối để phòng chống rủi ro bệnh dịch mà còn cần những quyết tâm trong việc khơi thông cho nền kinh tế. Tư Giang | ||||||||||||||||||||||||
Thủ tướng cảm ơn cô giáo viết bài thơ chống dịch Covid-19 Posted: 19 Feb 2020 08:44 PM PST Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đọc, đánh giá cao và gửi lời cảm ơn đến cố giáo Chu Ngọc Thanh về bài thơ chống dịch Covid-19 của đất nước. Báo chí mới đây đã đăng bài thơ đặc biệt "Đất nước ở trong tim" viết cho học trò, ca ngợi đất nước trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 của cô Chu Ngọc Thanh, giáo viên Trường THCS Hùng Vương (huyện Ia Grai, Gia Lai), khiến nhiều người xúc động, yêu thích. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đọc và thấy rằng bài thơ phản ánh đúng thực trạng phòng, chống dịch Covid-19 của đất nước, thể hiện được niềm tin và tinh thần yêu nước nồng nàn; có ý nghĩa vẫn động toàn xã hội (trong học tập và sinh hoạt) cùng đoàn kết, chung sức, chung lòng thực hiện hiệu quả kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng đang chỉ đạo, triển khai. Sáng nay, Văn phòng Chính phủ đã gửi thông báo tới cô Chu Ngọc Thanh cho biết Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và gửi lời cảm ơn đến cô giáo Chu Ngọc Thanh về bài thơ. Chia sẻ về hoàn cảnh sáng tác, cô giáo Chu Ngọc Thanh cho biết trong một buổi sáng, bỗng nhiên cô thấy nhớ trường lớp, nhớ học sinh của mình vì gần 1 tháng qua chưa được đứng lớp do phải hoãn việc dạy học để phòng chống dịch bệnh. Thấy có ngẫu hứng muốn viết thứ gì đó về điều này nên cô đã ngồi vội vào bàn làm việc và viết bài thơ "Đất nước ở trong tim" trong 30 phút.
Mộc Miên | ||||||||||||||||||||||||
TP.HCM chính thức kiến nghị Chính phủ cho nghỉ học hết tháng 3 tránh dịch covid-19 Posted: 19 Feb 2020 07:35 PM PST -Sáng nay, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ký văn bản khẩn kiến nghị cho HSSV nghỉ hết tháng 3 tránh Covid-19. Văn bản gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Văn bản trên nêu rõ: Trước tình hình diễn biến phức tạp khó lường của dịch bệnh Covid-19, trong đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ và chưa có dấu hiệu ổn định trong thời gian ngắn sắp tới, với tinh thần đảm bảo sự an toàn và sức khoẻ cho học sinh luôn phải đặt lên hàng đầu và nhằm giúp các địa phương, đơn vị, cơ sở giáo dục chủ động trong việc xây dựng triển khai đồng bộ kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học 2019-2020, chuẩn bị năm học 2020-2021; giúp phụ huynh, học sinh an tâm, chủ động sắp xếp công việc, học tập, UBND TP.HCM kiến nghị hai nội dung: Thứ nhất, chỉ đạo thống nhất trong cả nước về việc cho phép kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, học viên, sinh viên các cơ sở giáo dục và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến hết tháng 3-2020. Thứ hai, điều chỉnh thời gian năm học 2019-2020, tiếp tục học kỳ 2 từ tháng 4 đến tháng 7 năm 2020; dời kỳ thi THPT quốc gia đến cuối tháng 7. Theo thống kê, TP.HCM hiện có hơn 1,7 triệu học sinh với hơn 80.000 giáo viên. Đây là thành phố có lượng học sinh lớn nhất cả nước. Trong đó có số học sinh tới từ nhiều địa phương Trước đó, học sinh TP.HCM đã có kỳ nghỉ kéo dài từ ngày 18/1 đến hết ngày 29/2 (bao gồm thời gian nghỉ Tết nguyên đán và dịch virus corona). Nếu được thông qua, học sinh TP.HCM sẽ có kỳ nghỉ dài nhất với gần 2,5 tháng. Cùng với điều chỉnh kế hoạch năm học tới hết tháng 7, các kỳ thi tuyển sinh đầu cấp cũng phải thay đổi. Được biết, hiện nay Bộ GD-ĐT hiện đang xây dựng các phương án tổ chức thi THPT quốc gia năm 2020 để trình Chính phủ. Theo đó, kỳ thi có thể sẽ được tổ chức trong tháng 7 năm 2020, tuy nhiên ngày thi chính thức chưa được quyết định vì còn tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh Covid-19. Phải chờ xác định được thời gian kết thúc năm học thì mới tính được thời gian thi. Trong số 63 tỉnh thành, đã có 59 địa phương quyết định cho học sinh nghỉ hết tháng 2. Riêng Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên và Thái Bình vẫn chưa có quyết định mới sau thông báo nghỉ học đến ngày 23/2. Theo kế hoạch tuyển sinh đầu cấp mà Hà Nội vừa ban hành, thành phố này dự kiến vẫn tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vào ngày 1/6 như mọi năm. Lê Huyền Nghỉ tránh dịch Covid-19, Hà Nội vẫn dự kiến tuyển sinh lớp 10 vào ngày 1/6UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2020-2021 trên địa bàn. Theo đó, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 với hơn 100.000 học sinh tham dự, dự kiến được tổ chức vào ngày 1/6. | ||||||||||||||||||||||||
Covid-19: Khách nước ngoài tươi cười dạo phố Sài Gòn Posted: 19 Feb 2020 08:22 PM PST Nhiều du khách nước ngoài đến TP.HCM đã tự tin tham quan trở lại. Tâm lý lo ngại dịch bệnh corona dần được ổn định, nhiều người an tâm còn không đeo khẩu trang.
3 tướng quân đội nói về thách thức an ninh, chống dịch của ASEAN3 tướng quân đội có những chia sẻ về hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN đầu tiên vừa được tổ chức tại Việt Nam. T.Tùng | ||||||||||||||||||||||||
Đề xuất Chính phủ nhiệm kỳ sau giảm 2 bộ Posted: 19 Feb 2020 02:00 PM PST Đề xuất Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 hợp nhất Bộ Tài chính và Bộ KH-ĐT thành Bộ Tài chính - Kế hoạch đầu tư, Bộ GTVT và Bộ Xây dựng thành Bộ Giao thông và Xây dựng. Bộ Nội vụ chiều qua tổ chức hội thảo góp ý "Báo cáo đề xuất, kiến nghị cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026". Thứ trưởng Triệu Văn Cường cho biết, luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 đã thể chế hóa nhiều vấn đề liên quan đến tính chất, vị trí, chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của Chính phủ. Tuy nhiên, từ nhiệm kỳ khóa 12 đến nay, bộ máy Chính phủ hầu như không có thay đổi đáng ghi nhận, bộ máy hành chính nhà nước chưa cải cách tương ứng, đồng bộ với cải cách kinh tế.
Để thực hiện Nghị quyết số 18 TƯ về tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, Thứ trưởng nhấn mạnh, cần nghiên cứu cắt giảm số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ xuống mức phù hợp thông qua việc tái cơ cấu lại các bộ, cơ quan ngang bộ, sáp nhập các bộ có nhiệm vụ, chức năng gần nhau. Việc này vừa giảm số lượng, vừa khắc phục tình trạng trùng, lấn nhiệm vụ, chức năng giữa một số bộ, đúng theo nguyên tắc: bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Hợp nhất 4 bộ Theo Phó viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ) Lê Anh Tuấn, cơ cấu chính phủ tại nhiều nước có quy mô dân số, kinh tế lớn hơn Việt Nam nhiều lần nhưng số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ thường dao động con số dưới 20. Pháp có 18 bộ, Singapore có 16 bộ, Hoa Kỳ có 15 bộ, Đức có 14 bộ… "Điều dễ nhận thấy là ở các nước phát triển, cơ cấu Chính phủ thường gọn nhẹ hơn so với các nước khác. Số bộ ít hơn, nghĩa là các đầu mối quản lý tinh giản hơn. Bên cạnh đó, số 'siêu bộ' của họ lại nhiều hơn", ông Tuấn so sánh. Ở Việt Nam, cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa 13 và 14 được giữ nguyên như khóa 12 gồm 22 bộ, cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ. "Thực tiễn tổ chức Chính phủ mấy nhiệm kỳ vừa qua cho thấy, việc sắp xếp, sáp nhập các bộ thành bộ quản lý đa ngành chưa thật sự đi liền với việc điều chỉnh sâu về chức năng, cắt giảm, lồng ghép nhiệm vụ mà chủ yếu được thực hiện trên cơ sở hợp nhất các bộ đơn ngành, dẫn đến khối lượng công việc, phạm vi lĩnh vực quản lý của bộ trở nên phức tạp. Việc sáp nhập một số bộ thành bộ đa ngành, đa lĩnh vực không kèm theo tái cơ cấu lại cấu trúc bên trong của các bộ. Do vậy, tổ chức bộ máy bên trong bộ, cơ quan ngang bộ trở nên cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, số đầu mối đơn vị hành chính tăng cao", ông Tuấn phân tích. Do đó, cần nghiên cứu để xác định số lượng Phó Thủ tướng và số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ hiện nay cho phù hợp. Việc bố trí nhiều Phó Thủ tướng thực chất là một cấp trung gian, lẫn giữa quyền và trách nhiệm của bộ trưởng với tư cách là người đứng đầu ngành và lĩnh vực, đồng thời không phù hợp với nguyên tắc đảm bảo quyền và trách nhiệm của Thủ tướng. Vì vậy, ông đề xuất cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, sẽ rút gọn số bộ, cơ quan ngang bộ từ 22 xuống 20 bộ, cơ quan ngang bộ, bằng việc hợp nhất Bộ Tài chính và Bộ KH-ĐT thành Bộ Tài chính - Kế hoạch đầu tư, Bộ GTVT và Bộ Xây dựng thành Bộ Giao thông và Xây dựng. Bên cạnh đó, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ giữa một số bộ, cơ quan ngang bộ như giữa Bộ KH-CN với Bộ GD-ĐT; giữa Bộ Văn hóa, TT-VH-DL, Bộ KH-CN, Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ. Cụ thể, ông Tuấn đề xuất thành lập lại Bộ Giáo dục và chuyển đào tạo về Bộ Khoa học công nghệ; đổi tên Bộ Khoa học công nghệ thành Bộ Khoa học công nghệ và Đào tạo. Đồng thời, điều chuyển việc đào tạo nghề từ Bộ LĐ-TB-XH về Bộ Khoa học - công nghệ và đào tạo. Đồng thời, điều chuyển việc đào tạo nghề về Bộ LĐ-TB-XH. Thành lập Bộ Công Thương và Du lịch; Bộ Văn hóa - Thể thao và Thanh niên.
Về cơ cấu nhân sự của Chính phủ, ông Tuấn đề nghị gồm: Thủ tướng, 4 Phó Thủ tướng, 20 Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Ông Lê Anh Tuấn cho rằng, mô hình giả định về cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 nếu được hiện thực hóa sẽ là một bước đổi mới quan trọng để thực hiện các quan điểm của Đảng về xây dựng một Chính phủ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chỉ nên có 1 đến 2 Phó Thủ tướng Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học cho rằng, muốn có một cơ cấu Chính phủ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cần phải đánh giá, rà soát và làm rõ chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, tránh tình trạng chồng chéo, trùng lắp. Nhiều ý kiến cho rằng, cần đề xuất 2 phương án về cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 và đề xuất phương án lựa chọn. Về đề xuất hợp nhất giữa các bộ với nhau và điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, các đại biểu đều tán thành đề xuất trên. Về cơ cấu nhân sự của Chính phủ, các đại biểu đều cho rằng, Phó Thủ tướng chỉ nên có từ 1 đến 2 người. Cùng với đó, tinh gọn bộ máy Chính phủ phải gắn với thể chế kinh tế thị trường mới đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội. Xác định được những nhiệm vụ nào Chính phủ phải thực hiện, những nhiệm vụ nào do DN và xã hội thực hiện. Cơ cấu tổ chức Chính phủ nhỏ nhưng phục vụ xã hội lớn, đề cao tính quản trị nhà nước và đề cao dân chủ. Tuy nhiên, một số ý kiến lo ngại tinh gọn, giảm bớt bộ máy là nhiệm vụ rất khó khăn, "thành lập mới thì dễ nhưng phá bỏ thì vô cùng khó khăn", cho nên phải xác định rõ và quyết tâm vượt qua khó khăn, thực tế là phải vượt qua chính mình. Và nếu giảm được từ 22 bộ xuống còn 20 bộ đã là một thành công. Thu Hằng Tinh gọn bộ máy: Lấy đá ghè chân mình cũng phải làmTinh giản biên chế, thu gọn bộ máy lâu nay được xem là khó và nhạy cảm, bởi không ai lấy đá ghè chân mình. | ||||||||||||||||||||||||
Mở cửa khẩu Tân Thanh, nông sản thêm đường sang Trung Quốc Posted: 19 Feb 2020 06:30 PM PST Cửa khẩu Tân Thanh mở lại sau thời gian đóng cửa, giúp nông sản có thể xuất sang Trung Quốc. Song hàng hóa thuộc diện trao đổi cư dân biên giới vẫn còn "đóng". Ngày 19/2, Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đã phối hợp với các cơ quan quản lý phía Bằng Tường, Trung Quốc về việc thông quan hàng hóa tại cửa khẩu Tân Thanh. Qua trao đổi, hai bên đi đến thống nhất, kể từ ngày 20/2 mở cửa khẩu, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài kể từ 8 giờ sáng đến 17 giờ chiều (giờ Hà Nội). Theo đó, để được thông quan hàng qua cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài, DN, tiểu thương phải đáp ứng điều kiện: hàng làm thủ tục xuất nhập khẩu phải là hàng hóa có hợp đồng mua bán giữa hai bên (hợp đồng thương mại). Đối với hàng hóa trao đổi cư dân biên giới, phía Trung Quốc chưa tiếp nhận. Ngoài ra, phía Trung Quốc yêu cầu, phương tiện chở hàng của Việt Nam vận chuyển sang bên kia biên giới phải đi về trong ngày. Người điều khiển phương tiện phải thực hiện tiêu độc, khử trùng đối với phương tiện và kể từ khi lên xe điều khiển sang Trung Quốc không được xuống khỏi xe, đảm bảo mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang. Đại diện Hải quan Lạng Sơn lưu ý: Hàng đưa về cửa khẩu chờ làm thủ tục phải đảm bảo có hợp đồng mua bán, tránh việc đưa hàng lên cửa khẩu với mục đích trao đổi cư dân biên giới. Hải quan Tân Thanh thông báo chủ trương này nhằm tránh thiệt hại về chi phí, thời gian cho các doanh nghiệp, thương nhân nếu như hàng hóa muốn xuất khẩu chưa có hợp đồng mua bán.
Trao đổi với PV. VietNamNet, một lãnh đạo kiểm dịch thực vật vùng 7 (Lạng Sơn) xác nhận, cửa khẩu quốc tế Tân Thanh mở cửa trở lại từ hôm nay (20/2). Như vậy, đến thời điểm này mới chỉ có 2 cửa khẩu là quốc tế Tân Thanh và Hữu Nghị ở Lạng Sơn mở cửa hoạt động trở lại để làm thủ tục thông quan cho hàng hoá nông sản xuất sang bên Trung Quốc. "Hiện tại các doanh nghiệp đang đăng ký, làm thủ tục cho hàng và xe thông quan", vị đại diện này nói. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Công Trưởng cũng cho hay, mới chỉ có cửa khẩu quốc tế Tân Thanh mở cửa hoạt động trở lại, các cửa khẩu phụ trên địa bàn tỉnh vẫn đóng. Ông Trưởng cho biết, dù cửa khẩu Tân Thanh đã mở, nhưng chỉ hàng hoá có hợp đồng mua bán để mở tờ khai được làm thủ tục thông quan, hoa quả bán chợ Pò Chài không có hợp đồng mua bán thì vẫn chưa thông quan được. "Đặc biệt, các xe nông sản được làm thủ tục thông quan sang phía Trung Quốc vẫn phải thực hiện các quy định khử trùng cả người cả xe. Riêng với người thì phải mặc bộ đồ bảo hộ của y tế để phòng ngừa dịch Covid-19. Khi giao hàng xong, quay về cửa khẩu họ sẽ trả lại bộ quần áo này cho cơ quan chức năng. Làm như vậy họ sẽ không còn phải cách ly 14 ngày như trước", ông nói. Cũng theo ông Trưởng, Lạng Sơn có 12 cửa khẩu. Trong đó có 2 cửa khẩu quốc tế là Hữu Nghị và Tân Thanh, 1 cửa khẩu song phương và 9 cửa khẩu phụ. Chiều 20/2, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục đàm phán với phía Trung Quốc để mở cửa trở lại cửa khẩu song phương Chi Ma tại tỉnh này. Lương Bằng - Bảo Hân | ||||||||||||||||||||||||
Thế giới ra sao nếu ông Trump tái cử? Posted: 19 Feb 2020 03:30 PM PST Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump tái cử thì nhiệm kỳ 2 của ông sẽ như thế nào? Đó là câu hỏi mà nhiều người đang đặt ra khi kỳ bầu cử tổng thống Mỹ đang tới gần. Tại hội nghị an ninh cuối tuần qua ở thành phố Munich của Đức (MSC), chủ đề chính là "Mất tính phương Tây", nhắm đến tác động từ chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của ông Trump. Nhưng những gì diễn ra tại sự kiện có mặt hàng trăm đại biểu trên thế giới này lại là tầm nhìn tập trung vào 4 năm tới nếu ông Trump tái cử, theo hãng tin CNN.
Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper là diễn giả chính ở Munich. Rời Washington đến châu Âu vào đầu tuần, một trong những quan chức cấp cao của ông Trump đóng khung nhiệm vụ của mình tại MSC là "Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc, Nga, Trung Quốc". Và ông không phải là quan chức Mỹ duy nhất mang thông điệp đó. Công kích ông Trump dường như đã trở thành một "sở thích" tại cuộc gặp thường niên này. Đó là "triệu chứng" cho thấy nhiều người châu Âu đang cảm thấy Mỹ và đặc biệt là ông Trump, đang rút dần khỏi trật tự thế giới thời hậu Thế chiến 2 mà họ đã tạo dựng, khiến hơn một nửa triệu người ở bờ bên này của Đại Tây Dương, và hơn nữa là trên toàn thế giới không còn chỗ dựa an ninh như trước. Đặc biệt là Đức. Kể từ khi nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump bắt đầu, MSC đã trở thành một cuộc xích mích ngoại giao, tiền đề cho những xung khắc gắt gao hơn sau đó. Năm ngoái, Thủ tướng Angela Merkel đã đụng độ với Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence về NATO, Iran và khí đốt từ Nga. Chủ đề của năm nay - phương Tây đang suy yếu - là một phần mở rộng của những khác biệt xuyên Đại Tây Dương. Giả định ở đây là ông Trump sẽ đổ lỗi cho việc mất mát các giá trị cốt lõi. Và không phải lần đầu tiên trong hai năm làm Ngoại trưởng, ông Pompeo ra bảo vệ sếp của mình. Trong bài phát biểu của mình, không lâu trước bài phát biểu của Bộ trưởng Esper, ông Pompeo nói với các đại biểu tại MSC rằng "những tuyên bố đó không phản ánh hiện thực". "Tôi rất vui khi báo cáo rằng cái chết của liên minh xuyên Đại Tây Dương là điều được cường điệu quá mức. Phương Tây đang chiến thắng, và chúng ta đang cùng nhau chiến thắng". Ông Trump là tương lai Một nhiệm kỳ 4 năm nữa của ông Trump hiện đang là chủ đề của nhiều cuộc trò chuyện - ngoại trừ những người trong quỹ đạo của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và các thành viên Dân chủ khác. Nhưng thực sự nhiều người ở Munich tin rằng ông Trump là tương lai. Điển hình là Ian Bremmer, một đại biểu tại MSC và là chuyên gia về các vấn đề toàn cầu từ hãng rủi ro địa chính trị Á - Âu (Eurasia). Bremmer tin ông Trump sẽ làm nhiều điều đúng, cứng rắn với Iran, chống nạn trộm cắp tài sản trí tuệ và thương mại. Một số bộ trưởng chính phủ ở Trung Đông thì tin rằng chiến thắng của ông Trump là một kết quả có thể đoán trước và họ dường như đang điều chỉnh hành động của mình cho phù hợp. Ủng hộ Mỹ hoặc ngả về Trung Quốc Những gì diễn ra ở MSC cho thấy, thế giới đang chia làm hai phe, ủng hộ Mỹ hoặc thân với Trung Quốc. Trên bục phát biểu, Bộ trưởng Esper đặt trọng tâm vào Trung Quốc. "Tôi tiếp tục nhấn mạnh với các bạn của tôi ở châu Âu - và một lần nữa tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO ở Brussels - rằng lo ngại của Mỹ về sự mở rộng quân sự và thương mại của Bắc Kinh cũng nên là mối quan tâm của họ", ông nói. Chất xúc tác cho chống Trung Quốc đợt này không còn là thương mại như những năm qua mà là các mạng lưới 5G của Huawei. Tổng thống Trump được cho rất tức giận khi các đồng minh chủ chốt như Anh, Đức và Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ tiếp tục sử dụng một số lượng thiết bị Huawei có kiểm soát tại những lĩnh vực không nhạy cảm. Đặc sứ của ông Trump về chính sách viễn thông Robert Blair xác nhận Washington vẫn chia sẻ thông tin tình báo cốt lõi với London, nhưng điểm mấu chốt là Mỹ không tin Anh hay bất kể nước nào có thể tự bảo vệ mình khỏi hoạt động mạng 5G của Trung Quốc nếu họ sử dụng thiết bị của Huawei, đặc biệt là từ các bản cập nhật phần mềm vì cho rằng chúng có thể mở cửa sau giúp Trung Quốc thu gom dữ liệu nhạy cảm. Việc ông Donald Trump giành thêm một nhiệm kỳ nữa ở Nhà Trắng được cho là sẽ đặt không ít đồng minh của Mỹ vào lựa chọn rất khó khăn, giữa việc tiếp tục đứng về phía Washington hoặc nghiêng về Trung Quốc. Thanh Hảo | ||||||||||||||||||||||||
Ấn tượng về bản Tuyên bố nhanh kỷ lục với dẫn dắt của Việt Nam Posted: 19 Feb 2020 03:00 PM PST Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi ấn tượng với bản Tuyên bố chung có kỷ lục ra đời nhanh nhất trong vòng chưa đầy 2 ngày ở hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN. Bên lề hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN năm 2020 (ADMM hẹp) diễn ra hôm qua, Tổng thư ký ASEAN có những chia sẻ với báo chí. Ông Lim Jock Hoi đánh giá cao công tác chuẩn bị và tổ chức của Việt Nam cho hội nghị ADMM lần này ở Hà Nội. Ông hy vọng các cuộc họp trong năm nay, đặc biệt là ADMM+ vào khoảng tháng 10 tới, cũng được chuẩn bị kĩ càng và hiệu quả như vậy. Về tuyên bố chung hợp tác quốc phòng ASEAN đối phó với dịch bệnh Covid-19, Tổng thư ký ASEAN cho biết, Việt Nam đã chủ động trong việc ứng phó với dịch bệnh này.
"Tuy dịch bệnh bắt đầu từ Trung Quốc nhưng chúng tôi cho rằng, với bản thông báo của Chủ tịch ASEAN mà Thủ tướng Việt Nam công bố cộng với bản tuyên bố chung hôm nay của các bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN là minh chứng nữa cho thấy ASEAN có thể phối hợp hành động chung cùng nhau để đối phó với vấn đề hệ trọng liên quan đến an ninh sức khỏe của tất cả người dân trong khối. Qua đó cũng thể hiện sự hỗ trợ của ASEAN với Trung Quốc và cả khu vực để đảm bảo môi trường sống khỏe mạnh cho người dân", ông nói. Tổng thư ký bày tỏ sự ấn tượng khi bản tuyên bố chung với sự dẫn dắt của Việt Nam đã được xây dựng và thông qua nhanh chóng, chỉ sau 1-2 ngày thảo luận. Ông Lim Jock Hoi đề cập tới cuộc họp các bộ trưởng ngoại giao ASEAN và Trung Quốc sắp diễn ra ở Lào tập trung vào thảo luận hợp tác sâu sắc hơn nữa để giảm thiểu tác động của dịch Covid-19. Theo Tổng thư ký ASEAN, tuyên bố chung hợp tác quốc phòng ASEAN đối phó với dịch bệnh Covid-19 rất phù hợp với chủ đề của năm ASEAN 2020 Việt Nam đề ra là 'Gắn kết và chủ động thích ứng'. "Cần gắn kết và thích ứng trong mọi vấn đề kể cả xử lý thách thức dịch bệnh Covid-19. Hy vọng từ đây chúng ta có thể xây dựng được những chương trình hành động chung hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực sức khỏe y tế. Phía quốc phòng đương nhiên có vai trò quan trọng trong ứng phó với dịch bệnh Covid-19, ví dụ có thể kể đến thông qua các trung tâm quân y. Tôi rất mong chờ những cuộc họp tiếp theo của ASEAN với vai trò Chủ tịch của Việt Nam năm nay", ông nhấn mạnh. Về đề xuất xem xét diễn tập ứng phó chống dịch Covid-19 tại Việt Nam, Tổng thư ký bày tỏ, ASEAN đã có kinh nghiệm ứng phó với đại dịch SARS năm 2003, và có thể đánh giá phương pháp tiếp cận và xử lý với Covid-19. Tất cả bộ ngành, cơ quan của ASEAN gồm cả ngành y, quốc phòng, ngoại giao và kinh tế… phải cùng phối hợp để chắc chắn rằng sức khỏe người dân được bảo đảm và sự phát triển thịnh vượng của ASEAN được duy trì. Thái An - Thành Nam ASEAN xem xét diễn tập ứng phó chống dịch Covid-19 tại Việt NamThực hiện chương trình năm ASEAN 2020, hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN năm 2020 (ADMM Retreat 2020) khai mạc sáng nay ở Hà Nội. | ||||||||||||||||||||||||
WHO lật tẩy những suy đoán không đúng về Covid-19 Posted: 19 Feb 2020 02:00 PM PST Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiếp tục lý giải những hiểu lầm xung quanh dịch bệnh COVID-19 mà nhiều người lan truyền. 1. Máy sấy tay tiêu diệt virus corona mới không? Không. Máy sấy tay không có tác dụng trong việc tiêu diệt 2019-nCoV. Để bảo vệ bản thân khỏi virus corona mới, bạn nên thường xuyên làm sạch tay bằng cồn hoặc rửa tay kỹ với xà phòng và nước. Sau khi làm sạch tay, bạn hãy lau khô bằng khăn sạch hoặc máy sấy tay thổi ra khí ấm. 2. Đèn khử trùng bằng tia cực tím có thể diệt trừ COVID-19 không? Không nên sử dụng đèn UV để khử trùng tay hoặc các vùng da khác trên cơ thể vì bức xạ UV có thể gây kích ứng da. 3. Máy kiểm tra thân nhiệt có hiệu quả thế nào trong việc phát hiện người bị nhiễm COVID-19? Máy quét thân nhiệt có hiệu quả trong việc phát hiện những người bị sốt (có nhiệt độ cơ thể cao hơn bình thường) do bị nhiễm coronavirus mới. Tuy nhiên, nó không thể phát hiện ra những người bị nhiễm bệnh nhưng chưa sốt. Bởi vì căn bệnh này cần 2-10 ngày ủ bệnh trước khi có những dấu hiệu rõ rệt. 4. Có thể dùng rượu hoặc clo phun lên khắp cơ thể để tiêu diệt COVID-19? Không. Nhiều người có thói quen dùng rượu hoặc clo để diệt khuẩn nhưng cách nàykhông diệt được virus đã xâm nhập vào trong cơ thể. Không chỉ vậy, cách này còn gây hại cho mắt, mũi, miệng nếu làm sai cách. Lưu ý rằng rượu và clo là những chất dùng để khử trùng bề mặt, nhưng để hiệu quả nhất chúng cần được sử dụng một cách phù hợp. An An (Dịch theo Who) 68 nhân viên y tế TQ phải cách ly vì một người đàn ông giấu bệnh Covid-19Hành động khạc nhổ và che giấu thông tin của người đàn ông nhiễm COVID-19 đã khiến hàng chục nhân viên y tế phải cách ly, trong số đó 2 người lây bệnh. | ||||||||||||||||||||||||
Vé máy bay, tour du lịch siêu rẻ, chưa bao giờ du lịch tiết kiệm thế Posted: 19 Feb 2020 02:00 PM PST Cùng với tác động của dịch Covid-19, lại đang mùa thấp điểm, chưa bao giờ giá vé máy bay lại rẻ và nhiều như thời điểm này. Vượt qua tâm lý e ngại dịch bệnh, nhiều gia đình lên kế hoạch đi du lịch hè sớm. Vé máy bay dồi dào, giá siêu rẻ Anh Đặng Dũng (Hà Đông, Hà Nội) tuần trước vừa mua vé cho cả nhà đi Tuy Hòa (Phú Yên) từ 27/2-2/3, gồm 4 người, giá vé khứ hồi chỉ 69.000 đồng/chặng/người. Cộng cả thuế, phí, chi phí vé máy bay cho cả chuyến đi chỉ hết nhỉnh hơn 4 triệu đồng, trong đó có cả tiền phí mua thêm 20kg hành lý ký gửi cho một người. "Chưa bao giờ tôi mua vé giá thấp như vậy cả hai chiều, kể cả vào thời kỳ thấp điểm giai đoạn này năm ngoái. Chỉ sợ hết vé tôi phải đặt gấp, ai dè khi xem lại thấy cả tháng 3 vé đều rẻ như vậy", anh Dũng nói. Không chỉ chặng Hà Nội - Phú Yên, trên các chặng bay khác từ Hà Nội đi Quy Nhơn, Đà Nẵng, Đăk Lăk, TP.HCM,... thậm chí cả những đường bay giá vé vốn đắt đỏ như Nha Trang, Phú Quốc,... giá vé cũng rẻ bất ngờ.
Chẳng hạn, giá vé chặng Hà Nội - TP.HCM của các hãng Vietjet Air, Bamboo Airways, Jetstar Pacific trung tuần tháng 2 chỉ từ dưới 100.000 đến 299.000 đồng/chiều (chưa gồm thuế phí). Thậm chí, ngay cả Vietnam Airlines bán vé chặng Hà Nội - TP.HCM ngày 21/2, khởi hành 21h30 giá vé cũng chỉ 199.000 đồng (chưa gồm thuế, lệ phí). Chặng bay Hà Nội - Phú Quốc và ngược lại lâu nay giá vé vẫn cao ngất ngưởng nay cũng giảm xuống ở mức thấp chưa từng có, chỉ từ 300.000-600.000 đồng/chiều/khách (chưa gồm thuế, lệ phí), tùy thời điểm và hãng bay. Trong thông cáo vừa phát đi, Vietnam Airlines cho hay đang triển khai chương trình bán vé với mức giá chưa từng có trên các chặng bay giữa Hà Nội và TP.HCM. Các chuyến bay khởi hành trước 6h00 hoặc sau 21h00 có giá vé đã bao gồm thuế, lệ phí chỉ từ 589.000 đồng/chiều, ngoài khung giờ trên chỉ từ 615.000 đồng/chiều. Thời gian áp dụng cho các chuyến bay từ 19/2 đến hết 31/3. Thời điểm này, do tác động của dịch bệnh Covid-19, các hãng hàng không nội địa phải ngừng bay tới Trung Quốc nên mỗi tuần, có hơn 400 chuyến đột ngột dừng bay. Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, các hãng mất trung bình 400.000 khách/tháng, chưa kể lượng khách giảm nữa do tần suất bay đến Hongkong, Đài Loan, Macau cũng bị điều chỉnh giảm đáng kể. Thiệt hại không chỉ dừng ở 10.000 tỷ đồng, mà số tàu bay phải nằm một chỗ cũng nhiều. Chị Nguyễn Thu Thảo, một hành khách công việc thường xuyên phải đi máy bay, nhận xét, các chuyến bay đêm từ Tân Sơn Nhất về Nội Bài rất vắng khách. Chẳng hạn, tuần trước chị bay chuyến 22h10 (bị lùi xuống gần 23h) từ TP.HCM về Hà Nội, cả máy bay vỏn vẹn hơn 10 khách.
Ban đêm, tàu bay của các hãng, phần lớn là hãng bay nội địa, vài chục chiếc nằm la liệt tại 2 sân bay chính là Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Vietnam Airlines đã tuyên bố cho thuê một số máy bay dòng thân hẹp Airbus A321 hay đưa máy bay hiện đại lớn nhất Airbus A350-900, Boeing 787-9/10s vào phục vụ chặng bay Hà Nội - TP.HCM, các hãng bay còn lại đều phải đưa tàu bay vào phục vụ thị trường nội địa và các thị trường khác. Giá tour chưa bao giờ rẻ như vậy Là một đại lý cá nhân chuyên giới thiệu tour, phòng khách sạn cho khách du lịch, chị Đ.T. cho hay, chưa bao giờ vé máy bay rẻ như vậy. Do đây lại là mùa thấp điểm du lịch, buồng phòng cũng nhiều và giá hợp lý nên giá tour cũng rất hời. "Nếu thu xếp đi du lịch được vào thời điểm này là rất tiết kiệm", chị Đ.T. nói. Điển hình, gói tour Hà Nội - Quy Nhơn 3 ngày 2 đêm đi cuối tháng 2, đầu tháng 3 chị đang rao bán chỉ 1,499 triệu đồng/khách, hay tour Hà Nội - Cần Thơ từ 27-29/3 cũng chỉ 1,999 triệu đồng/khách. Giá này đã gồm vé máy bay khứ hồi, 2 đêm ở khách sạn 2 sao. Cũng ở Quy Nhơn, khách đặt combo chỉ từ 2.999.000 VND/người để bay BamBoo và ở FLC 5 sao. Với mức chi phí ước tính chỉ bằng giá trung bình cho 1 đêm phòng lưu trú thông thường nay du khách có thể tận hưởng 2 đêm. Trên thực tế, một số điểm đến ở phía Nam như Quy Nhơn, Phú Yên, Phú Quốc, Côn Đảo, các tỉnh Tây Nguyên,... lượng khách nội địa bắt đầu tăng trở lại. Do kỳ nghỉ của học sinh tại Hà Nội kéo dài, cùng với giá vé máy bay rẻ, nhiều gia đình đã vượt qua tâm lý e ngại dịch bệnh đã rủ nhau đặt vé, book phòng khách sạn đi du lịch. Lễ tân một khách sạn 3 sao ở Tuy Hòa (Phú Yên) cho biết, mặc dù đang giai đoạn thấp điểm du lịch, dịch bệnh lại bùng phát nhưng lượng khách đến đây không hề giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Khách chủ yếu đến từ Hà Nội. Chị Trang Phạm, một du khách Thủ đô, muốn đặt phòng ở đây cuối tuần này mà khách sạn đã hết phòng đến tận tuần sau.
Để thu hút khách du lịch nội địa, các địa phương, Hiệp hội Du lịch, DN lữ hành lớn, khách sạn, hãng hàng không, khu vui chơi... cũng đang nghiên cứu, lên kế hoạch đưa ra các gói giảm giá kéo khách ngay trong mùa dịch. Dự kiến, hàng loạt chương trình khuyến mãi, kích cầu mới sắp tới sẽ được triển khai đồng bộ. Chẳng hạn, tour du lịch Quy Nhơn - Phú Yên nghỉ tại khách sạn 4-5 sao trước kia giá hơn 10 triệu đồng, nay có thể giảm đến 20-30%. Ngày 21/2 tới, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ tổ chức lễ Công bố Liên minh kích cầu Du lịch Việt Nam năm 2020 và Chương trình xúc tiến du lịch bốn tỉnh Bình Định, Phú Yên, Đăk Lăk và Gia Lai. 4 địa phương này hiện không bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, được Hiệp hội lựa chọn làm tiên phong triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa. Năm 2009, cú sốc khủng hoảng kinh tế và dịch cúm A/H1N1, Tổng cục Du lịch đã đề nghị Chính phủ giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 5% cho các doanh nghiệp du lịch, khách sạn,... Nhóm kích cầu du lịch được thành lập, trong đó các hãng hàng không giảm 55-60% giá vé máy bay và hàng loạt khách sạn, phương tiện vận chuyển, dịch vụ khác cũng giảm giá mạnh mẽ. Nhờ vậy ngành du lịch đã "vượt bão" một cách thành công, còn du khách lại được hưởng lợi bởi hàng loạt ưu đãi đồng bộ hiếm khi xuất hiện.
Ngọc Hà | ||||||||||||||||||||||||
Tin tức dịch CoVid-19 ngày 20/2: Số ca nhiễm mới Covid-19 giảm mạnh Posted: 19 Feb 2020 08:58 PM PST Số ca tử vong do dịch virus Covid-19 ở tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) trong ngày 19/2 là 108 ca, giảm mạnh so với con số 132 ca của ngày 18/2. Báo South China Morning Post dẫn thông cáo sáng sớm nay (20/2) của Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc cho hay, tính đến giờ phút này tổng số trường hợp tử vong tại địa phương do nhiễm phải virus corona chủng mới này là 2.029. Thành phố Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc và cũng là nơi được cho là khu vực khởi phát dịch bệnh, có 88 người chết trong 24 giờ qua. Tỉnh Hồ Bắc cũng báo cáo số ca nhiễm mới được xác nhận là 349, giảm mạnh so với con số 1.693 ca được công bố một ngày trước. Kể từ khi dịch bùng phát vào tháng 12/2019 đến nay, toàn tỉnh có 62.031 ca nhiễm Covid-19. Với số liệu mới của Hồ Bắc, số người tử vong trên toàn Trung Quốc đại lục tăng lên 2.112, trong khi tổng số ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc đại lục lên đến 74.545. Như vậy, tính đến sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng 75.662 ca nhiễm virus Covid-19, trong đó bao gồm 2.120 ca tử vong, phần lớn ở Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, thế giới cũng chứng kiến có đến 16.342 trường hợp hồi phục sau khi được điều trị. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình hình vẫn nghiêm trọng ở vùng tâm dịch Vũ Hán, song các nhà chức trách Trung Quốc vừa công bố một nghiên cứu cho thấy thông tin đáng mừng rằng, phần lớn các ca nhiễm Covid-19 đều nhẹ và tỷ lệ tử vong thấp. WHO cho biết, theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc, tỷ lệ tử vong do dịch Covid-19 hiện ở mức 2,3%, và chưa đến 1% đối với những người trong độ tuổi 30-40. Các quan chức WHO nhấn mạnh rằng, tỷ lệ tử vong do Covid-19 hiện thấp hơn nhiều so với dịch Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) và Hội chứng hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS), cũng do virus corona gây ra. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm 19/2 nhận định rằng, tình hình bùng phát dịch Covid-19 rất nguy hiểm đối với thế giới, nhưng "không nằm ngoài tầm kiểm soát". Hơn 620 ca nhiễm Covid trên tàu Diamond Princess Diamond Princess, chiếc du thuyền đang neo đậu ở ngoài bờ biển Yokohama (Nhật Bản), tiếp tục là nơi có số lượng người nhiễm Covid-19 cao nhất bên ngoài Trung Quốc, với hơn 620 ca đã được xác nhận. Tàu này chở 3.100 hành khách và thủy thủ đoàn. Trong số hơn 300 hành khách người Mỹ được đưa khỏi tàu hôm 16/2, đến nay đã có 14 người được xác nhận dương tính với Covid-19. Số khách này hiện đang được cách ly 14 ngày theo quy định. Trong một đoạn video đăng tải trên YouTube hôm 18/2, một giáo sư Nhật Bản, người đã lên được trên tàu Diamond Princess, nói rằng ông đã bị sốc trước tình trạng thiếu các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trên chiếc du thuyền này. Hai ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Iran đã tử vong Hãng thông tấn Mehr của Iran dẫn lời người đứng đầu Đại học Y khoa ở thành phố Qom cho biết, 2 ca đầu tiên ở nước này được xác nhận dương tính với Covid-19 đã tử vong. "Hai người Iran, trước đó trong ngày hôm nay đã bị phát hiện dương tính với Covid-19, đã tử vong do bệnh viêm đường hô hấp", quan chức này xác nhận. Theo một quan chức Bộ Y tế Iran, trong hai ngày qua, nước này đã phát hiện một số trường hợp nghi nhiễm Covid-19. Trong khi đó, WHO và Bộ Y tế Ai Cập ngày 19/2 cho hay, một công dân nước ngoài gần đây được thông báo là ca đầu tiên ở Ai Cập nhiễm Covid-19 đã có xét nghiệm âm tính với virus này. Danh tính và quốc tịch của bệnh nhân không được tiết lộ. Bệnh nhân đã được đưa đến bệnh viện và được cách ly. Bệnh nhân đã phải trải qua 6 xét nghiệm RT-PCR trong 3 ngày liên tiếp và kết quả đều âm tính với Covid-19. Dương Lâm | ||||||||||||||||||||||||
Thanh niên mới ra tù đi giật điện thoại, bị ngã xe tử vong Posted: 19 Feb 2020 03:33 PM PST Nam thanh niên ở Bình Dương mới ra tù nhưng lại chạy xe máy đi cướp giật điện thoại, trên đường bỏ chạy thì ngã xe tử vong. Công an TP Thuận An, tỉnh Bình Dương tối 19/2 đã khám nghiệm hiện trường, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn giao thông làm một nam thanh niên tử vong.
Đáng chú ý, nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn vừa mới ra tù, trên đường bỏ chạy sau khi giật điện thoại của người dân thì té ngã. Theo đó, khoảng 20h tối qua, người dân thấy Lê Tấn Đạt (29 tuổi, ngụ TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) chạy xe máy tốc độ cao trên đường ĐT743 hướng từ TP Thuận An đi TP Dĩ An. Khi vừa qua khỏi giao lộ Đồng An (thuộc phường Bình Hòa, TP Thuận An) thì không làm chủ được tay lái, tông vào dải phân cách bằng bê tông và cột đèn chiếu sáng giữa đường bất tỉnh. Lúc này, người dân đã đưa Đạt đi cấp cứu nhưng nạn nhân đã tử vong. Qua khám nghiệm, lực lượng chức năng phát hiện một tờ giấy ra tù của Đạt mới được 10 ngày, nhiều thẻ ATM và 3 chiếc điện thoại di động. Trong tối cùng ngày, ông N.V.B (42 tuổi, tài xế Grab bike) đến trình báo cơ quan công an bị Đạt cướp mất điện thoại trước đó khoảng 30 phút ở phường Bình Hòa rồi bỏ chạy. Ông B xác nhận một trong 3 chiếc điện thoại di động trong người Đạt là của mình. Hiện vụ việc đang được lực lượng chức năng điều tra, làm rõ. Phi xe máy tốc độ cao, thanh niên tông chết người qua đường ở Đà NẵngChạy xe đi qua đường Nguyễn Tất Thành (Đà Nẵng), người ông Thắng bị nam thanh niên chạy tốc độ cao tông tử vong tại chỗ. Xuân An | ||||||||||||||||||||||||
Vợ dùng dao đâm chết chồng ở Sài Gòn Posted: 19 Feb 2020 06:36 PM PST Vì mâu thuẫn trong công việc, người vợ đã dùng dao đâm chết chồng tại chỗ và đáng nói họ để lại 3 đứa con nhỏ. Công an TP.HCM đang phối hợp cùng Công an Q.Tân Phú điều tra vụ án mạng xảy ra tối qua (19/2) tại khu vực chợ Hiệp Tân, đường Cây Keo, P.Hiệp Tân, Q.Tân Phú. Nạn nhân được xác định là ông T và nghi can gây án là bà vợ của ông, tên L.
Một số nhân chứng xung quanh cho rằng, có thể xuất phát từ chuyện mâu thuẫn, khó khăn trong công việc nên 2 vợ chồng họ cãi nhau lớn tiếng. Trong lúc nóng giận, bà L đã cầm dao tấn công, đâm chồng gục tại chỗ và ông T tử vong ngay sau đó. Sự việc diễn ra quá nhanh, những người xung quanh không ai kịp can thiệp. Ngay sau khi nhận tin báo, Công an đã phong toả để khám nghiệm hiện trường, điều tra vụ án. Hàng xóm cho hay, vợ chồng trên cưới nhau đã 10 năm nay và có với nhau 3 đứa con nhỏ. Họ thường xuyên phát sinh mâu thuẫn, cự cãi lớn tiếng và nguyên nhân là những khó khăn trong công việc buôn bán tại chợ. Chân tướng gã anh vợ xuống tay sát hại nghệ sĩ Vũ Mạnh DũngLãnh đạo UBND phường Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, Dương Quang Bình (43 tuổi) là đối tượng có tiền sự, nghiện ma túy. Phước An | ||||||||||||||||||||||||
Bảo Thanh khoe nhà tiền tỷ mới tậu sau 'Về nhà đi con' Posted: 19 Feb 2020 06:46 PM PST Nữ diễn viên 'Về nhà đi con' vừa gây chú ý khi chia sẻ ảnh căn nhà mới sắm với nội thất sang trọng.
Thành công quá lớn từ bộ phim "Về nhà đi con" khiến tên tuổi Bảo Thanh hot trở lại. Không chỉ tăng lượng theo dõi và like chóng mặt trên trang cá nhân, cô còn là diễn viên đắt sô nhất nhì phía Bắc với nhiều hợp đồng quảng cáo lớn. Thêm vào đó, cát sê từ bộ phim điện ảnh "Đôi mắt âm dương" chiếu Tết cũng giúp tăng thêm thu nhập của nữ diễn viên sinh năm 1990. Mới đây Bảo Thanh đã chia sẻ ảnh căn nhà mới trên Instagram khiến nhiều người bất ngờ. Căn nhà mới sang trọng được nữ diễn viên mua cuối năm ngoái nhưng mới đây Bảo Thanh mới khoe trên trang cá nhân và đã nhận hơn 7000 lượt thích.
Cách đây ít giờ Bảo Thanh cũng chia sẻ thêm hình ảnh hai vợ chồng cô kèm lời nhắn tới chồng: "Chàng đã tặng ta căn nhà rồi... có thể nào tặng thêm chiếc xe và cô công chúa nữa cho đủ bộ hay không?" thu hút rất nhiều bình luận của bạn bè và người hâm mộ. Bảo Thanh đã có kế hoạch sinh thêm em bé thứ 2 năm ngoái nhưng việc tham gia bộ phim "Về nhà đi con" khiến cô phải gác lại kế hoạch này. Clip: Hậu trường cảnh Bảo Thanh khóc khi ký đơn ly hôn trong 'Về nhà đi con' Mỹ Anh Phương Oanh 'Quỳnh búp bê' số đo chuẩn hoa hậu, đường cong nóng rựcỞ tuổi 31, Phương Oanh đang ở thời điểm chín muồi của sự nghiệp lẫn nhan sắc. |
You are subscribed to email updates from Tin mới nóng - Tin tức mới nhất, hot nhất trong ngày. To stop receiving these emails, you may unsubscribe now. | Email delivery powered by Google |
Google, 1600 Amphitheatre Parkway, Mountain View, CA 94043, United States |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét