“Thư gửi từ trong tù” plus 6 more |
- Thư gửi từ trong tù
- Gạc Ma - Lê Đức Anh lệnh không bắn?
- Trump Siêu nhân?
- Ông Trương Minh Tuấn làm ‘thầy dùi’ cho Bộ Chính trị
- Bernd Lange gặp Tô Lâm để làm gì?
- Sự im lặng về một vụ thảm sát trên Biển Đông
- Trung Quốc lần đầu tiên cho tàu cứu hộ đồn trú ở Trường Sa
Posted: 31 Jul 2018 07:23 PM PDT Trần Huỳnh Duy Thức
Nghệ An, 26/6/2018 Thưa ba và cả nhà thương, Hôm 23/6 chị Sáu và Quân ra thăm con kể rằng ba nói ba tin sắp có nhiều thay đổi lớn và ba sẽ khỏe để chờ con về. Con rất là vui. Sáng hôm qua, thứ hai 25/6/2018 một phái đoàn của Liên minh Châu Âu và Đại sứ quán Đức tại VN vào đây thăm con. Đại diện gồm một anh tên là Konrad phụ trách chính trị của Đại sứ quán Đức, một cô tên là Catherine phụ trách chính trị của Phái bộ EU tại VN, một anh người Việt tên Đăng được giới thiệu là cán bộ của Đại sứ quán Đức tại VN làm phiên dịch (họ nói tiếng Anh và tiếng Đức). Cũng có lãnh đạo cùng các sĩ quan của Trại giam tham gia. Họ lắng nghe, thái độ vui vẻ, không có vấn đề gì. Họ nói họ rất quan tâm đến con nên thông qua Chính phủ Đức và Chính phủ VN để sắp xếp cuộc gặp này. Họ muốn nghe về sức khỏe điều kiện sinh hoạt trong tù và nguyện vọng của con. Con cho biết sức khỏe của con vẫn ổn và kể thời khóa biểu một ngày của con gồm thể dục, viết thư, sáng tác (thơ, nhạc, tiểu thuyết), đọc sách báo nhà gửi, chơi đàn, học tiếng Hoa,… Con cũng khẳng định với họ rằng con không có nguyện vọng ra nước ngoài. Họ bảo họ rất nể phục con và họ cũng nghe nói nhiều về tinh thần của con. Họ thấy khó ai có được lịch sinh hoạt trong tù như con. Con nói với họ rằng con rất vui khi biết Luật sư Đài được họ bảo lãnh qua Đức vừa rồi. Riêng con thì con muốn dùng cuộc sống của mình để thu hút sự quan tâm của mọi người ngày càng tôn trọng pháp luật, tôn trọng quyền con người, tôn trọng khác biệt. Con tin vào sự thay đổi dựa trên tinh thần đó và thấy đang có những thay đổi theo tinh thần, chiều hướng như vậy. Con hiểu luật pháp đang còn nhiều vấn đề, nhưng chỉ bằng tinh thần tôn trọng pháp luật và kiên trì đòi hỏi pháp luật phải hoàn thiện hơn thì sự thay đổi cuối cùng mới tốt đẹp. Con mong rằng họ ủng hộ và hỗ trợ cho sự thay đổi như vậy. Họ nói họ hiểu và theo sát trường hợp của con. Họ chúc con khỏe và có đủ sức mạnh để đi hết lựa chọn của mình. Họ tin con làm được vì con biết sử dụng thời gian hiệu quả. Họ khẳng định sẽ luôn quan tâm, theo dõi tình hình của con. Sau cuộc gặp, họ sẽ liên hệ với gia đình mình để thông báo về cuộc gặp này, đồng thời để trao đổi thêm những gì cần thiết. Con cảm ơn họ và cho biết cuộc gặp đã động viên con rất nhiều. Cuộc gặp kéo dài 60 phút, đúng như thỏa thuận giữa Chính phủ Đức và Chính phủ VN. Họ hỏi rất kỹ các điều kiện ăn uống, sinh hoạt, điện thoại, gửi thư, gia đình thăm… Con có sao nói vậy, không có vấn đề gì. Họ cũng hỏi về vấn đề mắt của con như họ nghe trước đây. Con cũng kể đúng thực tế là do điều kiện điện, ánh sáng, nhưng điều kiện này đã được đảm bảo hơn 10 tháng nay. Con cũng nói rằng cũng có khi có vấn đề nhưng con phản ảnh đến Ban giám thị Trại giam để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, BGT cũng lắng nghe và giải quyết theo pháp luật. Họ nói họ nghe vậy thì rất vui. Họ cảm ơn phía VN đã tạo điều kiện để gặp. 27/6 Hôm qua thời sự VTV đưa tin VN và EU rà soát lần cuối nội dung Hiệp định thương mại tự do VN – EU (EVFTA). Bộ trưởng Công thương VN hi vọng Hiệp định này sẽ được ký vào cuối năm nay. Cao ủy Thương mại EU hi vọng VN sẽ giải quyết những vấn đề còn lại để Hiệp định được ký kết. Thư 112C con đã trích một bài trên Thời báo KTSG số 14 (5/4/2018) nói về lí do Hiệp định này đã bị trì hoãn ký từ cuối năm 2015 đến nay là vì môi trường và nhân quyền. VN mình rất cần Hiệp định này để giảm thiểu những tác động của các cuộc chiến thương mại nếu chúng lan rộng. Các tranh chấp giữa Mĩ với EU và các đồng mình khác, theo con, sẽ được dàn xếp sớm. Giữa họ không có những xung đột không thể thỏa hiệp, và sự tranh chấp của họ thực sự chỉ là sự cạnh tranh thuần túy thương mại. Còn tranh chấp giữa Mĩ và TQ thì thương mại chỉ là cái cớ và là công cụ để Mĩ cho thế giới thấy khả năng lãnh đạo thế giới của TQ thực tế đến đâu, để Mĩ khẳng định lại vị thế siêu cường của mình. Ai mà lấy thiệt hơn về mặt kinh tế như là chỉ số quan trọng nhất để đánh giá người Mĩ có thể chấp nhận đến mức nào, rồi từ đó suy ra Mĩ sẽ không dám dấn sâu vào Cuộc chiến thương mại với TQ thì người đó sẽ lầm to. Đó thật là ngây thơ. Tập đoàn ZTE khổng lồ có cổ phần chi phối thuộc Chính phủ TQ mà Mĩ mới khều nhẹ đã ngã lăn ra, không chống đỡ nổi. Đó chỉ mới là sự cấm vận công nghệ chip chưa quá mức cao siêu so với nhiều công nghệ cốt lõi khác mà Mĩ nắm giữ. Nếu cuộc chiến lan rộng, Mĩ có thể đánh rơi rụng hàng trăm tập đoàn khổng lồ tương tự ZTE của TQ. Chưa nói đến rất nhiều hậu quả khác, chỉ riêng sự vỡ nợ của những tập đoàn này sẽ tạo nên một khoản nợ xấu cho Chính phủ TQ (vì Chính phủ đầu tư, cho vay hay bảo lãnh) lớn đến mức đủ thổi bay khoản dự trữ ngoại tệ khổng lồ của TQ trong chốc lát. TQ hầu như chẳng có công cụ gì tương tự để trả đũa Mĩ. Đầu tư TQ vào Mĩ đã giảm đến 98% (tức là gần như không còn gì) trong 5 tháng đầu năm nay mà chẳng gây ra vấn đề gì cho Mĩ. TQ đã từng dọa về nguy cơ rút đầu tư sẽ gây ra những thiệt hại lớn cho Mĩ. TQ đã làm nhưng chẳng tác dụng. Không cần đến TQ giảm đầu tư, tới đây Mĩ đã chuẩn bị để hạn chế TQ đầu tư vào Mĩ để tiếp cận công nghệ Mĩ. Hi vọng Mĩ sợ thiệt hại mà không làm thì sẽ là tiếp tục ngây thơ. Thế giới sẽ chứng kiến và học được một bài học từ sự thất bại nặng nề của chiến lược về công nghệ của TQ, rồi sẽ không bao giờ quên rằng muốn sở hữu được công nghệ vượt trội thì quốc gia phải là một xã hội vận động tự do để tạo nên một môi trường cạnh tranh tự do. Ở đó những người giỏi nhất mới sáng tạo nên những công nghệ vượt trội cho quốc gia. TQ không có và cũng không chấp nhận một xã hội vận động tự do. Vì vậy Chính phủ TQ tin vào cách thức đặc sắc của mình là dùng sự đầu tư và bảo kê (trên danh nghĩa bảo hộ) vô song của nhà nước cho một số doanh nghiệp để chúng sở hữu công nghệ vượt trội. Thực tế mấy chục năm qua, các doanh nghiệp này đã to lớn khổng lồ nhờ sự bảo kê này nhưng khả năng công nghệ chỉ ở mức sao chép giỏi và lệ thuộc nặng nề vào những công nghệ cốt lõi của Mĩ và phương Tây. TQ hiểu nguy cơ của sự lệ thuộc này. Nhưng một lần nữa, họ tiếp tục sai lầm về phương pháp. Họ tin rằng dùng sức mạnh của thị trường khổng lồ hơn 1,4 tỉ dân của họ thì sẽ ép được các doanh nghiệp sở hữu công nghệ của Mĩ và phương Tây chuyển giao công nghệ cho họ nếu muốn tiếp cận thị trường TQ. Khi TQ công bố Sáng kiến Sản xuất tại TQ 2025 với mục tiêu trên, con đã cười vì thấy niềm tin nói trên của họ ngây ngô quá. Họ nghĩ từng doanh nghiệp đơn lẻ Mĩ sẽ không thể đủ sức thoát sức ép của Chính phủ TQ để không bị mất phần trước các đối thủ tại thị trường TQ. Các doanh nghiệp Nhật và EU cũng bị như vậy. TQ không hiểu rằng sức mạnh của những xã hội vận động tự do khi đã hợp lực lại thì chẳng có sức mạnh của những xã hội độc đoán nào địch nổi cho dù những xã hội độc đoán đó được lãnh đạo bởi những chính phủ độc tài khổng lồ đi nữa. Khối G7 sẽ cùng nhau đánh gục tham vọng chiếm lấy công nghệ bằng ban phát thị trường của TQ. Thế giới sẽ thấy chiến lược về công nghệ của TQ hóa ra là cách để họ chỉ ra gót chân Achilles chết người, không chỉ về công nghệ mà cả về sức mạnh và tham vọng bá quyền của mình. Một khi TQ đã buộc phải bãi bỏ sự ép buộc chuyển giao công nghệ, sự bảo hộ thị trường cho các doanh nghiệp chủ lực mà Chính phủ TQ bảo kê lâu nay để làm sức mạnh cho Chính phủ, thì các doanh nghiệp Mĩ và phương Tây có lợi thế về công nghệ sẽ chiếm lĩnh các thị phần ở TQ mà các doanh nghiệp được bảo kê ở TQ chiếm giữ lâu nay. Khi đó cán cân thương mại sẽ cân bằng và công bằng. Đây là điều Tổng thống Trump muốn và không ngừng tuyên bố lâu nay. Ông ấy đang rất quyết liệt để thực hiện thành công mục tiêu này. Nếu TQ không chấp nhận sự bãi bỏ nói trên thì họ sẽ đối diện với sự sụp đổ, bắt đầu từ các tập đoàn. Nếu Chính phủ TQ nhận ra thì họ sẽ tránh được sụp đổ. Và đó là sự bắt đầu cho tự do hóa thị trường và xã hội. Người TQ sẽ sớm nhận ra rằng người ta không thể sở hữu những gì hay ho bằng cách tước đoạt và sự bảo kê bảo hộ của nhà nước không thể giúp sở hữu công nghệ mà ngược lại. Nó chỉ tạo ra những doanh nghiệp thân hữu thúc đẩy tham nhũng và khả năng cạnh tranh quan hệ và đặc quyền, chứ không phải khả năng sáng tạo. Một khi sự bảo hộ của nhà nước đã không còn có thể nữa thì các doanh nghiệp đó sẽ lăn đùng ra mà chết như đột tử vậy, bất chấp chính phủ bảo hộ có to lớn hay tài giỏi đến đâu. Không ai vi phạm Quy luật phát triển mà có thể phát triển tốt đẹp cả. Con người dù có giỏi giang, có sức mạnh đến thế nào thì cũng không thể vượt qua được quy luật của Tạo hóa. 28/6 Dù Quy luật phát triển đã được làm sáng tỏ, nhưng giới cầm quyền TQ vẫn phải trả một giá đắt trước khi hiểu ra được và thừa nhận những gì mình đã làm trái quy luật. Điều này có nghĩa là cuộc chiến thương mại Mĩ - TQ sẽ lan rộng và rất căng thẳng trước khi một trạng thái cân bằng và công bằng được xác lập. Chiến tranh căng thẳng sẽ kéo dài vài năm. Nhưng con muốn viết để ba và mọi người hiểu rằng chiến tranh thương mại này là sự may mắn cho nhân loại vì nó thay cho Chiến tranh thế giới III vốn là điều rất khó tránh khỏi khi có sự nổi lên của các siêu cường mới muốn khẳng định vị thế bá quyền như Đức, Nhật trong quá khứ và TQ vào hiện tại. Nếu sự trỗi dậy hung hăng của TQ không bị kiềm chế thì không lâu nữa, khi tiềm lực quân sự của họ đủ sức đối trọng với Mĩ ở Châu Á TBD thì chiến tranh quân sự sẽ nổ ra không tránh khỏi. Họ đang ráo riết tăng cường tiềm lực này thông qua quân sự hóa ồ ạt trên Biển Đông. Mĩ, Nhật và các đồng minh phương Tây sẽ không bỏ qua cơ hội sử dụng chiến tranh thương mại để làm suy yếu sức mạnh hung hăng của TQ, loại bỏ nguy cơ chiến tranh thế giới. TQ lúc này cũng không còn khả năng tiên hạ thủ vi cường bằng các trận chiến chớp nhoáng được nữa, vì Biển Đông đã được quốc tế hóa cùng với cả khu vực rộng lớn Ấn Độ dương - Thái Bình dương. Anh, Pháp cũng đều tham gia vào đảm bảo tự do hàng hải, hàng không của khu vực này. Tháng trước các tàu chiến Anh, Pháp tiến vào vùng hải phận quốc tế mà TQ tuyên bố chủ quyền trái phép nhưng TQ không dám làm gì. Mĩ vừa loại TQ ra khỏi cuộc tập trận chung Vành đai TBD (RIMPAC) 2018 và yêu cầu TQ đảo ngược quá trình quân sự hóa trên Biển Đông. Vấn đề Biển Đông và chủ quyền của VN sẽ được bảo vệ thông qua cuộc chiến thương mại Mĩ - TQ đang nổ ra. TQ có rất ít cơ hội để thắng. Có người bảo họ đang nắm giữ vũ khí chiến lược là hơn 1 ngàn tỉ USD trái phiếu chính phủ Mĩ, nếu TQ bán các trái phiếu này thì Mĩ sẽ suy yếu và vì vậy mà Mĩ phải lo sợ. Nếu Chính phủ TQ mà nghe mấy chuyên gia này thì TQ sẽ còn thua sớm hơn. Chương trình Toàn cảnh thế giới trên VTV1 ngày 24/6/18 dẫn lời Tiến sĩ Trần Việt Thái – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ ngoại giao VN – cho rằng hành xử của TQ đã tới giới hạn chịu đựng của Mĩ. Từ thập niên 1970 Mĩ đã giúp đỡ TQ bằng mở cửa thị trường Mĩ, cho phép hỗ trợ công nghệ Mĩ cho doanh nghiệp TQ để đưa TQ phát triển, hội nhập thế giới với cam kết của TQ rằng trở thành một nước lớn có trách nhiệm trên thế giới, giống như Mĩ đã làm với Châu Âu và Nhật sau Thế chiến II. Trong khi Châu Âu, nhất là Đức, và Nhật đã làm đúng như vậy và trở thành những quốc gia dân chủ và thịnh vượng và đóng góp quan trọng vào việc xây dựng dân chủ và thịnh vượng cho thế giới thì TQ đang làm ngược lại. Con đồng ý với Tiến sĩ Thái. Nhìn vào sự mở rộng ảnh hưởng của TQ ra nước ngoài trong 2 thập niên qua, chẳng khó gì để thấy họ nuôi dưỡng cho các chính phủ tham nhũng, bảo kê độc tài, bất chấp thiệt thòi đối với người dân dưới các chính phủ đó, miễn là TQ có lợi: được tiếp cận với tài nguyên, đất đai và những hợp đồng có lợi quá mức cho TQ. Đó là chưa kể những hậu quả về môi trường và xã hội mà TQ để lại cho những con người ở đó. Ở Châu Phi, những hậu quả như vậy là không thể khắc phục sau 2 - 3 thế hệ nữa. Chẳng mấy ai mà không thấy hình ảnh đó của TQ. Từ đầu năm 2004, con đã nói về nguy cơ này trong bức thư gửi cho ông Triết lúc đó là Bí thư Thành ủy HCM. Khi Mĩ và phương Tây giương chính nghĩa là buộc TQ hành xử có trách nhiệm với thế giới trong cuộc chiến thương mại thì họ sẽ nhận được sự ủng hộ quốc tế thôi. Chiến tranh thương mại sẽ lan rộng một thời gian nhưng TQ cuối cùng phải nhượng bộ, chấp nhận luật lệ quốc tế, hành xử có trách nhiệm, cạnh tranh công bằng. Chấp nhận thị trường tự do, không bảo hộ doanh nghiệp. Những điều như vậy sẽ dẫn đến xã hội vận động tự do. Sau cuộc chiến thương mại, thế giới sẽ được thấy một lần nữa sai lầm tai hại "trọng cứng khinh mềm": Chỉ chấp nhận và bắt chước trào lưu cứng mà không học hỏi và thúc đẩy trào lưu mềm trước. Quy luật phát triển xã hội sẽ được khai sáng hơn bao giờ hết. Bao nhiêu nỗ lực khổng lồ của giới học giả TQ mấy chục năm qua cố gắng bảo vệ những lý thuyết về một nền kinh tế thị trường được định hướng bằng sự can thiệp sâu rộng của chính phủ sẽ trở nên buồn cười. Giới học giả TQ lâu nay rất nổi tiếng thế giới về những nghiên cứu như vậy. Con biết họ rất giỏi, nhưng họ đã bị định hướng nên không có tự do để nói ra chân lý. Trong thời kỳ Mĩ rung lắc TQ, thế giới cũng sẽ bị rung lắc và ảnh hưởng lớn. Không chỉ về kinh tế đâu, mà toàn diện các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội. Như con đã viết hồi đầu năm 2016, các chính phủ độc tài sẽ bị rung rụng, các quốc gia thực sự dân chủ hoặc chân thành hướng đến dân chủ bằng pháp quyền, tôn trọng quyền con người mới phát triển tốt mà không sụp đổ. Mục tiêu của Mĩ không chỉ là thương mại, mà chính yếu là trật tự thế giới. Nhưng không phải là thứ trật tự mà Mĩ ban phát cho nước này nước kia ở vị trí này vị trí nọ, mà là một trật tự theo Quy luật phát triển. Dù là nước lớn hay nhỏ thì đều phải tôn trọng luật. Dân tộc nào nỗ lực hơn thì sẽ vượt lên theo Dòng chảy của thời đại. Ráp kịp với Dòng chảy của thời đại rồi đua nhanh và vượt lên dẫn đầu là sứ mệnh lịch sử, là mệnh lệnh của dân tộc Việt Nam đối với từng người dân Việt trong thời kỳ lịch sử này. Và con biết, dân tộc cần con vào thời khắc quan trọng này. Vì vậy con sẽ ở lại trên mảnh đất này. Dù chỉ là một thường dân hay một tù nhân, con vẫn luôn nỗ lực không tiếc sức bằng mọi cách để dân tộc hoàn thành kịp sứ mệnh lịch sử nói trên. Đó chính là mục tiêu tối thượng của con bao nhiêu năm nay. Con mong ba, cả gia đình và mọi người hiểu và ủng hộ quyết định này của con. Đừng lo con khổ sở. Con chẳng khổ gì cả, điều kiện ở đây ổn. Đúng là con có chút vất vả, nhưng mà vui. Viết xong thư này con sẽ viết thư cho mấy người lãnh đạo đất nước. Con nghĩ là họ đã biết, nhưng họ cần hiểu rõ hơn về sứ mệnh lịch sử, mệnh lệnh của dân tộc vào thời khắc lịch sử này. Họ thường hay nói "Tiến nhanh cùng thời đại". Trước khi cuộc chiến thương mại Mĩ - TQ được định đoạt, VN là một trong những nước bị tác động mạnh bởi nó. Cùng với CPTPP, Hiệp định thương mại tự do VN - EU là rất quan trọng để giúp VN giảm thiểu ảnh hưởng xấu. Bên cạnh đó, quan hệ song phương Việt - Mĩ cũng quan trọng không kém để giúp VN tránh được những đòn trừng phạt của Mĩ lên TQ. Vì vậy cán cân ngoại giao của VN cũng sẽ thay đổi mạnh. Một Phó Thủ tướng của VN đang ở thăm Mĩ. Tối qua con xem tin này trên VTV và cảm thấy những chuyển biến nhanh trong thời gian tới. Con cảm nhận rất rõ điều này. Diễn biến ở Đông Nam Á sẽ còn nhanh và bất ngờ hơn Đông Bắc Á với sự kiện chuyển hướng của Triều Tiên vừa rồi. Một đất nước dựa gần như tất cả vào TQ 70 năm qua giờ lại muốn Mĩ đảm bảo an ninh và thể chế chính trị cho mình. Niềm tin vào TQ sẽ còn nhiều suy giảm hơn nữa trên toàn thế giới. Con nhìn thấy được sự dịch chuyển và tích tụ năng lượng không thể hiện trên bề mặt, dựa vào dòng chảy theo quy luật, nên con có thể biết được sự chuyển biến như thế nào. Vì vậy ba và mọi người đừng lo cho con về thời gian. Tới lúc thì chẳng ai giữ con được trong tù cả. Mọi người hãy cứ vui vẻ, giữ sức khỏe. Thương ba và mọi người nhiều nhiều. T.H.D.T.
Ảnh: FB Nguyen Lan Thang Nguồn: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10156736229079736&set=a.10150209063839736.328016.775084735&type=3&theater Trích xuất từ FB Trần Family | |
Gạc Ma - Lê Đức Anh lệnh không bắn? Posted: 31 Jul 2018 07:18 PM PDT
Bạn Đông Hà Trần chú ý nhé. Sáng 28/7, tôi được mời tham gia một cuộc gặp mặt, gồm một số lão làng như anh Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, anh Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương, anh Vũ Quốc Tuấn, nguyên trợ lý của cụ Võ Văn Kiệt, anh Nguyễn Vi Khải, AHLLVT Lê Mã Lương… và nhiều vị tiền bối khác. Thảo luận nhiều vấn đề, nhưng tôi chỉ muốn kể một chút về chuyện Gạc Ma 1988 và cuốn sách đang gây bão dư luận. Trước cuộc họp này, tôi đã nói chuyện nhiều với các cựu binh còn sống sót của Gạc Ma 1988. Tôi đã hỏi chuyện cụ Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Tham mưu phó, kiêm Trưởng phòng Tác chiến Quân chủng HQ giai đoạn đó. Cuốn sách "Gạc Ma – Vòng tròn bất tử" do AHLLVT Lê Mã Lương làm chủ biên, sau 4 năm thực hiện và xin cấp phép. Đây là cuốn sách đặc biệt, được First News do anh Nguyễn Văn Phước làm Giám đốc khởi xướng, để tri ân và kể lại câu chuyện ít được nhắc đến về 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh vì biển đảo Tổ quốc vào ngày 14-3-1988, trên bãi đá san hô Gạc Ma và lân cận, thuộc quần đảo Trường Sa. Suốt 4 năm qua, cuốn sách thu hút 68 người tham gia biên soạn. Họ là các tướng lĩnh, nhà nghiên cứu sử học, nhà báo, cựu chiến binh Gạc Ma. Nhóm biên soạn đã tổ chức các cuộc phỏng vấn trực tiếp 22 người lính Gạc Ma còn sống sót và 9 cựu chiến binh Gạc Ma bị bắt vào ngày 14-3-1988, như Thượng úy Nguyễn Văn Chương, Trương Văn Hiền, Dương Văn Dũng, hồi ký viết tay của cựu binh Lê Hữu Thảo... Nhưng hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến không đồng ý xuất bản cuốn sách này, cho rằng những người làm sách là trở cờ, là theo giặc, là nói xấu quân đội và nhân dân ta. Những ý kiến này cũng có sự tham gia của cả các tướng lĩnh quân đội, chứ không chỉ những người dân, người trẻ tuổi. Tôi dài dòng một chút để các bạn nắm thêm chút thông tin, trước khi tôi kể về cuộc họp. Mọi người đều đồng thuận rằng: sự thật đã bị bưng bít lâu quá. Người còn, người mất. Rồi nhiều thông tin không rõ ràng, nên mọi người loay hoay giữa sự hỗn độn đó. Nhưng nói chung là đã tố cáo tội ác của quân Trung Quốc dã man tàn sát bộ đội Hải quân ta. Vấn đề không làm rõ được là mệnh lệnh "KHÔNG BẮN" hay là "KHÔNG BẮN TRƯỚC", CÓ LỆNH KHÔNG? CÓ THÌ AI RA LỆNH??? Đó là khúc mắc của nhiều người, nhiều năm. Khi tôi hỏi thì Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm nói rằng: "Bắn trước hay bắn sau, không quan trọng, mà là tinh thần giữ đảo của chiến sỹ ta là tuyệt vời. Bây giờ " NHÉT " (chữ cụ dùng) câu đó vào mồm thằng Lanh binh nhất 19 tuổi rồi trách cứ nhau". Cụ nói tiếp: Tôi gọi thằng Lanh về, hỏi "Họ phỏng vấn thì mày nói gì ?" Lanh, một con người như thất thần sống sót sau loạt nã pháo tàn bạo của quân Trung Quốc, thưa: "Dạ! Nói gì, con cũng không nhớ. Con cứ lựa theo họ hỏi là con nói". "Thực ra, ngày đó Quân chủng HQ không có kế hoạch tác chiến chống cướp đảo. Tàu tên lửa, tàu hộ vệ, tất cả nằm ở Cam Ranh, với mệnh lệnh cấm ra khơi. Và mấy con tàu vận tải nhằm Trường Sa chở theo vật liệu xây dựng. Mà cũng không ngờ TQ nó tàn bạo thế". Chuyện tiếp ở cuộc họp, khi đến đoạn này thì một ông dân sự nói to: "Tôi biết người ra lệnh KHÔNG BẮN", làm cả hội trường sững sờ. Nhìn lại, thì đó là ông Lê Đăng Doanh. Tôi may mắn ngồi gần, nên quay sang nói: Bác kể xem nào. Ông Doanh kể: "Hôm ấy tôi với vai trò là người giúp việc TBT Nguyễn văn Linh, ngồi ngay sau TBT nên tôi theo dõi hết. Ông Nguyễn Cơ Thạch ĐẬP BÀN, NHƯ LÀ GẦM LÊN, RUNG CẢ CỬA KÍNH: "Ai ra lệnh KHÔNG BẮN?", thì ông Lê Đức Anh trả lời: "TÔI". Ông Thạch quay sang ông Linh, thì ông Linh ngồi im, không có ý kiến gì". Có ai đó chen vào: "Họ đã chuẩn bị cho Thành đô 1990 từ lúc này". Tôi nhắc lại là theo yêu cầu của vài người bạn thân thiết, tôi chỉ chép lại những gì tôi nghe được. Còn đúng sai là việc quá xa vời, tôi không khẳng định. Các bạn thấy xem được thì xem. Không hợp ý các bạn thì tôi nhận là kẻ chém gió bốc phét ba lăng nhăng. Các bạn biết tôi mà, tôi không trách gì các bạn. Kèm một số ảnh chụp hôm đó, toàn người quen cả. P.T.D. Nguồn: https://www.facebook.com/tao.vovan.1/posts/2211313332218204 | |
Posted: 31 Jul 2018 07:15 PM PDT Bùi Quang Vơm
Trong quan hệ đối với các đối tác trên thế giới, Mỹ đang làm chủ tình hình. Đó là một sự thật không thể chối cãi. Điều này không tự nhiên có và không phải luôn luôn có. Nó quay lại với sự xuất hiện của D. Trump như một định mệnh. Chưa bao giờ lịch sử thế giới lại sôi sục với những hoạt động đàm phán như những ngày này. Nó có nguồn gốc lịch sử chính trị, kinh tế và xã hội toàn cầu, nhưng lại cũng gắn với một năng lực đặc biệt của Tân Tổng thống Mỹ, chứng minh nghệ thuật đàm phán của Donald Trump. Trong cuốn sách "Nghệ thuật đàm phán" mà ông là tác giả, Trump khẳng định, "nếu phải đàm phán, tôi sẽ thắng". Thực tế đang có vẻ thể hiện rằng điều tự tin đó của ông Trump là hoàn toàn xác đáng. Trump đã thắng châu Âu trong vụ việc NATO, Trump đã thắng châu Âu khi đạt được liên minh thương mại chống Tàu. Trump đã hoá giải nguy cơ huỷ diệt đến từ Bắc Hàn. Trump đã buộc TQ phải im lặng chỉ bằng chiến tranh thuế. Trump sẽ biến Putin thành bạn. Trump đang trên đường kết thúc với Iran. Trump sẽ tiêu huỷ ảo tưởng bá chủ của Trung Cộng. Trump đang chứng minh rằng Mỹ có thể quyết định tất cả, sắp đặt tất cả. Trump đối diện trực tiếp với những vấn nạn lớn nhất của Hành tinh, và hình như đang hoá giải tất cả các vấn đề ấy cùng một lúc. Đó phải là việc của một người khổng lồ, một siêu nhân. Có phải Lịch sử cần và đã sinh ra Trump? Với tất cả những đối tượng khác nhau đó, Trump vẫn chỉ dùng một loại chiến thuật. Đó là tấn công áp đảo, bằng mọi cách đẩy đối phương vào lựa chọn hoặc chết hoặc thương lượng, nhưng chỉ thương lượng song phương và trực tiếp với Trump, không có thành phần thứ ba. Trump rút ra hoặc huỷ bỏ mọi loại hiệp định hình thành từ kết quả thương lượng đa phương, hiểu chúng như một thứ chia chác lợi ích, cắt xén mục tiêu để thủ lợi cá nhân. Không thể có gì tốt với một Hiệp định được ký bởi rất nhiều kẻ có lợi ích khác nhau, thậm chí đối nghịch và thù địch với nhau. Mỹ là người quyết định mọi chuyện, cần và chỉ cần thương lượng với Mỹ, theo điều kiện mà Mỹ có thể chấp nhận. Trump nói NATO bảo vệ châu Âu bằng tiền và sức mạnh Mỹ. Mỗi Quốc gia của liên minh tìm cách gia nhập NATO chỉ để có an ninh cho mình mà không phải chi phí. Mỹ không có lợi ích và Mỹ không bắt buộc phải gánh trách nhiệm cho họ. Mỹ sẽ rút ra hoặc NATO phải giải tán. Dưới áp lực này, NATO đã được cải tổ bằng sự đồng thuận chi tiêu 2% GDP mọi quốc gia thành viên. Trump đã làm cho NATO không những không chết mà với 2% ngân sách quốc gia của tất cả 28 quốc gia, chi phí quân sự của NATO sẽ vượt trên con số 75% ngân sách quân sự thế giới, gấp khoảng 3,5 lần ngân sách dành cho quân sự của Nga, hai lần TQ. Không có gì dập tắt tham vọng và ảo tưởng phiêu lưu của Nga và TQ hơn con số đó. Đó là nhân tố đảm bảo hoà bình thế giới. Trump tác động để Liên Hợp Quốc áp lệnh trừng phạt lên Bắc Hàn, dồn ép TQ và Nga vào thế bắt buộc cách ly Bắc Hàn và thực hành lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Trump đưa máy bay B52 tới, lắp dựng hệ thống THAAD tại Nam Hàn, thử bom mẹ xuyên phá bunker, điều đến cùng lúc cả hai tàu sân bay mang theo tên lửa hạt nhân, liên tục tập trận quy mô lớn, Trump cho tuyên bố huỷ diệt chế độ, xoá tên Bắc Hàn trên bản đồ thế giới trong vòng 15 phút... Bắc Hàn chỉ có một lựa chọn là thương lượng, nhưng chỉ cần thương lượng tay đôi với Mỹ. Thượng đỉnh Singapore đã hoá giải đe doạ hạt nhân của Bắc Hàn, ít nhất cũng đối với Mỹ. Hạt nhân của Bắc Hàn sẽ được triệt thoái đủ mức để đảm bảo an toàn cho Mỹ, nhưng không nhất thiết phải triệt thoái hoàn toàn. Đó là quá trình từng bước, vì nó đang còn cần để răn đe ai đó. Chiến thuật này đang lặp lại, dạo những khúc nhạc đầu tiên đối với Iran. Trump rút Mỹ ra khỏi hiệp đình hạt nhân Iran, quay lại cấm vận và trừng phạt. Trump chuyển Sứ quán Mỹ tới Jerusalem, công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Trump biết, kẻ thù không đội chung trời với Iran là Israel, chiến tranh với Iran nếu xảy ra, thì Mỹ đánh, nhưng bằng cánh tay không thể thiếu của Israel. Cuộc khẩu chiến thượng đỉnh Mỹ-Iran đang lặp lại. Nhưng ở đây, chắc chắn điều xảy ra sẽ không giống với Bắc Hàn. Nếu Trump giữ được thắt lưng Nga, thì chiến tranh Iran- Israel sẽ thật sự xảy ra, khởi đầu bằng một cuộc tấn công tiêu diệt các cơ sở hạt nhân Iran, và sẽ kết thúc chóng vánh. Trung tâm gây rối và khủng bố toàn cầu sẽ bị tiêu diệt. Chính sách chiến lược Mỹ công bố tháng 12/2017 xác định Trung Cộng là kẻ thù số một. Đương nhiên, những kẻ thù chiến lược khác, như Nga, như liên minh châu Âu sẽ tự động phải chuyển dịch thành bạn, thành đồng minh. Và Trump đã và đang làm như vậy, bất chấp những tiếng ồn ào nhặng xị của những kẻ "mắt bột mì" mà lúc nào, ở đâu cũng có mặt để quấy rối. Ông tuyên bố tăng thuế từ 34 tỷ lên 200 tỷ, rồi sẵn sàng lên 505 tỷ đôla, giá của toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Cộng. Soạn luật để rút toàn bộ các doanh nghiệp Mỹ rời bỏ TC. Trừng phạt tất cả những doanh nghiệp còn làm ăn mua bán với TC. Thông qua luật để ngăn chặn mọi nguy cơ ăn cắp, mua bán hoặc sao chép bản quyền công nghệ Mỹ. Tạo áp lực gây khủng hoảng thị trường vốn dẫn đến sụp đổ thị trường chứng khoán của TC. Hợp lực với liên minh châu Âu chỉnh sửa và cải cách Luật thương mại của WTO, nhằm tiến tới xét xử lại tư cách thành viên của TC, không thừa nhận nền kinh tế tư bản nhà nước của TC là kinh tế thị trường. Chấm dứt các giao dịch buôn bán thương mại với TC. Chấm dứt mọi nguồn vốn tới thị trường nội địa của TC. Nếu tất cả những biện pháp này có hiệu lực thì sự sụp đổ của nền kinh tế TC chỉ là vấn đề thời gian. Người TQ là loại người vốn thiếu can đảm nhưng lại quá thừa thực dụng, nên cuối cùng sẽ là sự đầu hàng. Ngay từ khi chưa nhậm chức Tổng thống, Trump đã nhiều lần khẳng định "Nga không phải là kẻ thù của Mỹ". Trước cuộc gặp Putin có vài ngày, Trump nhắc lại trước các đồng minh NATO rằng, "Tổng thống Putin không phải là kẻ thù". Sau khi gặp Putine ngày 16/07/2018, ông vẫn tiếp tục khẳng định: "ông ta không phải là kẻ thù của tôi, và một ngày tốt đẹp nào đó, ông ta có thể là bạn. Đó là một điều hạnh phúc." (He's not my enemy. And hopefully, someday, maybe he'll be a friend. It could happen."). Nếu sự thật là Trump không hề có kinh nghiệm chính trị, thì quả thực Trump có sự linh cảm thần diệu. Bản chất thuộc tính của văn hoá Nga khác hoàn toàn với văn hoá của người Tàu. Văn hoá đó có cùng nguồn gốc với nền văn minh châu Âu. Sự biến dạng của nó có tính lịch sử. Khi bụi của lịch sử tan đi, nó sẽ trở về nó. Giữa bão táp phản đối của gần như toàn bộ thế giới các chính trị gia cả Mỹ lẫn quốc tế, Trump không thay đổi cảm nhận của ông. Đó là sự kỳ diệu. Hai con người gần giống nhau về cá tính khác thường này sẽ có hai lần gặp nhau, một tại Washington, một tại Moscow. Họ sẽ cùng hướng tới một mục tiêu toàn cầu. Đó là bổn phận của họ, có một bổn phận như sứ mệnh của vũ trụ. Những loại luật lệ hình thành từ đạo đức truyền thống, hay mang tính tập quán sẽ trở thành vô nghĩa. Đó là điều mà Henry Kissinger mới nói ngày 26/07 vừa rồi, rằng: «Donald Trump là nhân vật lịch sử, xuất hiện để kết thúc những điều cũ kỹ và giả dối». B.Q.V. Tác giả gửi BVN | |
Ông Trương Minh Tuấn làm ‘thầy dùi’ cho Bộ Chính trị Posted: 31 Jul 2018 07:11 PM PDT Thảo Vy
Ông Trương Minh Tuấn sẽ làm gì khi ngồi vào ghế Phó ban chuyên trách Ban Tuyên giáo Trung ương? Chiều ngày 27-7-2018, tại Ban Tuyên giáo Trung ương diễn ra hội nghị triển khai quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ. Theo đó, ông Trương Minh Tuấn, nguyên bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông vừa bị Chủ tịch Nước ký quyết định đình chức, đã được Bộ Chính trị phân công làm Phó ban Chuyên trách Ban Tuyên giáo Trung ương. Chuyên nghề thầy dùi Dân gian gọi là 'thầy dùi' đối với người chuyên kiếm chuyện để xúi giục người này người khác gây xích mích, mâu thuẫn với nhau, để mình ở giữa kiếm lợi. 'Thầy dùi' hiểu theo nghĩa tốt đẹp hơn, đó có thể là người chuyên tham vấn, tư vấn cho đối tượng nào đó. Ở đây, theo quy định nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì ông Trương Minh Tuấn trên cương vị Phó ban chuyên trách (chưa rõ ông chuyên trách về vấn đề gì?), sẽ làm 'thầy dùi' cho ông Nguyễn Phú Trọng, tức người đứng đầu Bộ Chính trị. Ban Tuyên giáo Trung ương có các quyền lực được ghi tại Quyết định số 80-QĐ/TW của Bộ Chính trị, ban hành ngày 28-8-2007. Theo đó, "Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, về chủ trương, quan điểm và chính sách của Đảng trong lĩnh vực tuyên truyền, báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo và một số lĩnh vực xã hội; đồng thời là cơ quan chuyên môn - nghiệp vụ về các lĩnh vực công tác này của Đảng" (trích Điều 1). Đi vào cụ thể, một trong những nhiệm vụ được Bộ chính trị giao là "Nghiên cứu tình hình tư tưởng trong Đảng và trong xã hội, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, nội dung, giải pháp xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng" (trích Điều 2.1). Nôm na, Ban Tuyên giáo Trung ương là một thứ cảnh sát chìm chuyên xoi mói, giám sát về quyền tự do ngôn luận, quyền suy nghĩ của các đảng viên. Ông Trương Minh Tuấn liên quan đến vụ án Mobifone – AVG đã được khởi tố điều tra, nên theo đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bằng quyền lực Chủ tịch Nước, ông Trần Đại Quang đã ký quyết định tạm đình chỉ chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Xét về mặt Hiến pháp, ông Trương Minh Tuấn là một công dân... chưa có tội. Còn nếu căn cứ theo các quy định về tố tụng hình sự, thì ông Trương Minh Tuấn là đối tượng nằm trong diện nhận… "giấy triệu tập". Nay, ông Trương Minh Tuấn được 'cắt kiêm nhiệm', để ngồi hẳn vào ghế 'ông phó trùm' của cơ quan 'mật vụ tư tưởng', thì liệu các điều tra viên trong vụ án Mobifone – AVG có thể làm tốt phận sự của mình? Bởi khác hẳn nếu so ông Đinh La Thăng ngồi vào ghế Phó Ban Kinh tế Trung ương vốn chỉ là hữu danh vô thực. Liệu ông Trương Minh Tuấn có dùi vào tai ông Tổng Bí thư rằng ở đây AVG thuộc gia đình của Tập đoàn Vingroup, nếu tiếp tục 'khui sâu' vào đó sẽ gây ảnh hưởng đổ vỡ dây chuyền hàng loạt cổ phiếu trên sàn của Vingroup, bao gồm cả việc đe dọa phá sản dự án sản xuất xe hơi thương hiệu Việt đình đám… Báo chí sẽ bị 'bịt miệng' triệt để hơn? Ngay khi thông tin Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội nghị triển khai quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ, phân công ông Trương Minh Tuấn làm Phó ban chuyên trách Ban Tuyên giáo Trung ương, thì làng báo Sài Gòn tin rằng rồi đây báo chí sẽ tiếp tục đối mặt với đe dọa đình bản, thậm chí cả việc bị thu hồi giấy phép, đóng cửa luôn tờ báo như từng xảy ra với báo Sài Gòn Tiếp Thị. Cựu Tổng Biên tập báo Thanh Niên, ông Nguyễn Công Khế nói rằng bộ ba Đinh Thế Huynh, Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn chính là những người đã hạn chế quyền tự do báo chí ở Việt Nam thông qua cái gọi là bản đề án quy hoạch báo chí. "Đề án quy hoạch báo chí mới này đã cố tình gạt ra rìa rất nhiều tờ báo có đông bạn đọc, kể cả tờ Thanh Niên và Tuổi Trẻ, với lý do Trung ương Đoàn và TP Hồ Chí Minh cũng chỉ nên có một tờ báo mà thôi. Hiến pháp đâu có quy định Hội - Đoàn nào là được xếp vào loại quan trọng để được cấp giấy phép cho xuất bản báo?. Ông Nguyễn Công Khế (trái) trong một lần bắt tay Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (phải). Quy hoạch lần này không đánh trúng được vào chỗ làm thế nào để báo chí Nhà nước đóng một vai trò tích cực hơn trong việc đưa đến người đọc những tin tức nóng hơn, trung thực và kịp thời hơn, ít vùng cấm hơn để lấy lại niềm tin từ đông đảo người đọc. Trái lại, nó có vẻ như bị lạc vào chỗ không cần thiết phải làm là tìm cách hạn chế quyền ra báo đối với các tổ chức Hội - Đoàn được Nhà nước cho phép hoạt động". Ông Nguyễn Công Khế nhận xét. Xem ra tiếng là 'báo Nhà nước' mà còn bị bóp nghẹt như than thở của ông Nguyễn Công Khế, thì vài tháng tới đây, khi Luật An ninh mạng có hiệu lực, ắt hẳn quyền tự do ngôn luận sẽ chỉ còn là thứ tự do nói theo ý Đảng, trong khuôn phép định hướng của Tuyên giáo Trung ương, từ ông 'thầy dùi' Trương Minh Tuấn chẳng hạn (!?). T.V. VNTB gửi BVN | |
Bernd Lange gặp Tô Lâm để làm gì? Posted: 31 Jul 2018 07:08 PM PDT
Bernd Lange gặp Tô Lâm để làm gì? "Ngài Bernd Lange khẳng định, cá nhân mình và EU sẽ cố gắng thúc đẩy Hiệp định EVFTA sớm được thông qua, cũng như mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác với Bộ Công an trong thời gian tới..." – Bộ Công an Việt Nam đưa một bản tin 'lạ' ngay sau cuộc gặp của tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ này – với ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) thuộc Nghị viện châu Âu (EP) vào chiều 27/7/2018 tại Hà Nội. Bản tin 'lạ' Ủy ban Thương mại quốc tế – cơ quan chuyên trách về các vấn đề thương mại và đầu tư và đặt mối quan hệ chủ yếu với chính thể độc đảng ở Việt Nam qua kênh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) - có chức trách gì để phải 'tiếp tục tăng cường hợp tác với Bộ Công an'? Đây là lần đầu tiên diễn ra cuộc gặp Tô Lâm - Bernd Lange – một hiện tượng đáng chú ý. Vào tháng Chín năm 2017, Bernd Lange cũng đã đến Hà Nội về EVFTA, nhưng không có cuộc gặp nào với Tô Lâm. Chuyến đi này diễn ra một tháng rưỡi sau vụ Chính phủ Đức cáo buộc Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Berlin và khiến nổ ra cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức - Việt, biến thành một cơn địa chấn không chỉ trong nền chính trị Đức mà còn gây chấn động cả châu Âu. Còn đợt làm việc ở Hà Nội của Bernd Lange vào tháng Bảy năm 2018 lại diễn ra sau sự kiện Nguyễn Hải Long – một nghi can tham gia đường dây bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Đức – vào ngày 17/7/2018 bất ngờ chịu nhận tội đã tham gia vụ bắt cóc này, trở thành đề dẫn hùng hồn khiến cả châu Âu phải 'mở mắt' trước lời tuyên giáo 'Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước', để sẽ phải thiết lập một hàng rào an ninh nghiêm khắc hơn bao giờ hết trên Lục Địa Già không chỉ với việc nhập cảnh của giới an ninh mà cả với nhiều thành phần quan chức khác của chính thể độc đảng ở Việt Nam. Cuộc gặp Tô Lâm - Bernd Lange lại diễn ra sau một sự kiện thương mại được toàn giới chóp bu Việt Nam hoan hỉ xen hy vọng: vào cuối tháng Sáu năm 2018, EVFTA sau khi kết thúc giai đoạn đàm phán từ tháng Mười Hai năm 2015, đã kết thúc giai đoạn 1 về rà soát pháp lý, đồng thời thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (IPA). Dù vậy, hiệp định ngổn ngang này đã phải mất đến hai năm rưỡi mới kết thúc giai đoạn rà soát pháp lý, trong khi thông thường khoảng thời gian rà soát pháp lý đối với những hiệp định tương tự chỉ mất từ 6 tháng đến 1 năm. Theo quy định của EU, quá trình xem xét các hiệp định thương mại quốc tế như EVFTA sẽ trải qua 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, Ủy ban Thương mại quốc tế của chủ tịch Bernd Lange sẽ rà soát toàn diện hiệp định nhằm đảm bảo thông tin, tình trạng pháp lý đầy đủ. Giai đoạn 2, Ủy ban Thương mại quốc tế sẽ trình lên Nghị viện châu Âu để thông qua. Vậy Bernd Lange gặp Tô Lâm thực chất nhằm mục đích gì? Hãy nhìn lại quá khứ gần mối quan hệ EU - Việt Nam. Trọng trách của Bernd Lange Vào tháng 6/2016, Nghị viện châu Âu lần đầu tiên phải tung ra một nghị quyết mang số hiệu 2016/2755 (RSP) với thái độ và từ ngữ cứng rắn chưa từng có khi đề cập và lên án tình trạng đàn áp nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam. Ngay sau đó, chính quyền Việt Nam bắt đầu một chiến dịch đàn áp khốc liệt kéo dài 17 tháng liên tiếp đối với giới đấu tranh nhân quyền ở quốc gia 'lệ rơi hình chữ S. Từ nửa cuối năm 2016 đến nay, đã có một số nghị sĩ của EU đến Hà Nội làm việc về EVFTA và luôn kèm dẫn những điều kiện về nhân quyền – một trọng tâm của EVFTA. Nhưng chủ đề nhân quyền đã hoàn toàn không được Việt Nam quan tâm và phản hồi. Thậm chí ngược lại, nhà cầm quyền Việt Nam còn bắt giam đến gần ba chục người bất đồng chính kiến trong năm 2017 – một "thành tích" tương đương với thời kỳ "khủng bố trắng" từ năm 2008 đến năm 2012. Sau nhiều năm giữ ôn hòa với chính quyền Việt Nam và thậm chí còn bị cho là khá mềm yếu trước quá nhiều vi phạm nhân quyền, rốt cuộc từ giữa năm 2016 đến nay EU ngày càng quan tâm đặc biệt đến chủ đề nhân quyền cho Việt Nam và nói thẳng đây là một trong những điều kiện bắt buộc, để nếu Việt Nam không chịu cải thiện nhân quyền thì sẽ không có cơ hội nào có được EVFTA. Khi đến Hà Nội vào tháng 9/2017, ông Bernd Lange cũng đã nói thẳng "Nhân quyền là vấn đề trọng tâm trong đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Liên Minh Châu Âu- EU". Ông Bernd Lange cũng nói rằng nếu Việt Nam không giải quyết đầy đủ các quan ngại về nhân quyền thì e rằng chuyện thương thảo giữa đôi bên sẽ gặp rắc rối. Còn chuyến công du Hà Nội của ông Bernd Lange vào những ngày cuối tháng Bảy năm 2018 đã mang lại một tín hiệu mới lạc quan hơn: xác lập vị trí của những yêu sách về nhân quyền trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), từ chỗ khá yếu thế cách đây hai năm, đang trở nên tương đối mạnh mẽ vào thời gian này. Phát biểu tại hội thảo 'Kinh doanh và Quyền Con người trong Quan hệ Thương mại và Chuỗi Cung ứng Toàn cầu tại Việt Nam' vào sáng 25/7 tại Hà Nội, ông Bernd Lange cho biết 3 công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đang là mối quan tâm của các Nghị sỹ Châu Âu. Việc Việt Nam đưa ra những cam kết rõ ràng và mang tính ràng buộc sẽ góp phần thuyết phục các nghị sỹ sớm thông qua EVFTA. Trước đó vào tháng Hai năm 2018, trang Borderlex của châu Âu đã chính thức cho biết để thông qua EVFTA, "EU khăng khăng yêu cầu Việt Nam phê chuẩn ba hiệp ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về tự do lập hội, quyền tổ chức và thương lượng tập thể, và việc bãi bỏ lao động cưỡng bức dường như đã mang lại kết quả". Có thể cho rằng ý nghĩa lớn nhất của 3 công ước quốc tế mà chính thể độc đảng ở Việt Nam đã cố tình trì hoãn việc ký kết trong nhiều năm qua là định chế Công đoàn độc lập bảo vệ quyền lợi của người lao động, trong đó có quyền đình công. Lý do chính của việc trì hoãn này xuất phát từ não trạng của chế độ cộng sản: sau 'Bài học Công đoàn Đoàn Kết ' ở Ba Lan và thập kỷ 90 của thế kỷ XX, chính thể Việt Nam đã luôn xem Công đoàn độc lập là một 'thủ đoạn của chiến lược diễn biến hòa bình' và tìm mọi cách cấm cản, phá bĩnh. Trong khi đó, khối công đoàn quốc doanh đã không những chưa bao giờ tổ chức cho công nhân đình công để đòi quyền an sinh xã hội trước giới chủ, mà còn toa rập với chính quyền và công an để săn bắt những người cầm đầu đình công trong giới công nhân. Liên đoàn Lao động Việt Nam - một hội đoàn bị xem là 'cánh tay nối dài của đảng', trong nhiều năm qua đã nghiễm nhiên 'ăn trắng mặc trơn', hưởng ít nhất 2% trong tổng quỹ lương của các doanh nghiệp nhưng lại không giúp gì cho những quyền biểu tình được hiến định của người lao động. Với thông điệp về 3 công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đây là lần thứ hai trong vòng 10 tháng qua ông Bernd Lange đã 'đòi nợ' chính thể Việt Nam về nhân quyền. Còn Tô Lâm? Không thể khác hơn, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế Bernd Lange đang mang trên mình một nhiệm vụ phức tạp và đầy ý nghĩa khi làm việc với Tô Lâm: vừa thuyết phục vừa sòng phẳng với 'Bộ đàn áp nhân quyền' phải thả lỏng cơ chế siết bức dân chủ và dần cải thiện tình trạng đàn áp nhân quyền vốn đang xảy ra quá trầm trọng. Hiện thời, cửa thoát kinh tế đặt ra đối với chính thể Việt Nam thật 'minh bạch': chỉ có ký kết 3 công ước quốc tế về quyền của người lao động cùng một lộ trình chi tiết cam kết sẽ thực hiện 3 công ước quốc tế này, Việt Nam mới nhận được sự ủng hộ của Ủy ban Thương mại châu Âu và sau đó có thể là của Nghị viện châu Âu để thông qua EVFTA. Vào quý 2 năm 2018, mật độ và cường độ làm việc về cải thiện nhân quyền của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và giới nghị sĩ một số nước trong khối EU như Đức, Thụy Điển và cả Ý, Tây Ban Nha… với chính thể Việt Nam đã gia tăng hẳn, trước mắt yêu cầu Bộ Công an trả lại hội chiếu và quyền tự do xuất cảnh cho một số người hoạt động nhân quyền mà đã bị công an thu giữ bất hợp pháp, giới chức ngoại giao quốc tế được thăm hỏi một số tù nhân chính trị trong trại giam và tự do tiếp xúc với giới xã hội dân sự… Còn Tô Lâm thì sao? Sẽ khăng khăng cương bướng 'không thả tù chính trị' rập theo não trạng độc trị của chế độ một đảng? Hay sẽ he hé mắt sang châu Âu sau vụ Nguyễn Hải Long 'khai sạch' tại Tòa Thượng thẩm Berlin, cũng là cái bối cảnh chính thể Việt Nam chưa bao giờ cô độc như thế này trên thế giới? Hoặc dù muốn hay không, cũng phải tuân theo 'chính sách Nguyễn Phú Trọng' về 'EVFTA là ưu tiên số một', để sau đó vẫn còn cơ hội 'đạt hiệp định trước, bắt nhân quyền sau' như thời hậu WTO giai đoạn 2008 - 2012? P.C.D. Tác giả gửi BVN | |
Sự im lặng về một vụ thảm sát trên Biển Đông Posted: 31 Jul 2018 07:05 PM PDT (Sự kiện Trung Quốc chiếm đảo Gạc Ma của VN trên tờ Breitbart - Mỹ). https://www.youtube.com/watch?v=Uy2ZrFphSmcJames G. Zumwalt (Con trai Đô đốc Hải quân Mỹ Jr. Elmo Zumwalt) Nguyễn Luận dịch
"Đúng ba thập kỷ trước, một trong những tội ác tàn bạo nhất của thế kỉ XX đã xảy ra. Kỳ lạ thay - cả hung thủ và nạn nhân đều im lặng. Hai mươi bốn năm sau đó, khi những kẻ chủ mưu giết người lên giọng công khai sự việc đó bằng lời lẽ cao ngạo, thì các nạn nhân lại một lần nữa im lặng. Tuy vậy, vào tháng 7/2018, những người bị hại – Việt Nam – cuối cùng cũng chọn cách chính thức nói ra sự thật bằng việc cấp phép xuất bản một cuốn sách (Gạc Ma - Vòng Tròn Bất Tử, First News Trí Việt - ND) kể lại rất chi tiết vụ thảm sát. Điều thú vị là lần này, hung thủ - Trung Quốc, lại chọn cách giữ im lặng. Bất kể lý do Việt Nam giữ im lặng suốt 30 năm qua là gì, nó cũng không đáng lo ngại bằng việc ngày nay Trung Quốc đang dần trở thành một mối đe dọa trực tiếp nghiêm trọng. Chính vì thế, vào ngày 10 tháng 7 vừa qua, một đơn vị xuất bản ở Việt Nam đã tổ chức một cuộc họp báo ra mắt cuốn sách được chính phủ cấp phép này. Có mặt ở đó là những người sống sót, vốn rất ít, cùng gia đình của những chiến sĩ quả cảm đã mãi mãi không bao giờ trở về. Cuộc thảm sát tàn bạo ấy diễn ra ở bãi đá Gạc Ma, được biết đến trên các bản đồ của phương Tây với tên gọi Johnson South Reef, thuộc quần đảo Trường Sa - gồm 750 đảo, rạn đá, đảo san hô và những vĩ đá ngầm. Trong lúc nhiều quốc gia cùng đòi chủ quyền với Trường Sa, thì vào tháng 3 năm 1988, mọi tranh chấp đều đổ dồn về cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Việt Nam tại ba rạn san hô kề sát nhau trên quần đảo này. Lường trước khả năng Trung Quốc sẽ cho quân chiếm đóng các bãi đá này, hai tàu vận tải Việt Nam là HQ-604 và HQ-605, đã đưa 73 binh sĩ đến Gạc Ma (và các đảo Colin, Len Đao - ND) để thực thi chủ quyền quốc gia (Con số này thực tế trên 100 chiến sĩ - ND). Hai chiếc tàu này chỉ được trang bị vũ khí hạng nhẹ, như những phương tiện vận tải, không thể trở thành mối đe dọa quân sự nghiêm trọng (súng trên tàu chỉ có hỏa lực giới hạn trong phạm vi 500m). Sau khi đưa được 73 binh sĩ lên đảo vào cuối ngày 13 tháng Ba, hai chiếc tàu này di chuyển đến 2 đảo san hô lân cận khác. Rạng sáng hôm sau, những người lính Việt Nam trên đảo Gạc Ma phát hiện được một lực lượng hải quân Trung Quốc gồm nhiều tàu vận tải, quân đổ bộ và các tàu khu trục, hộ vệ tên lửa trang bị hoả lực mạnh đang tiến đến gần. Bên phía Trung Quốc có thể nhìn thấy quốc kỳ Việt Nam đang tung bay trên Gạc Ma và một đảo san hô khác là Cô Lin. Những người lính Việt Nam quan sát được một số tàu chiến nhỏ, chở đầy thủy quân lục chiến Trung Quốc được vũ trang đầy đủ, lao ra khỏi tàu của họ và hướng đến Gạc Ma. Không có chỗ che chắn hoặc nơi ẩn nấp, các chiến sĩ Việt Nam lập tức tạo thành một vành đai phòng thủ 360 độ - với lá cờ của họ tự hào tung bay ở trung tâm — một thế trận về sau được gọi là "Vòng tròn bất tử". Người Trung Quốc hiểu rằng hành động ấy là tuyên bố cho quyết tâm bảo vệ Gạc Ma bằng mọi giá của những người lính tay không Việt Nam. Họ bắt đầu cho quân đổ bộ để đánh chiếm đảo. Trong trận chiến ác liệt diễn ra sau đó, một thiếu úy người Việt đã ôm chặt lá cờ để ngăn kẻ thù đoạt lấy. Anh bị bắn vào đầu vì hành động này. Lá cờ ngay lập tức được nhặt lên bởi Nguyễn Văn Lanh, người đã giữ nó cho đến cả khi bị thương. Trận chiến kết thúc và những người lính Việt Nam vẫn giữ được trận địa, họ vui mừng khi nhìn thấy lính Trung Quốc rút lui và quay về tàu của mình. Tuy nhiên, đó chỉ là những niềm vui rất ngắn ngủi. Lanh, người sống sót một cách thần kỳ sau những vết thương nghiêm trọng, cùng với các đồng đội đã phải hứng chịu một cuộc oanh tạc dữ dội bằng pháo và súng máy từ các tàu chiến Trung Quốc. Mặc dù hai tàu vận tải của Việt Nam không cho thấy bất kỳ mối đe dọa nào bởi người Trung Quốc đã nằm ngoài tầm bắn của họ, chúng cũng bị bắn chìm. Đã có một video ghi lại toàn bộ diễn biến trận giao tranh ấy. Thật ghê rợn khi thấy những họng súng của hải quân Trung Quốc hạ nòng bắn thẳng xé nát Gạc Ma trong khi những người lính Việt Nam hoàn toàn không có khả năng tự vệ. Co cụm giữa trận địa của vòng tròn bất tử, họ chỉ đơn giản chờ đợi một cái kết không thể tránh khỏi. Video ấy khiến người xem không thể tin vào mắt mình bởi những người lính Việt Nam đã bị tàn sát như thể họ chỉ là những con vật. Người ta chỉ có thể tưởng tượng sự bất lực mà họ cảm thấy khi người Trung Quốc tàn nhẫn xuống tay. Sáu mươi tư chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh ngày hôm đó. Chín người sống sót, tính cả Lanh, bị người Trung Quốc giam cầm 3 năm trước khi được thả. Ngày nay, Trung Quốc đã chiếm đóng Gạc Ma, biến nó thành một hòn đảo nhân tạo có căn cứ quân sự cùng một sân bay. Ngoài ra, trên đảo còn được trang bị tên lửa đất đối đất và đất đối không. Điều thú vị là đoạn video về vụ thảm sát Gạc Ma đã được bưng bít cho đến tận thời điểm được lan truyền rộng rãi vào năm 2014, bởi không ai khác ngoài chính người Trung Quốc. Tại sao Trung Quốc làm điều đó sau 26 năm im lặng? Câu trả lời nằm ở những sự kiện diễn ra vào tháng 5 năm 2014. Trung Quốc đã cho neo một giàn khoan bán chìm, giàn Haiyang Shiyou 981, gần quần đảo Hoàng Sa. Đây là một quần đảo khác trên Biển Đông đang có sự tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Việt Nam. Kết quả là, đã xảy ra một số cuộc đối đầu giữa các quốc gia trên biển, sau khi đoạn video được công bố. Trung Quốc công bố video này như một lời đe dọa ngầm đến Việt Nam, cảnh báo rằng những gì xảy ra năm 1988 có thể lặp lại lần nữa. Kể từ vụ thảm sát Gạc Ma, Trung Quốc ngày càng tăng cường sự bành trường ở Biển Đông. Chiến lược của của họ là sử dụng sự đe dọa đến từ sức mạnh quân sự, vốn không bị thách thức bởi bất kỳ nước láng giềng khu vực nào, làm nền tảng cho việc tuyên bố chủ quyền - những tuyên bố trái với luật pháp quốc tế. Trung Quốc tiếp tục ngang nhiên tuyên bố chủ quyền các khu vực khác nhau trên Biển Đông một cách bất hợp pháp để xây dựng các đảo nhân tạo, không hề bị phản đối mạnh mẽ bởi những tuyên bố chủ quyền đến từ những quốc gia khác. Điều này khiến Hoa Kỳ buộc phải tiến hành các hoạt động "Tự do Hàng hải" (Freedom of Navigation – FON). Các hoạt động này liên quan đến việc điều hướng trong giới hạn lãnh hãi 12 hải lý được quốc tế công nhận. Việc tất cả các quốc gia đều tuyên bố chủ quyền ngoài khơi bờ biển của họ như là một minh chứng cho thấy tuyên bố của Trung Quốc là bất hợp pháp. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc liên tục phản đối các hoạt động FON là bất hợp pháp. Một hằng số tồn tại nghìn năm trong nền độc lập của Việt Nam là những cuộc đối đầu lịch sử với Trung Quốc. Chiến tranh thường xuyên xảy ra giữa hai bên - gần đây nhất là cuộc chiến dài ba mươi ngày vào 17/2 năm 1979. Việt Nam lại một lần nữa đánh bại Trung Quốc trong cuộc xung đột đó – điều mà Trung Quốc không bao giờ quên. Theo một cách nào đó, người Trung Quốc có thể đã xem những chính sách hung hăng của họ đối với Việt Nam trên Biển Đông như một cách để cứu vãn danh dự. Hiển nhiên, chính sách ngang ngược tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc trong khu vực là một cái tát vào luật pháp quốc tế và cộng đồng các quốc gia. Trớ trêu là, nó có thể mang lại hai kẻ thù cũ - Mỹ và Việt Nam - cùng hợp thành một mặt trận thống nhất đối kháng lại nó. Địa lý chính trị đôi khi tạo nên những đồng minh kỳ lạ!" N.L. Nguồn : https://www.facebook.com/nguyenvanphuocfirstnews/posts/1794264740686969 . | |
Trung Quốc lần đầu tiên cho tàu cứu hộ đồn trú ở Trường Sa Posted: 31 Jul 2018 07:01 PM PDT Trọng Nghĩa Bắc Kinh vừa quyết định phái một chiếc tàu cứu hộ xuống neo đậu lâu dài tại Đá Xu Bi, một trong 7 tiền đồn mà Trung Quốc bồi đắp tại vùng quần đảo Trường Sa (Biển Đông). Báo mạng Nhật Bản The Japan Times ngày 29/07/2018 trích dẫn truyền thông Trung Quốc cho biết như trên, đồng thời cho rằng hành động chưa từng thấy đó nhằm củng cố quyền kiểm soát thực tế của Bắc Kinh trên Biển Đông. Theo Tân Hoa Xã Trung Quốc, được Japan Times trích dẫn, thì chiếc tàu Nam Hải Cứu 115 (Nan Hai Jiu) của Trung Quốc, thuộc loại tàu có bãi đáp để triển khai trực thăng cứu hộ cỡ trung, sẽ bắt đầu hoạt động ngay khi đến Đá Xu Bi vào hôm nay, 30/07. Tân Hoa Xã xác định đây là lần đầu tiên Bắc Kinh đưa tàu cứu hộ tới neo đậu lâu dài tại Trường Sa kể từ khi bắt đầu các hoạt động nạo vét bồi đắp đảo nhân tạo trong khu vực kể từ năm 2013. Hãng tin chính thức của Trung Quốc dẫn lời một quan chức tại Bắc Kinh nhấn mạnh đến nhiệm vụ của chiếc tàu cứu hộ này là « nâng cao các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ tại quần đảo Trường Sa cũng như các khu vực lân cận để thực hiện nghĩa vụ và bổn phận cứu trợ hàng hải theo thông lệ quốc tế ». Một quan chức khác cũng khẳng định là Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng các tàu cứu hộ lớn hơn và tối tân hơn, có tầm hoạt động xa hơn. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng sẽ triển khai trực thăng để tìm kiếm cứu hộ tốt và nhanh hơn. Tuy nhiên, theo báo Japan Times, quyết định của Trung Quốc cho tàu cứu hộ đồn trú tại Trường Sa nằm trong những động thái được nhiều chuyên gia cho là tính toán có phối hợp nhằm áp đặt quyền kiểm soát thực tế trên Biển Đông, nơi mà các láng giềng Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền. Để khống chế Trường Sa, Bắc Kinh dựa trên tam giác gồm ba hòn đảo nhân tạo Xu Bi, Chữ Thập và Vành Khăn – đều có sân bay quân sự. Các thông tin tình báo được tiết lộ gần đây còn cho biết khả năng Trung Quốc bố trí trên các đảo nhân tạo trong tay họ ở Trường Sa các loại tên lửa, nhà chứa máy bay, vũ khí to lớn, và một loạt các thiết bị có thể theo dõi vệ tinh, hoạt động quân sự và thông tin liên lạc của quân đội nước ngoài. Theo Trung Quốc, các cơ sở họ đặt trên các đảo chỉ nhằm mục đích phòng thủ, còn bản thân các đảo được bồi đắp để phục vụ mục tiêu dân sự, và sẽ cung cấp các dịch vụ điều hướng cho tàu bè trong khu vực. Theo Japan Times, một số nhà quan sát đã bày tỏ thái độ quan ngại là các hành động của Bắc Kinh tại Trường Sa sẽ giúp Trung Quốc áp đặt yêu sách chủ quyền của họ trên quần đảo Trường Sa cũng như toàn bộ Biển Đông. T.N. Nguồn : http://vi.rfi.fr/chau-a/20180730-bien-dong-trung-quoc-tau-cuu-ho-truong-sa |
You are subscribed to email updates from Bauxite Việt Nam. To stop receiving these emails, you may unsubscribe now. | Email delivery powered by Google |
Google, 1600 Amphitheatre Parkway, Mountain View, CA 94043, United States |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét