Hai diễn biến quan trọng liên quan đến Biển Đông đã diễn ra cách nhau vài ngày trong tuần qua.
Dự luật chống Trung Quốc của Mỹ
Hôm thứ Tư (1/8), Thượng viện Mỹ đã biểu quyết thông qua dự luật chính sách quốc phòng được cho là cứng rắn nhất trong lịch sử, nhắm tới một loạt chính sách của chính phủ Trung Quốc, từ các động thái quân sự hóa Biển Đông đến nỗ lực gia tăng ảnh hưởng trong cộng đồng Mỹ, theo Nhật báo Phố Wall (WSJ).

Hiện đang chờ Tổng thống Trump ký quyết định ban hành, Đạo luật ủy quyền quốc phòng 2019 (NDAA) cấm Trung Quốc tham dự các cuộc tập trận hải quân quốc tế Rim of the Pacific cho đến khi Bắc Kinh ngừng quân sự hóa các đảo trên Biển Đông.
Theo ông Rachael Burton, Phó Giám đốc Viện Dự án 2049: "Đây là tín hiệu cho các đồng minh và đối tác trong khu vực – đặc biệt là Úc, Nhật Bản và Đài Loan – rằng các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông không được chấp nhận".
Hôm thứ Năm, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Mỹ không ban hành dự luật trên. Theo Business Insider, người phát ngôn Cảnh Sảng nói Mỹ "không được để cho dự luật có chứa nội dung tiêu cực về Trung Quốc trở thành luật", đồng thời nhấn mạnh Mỹ đang có nguy cơ "phá hoại mối quan hệ và hợp tác giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ".
Hải quân Hoa Kỳ và các tàu ngầm tham gia cuộc tập trận Rim of the Pacific (RIMPAC) 2012 được tổ chức ở vùng biển xung quanh quần đảo Hawaii. (Ảnh: MCC Keith DeVinney)
"Lệnh cấm vĩnh viễn"
Dự luật quốc phòng 2019 của Mỹ đã khiến Trung Quốc phải lo lắng vì nó "chiếu sáng" rất nhiều hoạt động mà Trung Quốc muốn giữ trong bóng tối, theo ông Greg Poling, một chuyên gia Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói với Business Insider.
"NDAA tập trung vào một trận đấu mới về chính sách đối ngoại của chúng ta – sự cạnh tranh của chúng ta với Trung Quốc", ông Poling giải thích, và nói thêm rằng có một số phần trong dự luật đã "chỉ tên và bêu xấu" Bắc Kinh.
Đạo luật NDAA yêu cầu Bộ Quốc phòng báo cáo về tình hình triển khai và lắp đặt vũ khí mới của Trung Quốc ở Biển Đông. NDAA cũng củng cố quyết định của Lầu Năm Góc khi cấm Trung Quốc tham gia vào các hoạt động hàng hải đa phương Vành đai Thái Bình Dương (Rim of the Pacific) được tổ chức hàng năm. Để lệnh cấm được dỡ bỏ, Trung Quốc phải dừng lại tất cả các hoạt động cải tạo đảo và gỡ bỏ các hệ thống vũ khí ra khỏi các tiền đồn mà họ xây dựng ở Biển Đông.
Quy định này về cơ bản "tương đương lệnh cấm vĩnh viễn" đối với Trung Quốc, theo Business Insider.
Viện Khổng Tử
NDAA cũng bao gồm những ngôn từ mạnh mẽ lên án Trung Quốc tìm cách gây ảnh hưởng đến các diễn ngôn công khai, đặc biệt là nỗ lực của Bắc Kinh trong việc tác động "các phương tiện truyền thông, các tổ chức văn hóa, kinh doanh và cộng đồng học thuật và chính sách". Ví dụ, NDAA giới hạn tài trợ của Bộ Quốc phòng cho các chương trình ngôn ngữ tiếng Hoa tại các trường đại học Mỹ có chứa các Viện Khổng Tử, một tổ chức bị nghi ngờ là công cụ tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng lớn hơn ở nước ngoài.
Viện Khổng Tử
Sau những năm đàn áp Đạo giáo và bôi nhọ Khổng Tử trong thời Cách mạng Văn hóa, giờ đây Đảng Cộng sản Trung Quốc mượn danh triết gia lỗi lạc này để thành lập cái gọi là "Viện Khổng Tử" trên khắp thế giới. Ảnh giới thiệu bộ phim về sự thật phía sau những tổ chức như vậy, mang tên "In the name of Confucius" (tạm dịch: Dưới danh nghĩa Khổng Tử)
Trong khi Hoa Kỳ cho thấy những động thái mạnh mẽ chống lại tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, vài ngày sau Bắc Kinh đã đạt được một thỏa thuận mới với các quốc gia Đông Nam Á, tạo điều kiện cho Bắc Kinh lấy lý do ngăn trở Mỹ kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông.
Dự thảo đàm phán COC
Hôm thứ Sáu (3/8), các bộ trưởng ngoại giao của 10 nước ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí dự thảo đàm phán bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan mô tả thỏa thuận mới này là "một cột mốc quan trọng khác". Trong khi đó, người đồng cấp Vương Nghị của Trung Quốc gọi đây là "tin tốt lành" và là một "bước tiến lớn".
Việc Trung Quốc đề cao văn bản này dường như muốn nhấn mạnh những tiến bộ đã đạt được và đưa ra cảnh báo đối với sự can thiệp của Hoa Kỳ, theo Nikkei. Tờ báo Nhật Bản này cho rằng thông qua đó Bắc Kinh mong muốn nâng cao vai trò của mình và làm giảm ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trong bản thỏa thuận mới, Trung Quốc kêu gọi tổ chức tập trận chung với các quốc gia ASEAN ở Biển Đông. Bắc Kinh ra điều kiện rằng bất kỳ quốc gia bên ngoài nào có nhu cầu tham gia vào cuộc tập trận sẽ phải có sự đồng ý của tất cả các nước thành viên, điều này cho phép Trung Quốc có thể dùng quyền phủ quyết để loại bỏ Hoa Kỳ khỏi cuộc tập trận, theo Nikkei. Tờ báo cho biết Trung Quốc có thể sẽ đưa ra các đề xuất hỗ trợ kinh tế nhằm đảm bảo các nước trong khu vực ủng hộ đề xuất này.
Tàu sân bay
Tàu sân bay Liêu Ninh (bên phải) của Trung Quốc tại vùng biển quanh Hồng Kông ngày 7/7/2017 (Ảnh: ANTHONY WALLACE/AFP/Getty Images)
Dự thảo đàm phán COC là gì?
Với tên gọi tiếng Anh là SDNT (Single Draft South China Sea Code of Conduct Negotiating Text), bản dự thảo dài 19 trang A4, được cấu trúc theo Hiệp định khung đã được thông qua trước đây, với ba phần chính – các điều khoản quy định trước, các điều khoản chung và các điều khoản cuối cùng, theo Diplomat. 
SDNT nhắc lại điều ghi trong Hiệp định khung rằng COC "không phải là công cụ để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ hay các vấn đề phân định hàng hải". Theo Phần 2 về Nguyên tắc chung, Malaysia đưa ra tiêu chuẩn pháp lý rằng:
"Các Bên tiếp tục thừa nhận rằng COC không giải quyết hoặc không gây ảnh hưởng đến lập trường của các Bên về các vấn đề pháp lý liên quan đến việc giải quyết tranh chấp, ranh giới hàng hải, hoặc các quyền lợi hàng hải được phép của các Bên theo Luật Biển quốc tế và được ghi nhận/phản ánh trong Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Singapore
Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN và Trung Quốc chụp ảnh tại Singapore ngày 2/8/2018 (Ảnh: AP)
Thái độ khác nhau
Không có gì ngạc nhiên khi các nước ASEAN có lập trường khác nhau trong khi họ xây dựng dự thảo, theo Channel News Asia (CNA). Tờ báo này nhận định Việt Nam thể hiện sự phản đối mạnh nhất đối với các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông, trong khi có rất ít dấu hiệu kháng cự cứng rắn nào từ các quốc gia khác trong ASEAN.
Philippines, quốc gia từng phản đối mạnh mẽ Trung Quốc về Biển Đông, đã thay đổi lập trường kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên nắm quyền vào năm 2016.
Ông Duterte quyết định chuyển hướng hợp tác từ đồng minh Hoa Kỳ sang Trung Quốc, sau khi bị phương Tây lên án về vấn đề nhân quyền xoay quanh các vụ giết người ngoài vòng pháp luật trong cuộc chiến chống ma túy. Cùng với quá trình "làm thân" với Bắc Kinh, ông Duterte đã phớt lờ phán quyết Biển Đông năm 2016, một chiến thắng của Manila trong đó tòa án quốc tế bác bỏ cơ sở pháp lý cho tuyên bố chủ quyền đường 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông.
Khi các nước ASEAN nhóm họp ở Philippines hồi tháng 4 năm ngoái, ông Duterte đã loại bỏ một nội dung về Biển Đông trong bản tuyên bố chung sau hội nghị, cũng không đề cập đến mối quan ngại của khu vực về hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (Ảnh: Philstar)
Ông Duterte hiện đối mặt với sự bất bình của công chúng khi nhượng bộ Trung Quốc về Biển Đông. Theo CNA, một cuộc khảo sát của Trạm Thời tiết Xã hội vào tháng trước cho thấy cứ 5 người thì có 4 người Philippines phản đối việc chính quyền Duterte lặng thinh về Biển Đông.
Trước những nghi ngờ của công chúng về sự thiếu minh bạch trong mối quan hệ của chính phủ Philippines với Trung Quốc, Manila đã phải cam đoan rằng không có "thỏa thuận bí mật" nào với Bắc Kinh về tranh chấp Biển Đông, theo CNA.
Mối quan ngại vẫn còn đó
Các cuộc đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh tiếp tục tăng cường các hoạt động quân sự trên Biển Đông. Trung Quốc đã tạo ra 13 km vuông đất thông qua việc cải tạo các rặng san hô ở quần đảo Trường Sa, theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington.
Những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc tự ý xây dựng có thiết bị ra-đa, đường băng và các khí tài quân sự khác. Tờ CNBC của Mỹ cho biết Bắc Kinh đang thử nghiệm các loại thiết bị chiến tranh điện tử trong đó có các radar gây nhiễu trên những hòn đảo này.
Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã triển khai công nghệ gây nhiễu sóng, tên lửa đối không, tên lửa đạn đạo chống tàu, và thậm chí cả các máy bay ném bom hạng nặng tới các tiền đồn trong khu vực. Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cáo buộc Trung Quốc "đe dọa và ép buộc" ở Biển Đông.
Trump
Tổng thống Donald Trump phát biểu tại một buổi mít tinh với chủ đề Make America Great Again tại Tampa, Florida, vào ngày 31 tháng 7 năm 2018. (Charlotte Cuthbertson / Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh)
Chính quyền của Tổng thống Trump thể hiện lập trường cứng rắn Trung Quốc về Biển Đông, điều mà người tiền nhiệm Obama đã không thực hiện trong suốt 8 năm. Tháng 7/2017, ông Trump phê duyệt kế hoạch một năm cho phép Hải quân Mỹ tiến hành các hoạt động tự do hàng hải thường xuyên ở Biển Đông nhằm thách thức sự bành trướng của Trung Quốc. Trong khi dưới thời Obama, mỗi hoạt động như vậy phải xin phép từng lượt.
Nhiều lãnh đạo Hải quân Mỹ phê phán ông Obama đã không cho phép các cuộc tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông từ năm 2012 đến năm 2015, theo tạp chí Hải quân (Navy Times) của Mỹ. Trong thời gian đó, Trung Quốc ra sức xây dựng các đảo nhân tạo và lắp đặt các thiết bị quân sự, tạp chí này cho biết.
Với những diễn biến trong vài tháng qua, như việc thẳng thừng loại bỏ Trung Quốc ra khỏi cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương, và gần đây là dự luật mạnh mẽ chưa từng có nhắm vào tham vọng Biển Đông của Trung Quốc, Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Trump đang thắp lên hy vọng cho những người dân tại các nước "thấp cổ bé họng", đang bị Trung Quốc chèn ép ở Biển Đông. 
Thanh Hà
Video: Thành tựu của Tổng thống Trump, từ luật thuế đến Biển Đông
Có thể bạn quan tâm: