“Giải mã vì sao thượng đỉnh Mỹ-Triều ‘không ký được gì’ ở Hà Nội” plus 3 more |
- Giải mã vì sao thượng đỉnh Mỹ-Triều ‘không ký được gì’ ở Hà Nội
- NGƯỜI VIỆT ĐƯỢC GÌ VỚI TRUMP-KIM HÀ NỘI ?
- BA NGÀY, MẤT TOI 9 TRIỆU?
- BỤI SIÊU MỊN, MỖI NGÀY TA “TIÊU THỤ” BAO NHIÊU?
Giải mã vì sao thượng đỉnh Mỹ-Triều ‘không ký được gì’ ở Hà Nội Posted: 28 Feb 2019 02:40 PM PST
Theo tiết lộ của ông Trump tại cuộc họp báo, Bắc Hàn muốn lệnh trừng phạt được xóa hoàn toàn, nhưng "chúng tôi không thể làm vậy". "Đôi khi bạn phải từ chối và lần này là vậy," ông Trump nói thêm. Ông Trump cho hay: "Họ muốn dỡ bỏ trừng phạt, nhưng không chịu làm đúng lĩnh vực chúng tôi muốn." "Họ sẵn sàng cho chúng tôi một số nơi nhưng lại không phải nơi chúng tôi muốn." Ông Trump nói việc dỡ bỏ khu hạt nhân Yongbyon đã được đề cập ở Hà Nội nhưng "không đủ". "Phải nhiều hơn. Nhưng ông ấy muốn mọi trừng phạt phải xóa đi đầu tiên." Tổng thống Mỹ còn cho hay Mỹ đã nêu ra các địa chỉ vũ khí bí mật của Bắc Hàn, gồm cả "kế hoạch làm giàu uranium" mà chưa từng được báo chí đăng tải. "Họ ngạc nhiên là chúng tôi biết hết," ông Trump bảo. Có mặt cùng tổng thống ở buổi họp báo, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói việc không đạt thỏa thuận ở Hà Nội chưa có nghĩa là việc giải giáp hạt nhân đã bế tắc. "Tôi vẫn lạc quan," ông Pompeo nói. Ông Pompeo bày tỏ hy vọng hai phía sẽ mở lại đàm phán cấp chuyên viên "trong những ngày, tuần sắp tới". Trước đó, hai nhà lãnh đạo được mong đợi đưa ra tuyên bố về tiến trình phi hạt nhân hóa. Chia sẻ tại buổi họp báo sau hội nghị tại Hà Nội, ông Trump cho biết chưa có kế hoạch nào cho buổi hội nghị lần ba. Theo kế hoạch ban đầu, Nhà Trắng đã lên kế hoạch trong ngày cho "Lễ Ký kết thỏa thuận chung" cũng như một buổi ăn trưa làm việc cho hai nhà lãnh đạo, nhưng kế hoạch này đã không được thực hiện do cả hai cùng hủy bỏ đột ngột. Nam Hàn cho biết kết quả của cuộc đàm phán là "đáng tiếc", nhưng họ tin tưởng rằng Mỹ và Bắc Hàn đã "đạt được những tiến bộ có ý nghĩa hơn thời gian trước". Chuyện gì xảy ra vào ngày 28/2? Ngày đầu tiên, 27/2, chứng kiến lãnh đạo Mỹ và Bắc Hàn gặp nhau ngắn 20 phút ở khách sạn Metropole, rồi ăn tối cùng trợ lý. Ngày thứ hai, 28/2, mở đầu trong khi dư luận tưởng rằng sắp có thỏa thuận nào đó công bố. Theo kế hoạch, ngày 28/2 sẽ gồm cuộc gặp trực tiếp, ăn trưa, và lễ ký kết. Ông Trump và Kim đi bộ dọc hồ bơi khách sạn. Thậm chí ông Kim còn phát biểu với báo chí quốc tế rằng ông không tới Việt Nam làm gì nếu đã không có thiện chí. Ông Kim nói ông hoan nghênh ý tưởng mở văn phòng liên lạc của Mỹ ở Bình Nhưỡng, và ông Trump cũng tán thưởng. Nhưng sau đó, khi phóng viên được báo hiệu chuẩn bị cho họp báo, thì tình hình thay đổi. Tin đồn loan ra rằng họp báo sẽ diễn ra sớm hai tiếng. Sau đó Nhà Trắng xác nhận tin đồn, rồi lại cho hay rằng hai lãnh đạo không có thỏa thuận gì nhưng sẽ gặp lại nhau dịp nào đó. Ăn trưa và lễ ký bị hủy bỏ. Rồi ông Trump tổ chức họp báo với ngoại trưởng Mỹ, trước khi ra máy bay ở sân bay Nội Bài về nước. Đâu là mấu chốt của vấn đề? Theo Tổng thống Trump, ông Kim đề nghị sẽ tháo dỡ toàn bộ khu liên hợp Yongbyon - cơ sở nghiên cứu và sản xuất trọng yếu trong chương trình hạt nhân của Bắc Hàn. Nhưng đổi lại, ông Kim muốn Mỹ dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt - điều mà Mỹ đã không chuẩn bị để thương thảo. Một câu hỏi về mạng lưới các cơ sở hạt nhân khác ngoài Yongbyon cũng đã được đặt ra. Tháng trước, Stephen Biegun, Đại diện đặc biệt của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Bắc Hàn nói, tại các buổi đàm phán trước hội nghị, Bắc Hàn nói sẽ phụ thuộc vào các biện pháp của Mỹ để cân nhắc phá hủy tất cả cơ sở phát triển các chất phóng xạ hạt nhân (plutonium và uranium). Yongbyon ở Bắc Hàn được biết đến là nguồn sản xuất plutonium duy nhất, nhưng quốc gia này được cho là còn có ít nhất hai cơ sở sản xuất uranium khác. Các biện pháp của Mỹ nay được hiểu là việc dỡ bỏ tất các lệnh trừng phạt, điều mà Tổng thống Trump sẽ không đồng ý. Tại buổi họp báo, Tổng thống Trump cho biết ông Kim chỉ đề nghị hủy bỏ Yongbyon chứ không phải toàn bộ hệ thống hạt nhân ở Bắc Hàn. Tổng thống Trump nói khi ông nhắc đến một cơ sở hạt nhân khác ngoài Yongbyon, phái đoàn Bắc Hàn đã tỏ ra "ngạc nhiên" bởi những gì ông Trump biết.
Đây là bước lùi của Trump? Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên của hai nhà lãnh đạo diễn ra tại Singapore hồi tháng 6/2018 bị chỉ trích vì không đạt được nhiều thỏa thuận. Ông Trump được mong đợi sẽ đạt được thỏa thuận về phi hạt nhân hóa tại hội nghị lần hai tại Hà Nội. Thất bại lần này sẽ được xem như là một bước lùi đối với một nhà giao dịch tự phong như ông Trump, người đã nói về mối quan hệ lịch sử của mình với ông Kim như một thành tựu chính sách quan trọng. Hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong bối cảnh ông Trump đang phải đối mặt với sự giám sát gia tăng ở Mỹ về các giao dịch kinh doanh và cáo buộc có quan hệ với Nga, sau khi ông Michael Cohen - luật sư cũ của Trump ra làm chứng trước quốc hội hôm thứ Tư. Phi hạt nhân hóa nghĩa là gì? Cả Mỹ và Bắc Hàn chưa đưa ra quan điểm rõ ràng về phi hạt nhân hóa. Trước đó Washington nói rằng, Bắc Hàn phải đơn phương từ bỏ vũ khí hạt nhân và hủy bỏ tất cả các cơ sở hạt nhân trước khi việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt được cân nhắc. Trong khi đó, quan điểm phi hạt nhân hóa của ông Kim được cho là một thỏa thuận chung mà theo đó Mỹ phải rút lực lượng quân sự khỏi bán đảo Nam Hàn. Khi được hỏi tại cuộc họp báo hôm thứ Năm, ý nghĩa của việc phi hạt nhân hóa là gì, ông Trump nói: "Đối với tôi điều đó khá rõ ràng, chúng ta phải loại bỏ hạt nhân". Ông Trump cho biết phái đoàn Mỹ "có một vài lựa chọn và lần này chúng tôi quyết định không thực hiện bất kỳ lựa chọn nào". Ông nói thêm rằng ông cảm thấy "lạc quan" và cho biết các cuộc đàm phán đã giúp hai quốc gia "đạt được vị trí để có một kết quả thực sự tốt" trong tương lai. Mối quan hệ Mỹ - Bắc Hàn sau hội nghị sẽ ra sao? Hai nhà lãnh đạo tỏ vẻ hòa hợp tại hội nghị tại Hà Nội, giống như điều họ đã làm tại hội nghị trước đó ở Singgapore. Cả hai đi bộ bên hồ bơi cho các phóng viên chụp ảnh dù không nói gì nhiều. Sau cuộc hội đàm tại Hà Nội, ông Trump nói ông Kim là "một người đàn ông ít nói" và mô tả mối quan hệ của cả hai là "rất mạnh mẽ". Mặc dù không đạt được thỏa thuận gì, hội nghị thượng đỉnh lần hai đã vẫn được xem như là bước tiến quan trọng trong việc phát triển mối quan hệ của hai quốc gia. Cuối năm 2017, họ đã đe dọa lẫn nhau khi ông Trump gọi ông Kim là "người đàn ông tên lửa nhỏ", còn ông Kim gọi ông Trump là "ông già loạn trí". Trước hội nghị, đã có một cuộc đàm phán về khả năng tuyên bố kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Và giờ đây, với việc hội nghị Trump-Kim kết thúc đột ngột, mục đích của cuộc đàm phán nói trên chắc sẽ còn lâu mới đạt được. Hàn Quốc thiệt hại nhất? Cơ quan nghiên cứu IHS Markit nói Hàn Quốc là bên thiệt hại nhất sau khi hội nghị Hà Nội không đạt thỏa thuận. Theo IHS Markit, tỉ lệ ưa chuộng của dư luận với tổng thống Moon Jae-in đã giảm thường xuyên. Tỉ lệ này chỉ tăng ngắn ngủi khi xảy ra hội nghị liên Triều tháng Chín 2018. Vì vậy, khi không có tiến bộ về Bắc Hàn, IHS Markit nói ông Moon chỉ còn dựa vào chính sách đối nội để thu hút cử tri. Nhưng cử tri Hàn Quốc thì đã phê phán chính phủ vì không cải thiện được các số đo kinh tế ví dụ như thất nghiệp. IHS Markit cũng nói nay tăng thêm rủi ro ngoại giao Mỹ - Triều đổ vỡ. Theo tổ chức này, Kim Jong-un sẽ khó giữ mặt mũi với trong nước khi không đạt kết quả cụ thể. Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc bình luận: "Dự kiến ông Trump sẽ đối diện chỉ trích nặng nề hơn về ngoại giao của ông với Bình Nhưỡng từ giới chỉ trích ở Washington DC. Nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế liên Triều của Hàn Quốc có lẽ sẽ gặp thất vọng nặng nề. Còn ông Kim sẽ phải nghĩ lại chiến lược của mình, vì tiếng nói của giới chức quân đội cứng rắn trong nước có thể tăng thêm một chút." Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa phát biểu nói nước này mong Hoa Kỳ và Bắc Hàn "tiếp tục đối thoại và tôn trọng những quan ngại của nhau". Cho đến giờ này, Bắc Hàn chưa ra tuyên bố gì. Ông Kim Jong-un không mở họp báo giống Donald Trump, và dư luận đang chờ xem liệu Bình Nhưỡng có phát ngôn gì hôm nay hay không. Trong một tin liên quan, truyền thông Hàn Quốc nói tàu hỏa màu xanh của ông Kim Jong-un hiện đang đậu tại Nam Ninh, Trung Quốc. Có đồn đoán có thể ông Kim sẽ phải đi máy bay tới Trung Quốc, rồi mới dùng tàu hỏa quay về Bình Nhưỡng. Trong kịch bản này, có thể tàu hỏa Bắc Hàn sẽ chờ ở Bắc Kinh hay Quảng Châu. Nhà lãnh đạo Bắc Hàn còn ở lại Việt Nam, và sẽ mở đầu chuyến thăm chính thức hai ngày từ thứ Sáu 1/3. https://www.bbc.com/vietnamese/world-47405619 | ||||||||
NGƯỜI VIỆT ĐƯỢC GÌ VỚI TRUMP-KIM HÀ NỘI ? Posted: 28 Feb 2019 02:20 PM PST Phạm Trần Đảng và Nhà nước CSVN đã lợi dụng Thế giới thông tin về cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Bắc Hàn để bán thương hiệu "Hà Nội - thành phố vì hoà bình" và "Việt Nam là nơi hòa giải". Nhưng "hòa bình" theo nghĩa không còn chiến tranh, hay nơi là "nguồn gốc của chiến tranh huynh đệ tương tàn của người Việt Nam" ? Và, liệu Việt Nam có thật sự là "nơi hòa giải" của dân tộc Việt Nam hay chỉ là chỗ dừng chân tạm thời cho Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch tối cao Bắc Hàn Kim Jong un trong hai ngày 27 và 28/02/2019 để họ bàn về khả năng giải giới vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn và chấm dứt vĩnh viễn lo ngại tái diễn chiến tranh Hàn Quốc ? Lý do Việt Nam được chọn, theo ý của Mỹ và cá nhân ông Trump, vì Bắc Hàn có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Nhất là Việt Nam và Mỹ từng là thù địch trong chiến tranh mà đã biết quên đi qúa khứ để bắt tay hợp tác phát triển kinh tế, biến Việt Nam chậm tiến thành một quốc gia có mức phát triển kinh tế cao ở Đông Nam Á. Vì vậy, ông Trump đã công khai nói nếu Chủ tịch Kim từ bỏ vũ khí nguyên tử thì sẽ có cơ hội để phát triển kinh tế giống như Việt Nam và Mỹ sẵn sàng ủng hộ. Báo Zing.VN viết:" Ông Trump gọi mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam là "ví dụ" về những gì Triều Tiên có thể trở thành nếu nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân." Đây là cuộc họp lần 2 giữa Mỹ và Bắc Hàn về triển vọng vãn hồi hòa bình cho nhân dân hai miền Nam-Bắc Triều Tiên. Cuộc họp Trump-Kim lần thứ nhất đã diễn ra tại Singapore hồi tháng 6/2018, nhưng không đem lại kết qủa cụ thể nào. CUỘC CHIẾN NAM-BẮC Nên biết cuộc chiến Hàn Quốc bắt đầu ngày 25/06/1950, bởi cuộc xâm lăng miền Nam qua Vỹ tuyến 38, chia đôi lãnh thổ, của 75,000 quân chính phủ miền Bắc, khi ấy là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên do Nga Xô hậu thuẫn ( The Democratic People's Republic of Korea). Quân miền Nam, Cộng hòa Đại Hàn (The Republic of Korea) được lực lượng của 16 quốc gia Liên Hiệp Quốc, do Hoa Kỳ lãnh đạo đã phản công và kết thúc cuộc chiến ngày 27/07/1953. Cuộc chiến, tuy chỉ dài hơn 3 năm nhưng đã gây thiệt hại nặng nề về người và của cho cả đôi bên. Về quân lính, căn cứ theo Bách khoa toàn thư mở: -Hoa Kỳ : chết và bị thương 128,650; mất tích 4,757. -Nam Hàn : 178,405 tử thương, 566,434 bị thương và 32,925 mất tích. -Bắc Hàn : từ 398,000 đến 533,000 chết, 686,500 bị thương và 145,000 hay cao hơn mất tích. Tổng số thường dân của cả hai bên chết và bị thương ước tính 2.5 triệu người. Tuy chiến tranh giữa người Hàn đã kết thúc 66 năm, tính từ 1953 đến 2019, nhưng hai miền Nam-Bắc vẫn trong tình trạng chiến tranh vì chỉ có "Hiệp định ngưng bắn" mà không có "Hiệp định hòa bình". Vì vậy có khoảng 28,000 quân Mỹ thường xuyên đồn trú ở Nam Hàn để đề phòng cuộc tấn công của Bắc Hàn. Nhưng đe dọa lớn nhất không những cho Nam Hàn mà cả cho Nhật Bản và Hoa Kỳ là số vũ khí nguyên tử Bắc Hàn đã chế tạo và tàng trữ. Số này ước tính của Tây phương là trên 60 vũ khí nguyên tử, kể cả loại hỏa tiễn có tầm bắn xa 13,000 dặm. Trước khi có cuộc họp ở Singapore tháng 6/2018, thỉnh thoảng Bắc Hàn vẫn cho thử nghiệm các hỏa tiễn mới bắn về phía biển Đông Á, giữa Nam Hàn và Nhật Bản khiến Thế giới lo âu, và là nguyên nhân Bắc Hàn bị Liên Hiếp Quốc, do Hoa Kỳ dẫn đầu, cấm vận. Vì bị thế giới cấm vận, cộng với nền kinh tế lạc hậu nên Bắc Hàn phải sống nhờ vào viện trợ, nhiên liệu và khí đốt từ Trung Hoa. Các nhà kinh tế độc lập ước tính Bắc Hàn có trên 25 triệu dân, nhưng kinh tế thuộc hạng kém mở mang, tùy thuộc phần lớn vào hầm mỏ. Ông Ri Jong Ho, một viên chức kinh tế cao cấp của Bắc Hàn đào thoát tiết lộ tại cuộc họp của tổ chức the Asia Society tại New York năm 2017 rằng người dân Bắc Hàn không đủ ăn. Đó là lý do mà, theo các nhà quan sát Á Châu, khiến nhà độc tài Kim Jong un, bằng lòng nói chuyện với Tổng thống Donald Trump với hy vọng đòi được bỏ cấm vận để đổi lấy cam kết về vũ khí nguyên tử. Ông Kim cũng dự trù đòi Mỹ rút quân khỏi Nam Hàn. TRUMP QUÊN NHÂN QUYỀN Bắc Hàn là một nước khép kín với thế giới bên ngoài, nhưng các vụ đàn áp dã man những ai có hành động hay tư tưởng chống đối, từ thời Kim Nhật Thành (Kim Il-sung, ông nội của Kim Jong un), qua đến người Bố là Kim Jong-il, đã bị lộ ra ngoài bởi những nạn nhân đào thoát khỏi Bắc Hàn. Họ nói chính phủ Bắc Hàn đã thiết lập nhà tù nhiều hơn trường học, nhưng từ sau những tuyên bố quan ngại về những vi phạm nhân quyền của Bắc Hàn cuối năm 2017, ông Donald Trump và tòa Bạch Ốc đã có thái độ im lặng về các vi phạm nhân quyền của Bắc Hàn, theo báo Washington Post, ngày 26/02/2019. Đó cũng là trường hợp của Việt Nam trong cuộc họp của ông Trump với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hôm 27/02 (2019). Theo báo của nhà nước Việt Nam, ông Trump đã tỏ ra "ấn tượng về lòng hiếu khách của người dân và sự phát triển rất ấn tượng của Việt Nam." "Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện phát triển thực chất và hiệu quả hơn trong thời gian tới….Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có tình hình Biển Đông….Tổng thống Donald Trump cảm ơn và đánh giá rất cao sự chủ động và thiện chí của Việt Nam trong việc cung cấp địa điểm cho Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai; khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm duy trì trật tự dựa trên luật lệ, thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực quan trọng này." (báo Quân đội Nhân dân, QĐND/27/02/2019) Các báo-đài khác của Việt Nam cũng đưa tin tương tự. Như vậy, điều mà nhiều người Việt Nam tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền trong nước và hải ngoại trông đợi ông Trump sẽ đề cập vấn đề nhân quyền và đòi trả tự do cho hơn 100 tù nhân chính trị đang bị giam cầm đã không xẩy ra. Cũng bị gạt ra ngoài là lá thư của 3 Dân biểu Alan Lowenthal (Dân Chủ), Chris Smith (Cộng Hòa), và Zoe Lofgren (Dân Chủ) yêu cầu ông Trump cần quan tâm đến những vi phạm nhân quyền của Chính phủ Việt Nam khi ông có mặt ở Hà Nội. Ngược lại, ông Trung đã cùng chứng kiến với ông Trọng trong buổi lễ ký các văn kiện hợp tác giữa hai nước. Theo tin của phía Việt Nam thì :" Hãng hàng không Bamboo Airways (thuộc tập đoàn FLC) đã ký thỏa thuận mua 10 máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner trị giá gần 3 tỷ USD với Tập đoàn Boeing (Mỹ). Hãng hàng không Vietjet cũng ký hợp đồng mua 100 tàu bay Boeing 737 Max với giá trị 12,7 tỷ USD, đồng thời ký kết thỏa thuận về dịch vụ dài hạn bảo dưỡng động cơ máy bay với Tập đoàn GE trị giá 5,3 tỷ USD." Như vậy là phía Việt Nam đã chi ra tổng cộng 21 tỷ dollars để mua hàng Mỹ trong chuyến đi Việt Nam của ông Trump. Báo chí Việt Nam còn viết:"Nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng ông đánh giá cao việc Việt Nam tin chọn và cân nhắc mua các thiết bị quân sự của Mỹ mà theo ông là các thiết bị quân sự tốt nhất thế giới hiện nay." Cho đến nay, Nga là nước bán nhiều vũ khí nhất cho Việt Nam. Trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 29 đến 31/05/2017, Việt Nam đã bỏ ra gần 15 tỷ USD, chủ yếu từ nhập khẩu các thiết bị dịch vụ từ Hoa Kỳ" Như vậy, khi Việt Nam khoe Hà Nội là thành phố hòa bình thì họ lại quên lịch sử đã chứng minh nơi đây cũng là chỗ bắt đầu các quyết định xua quân xăm lăng Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1960. Còn về "hòa giải" thì khi Ban Tuyên giáo hồ hởi tự khoe "Việt Nam là nơi hòa giải" thì lại không biết, sau 44 năm kết thúc cuộc chiền huynh đệ tương tàn, đảng CSVN vẫn ôm hận thất bại với Nghị quyết 36 (26/03/2004) về "Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài"." -/- (02/019)Phạm Trần | ||||||||
Posted: 28 Feb 2019 02:03 PM PST (Ấy là có thể còn tiếp, vì Kim chưa về) Buổi sáng vợ tôi bảo: - Hình như hai đứa ấy lại ngồi dưới kia. - Kệ xác chúng nó. Hôm nay anh chỉ tập trung làm việc. Khoảng 4g chiều, nghe thấy vợ tôi trả lời điện thoại: "Cô đã bảo rồi, yên tâm đi, chú không đi đâu cả. Chú bận lắm". Tôi bảo: "Đầu giờ chiều anh đã thấy tin hội đàm không thành công. Trump sẽ về sớm hơn dự định. Có khi ra sân bay rồi cũng nên, sao chúng nó còn gác kia chứ". Tôi liền vào mạng xem thông tin. Trump còn về sớm hơn mình tưởng. 3g10 ra sân bay, 4g kém 20 đã lên máy bay. Thế ra bọn này ngồi khoán hay sao? 5g10 tôi đi thể dục. Đi sớm hơn lệ thường, cũng để xem vẻ mặt vui mừng của 2 cô cậu AN đã "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ", nếu may ra nó còn ở đấy. Thì ra cô bé còn ở đấy thật, và vẻ mặt hớn hở thật. - Mày không về sao? Còn thằng nữa Ch. đâu rồi? - Bạn ấy ra kia có chút việc ạ. - Trump cút từ tám hoánh, ngồi đây làm gì nữa? - Ông Trump về nhưng còn ông Kim chưa về. - Sao mọi người đều được đón và tiễn Trump mà chú và các bạn chú thì không? - Đề phòng lỡ chú ra đường hô đả đảo ông Kim thì sao. - Thì ra thế. Đi canh là vì ông Kim chứ chả phải vì ông Trump. Mà thằng Kim thì chú cũng chả rồ ra đả đảo nó làm gì. Nhưng giả sử như thế thì có sai gì đâu? Ở các nước, hoan nghênh hay đả đảo một chính khách là chuyện thường. - Không sai nhưng xấu mặt quốc gia. - Giả sử là như thế đi nữa thì chỉ khi người ta có hành vi mới được ngăn cản, chứ quyền gì chặn người ta ở nhà? - Thì cháu đã bảo đề phòng thôi mà. - Đề phòng kiểu đó là tước quyền tự do đi lại, cháu hiểu chứ? Mà cực kỳ ngu xuẩn nữa. Giả sử bố mẹ cháu đề phòng cháu theo giai thì cũng không cho cháu ra khỏi nhà à? - Cháu thế nào bố mẹ cháu biết, bố mẹ cháu tin tưởng chứ. - Cháu nói thế nghĩa là chú và những người như chú không đáng tin? Căn cứ vào đâu vậy? (Im lặng) - Này, chắc đằng kia, đầu ra tầng hầm, còn một đứa nữa canh, nếu không chú đi tầng hầm thì sao? - Vâng, còn một bạn ngồi đằng ấy nữa. - Mỗi ngày ngồi canh thế này được thù lao bao nhiêu? - Không có đồng thù lao nào đâu, cháu thề. - Chú chả tin. Tôi nhẩm tính, lương cánh này ít ra cũng hơn chục triệu, bình quân 500.000đ/ ngày lao động. Mỗi ngày mỗi đứa đi canh thế này, ít ra 500.000đ thù lao nữa. Mỗi ngày 3 triệu cho ba đứa, 3 ngày là 9 triệu. Trời ơi, bằng 2 tháng lương cho những thanh niên mới đi làm (nếu làm công chức nhà nước còn không được thế). Ấy là tôi, loại "nhẹ", chỉ có 3 đứa canh. Nhiều bạn tôi còn bị đông hơn thế nhiều. - Cháu có thấy nước nào dám lãng phí như thế không? - Cháu chả biết. Cháu làm vì nhiệm vụ. - Nhưng người ta sai các cháu làm một việc sai trái, cháu phải ý thức được điều đó. Rồi từ những việc này mà các cháu vui vẻ làm, người ta tiếp tục sai các cháu làm những việc tồi tệ hơn thì sao? Cô bé thoắt cái chuyển đề tài: - A, hôm nào cháu cũng thấy chú đi bộ với một cái gậy. Cháu tò mò muốn hỏi: chú cầm gậy để làm gì vậy? - Thì chú tập bài gậy, bài mà người cao tuổi vẫn tập? Và đề phòng rắn rết nữa. - Chú đề phòng côn đồ nữa đúng không? - Chú đề phòng nhưng không có ý định đánh nhau với côn đồ. Chú già rồi. Với côn đồ, chú có cách trị nếu nó động đến chú. Thôi, ta quay trở lại đề tài đi. - Thôi, bây giờ cháu xin phép chú, cháu ra đây có tí việc… | ||||||||
BỤI SIÊU MỊN, MỖI NGÀY TA “TIÊU THỤ” BAO NHIÊU? Posted: 28 Feb 2019 01:56 PM PST Vũ Kim Hạnh Ngày 17/1/2019, báo Thanh Niên đăng lời cựu ngoại trưởng John Kerry: "Hà Nội ô nhiễm hơn Bắc Kinh, New Delhi". Trang FB anh Nguyễn Hà Hùng nhắc: Gần đây, chỉ số chất lượng không khí (AQI) nhiều nơi ở Hà Nội được cảnh báo là cực kỳ nguy hại, đặc biệt với trẻ nhỏ. 10 ngày trước, ngày 3/2/2019, tôi viết trên trang cá nhân: "Tết này ai đi du lịch Bangkok" về tình hình thủ đô Thái Lan chìm trong bụi mịn, đã có một số bạn hỏi, thật không, mình vừa đi du lich Thái về, chẳng thấy gì… CHẲNG THẤY GÌ? Vâng, cái chết người, chết thực sự, chính ở chỗ đó. Báo chí không đưa tin, phân tích, đặc biệt là chẳng cảnh báo và nêu giải pháp gì. Mỗi ngày tất thảy chúng ta đều vô tư hít BỤI SIÊU MỊN và lặng lẽ, phổi bạn nhiễm. độc, chết dần, còn phổi của con cháu bạn thì… Ai bảo vệ chúng? Sao người lớn chúng ta đành đoạn thế nhỉ? Hãy xem người Thái đối mặt với con quái vật "Bụi siêu mịn" này như thế nào? Báo chí đưa nhiều thông tin hơn. Họ đăng thông tin tập trung hơn VN gấp gần 20 lần và quan trọng là phân tích nguy hại, cảnh báo người dân, yêu cầu chính phủ hành động. Trong khi báo Thái kiến nghị, "Mười điều chính phủ phải làm để chế ngự khói bụi", hoặc "Chính phủ phải hành động", báo Việt Nam đến nay không thấy có bài nào tương tự. Trên face thì cũng thấy câu chuyện bụi siêu mịn nhưng thật thưa thớt. Và khi nạn ô nhiễm ở Bangkok còn ít nghiêm trọng hơn VN, đã thấy, Thủ tướng Thái xin lỗi nhân dân, Thống đốc Bangkok, được ủy quyền dẫn đầu một chiến dịch xử lý bụi mịn. Toàn bộ 437 trường công lập và các trường tư thục khác đóng cửa, học sinh nghỉ học. Người Thái đã nhận được nhiều khuyến cáo, trong đó có thông tin về sự cần thiết phải dùng khẩu trang chất lượng cao. Người VN mình, phản ứng như thế nào trước nạn bụi mịn: - Đành chịu chứ nói ai? - Thì mình kiếm đường di tản cả nhà từ từ, ai cũng phải tự cứu gia đình mình chứ? - Trăm ngàn thứ phải lo, ô nhiễm thì còn lâu chết hơn (!?!) - Thiếu điện thì than, muốn có điện phải chịu, cứ bài bác nhiệt điện nữa đi (ý kiến này chắc của DLV?). Những ngày qua, chưa thấy quan chức nào của Việt Nam thừa nhận hoặc phản bác. Càng chưa thấy ai nhận trách nhiệm. Chủ tịch UBND Hà Nội cho biết, "Hà Nội phấn đấu lắp 95 trạm quan trắc không khí vào năm 2020″. Ngoài ra, HN thực hiện chương trình trồng một triệu cây xanh". "Trắc" chỉ để chẩn đoán, không phải giải pháp. Còn cây xanh chừng nào mới trồng, mới lớn? Và chúng ta bỏ mặc trẻ con. Trang bị đủ thứ, nhà đẹp, trường tốt, xe sang, quần áo hiệu, du lịch châu Âu… nhưng chúng không thở được, không, chúng vẫn thở nhưng thở toàn bụi kịch độc siêu mịn, sao chúng ta bỏ mặc? Báo chí còn mải mê đi theo các đám đông, đông nghìn nghịt ở vô số chùa, đền, ai cũng lâm râm khấn cầu cho "quốc thái dân an" (!!!). Các bạn thanh niên thì mãi bận Valentine, rồi mai mốt đã có sẵn những xì xăng đan khác của mấy người nổi tiếng. Có phút nào chúng ta giật mình nghĩ về tử thần "siêu mịn" đang bao trùm cuộc sống chúng ta, chuẩn bị cướp đi sức khỏe, an toàn, tương lai và sinh mạng bọn trẻ? Cần nghĩ và hành động, trước khi quá muộn. Nguồn: Văn Việt ngày 15/2/2019 |
You are subscribed to email updates from Dân quyền. To stop receiving these emails, you may unsubscribe now. | Email delivery powered by Google |
Google, 1600 Amphitheatre Parkway, Mountain View, CA 94043, United States |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét