“Tuyên bố về các dự án BOT giao thông” plus 4 more |
- Tuyên bố về các dự án BOT giao thông
- Lại suy tư về bài viết "Chuyện bây giờ mới kể về bác Trương Đình Tuyển"
- Vì sao tâm lý chống Trung Quốc rất mạnh nơi người Việt Nam?
- Báo chí ‘câm miệng’, vụ Thủ Thiêm sẽ lại bị nhấn chìm xuồng
- Việt Nam đang có xu hướng rời Trung?
Tuyên bố về các dự án BOT giao thông Posted: 31 Jul 2018 01:08 PM PDT TUYÊN BỐ VỀ CÁC DỰ ÁN BOT GIAO THÔNG Các dự án đầu tư BOT (Build-Operate-Transfer) là dự án cơ sở hạ tầng do chính quyền kêu gọi công ty tư nhân bỏ vốn ra xây dựng qua đấu thầu, rồi vận hành thu phí để thu hồi vốn và lãi, và cuối cùng chuyển giao lại cho nhà nước. Nếu làm đúng vậy, thì các dự án BOT là rất tốt: nhà nước không phải bỏ vốn ra xây dựng; người sử dụng có hạ tầng để dùng với phí hợp lý; sau khi chuyển giao nhà nước có được cơ sở hạ tầng (dù đã có thể đã xuống cấp). Dưới đây chỉ bàn đến các dự án BOT giao thông. Rất đáng tiếc ở Việt Nam, BOT không phải đúng nghĩa BOT như nêu trên. Tất cả các dự án BOT giao thông đã không được đấu thầu (mà được chỉ định thầu) cho nên khả năng đội vốn lên 2-3 lần là rất cao (khiến cho thời gian vận hành và thu phí kéo dài và thực chất là ăn cắp của người sử dụng); phần lớn các dự án BOT là cải tạo, nâng cấp các đoạn đường cũ (chứ không phải là xây mới); việc đặt các trạm thu phí BOT nhiều nơi không hợp lý (BOT Cai Lậy [Tiền Giang], Mỹ Lộc [Nam Định], Tân Đệ [Thái Bình],… và nhiều trạm BOT khác). Có nhiều dấu hiệu về sự câu kết của các cơ quan nhà nước với các chủ đầu tư trong việc chạy dự án BOT, xây dựng cũng như vận hành gây thiệt hại cho người tiêu dùng và nhà nước. Chúng tôi ủng hộ phản ứng của dân chúng, các chủ phương tiện xe cộ và các thành viên của nhóm "Bạn hữu đường xa" để phản đối những bất hợp lý của những BOT giao thông, gây sức ép với Bộ Giao thông Vận tải và chủ đầu tư để dự án được minh bạch hơn. Chúng tôi yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền rà soát lại tất cả bất hợp lý của các dự án BOT (từ vốn đầu tư, thời gian thu thí, mức phí đến vị trí của các trạm thu phí, cũng như điều tra các dấu hiệu câu kết, tham nhũng liên quan đến các dự án BOT) và chấn chỉnh để các dự án BOT thực sự là BOT chứ không phải là BOT trá hình. [Xin vào đây để ký tên ủng hộ Tuyên bố này: https://www.change.org/p/b%E1%BB%99-tuy%C3%AAn-b%E1%BB%91-v%E1%BB%81-c%C3%A1c-d%E1%BB%B1-%C3%A1n-bot-giao-th%C3%B4ng] | |
Lại suy tư về bài viết "Chuyện bây giờ mới kể về bác Trương Đình Tuyển" Posted: 31 Jul 2018 01:01 PM PDT Vũ Mạnh Hùng
Tôi định dừng không bàn về chuyện "tấm gương" của "bác" Trương Đình Tuyển nữa, nhưng bài viết của tác giả Ngô Minh, đăng trên báo An ninh thế giới ngày 14/7/2018, cứ ám ảnh tôi về hình ảnh "tấm gương" của ông Trương Đình Tuyển nguyên Bộ trưởng BTM. Bởi hình ảnh đó nó nhang nhác như hình ảnh tạo dựng ông Hồ Chí Minh, khiến tôi không thể không viết tiếp về những suy tư của mình. Sự ám ảnh khiến tôi đặt ra câu hỏi, tại sao vào thời điểm đa số người dân mất hết niềm tin vào chế độ, không còn chút tin tưởng và kính trọng nào dối với những vị lãnh đạo CS hiện nay, Đặc biệt là ở thời điểm người dân khắp các tỉnh thành cho đến mọi miền đất nước liên tục bày tỏ chính kiến, biểu tình phản đối đến mức chưa bao giờ có trong lịch sử cai trị đất nước của chế độ về dự luật Đặc khu và An ninh mạng, thì tác giả Ngô Minh lại viết về 'tấm gương sáng ngời' của một lãnh đạo CS?! Thời gian mà cuộc vận động "học tập và làm theo tấm gương bác Hồ…" kéo dài hàng chục năm xem ra không còn tác dụng trước sự thức tỉnh ngày càng đông của người dân về hiện tình đất nước. Không hiểu bài viết của tác giả Ngô Minh có nằm ngoài mục đích khởi động cho một cuộc vận động sắp tới của Đảng về học tập và làm theo 'tấm gương' của "bác" Tuyển không?! Phải nói vai diễn của "bác" Tuyển trong thời gian nhậm chức Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An khá thành công. Phong cách lãnh đạo của "bác" Tuyển được người dân rỉ tai nhau, sau đó tuy có lác đác truyền thông của Đảng nhắc đến cũng đã tạo dựng được một hình ảnh người lãnh đạo có nhân cách 'cao đẹp' (một ông quan CS cấp cao : 'thanh liêm, chính trực, giản dị, ham đọc, ham học, ham hiểu biết, mẫu mực, gần dân, gắn bó với dân, thương dân hơn ai hết dưới chế độ CS trừ ông Hồ …). Sau khi từ giã chức vụ ở Nghệ An, ông lại được bổ nhiệm chức Bộ trưởng BTM lần thứ hai, hình ảnh của ông già WTO lại được truyền thông của Đảng thổi lên như cồn, đã làm cho không ít người không tiếc lời ca tụng. Thực chất "tấm gương" của ông Tuyển có đáng được ca ngợi không?! Đó là điều làm tôi không thể không "tâm tư", bởi tôi là người đã gửi đến ông Tuyển không biết bao nhiều đơn thư tố cáo cùng tài liệu chứng cứ kèm theo về những hành vi tham nhũng,… của kẻ có chức quyền thuộc cấp dưới của ông. Thế mà, trong cả hai lần ông nhậm chức Bộ trưởng Bộ Thương mại, ông vẫn làm ngơ. Hàng chục cơ quan báo chí nhà nước và có tới 50 bài báo liên tục lên tiếng phản ánh, Thanh tra Chính phủ vào cuộc và kết luận những "nội dung tôi tố cáo là đúng", ông cũng vẫn… làm ngơ. Thé là thế nào? Bản thân tôi thì bị trù dập một cách trái pháp luật cho đến nay, dù thế tôi không có ý thù ghét gì ông. Nhưng có một điều tôi không thể chấp nhận được khi Hiệu trưởng Nguyễn Quang Thư nói ông đã chỉ đạo ký và cấp 192 bằng tốt nghiệp cao đẳng trái pháp luật. Dù chỉ ký và cấp một bằng đã phạm tội hình sự, chưa nói đến 192 bằng. Nếu một nhà nước thượng tôn pháp luật thì chắc chắn ông đã phải ngồi tù. Tất nhiên, ông chỉ chỉ đạo bằng miệng, và chỉ đạo bằng miệng thì than ôi, lời nói gió bay. Và cuối cùng, cái quan trọng là ông đã bảo vệ thành công cho kẻ phạm tội cấp dưới một cách an toàn không hề hấn gì cả, cho tới nay. Thử hỏi lương tri của ông như thế, "tấm gương lãnh đạo" của ông như thế, nếu sắp tới ông tiếp tục được báo chí tung hô, biết đâu ông lại được lên truyền hình nhận giải thưởng "tấm gương lãnh đạo thanh liêm chính trực vì dân vì nước". Biết đâu, sau đó Ban Tuyên giáo của đảng lại phát động phong trào 'học tập và làm theo' để khỏa lấp khoảng trống tư tưởng của dân chúng hiện nay?! Nếu tiếp tục tạo dựng hình ảnh "bác" Tuyển, liệu có lừa mị được khối người dân đang nửa tỉnh nửa say trước sự bức xúc của hai dự luật như đã nói?! Mặt khác, hình ảnh "tấm gương" đó liệu có tiếp tục ru ngủ được những người dân còn mê muội trước cảnh đất nước đã và đang mất chủ quyền, dẫn đến chuyện tan nhà nát cửa có thể đếhồn với bất cứ ai? Đồng thời liệu "tấm gương" của "bác" được dựng lên có là cơ sở lý lẽ vững chắc cho đám công cụ tuyên truyền về sự tồn tại của chế độ?! Suy cho cùng thì trong hệ thống cầm quyền cai trị đất nước của Đảng mấy chục năm qua, ngoài cụ Hồ ra, có thể nói không ai "diễn" giỏi để truyền thông có thể tạo dựng được một hình ảnh về "tấm gương" người lãnh đạo như ông Bộ trưởng BTM Trương Đình Tuyển. Để rồi Đảng có thể tiếp tục tiến hành cuộc cách mạng "văn hóa và tư tưởng" lấp khoảng trống về tư tưởng trong dân chúng hiện nay. Nhưng 'đáng tiếc' cho Đảng, cái cơ chế độc tài toàn trị làm sao có thể tìm được quan chức nào không phạm tội để làm biểu tượng cho hình ảnh của đảng bây giờ. Chính ông Nguyễn Sinh Hùng khi làm Chủ tịch Quốc hội đã phải than rằng "kỷ luật hết lấy ai làm việc". Cũng 'đáng tiếc' cho ông Tuyển, tôi lại là nạn nhân của ông, khi tôi làm theo Đảng nói! Trước đây cũng như bao nhiêu người dân sống dưới chế độ, tôi đã có biết bao nhiêu hy vọng về Đảng, hy vọng có được là do sự độc quyền thông tin, thực hiện chính sách ngu dân và nhồi sọ của Đảng. Sau khi nhận ra mình bị Đảng lừa, tôi không muốn người khác bị lừa như tôi và càng không muốn cả dân tộc bị lừa. Cái chính là sợ Đảng lại phát động cuộc học tập và làm theo tấm gương của "bác" Tuyển cho thế hệ trẻ hôm nay để góp phần kéo dài sự suy đồi của chế độ. Điều đó thôi thúc tôi viết tiếp những suy tư sâu xa của mình khi xuất hiện bài viết "Chuyện bây giờ mới kể về bác Trương Đình Tuyển" của tác giả Ngô Minh. Phải nói, đa số người dân hôm nay đã nhận ra được cái gốc của sự oan khuất và bất hạnh của mình là một xã hội không có dân chủ, quyền con người bị Đảng tước đoạt, bị chà đạp một cách vô pháp. Thực tế đã chứng minh càng ngày, càng nhiều người dân lương chính quan tâm đến những tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị. Họ nhận ra chính những kẻ đàn áp, bắt bớ bỏ tù người yêu nước vô tội mới là tội nhân. Bởi đa số người dân hôm nay đã hiểu rằng, bất đồng chính kiến, thực thi dân chủ, thực thi quyền con người không phải là tội. Nên họ nhận ra chính những tù nhân lương tâm, tù nhận chính trị là ân nhân của mình, là những người đáng được tôn vinh chứ không phải là ai đó trong giới quan chức CS được đám bồi bút tung hô, ca tụng để đánh bóng chế độ. Ai cũng thấy cái đau của lương tri là ở chỗ, sự tung hô đó đã góp phần phủ lấp và bỏ lại đàng sau nó mọi oan khuất chồng chất và bất hạnh của người dân. Nhận thức mang tính gốc rễ về sự bất hạnh của người dân, có thể nói hiện đang lan tỏa và bùng phát. Sự lan tỏa và bùng phát đó, biểu hiện rõ rệt nhất trong hai năm vừa qua khi đảng thể hiện quyết tâm đàn áp dân chủ nhân quyền. Khi sự thật bị phơi bày, tội ác không thể che giấu, người dân không còn tin vào chế độ thì mọi tuyên truyền dựng thánh đều thất bại, hầu hết có tác dụng ngược, "nguy hại" hơn đối với sự kéo dài quyền lực cai trị của Đảng. Thực tế cho thấy, cuộc "cách mạng" khống chế "tư tưởng và văn hóa" của đảng dù có khốc liệt đến đâu cũng không thể cứu vãn được thất bại, đó cũng là dấu hiệu chấm hết cho một chế độ, sự sụp đổ cận kề là tất yếu. Nên ai đó có ý định ca tụng bất cứ một quan chức CS nào, đặc biệt là đã rời ghế quyền lực, để làm biểu tượng, đánh bóng chế độ có khác nào gián tiếp lật lại cái bộ mặt dơ bẩn thối tha – phạm tội tày trời của họ để thiên hạ "chiêm ngưỡng". V.M.H. Tác giả gửi BVN. | |
Vì sao tâm lý chống Trung Quốc rất mạnh nơi người Việt Nam? Posted: 31 Jul 2018 12:48 PM PDT Mai Vân
Mới đây, vào thượng tuần tháng 7/2018, biểu tình chống dự luật Đặc Khu đã đồng loạt nổ ra nhiều nơi tại Việt Nam, với những khẩu hiệu chống Trung Quốc xuất hiện rộng khắp, bất chấp việc chính quyền liên tục biện minh rằng từ Trung Quốc không hề có trong dự luật. Trong một bài phân tích công bố ngày 07/07/2018, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia kỳ cựu về Việt Nam tại Học Viện Quốc Phòng Úc (Đại Học New South Wales), đã điểm qua một loạt nhân tố tạo nên tâm lý chống Trung Quốc rất mạnh nơi người Việt Nam ngày nay. Theo giáo sư Thayer, ngoài các nhân tố khách quan mang tính chất địa lý lịch sử, một loạt động thái chèn ép của Trung Quốc đối với Việt Nam trong thời kỳ hiên đại cũng duy trì tâm lý ghét Trung Quốc nơi người Việt Nam, từ việc không muốn Việt Nam thống nhất sau khi chiến tranh kết thúc, ủng hộ Khơme Đỏ đánh phá Việt Nam, trực tiếp xua quân đánh vào miền Bắc năm 1979, cho đến tranh chấp Biển Đông, đánh Việt Nam giành đảo, đem giàn khoan vào khiêu khích trong vùng thềm lục địa của Việt Nam, gây sức ép cấm Việt Nam khoan dầu trong khu vực mà Bắc Kinh cho là của Trung Quốc … Trong bài phân tích, giáo sư Carl Thayer trước tiên nhắc lại : Tôi đã từng viết một bài với tựa đề «Sự khắc nghiệt của địa lý: Chiến lược của Việt Nam đề ngăn chặn Trung Quốc ở Biển Đông» để mô tả quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Tôi đã chơi chữ dựa theo tựa đề một quyển sách về lịch sử Úc của Geoffrey Blainey «Sự khắc nghiệt của khoảng cách». Tác giả muốn nói – đây là tôi nói thay ông ấy - là Úc sẽ dễ chịu hơn nếu là một lục địa ở giữa Đại Tây Dương, giữa Anh Quốc và Hoa Kỳ, giữa tuyến đường vòng quanh trên thế giới từ đất mẹ Anh Quốc. Đấy là tôi chơi chữ với ngụ ý châm biếm. Việt Nam có đường biên giới chung với Trung Quốc, nhưng dân số của Việt Nam chỉ ở tầm cỡ một tỉnh trung bình của Trung Quốc. Như Brantly Womack từng viết, đó là một quan hệ thật bất cân xứng. Việt Nam đã phải rất cảnh giác, đến mức bị ám ảnh, trước những gì Trung Quốc nói và làm, trong khi Trung Quốc có những lợi ích lớn hơn nhiều. Một học giả Việt Nam đã có lần nhẹ nhàng chỉ trích tôi về tựa của bài viết vì soi rọi quan hệ Việt-Trung một cách tiêu cực. Ông lập luận rằng có một khía cạnh tích cực trong việc Việt Nam ở gần Trung Quốc. Việt Nam đã rút tỉa được cái hay trong văn hóa, ngôn ngữ Trung Quốc và điều này đã giúp cho việc hình thành nhà nước Việt Nam. Giáo sư Thayer đã ghi nhận quá trình chống Trung Quốc xuyên suốt trong lịch sử Việt Nam, từ thời Hai Bà Trưng cho đến gần đây: Sử sách đã ghi nhận là nhiều triều đại Trung Quôc đã xâm lăng Việt Nam ít nhất là 11 lần. Việt Nam đã thành công trong việc đánh bật kẻ xâm lược. Chuyện Hai Bà Trưng chống lại Trung Quốc đã trở thành huyền thoại của Việt Nam qua bao nhiêu thế hệ. Dù không thành công, nhưng Hai Bà Trưng đã cho thấy tình thần bất khuất của người Việt Nam, muốn độc lập và chống lại sự xâm lược của ngoại bang. Tất cả người Việt Nam ngày nay đều biết về lịch sử các mối quan hệ giữa Việt Nam với các triều đại Trung Quốc, và đó là nền tảng cơ bản của tâm lý bài Trung Quốc ngày nay. Đối với giáo sư Thayer, cách giải thích đó chưa đầy đủ: Người Việt Nam có cảm nhận là Trung Quốc đã bán rẻ ước nguyện thống nhất của Việt Nam vào đầu thập niên 1970. Trung Quốc tìm hỗ trợ của Mỹ để chống lại «chủ nghĩa đế quốc xã hội chủ nghĩa» của Liên Xô và đã khuyên Việt Nam đặt việc thống nhất đất nước là một mục tiêu lâu dài, giống như trường hợp của Trung Quốc đối với Đài Loan. Và ngay tháng Giêng 1973, khi Hiệp Định Paris về chấm dứt cuộc chiến và vãn hồi hòa bình ở Việt Nam đượcký kết, Trung Quốc đã giảm ngay trợ giúp quân sự cho Việt Nam. Việt Nam đã phải dựa vào hỗ trợ quân sự của Liên Xô để thống nhất đất nước khi lệnh ngưng bắn trong Hiệp Định Paris bị phá vỡ. Ít lâu sau khi chiến tranh với Mỹ kết thúc, Việt Nam lại phải đối phó với mối đe dọa Khơme Đỏ được Trung Quốc hậu thuẫn. Lực lượng này đã nhiều lần tràn qua Việt Nam, tàn sát nhiều dân làng Việt Nam. Việt Nam thoạt đầu đã trả đũa bằng một số chiến dịch đột kích qua biên giới, nhưng sau cùng đã mất kiên nhẫn và tràn qua chiếm đóng Cam Bốt trong một thập niên. Các lãnh đạo Việt Nam mà tôi có dịp phỏng vấn vào năm 1981, đã giải thích là chiến lược của Trung Quốc là muốn Việt Nam sa lầy ở Cam Bốt và bị kiệt quệ. Từ tháng Giêng đến tháng 3/1979, Trung Quốc trả đũa bằng cách đưa quân đánh chiếm vùng phía bắc của Việt Nam với lý do bình định vùng biên giới và « dậy cho Việt Nam một bài học ». Tranh chấp biên giới Trung Quốc Việt Nam kéo dài cho đến năm 1987. Hai năm sau thì Việt Nam ổn định tình hình Cam Bốt, rút quân khỏi nước láng giềng. Biển Đông trở thành điểm nóng, dân chúng biểu tình chống Trung Quốc. Quan hệ Việt Nam Trung Quốc được bình thường hóa vào tháng 11/1991. Một năm sau đó, Trung Quốc thông qua một đạo luật tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông bao gồm cả các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều đó lại đẩy Bắc Kinh vào thế tranh chấp với Hà Nội. Bối cảnh là Trung Quốc đã có kế hoạch trước, tấn công vào lực lượng của Việt Nam Cộng Hòa ở Hoàng Sa (để chiếm toàn bộ quần đảo này) vào tháng Giêng năm 1974, và sau đó lại tấn công vào quân đội của nước Việt Nam thống nhất ở Gạc Ma (Johnson Reef – quần đảo Trường Sa) vào tháng 3/1988. Cuộc biểu tình công khai chống Trung Quốc đầu tiên diễn ra tại Hà Nội vào cuối năm 2007, sau khi có tin tức được loan truyền là quy chế thị trấn Tam Sa (Sansha) trên đảo Phú Lâm (Woody Island) thuộc quần đảo Hoàng Sa đã được nâng lên thành địa cấp thị (thành phố cấp địa khu). Một năm sau, các cuộc biểu tình chống Trung Quốc lại diễn ra khi các vận động viên rước đuốc Olympic Bắc Kinh trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Biển Đông đã nổi lên thành điểm nóng ở Việt Nam vào năm 2009 khi các quốc gia ven biển đến hạn đệ trình lên Liên Hiệp Quốc các đề xuất kéo dài thềm lục địa của mình. Việt Nam và Malaysia đã có một đề nghị chung, và Việt Nam cũng đồng thời đưa ra một đề nghị riêng. Trung Quốc, lần đầu tiên, đã công bố bản đồ 9 đường gián đoạn để yêu sách toàn bộ Biển Đông. Điều đó dẫn đến các vụ va chạm trên biển thường xuyên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ) khi Trung Quốc tìm cách ngăn không cho Việt Nam thăm dò dầu khí. Trung Quốc cũng áp dụng các biện pháp thô bạo đối với ngư dân Việt Nam trong vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa, tịch thu cá họ đánh bắt được, tước đoạt các thiết bị vô tuyến điện, các công cụ hải hành và mọi tài sản có giá trị. Nhiều ngư dân Việt Nam đã bị Trung Quốc bắt giữ (thực ra là bị bắt làm con tin) để đòi tiền chuộc. Năm 2013, Việt Nam đã hủy bỏ chính sách có từ trước đó là xem Trung Quốc là môt nước xã hội chủ nghĩa thân hữu. Hiện nay, Việt Nam đánh giá quan hệ với Trung Quốc trên lợi ích quốc gia chứ không còn là trên cơ sở ý thức hệ. Việt Nam đã thông qua một chiến lược vừa hợp tác và vừa đấu tranh với Trung Quốc. Các hạn chế trên các phương tiện truyền thông đã được nới lỏng để cho phép một cái nhìn ít tô hồng hơn về người hàng xóm phương bắc. Bước ngoặt của vụ giàn khoan HD-981 Một bước ngoặt xuất hiện vào năm 2014 khi Trung Quốc mang một giàn khoan dầu khổng lồ vào cắm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, kèm theo một hạm đội gồm 100 con tàu đủ loại, bao gồm tàu chiến, tàu hải giám, tàu kéo và tàu đánh cá có vũ trang. Nhiều chiếc đã cố ý đâm vào tàu Việt Nam và dùng vòi rồng công suất mạnh tấn công tàu Việt Nam. Sự cố này đã làm dấy lên những cuộc biểu tình chống Trung Quốc khắp nơi ở Việt Nam, với một số vụ biến thành bạo động làm người Trung Quốc tử vong. Ở đỉnh điểm cuộc khủng hoảng đó, một nhóm cán bộ hồi hưu đã lưu hành một bản kiến nghị kêu gọi Việt Nam « thoát khỏi quỹ đạo của Trung Quốc ». Thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay xem hành vi xâm lăng của Trung Quốc ở Biển Đông là một mối đe dọa trên sự tồn tại của chủ quyền Việt Nam. Việc Trung Quốc xây dựng và quân sự hoá 7 hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa gần các thực thể do Việt Nam kiểm soát được xem như là bằng chứng về mối đe dọa này. Tâm lý chống Trung Quốc còn dựa trên suy nghĩ cho rằng chế độ hiện tại không tích cực bảo vệ sự toàn vẹn và chủ quyền lãnh thổ của đất nước. Chính quyền Việt Nam có thể là đã chiến thắng trước tòa án công luận thế giới vào năm 2014, nhưng sau đó lại lùi bước trước áp lực của Trung Quốc trong hai năm 2017 và 2018, khi đình chỉ thăm dò dầu khí trong vùng biển quanh Bãi Tư Chính (Vanguard Bank). Những yếu tố khác Nếu thêm vào «nồi súp Biển Đông» các gia vị khác như là chính sách Trung Quốc sử dụng lao động Trung Quốc trong các dự án viện trợ và phát triển ở Việt Nam, và nghi vấn rộng khắp về sự thông đồng giữa các doanh nhân Trung Quốc với giới lãnh đạo Việt Nam ở địa phương và trung ương, ta sẽ có một hợp chất bài Trung Quốc tai hại. Điều đó đã được thấy rõ qua các cuộc biểu tình khắp nơi chống lại dự luật Đặc Khu Hành Chính và Kinh Tế trong tháng này. Trên cơ sở an ninh quốc gia, những người biểu tình phản đối hợp đồng cho thuê trong 99 năm đối với các doanh nghiệp Trung Quốc. M.V. Nguồn : http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180727-vi-sao-tam-ly-chong-trung-quoc-rat-manh-noi-nguoi-viet-nam | |
Báo chí ‘câm miệng’, vụ Thủ Thiêm sẽ lại bị nhấn chìm xuồng Posted: 31 Jul 2018 12:36 PM PDT Phạm Chí Dũng
Người dân Thủ Thiêm uất nghẹn vì bị cướp đất tại buổi gặp gỡ "đại biểu quốc hội" hồi Tháng Năm, 2017. (Hình: Zing) Sau vô số tiếng khóc xé ruột và cả những cái chết tự treo cổ không thể nhắm mắt của người dân Thủ Thiêm, bản kết luận thanh tra vùng đất đẫm máu cưỡng chế này được hứa hẹn bởi Thanh tra Chính phủ vẫn biệt tăm. Liệu đã có một ý đồ toa rập giữa chính quyền ở Sài Gòn, mà cụ thể là của nhóm lợi ích "ăn đất" Thủ Thiêm và những quan chức lãnh đạo đương nhiệm của thành phố này, với các cơ quan chính phủ và với đích thân Thủ tướng Phúc, để dẫn đến những kết luận trơn tuột của ông Phúc như muốn cho vụ việc này chìm xuồng? Chỉ cách đây không lâu, đã có những dấu hiệu cho thấy chính quyền ở Sài Gòn cày cục xin trung ương "xử lý nội bộ," còn Thủ Tướng Phúc có lẽ chẳng mong gì hơn thế. Cùng lúc, có tin Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương Võ Văn Thưởng đã chỉ đạo báo chí ngừng đăng bài về vụ này. Báo chí 'câm miệng' và 'lò' nguội ngắt Từ Tháng Năm, 2018 đến nay, vẫn chỉ có mạng xã hội nhức nhối vụ Thủ Thiêm, còn báo chí nhà nước bị "khóa miệng" đến mức tuyệt đối. Nhìn lại, vào tuần đầu tiên của Tháng Năm, 2018 đã xảy ra hiện tượng các tờ báo nhà nước được bật đèn xanh và do đó được "mở miệng" gần như không hạn chế và một vài Facebooker ẩn danh liên tiếp tung bài "đánh" phe nhóm Lê Thanh Hải. Khi đó, thậm chí có những tờ báo còn dám chỉ mặt điểm tên các quan chức đứng đầu bảng về liên đới trách nhiệm phê duyệt quy hoạch Thủ Thiêm trong quá khứ: Nguyễn Văn Đua – phó chủ tịch ủy ban nhân dân TP.HCM, Lê Thanh Hải – chủ tịch và sau đó là bí thư thành ủy. Nguyễn Văn Đua bị "tố" là đã ký một quyết định về quy hoạch Thủ Thiêm mà đã vượt quyền khi phủ nhận cả quyết định trước đó của Thủ tướng Chính phủ. Chiến dịch cưỡng chế giải tỏa Thủ Thiêm xảy ra trong suốt chiều dài thời gian mà Lê Thanh Hải đảm nhiệm chức vụ chủ tịch (2001-2006) và 2 nhiệm kỳ liên tiếp giữ chức bí thư thành ủy (2006-2015). Lê Thanh Hải lại là quan chức bị dân oan Thủ Thiêm tố cáo ghê gớm nhất về "cướp đất vàng" ở Thủ Thiêm. Vào thời đó, người được xem là "đệ tử ruột" của ông Hải là Tất Thành Cang là bí thư quận 2 đã có nhiều biểu hiện tiếp tay rất đắc lực cho các nhóm lợi ích để cưỡng chế đẩy đuổi dân nghèo Thủ Thiêm ra khỏi mảnh đất duy nhất của họ. Nhưng sang tuần tiếp theo của Tháng Năm đã xảy ra một hiện tượng kỳ lạ: cũng báo chí nhà nước và cũng những tờ báo vừa lên tiếng mạnh mẽ nhất về vụ Thủ Thiêm, đã im bặt như thể bị ai đó khóa miệng. Sau này mới biết chính Ban Tuyên Giáo Trung Ương đã chỉ đạo không cho báo chí đăng tiếp vụ Thủ Thiêm. Phải chăng sau một thời gian làm đình đám và muốn "đốt lò" vụ Thủ Thiêm, Nguyễn Phú Trọng phát hiện ra vụ này liên đới quá nhiều quan chức, không chỉ quan chức đã về hưu mà cả những quan chức đương nhiệm và còn là quan chức cao cấp, nên ông Trọng đã phải vội vã cho Ban Tuyên Giáo Trung Ương chỉ đạo báo chí "câm miệng," còn "lò" tạm ngừng hoạt động và đang tính toán lại làm sao để "đập chuột nhưng không vỡ bình?" Và phải chăng đã có sự thỏa hiệp, hay nói trắng ra là "đi đêm" giữa các nhóm quyền lực – lợi ích mới với nhóm quyền lực – lợi ích cũ để "chuyển giao lợi ích" và đương nhiên cho chìm xuồng vụ Thủ Thiêm cùng đổ sạch biển nước mắt của dân oan? Vào thời gian này, phải chăng Nguyễn Xuân Phúc đang muốn "chạy làng" vụ Thủ Thiêm, còn bí thư ở Sài Gòn là Nguyễn Thiện Nhân thì vẫn tiếp tục ma mị dân oan Thủ Thiêm nhưng thực chất lại chẳng làm bất kỳ điều gì để phục hồi cán cân công lý ở vùng đất thê thảm này? Từ Ngô Văn Khánh đến kết luận kiểm tra nước đôi Chân đứng cho những nghi ngờ trên đang ngày càng trở nên hiện hình một cách đáng sợ, mà bằng chứng rõ nhất là kết luận kiểm tra mới đây (chứ không phải thanh tra) khu đô thị mới Thủ Thiêm của thanh tra chính phủ. Vào năm 2015, vụ Thủ Thiêm đã từng bị thanh tra chính phủ tổ chức thanh tra, do Phó Tổng Thanh Tra Chính Phủ Ngô Văn Khánh "cầm đầu." Nhưng cho tới nay, vẫn chẳng ai thấy mặt mũi kết luận thanh tra mà Phó Tổng Thanh Tra Chính Phủ Ngô Văn Khánh đã thực hiện tại dự án Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm. Vào thời gian đó, có những dấu hiệu khuất tất khiến nhiều người dân Thủ Thiêm nghi ngờ rằng đã có một sự móc ngoặc giữa đoàn Thanh tra Chính phủ của Ngô Văn Khánh với giới quan chức nhiều tiền lắm của ở Sài Gòn. Rốt cuộc, hàng núi hồ sơ khiếu kiện và tố cáo của dân oan Thủ Thiêm đã bị quẳng vào một xó xỉnh nào đó, nước mắt dân oan vẫn tiếp tục tuôn ra, máu của dân oan vẫn tiếp tục đổ, còn Ngô Văn Khánh trở về Hà Nội, để từ đó báo chí càng bất ngờ khi phát hiện những tài sản ngồn ngộn mới cứng của nhân vật này. Trong số những quan chức liên quan và phải chịu trách nhiệm hình sự một khi vụ Thủ Thiêm được khởi tố điều tra, cựu Phó tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh là một cái tên không thể bỏ qua. Cho dù vào thời gian đó Ngô Văn Khánh có cho công bố kết luận thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm chăng nữa, dư luận vẫn tin chắc rằng ông Khánh đã làm nhẹ đi rất nhiều các sai phạm ghê gớm của giới quan chức từ Sài Gòn đến các bộ ngành trung ương mà do đó bản kết luận này về thực chất là "ăn bẩn." Còn vào ngày 15 Tháng Bảy, 2018 – thời điểm được chính phủ Việt Nam hứa hẹn sẽ công bố chính thức bản kết luận thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm vốn đã kéo dài suốt hai chục năm trời của nước mắt, máu và cả nhiều cái chết uất nghẹn của dân oan nơi đây. Không phải hệ thống báo đảng và báo nhà nước công bố bản kết luận này, mà nội dung kết luận kiểm tra khu đô thị mới Thủ Thiêm của thanh tra chính phủ dài 17 trang lại được đăng tải trên… Facebook Lê Nguyễn Hương Trà. Với bản kết luận kiểm tra khu đô thị mới Thủ Thiêm được công bố trên Facebook Lê Nguyễn Hương Trà vào Tháng Bảy, 2018, tình hình có vẻ không bớt đen tối hơn là bao. Kết luận trên vẫn ghi nhận "thành tích" của Thành ủy và Ủy Ban Nhân Dân ở Sài Gòn trong việc giải tỏa 99% "đất sạch," trong khi chỉ đề cập một cách hết sức sơ sài đến diện tích giải tỏa lố 160 hécta theo tố cáo của người dân Thủ Thiêm. Còn phần kiến nghị xử lý của bản kết luận này lại hoàn toàn không nêu ra, như thể cố tình tránh né, bất kỳ cái tên nào của giới quan chức "ăn đất," đặc biệt là Bí thư Thành ủy thời đó là Lê Thanh Hải, Bí thư quận 2 thời đó là Tất Thành Cang, Nguyễn Văn Đua – phó chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố vào thời đó… Sẽ chìm xuồng nếu dân oan không phản ứng! Trong lúc cơ quan Thanh tra Chính phủ vẫn như giấu biến bản kết luận thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm, vào ngày 16 Tháng Bảy – tức trùng với chuyến "công du" Thủ Thiêm của quan chức Nguyễn Thiện Nhân, Thành ủy Sài Gòn đã ra thông báo "sẽ thành lập tổ công tác giải quyết các trường hợp kiến nghị, khiếu nại liên quan công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư để thực hiện quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, do Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố làm tổ trưởng, Phó Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố phụ trách đô thị làm tổ phó…" Đã khá rõ là bản thông báo trên đang muốn thay thế cho bản kết luận thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm, tức "khúc xương" Thủ Thiêm quá khó gặm đã được Thủ Tướng Phúc thảy cho chính quyền ở Sài Gòn. Sau những dấu hiệu không kém rõ ràng về việc ông Phúc không muốn nhúng tay trực tiếp vào vụ việc này vì sợ đụng chạm quá nhiều kẻ "ăn đất," bị dân chửi và dĩ nhiên sợ bị "mất uy tín," và do vậy ông Phúc muốn "chạy làng." Cũng khá rõ về việc chính quyền ở Sài Gòn đã xin trung ương cho "xử lý nội bộ" vụ Thủ Thiêm, và cơ chế ưu ái đặc biệt này đã được trung ương thông qua. Nếu đà ưu ái này tiếp diễn mà dân không phản ứng mạnh, chắc chắn sẽ chẳng có bản kết luận thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm nào được công bố, chưa kể việc có được công bố chăng nữa thì cũng chỉ "đánh bùn sang ao" mà không xử lý bất kỳ bất công ghê gớm nào tại Thủ Thiêm. Nhiệm vụ có vẻ như duy nhất giờ đây của Bí Thư Thành Ủy Nguyễn Thiện Nhân là "thăm" dân oan Thủ Thiêm và cố gắng thyết phục những người dân này dọn vào ở trong khu tái định cư Thủ Thiêm – chính là những khu nhà heo hút được xây tạm bợ mà không có gì bảo đảm về chất lượng công trình, thậm chí từ năm 2017 đến nay đưa ra đấu giá mà chẳng có "ma" nào thèm mua. Một khi dân oan đã "ổn định" trong khu tái định cư, giới quan chức ăn bẫm hy vọng làn sóng khiếu tố sẽ giảm bớt. Hy vọng đó là rất "đúng quy trình." Làm thế nào để chính quyền ở Sài Gòn – "tội phạm" trong vụ Thủ Thiêm – lại muốn xử lý những tội phạm "ăn đất" của người dân? Làm thế nào để "bản lĩnh Nguyễn Thiện Nhân" dám "xử" Lê Thanh Hải và những quan chức ăn tạp khác? Việt Nam đương đại và quằn quại có quá nhiều bằng chứng về "kẻ phạm tội đi xử lý tội phạm," mà dẫn chứng cập nhật nhất vào nửa đầu năm 2018 là Cục Phòng Chống Tội Phạm Công Nghệ Cao của hai tướng công an Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa lại bị biến thành cái ổ của "công an tổ chức đánh bạc và bảo kê cho đánh bạc công nghệ cao." Giờ đây, mọi việc lại phải bắt đầu từ đầu theo cách chính quyền ở Sài Gòn "xem xét, giải quyết các trường hợp kiến nghị, khiếu nại liên quan công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư để thực hiện quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm" – như bao nhiêu lần khác trong quá khứ. Cũng là cái thói "xử lý nội bộ" và cuối cùng sẽ dẫn đến "đánh bùn sang ao," khiến vụ Thủ Thiêm uất nghẹn chỉ còn cách bị nhấn chìm xuồng. Chìm xuồng hẳn. Giờ đây, hàng ngàn dân oan Thủ Thiêm không còn gì để mất lại thêm một lần nữa nhận ra rằng họ vẫn chỉ là những con tốt thí trên bàn cờ lợi ích và chính trị của các nhóm quyền lực – những kẻ coi cái chết tự treo cổ vì phẫn uất do bị cưỡng chế của dân oan chẳng đáng một bữa nhậu của chúng. P.C.D. Tác giả gửi BVN. | |
Việt Nam đang có xu hướng rời Trung? Posted: 31 Jul 2018 12:22 PM PDT Ánh Liên
Có khá nhiều lý do, động thái, và biểu hiện để nhận biết được Việt nam đang nghiêng về nước nào trong quá trình đối ngoại của mình. Trong hàng thập niên kể từ sau cuộc chiến tranh Việt - Pháp kết thúc, với sự gia tăng ý thức hệ, Việt nam gần như đi theo con đường mà ĐCS đã chọn, với sự bao phủ của Trung Quốc dựa trên ý thức hệ tương đồng. Cho đến nay, Việt - Trung vẫn giữ mối quan hệ hòa hảo theo hướng đại cục. Và trong những yếu tố then chốt Việt - Trung là tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Bắc Kinh theo nguyên tắc 'một Trung Quốc'. Có nghĩa những vùng như Hồng Công, Ma Cao, Đài Loan là lãnh thổ thuộc Trung Quốc, và quan hệ đối với các khu vực này chỉ dừng ở cấp lãnh thổ. Lá cờ Đài Loan được treo ngang với lá cờ Việt nam và Hoa kỳ. Tuy nhiên, cơn biến động Biển Đông vừa qua, Việt nam có lẽ đã có một sự thay đổi nhất định. Theo đó, một nhà máy sản xuất đồ nội thất Đài Loan ở Việt nam đã được phép cắm cờ Đài Loan bên ngoài nhà máy của mình. Taiwan news đưa tin, kể từ năm 2014, một số cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Việt nam thường dẫn đến sự tấn công các nhà máy Trung Quốc. Đài Loan và công dân Đài Loan thường bị đánh đồng với Trung Quốc và trở thành mục tiêu của những người biểu tình. Và 'để tránh hiểu lầm', một công ty Đài Loan đã nhận được sự cho phép của chính phủ Việt Nam để cắm lá cờ quốc gia Đài Loan ở phía trước nhà máy. Động thái này được báo Taiwan news ngày 28.07 nhận định rằng: không thể tưởng tượng được. Công ty được phép làm điều này là Công Ty TNHH Công Nghiệp Gỗ Kaiser 1 (Kaiser 1 Furniture Industry), chiếm 5% kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất. Kaiser có 7.000 nhân viên, nhà máy nằm cách TP. Hồ Chí Minh 60 km, thuộc tỉnh Bình Dương. Tại lối vào khu công nghiệp, hai lá cờ Việt Nam bay, hai bên là cờ của Hoa Kỳ, điểm đến chính của sản phẩm nội thất và hai lá cờ Đài Loan. Sau các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, Kaiser nhận được tiền bồi thường từ chính phủ Việt nam và sự tuyên truyền từ nhà nước đối với công dân sở tại về sự khác việt giữa Trung Quốc và Đài Loan. Sự cho phép lần này của Việt nam cho thấy, có sự thay đổi trong mối quan hệ hai nước, nhất là khi động thái lần này chạm vào nguyên tắc số 1 của Bắc Kinh. Trước đó, giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan thường rơi vào căng thẳng kể từ khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền tại hòn đảo từ năm 2016. Bà Thái là người có tư tưởng phản đối chính sách 'Một Trung Quốc', trong khi Bắc Kinh luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và nhiều lần tuyên bố không loại trừ khả năng dùng vũ lực để thống nhất hòn đảo. Đối với các nước có quan hệ với Đài Loan theo hướng nhà nước, Trung Quốc thường áp dụng biện pháp trừng phạt kinh tế để chống lại chính sách được cho là xâm hại nghiêm trọng chủ quyền và tính thống nhất lãnh thổ. Mới đây, Palau, một quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương, đã lên tiếng nhờ Mỹ và Nhật Bản hỗ trợ nền công nghiệp du lịch nước này sau khi Trung Quốc được cho là đã cấm du khách Bắc Kinh tới đây vì Palau có quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Việt nam thường luôn nhấn mạnh 'tôn trọng nhưng không sợ Trung Quốc', tuy nhiên, lần cho phép treo cờ này cũng đã cho thấy không còn sự tôn trọng đó. Có lẽ nó xuất phát từ việc Bắc Kinh đã không tôn trọng vấn đề chủ quyền Biển Đông, với xu hướng đẩy mạnh quân sự hóa các đảo nhân tạo trong thời gian gần đây. Trong một thông tin có liên quan, cũng theo Taiwan News, Đài Loan và Việt Nam vừa ký Biên bản ghi nhớ về trao đổi thành phố thông minh (TP Hồ Chí Minh). Nhân sự kiện này, Chủ tịch Hiệp hội Máy tính TP HCM đã cho hay, Đài Loan đã đầu tư lâu dài vào Việt Nam và gần đây, một xu hướng cho thấy sự hợp tác giữa Đài Loan và Việt Nam không chỉ ở các lĩnh vực kinh tế và thương mại mà còn mở rộng sang phát triển và đầu tư công nghệ. A.L. VNTB gửi BVN. |
You are subscribed to email updates from Bauxite Việt Nam. To stop receiving these emails, you may unsubscribe now. | Email delivery powered by Google |
Google, 1600 Amphitheatre Parkway, Mountain View, CA 94043, United States |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét