“39 người chết ở Anh: Lời nguyện giữa rừng sâu và mưu sinh bên trời Âu” plus 12 more |
- 39 người chết ở Anh: Lời nguyện giữa rừng sâu và mưu sinh bên trời Âu
- 3 xe khách đâm nhau nát đầu ở đường Hồ Chí Minh, khách bị thương la liệt
- Dự báo thời tiết tuần tới: Xuất hiện áp thấp nhiệt đới có thể mạnh thành bão
- 39 người chết tại Anh: 9 giờ hành xác bám gầm container đến nước Anh
- Nam thanh niên chết trong bụi cỏ ven đường ở Bình Dương
- Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói về cam kết đến cuối cùng Việt - Mỹ
- Điều chỉnh giờ làm: Phải uống rượu mới thành thơ
- Công chức làm việc hơn 8h, trưa không nghỉ, tối về muộn
- Tổng bí thư, Chủ tịch nước chủ trì họp Bộ Chính trị quyết định một số nhân sự
- Phó thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo mới về vấn đề Thủ Thiêm
- Vợ GĐ BV Tâm thần Thanh Hóa và 2 trưởng khoa chiếm đoạt 1,5 tỷ tiền thuốc
- Người đã chết vẫn còn nợ thuế, người thừa kế phải nộp
- Vụ chìm tàu ở Hà Tĩnh, rơi biển mất tích khi đang leo lên tàu cứu hộ
39 người chết ở Anh: Lời nguyện giữa rừng sâu và mưu sinh bên trời Âu Posted: 31 Oct 2019 09:39 PM PDT Trong giờ phút sinh tử giữa rừng sâu rét cắt da cắt thịt để đến nước Anh, việc duy nhất H. có thể làm là cầu nguyện. XEM CLIP: Thất bại trên hành trình đến "miền đất hứa" - vương quốc Anh, H. (30 tuổi, quê Nghệ An) sống lang thang ở Đức 2 năm rồi chuyển đến Pháp làm nghề xây dựng để trả món nợ khổng lồ ở quê nhà. H. từng vay mượn 17 nghìn USD để hy vọng đến nước Anh với mong ước đổi đời, thoát khỏi cảnh nghèo khó. 5 năm kể từ ngày nói lời tạm biệt gia đình, đến nay anh vẫn chưa 1 lần đặt chân đến Anh mà vẫn phải quẩn quanh ở Pháp. Hành trình vượt biên của H. bắt đầu từ một buổi sáng nước Nga vào đông, tuyết rơi và băng giá khiến anh tê buốt. Để đến được Anh, phải băng rừng sang Ba Lan, rồi qua Đức, Pháp.
"Hành trình của tôi khá dài. Từ Việt Nam phải làm visa du lịch đi sang Nga, sau đó đi theo hướng dẫn của dịch vụ. Họ nói đây là dịch vụ trọn gói đến Anh. Đến Nga, tôi và 4 người Việt khác phải chờ 2 tháng để được sắp xếp vượt biên, cùng với 1 người dẫn đường", H. kể. "Ban đầu, họ nói chỉ đi hết 1 ngày là đến, nhưng rồi kế hoạch thay đổi, chúng tôi phải băng rừng ròng rã 4 ngày trong giá lạnh, mưa. Vì không biết tiếng Nga nên họ chỉ đi đâu là tôi đi đó", lời anh H. Hành lý mà H. mang theo là 2 bộ quần áo mùa đông, lương khô, mì tôm và một ít bánh mì cùng 1,5 lít nước. Theo H,: "Số lương thực và nước mang theo chỉ đủ cho 2 ngày, nhưng đến ngày thứ 3, thứ 4 vẫn chưa kết thúc chuyến đi nên cả đoàn rất lo lắng. Tôi nhớ hôm đó là tối ngày thứ 3 trong chuyến hành trình, cả đoàn không ai còn giọt nước nào, khi thấy giữa rừng có cây bụi trên lá còn đọng sương, chúng tôi lấy áo thun thấm và vắt ra để lấy nước uống".
Theo H., đói, khát họ có thể vượt qua, nhưng vật lộn với cái giá lạnh cộng với mưa rừng mới là khủng khiếp. Đã có lúc anh nghĩ đến cái chết đau đớn và tuyệt vọng. "Đến giờ, cảm giác giá lạnh của những ngày băng rừng vẫn đeo bám tôi với sự ám ảnh tột cùng. Đêm xuống, rét như cắt da, cắt thịt, có lúc tôi tưởng như không thể chịu nổi. Khi ấy chỉ mong thấy 1 nhà dân, hoặc đồn biên phòng thì chấp nhận bị bắt với hi vọng duy nhất - sống sót. Rồi mấy anh em người Việt nằm lại cạnh nhau, co ro", anh H. nói. Trong giờ phút đứng giữa lằn ranh sinh tử ấy, việc duy nhất H. có thể làm là cầu nguyện, xin Chúa và Đức Mẹ chở che, tiếp thêm động lực để vượt qua. "Lúc ấy nhớ nhất về gia đình, cha mẹ, nghĩ nếu mình chết thì gia đình sẽ mang nợ. Cha mẹ không thể nào chi trả được khoản nợ đó nên tôi càng gồng lên để sống", H. trải lòng. Làm thợ xây ở Pháp trả món nợ đi Anh Kết thúc hành trình 4 ngày băng rừng trong giá lạnh, H. đặt chân đến Ba Lan, tại đây anh được đưa vào một nhà kho rồi nhập đoàn với 4-5 người khác đi cùng đến nước Đức. Thế rồi mọi con đường dẫn sang Anh bị chặn lại khi mọi cố gắng vượt biên đều thất bại. Chán nản, mệt mỏi và không còn lựa chọn khác với món nợ quê nhà, H. quyết định ở Pháp làm nghề xây dựng. "Ở Pháp, 2 công việc chính có thể làm là xây dựng và làm nail (sơn móng tay, chân). Nam giới đa phần chọn việc xây dựng dù bấp bênh, không đều việc. Đã mất 2 năm lang bạt, tôi không thể mất thêm thời gian để học nghề nữa nên phải lao động chân tay trước để chi trả tiền nhà, tiền ăn ở sinh hoạt", anh kể.
H. cho hay công việc xây dựng ở Pháp đòi hỏi mỗi người thợ phải biết rất nhiều việc. Từ việc ốp trần thạch cao đến làm hệ thống thoát nước, nhà vệ sinh, bảng điện. "Ở Pháp 3 năm, tôi làm thường xuyên, tay nghề cao hơn nên lượng việc cũng đều tay. Những ai mới vào thì phải mất ít nhất nửa năm làm quen mới có thể đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của những ông chủ người Pháp. Nói về bước ngoặt ở lại Pháp, H. ngậm ngùi: "Từ đầu vẫn mong muốn được đến Anh, nhưng rồi cuộc sống không như mong muốn, tôi vẫn phải sống với áp lực trả món nợ 17 nghìn USD khi đi Anh. Thu nhập ở đây dao động từ 20-30 triệu/tháng, tôi gửi về quê một phần để trả nợ". Năm 2018, anh H. đã trả gần hết nợ nần và tích cóp một khoản để chờ một ngày sẽ đầu tư làm ăn tại quê hương. "Nói thật, bây giờ tôi chưa để dành được nhiều, không biết bao giờ mới về được. Mấy năm đi nước ngoài về mà không có gì trong tay cũng rất hổ thẹn, sợ lại làm gánh nặng cho gia đình, tôi tự nhủ phải thành công thì mới về", H. nói. Ông Q. (bố anh H.) cho biết, H. đi làm ở châu Âu mấy năm nay. Ngày đi, gia đình vay toàn bộ tiền cho H., đến nay còn chưa trả hết. "Thời điểm đó con thích đi là cứ đi, mình không cản được nó. Giờ chỉ mong nó kiếm được ít vốn về quê sớm, lấy vợ sinh con là tôi vui", ông Q. chia sẻ.
Không riêng H., nhiều người Việt khác ở Pháp cũng đang làm lụng ngày đêm để trả món nợ đi Anh thất bại của mình. P. (28 tuổi, Nghệ An) bỏ ra 22 nghìn USD để có 1 chuyến bay sang Pháp với hi vọng đến được Anh. Nhưng rồi anh cũng bị rớt lại ở đây và chấp nhận làm thợ xây để trả nợ. "Trước lúc đi, tôi nghe đồn là ở Anh, Pháp sẽ kiếm được 70-80 triệu mỗi tháng, nhưng thực tế thì ngược lại. Những ngày đầu áp lực khủng khiếp khi mỗi ngày trôi qua mà không có việc làm", P. kể. P. sang Pháp từ năm 2018, đến nay mới chỉ gửi về nhà 5 nghìn USD để trang trải tiền lãi ngân hàng, và trả một phần nợ gốc. Câu chuyện của anh H. và P. là điển hình cho những lao động người Việt kém may mắn trên hành trình đến với nước Anh. Theo những gì họ chia sẻ, vì bị đặt vào thế không có lựa chọn nên đành "đâm lao phải theo lao". Đ.Bổng - Q.Huy - Đ.Hiếu - P.Tâm 9 giờ hành xác bám gầm container đến nước AnhTừ Pháp, anh T. (quê TP Vinh, Nghệ An) đã bám gầm xe container suốt 9 tiếng để đến nước Anh với giấc mơ đổi đời. | ||||||||
3 xe khách đâm nhau nát đầu ở đường Hồ Chí Minh, khách bị thương la liệt Posted: 31 Oct 2019 09:49 PM PDT Đang lưu thông trên đường Hồ Chí Minh, bất ngờ 3 ô tô khách xảy ra tai nạn, khiến nhiều hành khách trên xe bị thương. Vụ tai nạn xảy ra khoảng 23h tối 31/10, trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn xã Phước Xuân (huyện Phước Sơn, Quảng Nam). Vào thời điểm trên, xe giường nằm BKS 47B-018.56 do tài xế Phan Chí (SN 1979, trú huyện Krông Ana, Đắc Lắc) điều khiển chạy theo hướng Kon Tum - Đà Nẵng.
Khi qua xã Phước Xuân, xe giường nằm xảy ra tai nạn với ôtô khách BKS 47B-008.34 do Trương Tấn Nhã (SN 1972, trú huyện Buôn Đôn, Đắc Lắc) điều khiển đi theo hướng ngược lại. Cùng lúc này, xe giường nằm BKS 74B-007.70 do Nguyễn Đức Lục (SN1965, trú TP Đông Hà, Quảng Trị) chạy phía sau, đã đâm vào đuôi xe khách BKS 47B-008.34. Vụ tai nạn liên hoàn khiến 3 ô tô bị hư hỏng nặng, nhiều hành khách trên 3 xe bị thương, trong đó có người bị gãy chân. Nhận tin báo, Công an huyện Phước Sơn có mặt tại hiện trường điều tiết giao thông, điều tra nguyên nhân vụ tai nạn. Đến 3h sáng nay, giao thông trên tuyến đường Hồ Chí Minh được lưu thông trở lại. 2 vụ tai nạn trong đêm khiến 5 người thương vong ở Bình DươngChỉ trong một đêm, tại Bình Dương xảy ra 2 vụ tai nạn khiến 2 người chết tại chỗ, 3 người khác bị thương. Lê Bằng | ||||||||
Dự báo thời tiết tuần tới: Xuất hiện áp thấp nhiệt đới có thể mạnh thành bão Posted: 01 Nov 2019 05:27 AM PDT Ngày 4-5/11, vùng áp thấp có xu hướng hoạt động mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Khoảng 6/11, ATNĐ khả năng mạnh thành bão. Trung tâm dự báo KTTV quốc gia nhận định về tình hình thời tiết tuần tới. Khu vực Bắc Bộ: Ngày 2-8/11 chủ yếu không mưa, ngày nắng. Nhiệt độ cao nhất 25-28 độ, nhiệt độ thấp nhất từ 19-22 độ, vùng núi có nơi dưới 17 độ. Từ đêm 4/11 nhiệt độ giảm khoảng 1-2 độ. Trời lạnh về đêm và sáng.
Các tỉnh Trung Bộ: Ngày và đêm 2/11, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có mưa, mưa vừa, mưa to. Ngày 3-5/11, các tỉnh Đà Nẵng đến Khánh Hòa mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Từ 5-6/11 mưa lớn có khả năng gián đoạn. Đêm 7/11 mưa lớn trở lại và mở rộng ra phía Bắc (các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế). Nhiệt độ cao nhất phổ biến 26-29 độ, nhiệt độ thấp nhất ở mức 22-24 độ. Từ ngày 4-10/11, trên các sông ở khu vực Trung Bộ khả năng xuất hiện một đợt lũ. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng vùng trũng thấp tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ. Ngày và đêm 2/11, Tây Nguyên mưa rào và dông vài nơi. Từ 3-6/11, mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Ngày 7/11 mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Nhiệt độ ban ngày dao động từ 27-29 độ, đêm và sáng sớm nền nhiệt ở mức 19-21 độ. Trong mưa dông đề phòng lốc, sét, và gió giật mạnh. Từ 2-8/11, Nam Bộ ngày nắng, chiều tối có mưa dông, nhiệt độ cao nhất phổ biến 32-34 độ; nhiệt độ thấp nhất từ 24-27 độ. Ngày 4-10/11, trên các sông ở Tây Nguyên có thể xuất hiện một đợt lũ. Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập úng vùng trũng thấp tại các tỉnh thuộc khu vực này. Thời tiết Hà Nội: Từ 2-8/11 chủ yếu không mưa, ngày trời nắng. Ngày 2/11 có mưa và mưa rào. Nhiệt độ cao nhất khoảng 26-28 độ, thấp nhất từ 19-21 độ. Từ đêm 4/11 nhiệt độ giảm 1-2 độ. Trời lạnh về đêm và sáng. Thời tiết biển: Khoảng ngày 3/11, dải hội tụ nhiệt đới có xu hướng hoạt động mạnh dần lên trên khu vực giữa Biển Đông. Trên giải hội tụ nhiệt đới này khả năng xuất hiện một vùng áp thấp. Ngày 4-5/11, vùng áp thấp xu hướng hoạt động mạnh lên thành ATNĐ. Từ 6/11, ATNĐ có thể mạnh thành bão, sau đó di chuyển về phía Tây và khả năng đi vào các tỉnh Trung Bộ khoảng ngày 8-9/11. Thái An Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói về 'cam kết đến cuối cùng' Việt - MỹTa cam kết với Mỹ về tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh, sẽ cùng họ tìm đến người cuối cùng. Mỹ cam kết cùng ta khắc phục đến điểm cuối cùng nhiễm dioxin. | ||||||||
39 người chết tại Anh: 9 giờ hành xác bám gầm container đến nước Anh Posted: 31 Oct 2019 12:16 AM PDT Từ Pháp, anh T. (quê TP Vinh, Nghệ An) đã bám gầm xe container suốt 9 tiếng để đến nước Anh với giấc mơ đổi đời. XEM CLIP: Trong khi cảnh sát Anh điều tra vụ việc 39 thi thể phát hiện trong container ở hạt Essex, nhiều người lao động trở về từ "miền đất hứa" kể lại những lần "chết hụt" để có cơ hội làm việc ở đây. Anh L. (Nghệ An) sang Anh từ năm 2003 bằng 1 tấm vé đi xem bóng đá. Hơn một thập kỷ bám trụ ở Anh, anh chứng kiến nhiều cuộc nhập cư "hành xác" mà sự đánh đổi là một mất, một còn. Theo anh L., những người Việt đến Anh thường làm 2 công việc chính là trồng cỏ, hoặc làm "nail" (sơn móng tay, chân).
"2 nghề này người Việt, đặc biệt là người Nghệ An rất chịu khó, học nhanh và tay nghề cao. Học trồng cỏ chỉ mất khoảng 10 ngày, còn làm nail tốn thời gian hơn, khoảng nửa năm", anh L. nói. Anh cho biết, lao động Việt Nam thường đi sang nước ngoài, từ đó làm giả giấy tờ rồi đến các nước châu Âu như Đức, Pháp, Bỉ rồi bằng nhiều cách tìm cơ hội đến Anh. Tùy vào mức độ mạo hiểm hay an toàn mà mức chi phí cho việc sang Anh có sự chênh lệch đáng kể. Con đường an toàn nhất và chi phí tốn kém nhất là ngồi sau ca-bin xe container, môi giới sẽ làm việc với các chủ xe tải từ các nước sang Anh, khoang ca bin sẽ chứa được khoảng 3-4 người. Khi qua các trạm kiểm soát, tài xế sẽ dùng nhiều cách để che giấu lao động. Đi trót lọt, mỗi lao động sẽ bỏ ra khoảng 16 nghìn USD (tương đương hơn 400 triệu đồng). chưa tính chi phí cho những hành trình trước đó. Con đường mạo hiểm hơn, theo anh L. là chui vào các thùng container từ Pháp hoặc Bỉ rồi vượt biên sang Anh. Cách đi này nhiều người gọi là đi "cỏ" với chi phí tiết kiệm nhất nhưng cũng rất mạo hiểm.
Nhưng, câu chuyện bám gầm xe container của anh T. (Nghệ An) mới là hành trình đầy ám ảnh. Anh T. tìm đường đến Anh từ năm 2009. Nỗi ám ảnh nhất vẫn còn đeo bám anh đến hôm nay là hành trình xuyên đêm bám gầm xe container từ Pháp sang Anh. "Có người đưa cho tôi 1 tấm ván để buộc dưới gầm xe tải và nằm lên, bắt đầu hành trình mà bản thân không biết điều gì sẽ xảy đến", anh nói. Anh chia sẻ: "Hành trình của tôi bắt đầu lúc 2h sáng, xe đi qua các cung đường với tốc độ nhanh, khoảng 9 tiếng sau, khi lái xe ra tín hiệu và đi chậm lại, đến khu vực đông người thì tôi tự lăn khỏi tấm ván xuống đường, sẽ có người chờ đón ở đó". "Tôi sợ nhất những viên đá trên đường, khi xe đi với tốc độ nhanh sẽ bật đá vào gầm và trúng người. Khi ấy tôi chỉ biết nén đau, cầu mong bình an. Để nằm và bám trụ được trên tấm ván dưới gầm xe, tôi được nhóm người hướng dẫn và tập luyện trước đó nhiều ngày, tuy nhiên, rủi ro là điều tôi không thể biết trước. Tôi từng nghe câu chuyện về 1 người đồng hương tử vong khi đá bắn vào người, hoảng hốt ngã khỏi tấm ván và bị bánh xe container tước đi mạng sống", anh T. kể. Nằm lại giữa rừng sâu Để đến với "miền đất hứa", nhiều người chọn cách bay sang Nga rồi thuê người dẫn đường, băng qua rừng để đến Ba Lan, sau đó sẽ tìm cách đến Anh. Có người đã bị tụt lại, chơ vơ giữa rừng sâu…
Anh C. (quê Nghệ An) kể, năm 2014, thông qua môi giới, anh làm hộ chiếu bay sang Nga. Từ đây, anh cùng 3 người khác thuê một người Nga dẫn đường băng rừng, vượt suối để đến Ba Lan. Việc băng rừng rất gian nan, để kịp tiến độ, đoàn người phải tự lo cho bản thân. Có người mệt lả rồi gục xuống, nhưng đoàn vẫn tiếp tục hành trình, nếu ở lại sẽ bị bỏ rơi. Trong hành trình của mình, anh C. cho biết từng chứng kiến một người Việt bị tử nạn vì đuối nước rồi nằm lại đất khách quê người. Thậm chí, dọc đường đi bắt gặp nhiều nấm mộ còn mới. "Sau 4 ngày đêm ăn mì tôm, bánh mì, lương khô, đoàn của tôi may mắn đặt chân đến Ba Lan. Từ đây, chúng tôi bắt đầu hành trình hơn 4 tiếng đồng hồ để sang Đức", anh C. nhớ lại. Tại Đức, C. cùng nhóm người Việt bám trụ hơn 7 tháng rồi được dẫn đường sang Bỉ trồng cỏ (cần sa). Việc làm ăn thất bại khi cỏ trồng 6 tháng sắp cho thu hoạch thì bị cướp toàn bộ.
Chán nản vì gần 2 năm chưa thể đến được Anh, C. từ bỏ ý định rồi tự tìm đường sang Pháp ở lại cho đến bây giờ với công việc xây dựng. "Lúc ở nhà, gia đình cứ nghĩ tôi đi đến nơi sẽ kiếm được tiền và gửi về trả nợ. Thế nhưng, mọi người sang đều phải tự lập, tự tìm kiếm việc làm và phải dựa nhiều vào may mắn. Người đi cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ trước khi đi và nên đi bằng con đường bảo lãnh, du học để được đi làm đàng hoàng. Không nên đi bằng con đường bất hợp pháp như tôi từng trải qua…", anh ngậm ngùi. Đ.Bổng - Q.Huy - P.Tâm - Đ.Hiếu Thiếu nữ mất liên lạc khi đi Anh, môi giới trả lại bố mẹ 1 tỷ rồi biến mấtSau khi em N. mất liên lạc, người môi giới đi xuất khẩu đã trả lại hơn 1 tỷ đồng cho gia đình. Người này đã tắt điện thoại - Chủ tịch xã Hưng Đông nói. | ||||||||
Nam thanh niên chết trong bụi cỏ ven đường ở Bình Dương Posted: 01 Nov 2019 12:07 AM PDT Trong lúc đi nhặt ve chai, một người phụ nữ phát hiện thi thể nam thanh niên trong bụi cỏ ven đường, bên cạnh có một chiếc xe máy. Vụ việc được phát hiện vào khoảng 11h trưa nay trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đoạn qua phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Nạn nhận được xác định là anh Nguyễn Kế Hùng (SN 1981, quê Bình Định), làm công nhân trong một công ty gỗ. Vào thời điểm trên, người phụ nữ đi nhặt ve chai trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn thì phát hiện nam thanh niên nằm chết trong bụi cỏ ven đường, bên cạnh có một chiếc xe máy còn gắn chìa khoá. Sự việc sau đó được trình báo cho cơ quan chức năng để điều tra. Qua khám nghiệm hiện trường, lực lượng chức năng nhận định có thể do nạn nhân chạy xe máy lao lên lề đường, tông vào cột bê tông và biển báo trên vỉa hè dẫn đến tử vong. Do khu vực này có nhiều cây cỏ che khuất nên tới trưa nay vụ việc mới được phát hiện. Lao xe máy vào cột đèn, thanh niên ở Bình Dương thiệt mạngNam thanh niên 18 tuổi tại Bình Dương điều khiển xe máy chạy tốc độ cao, không làm chủ được tay lái rồi tông vào cột đèn chiếu sáng tử vong. Minh Tâm | ||||||||
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói về cam kết đến cuối cùng Việt - Mỹ Posted: 01 Nov 2019 12:03 AM PDT Ta cam kết với Mỹ về tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh, sẽ cùng họ tìm đến người cuối cùng. Mỹ cam kết cùng ta khắc phục đến điểm cuối cùng nhiễm dioxin. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng sáng nay có buổi tiếp bà Bonnie Glick, Tổng giám đốc toàn cầu cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và dự lễ bàn giao mặt bằng 37ha dự án xử lý ô nhiễm dioxin ở khu vực sân bay Biên Hòa. Bên lề sự kiện, Thượng tướng chia sẻ với báo chí về hoạt động hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn giữa hai nước cũng như về chuyến thăm sắp tới của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.
Bước tiến mới - sự thừa nhận của chính phủ Mỹ Thượng tướng nhấn mạnh, tới nay có thể nói quá trình khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam đã giải quyết được những bước cơ bản để các hậu quả ấy không ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe con người cũng như không kìm hãm sự phát triển KT-XH của đất nước. "Chúng ta đã thực hiện bằng nguồn lực của chính chúng ta. Tuy nhiên, không thể nói đến hợp tác quốc tế trong khắc phục hậu quả chiến tranh, trước hết về mặt chính trị và nhận thức. Những bên gây chiến tranh với Việt Nam phải có trách nhiệm về những gì họ gây ra, và cộng đồng quốc tế cũng rất sẵn lòng chia sẻ chung tay với Việt Nam. Đây là động lực cũng như điều kiện thuận lợi để chúng ta huy động nguồn lực trong giải quyết hậu quả chiến tranh. Trong đó, Mỹ là nước có với Việt Nam cuộc chiến tranh dài nhất, thảm khốc nhất, để lại hậu quả nặng nề". Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, trong quan hệ hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, đầu tiên đó là sự chia sẻ, thừa nhận trách nhiệm. Thứ hai là công nghệ, kỹ thuật, trình độ quản lý. Thứ ba là các nguồn lực giá trị để đẩy nhanh tốc độ giải quyết hậu quả chiến tranh. "Hôm nay là dấu mốc quan trọng - bàn giao mặt bằng ô nhiễm cho cơ quan xử lý và một số năm nữa sẽ nhận lại khu đất này sạch hoàn toàn. Từ sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân Mỹ nhất là các cựu binh và gia đình họ, Chính phủ Mỹ đã từng bước chấp nhận những gì họ làm ở Việt Nam, từng bước chia sẻ trách nhiệm với Việt Nam về xử lý ô nhiễm dioxin", Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói. Theo Thượng tướng, việc tẩy độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng là khởi đầu, tới sân bay Biên Hòa thì USAID đại diện chính phủ Mỹ đã ký với Việt Nam (đại diện là ban chỉ đạo 701 về việc khắc phục hậu quả dioxin tại Biên Hòa). "Như vậy, chính phủ Mỹ thừa nhận những gì họ đã làm. Họ cam kết với chúng ta như lời Thượng nghĩ sĩ Patrick Leahy, phó chủ tịch Ủy ban Phân bổ ngân sách Thượng viện Mỹ nói, Mỹ sẽ làm đến tận cùng, cùng với Việt Nam đến khi không còn chất độc dioxin ở Biên Hòa nữa. Đây là bước tiến đáng kể, khi trước đây họ không thừa nhận, không có hỗ trợ từ chính phủ mà chủ yếu của các tổ chức phi chính phủ", Thượng tướng nhấn mạnh. Một vấn đề nữa là viện trợ con người - thường do các tổ chức nhân đạo thực hiện. Nhưng USAID đã ký với ban chỉ đạo 701 dự án trị giá 65 triệu USD để khắc phục hậu quả với con người ở 7 tỉnh bị nhiễm dioxin. Như vậy hợp tác hai bên đánh dấu bằng những cam kết lâu dài, cao nhất là cấp chính phủ.
Hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ Về chuyến thăm sắp tới của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sang Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định, đây là chuyến thăm thông thường của các bộ trưởng khi hai bên cam kết trao đổi các đoàn cấp cao. Hai bộ trưởng sẽ trao đổi các vấn đề về hợp tác quốc phòng dựa trên bản ghi nhớ Hợp tác quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2011 và Tầm nhìn chiến lược quốc phòng hai nước. "Trong hợp tác quốc phòng hai nước, vấn đề khắc phục hậu quả chiến tranh luôn được đưa lên hàng đầu. Không có hợp tác này sẽ không có nền tảng cho hợp tác hiện tại và tương lai. Chúng ta đã cam kết với Mỹ về hoạt động tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh, là sẽ cùng Mỹ tìm đến người cuối cùng. Ngược lại Mỹ cam kết sẽ cùng chúng ta khắc phục đến điểm cuối cùng còn bị nhiễm dioxin", Thượng tướng nêu rõ. Về phần mình, Phó Tổng giám đốc toàn cầu USAID Bonnie Glick cho biết, khối lượng cần xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa lớn gấp 4 lần khối lượng cần xử lý ở sân bay Đà Nẵng. "USAID đã ký thỏa thuận với Quân chủng Phòng không - Không quân VN năm ngoái về dự án ban đầu kéo dài 5 năm với kinh phí 183 triệu USD xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa. Chính phủ Mỹ cũng như USAID nhận thấy tầm quan trọng trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh. Hai nước đã đồng hành trong suốt 30 năm qua trong lĩnh vực này", bà chia sẻ. Dự án đã chính thức được phê duyệt và khởi động vào tháng 4 năm nay. Theo ước tính của USAID, công tác xử lý tổng thể sẽ hoàn thành trong 10 năm. Thái An Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ thăm Việt NamTrong cuộc họp báo thường kỳ chiều nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao trả lời về thông tin Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ thăm Việt Nam. | ||||||||
Điều chỉnh giờ làm: Phải uống rượu mới thành thơ Posted: 31 Oct 2019 10:25 PM PDT Cán bộ công chức trừ khi phải giải quyết việc hành chính trực tiếp với dân, phải có mặt ở cơ quan, còn cán bộ nghiên cứu không nên bắt buộc có mặt đủ 8h. Nói về đề xuất giờ làm việc không sớm hơn 8h sáng, nghỉ trưa 1 tiếng của ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định), Phó chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng việc điều chỉnh giờ làm tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên các vùng miền rất khác nhau. Nghỉ trưa 1 tiếng là việc thay đổi không dễ "Làm gì có chuyện tất cả các nơi đều làm việc từ 8h30, hay 8h, 7h được. Hiện quy định thời gian bắt đầu làm việc của các vùng, miền ở TƯ do Thủ tướng quyết định, còn tại địa phương do Chủ tịch UBND tỉnh quy định", ông Lợi thông tin. Phó chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội cho biết, căn cứ điều kiện từng vùng, Chính phủ giao cho địa phương. Họ có thể linh hoạt và có quyền điều chỉnh nếu thấy cần thiết.
"Cho tới giờ phút này, tôi cho rằng chưa có ai bàn tới chuyện giờ làm hiện tại ảnh hưởng thế này thế khác", ông Lợi nhấn mạnh. Theo ông, với các nước, họ nghỉ trưa ngắn, và cho rằng đó là tiết kiệm nhưng với điều kiện Việt Nam hiện nay thì thay đổi điều này cũng không dễ. "Luật chỉ quy định ngày làm 8 tiếng, một tuần người lao động làm 40 giờ hoặc 49 giờ, còn việc giờ làm cụ thể thế nào thì linh hoạt địa phương theo điều kiện từng nơi họ sẽ quy định. Không nên ép đưa vào luật", ông Bùi Sỹ Lợi nói. Ông cho rằng, học tập kinh nghiệm quốc tế không có nghĩa là vác nguyên xi của họ về áp dụng, mà cái gì hay thì mình học tập, và có chọn lọc. Tiếp thu này nên để các địa phương căn cứ vào điều kiện tự nhiên quyết định. "Việc đổi giờ làm, theo tôi hoàn toàn do các địa phương hoặc Thủ tướng thấy với điều kiện Hà Nội thế này thì có thể đưa ra quy định điều chỉnh giờ làm của công chức từ 8h30, luật pháp cho phép quyền này", ĐB tỉnh Thanh Hóa phân chia sẻ. Với ý kiến thay đổi giờ làm sẽ làm tăng năng suất lao động, ông Lợi cho rằng phải đánh giá tác động xem có đúng hay không. Địa phương nào muốn đổi giờ làm thì hoàn toàn có thể làm việc này, thấy hợp lý thì có thể áp dụng. Không áp chung cho tất cả Nói về việc trước đây Hà Nội từng đề xuất đổi giờ làm nhưng rồi không áp dụng, ông Lợi cho hay, vì đã bàn và thấy không hợp lý nên không áp dụng. "Khi mẹ đi làm thì đèo con đi học, khi mẹ về thì lại qua trường đón con. Không như các nước, học sinh có thể đi học bằng hệ thống xe buýt giáo dục. Tất nhiên hiện ở Việt Nam có những gia đình như vậy nhưng không phải ai cũng có điều kiện", ĐB phân tích thêm. Ông Lợi cho rằng, việc áp dụng thế nào thì do đặc điểm từng thành phố, địa phương để người đứng đầu tỉnh, thành quyết định làm sao cho phù hợp với điều kiện của địa phương, làm sao tạo ra năng suất lao động tốt nhất, điều kiện làm việc tốt nhất cho người lao động. Yếu tố giờ làm có tác động đến năng suất lao động nhưng không phải yếu tố quyết định mà quyết định phải là công nghệ, chất lượng nhân lực, điều kiện làm việc. Trong điều kiện làm việc có vấn đề sắp xếp thời gian hợp lý để phát huy năng lực con người. Có người ban ngày viết lách không chất lượng nhưng đêm lại làm việc chất lượng, tuỳ điều kiện từng ngành nghề. "Theo tôi, cán bộ công chức nhà nước trừ những trường hợp phải giải quyết hành chính trực tiếp tại cơ quan, nếu không có mặt thì ảnh hưởng tới người dân, DN; còn cán bộ nghiên cứu không nên bắt buộc làm việc, có mặt tại cơ quan đủ 8h. Nhà thơ thì phải uống rượu mới thành thơ", ông Bùi Sỹ Lợi ví von. Ông đúc kết, thời gian làm việc bắt đầu lúc nào tốt nhất dựa vào điều kiện kinh tế xã hội của địa bàn đó, còn áp chung tất cả thì không nên. Thu Hằng - Trần Thường - Hồng Nhì ĐBQH đề nghị Thủ tướng chỉ đạo đổi giờ làm việc từ 8h, nghỉ trưa 1 tiếngĐB Nguyễn Văn Cảnh đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành xem xét thấu đáo quy định giờ làm việc không sớm hơn 8h sáng, nghỉ trưa 1 tiếng. | ||||||||
Công chức làm việc hơn 8h, trưa không nghỉ, tối về muộn Posted: 31 Oct 2019 09:38 PM PDT Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, hiện cán bộ công chức làm việc với mục đích là làm hết việc chứ không phải hết giờ làm. Trả lời báo chí bên lề QH sáng nay về đề xuất "điều chỉnh giờ làm việc không sớm hơn 8h sáng, nghỉ trưa 1 tiếng", Bộ trưởng Nội vụ cho rằng đó là ý kiến cần tham khảo. Ông cũng lưu ý, để quyết định thay đổi giờ làm, cần tính tới việc bố trí giờ làm ở các cơ quan phải đồng bộ với nhau, bố trí giờ làm cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có thể lệch giờ để tránh ùn tắc giao thông. "Còn bố trí giờ cùng trễ hoặc cùng sớm không quyết được. Bố trí giờ làm phải thận trọng, làm sao để đảm bảo nhu cầu của người lao động nhưng phải hài hoà với vấn đề ùn tắc giao thông", ông Tân nói.
Làm hết việc chứ không phải hết giờ làm Nói về đề xuất cán bộ, công chức, người lao động chỉ nên nghỉ trưa 1h, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhận xét: "Anh em cũng tranh thủ giờ làm trưa, ở cơ quan cũng đâu có chỗ nghỉ, ăn cơm xong làm việc ngay, còn việc về sớm là để lo rước con cái đi học về. Đó là nhu cầu, sắp xếp hợp lý. Song việc này cần lắng nghe ý kiến người lao động để tổng hợp, bố trí hợp lý, không bị ách tắc, người làm trước, người làm sau, người nghỉ sớm, người nghỉ muộn. Sắp xếp trùng giờ thì ùn tắc giao thông. Bộ trưởng thông tin thêm, Bộ Nội vụ chưa có khảo sát, đánh giá nào về việc thay đổi giờ làm. "Giờ làm hành chính phải phù hợp với nhiều cơ quan. Phía Bắc giờ làm việc bắt đầu từ 8h nhưng phía Nam bắt đầu từ 7h hoặc 7h30 do đặc điểm tình hình. Thống nhất chung cả nước thì rất khó mà nên quy định vùng miền, thành phố lớn, có tính đặc thù", ông Tân nêu thực tiễn. Đối với giờ làm việc của cán bộ, công viên chức, Bộ trưởng Nội vụ cho rằng: "Chúng ta phải đảm bảo nguyên tắc làm việc 8 giờ mỗi ngày. Tăng giảm gì cũng theo luật lao động. Hiện cán bộ công chức làm việc hơn 8h, trưa không nghỉ, tối về muộn. Mục đích là chúng ta làm hết việc chứ không phải hết giờ làm", Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh. Tuỳ theo thời tiết, khí hậu, mùa quyết định giờ làm việc Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam Phan Việt Cường cho rằng, giờ làm việc phụ thuộc vào khí hậu, thời tiết từng vùng. "Đặc biệt, miền Trung thời tiết nóng khắc nghiệt hơn, giờ làm việc có khi sớm hơn, có khi muộn hơn. Vấn đề này, nếu QH, Chính phủ có quy định thì phân cấp về các địa phương quyết định giờ, chứ không nhất thiết thống nhất trong cả nước", ông Cường nói.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho rằng, ở tỉnh ông, giờ làm việc hiện nay áp dụng rất phù hợp. Cụ thể, buổi sáng, cán bộ công chức 7h vào làm việc, 11h nghỉ, chiều bắt đầu làm việc từ 1h30 đến 5h, đủ 8 tiếng. "Tôi công tác ở Quảng Nam 30 năm, tôi thấy giờ làm việc ở tỉnh áp dụng như vậy là phù hợp. Còn Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh khác tuỳ theo thời tiết, khí hậu, mùa thì quyết định giờ làm việc", ông Cường nhấn mạnh. Theo ông: "Không thể nói đổi giờ mà làm chất lượng lao động tăng lên". Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội hôm qua, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành xem xét thấu đáo quy định các cơ quan hành chính TƯ và cơ quan hành chính cấp tỉnh làm việc không sớm hơn 8h sáng, nghỉ trưa 1 tiếng và chỉ đạo ngành giáo dục có kế hoạch điều chỉnh giờ học đồng bộ với giờ làm. Thu Hằng - Trần Thường - Hồng Nhì ĐBQH đề nghị Thủ tướng chỉ đạo đổi giờ làm việc từ 8h, nghỉ trưa 1 tiếngĐB Nguyễn Văn Cảnh đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành xem xét thấu đáo quy định giờ làm việc không sớm hơn 8h sáng, nghỉ trưa 1 tiếng. | ||||||||
Tổng bí thư, Chủ tịch nước chủ trì họp Bộ Chính trị quyết định một số nhân sự Posted: 01 Nov 2019 05:26 AM PDT Sau khi xem xét Tờ trình của Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Chính trị đã quyết định một số trường hợp nhân sự thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị. Hôm nay, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị để cho ý kiến về Đề án sửa đổi, bổ sung quy định số 163-QĐ/TW của Bộ Chính trị khoá 11 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng và Đề án sửa đổi, bổ sung quyết định số 159-QĐ/TW của Bộ Chính trị khoá 11 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính TƯ.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước đánh giá cao Ban Nội chính TƯ - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chuẩn bị công phu, chu đáo Đề án, tiếp thu nghiêm túc, kỹ lưỡng ý kiến góp ý của các cơ quan chức năng. Bộ Chính trị cơ bản tán thành những nội dung đã nêu tại Tờ trình và Đề án, nhất trí những nội dung kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Tổng bí thư, Chủ tịch nước khẳng định: Sau hơn 6 năm thực hiện Quyết định 159 của Bộ Chính trị, Ban Nội chính Trung ương đã triển khai nhiều công việc, khá toàn diện, tích cực, chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất nhiều chủ trương, quan điểm, định hướng lớn của Đảng về công tác nội chính; chủ động, sáng tạo thực hiện tốt nhiệm vụ Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng, kiên trì, quyết liệt trong tham mưu, chỉ đạo xử lý những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Bám sát Quy định 163 của Bộ Chính trị khoá 11, trong hơn 6 năm qua, nhất là từ đầu nhiệm kỳ khoá 12 đến nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng có quyết tâm rất cao, chỉ đạo quyết liệt, với cách làm khoa học, chặt chẽ, nền nếp, bài bản, phối hợp nhịp nhàng, từng bước chắc chắn, rõ đến đâu xử lý đến đó, công khai, minh bạch. Nhất là, đã phát huy tốt cơ chế chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế; chỉ đạo phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các khâu trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng từ thanh tra, kiểm toán, kiểm tra, rồi đến điều tra, truy tố, xét xử, thu hồi tài sản tham nhũng. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Ban Nội chính Trung ương đã có những đóng góp quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, để khắc phục những hạn chế, khó khăn sau hơn 6 năm thực hiện Quy định 163 và Quyết định 159 của Bộ Chính trị khoá 11, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương, đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, Bộ Chính trị thống nhất cao cần thiết phải sửa đổi, bổ sung. Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Việc sửa đổi, bổ sung Quy định 163 và Quyết định 159 nhằm khẳng định và làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, đề cao quyền hạn, trách nhiệm trước BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là công tác thanh tra, kiểm toán, xử lý các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm; Nhiệm vụ của Ban Nội chính Trung ương trong tham mưu, giúp việc cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp; khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước ta trong việc tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác phòng, chống tham nhũng. Tổng bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu Ban Nội chính Trung ương phối hợp Văn phòng Trung ương Đảng tiếp thu ý kiến của các ủy viên Bộ Chính trị, các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Đề án và các dự thảo quy định, quyết định, ký ban hành để tổ chức thực hiện. Cũng tại hội nghị này, sau khi xem xét Tờ trình của Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Chính trị đã quyết định một số trường hợp nhân sự thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị. Đại hội Đảng, xin đừng để người vô cảm giữ bất kỳ chức trách nào"Sắp tới Đại hội Đảng, xin đừng để người thờ ơ, vô cảm giữ bất kỳ chức trách nào trong bộ máy công quyền", ĐB Nguyễn Anh Trí lưu ý. Theo VGP | ||||||||
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo mới về vấn đề Thủ Thiêm Posted: 01 Nov 2019 01:40 AM PDT Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình vừa có chỉ đạo Thanh tra Chính phủ, các bộ ngành cùng TP.HCM tổ chức đối thoại, đề xuất biện pháp giải quyết vấn đề Thủ Thiêm liên quan đến 5 khu phố thuộc 3 phường. Sáng 1/11, Trưởng ban tiếp Công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp đã có buổi tiếp công dân đối với người dân 5 khu phố thuộc 3 phường, Khu đô thị mới (ĐTM) Thủ Thiêm. Tại buổi tiếp công dân, ông Nguyễn Hồng Điệp đã thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về việc "khiếu nại của công dân liên quan đến dự án khu ĐTM Thủ Thiêm".
Theo đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo: "Giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp và UBND TP.HCM kiểm tra các nội dung khiếu nại của một số hộ dân 5 khu phố thuộc 3 phường Bình An, Bình Khánh và An Khánh liên quan đến quy hoạch khu ĐTM Thủ Thiêm. Tổ chức đối thoại, đề xuất biện pháp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 1/1/2020". Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ban tiếp Công dân Trung ương thông báo và đề nghị công dân phối hợp với cơ quan chức năng để được kiểm tra, đối thoại, giải quyết dứt điểm vấn đề khiếu kiện của người dân. Tại buổi tiếp, ông Nguyễn Hồng Điệp cho rằng, lúc này bà con Thủ Thiêm không nên ra Hà Nội khiếu kiện để mất tiền, mất thời gian. "Cứ tính mỗi người ra Hà Nội mất khoảng 5 triệu/lần đi, thì 200 người mất khoảng 1 tỷ đồng. Trong khi đó, tôi vào TP.HCM gặp bà con được Chính phủ cấp tiền, lại gặp được nhiều bà con hơn", ông Điệp chia sẻ. Năm 2018, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra Khu ĐTM Thủ Thiêm chỉ công nhận khu 4,3ha nằm ngoài ranh. Hầu hết người dân 5 khu phố thuộc 3 phường đều không đồng ý với kết luận và cho rằng không chỉ khu 4,3ha mà 5 khu phố thuộc 3 phường cũng nằm ngoài ranh. 28 hộ dân 5 khu phố thuộc 3 phường đã kéo ra Hà Nội, tới các cơ quan Trung ương và nhà riêng của cán bộ cao cấp để khiếu kiện, kêu oan. UBND TP.HCM cùng Thanh tra Chính phủ đã vận động bà con trở về để đối thoại. Cuộc đối thoại sau đó với 28 hộ dân ở quận 2 do Phó chủ tịch Võ Văn Hoan chủ trì đã không thành, khi người dân không cho TP công bố thông tin ranh quy hoạch.
Phía UBND quận 2 yêu cầu người dân 5 khu phố thuộc 3 phường gửi đơn khiếu nại tại UBND quận, để xem xét báo cáo với TP. Theo ông Nguyễn Phước Hưng - Chủ tịch quận 2, hiện có hơn 5.000 đơn khiếu kiện gửi về quận. Các tổ công tác Thủ Thiêm đang xem xét để báo cáo UBND TP và sẽ trả lời cho người dân trong thời gian sớm nhất. Trong khi đó, trả lời VietNamNet ngày 1/10, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định 5 khu phố 3 phường nằm trong ranh khu ĐTM Thủ Thiêm. "Thực tế là đã có kết luận rồi, nhưng người dân khiếu nại thì mình trả lời theo quy trình. Khi mở bản đồ Thủ Thiêm ra, 5 khu phố thuộc 3 phường không nằm sát với đường ranh mà nằm hoàn toàn trong ranh. Lãnh đạo TP cũng đã gặp dân, thông tin rồi", Bí thư Nhân cho hay. Hồ Văn Bí thư TP.HCM khẳng định 5 khu 3 phường nằm trong ranh Thủ ThiêmTheo Bí thư Nhân, khi mở bản đồ Thủ Thiêm ra, 5 khu phố thuộc 3 phường không nằm ở đường ranh, mà nằm hoàn toàn bên trong. Nên, không có cơ sở để nói ngoài ranh. | ||||||||
Vợ GĐ BV Tâm thần Thanh Hóa và 2 trưởng khoa chiếm đoạt 1,5 tỷ tiền thuốc Posted: 31 Oct 2019 04:01 PM PDT 5 bác sĩ, điều dưỡng ở BV Tâm thần Thanh Hóa đã rút bớt thuốc, vật tư y tế của người bệnh gây thiệt hại số tiền hơn 1,5 tỉ đồng, trong đó vợ giám đốc bệnh viện cùng chia hơn 500 triệu. Theo kết quả điều tra ban đầu, 5 bác sĩ, điều dưỡng BV Tâm thần tỉnh Thanh Hóa (nằm trên đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa) vừa bị cơ quan công an khởi tố bị can, bắt tạm giam do đã "ăn chặn" tiền thuốc, vật tư của người bệnh với tổng số tiền hơn 1,5 tỉ đồng. Cụ thể, ông Vi Du Lịch, Trưởng khoa Nam 1, đã có hành vi lợi dụng việc kê đơn thuốc, vật tư y tế (y lệnh) cho các bệnh nhân tâm thần điều trị tại bệnh viện rồi cắt bớt thuốc, vật tư y tế, sau đó đưa cho nhân viên tuồn ra ngoài bán trục lợi, gây thiệt hại số tiền hơn 968 triệu đồng.
Đối với bà Đinh Thị Thu Hồng, Trưởng khoa Nữ (vợ Giám đốc BV Tâm thần) cũng với hành vi trên đã câu kết với cấp dưới tuồn thuốc ra ngoài bán, "chia chác" 501 triệu đồng. Ông Phan Văn Giỏi, Trưởng khoa Nam 2 trục lợi 107 triệu đồng. Cũng theo kết quả điều tra, việc "ăn chặn" thuốc, vật tư y tế của cá nhân ông Giỏi đã diễn ra từ năm 2017, đến tháng 6/2018, biết việc làm như vậy là sai nên ông Giỏi đã chỉ đạo cấp dưới dừng lại.
Tuy nhiên, đến tháng 11/2018, ông này lại tiếp tục cho nhân viên gom thuốc, vật tư y tế bán ra ngoài và sau đó bị công an phát hiện, bắt quả tang. Trước đó như VietNamNet đã đưa tin, ngày 30/10, đại diện cơ quan thi hành pháp luật đã có mặt tại BV (đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa) để tống đạt các lệnh khởi tố, khám xét, bắt tạm giam 5 cán bộ, y, bác sĩ vì liên quan tới hành vi "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ". Lê Anh Bắt vợ Giám đốc BV Tâm thần Thanh Hóa cùng 2 trưởng khoaCông an tỉnh Thanh Hóa vừa bắt tạm giam 3 trưởng khoa và 2 điều dưỡng BV Tâm thần Thanh Hóa về hành vi "lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ". | ||||||||
Người đã chết vẫn còn nợ thuế, người thừa kế phải nộp Posted: 01 Nov 2019 06:12 AM PDT Theo nhiều ĐB, nằm trong đối tượng được đề xuất xử lý tiền nợ thuế, thực tế có những người chết vẫn có người thừa kế pháp lý. Như vậy đối tượng thừa kế phải có trách nhiệm. Chiều nay, thảo luận dự thảo nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) bày tỏ đồng ý về sự cần thiết phải ban hành nghị quyết này.
Theo ông, chúng ta không thể không xóa những khoản nợ không bao giờ có thể thu được của người nộp thuế bị chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, khi người nộp thuế lâm vào tình trạng phá sản, giải thể hoặc các trường hợp bị thiên tai, bất khả kháng. Ông cho hay, ở các nước trên thế giới đều có cơ chế để thực hiện việc xóa nợ cho những khoản nợ thuế không có khả năng thu hồi. Đó là người nộp thuế đã chết hay mất tích, những khoản thuế phát sinh quá lâu thường là từ 3-5 năm, những khoản nợ thuế của những đối tượng không có khả năng thanh toán và bị tuyên bố phá sản… ĐB Giang đánh giá, các biện pháp xử lý nợ thuế đã được quy định rất đầy đủ, rõ ràng và minh bạch, đặc biệt là các điều kiện để được xử lý nợ tại dự thảo nghị quyết, tránh được việc lợi dụng chính sách để trục lợi. ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, nếu cơ quan có thẩm quyền, cơ quan quản lý thuế phát hiện người nộp thuế quay lại sản xuất kinh doanh hoặc thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh mới thì phải hủy quyết định xóa nợ, khoanh nợ và nộp vào ngân sách khoản nợ đã được xóa. Ông đề nghị bổ sung đối với trường hợp mất tích, mất năng lực hành vi mà quay trở lại hoặc được khôi phục năng lực hành vi thì cũng không được xóa nợ thuế và tiền phạt nộp chậm. Tránh lợi dụng chính sách làm thiệt hại ngân sách ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) đề nghị phải nghiên cứu kỹ và xem xét các đối tượng đã làm thủ tục giải thể, phá sản nhưng có thể thành lập DN với tên khác, do người của họ đứng tên.
Theo bà, điều này phát hiện không phải là dễ, bởi số tiền được xét xóa nợ tiền phạt chậm nộp liên quan đến đối tượng này là không nhỏ, chiếm tỷ trọng đến 96,5% trong tổng số tiền xử lý nợ là 16.357 tỷ đồng. ĐB lưu ý, việc xử lý nợ vừa tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế nhưng cũng cần phải phòng ngừa và ngăn chặn việc lợi dụng chính sách để trục lợi hoặc cố tình chây ì nợ thuế. Bà Thơ cho rằng, số tiền xóa nợ rất lớn nên dự thảo nghị quyết cần nêu rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan khi để xảy ra việc xóa nợ thuế sai đối tượng, tránh tình trạng lợi dụng chính sách hoặc lợi ích nhóm làm thiệt hại ngân sách nhà nước. Về các đối tượng được đề xuất xử lý tiền nợ thuế đó là người chết, song thực tế có những người chết vẫn có người thừa kế pháp lý, nghĩa là vẫn tồn tại theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại. Điều này có nghĩa vẫn có các nghĩa vụ tài sản được thực hiện như các khoản nợ thuế và các khoản phải nộp vào ngân sách nhà nước tiền phạt. Như vậy, trường hợp này đối tượng thừa kế vẫn phải có trách nhiệm. ĐB Trương Trọng Nghĩa thì cho hay, trên cơ sở nghiên cứu của nhiều quốc gia, quyết định này chúng ta đã làm tổn thất ngân sách. Ông làm phép tính, nếu chúng ta thu được 20.000 tỷ, chia cho mỗi hộ nghèo 1 triệu đồng thì có 20 triệu hộ nghèo, 20 triệu người thuộc diện chính sách có thể được hưởng số này. Theo ông, nếu ta chỉ thông qua về nguyên tắc thì quá trình triển khai thực hiện lại có thể đẻ ra tiếp nhiều tiêu cực. Cho nên chuyện nói là cứ quyết đi rồi sau này phát hiện sẽ xử lý, thu hồi chắc chắn là việc rất khó.
Giải trình làm rõ, theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, nghị quyết này áp dụng cơ chế như luật Quản lý thuế số 38 nhưng áp dụng xử lý nợ cho giai đoạn trước ngày 1/7/2020 để không làm phát sinh thêm nợ ảo, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp mà không thể thu hồi được, không còn đối tượng để thu hồi nợ. Theo ông, không phải ban hành nghị quyết này là để xóa ngay được nợ mà phải căn cứ vào từng đối tượng, từng hồ sơ đáp ứng các điều kiện cụ thể về hồ sơ, thủ tục thì mới được xử lý nợ. Ông Dũng cho hay, hiện nay cơ quan thuế theo dõi từng đối tượng cụ thể trong diện được xóa nợ, khoanh nợ. Hương Quỳnh - Thu Hằng - Trần Thường Công chức làm việc hơn 8h, trưa không nghỉ, tối về muộnTheo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, hiện cán bộ công chức làm việc với mục đích là làm hết việc chứ không phải hết giờ làm. | ||||||||
Vụ chìm tàu ở Hà Tĩnh, rơi biển mất tích khi đang leo lên tàu cứu hộ Posted: 01 Nov 2019 03:17 AM PDT Thuyền viên Nguyễn Thanh Định là người cuối leo lên tàu Cảnh sát biển, do kiệt sức nên bị tuột tay rồi bị sóng cuốn mất tích. Ngày 30/10, tàu hàng Thành Công 999 chở theo 5.000 tấn bột đá cùng 12 thuyền viên và 1 nhân viên nấu ăn rời cảng Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) vào cảng Sơn Dương (Hà Tĩnh).
Đến 11h30 ngày 31/10, tàu cách cảng Sơn Dương (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) khoảng 10 hải lý thì gặp sự cố. 13 người trên tàu ôm phao nhảy xuống biển. Nhớ lại khoảnh khắc tàu gặp nạn, thuyền trưởng Nguyễn Văn Thạnh (52 tuổi, trú tại Nam Định) cho biết, thời điểm gặp sự cố, máy lái sóng rất to, ông cố điều khiển tàu hướng vào cảnh Sơn Dương nhưng bánh lái không ăn. "Trong khoảng 15 phút gặp sự cố, máy lái tàu bắt đầu nghiêng một bên, nước tràn vào rất nhanh. Nhận thấy tình hình nguy cấp, tôi báo tin cho Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh xin cứu hộ cứu nạn và lệnh cho tất cả thuyền viên rời khỏi tàu" - ông Thạnh nhớ lại.
Lệnh thuyền trưởng phát đi, tất cả người có mặt trên tàu mang áo phao, tay ôm theo phao cứu sinh lao xuống biển. "Nửa tiếng sau, tàu hàng bị chìm hẳn. Lênh đênh dưới nước, chúng tôi cố gắng bơi lại gần nhau để kết thành chuỗi phao; đồng thời trấn an anh em bình tĩnh, cố gắng cầm cự chờ lực lượng chức năng ra cứu" - ông Thạnh nói. Phó máy Phạm Văn Tỳ (46 tuổi, trú Nam Định) cho biết, sau khi nhảy xuống biển, thợ máy Trần Quang Hải (32 tuổi, trú Hà Tĩnh) và thuyền viên Vũ Văn Tuyên (30 tuổi, trú tại Nam Định) ngồi trên phao bè được gió đẩy vào bờ nhanh hơn nên được lực lượng chức năng sớm phát hiện ra cứu hộ. Những người còn lại chỉ có phao tròn nên sóng đánh ra xa. "Tôi và 10 người nữa bị gió đẩy và sóng đánh mạnh nên mất 3 tiếng lênh đênh trên biển mới bơi lại gần nhau và kết thành tốp", ông Tỳ nói. Ngóng chờ tin con Ông Nguyễn Văn Đạm (57 tuổi, trú tại Nam Định) 1 trong số 12 thuyền viên đã được cứu nhưng vẫn không thể ngồi yên khi chưa có tin con trai Nguyễn Thanh Định...
Anh Định là con trai út, mới theo cha làm việc trên tàu hàng Thành Công 999 được 4 tháng nay. Là người cuối cùng leo lên tàu Cảnh sát biển nhưng không may anh lại bị rơi xuống, sóng cuốn mất tích. Khi nghe các thuyền viên báo con trai bị sóng cuốn mất tích, ông cố nhoài ra ngoài tàu để lao xuống biển tìm con nhưng anh em trên tàu kịp thời ngăn lại vì quá nguy hiểm. "Nhiều giờ ở dưới biển, tôi bị kiệt sức, may mắn lực lượng cứu hộ đến kịp thời vớt tôi lên thuyền. Nhưng đứa út nhà tôi thì vẫn lạnh lẽo ở biển, không biết giờ nó còn sống hay đã chết!", ông Đạm đau đớn nói. Nhớ lại phút thập tử nhất sinh, ông Phạm Văn Tỳ kể, một tàu hàng đi ngang phát hiện nhóm của ông nên neo lại để chắn sóng và báo cho lực lượng chức năng đến ứng cứu. Một tiếng sau, tàu Cảnh sát biển đến nơi và cứu từng người lên tàu. Chỉ có anh Nguyễn Thanh Định trong quá trình bám vào thang dây để lên tàu, do kiệt sức nên bị tuột tay và bị sóng cuốn mất tích.
"Sóng biển rất mạnh, dồn liên lục vào người các thuyền viên nhanh chóng kiệt sức. Nếu lực lượng cứu hộ ra chậm thêm chút nữa chắc mọi người đã chết. Chúng tôi như được sống lại lần thứ 2 khi được đưa vào bờ an toàn", ông Tỳ nói. Quá trình lênh đênh trên biển, ông Tỳ bị thương ở trán và chân, hiện sức khỏe vẫn còn yếu. Vào rạng sáng nay, 12 thuyền viên được lực lượng Cảnh sát biển cứu, đưa vào cảng Hòn La (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) bàn giao cho Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình và Đồn Biên phòng cửa khẩu Hòn La (Bộ đội Biên phòng Quảng Bình) để chăm sóc. Hiện còn thuyền viên Nguyễn Thanh Định mất tích vẫn đang được Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam, Cảng vụ Hà Tĩnh và Cảnh sát biển tích cực tổ chức tìm kiếm. Lê Minh Vụ chìm tàu trên biển Hà Tĩnh, đã tìm thấy 12 ngườiLực lượng tìm kiếm cứu nạn tại cảng Sơn Dương - Vũng Áng (Hà Tĩnh) đã cứu được 12 người trên tàu Thành Công 999 bị chìm trưa nay. |
You are subscribed to email updates from Thời sự - Tin tức trong ngày, tin xã hội mới nhất hôm nay. To stop receiving these emails, you may unsubscribe now. | Email delivery powered by Google |
Google, 1600 Amphitheatre Parkway, Mountain View, CA 94043, United States |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét