“Từ hôm nay đi lại thế nào khi tiếp tục giãn cách xã hội” plus 13 more |
- Từ hôm nay đi lại thế nào khi tiếp tục giãn cách xã hội
- Cách toàn bộ chức vụ trong Đảng phó chủ tịch HĐND chống đối kiểm dịch
- Ngày đầu 'giai đoạn 2 cách ly', quán nhậu tràn vỉa hè
- Hà Nội xét nghiệm nhanh Covid-19 ở các chợ đầu mối
- Xe khách liên tỉnh được chạy ở tỉnh nào trong đợt cách ly xã hội lần 2
- Đà Nẵng tiếp tục thực hiện cách ly 14 ngày người đến từ Hà Nội, TP.HCM
- Sân gôn ở Hà Tĩnh, Nghệ An đông đúc người chơi bất chấp lệnh cách ly
- Thi thể nam giới chết quỳ trong rừng cao su ở Bình Dương
- Bán thẻ chống virus trên facebook, một thanh niên bị phạt 10 triệu đồng
- Dự báo năm nay nóng kỷ lục, 11-13 cơn bão và áp thấp trên Biển Đông
- TP.HCM xuất hiện các nhóm nhậu ven đường, lơ là phòng dịch
- Dịch bệnh còn kéo dài, tiến tới chung sống an toàn với Covid-19
- Phát hiện cụ ông ăn xin ở Sài Gòn có đến 12 chứng minh thư
- Chuyến bay chở 308 kỹ sư Hàn Quốc hạ cánh tại sân bay Vân Đồn
Từ hôm nay đi lại thế nào khi tiếp tục giãn cách xã hội Posted: 16 Apr 2020 06:50 PM PDT Bộ GTVT vừa đưa ra quy định hoạt động vận tải hành khách trong đợt giãn cách xã hội thứ 2 theo nhóm các địa phương. Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ VN, các cục Hàng không, Hàng hải, Đường thủy nội địa, Đường sắt VN, Sở GTVT các tỉnh thành phố trực thuộc TƯ, Sở GTVT - Xây dựng Lào Cai về việc vận chuyển hành khách, hàng hoá trong đợt giãn cách thứ 2. Theo đó, việc vận chuyển hành khách được chia thành 3 nhóm địa phương theo phân chia Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể, nhóm có nguy cơ cao gồm 12 địa phương: Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, TP.HCM, Tây Ninh và Hà Tĩnh. Nhóm có nguy cơ trung bình, gồm 15 địa phương: Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Nam, Hải Phòng, Kiên Giang, Nam Định, Nghệ An, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Sóc Trăng, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước, Đồng Tháp. Nhóm cuối cùng là nhóm có nguy cơ thấp, gồm các tỉnh còn lại. Với cả 3 nhóm trên giai đoạn từ 17-22/4, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quyết định cụ thể việc vận chuyển hành khách bằng các phương tiện công cộng. Đối với vận tải liên tỉnh đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, các tỉnh thuộc nhóm 1, nhóm 2 sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng về lĩnh vực vận tải.
Không thực hiện vận chuyển hành khách liên tỉnh, trừ trường hợp vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các DN, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa. Trường hợp hành khách là người hết thời hạn cách ly hoặc trường hợp đặc biệt khác có nhu cầu di chuyển, Sở GTVT phối hợp với Sở Y tế đề xuất và tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ xem xét, quyết định. Các tỉnh thuộc nhóm 3 chỉ được thực hiện vận chuyển hành khách liên tỉnh giữa các tỉnh trong nhóm 3 với nhau theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng. Cho phép tăng thêm tàu, máy bay chạy Hà Nội - TP.HCM Bộ GTVT cũng quy định, trong giai đoạn từ 17-22/4 các đường bay Hà Nội - TP.HCM khai thác tối đa 6 chuyến/ngày; Hà Nội - Đà Nẵng 2 chuyến/ngày và TP.HCM - Đà Nẵng 2 chuyến/ngày. Đối với các đường bay ngoài 3 đường bay trên, các hãng hàng không có nhu cầu khai thác lập kế hoạch gửi đến Cục Hàng không xem xét, quyết định trên cơ sở tình hình dịch bệnh tại các địa phương liên quan. Với đường sắt, tuyến Hà Nội - TP.HCM chỉ được khai thác tối đa 2 đôi tàu khách/ngày (2 chuyến Hà Nội đi TP.HCM và 2 chuyến ngược lại). Tiếp tục tạm dừng toàn bộ hoạt động của tàu khách địa phương. Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, ngay trong sáng nay, Tổng công ty Đường sắt đã chính thức chạy thêm một đôi tàu khách SE5/SE6 trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. HCM, nâng tổng số lên 2 đôi/ngày. Tàu SE5 xuất phát ga Hà Nội lúc 8h50, đến ga Sài Gòn lúc 18h55. Chiều ngược lại, tàu SE6 xuất phát ga Sài Gòn từ ngày 19/4 lúc 8h45, đến ga Hà Nội lúc 19h12. Thời gian hành trình chạy suốt một chiều khoảng 34h. Từ 23 - 30/4, căn cứ vào tình hình cụ thể về dịch bệnh trong thời gian tới của từng địa phương, việc phân loại mỗi tỉnh vào từng nhóm có thể thay đổi, nhưng việc vận chuyển hành khách thuộc 3 nhóm địa phương sẽ tiếp tục được thực hiện theo nguyên tắc chung nêu trên. Vũ Điệp Đường sắt đề xuất tăng tàu chạy, đường biển được chở khách ra đảoTổng công ty Đường sắt VN vừa kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cho phép tăng tàu khách trên tuyến Hà Nội - TP.HCM. | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Cách toàn bộ chức vụ trong Đảng phó chủ tịch HĐND chống đối kiểm dịch Posted: 16 Apr 2020 11:25 PM PDT Sau hành vi quát tháo, chống đối tại chốt kiểm dịch gây bức xúc, Phó chủ tịch HĐND huyện ở Bình Phước đã bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước sáng nay vừa ra quyết định kỷ luật bằng hình thức cách hết các chức vụ trong Đảng (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đối với ông Lưu Văn Thanh, Phó chủ tịch HĐND huyện Hớn Quản do có hành vi chống đối kiểm dịch Covid-19.
Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp tục xem xét, xử lý về mặt chính quyền đối với ông Thanh, báo cáo về Tỉnh ủy. Trước đó, vào ngày 14/4, ông Lưu Văn Thanh đã viết thư tay gửi cộng đồng mạng xã hội, các cơ quan báo chí xin lỗi về hành động thiếu chuẩn mực tại chốt kiểm dịch Covid-19 ở thị xã Bình Long (Bình Phước) xảy ra vào sáng 3/4. Cùng với đó, ông cũng gửi đơn xin từ chức Phó chủ tịch HĐND nhiệm kỳ 2016-2020. Qua xác minh, Tỉnh ủy Bình Phước đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Lưu Văn Thanh, xem xét xử lý theo quy định, đến nay đã ra quyết định kỷ luật về mặt Đảng. Ông Lưu Văn Thanh là "nhân vật chính" trong đoạn clip dài hơn 4 phút đăng tải trên mạng xã hội, ghi lại cảnh ông này quát tháo, không hợp tác tại chốt kiểm dịch Covid-19 tại thị xã Bình Long khiến dư luận bức xúc. Hà Nội tổ chức xét nghiệm nhanh Covid-19 ở các chợ đầu mốiNgay ngày mai, Hà Nội sẽ tổ chức xét nghiệm tại các chợ đầu mối như Ngã Tư Sở, Long Biên, chợ hoa quả Hoàng Mai, chợ hải sản, chợ gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín)… Xuân An | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Ngày đầu 'giai đoạn 2 cách ly', quán nhậu tràn vỉa hè Posted: 16 Apr 2020 04:04 PM PDT Ngày đầu thực hiện "cách ly giai đoạn 2", ở một số địa phương nhiều người có sự chủ quan nên đã tụ tập quá quy định tại các quán nhậu, cà phê, internet... Theo chỉ đạo của lãnh đạo Hải Phòng, sau ngày 15/4, các khu vui chơi giải trí, hàng quán không thiết yếu, cửa hiệu dịch vụ không cấp bách... tiếp tục tạm dừng hoạt động. Thế nhưng, ở nhiều quán cà phê, cửa hàng kinh doanh dịch vụ internet hôm qua đã mở cửa trở lại tại các tuyến phố lớn như Lạch Tray (quận Ngô Quyền), Bùi Thị Từ Nhiên (quận Hải An), Tô Hiệu (quận Lê Chân), Phạm Văn Đồng (quận Dương Kinh), xã Tú Sơn (huyện Kiến Thụy)… Tại đường Bùi Thị Từ Nhiên (phường Đông Hải 1, quận Hải An) có 4 quán kinh doanh dịch vụ internet mở cửa hoạt động. Bên trong các cửa hàng có hành chục thanh niên đang chơi điện tử. Xe máy của khách để kín vỉa hè.
Giám đốc Sở TT&TT Hải Phòng Lương Hải Âu cho hay, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, hầu hết các cửa hàng kinh doanh dịch vụ điện tử internet chấp hành nghiêm. Tuy nhiên còn một số cửa hàng cho rằng có việc nới lỏng nên mở lại. Sở chỉ đạo Thanh tra phối hợp với UBND các quận, huyện kiểm tra nhắc nhở, yêu cầu đóng cửa. Nếu chủ cửa hàng không chấp hành sẽ xử lý nghiêm, bảo đảm việc thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16. Thanh Hóa nằm trong nhóm 36 địa phương nguy cơ thấp, nhưng Chủ tịch UBND tỉnh ban hành công điện khẩn về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch đến hết ngày 30/4. Tuy nhiên, tại Đền thờ các Bà mẹ Việt Nam anh hùng (phường Hàm Rồng) chiều 16/4 có nhiều người đến tập thể dục, bất chấp lệnh cấm. Nhiều người không đeo khẩu trang…
Tại Quảng Ngãi, một số quán cà phê, ăn sáng, trên tuyến đường của TP Quảng Ngại như: Quang Trung, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Nguyễn Nghiêm... đã đông đúc người dân vào quán ăn uống sau thông tin Chính phủ công bố tỉnh Quảng Ngãi nằm trong nhóm nguy cơ thấp.
Đến trưa, UBND tỉnh có công văn hỏa tốc về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Theo đó, tỉnh chỉ đạo tiếp tục tạm dừng các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, giải trí tập trung đông người tại các địa điểm công cộng, các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng đông người. Tiếp tục dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng; không tụ tập quá 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Sáng nay, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh đã ký văn bản yêu cầu tiếp tục tạm dừng hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng. Tiếp tục tạm dừng hoạt động của tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu. Khuyến khích các nhà hàng, cửa hàng ăn uống, cà phê giải khát bán hàng qua mạng hoặc bán mang đi... Quy định là vậy, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhất là quán nhậu vẫn đông nghịt khách sau khi mở cửa trở lại. Tối qua, khu phố ăn nhậu sầm uất bậc nhất TP Quy Nhơn như: Xuân Diệu, Nguyễn Thị Định, Lý Thái Tổ, Trần Văn Ơn, Diên Hồng,… tấp nập kẻ ăn, người uống. Nhiều quán nhậu khá sôi động trong tiếng nhạc xập xình. Nhân viên tràn cả ra đường đón khách.
Tại các quán cà phê nằm dọc đường Nguyễn Tất Thành, An Dương Vương, Diên Hồng, Vũ Bảo, Phạm Hùng, Hà Huy Tập, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu… có rất đông khách đến ăn, uống. Mọi người thoải mái trò chuyện, ngồi gần nhau.
Quảng trường Nguyễn Tất Thành, công viên đường Nguyễn Tất Thành và Lê Duẩn có khá đông người dân tập trung để tập thể dục, hóng gió; tuy nhiên nhiều người chưa giữ khoảng cách tiếp xúc tối thiểu là 2m và ít người đeo khẩu trang. Các dịch vụ karaoke, massage,… ở Quy Nhơn vẫn tạm dừng hoạt động. Cần Thơ nằm trong nhóm địa phương có nguy cơ, cần thực hiện nghiêm các biện pháp theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng đến hết ngày 22/4, sau đó, điều chỉnh tùy diễn biến dịch bệnh. Từ sáng đến trưa nay, một số quán cà phê và tiệm hớt tóc ở TP Cần Thơ hoạt động trở lại.
Nhóm PV Thời sự Nhiều tỉnh thành điều chỉnh chính sách cách ly 'giai đoạn 2'Sau chỉ đạo của Chính phủ chiều qua, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thanh Hoá và hàng loạt tỉnh thành ra văn bản hỏa tốc thay đổi việc thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống dịch Covid-19. | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Hà Nội xét nghiệm nhanh Covid-19 ở các chợ đầu mối Posted: 17 Apr 2020 03:06 AM PDT Ngay ngày mai, Hà Nội sẽ tổ chức xét nghiệm tại các chợ đầu mối như Ngã Tư Sở, Long Biên, chợ hoa quả Hoàng Mai, chợ hải sản, chợ gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín)… XEM CLIP: Sáng nay, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội họp trực tuyến phiên thứ 35 với các quận huyện, phường xã dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung. Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TP cho biết dự báo thế giới hậu Covid -19 sẽ là một bước ngoặt quan trọng, sẽ có cả tác động tốt và xấu. Covid-19 là một thảm hoạ y tế cộng đồng quy mô, phạm vi lớn nhất thế giới từng chứng kiến trong suốt chiều dài lịch sử. Lần đầu tiên trên thế giới có một cuộc chiến, trong đó tất cả các loại vũ khí hiện đại nhất trở thành vô dụng. Chủ tịch UBND TP cảnh báo hiện tượng tái nhiễm tại Vũ Hán, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... nhiều khả năng virus này có khả năng ẩn náu trong con người. Chưa thể lạc quan lúc này Ông Chung lưu ý cần phân tích rõ các kịch bản xấu nhất xảy ra, có phương án dự phòng. "Chúng ta không lạc quan vội mà cần tiếp tục công tác chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất và những điều kiện để đối phó và ứng phó nhanh nhất với dịch bệnh này".
Từ nghiên cứu của các chuyên gia, lãnh đạo Hà Nội chỉ ra 3 kịch bản của dịch bệnh. Thứ nhất, đại dịch sẽ kéo dài thêm khoảng 3 tháng và được khống chế và kiểm soát trên phạm vi khu vực và phạm vi toàn cầu. Đây kịch bản tốt nhất đối với mọi quốc gia và cả thế giới, dù ít nhiều bị ảnh hưởng sau đó các hoạt động kinh tế trở lại bình thường. Các trường học và công sở sẽ mở cửa trở lại, hoạt động kinh doanh buôn bán, giao thông, du lịch, khách sạn, nhà hàng dần khôi phục. Theo kịch bản này, đa phần các nước bị ảnh hưởng và thiệt hại nhưng sẽ sớm được khắc phục theo thời gian. Kịch bản thứ 2 dịch bệnh có thể kéo dài từ 1 đến 3 năm, cho đến khi con người chế tạo được loại thuốc đặc trị. Lúc này Covid-19 xem như một loại cúm mùa, không loại trừ được hoàn toàn nhưng có thể sống chung với nó. Kinh tế ở hầu hết các quốc gia và thế giới bước vào giai đoạn suy thoái, con người sống trong điều kiện khắc khổ, trong khi vẫn phải dành nguồn lực đáng kể trong phòng chống dịch bệnh. Kịch bản thứ 3, là Covid-19 tiếp tục lây lan với tốc độ khủng khiếp như hiện nay trong một thời gian dài, bất chấp các biện pháp gì mà nhiều nước đang áp dụng, số ca nhiễm, số người chết vẫn duy trì đều đặn ở mức cao. Theo kịch bản này, số người chết có thể tăng lên 1 triệu người, hàng chục triệu người có khả năng bị nhiễm khiến hệ thống y tế công cộng, hệ thống phòng dịch bị thất thủ. Hậu quả đối với kinh tế thế giới vô cùng bi đát, phát triển của thế giới có thể bị kéo lùi lại hàng thập kỷ, đi kèm theo đó là nghèo đói, bệnh tật, bạo lực hoành hành. Chủ tịch UBND TP nêu rõ: "Trong khi hy vọng điều tốt đẹp nhất thì chúng ta cũng cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất". Không nên bắt tay nhau Chủ tịch UBND TP cho biết, trong vòng 36 tiếng qua, Hà Nội chưa phát hiện ca nhiễm mới. "Một trong những nguyên nhân tạo kết quả chống dịch tốt là do chúng ta thực hiện tốt công tác xét nghiệm", Chủ tịch UBND TP khẳng định. Ông đề nghị người dân tiếp tục thực hiện tốt chỉ thị 16 của Thủ tướng, công tác phòng dịch và những công việc bắt buộc phải làm và ông Chung nhắc nhở: "Kể cả thời gian tới khi hết cách ly, người dân vẫn phải đeo khẩu trang, phải trở thành một thói quen và việc làm bắt buộc trong thời gian dài". Chủ tịch UBND TP cũng khuyên mọi người không nên bắt tay nhau, cần rửa tay và thường xuyên vệ sinh cửa ra vào ở mọi nơi. Đáng chú ý, phải hạn chế chia sẻ đồ ăn. Nhắc lại, công tác xét nghiệm là công tác tối quan trọng, Chủ tịch Hà Nội đồng ý tổ chức xét nghiệm tất cả người dân còn lại ở thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín). Ngoài ra, các quận, huyện ngay trong ngày 18 và 19/4 phải tiến hành xét nghiệm nhanh tại một số chợ, gồm: Chợ Ngã Tư Sở (quận Thanh Xuân), chợ Long Biên (Ba Đình), chợ đầu mối hoa quả Hoàng Mai, chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín) và một số chợ hải sản.
Chủ tịch TP cũng giao Sở Y tế tập huấn cho y tá, bác sĩ nâng cao năng lực xét nghiệm để lấy được khoảng 5.000-6.000 mẫu tại chỗ mỗi ngày cũng như nâng cao hiểu biết về Covid-19, xác định ứng phó lâu dài với dịch bệnh này, nắm chắc phác đồ điều trị. CDC Hà Nội, các bệnh viện, địa phương phải báo cáo thống kê về trang thiết bị y tế đã mua trong giai đoạn 1 và có kho cất trữ. Sau dịch Covid-19, có thể tất cả lý thuyết về kinh tế đều đảo lộn, thay đổi, vì vậy các đơn vị phải thực hiện nhiều biện pháp phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Các huyện phải đảm bảo năng suất của vụ xuân hè và tăng cường chăn nuôi, đảm bảo tốt tăng trưởng. Tiếp tục kiên trì thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trước mắt đến hết ngày 22/4 để đảm bảo hiệu quả. "Chúng ta không nên sốt ruột vì càng giãn cách xã hội thì càng đạt kết quả trong việc đảm bảo không lây nhiễm thời gian tới", ông Chung nói. Hương Quỳnh - Trần Thường Bộ Công an triệu tập cán bộ CDC Hà Nội, làm rõ việc mua sắm thiết bịChủ tịch Hà Nội cho biết Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an đã cho gọi một số cán bộ của CDC Hà Nội để làm rõ việc mua sắm thiết bị y tế. | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Xe khách liên tỉnh được chạy ở tỉnh nào trong đợt cách ly xã hội lần 2 Posted: 17 Apr 2020 07:53 AM PDT Tổng cục Đường bộ VN vừa thông tin về quy định xe khách liên tỉnh hoạt động trong đợt giãn cách xã hội lần 2 do ảnh hưởng dịch Covid-19. Theo đó, trong đợt cách ly xã hội lần 2, chỉ được vận chuyển hành khách giữa các tỉnh, thành phố thuộc nhóm 3 (nhóm nguy cơ thấp) với nhau. Hành trình vận chuyển không được đi qua các tỉnh, thành phố thuộc nhóm 1 (có nguy cơ cao) và nhóm 2 (có nguy cơ) theo thông báo số 158 của Văn phòng Chính phủ.
Trường hợp hành trình chạy xe đi qua các địa phương thuộc nhóm 1, nhóm 2 phải thông báo, yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tạm dừng hoạt động cho đến khi có thông báo mới của Chính phủ, Bộ GTVT. Tổng cục Đường bộ nói rõ, số lượng hành khách trên mỗi chuyến xe không được vượt quá 50% sức chứa của xe và tối đa không quá 20 người. Bên cạnh đó, phải bố trí hành khách ngồi giãn cách, xen kẽ giữa các hàng ghế. Lái xe, nhân viên phục vụ, hành khách phải đeo khẩu trang, được kiểm tra y tế, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn trước khi lên xe và khai báo y tế. Xe phải tẩy rửa, khử trùng trước và sau khi đón, trả khách. Các Sở GTVT cần bố trí, sắp xếp lại biểu đồ chạy xe trên các tuyến cố định liên tỉnh để đảm bảo cắt giảm tối thiểu 50% số chuyến xe theo biểu đồ chạy xe đã được duyệt. Đồng thời, bố trí cán bộ theo dõi tình hình hoạt động của các phương tiện trên hệ thống giám sát bằng thiết bị giám sát hành trình của Tổng cục Đường bộ VN để kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm. Nhóm 1 và nhóm 2 không vận tải khách liên tỉnh. Từ hôm nay đi lại thế nào khi tiếp tục giãn cách xã hộiBộ GTVT vừa đưa ra quy định hoạt động vận tải hành khách trong đợt giãn cách xã hội thứ 2 theo nhóm các địa phương. Vũ Điệp | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Đà Nẵng tiếp tục thực hiện cách ly 14 ngày người đến từ Hà Nội, TP.HCM Posted: 17 Apr 2020 07:06 AM PDT Để phòng chống dịch Covid-19, Đà Nẵng vẫn tiếp tục thực hiện cách ly tập trung đối với các công dân đến từ TP.HCM và Hà Nội. Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến - Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng chiều nay cho biết, TP vẫn tiếp tục thực hiện cách ly tập trung công dân về từ Hà Nội, TP.HCM. Việc này áp dụng với cả người dân Đà Nẵng từ 2 địa phương trên trở về. Thời gian cách ly là 14 ngày kể từ ngày rời khỏi Hà Nội và TP.HCM. Hiện nay, Đà Nẵng vẫn duy trì 7 chốt kiểm tra phòng chống dịch Covid-19 tại các cửa ngõ TP. Bên cạnh đó, đến thời điểm hiện tại TP chưa ghi nhận thêm ca nhiễm Covid-19 mới.
Trước đó, ngày 4/4, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị về việc thực hiện thu phí cách ly tập trung với người dân từ TP.HCM và Hà Nội đến Đà Nẵng từ ngày 5/4. Tuy nhiên, đến ngày 8/4, Ban chỉ đạo phòng TP cho biết, căn cứ tình hình thực tế và chỉ đạo mới đây của Thủ tướng trong thông báo số 146, Ban đề nghị Bộ chỉ huy quân sự TP tiếp tục sử dụng nguồn kinh phí của đơn vị và các nguồn hợp pháp để phục vụ ăn uống, sinh hoạt đảm bảo sức khỏe cho người cách ly. Chiều 15/4, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 xếp Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và 9 địa phương khác vào nhóm có nguy cơ cao. Dịch bệnh còn kéo dài, tiến tới chung sống an toàn với Covid-19Vì dịch còn dài nên chúng ta phải xác định chung sống nhưng nhất thiết phải an toàn - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói. Hồ Giáp | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Sân gôn ở Hà Tĩnh, Nghệ An đông đúc người chơi bất chấp lệnh cách ly Posted: 16 Apr 2020 08:49 PM PDT Dù cam kết đóng cửa sau khi có chỉ thị 16 về cách ly xã hội của Thủ tướng, song sân gôn Xuân Thành Hà Tĩnh (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) và Cửa Lò (Nghệ An)... vẫn đông khách đến chơi những ngày gần đây. XEM CLIP: Trưa chiều 15/4, sân gôn Xuân Thành Hà Tĩnh, ở thôn Thành Vân, xã Xuân Thành (huyện Nghi Xuân) do công ty cổ phần Hồng Lam - Xuân Thành làm chủ đầu tư vẫn mở cửa đón khách vào tham quan và chơi gôn. Tại bãi đỗ xe của sân gôn này xuất hiện nhiều ô tô mang biển kiểm soát 37 của tỉnh Nghệ An.
Tất cả các vị khách đều được caddy (nhân viên hướng dẫn, phục vụ khách chơi và tập gôn) chăm sóc nhiệt tình. Gần 12h trưa, trời nắng nhẹ, 2 chiếc xe điện nối đuôi nhau chở khách và các caddy chạy vòng quanh sân chơi gôn. Mỗi chiếc xe chở cùng lúc 3, 4 người nhưng các "gôn thủ" không ai đeo khẩu trang.
Đến hơn 15h chiều cùng ngày, có ít nhất 4 nhóm khách đi trên 8 chiếc xe điện chơi gôn trong sân, mỗi nhóm có từ 7 đến 8 người. Theo một số nhân công làm việc bên ngoài, mấy ngày qua, luôn có người chạy xe chơi gôn trong sân từ sáng đến chiều. Từng cam kết đóng cửa PV VietNamNet gọi điện cho Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Nguyễn Hải Nam nhiều lần nhưng không được bắt máy. Nhắn tin về hoạt động của sân gôn Xuân Thành Hà Tĩnh, chỉ nhận được phản hồi "cảm ơn em".
Đại uý Trần Bá Quang - Trưởng Công an xã Xuân Thành cho biết, sân gôn Xuân Thành Hà Tĩnh đã ký cam kết đóng cửa không tiếp khách chơi từ khi có Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Khi PV cho xem hình ảnh vừa mới ghi nhận tại sân gôn Xuân Thành trong ngày 15/4, Đại uý Quang ngay lập tức gọi điện cho lực lượng xuống kiểm tra. "Mấy ngày qua, lực lượng công an và chính quyền xã đã xử phạt hành chính 7 trường hợp không đeo khẩu khẩu trang nơi công cộng…" - ông Quang thông tin thêm.
Chủ động gọi cho PV, ông Đặng Hồng Dũng, quản lý sân gôn Xuân Thành Hà Tĩnh cho biết, sân gôn đã đóng cửa nhiều ngày qua, riêng mấy hôm nay nhà thầu cho bảo dưỡng cỏ. "Chiều nay có các chuyên gia đang kiểm tra, đánh giá làm lại cỏ cho mặt sân, lúc này chưa kinh doanh được gì đâu" - ông Dũng nói. Qua điện thoại, Chủ tịch UBND xã Xuân Thành (huyện Nghi Xuân) Trần Quốc Anh xác nhận, lực lượng công an xã đã đến kiểm tra sân gôn Xuân Thành Hà Tĩnh và lập biên bản ngay trong ngày 15/4. Hà Tĩnh nằm trong nhóm các tỉnh có nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 cao, tiếp tục cách ly xã hội đến ngày 22/4 hoặc 30/4. Sân gôn Cửa Lò Nghệ An đông người chơi Chiều 16/4, sân gôn Cửa Lò (TX Cửa Lò, Nghệ An) vẫn mở cửa đón khách đi trên nhiều chiếc xe sang vào chơi. Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung vừa ký văn bản gửi đến các huyện, thị xã về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 đến hết ngày 22/4 theo chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Lúc hơn 16h, có ít nhất 3 nhóm đang chơi trong sân gôn Cửa Lò, mỗi nhóm từ 6 đến 10 người. Lãnh đạo TX Cửa Lò cho biết, sự việc PV phản ánh sẽ cho người xuống kiểm tra và xử lý.
Theo phản ánh của báo Môi trường đô thị, ngày 16/4 tại sân golf Đại Lải (tỉnh Vĩnh Phúc) vẫn tấp nập du khách. Ngày 16/4, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành văn bản số 2822, về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh sau ngày 15/4. Văn bản này nêu rõ: Từ ngày 16/4 đến ngày 30/4, tiếp tục dừng triệt để các nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giao, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí tại các điểm công cộng, khu du lịch…
Quốc Huy | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Thi thể nam giới chết quỳ trong rừng cao su ở Bình Dương Posted: 16 Apr 2020 07:24 PM PDT Trong lúc đi chăn bò, một người dân ở Bình Dương phát hiện thi thể nam giới chết cháy trong tư thế quỳ gối trong rừng cao su. Công an thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương sáng nay đang phối hợp với các cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ phát hiện thi thể chết cháy trong rừng cao su.
Trung tá Hà Tấn Phú, Trưởng công an thị xã Tân Uyên cho biết, khoảng 6h sáng nay một người dân đi chăn bò trên địa bàn khu phố Ông Đông, phường Tân Hiệp (Bình Dương) phát hiện một thi thể nam giới bị cháy đen, cách đó khoảng 10 mét có một chiếc xe máy biển số tỉnh Bình Thuận nghi của nạn nhân. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã phong tỏa hiện trường, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc. Theo khám nghiệm ban đầu, nạn nhân là nam giới khoảng 30 tuổi, thi thể bị cháy đen trong tư thế quỳ gối, gục đầu xuống đất. Khu vực phát hiện sự việc là một rừng cao su nằm cách xa khu dân cư, vắng người qua lại. Lực lượng chức năng đang xác định danh tính nạn nhân để điều tra. Thi thể nam giới nổi trên sông Sài GònĐang đi dạo bên bờ sông Sài Gòn, một người dân hốt hoảng phát hiện thi thể nam giới trồi lềnh bềnh trên mặt nước. Xuân An | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Bán thẻ chống virus trên facebook, một thanh niên bị phạt 10 triệu đồng Posted: 17 Apr 2020 04:23 AM PDT Rao bán "thẻ chống virus" với các công dụng thần thánh, một thanh niên ở Cẩm Phả (Quảng Ninh) bị phạt 10 triệu đồng. Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Quảng Ninh hôm nay ra quyết định xử phạt N.T.K.T (trú phường Cẩm Sơn, TP Cẩm Phả) 10 triệu đồng vì hành vi quảng cáo sản phẩm "thẻ chống virus" trên facebook. T rao bán "thẻ chống virus" trên tài khoản Facebook của mình với các công dụng thần thánh như: bảo vệ cơ thể trước nguy cơ tấn công của virus, vi khuẩn, ngăn chặn lây nhiễm dịch bệnh, cảm cúm.
Cùng ngày, Công an thị xã Đông Triều ra quyết định xử phạt 7,5 triệu đồng đối với C.X.H (trú xã Thuỷ An) vì dùng tài khoản facebook cá nhân đăng tải các thông tin xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức về công tác, phòng chống dịch bệnh Covid-19 với lời lẽ thô tục. Ngau sau khi nhận được thông tin, lực lượng công an đã mời H đến trụ sở để làm việc. H đã thừa nhận hành vi sai trái và gỡ bỏ các nội dung đã đăng. Phạm Công Bộ Công an triệu tập cán bộ CDC Hà Nội, làm rõ việc mua sắm thiết bịChủ tịch Hà Nội cho biết Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an đã cho gọi một số cán bộ của CDC Hà Nội để làm rõ việc mua sắm thiết bị y tế. | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Dự báo năm nay nóng kỷ lục, 11-13 cơn bão và áp thấp trên Biển Đông Posted: 17 Apr 2020 06:11 AM PDT Từ đầu năm đến nay, nhiều hiện tượng thời tiết bất thường như mưa to, giông lốc, mưa đá liên tục xảy ra ở Bắc Bộ, vào thời điểm hiếm khi, thậm chí chưa từng xảy ra. Trả lời báo chí hôm nay, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV), Bộ TN&MT Trần Hồng Thái thông tin, theo dự báo của Cơ quan khí tượng Vương quốc Anh (Met Office), 2020 sẽ là một trong những năm nóng kỷ lục, với nhiệt độ toàn cầu tăng có thể tăng 1,1 độ so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp. Kèm theo đó là tính bất ổn định cao của khí quyển trên quy mô toàn cầu, khu vực.
Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) cũng đã có công hàm gửi tới các nước thành viên, trong đó yêu cầu các quốc gia thành viên cần đặc biệt cảnh giác với các nguy cơ khí tượng thủy văn như mưa, lũ, bão, các thảm họa liên quan tới biến đổi khí hậu và thời tiết. Thực tế từ đầu năm đến nay, nhiều hiện tượng thời tiết, khí hậu bất thường như mưa to kèm giông lốc, mưa đá liên tục xảy ra ở các tỉnh phía Bắc, vào các thời điểm rất hiếm khi, thậm chí chưa từng xảy ra. Bên cạnh đó là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra ở các tỉnh Nam Bộ, Trung Bộ. Mùa bão năm nay trên khu vực Biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN). Dự báo có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông. Trong đó, có 5-6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong nửa cuối năm. Ông Thái cho biết, trước những diễn biến bất thường của thời tiết, toàn ngành KTTV cũng phải chuyển đổi, công tác chuẩn bị và triển khai hệ thống dự báo phải thường xuyên, liên tục, không chỉ chờ đến mùa mưa bão mới chuẩn bị. Tổng cục KTTV đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo tất cả các đơn vị trong hệ thống dự báo quốc gia rà soát hệ thống mạng lưới các trạm quan trắc khí tượng thủy văn, các quy định, quy trình kỹ thuật dự báo... Trên cơ sở đó, cập nhật, bổ sung phương án tác nghiệp năm nay sát với tình hình thực tế, có tính đến những yếu tố bất thường do biến đổi khí hậu. Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là bước vào mùa mưa bão năm 2020 với dự báo thời tiết có nhiều diễn biến bất thường. Hệ thống dự báo quốc gia đã và đang theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến về KTTV để cung cấp thông tin cho các cơ quan chỉ đạo, quản lý về thiên tai và người dân với phương châm "thống nhất, chính xác, liên tục, tin cậy và kịp thời". Thái An Bộ Công an triệu tập cán bộ CDC Hà Nội, làm rõ việc mua sắm thiết bịChủ tịch Hà Nội cho biết Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an đã cho gọi một số cán bộ của CDC Hà Nội để làm rõ việc mua sắm thiết bị y tế. | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
TP.HCM xuất hiện các nhóm nhậu ven đường, lơ là phòng dịch Posted: 17 Apr 2020 06:00 AM PDT Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu, bắt đầu vào tuần thứ ba thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng, đã xuất hiện các nhóm nhậu ven đường, nhiều quán cà phê mở lại với 5-7 khách tụ tập. Chiều nay, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM đã tổ chức họp trực tuyến triển khai công tác chống dịch với các sở, ngành và quận, huyện. Phát biểu tại buổi họp, Phó chủ tịch TP Ngô Minh Châu cho biết, đã có hiện tượng chủ quan, lơ là trong thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Theo ông Châu, sau hai tuần giãn xã hội, đã xuất hiện các nhóm nhậu tự phát ven đường ở một số quận, huyện. Các quán cà phê bắt đầu mở lại, khách tụ tập uống đông từ 5-7 người. Chợ truyền thống đã bắt đầu chủ quan khi không thực hiện khoảng cách an toàn 2m như quy định… Có tình trạng người dân đi bộ buổi sáng, ra công viên tập thể dục đông người, nhưng lại không đeo khẩu trang. "Thời gian cách ly xã hội vừa qua người ra đường đã vắng, lẽ ra tai nạn sẽ giảm nhưng trong quý I lại tăng 10%. Điều này cho thấy, ngoài đường vắng, người chạy xe tốc độ cao nên xảy ra tại nạn nhiều hơn. Đề nghị các sở, ngành liên quan kiểm tra, giám sát. ", lời ông Châu. Cũng theo Phó chủ tịch Ngô Minh Châu, một số tỉnh, thành xuất hiện nạn đua xe, có người tử vong. "TP.HCM từng là điểm nóng đua xe, có thể tái diễn nếu chủ quan, lơ là. Tôi đề nghị các quận, huyện và Công an cần nắm chắc, giám sát để phát hiện và ngăn chặn ngay từ đầu", ông Châu chỉ đạo. Còn theo Phó chủ tịch Thường trực Lê Thanh Liêm, nhiều hành vi lơ là, chủ quan của người dân như ông Châu vừa nói, cần được kiểm tra, giám sát. Nếu không, mọi thành quả đạt được thời gian qua có thể như 'muối bỏ biển'. Ông Liêm cũng đề nghị các địa phương xuất hiện tình trạng các nhóm nhậu, quán cà phê tụ tập đông người cần kiểm tra, xử lý ngay các vi phạm này. "TP.HCM nằm trong nhóm có nguy cơ cao, chúng ta giữ và kiểm soát được dịch thời gian qua là rất tốt, rất khó khăn. Nếu lơ là, buông lơi một chút thì rất nguy hiểm, phải hết sức cảnh giác, chủ động mọi lúc, mọi nơi để giữ thành quả đạt được", lời ông Liêm. Ông Liêm yêu cầu các sở, ngành đã được chỉ đạo cần nhanh chóng xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn, để áp dụng trong phòng, chống dịch trên địa bàn TP. 12 tỉnh, thành kéo dài cách ly xã hội đến 22/4 hoặc 30/4Thủ tướng đồng ý nhóm nguy cơ cao gồm 12 địa phương, trong đó có Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... tiếp tục cách ly xã hội đến 22/4 hoặc 30/4. Hồ Văn | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Dịch bệnh còn kéo dài, tiến tới chung sống an toàn với Covid-19 Posted: 17 Apr 2020 06:07 AM PDT Vì dịch còn dài nên chúng ta phải xác định chung sống nhưng nhất thiết phải an toàn - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói tại cuộc họp trực tuyến của BCĐ quốc gia phòng chống dịch Covid-19 với 63 địa phương chiều nay. Tại cuộc họp, đã có 23 ý kiến phát biểu trực tiếp của lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, góp ý dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Các ý kiến đều nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành chỉ thị, thống nhất cơ bản với nội dung đã nêu, đồng thời góp ý một số nội dung cụ thể để hoàn thiện dự thảo. Đối với các đại biểu đã đăng ký, nhưng do thời gian hạn chế, không thể phát biểu trực tiếp, Ban Chỉ đạo đề nghị gửi văn bản về bộ phận dự thảo để nghiên cứu, tiếp thu. Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo yêu cầu bộ phận soạn thảo tiếp thu tối đa các ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo, trình Thủ tướng xem xét, ban hành.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Dịch bệnh chắc chắn còn kéo dài, dù sẽ có từng nơi, từng thời điểm lắng xuống, nhưng chỉ tới khi nào có thuốc đặc trị hoặc có vaccine thì mới có thể coi là cơ bản hết dịch được. Điểm này rất quan trọng vì chúng ta không thể đóng kín cửa một mình, dù hạn chế nhưng vẫn phải có giao lưu để đảm bảo "mục tiêu kép". Thời gian đó chắc chắn không tính bằng tuần mà phải tính ít nhất bằng tháng. Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục chống dịch, tuyệt đối không được chủ quan, không để dịch lan rộng nhưng đồng thời cũng phải ổn định và phát triển. Trong mục tiêu kép đó, vẫn phải quán triệt mục tiêu tuyệt đối là phải kiểm soát được dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan, để chết nhiều người. Một nước đang phát triển như Việt Nam mà nhiều người lây nhiễm như các nước phương Tây thì chắc chắn tỷ lệ tử vong sẽ cao hơn. Trong công tác điều trị, hiện nay chúng ta cứu sống được các bệnh nhân nặng vì cả nước dồn trí, dồn sức vào cứu chữa. Còn nếu nhìn ra bên ngoài, rất nhiều nước có nền y tế phát triển hơn ta nhiều, giàu có hơn ta nhiều nhưng đã có tới hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn người nhiễm bệnh, hàng ngàn, hàng chục ngàn người tử vong thì không chỉ thiệt hại về tính mạng con người, về xã hội mà thiệt hại kinh tế cũng lớn hơn rất nhiều. Do vậy, chúng ta phải quán triệt mục tiêu kép nhưng vẫn phải ưu tiên hơn là kiểm soát được dịch bệnh. "Vì vậy chúng ta phải kiểm soát được dịch bệnh, tiến tới chung sống an toàn, thúc đẩy sự điều chỉnh tích cực của xã hội", Phó Thủ tướng nói. Kiểm soát dịch bệnh Theo Phó Thủ tướng, trước hết, chúng ta nhất thiết phải kiểm soát được dịch bệnh, nhưng kiểm soát được ở đây cần đặt trong bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài và hoàn toàn có thể sẽ có những ca bệnh mới. Vấn đề là chúng ta kiểm soát được ngay, không để lây lan rộng, thành những ổ dịch lớn, lây lan rộng, vượt khả năng kiểm soát, điều trị. Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục kiên định, quyết liệt tiếp tục tực hiện thật nghiêm, thật tốt lời kêu gọi của Tổng bí thư, Chủ tịch nước và các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng, Ban Chỉ đạo quốc gia, các hướng dẫn, và luôn bám sát nguyên tắc: Ngăn chặn – Phát hiện – Cách ly – Khoanh vùng – Dập dịch. Đầu tiên là ngăn chặn: Chúng ta cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ xuất nhập cảnh cả đường hàng không, đường thủy, đường bộ. Kiểm soát chặt chẽ không đơn giản là đóng hết. Chúng ta phải tiếp tục tiếp nhận người nhập cảnh vì mục đích ngoại giao, công vụ và thực hiện các dự án lớn, hợp tác đầu tư, sản xuất kinh doanh… Chúng ta cũng phải tiếp nhận những người Việt Nam có nguyện vọng chính đáng từ nước ngoài về. Tinh thần là phải kiểm soát chặt chẽ để chủ động điều phối vấn đề xuất nhập cảnh, đảm bảo an toàn. Không chỉ lực lượng công an, biên phòng mà chính quyền địa phương phải vào cuộc sát sao tới từng doanh nghiệp, từng cơ sở cách ly, từng cơ sở sẵn sàng điều trị sao cho việc nhập cảnh, cách ly, theo dõi y tế từ sức khỏe tới đi lại, ở, làm việc, tiếp xúc được tuyệt đối an toàn. Sau khâu ngăn chặn, điều quan trọng nhất khi phát hiện ra người nhiễm bệnh là lập tức tiến hành điều tra dịch tễ, xác định cách ly và khoanh gọn lại ngay. Đây là năng lực rất quan trọng với các địa phương nhất là những địa phương chưa có người nhiễm bệnh. Chúng ta đã trải qua mấy tháng chống dịch, các tổ chức, cá nhân đã hiểu hơn về dịch bệnh, về cơ chế lây nhiễm, biện pháp phòng dịch. Năng lực đảm bảo từ khẩu trang, sinh phẩm xét nghiệm tới đội ngũ đã được nâng lên. Có thể nói mức độ sẵn sàng của cả hệ thống, của cộng đồng đã được nâng cao rất nhiều. Tinh thần cơ bản trong thời gian tới là chúng ta cần có giải pháp phù hợp với từng địa bàn, từng nhóm đối tượng, từng nhóm ngành nghề để đảm bảo vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Chúng ta đã hình thành được mô hình dự báo nguy cơ theo địa bàn từng tỉnh, thành phố để phân ra làm 3 nhóm: Nguy cơ cao, nguy cơ và nguy cơ thấp. Mức độ nguy cơ được xác định thông qua các nhóm chỉ số có tính khách quan như giao thông, mật độ dân cư, giao lưu quốc tế… và nhóm chỉ số có tính chủ quan như năng lực tổ chức thực hiện các chỉ thị của Đảng chính quyền, hướng dẫn của ngành y tế; năng lực sẵn sàng phát hiện, truy vết khi có người bị nhiễm, nghi nhiễm; năng lực của y tế cơ sở trong quản lý sức khỏe, thăm khám tại nhà nhất là với nhóm người cao tuổi người có bệnh nền. "Tôi nhấn mạnh chúng ta phải tiếp tục chia được nhóm đến cấp huyện, cấp xã, thậm chí đến cấp thôn… để chúng ta có thể điều hành sát sao hơn, linh hoạt hơn, kịp thời hơn và trên hết là hiệu quả hơn trong thực hiện mục tiêu kép. Vì vậy, các tỉnh phải có bộ phận cập nhật số liệu, theo dõi hàng ngày", Phó Thủ tướng nói. Tuyệt đối không chủ quan Vì dịch còn dài nên chúng ta phải xác định chung sống nhưng nhất thiết phải an toàn. Có an toàn mới phát triển được, nhưng tuyệt đối không được chủ quan. Muốn chung sống an toàn chúng ta phải hiểu được về dịch bệnh này, sự nguy hiểm của nó và cơ chế lây lan, từ đó quán triệt thực hiện thật tốt tất cả các quy định, hướng dẫn liên quan đến cơ chế lây lan của virus SARS-CoV-2, rất dễ thấy như đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, giữ khoảng cách, rửa tay, không tập trung đông người… Những giải pháp này hết sức quan trọng vì cơ chế lây lan của virus là chủ yếu qua đường giọt bắn từ nước bọt hoặc trực tiếp vào mũi, miệng, mắt người tiếp xúc gần hoặc nước bọt dính trên bề mặt rồi dính vào tay, từ tay lên miệng, mũi, mắt. Chung sống an toàn phải đi vào từng lĩnh vực cụ thể. Đầu tiên là trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ sức khỏe: Từ ăn ở hợp vệ sinh mùa dịch, lau chùi nhà cửa, để thông thoáng, luyện tập, tinh thần… đến việc đảm bảo an toàn trong khám chữa bệnh. Chỉ tới cơ sở y tế khám bệnh khi thực sự cần thiết, sau khi đã liên hệ với bác sĩ hoặc cơ sở y tế. Các cơ sở y tế phải quán triệt tinh thần coi người đến khám là người có nguy cơ lây nhiễm (F1) để có giải pháp đảm bảo an toàn cho người khám, người tới khám và tất cả mọi bệnh nhân, nhân viên trong cơ sở y tế. Thứ hai là học tập an toàn: Bộ GD&ĐT và các địa phương cần chuẩn bị kỹ lưỡng học tập an toàn với các giải pháp rất cụ thể cho từng vùng, từng cấp học, từng loại hình trường lớp. Mấy tháng qua đã có các hướng dẫn và chuẩn bị rồi, nay cần rà soát, bổ sung và thực hiện phù hợp để khi dịch bệnh kiểm soát được rồi thì đi học trở lại phải an toàn. Thứ ba là đi lại phải an toàn. Chúng ta hạn chế ra ngoài, đi lại khi không thật sự cần thiết nhưng khi cần thiết thì đi lại phải an toàn. Cần có quy định thật cụ thể khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng từ máy bay, tàu hỏa, tàu thủy, xe khách tới taxi, xe ôm. Ví dụ taxi và kể cả xe ôm thì khẩu trang như thế nào, xịt tay khi lên, xuống xe như thế nào… Thứ tư là sản xuất, kinh doanh an toàn: Từ nhà máy, xí nghiệp lớn tới các tổ hợp tác, các cơ sở sản xuất kinh doanh gia đình, nhỏ lẻ, lao động tự do đều phải có các hướng dẫn rất cụ thể ở từng địa phương. Đặc biệt đối với các hộ kinh doanh cá thể, người hành nghề tự do cần có quy định hướng dẫn kể cả khi cầm tiền, thanh toán… như thế nào cho an toàn. Thứ năm là các hoạt động của các cơ quan công quyền an toàn. Đặc biệt là việc tổ chức các sự kiện cần có nhiều người tham gia phải có phương án thật chi tiết đảm bảo đúng các hướng dẫn về phòng dịch. Thứ sáu là sinh hoạt vui chơi, văn hóa, thể thao, du lịch: Trước mắt chúng ta chưa cho phép tập trung đông người. Đối với các hoạt động bắt buộc phải làm như hiếu, hỉ cần tuân thủ quy định về số người tham gia cùng các biện pháp đảm bảo an toàn. Các cơ sở lưu trú không chỉ phải đáp ứng các yêu cầu về y tế thuần túy mà cả các yêu cầu về khai báo lưu trú… đáp ứng yêu cầu chống dịch. Ngành văn hóa, du lịch cần chủ động hoàn thiện các quy định, hướng dẫn để sẵn sàng khi tình hình dịch được kiểm soát tốt sẽ từng bước mở lại các hoạt động trên tinh thần phải đảm bảo an toàn. "Tinh thần chung là chúng ta phải chung sống an toàn trên từng lĩnh vực, từng ngõ ngách, từng cấp độ nhưng tuyêt đối không chủ quan" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Điều chỉnh tích cực Để kiểm soát được dịch bệnh, để chung sống an toàn, Phó Thủ tướng cho rằng chúng ta đã và đang có những điều chỉnh, thay đổi ở các cấp độ, lĩnh vực đời sống xã hội, từ trong các cơ quan Đảng, công quyền ra ngoài xã hội, từ cấp độ toàn xã hội đến tập thể nhỏ, đến gia đình, cá nhân. Theo ông, chúng ta dễ nhận thấy trong phòng chống dịch bệnh thời gian qua, bên cạnh những vất vả trong công tác phòng, chống dịch, nhiều thay đổi tích cực đã diễn ra và mang lại những hiệu quả và cả những giá trị rất đáng trân trọng. Đó là lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tinh thần dân tộc, ý thức cộng đồng, cống hiến, hy sinh, tương trợ lẫn nhau… đã được khơi dậy, nhân lên. Đó là hình ảnh, uy tín của hệ thống chính trị, của đất nước trong kiểm soát dịch bệnh, trong hợp tác quốc tế, và đặc biệt dù còn nghèo Việt Nam cũng sẵn sàng chia sẻ, hợp tác, hỗ trợ các nước. Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục đề cao tinh thần kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân. Bên cạnh những gói hỗ trợ của nhà nước cần tiếp tục khơi dậy và nhân lên mạnh mẽ truyền thống tương thân tương ái. Đặc biệt, chúng ta cần thúc đẩy những thay đổi tích cực đã nhận ra từ lâu và cũng đã có thay đổi nhưng chậm khi không có dịch nhưng trong điều kiện dịch bệnh thì đã thay đổi nhanh hơn, tích cực hơn. Phó Thủ tướng nêu một vài ví dụ cụ thể. Dễ thấy nhất là các giải pháp thực hiện chuyển đổi số để tận dụng thời cơ của thời đại số hóa, của cuộc cách mạng 4.0. Từ việc hội họp trực tuyến, dịch vụ công trực tuyến, học trực tuyến đến tư vấn khám bệnh trực tuyến, thanh toán điện tử... sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Hay lâu nay chúng ta rất khó hình thành thói quen cập nhật dữ liệu và ý thức chia sẻ dữ liệu thì trong lúc chống dịch và tới đây phải tiếp tục làm mạnh. Thứ hai là trong cuộc sống, trong sinh hoạt có rất nhiều lề thói, phong tục không còn phù hợp mà chúng ta cố gắng yêu cầu, kêu gọi thay đổi nhưng vẫn còn chậm như chen lấn, không xếp hàng, ồn ã nơi công cộng, ở các lễ hội xô bồ, vừa thiếu văn minh và cũng không đúng với lễ tiết tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống… Thậm chí không ít thói quen có tính gia đình, cá nhân cũng nên được thay đổi như bắt tay nhau khi đang ăn uống, dùng chung bát, đĩa… không phù hợp với nếp sống văn minh, hiện đại. Tóm lại chính trong lúc dịch bệnh này, chúng ta cần bình tĩnh nhìn lại để thúc đẩy những điều chỉnh tích cực ở mọi tầng nấc, quy mô từ trong cơ quan công quyền ra doanh nghiệp, cộng đồng; từ quy mô toàn xã hội, tập thể, gia đình và tới từng cá nhân. "Chúng ta phải kiểm soát được dịch bệnh, chung sống an toàn, điều chỉnh tích cực. Làm được như vậy nhất định chúng ta sẽ chống dịch thành công, vẫn phát triển được kinh tế - xã hội trong điều kiện có dịch bệnh, đồng thời thúc đẩy những sự thay đổi, sự điều chỉnh tích cực, nhanh hơn theo hướng đúng đắn. Tôi mong rằng các bộ ngành, địa phương cùng nhau thống nhất hành động. Mặc dù còn vất vả nhưng chắc chắn chúng ta sẽ thành công", Phó Thủ tướng tin tưởng. Theo VGP Hà Nội tổ chức xét nghiệm nhanh Covid-19 ở các chợ đầu mốiNgay ngày mai, Hà Nội sẽ tổ chức xét nghiệm tại các chợ đầu mối như Ngã Tư Sở, Long Biên, chợ hoa quả Hoàng Mai, chợ hải sản, chợ gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín)… | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Phát hiện cụ ông ăn xin ở Sài Gòn có đến 12 chứng minh thư Posted: 17 Apr 2020 03:15 AM PDT Tổng cộng 12 chứng minh nhân dân, căn cước công dân của cụ ông ăn xin được lực lượng chức năng phát hiện đều là thật và có cùng một địa chỉ. Chiều nay, Chủ tịch UBND phường 4 (quận Tân Bình) Nguyễn Trung Sơn, cho biết, vẫn đang xác minh trường hợp cụ ông ăn xin có 12 chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân.
Trước đó, sáng cùng ngày, lực lượng chức năng phường 4 khi đi tuần tra, kiểm soát người lang thang trên địa bàn phường đã phát hiện một cụ ông thường trú tại địa phương đi ăn xin. Thời điểm kiểm tra, trong lưng bụng cụ ông có số tiền 54 triệu đồng, 5 chứng minh nhân dân số 020434231 và 7 căn cước công dân số 089043000003 mang tên Đỗ Văn Đệ, sinh năm 1943, quê quán An Giang, địa chỉ tại thường trú đường Bùi Thị Xuân, phường 2, quận Tân Bình. Đại diện UBND phường 4 cho biết, bước đầu kiểm tra 12 chứng minh thư, thẻ căn cước cho thấy đều là thật. "Tất cả chứng minh thư, căn cước công dân đều chung một số, chỉ khác về ngày cấp. Có thể, cụ ông này bị cơ quan chức năng kiểm tra nhiều lần nên cớ mất giấy tờ để làm nhiều chứng minh thư nhằm mục đích đối phó..."- ông Sơn nhận xét. Hiện Công an phường đã mời được con của cụ ông này lên để làm rõ thông tin, đồng thời có báo cáo gửi Công an quận, tham mưu xử lý vụ việc. Truy tìm nhóm người giả ăn xin quay clip đăng Facebook ở Hội AnCông an TP Hội An đang truy tìm nhóm người ăn mặc nhếch nhác, giả ăn xin ở phố cổ Hội An, rồi quay video, chụp ảnh đăng trên mạng xã hội. Tuấn Kiệt | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Chuyến bay chở 308 kỹ sư Hàn Quốc hạ cánh tại sân bay Vân Đồn Posted: 17 Apr 2020 12:42 AM PDT Chuyến bay OZ7737 của hãng hàng không Asiana Airlines xuất phát từ Incheon (Hàn Quốc) chở 308 hành khách là kỹ sư của công ty Samsung Việt Nam hạ cánh xuống Vân Đồn lúc 11h27 trưa nay. Đây là chuyến bay đặc biệt chở các chuyên gia Hàn Quốc sang Việt Nam làm việc theo thỏa thuận của Chính phủ 2 nước.
Chiều nay, máy bay này sẽ đưa hành khách là các lao động Việt Nam và chuyên gia Hàn Quốc về nước. Tất cả chuyên gia Hàn Quốc nhập cảnh vào Việt Nam đều có giấy xác nhận không dương tính với virus SARS-CoV-2 do cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc cấp, giấy này được Việt Nam chấp nhận. Cảng hàng không Vân Đồn áp dụng quy trình phục vụ hành khách khép kín phía ngoài nhà ga đối với chuyến bay này. Máy bay đậu ở bãi đỗ xa. Xe chở hành khách lần lượt vào làm thủ tục tại khu vực phía ngoài nhà ga, đảm bảo không ảnh hưởng tới hoạt động chung của sân bay, tránh lây nhiễm chéo cho nhân viên cũng như các hành khách khác. Các hành khách khi xuống máy bay phải khai báo y tế bắt buộc. Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế và các đơn vị liên quan đã kiểm tra sàng lọc để phát hiện các trường hợp nghi ngờ qua máy đo thân nhiệt từ xa; phun khử trùng hành lý xách tay và hành lý ký gửi của hành khách. Tiếp đó, hành khách làm thủ tục nhập cảnh, kiểm tra hải quan.
Ban chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh đưa toàn bộ hành khách về các điểm cách ly, theo dõi sức khỏe trong 14 ngày. Trước đó, tỉnh Quảng Ninh đã thống nhất phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc đón các nhân sự chủ chốt của các DN Hàn Quốc trở lại Việt Nam làm việc qua sân bay quốc tế Vân Đồn. Vũ Điệp Từ hôm nay đi lại thế nào khi tiếp tục giãn cách xã hộiBộ GTVT vừa đưa ra quy định hoạt động vận tải hành khách trong đợt giãn cách xã hội thứ 2 theo nhóm các địa phương. |
You are subscribed to email updates from Thời sự - Tin tức trong ngày, tin xã hội mới nhất hôm nay. To stop receiving these emails, you may unsubscribe now. | Email delivery powered by Google |
Google, 1600 Amphitheatre Parkway, Mountain View, CA 94043, United States |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét