“Đại tá Lành nói gì về khu đất dân Trung Quốc mua sát sân bay?” plus 6 more |
- Đại tá Lành nói gì về khu đất dân Trung Quốc mua sát sân bay?
- Mỹ bất ngờ thu hồi thị thực của các nhà nghiên cứu Trung Quốc
- Cử tri chất vấn bà Quyết Tâm sao không đưa vấn đề Thủ Thiêm ra Quốc hội
- THỦ THIÊM xưa và nay
- Vấn nạn cơ bản của quan hệ Mỹ-Trung (Phần 3)
- Chuyện “tình” của trí thức với Đảng.
- Bị cáo Phan Văn Vĩnh khai thực hiện theo chỉ đạo của đại tướng Trần Đại Quang
Đại tá Lành nói gì về khu đất dân Trung Quốc mua sát sân bay? Posted: 22 Nov 2018 06:59 PM PST Đại tá Nguyễn Lành cho rằng, phải đặt câu hỏi tại sao người Trung Quốc mua ở đấy. Họ mà quản lý cả bờ biển là rất nguy hiểm. "Họ mua cả bờ biển là nguy hiểm rồi" Trước thông tin người Trung Quốc đứng đằng sau nhờ người Việt đứng tên mua 246 lô đất ven biển Đà Nẵng, nằm ngay cạnh sân bay Nước Mặn, Đại tá Nguyễn Lành rất lo lắng về vấn đề này.
Đại tá Lành cho biết sân bay Nước Mặn được Sư đoàn 375 tiếp nhận từ ngày giải phóng. Trước đó, sân bay này thuộc Hải quân Việt Nam Cộng Hòa có nhiệm vụ bảo quản lý, bảo vệ quần đảo Hoàng Sa. Theo đại tá Lành, cố Thượng tướng Đào Đình Luyện – Nguyên Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đã từng có đánh giá rằng khu vực sân bay Nước Mặn là vô cùng quan trọng đối với quốc phòng. "Năm 1991, anh Luyện vào khảo sát ở đây. Anh ấy có đề nghị rằng: Khu đất này rất quan trọng, không được giao làm kinh tế, chỉ giao cho phòng quốc quản lý thôi", đại tá Lành nhớ lại. Đại tá Lành cho hay, bây giờ nhà nước bán đất cho dân thì người dân có quyền mua. "Tôi có tiền thì tôi mua. Điều đó không quan trọng. Tuy nhiên khi khui ra thì thực chất toàn bộ là người Trung Quốc bỏ tiền ra mua. Phải đặt câu hỏi tại sao họ mua ở đấy. Họ mua cả dãy đất ven sân bay, sát bờ biển thì sẽ do họ quản lý. Họ mà quản lý cả bờ biển này là nguy hiểm rồi. Chỉ tính chuyện đơn giản trước mắt là dân Đà Nẵng, người Việt Nam không được xuống tắm biển ở khu bờ biển họ mua là đã phức tạp rồi", đại tá Lành nói. Đại tá Lành cho hay cả Pháp và Mỹ khi đánh chiếm nước ta đều chọn Đà Nẵng để mở đầu cuộc chiến bằng cách đổ bộ từ biển vào. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của bờ biển Đà Nẵng. Đất nước mình còn nghèo nhưng không phải thế mà bất chấp để cho làm kinh tế. Làm gì thế làm nhưng việc đầu tiên là phải nghĩ đến an ninh, quốc phòng. "Họ mua đất ven biển rồi dần dần tiến gần đến chân núi Hải Vân. Mà quản lý được núi Hải Vân thì quản lý được Đà Nẵng. Quản lý được Đà Nẵng thì quản lý được miền Trung", đại tá Nguyễn Lành lo lắng.
Cũng theo đại tá, thường người nước ngoài họ chỉ mua chung cư, biệt thự để ở chứ không ai mua đất rồi xây nhà cả. Theo đại tá Lành, để giải quyết vấn đề người Trung Quốc giấu mặt mua đất thì chính quyền Đà Nẵng phải kiên quyết. Đại tá Lành cũng đưa ra hai giải pháp thực hiện. "Những lô đất ven biển đã bán cho người Việt Nam hay người Trung Quốc giấu mặt thì không được phép ghép thửa. Anh mua 12 lô đất thì anh xây 12 căn nhà riêng biệt, không được liên kết lại. Anh xây nhà ở đó cũng không được xây cao quá 3 tầng. Tôi biết có một công trình đang xây dựng tới tầng thứ 7 rồi nhưng chính quyền đã yêu cầu tạm ngưng thi công", đại tá Lành đề xuất. Cần thu hồi giấy phép của hàng cấm người Việt Trò chuyện cùng PV, đại tá Nguyễn Lành vô cùng bức xúc trước thông tin xuất hiện một số cửa hàng trên địa bàn TP Đà Nẵng cấm cửa người Việt Nam, chỉ bán cho khách Trung Quốc: "Tôi đi cũng nhiều nơi, từ Nga, Trung Quốc, Mỹ nhưng chưa thấy ở đất nước nào, cửa hàng nào có quy định kỳ quặc như vậy".
Đại tá Lành cũng đặt nghi vấn về thiết kế kỳ lạ của các showroom, cửa hàng chỉ bán cho khách Trung Quốc: "Làm gì có cửa hàng nào kỳ lạ như thế. Họ thiết kế kín mít, chỉ có một lối ra vào. Bốn bức tường được xây bê tông kiên cố người ngoài không biết bên trong có ai, đang làm gì? Khách người Việt không vào được thì phải cần đặt nghi vấn họ đang làm gì?", đại tá Lành đưa ra nghi vấn. Theo đại tá Lành, TP Đà Nẵng không nên cho phép mở những cửa hàng như thế. Họ có thể làm đúng pháp luật nhưng chính quyền cần biện pháp quản lý mạnh đối với những cửa hàng như thế này. Ở nước mình mà cấm dân mình là sai rõ ràng, phải thu hồi giấy phép", ông Lành kiên quyết. "Đại tá Nguyễn Lành nguyên là Sư đoàn trưởng Sư đoàn phòng không 375 từ năm 1975 đến 1995, quản lý vùng không phận từ phía nam Hà Tĩnh đến phía bắc Khánh Hòa. Sư đoàn 375 cũng là đơn vị tiếp quản sân bay Nước Mặn từ sau giải phóng đến năm 1995. Đây là vị trí rất nhạy cảm mà người Trung Quốc đang giấu mặt phía sau để gom đất khiến dư luận trong nước vô cùng lo lắng." Nguồn: http://soha.vn/xa-hoi/dai-ta-lanh-noi-gi-ve-khu-dat-dan-trung-quoc-mua-sat-san-bay-20151228135131543.htm | ||||||||||
Mỹ bất ngờ thu hồi thị thực của các nhà nghiên cứu Trung Quốc Posted: 22 Nov 2018 06:58 PM PST Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh đã bất ngờ thu hồi một loại thị thực đặc biệt dành cho một số nhà nghiên cứu Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng giữa 2 quốc gia chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Tháng 11/2014, Washington và Bắc Kinh đã ký thỏa thuận cho phép công dân Trung Quốc tới làm kinh doanh và du lịch ở Mỹ được đăng ký thị thực nhập cảnh nhiều lần kéo dài trong 10 năm để họ không phải xin cấp thị thực mỗi lần muốn sang Mỹ. Tuy nhiên, gần đây, Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc đã bất ngờ hủy bỏ thị thực của một số công dân Trung Quốc trong diện trên. "Đại sứ quán không cho tôi một lời giải thích và tôi sẽ phải tham gia phỏng vấn tại tổng lãnh sự để xin cấp thị thực Mỹ trong tương lai", một nhà nghiên cứu Trung Quốc đã bị tước thị thực 10 năm, cho biết. Nhà nghiên cứu này nói rằng việc hủy bỏ thị thực lần này dường như đang nhằm vào các chuyên gia Trung Quốc đang hợp tác hoặc làm việc ở các trung tâm nghiên cứu của Mỹ. Ngoài ra, những người Trung Quốc xin thị thực Mỹ cũng phàn nàn rằng quá trình phê duyệt hồ sơ đang bị kéo dài, khiến một số nhà nghiên cứu phải hủy bỏ các chuyến thăm Mỹ do không kịp lịch trình. Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh hiện chưa lên tiếng về sự việc này. Dưới sự lãnh đạo của chính quyền Tổng thống Donald Trump, Mỹ cũng đẩy mạnh quá trình rà soát công dân Trung Quốc có khả năng tiếp cận với nhóm ngành công nghệ cao của Washington. Ông Trump đã xếp Trung Quốc vào nhóm đối thủ chiến lược, cáo buộc quốc gia này chiếm đoạt tài sản sở hữu trí tuệ của Mỹ cũng như chỉ trích chương trình "Made in China 2025" do Bắc Kinh phát động. Đây là chương trình thể hiện tham vọng của Trung Quốc trở thành bá chủ công nghệ thế giới trong vài năm tới. Vì vậy, bắt đầu từ tháng 6, Mỹ đã bắt đầu siết chặt chính sách thị thực với Trung Quốc, rút ngắn thời hạn thị thực của các nghiên cứu sinh công nghệ tự động, hàng không và sản xuất kỹ thuật cao từ tối đa 5 năm xuống còn 12 tháng. Tuy nhiên, quá trình xét duyệt thị thực dường như có ảnh hưởng rộng hơn, không chỉ nằm gọn trong nhóm nhà nghiên cứu và chuyên gia công nghệ cao Trung Quốc đang làm việc tại Mỹ. Hồi tháng 7, ông Rao Yi, một nhà thần kinh học nổi tiếng người Trung Quốc từng có quốc tịch Mỹ, phàn nàn rằng Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh liên tục từ chối đơn xin cấp thị thực của ông. Một chuyên gia về quan hệ quốc tế Trung Quốc nói rằng mối quan ngại về an ninh quốc gia đã khiến Mỹ trở nên dè chừng hơn và gắt gao hơn với vấn đề thị thực. "Quản lý thị thực chỉ là một trong nhiều biện pháp", ông nói. Chen Wenling, chuyên gia kinh tế tại Trung tâm trao đổi kinh tế quốc tế Trung Quốc, cho rằng rào cản lớn nhất để cải thiện tình hình này chính là việc Mỹ có quan điểm cứng rắn trong việc chống lại Trung Quốc. Từ tháng 7, Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu tung các đòn tấn công lẫn nhau trong cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tháng này để bàn về các giải pháp tháo gỡ căng thẳng. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng một cuộc gặp dường như sẽ không đủ để giải quyết toàn bộ những vướng mắc giữa 2 bên. Đức Hoàng Theo SCMP | ||||||||||
Cử tri chất vấn bà Quyết Tâm sao không đưa vấn đề Thủ Thiêm ra Quốc hội Posted: 22 Nov 2018 06:58 PM PST
Lúc 14 giờ hôm nay (22.11), tổ đại biểu quốc hội TP.HCM (đơn vị bầu cử số 7) tiếp xúc cử tri tại Q.2 (TP.HCM) sau kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa 14. Buổi tiếp xúc cử tri được tổ chức tại Nhà thiếu nhi Q.2 - số 200 Nguyễn Duy Trinh (Q.2). Tổ đại biểu số 7 gồm có bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM; ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM và bà Trịnh Ngọc Thúy, Phó chánh án TAND TP.HCM. Buổi tiếp xúc cử tri chiều 22.11 còn có sự tham dự của tổ đại biểu HĐND TP.HCM ứng cử ở Q.2, gồm ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy; ông Nguyễn Hồng Hà, Bí thư Đảng ủy Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn; bà Nguyễn Thị Ngọc Hương, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Q.2.
Hàng loạt cử tri đăng ký phát biểu Theo kế hoạch 14 giờ chiều mới diễn ra chương trình tiếp xúc, nhưng cũng như những lần tiếp xúc trước đây, đông đảo cử tri tập trung đến rất sớm. Tại bàn đăng ký phát biểu, nhiều cử tri phải chờ đợi đăng ký. Tính đến 13 giờ 20, trước giờ diễn ra tiếp xúc 40 phút, đã có hơn 50 lượt cử tri đăng ký, và rất nhiều người "lưu ý" ban tổ chức phải bố trí để được phát biểu, chứ những lần đăng ký trước họ không có cơ hội nói vì giới hạn thời gian không cho phép. Trong nhiều năm gần đây, các buổi tiếp xúc cử tri ở địa bàn Q.2 đều rất "nóng bỏng". Có buổi tiếp xúc có đến khoảng 150 cử tri đăng ký phát biểu, chủ yếu về khiếu nại đền bù giải tỏa Thủ Thiêm. Bà Trần Thị Mỹ từng có nhà đất tại P.An Khánh (Q.2), đã bị giải tỏa để làm khu đô thị Thủ Thiêm. 14 năm qua, bà Mỹ liên tục đi khiếu nại khắp nơi vì cho rằng việc giải tỏa nhà đất của bà không đúng quy định. Bà Mỹ cho hay trong chừng ấy thời gian, thường mỗi năm có 4 cuộc tiếp xúc cử tri, cuộc nào bà cũng dự. "Có cuộc tiếp xúc tôi được phát biểu, có cuộc không vì nhiều ý kiến quá. Hôm nay tôi cũng đăng ký mà không biết được nói hay không", bà Mỹ nói. Cử tri Lê Thị Nga (P.Bình An) cho biết bà đã gửi rất nhiều hồ sơ liên quan đến dự án Thủ Thiêm nhưng chưa nhận được trả lời. Bà Nga cho hay ngày 7.4.2016, tổ công tác đã đến cưỡng chế nhà bà, chở toàn bộ tài sản của bà đến nay không biết ở đâu. Bà Nga đề nghị phải trả lại tài sản đã tịch thu của bà. Bà Nguyễn Thị Thùy Dương (P.Bình Trưng Đông) cho biết bà mang đến hội nghị hơn 50 ý kiến của người dân, bao gồm những bức xúc liên quan việc thu hồi, cưỡng chế tại một số dự án ở Q.2. Hầu hết các ý kiến phát biểu đều liên quan khiếu nại nhà đất Hầu hết các ý kiến đều liên quan khiếu nại nhà đất, đền bù, giải tỏa... Cử tri Huỳnh Thị Hồng Loan (P.Bình An), bà Loan cho hay trước đây nhà bà ở P.Bình An, nhưng phường đã tiến hành cưỡng chế vào năm 2009. Gần 10 năm qua, bà liên tục khiếu nại, tố cáo, nhưng vẫn chưa được giải quyết. Mới đây, bà được bố trí ở khu tái định cư. Tuy nhiên, việc bà khiếu nại vì sao phường, quận tiến hành cưỡng chế nhưng không có hồ sơ, quyết định, thì đến nay vẫn không được giải quyết. 'Xin chủ tọa đừng cắt loa' Bà Nguyễn Thị Tám (cử tri P.Bình Khánh) đề nghị người chủ trì hội nghị ngày hôm nay cứ để bà con Q.2 phát biểu hết tâm tư, tình cảm. "Xin chủ tọa đừng cắt loa. Nếu cắt loa thì tôi có loa của tôi mang theo. Sự khổ sở của người dân chúng tôi đã kéo dài hơn 20 năm rồi", bà Tám nói. Bà Tám cho hay nhà bà nằm ở ngoài ranh. Từ hôm nay đến Tết nếu TP không trả lời được yêu cầu của bà thì bà sẽ về mảnh đất cũ cất nhà để "đón Tết". Bà Tám cũng trách bà Quyết Tâm đã làm hai nhiệm kỳ đại biểu quốc hội ở Q.2 nhưng theo dõi tại những kỳ họp Quốc hội, bà Tám không thấy bà Tâm nêu vấn đề Thủ Thiêm ra diễn đàn Quốc hội. Bà Tám nêu trách nhiệm của ông Tất Thành Cang, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, trong sai phạm liên quan 4 con đường trị giá 12.000 tỉ đồng ở Thủ Thiêm; trách nhiệm của HĐND TP.HCM. "Tại sao những vi phạm của ông Cang như vậy nhưng mới chỉ bị đề xuất khiển trách và kỷ luật", bà Tám nói. 'Không được dung túng cá nhân sai phạm' Cử tri Đoàn Văn Phương (khu phố 1, P.Bình Khánh) chia sẻ rằng các cử tri khác đã nói nhiều đến vấn đề pháp lý liên quan đến triển khai quy hoạch Thủ Thiêm, khu tái định cư 160ha theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng.
Ban Tiếp công dân Trung ương và Chủ tịch UBND TP.HCM đã 3 lần tiếp dân Thủ Thiêm, đã có lời xin lỗi và bày tỏ mong muốn bà con tha lỗi. Tuy nhiên, quan trọng nhất là xử lý các cá nhân làm sai, cố ý làm trái, gây ra bao khổ cực cho người dân. Đặc biệt, theo ông Phương, tuyệt đối không được dung túng cá nhân sai phạm, vì lợi ích nhóm mà làm tan tác Thủ Thiêm. Ông Phương nhắc lại vấn đề đất trong ranh, ngoài ranh quy hoạch Thủ Thiêm, đồng thời yêu cầu làm rõ, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho dân. Cử tri bật khóc Cử tri Nguyễn Thị Thúy Lan (P.Bình Khánh) khi phát biểu đã bật khóc giữa hội trường diễn ra buổi tiếp xúc cử tri. Suốt thời gian phát biểu, bà Lan nghẹn ngào khóc. Bà Lan cho hay nhà đất của bà bị giải tỏa ở Thủ Thiêm, chỉ được bồi thường mấy chục triệu đồng. Kể từ khi đó, gia đình bà vô cùng khó khăn trong cuộc sống. Cử tri mất bình tĩnh Trong lúc ban tổ chức mời cử tri phát biểu theo thứ tự đăng ký, một số cử tri chưa đến lượt đã tỏ ra mất bình tĩnh, đứng dậy đòi được phát biểu. Có cử tri bức xúc cho biết 8 năm rồi "vẫn chưa được nói".
Cử tri Nguyễn Đình Đệ cho rằng những sai phạm kéo dài ở Thủ Thiêm đã khiến người dân bị thiệt thòi, ảnh hưởng cuộc sống, nên nỗi bức xúc của người dân không thể lắng xuống, khó chấp nhận lời xin lỗi từ phía chính quyền TP.HCM. Vì quá bức xúc, ông Đệ có lúc tỏ ra mất bình tĩnh. Ban tổ chức phải ngỏ lời mong ông Đệ phát biểu với lời lẽ tôn trọng.
Cử tri Trương Thị Yến (khu phố 3, P.Bình An) mang theo cả micro để phát biểu. Ban tổ chức mời bà Yến tạm thời ngồi xuống để chờ đến lượt, nhưng cử tri Yến vẫn kiến quyết đứng nói. Nhiều cử tri đang phát biểu, thậm chí nhiều cử tri chưa phát biểu, tỏ ra mất bình tĩnh. Hầu hết các ý kiến cử tri phát biểu đều tập trung vào vấn đề khiếu nại, tố cáo liên quan đến đền bù, giải tỏa, cưỡng chế nhà đất, yêu cầu giải quyết thỏa đáng, kịp thời, đúng quy định. Không có các ý kiến đề cập, đóng góp, hay hiến kế xây dựng phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực khác… 'Chúng tôi sẽ nghe đến ý kiến cuối cùng' Các ý kiến căng thẳng của cử tri ở hội trường khiến bà Nguyễn Thị Quyết Tâm xin phép chủ tọa cho mình được phát biểu và yêu cầu cử tri nói gọn lại để dành cho ý kiến cho cử tri khác. "Cô bác yên tâm, chúng tôi sẽ ngồi lại nghe đến ý kiến cuối cùng", bà Tâm nói và đề nghị chủ tọa bố trí cử tri phát biểu ý kiến theo thứ tự đã đăng ký. Chừng nào trả lại tài sản cho dân? Cử tri Nguyễn Thị Hà (khu phố 1, P.Bình An) đề xuất các phương án để giải quyết sự bức xúc của người dân ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong đó phương án đầu tiên là TP.HCM phải tìm cách an dân. Bà Hà cảm ơn Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã quan tâm đẩy nhanh tiến độ giải quyết nỗi bức xúc Thủ Thiêm theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. "Ai là người đã ký quyết định để đập phá toàn bộ nhà của bà con chúng tôi kể cả trong rành và ngoài ranh. Ai là người đã ký quyết định để đưa toàn bộ đồ đạc của bà con đi? Khi nào trả lại tài sản, nhà đất cho người dân? Cần phải có mốc thời gian cụ thể, rõ ràng", bà Hà hỏi và đề nghị hai tổ đại biểu phải trả lời rõ trong buổi tiếp xúc hôm nay (22.11). Sau hơn 3 giờ tiếp xúc cử tri, vẫn còn hơn 50 phiếu đăng ký phát biểu. Do đó chủ tọa đề nghị cử tri phát biểu ngắn gọn, không phát biểu trùng lặp với ý kiến của cử tri trước. Đây là buổi tiếp xúc cử tri được người dân TP.HCM quan tâm vì dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm đang là vấn đề nóng của TP.HCM trong nhiều năm qua và đang được UBND TP.HCM đẩy nhanh tiến độ giải quyết sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ. Những lần tiếp xúc trước của Chủ tịch HĐND TP.HCM đều thu hút rất nhiều sự quan tâm của người dân Q.2, nhất là người dân liên quan dự án Thủ Thiêm. Vấn đề giải quyết khiếu nại liên quan dự án Thủ Thiêm cũng được Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đặc biệt quan tâm. Ngoài việc sâu sát, đi thăm hỏi người dân, chỉ đạo UBND TP.HCM phải đẩy nhanh tiến độ giải quyết, những kỳ tiếp xúc cử tri gần đây, ông Nhân đều ưu tiên tiếp xúc cử tri ở "điểm nóng" Thủ Thiêm để nghe người dân phản ánh, đề đạt nguyện vọng. Theo Báo Thanh Niên | ||||||||||
Posted: 22 Nov 2018 06:57 PM PST . 1. [Thủ Thiêm, 1964] Bình Giang, sông xưa Saigon, xuôi dòng nối dài Bến Nghé bờ An Lợi Đông. Đò ngang Thủ Thiêm về thôn Giai Quí, vùng trũng Nghĩa An, bán đảo cung sông. Miền đất ngoại thành xanh màu hoang sơ. Dừa nước, lác bàng, bần đước, ô rô. Bèo nổi đầm lầy, lúa rài cỏ dại. Ngỗ điếc ao chum, sen súng mương hồ. . Bao người không nhà lưu lạc muôn phương về đây chung lưng khai hoang ruộng vườn. Đò dọc đò ngang, dù nhiều sóng gió. Nghĩa xóm tình làng đong đầy quê hương. . Cư dân yên vui theo mùa mênh mang. Bàn thiên am mây hương hoa điệp vàng Tu viện nhà thờ giữa lòng xóm đạo. Lời cầu kinh đêm ru mộng bình an. 2. Nay, An Lợi Đông đâu còn an nhiên. Đại án "đất đổi hạ tầng" Thủ Thiêm. Cướp ngày lộng hành áp chế giải tỏa. Lương dân đau đớn ôm phận nổi chìm. Thủ Thiêm, 2008 Đoàn Thuận | ||||||||||
Vấn nạn cơ bản của quan hệ Mỹ-Trung (Phần 3) Posted: 22 Nov 2018 06:56 PM PST Nguỵ Kinh Sinh Lê Minh Nguyên dịch Trên thế giới, thuờng có câu nói phổ biến là: hệ thống Đảng CSTQ rất hiệu quả. Cho nên, khi người phương Tây nghĩ về các vấn nạn ở Trung Quốc, họ luôn nghĩ rằng đó là do các giao dịch mà ra, nhưng nó hoàn toàn ngược lại: chính quyền TQ không bao giờ có uy tín, và lời nói của họ không thể tin được do thiếu uy tín. Điều này tại sao? Lớp vỏ đầu tiên của vấn nạn là lời nói của chính quyền (công cụ của Đảng) trung ương không thể tin được. Bởi vì theo lý thuyết của Đảng Cộng sản, chỉ có họ mới là đại diện thực sự, những người khác không là gì. Theo lý thuyết cuồng tín cơ bản (standard cult theory), bất cứ ai không hội đủ các tiêu chuẩn của giáo phái cuồng tín thì không được coi là con người và không có được các quyền (rights); do đó, nó không phải là một sự vi phạm đạo đức để không thực hiện lời hứa, hay để áp dụng bất cứ phương tiện (ác độc) nào. Phát biểu thẳng thừng và tiêu chuẩn nhất của nó là qua lời Đặng Tiểu Bình: "bất kể đó là mèo đen hay mèo trắng, con mèo nào bắt được chuột đều là con mèo tốt." Một lớp vỏ khác của vấn nạn là hệ thống Đảng Cộng sản không chỉ có một hoặc vài hoàng đế, mà là hàng ngàn hoàng đế. Cụm từ "các chiếu chỉ (decrees) không thể thoát ra ngoài Trung Nam Hải (Zhongnanhai - nơi cư ngụ của các lãnh tụ CS), diễn tả chính xác về hệ thống này. Lệnh từ trung ương không nhất thiết phải được các tỉnh phê duyệt; lệnh từ cấp tỉnh không nhất thiết phải được các thành phố và các quận chấp thuận. Do đó, các rào cản thương mại và các hàng rào phi thuế quan không thể được giải quyết bởi chính quyền trung ương. Đây là lý do quan trọng thứ hai tại sao TQ không có uy tín. Ngoài hai việc TQ không phải là một hệ thống dân chủ và không cần phải chịu trách nhiệm với nhân dân, chế độ độc tài độc đảng còn là một nguyên nhân lớn khác để cho các chiếu chỉ "không thể thoát ra khỏi Trung Nam Hải". Các chiếu chỉ được các cơ quan nhà nuớc đưa ra, trong khi đó các ủy ban của Đảng Cộng sản cũng đưa ra các chiếu chỉ của họ, nhưng các cơ quan nhà nước phải tuân theo các ủy ban của đảng, mà các ủy ban của đảng thì không phải chịu trách nhiệm. Các ủy ban cấp dưới của đảng không cần phải tuân theo cơ quan cấp cao hơn của nhà nước, họ có thể ra các lệnh riêng của họ. Hệ thống hỗn loạn này, hệ thống chế độ độc tài độc đảng, là nguyên nhân gốc rễ của sự hỗn loạn và nguyên nhân gốc rễ của việc tạo ra hoàng đế. Đây cũng là một vấn nạn phổ biến trong tất cả các hệ thống độc tài. Ví dụ như, Bắc Kinh đã chặn bột ở Hà Bắc, vì vậy Hà Bắc quay trở lại để chặn rau. Quảng Đông nhập khẩu gạo và thịt lợn để ổn định giá cả, rồi Hồ Nam trả đũa chặn gạo và thịt lợn. Thanh Hải chặn len từ Cam Túc, rồi Cam Túc trả đũa bằng cách chặn ngũ cốc và than đá. Các cuộc chiến và rào cản thương mại nội địa tương tự như vậy sẽ không xuất hiện trên báo chí, nhưng chúng là những thực tại ở Trung Quốc. Duới hệ thống độc tài địa phương này, các quan chức quận không thể vượt qua những quan chức đảng nắm quyền quyết định ở cấp dưới, và các cuộc chiến cùng các rào cản thương mại không chỉ dành cho nước ngoài. Những lời hứa của chính quyền trung ương không thể thực hiện được - người nước ngoài không thể đạt được chúng cũng giống như chính người TQ không thể. Hệ thống hiện tại ở TQ thì tương tự nhưng không giống hệt với hệ thống TQ trong thời cổ đại. Mặc dù trong cả hai, chính trị độc đoán luôn được sử dụng để quản lý nền kinh tế thị trường, nhưng hệ thống luật pháp cổ đại có hiệu quả hơn, vì không có các trung tâm quyền lực khác can thiệp vào hệ thống pháp luật. Hệ thống ở TQ hiện nay là sự can thiệp phi luật pháp lớn hơn hệ thống pháp luật, thường được gọi là "Đảng Cộng sản lớn hơn pháp luật". Trong thực tế, nó là vô luật pháp. Trong thời cổ đại, chỉ khi ở trong giai đoạn cuối cùng khi triều đại sắp sụp đổ, tình trạng hư hỏng của pháp luật mới xuất hiện. Bây giờ với Đảng Cộng sản đang ở trên luật pháp, sẽ không có một hệ thống luật pháp thuần nhất từ gốc rễ. Đây là vấn nạn cơ bản của quan hệ Mỹ-Trung và xung đột cơ bản giữa xã hội TQ và Đảng Cộng sản TQ. Dĩ nhiên, chiến lược nền tảng của Đảng CSTQ là khai thác người Mỹ và người dân TQ với thương mại không lành mạnh. Cho dù ngay cả khi chính quyền trung ương có thỏa hiệp được với Hoa Kỳ, thì hàng ngàn hoàng đế địa phương sẽ không từ bỏ cái quyền của họ để khai thác người dân TQ và HK. Họ đã quá quen thuộc với việc chống lại các chính sách và các chiếu chỉ của chính quyền trung ương. Cho nên, vấn nạn cơ bản giữa TQ và HK là sự thiếu uy tín, do sự thiếu hiệu lực của hệ thống pháp luật TQ. Chìa khóa để thay đổi cuộc chiến thương mại giữa TQ và HK theo hướng thương mại công bằng là TQ phải thay đổi hệ thống Đảng Cộng sản hoàng đế đứng trên luật pháp. Cho đến khi nào đã thiết lập được một hệ thống tư pháp độc lập không có bất kỳ sự can thiệp nào vào, thì một thỏa thuận thương mại giữa TQ và HK mới có thể có hiệu quả. Nếu không, ngay cả khi Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường có chân thành, thì họ cũng sẽ không thể tuân theo thỏa thuận được. Dưới tiền đề là không thể thay đổi ngay lập tức hệ thống độc tài độc đảng, các cuộc đàm phán Mỹ-Trung phải kèm theo các yêu cầu thiết lập một hệ thống tư pháp độc lập và hiệu quả, được giám sát bởi các cơ quan giám sát quốc tế. Sự giám sát này cần phải cung cấp các biện pháp trừng phạt hữu hiệu, thay vì một định chế gian dối không răng. Bằng cách này, thì thỏa thuận mới có thể được đảm bảo sẽ được đúng đắn thực hiện, điều này sẽ mang lại lợi ích cho cả người Hoa và người Mỹ, thay vì chỉ mang lại lợi ích cho các nhà tư bản ở TQ và HK trong khi người dân ở cả hai nước phải chịu đựng thiệt hại. | ||||||||||
Chuyện “tình” của trí thức với Đảng. Posted: 22 Nov 2018 06:56 PM PST ( Suy nghĩ thêm từ vụ Chu Hảo mới đây và một chuyện bỏ Đảng và Đảng bỏ 30 năm trước.) Tiêu Dao Bảo Cự Mới đây, sau vụ Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng kết luận và đề nghị xử lý kỷ luật GS Chu Hảo, một số nhân vật là trí thức, văn nghệ sĩ tiếng tăm như nhà văn Nguyên Ngọc, TS Mạc Văn Trang, nghệ sĩ Kim Chi… đã tuyên bố từ bỏ đảng, kể cả chính GS Chu Hảo. Việc này làm tôi nhớ lại một vụ bỏ Đảng và Đảng bỏ 30 năm trước mà tôi là người trong cuộc. Cuối năm 1988, sau khi Hội Văn nghệ Lâm Đồng xuất bản 3 số tạp chí Langbian, tạp chí bị đình bản. Ban Thường trực của Hội gồm anh Bùi Minh Quốc và tôi đã tổ chức một chuyến đi xuyên Việt vận động các Hội bạn và anh em trí thức, văn nghệ sĩ lên tiếng đòi tự do sáng tác, xuất bản, báo chí và ủng hộ đổi mới. Chuyến đi đã gây tiếng vang trong giới văn nghệ sĩ, trí thức liên quan đến lãnh vực này và các cơ quan Đảng, Nhà nước về văn hóa, tư tưởng. Sau chuyến đi, chúng tôi bị kiểm điểm để xử lý kỷ luật. Cơ quan Hội Văn nghệ lúc đó chỉ có 3 đảng viên gồm anh Quốc, tôi và một ông Phó trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy được điều qua, hình thành một chi bộ, gọi là để lãnh đạo Hội Văn nghệ. Vì có 2 đảng viên sai phạm (mà chúng tôi không công nhận), chi bộ không thể quyết định kỷ luật được, nên đã đưa lên cấp trên là Đảng ủy Dân Chính Đảng để xét xử và thi hành kỷ luật. Đây là một tiền lệ chưa từng có trong Đảng do tình thế của chúng tôi tạo nên. Sau 6 tháng đấu tranh gay gắt, chúng tôi bị khai trừ Đảng và cách chức trong Hội Văn nghệ, riêng tôi còn bị trục xuất ra khỏi cơ quan Hội. Lúc đó anh Quốc đã có 22 và tôi 15 tuổi Đảng. Chúng tôi là những người đã gia nhập Đảng trong thời kỳ chiến tranh (Quốc ở miền Bắc và tôi ở Miền Nam). Thuở đó, chúng tôi, và rất nhiều người khác, vào Đảng chỉ để chiến đấu cho hòa bình, thống nhất, độc lập tự do cho đất nước chứ không vì mục đích nào khác. Bây giờ đã có độc lập, thống nhất nhưng dân chủ tự do, công bằng xã hội, hạnh phúc của nhân dân ngày càng thu hẹp và xuống dốc. Bộ máy Đảng ngày càng suy thoái, xa rời lý tưởng ban đầu. Trong chuyến đi xuyên Việt nói trên, ở nhiều nơi, Bùi Minh Quốc đọc những bài thơ chính luận mới nhất của mình: Không có ai Không có ai Có thể ngẩng nhìn trời Bình tâm mỗi sáng Khi những thằng đểu còn trong Đảng … Ta đau sự nghiệp này hơn hết mọi niềm đau Thưa mẹ Đau cùng cực như đất trời vò xé Như thuở nào quằn quại mẹ sinh con Suốt một đời bạc tóc dưới mưa bom Mẹ lầm lũi đào hầm nuôi cách mạng Con xin nói với tất cả tấm lòng và lương tri cộng sản Mẹ chẳng phải đảng viên Nhưng mẹ có tấm-thẻ-đỏ-trái-tim ròng máu ứa Chính mẹ chứ không ai - mẹ phải nắm quyền Hỏi tội những thằng thẻ đỏ tim đen. (Những ngày thường đã cháy lên) Cũng trong chuyến đi này, tôi viết bút ký thơ "Mở cuộc giao tranh", trước khi viết bút ký văn xuôi "Hành trình cuối đông" sau này: Lẽ nào ta hiến mình đổ máu bao năm Cho một lũ cường quyền ngồi chễm chệ Lẽ nào ta cúi đầu khuất phục Uốn mình ca ngợi lũ lưu manh Lẽ nào ta chỉ biết nhỏ máu trong thơ Khi tiếng cười ma sặc mùi hoan lạc … Chân lý Đảng chói ngời sự thật Mắt nhân dân xuyên thấu lũ gian tà Ai cộng sản và ai giả danh cộng sản Phân tuyến ra và mở cuộc giao tranh. Khi Bùi Minh Quốc viết "Con xin nói / với tất cả tấm lòng và lương tri cộng sản" hay tôi viết "Chân lý Đảng chói ngời sự thật" (mà sau này tôi sửa lại là "Chân lý chói ngời sự thật"), trong lòng chúng tôi có một đảng khác, thực ra là một lý tưởng, lý tưởng cộng sản trong ý nghĩa đẹp nhất: phản kháng trước những bất công áp bức. Lý tưởng này không trùng khớp với thực tế sau này của Đảng Cộng sản. Đảng CS đã từng đưa ra nhưng càng về sau càng phản bội lại lý tưởng này. Trong chuyến đi, trên đường từ Hà Nội trở về, tôi đã viết một bản dự thảo tuyên bố từ bỏ đảng, đề nghị anh Quốc và tôi cùng ký. Anh Quốc không đồng ý. Lý lẽ của anh: Chúng ta nên ở trong Đảng để chiến đấu. Giả dụ có bị khai trừ, việc khiếu nại cũng là một cách đấu tranh để liên kết với những người còn tốt trong Đảng. Theo điều lệ Đảng, việc khiếu nại sẽ lên đến Ban Kiểm tra Trung Ương và ra tới Đại hội Đảng. Đó là một quá trình dài để đấu tranh. Mặc dù rất muốn tuyên bố ra khỏi đảng, tôi không thể làm một mình, vì trong hoàn cảnh lúc đó, anh Quốc và tôi đang cùng một cuộc chiến đấu, cùng chung số phận, không tiện tách ra, nên tôi nghe theo anh. Thực tế sau 6 tháng kiểm điểm và đấu tranh trong nội bộ Đảng bộ Tỉnh Lâm đồng, chúng tôi bị khai trừ. Anh Quốc tiếp tục việc của mình và cuộc đấu tranh của anh đã gây tiếng vang, được sự ủng hộ của một số người tốt trong Đảng như anh đã viết trong bài "Ba mươi năm giấc mơ Việt". Riêng tôi, không lâu sau tôi không còn quan tâm nữa vì đã đi đến dứt khoát, đoạn tuyệt. Việc vào Đảng đối với chúng tôi, và có thể cùng với một số người cùng hoàn cảnh, có ý nghĩa đặc biệt. Đó là sự gặp gỡ và gắn bó với những người đồng chí hướng trong cuộc chiến đấu có tính cách sinh tử vì một lý tưởng trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của Việt Nam. Điều này rất khác với việc vào Đảng ở thời bình hay ở các nước có tự do dân chủ. Sau này khi xuất bản cuốn "Nửa đời nhìn lại" (NXB Thế Kỷ, Hoa Kỳ, 1994), một số nhà văn hải ngoại đã có nhận xét về chuyện này: "Nửa đời nhìn lại, hắn chỉ thấy toàn những chuyện không đâu vào đâu, nhưng bi đát, cho chính bản thân hắn và cho đất nước hắn. Tại sao? Có lẽ câu trả lời nằm ngay ở đầu cuốn sách qua lời của bí thư: "Nếu đồng chí hết lòng với đảng…" Tại sao lại có chuyện "hết lòng với đảng"? Đảng Cộng Sản, hay đảng Tự Do, hay đảng gì gì đi nữa thì cùng lắm cũng chỉ là một công cụ để thực hiện một lý tưởng. Dụng cụ đã hư hỏng thì vứt bỏ, tại sao lại phải hết lòng với dụng cụ? Cái nhảm là ở chỗ đã tuyên thệ tuyệt đối trung thành với đảng. Và đó là cội nguồn của mọi nhảm nhí bắt buộc sau đó." Phù Du (Thông Luận 5/1994) Nhận xét này chỉ đúng một phần. Đảng đối với chúng tôi không đơn thuần chỉ là một công cụ. Người khác lý giải vấn đề một cách "cận nhân tình" hơn: "Trong cuốn Paroles d'homme, ông Garaudy kể lại cái đêm cuối cùng của ông với đảng cộng sản Pháp. Trí thức cấp bự của đảng, ông đã công khai phê bình đường lối của đảng. Hậu quả tất yếu là kỷ luật và khai trừ. Nhưng hồi đó cũng đã có "đổi mới": ông được phép phát biểu trước hội nghị đảng. Ông đọc bài diễn văn dài của ông trong một bầu khí lạnh ngắt im lặng. Diễn văn ông chấm dứt: không một lời phản đối, không một cử chỉ tán đồng, không một cái nhìn. Ông đi ra khỏi phòng hội nghị. Cô độc. Lần đầu tiên trong đời, ông nghĩ đến tự vẫn. Rồi không hiểu do một thứ linh cảm nào, ông lái xe như trong cơn mê. Chiếc xe đưa ông tới căn phòng người vợ cũ đã ly dị từ nhiều năm. Đêm khuya. Ông gõ cửa. Cửa mở. Bàn đã sắp. Mâm đã đặt. Cơm đã dọn sẵn cho hai người. Người tình cũ biết ông sẽ tới đêm nay. Đối với một số đảng viên đảng cộng sản, chuyện đảng là chuyện tình và chuyện thất tình. Trong Nửa Đời Nhìn Lại, Bảo Cự viết "Tâm trạng của anh phải chăng là tâm trạng củamột kẻ có người tình phản bội?". Đó là tâm trạng của Hoài khi nghĩ tới chuyện bỏ đảng. Sau khi bị khai trừ, Hoài–Bảo Cự thú nhận: "Minh Hương và tôi đã lường trước mọi điều, lý giải chúng đến tận cùng, kể cả tình huống bị khai trừ đảng. Nhưng điều gì đó khác thường vẫn xảy ra trong lòng Minh Hương và tôi […] Một chút nao lòng. Một cơn đau nhẹ. Thấm dần, thấm dần. Len giữa những lý luận. Len giữa những cuộc gặp gỡ bạn bè…" ( tr 287). "Len giữa những lý luận!" Hiểu rồi. Người ta tống ra khỏi đảng mà còn thế, huống chi trước kia! Trước kia rõ ràng là "len át những lý luận". Le coeur a ses raisons. Ôi cái lý của tình, khéo là trói buộc cái lý của lý. Muốn thông cảm với những người như Hoài nên nghĩ tới cái gì " xảy ra trong lòng" trước khi "lý giải" cái gì diễn ra trong đầu. Mây Đầu Non nói đúng: Hoài là anh "cộng sản dỏm". Vợ Hoài cay chua: " Em không có lý luận bằng anh nhưng rồi anh sẽ sáng mắt ra".Thâm lắm nàng Vy. Hoài sẽ sáng mắt ra khi nào anh bớt lý luận để biện hộ cho đảng như một kẻ si tình. Tốt nhất là anh đừng lý luận, lý giải, chỉ mở to đôi mắt nhìn vào thực tại sẽ thấy ngay cái đảng anh quý mến là một ảo tưởng hoàn toàn xa lạ và trái ngược với cái đảng có thực. Anh sẽ nhận ra ngay rằng mối tình giữa anh và đảng cộng sản là một sự lầm lẫn thảm hại: anh đã yêu thương một guồng máy vô nhân đạo, anh đã khoác vào cỗ máy đảng tất cả lý tưởng trong sáng và mãnh liệt của đời mình để rồi anh tôn vinh nó và để nó nghiền nát anh. Anh phải mất đảng để mất hết: mất hết ảo tưởng và lấy lại được lý tưởng, tìm lại được chính mình… "Hoài đặt cây đàn xuống, nhìn qua cửa kính, cơn mưa đang ào ạt bên ngoài: - Thế mà có lúc, hồi mới giải phóng, khi làm công tác đoàn, nói chuyện với thanh niên, anh đã phê phán những bài hát này và cả những người hát nó[…]. Anh đã cuồng tín và cực đoan khi tiếp thu chủ nghĩa cộng sản. Bây giờ, ngược lại, anh cảm thấy trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những bản tình ca, những lời yêu thương, những nỗi muộn phiền riêng tư vẫn mãi mãi bất tử vì đó chính là con người. Con người cao hơn và trường cửu hơn chủ nghĩa cộng sản hay bất cứ chủ nghĩa nào" Đỗ Mạnh Tri (Thông Luận tháng 7-8/1984) Nếu thừa nhận có một thứ lý tưởng gọi là "lý tưởng cộng sản" và có những người gọi là "cộng sản chân chính", khác với các đảng cộng sản, chủ nghĩa cộng sản, chế độ cộng sản ở những nước độc tài toàn trị mà lịch sử đã chứng minh là tội ác của nhân loại, đáng vứt vào sọt rác lịch sử, thì cách nhìn nhận vấn đề vào đảng, bỏ đảng sẽ đầy đủ, sâu sắc hơn và có thể mở ra một hướng đi. Khái niệm này có lẽ sẽ gây ra rất nhiều tranh cãi và ý kiến nghịch chiều. Đảng CSVN hôm nay rõ ràng không còn gì chung cùng với những người cộng sản chân chính như thế cả. Nếu không có sự phân ly, tất cả lý do đều không còn chính đáng hay được biện minh. Dù thế nào, cho đến tận hôm nay, tôi vẫn còn bị lôi cuốn bởi lời bài Quốc tế ca: "Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian. Vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn" Bao nhiêu người trên trái đất này còn bị đọa đày. Ở Việt Nam, người dân bị bóc lột, cướp đoạt đến cùng quẫn không những chỉ bởi bộ máy cường quyền và các nhóm lợi ích trong giai cấp thống trị mới mà còn bởi không ít các doanh nghiệp tư bản ngoại quốc chỉ vì lợi nhuận. Tuy nhiên tôi không đồng ý với câu "Bao nhiêu lợi quyền tất qua tay mình" hẹp hòi ích kỷ và càng không đồng ý "Đấu tranh này là trận cuối cùng". Cuộc đấu tranh không bao giờ kết thúc khi còn loài người, còn bất công áp bức nhưng nên là cuộc đấu tranh không đổ máu và hận thù chứ không phải bằng chuyên chính vô sản, đấu tranh giai cấp và bạo lực cách mạng đầy máu và nước mắt như các Đảng Cộng sản đã tiến hành nhưng không bao giờ thực hiện được lý tưởng cộng sản. (20/11/2018) | ||||||||||
Bị cáo Phan Văn Vĩnh khai thực hiện theo chỉ đạo của đại tướng Trần Đại Quang Posted: 22 Nov 2018 06:55 PM PST
Theo cáo trạng vụ đánh bạc nghìn tỉ do Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ CA bảo kê, đầu năm 2016, cựu thiếu tướng, cựu cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao Nguyễn Thanh Hóa, trao đổi với Phan Văn Vĩnh hình thành ý tưởng xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng và giao cho Công ty đầu tư phát triển an ninh CNC thực hiện. Ngày 11.1.2016, Nguyễn Văn Dương, ký báo cáo số 6 gửi cựu cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa về "kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng". Tháng 3.2016, Phan Văn Vĩnh chỉ đạo Nguyễn Thanh Hóa về nội dung xây dựng lộ trình phát triển Công ty CNC, mục tiêu chính là xây dựng "Hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng". Nhưng để có điều kiện thực hiện thì Công ty CNC cần tập trung xây dựng hệ thống mạng xã hội, cổng thanh toán trực tuyến để thu thập thông tin, nắm bắt tình hình tội phạm và có nguồn thu để lấy kinh phí xây dựng hệ thống phòng thủ. Ngày 7.3.2016, Nguyễn Thanh Hoá chỉ đạo cấp dưới soạn thảo công văn 336/C50-P1 để Nguyễn Thanh Hoá ký báo cáo Phan Văn Vĩnh về việc đề xuất lộ trình phát triển công ty nghiệp vụ trực thuộc Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, có nội dung: "…thông qua cổng thanh toán CNC, công ty đã thâm nhập hệ thống thanh toán trực tuyến, hệ thống chuyển tiền trên thị trường…", và đề xuất "Lộ trình phát triển Công ty CNC xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng". Ngày 17.3.2016, Nguyễn Thanh Hoá tiếp tục chỉ đạo cấp dưới soạn thảo văn bản số 712/C41-C50 để Phan Văn Vĩnh ký gửi Bộ trưởng Bộ Công an, đề xuất lộ trình phát triển công ty nghiệp vụ thuộc Tổng cục Cảnh sát. Nội dung văn bản phản ánh Công ty CNC phục vụ rất hiệu quả trong công tác chuyên môn của C50 và Tổng cục Cảnh sát, nhưng thực tế Công ty CNC đang hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet qua đoạn: "Thông qua cổng thanh toán CNC, Công ty đã thâm nhập hệ thống thanh toán trực tuyến, hệ thống chuyển tiền trên thị trường nhằm nghiên cứu, nắm bắt phương thức, thủ đoạn rửa tiền, kỹ thuật, công nghệ, đặc tính, hành vi và cách tổ chức hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao…". Ngày 23.5.2016, đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, có bút phê: "Kính gửi anh Vương chỉ đạo, chú ý không trùng chức năng của Cục An ninh mạng". Ngày 29.3.2016, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương có bút phê: "Tổng cục Cảnh sát thực hiện ý kiến của Bộ trưởng". Khai nhận trước tòa, bị cáo Phan Văn Vĩnh cho biết, ngày 17.3.2016, Tổng cục Cảnh sát có văn bản trình Bộ trưởng Trần Đại Quang về lộ trình phát triển Công ty CNC là công ty nghiệp vụ, có đề cập đến hệ thống phòng thủ quốc gia, an ninh mạng, lộ trình phát triển của nó. Sau đó, ngày 25.3.2016, Bộ trưởng có bút phê gửi ông Lê Quý Vương, ngày 29.3.2016 có bút phê gửi Tổng cục Cảnh sát thực hiện theo ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công an. "Sau đó, theo ý kiến chỉ đạo này, Tổng cục Cảnh sát thực hiện. Ngày 20.5.2016, Cục trưởng C50 là anh Nguyễn Thanh Hóa có tờ trình bị cáo với văn bản 1155. Như vậy, bị cáo khi đó là đang thực hiện theo ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công an", bị cáo Vĩnh khai trước tòa. Nếu bị cáo Vĩnh khai như thế và có thật thì đúng là Bộ Công an muốn làm gì thì làm. Nguyễn Hoài Nam (FB Nguyễn Hoài Nam) |
You are subscribed to email updates from Dân quyền. To stop receiving these emails, you may unsubscribe now. | Email delivery powered by Google |
Google, 1600 Amphitheatre Parkway, Mountain View, CA 94043, United States |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét