“Bỗng nhớ người bạn ở Praha (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 47)” plus 5 more |
- Bỗng nhớ người bạn ở Praha (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 47)
- Về hai lời tuyên bố của ông Nguyễn Phú Trọng
- Máy bay quân sự “rụng như sung”, vì sao?
- Đọc sách của Trump
- Sự im lặng về một vụ thảm sát
- Vì sao người Việt ghét Đảng Cộng sản Trung Quốc?
Bỗng nhớ người bạn ở Praha (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 47) Posted: 29 Jul 2018 04:13 PM PDT Tương LaiMột lần đi thăm lại những người bạn ở các nước Đông Âu để có dịp nhận ra cảnh cũ người xưa sau ba thập kỷ giờ ra sao, là một mong mỏi có vẻ "lãng mạn" trong tôi về chuyến viếng thăm dối già e khó thực hiện được rồi đây. Nhớ lại chuyến đi với anh bạn thân ở Đan Mạch đến bốn nước Bắc Âu nhân một hội thảo khoa học ở Thụy Điển rồi tiện thể lái ô tô đi thăm thêm Na Uy, Phần Lan rồi trở về Đan Mạch đi câu cá với anh. Nay anh hứa: Chỉ cần tôi thu xếp được thời gian và sức khỏe tạm ổn thì "kỳ này ta đi thăm lại Đông Âu" mà anh biết tôi khao khát.
Ảnh 2: Praha cổ kính và tôn nghiêm. Praha sẽ là lựa chọn đầu tiên vì có quá nhiều kỷ niệm, trong đó có Giáo sư Srovnal từng nhận lời mời của tôi đến thăm và thuyết trình một buổi tại Viện của tôi. Ông là người đã phản đối sự kiện quân của khối Varsava tấn công vào Praha năm 1967 để lật đổ Dubček. Sau buổi thuyết trình trước toàn Viện, lúc ngồi riêng bên tách trà, ông trầm ngâm nhắc lại câu của Dubček: "Họ có thể giẫm đạp hoa, nhưng họ không thể ngăn cản Mùa Xuân". Srovnal bị tước mọi chức vụ, tước bỏ cả danh hiệu Viện sĩ Viện Hàn lâm Tiệp Khắc là vì sớm nhận ra sự thật nghiệt ngã ấy. Tôi nhớ trong mười mấy năm làm Viện trưởng, có hai lần tôi trực tiếp đưa hai người bạn nước ngoài đi "thực tế", một là Giáo sư François Houtart, nhà Thần học giải phóng và nhà Xã hội học người Bỉ, từng có công lớn giúp chúng tôi đào tạo chuyên gia xã hội học và cũng là người tiến hành một nghiên cứu xã hội học điển hình (case study) về nông thôn tại một xã ở Đồng bằng Bắc Bộ, sau này, ông và đồng nghiệp, bà Tiến sĩ Geneviève Lemercinier, đã hoàn thành và xuất bản cuốn sách: "Xã hội học về một xã ở Việt Nam: Tham gia xã hội, các mô hình văn hóa, gia đình, tôn giáo ở xã Hải Vân" (Sociologie d'une commune vietnamienne: participation sociale, modèles culturels, famille, religion, dans la commune de Hai Van).
Ảnh 2: Praha cổ kính và tôn nghiêm. Người thứ hai là Giáo sư Srovnal. Lần ấy, tôi đưa ông đi thăm Đà Nẵng để có điều kiện mời Srovnal ra biển, vì Tiệp Khắc là một quốc gia không có biển. Còn vì một lẽ khác nữa, Đà Nẵng là thành phố đầu tiên Viện chúng tôi tiến hành một khảo sát xã hội học sau năm 1975, ở đó vẫn còn nhiều người bạn có thể tạo điều kiện thuận lợi giúp tôi đưa Srovnal đến những nơi mà nhà xã hội học Tiệp Khắc muốn tìm hiểu. Ngồi bên một chiếc bàn tre dưới cái ô khá rộng của Công ty Du lịch Đà Nẵng dựng trên bãi biển Non Nước, ông bạn tôi tỏ vẻ thú vị nhâm nhi ly cà phê đá mà ông chưa hề thưởng thức vì trước đó ông có khẩu vị cà phê hoàn toàn khác. Xe đưa chúng tôi đến bãi biển này cũng là xe của khách sạn Phương Đông hợp đồng với Công ty Du lịch này. Srovnal tỉ mỉ đếm xem có bao nhiêu chiếc ô dựng lên bãi biển và bao nhiêu khách đang ngồi. Ông ta không biết được là vào giờ chúng tôi ngồi uống cà phê bên bãi biển là giờ "biển động", không ai được xuống tắm. Cũng nhờ sự ưu ái của Đà Nẵng mà ông bạn Tiệp Khắc của tôi được xuống nước theo lời cầu khẩn thiết tha của ông: "Tôi đã đứng sát mép nước mà không cho tôi xuống biển là tôi có tội với biển". Phải có 8 người bảo vệ của Công ty xuống nước và ông chỉ được bơi trong phạm vi được kiểm soát. Thế rồi năm sau, tôi đến Praha theo lời mời của Viện Triết học-Xã hội học Tiệp Khắc (bởi theo mô hình Xô Viết, trong Viện Hàn Lâm không có Viện Xã hội học đứng riêng, trừ Ba Lan và Hungari nếu tôi nhớ không nhầm). Srovnal buồn buồn nói với tôi và Y Minh: "Đáng tiếc là tôi không giữ lời hứa với các anh đưa đến biệt thự của tôi ở trên đồi Praha rất đẹp!". Qua đường phố ngoằn ngoèo ngập tuyết, ông đưa chúng tôi đến một căn hộ nhỏ. Thì ra, sau khi mất hàm Viện sĩ, vợ ông, một danh ca nổi tiếng đã ly dị ông và sống trong ngôi biệt thự. Nhìn Srovnal lóng ngóng trèo từng nấc chiếc thang gỗ để lấy một hộp các tông to bản ở trên cùng của tủ sách, ông cẩn trọng mở ra, lấy tấm ảnh một thiếu phụ tuyệt đẹp chìa cho tôi và không nói thêm tiếng nào! Trong ánh mắt ông, tôi đọc thấy nỗi u hoài trầm lặng, chua xót. Giữ chặt tay ông tôi cũng chẳng biết nói gì.
Ảnh 3: Nơi an nghỉ của Dubček tại Bratislava, Slovakia. Những ngày ở Praha tôi biết ra nhiều chuyện từ những cuộc "đi tham quan" với Srovnal. Trước khi đi, tôi đã được Cao Xuân Hạo cho đọc một tài liệu để biết rằng Gorbachev từng thừa nhận chính sách "glasnost và perestroika" (tự do hoá) của mình rất giống với "chủ nghĩa xã hội với khuôn mặt người" của Dubček, nên cũng hiểu thêm những gì mà Srovnal đã giới thiệu. Sau năm 1989 Dubček trở lại chính trường, làm Chủ tịch Nghị viện Liên bang, chức vụ mà ông giữ tới tận tháng 6 năm 1992 và là người lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội Slovakia trước khi mất. Nỗ lực xây dựng "chủ nghĩa xã hội mang khuôn mặt con người" của Dubček được hưởng ứng trên khắp cả nước, giai đoạn tự do ngắn ngủi này được gọi là "Mùa Xuân Praha" và Dubček bị tước mọi chức vụ như bị giam lỏng. Nhưng đúng là có thể giẫm đạp lên hoa song không thể ngăn được Mùa Xuân. Sau một thời gian thăng trầm, Dubček vinh quang trở lại thủ đô Praha, trở thành nhà lãnh đạo của tiến trình xây dựng lại đất nước sau khi xóa bỏ thể chế toàn trị kiểu Xô Viết. Tiến trình này về sau được gọi là Cách mạng Nhung.
Ảnh 4: Sinh viên Praha nắm tay nhau trên đường phố. Srovnal đã kể cho tôi nghe về cuộc "Cách mạng Nhung" năm 1989 này, xin gợi lại đôi nét tôi còn nhớ được. Khởi đầu cho cuộc xuống đường ngày 17.11.1989 của sinh viên nhân tưởng niệm một sinh viên Tiệp Khắc bị phát xít Đức bắn chết vào ngày 17-11-1938. Sau cuộc tưởng niệm, sinh viên không trở về nhà, họ nắm tay nhau đi trên đường phố hô to khẩu hiệu đòi dân chủ và tự do. Các văn nghệ sĩ, trí thức và cả công nhân hưởng ứng. Chính quyền đã loan tải lời kêu gọi, yêu cầu các gia đình của sinh viên khuyên bảo họ không được tham gia biểu tình. Chính đấy lại là nhân tố thúc đẩy thêm dòng người đổ ra đường ngày một đông thêm, kể cả những người lúc đầu chỉ muốn đi tìm con. Khi dòng người tràn khắp đường phố thì chính quyền hoảng hốt đã phải ra lệnh đưa lực lượng dã chiến và an ninh ngăn chặn. Thế rồi trong đoàn biểu tình hòa bình, các thiếu nữ cầm những bông hồng trên tay đã bước tới trước đoàn quân trao tặng cho họ. Những người mẹ, người cha đội con mình trên vai đồng thanh hát bài ca Tổ quốc tôi. Các cháu bé cũng bập bẹ hát theo bố mẹ "Tổ quốc tôi ở đâu", Tổ quốc tôi cũng là Tổ quốc của các anh, xin các anh đừng đánh trẻ thơ, xin các anh đừng đánh trẻ thơ. Không ít những người lính dã chiến đã chúc mũi súng xuống đất, rồi sau đó cùng hòa vào dòng người trên đường phố.
Ảnh 5: Quảng trường ngập tràn người với khẩu hiệu đòi tự do. Tôi đã được đứng giữa quảng trường Václav, nơi đây đã diễn cuộc biểu tình với sự tham gia của cả trăm ngàn người. Vậy là sau khi "hoa bị giẫm nát" trên "quảng trường Con ngựa" này (tên dân gian đặt cho quãng trường Václav) "Mùa Xuân của Praha" đã hồi sinh lại đất nước mình. Ở đây, nghe nói, vì tôi không có dịp trở lại Praha, người ta đã dựng lên những tấm pano lớn trưng bày hình ảnh của những cuộc biểu tình, hình ảnh của những kẻ thù của Người Tiệp Khắc mang quốc kỳ chạy ngang một xe tăng bị cháy ở Praha, nhân dân, các nhân vật cộm cán trong bộ máy lãnh đạo, công an, mật vụ. Trên những tấm pano đó người ta ghi dòng chữ "Ký ức của dân tộc!". Ký ức ấy phải chăng không thể tách rời với nét đẹp cổ kính của Praha với những đền đài, cung điện của một thành phố thuộc vào hạng đẹp nhất của châu Âu như tôi được biết. Tôi cũng đã đến quảng trường Staromestske mà người ta còn gọi là "quảng trưởng Con gà", trải dài và bao quanh bởi những công trình cổ kính từ thế kỷ XI, XII với kiến trúc Roma những nhà thờ, đền đài, cung điện và khách sạn tuyệt đẹp. Chính cái "Mùa Xuân Praha" này đã làm sụp đổ một huyền thoại về hệ thống xã hội chủ nghĩa tươi đẹp và bất khả xâm phạm để phơi bày bộ mặt phản dân chủ của một thể chế toàn trị. Những vết đạn của xe tăng Xô Viết đã xé nát niềm tin của những người cộng sản và lực lượng cánh tả ở châu Âu và của thế giới. Đấy là một trong những lực đẩy làm đổ sụp bức tường Berlin ô nhục vào ngày 9.11.1989.
Ảnh 6: Người Praha trước một xe tăng Xô Viết bị đốt cháy. Thế rồi "Mùa Xuân Bắc Kinh" nổ ra đúng một thập kỷ sau khi "hoa bị giẫm nát" trong "Mùa Xuân Praha" với độ tàn khốc được nâng lên cấp số nhân với tính chất man rợ của chế độ toàn trị Phương Đông dưới bàn tay Đặng Tiểu Bình bằng vụ thảm sát Thiên An Môn. Và cũng thế rồi ở Việt Nam, từ đầu óc thiển cận và nô lệ của người chóp bu hoảng sợ trước sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa đã đẩy tới sự dại dột bám lấy cái phao cứu sinh từ Bắc Kinh để tự mình chui vào cái thòng lọng oan nghiệt thít chặt cổ dân tộc mình suốt mấy thập kỷ qua. Cái thòng lọng ấy ngày càng thít chặt đầu óc của một bộ phận lãnh đạo chóp bu muốn bám lấy cái ghế quyền lực nhân danh ý thức hệ xã hội chủ nghĩa cũ nát mà chế độ toàn trị kiểu Hoàng đế đỏ họ Tập dẫn dắt. Quen thói dùng luật rừng với những bản án bỏ túi để xử lý công dân nước mình, người ta đã liều mạng áp dụng nó với các nước văn minh.
Ảnh 7: Praha không khuất phục. Để rồi hôm nay, trên đất nước hồi sinh với "Mùa Xuân Praha" mà tôi tha thiết đến thăm lại thì trong vụ "bê bối bắt cóc" vừa rồi sau chuyện xin không được thì cướp "Việt Nam đã trở thành một mối nguy an ninh trong lĩnh vực xuất khẩu tội phạm có tổ chức" như ông Bộ trưởng Nội vụ Czech Jan Hamacek vừa tuyên bố! Thật nhục nhã và chua xót. Czech có số người Việt đang sinh sống đông nhất so với ở các nước châu Âu khác. Có khoảng 100.000 người Việt ở đây và là cộng đồng người thiểu số lớn thứ ba ở quốc gia trung Âu này, chỉ sau người gốc Ukraine và người gốc Slovakia. Hơn nữa, như báo chí chính thống của Việt Nam từng ca ngợi "Czech là quốc gia có nền kinh tế thân thiện nhất với Việt Nam".
Ảnh 8: Mang hoa tưởng niệm sinh viên Jan Palach đã tự thiêu để phản đối cuộc tấn công của xe tăng Xô Viết và khối Vacsava. Đừng quên rằng Czech chỉ là hệ lụy liên quan đến vụ bắt cóc tại Đức, một nước có một hệ thống luật pháp nghiêm minh và hết sức chặt chẽ, lại đang giữ vị trí kinh tế và chính trị hàng đầu ở Châu Âu. Theo tường thuật của Lê Trung Khoa của Thoibao.de tại phiên tòa Thượng thẩm Berlin ngày 25.7.2018 và theo báo chí và truyền hình Đức đã đăng về phán quyết của Tòa thượng thẩm Berlin hôm 25.7.2018 thì: Bà Regine Grieß Chánh án chủ tọa phiên tòa đã mời cả phòng xử đứng lên, nghe đọc bản tuyên án, kết tội Nguyễn Hải Long trong đại án bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và cô Đỗ Thị Minh Phương. Bản luận tội với trên 20 trang, được tòa đọc sau đó gần 90 phút đã miêu tả rất chi tiết về tình hình chính trị Việt Nam sau Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 12… Vào ngày 6.7.2017, bên lề hội nghị G20 tại Hamburg, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng đương nhiệm của Việt Nam đã trực tiếp trao cho Thủ tướng Đức Angela Merkel văn bản đề nghị dẫn độ Trịnh Xuân Thanh. Bà Thủ tướng Đức khi tiếp nhận đã nói với Chính phủ Việt Nam "việc này thuộc thẩm quyền của bên tư pháp độc lập". Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 6.7.2017 tại khách sạn Atlantic ở Hamburg. Tòa thượng thẩm Berlin cho rằng lệnh bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh được người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra. Ngay sau đó Chính phủ Việt Nam đã tổ chức bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh "như thời chiến tranh lạnh", gây ra cuộc khủng hoảng chưa từng có giữa quan hệ hai nước. Thoibao.de lưu ý rằng: "Phán quyết của Tòa thượng thẩm có giá trị pháp lý tại Đức và quốc tế, điều này sẽ gây bất lợi lớn cho tất cả những quan hệ quốc tế từ nay về sau của Chính phủ Việt Nam". Vậy là "chủ nghĩa xã hội với khuôn mặt người" mà Dubček đề xướng đã đem lại "Mùa Xuân Praha" cho dân tộc Tiệp Khắc (sau này tách ra thành Czech và Slovakia ngày 1.1.1993 với cuộc "ly hôn nhung" bốn năm sau cuộc "cách mạng nhung" 17.11.1989) còn "chủ nghĩa xã hội" với ông Nguyễn Phú Trọng thì mang gương mặt gì đây?
Ảnh 9: Hình ảnh gợi nhớ con phố hẹp dẫn đến nhà Srovnal. Xin nhờ ông Tổng Bí thư giải đáp cho và mong rằng những người gánh vác trọng trách với dân tộc hãy tỉnh táo giúp trả lời câu hỏi này - câu hỏi của lương tâm và danh dự Việt Nam trước thế giới. Nếu trên quảng trường Václav của Praha cổ kính người ta trương những tấm panô to với dòng chữ "Paměť národa" -"Ký ức của dân tộc!" ghi lại các cuộc biểu tình của thanh niên, sinh viên, văn nghệ sĩ, trí thức, công nhân và những kẻ từng đàn áp họ, thì rồi đây, trên những quảng trường ở Hà Nội, Sài Gòn và những thành phố khác, thanh niên, trí thức, thợ thuyền, dân cày và những người dân mất đất từng rầm rộ xuống đường biểu tình trong hòa bình và từng bị đàn áp, những tấm pano được dựng lên sẽ ghi những gì đây? Những gì cần ghi và phải ghi thì rồi người ta sẽ nghĩ ra tùy theo diễn biến của thời cuộc tàn khốc hay hòa hoãn nhưng điều chắc chắn là thế nào cũng có những pano như vậy, vì những người sẽ làm ra lịch sử và những tội đồ của lịch sử, ngớ ngẩn thay, thường lại ở cạnh nhau! Vì vậy mà trong nỗi da diết nhớ đến Mùa Xuân Praha mà thầm nhớ đến ông bạn Praha, nhớ đến con đường ngập tuyết dẫn đến nhà ông với một hoài niệm khôn nguôi về một thời gian đã mất. Sài Gòn ngày 28.7.2018 T. L. Tác giả gửi BVN. |
Về hai lời tuyên bố của ông Nguyễn Phú Trọng Posted: 29 Jul 2018 04:08 PM PDT Bùi Tín(*) Do tính chất nghiêm trọng của vấn đề, xin công bố rộng rãi đến công luận quốc tế và trong nước về hai (2) tuyên bố của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong thời gian gần đây: 1- Vào tháng 1-2018, trước Quốc hội và đông đảo các nhà báo, ông Trọng phát biểu: "những đảng viên đòi đa nguyên đa đảng, từ bỏ xã hội chủ nghĩa, đòi thực hiện Tam quyền phân lập là bị tác động bởi bọn phản động, phải bị khai trừ ra khỏi Đảng". 2- Trong tháng 7, ông Trọng lại tuyên bố: "những kẻ đòi đa nguyên đa đảng, từ bỏ CNXH, đòi Tam quyền phân lập, đều là bọn bất hảo" (có nghĩa là bọn trộm cắp, lừa bịp, đĩ điếm, gian manh…). Đây là hai lời phát biểu nghiêm trọng của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mang tính chất đe doạ, chụp mũ, vu cáo một số lớn đội ngũ các đảng viên cao cấp, trí thức đòi tự do dân chủ, nhân quyền là những quyền phổ quát của nền văn minh chính trực của nhân loại tiến bộ. Ông là một con người nổi tiếng giáo điều, cổ hủ, kiêu ngạo và tự mãn. Nhưng cũng là một người không che đậy khát vọng tiêu diệt mọi xu thế cải cách tiến bộ cho xã hội Việt Nam. Chúng tôi yêu cầu các đảng viên có lập trường ủng hộ dân chủ đa nguyên tổ chức thảo luận rộng rãi hai tuyên bố trên, vì chính Cương lĩnh Đảng nêu ra mục tiêu là xây dựng chế độ dân chủ bình đẳng, văn minh và phát triển. Mong rằng các vị tổng bí thư các chính đảng cộng sản và các đảng viên đảng cộng sản trên thế giới lưu ý tới lập trường phản dân chủ và phản cộng sản của ông Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, xúc phạm nghiêm trọng lương tâm chính trị, danh dự của các đảng viên cộng sản chân chính. Hai tuyên bố trên đây cũng đồng thời vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp và Điều lệ Đảng. Yêu cầu đối chiếu với các quy định về tư cách của Tổng Bí thư phải phát biểu với thái độ khiêm tốn, dân chủ và bình đẳng, tôn trọng pháp luật, biết đoàn kết toàn đảng, thực thi dân chủ nhân quyền, từ đó xem xét chức trách, tư cách Tổng Bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng, để đảm bảo uy tín cho lãnh đạo Đảng, cả trong nước lẫn quốc tế, nhằm đưa đất nước đến ổn định, bình an và phát triển trong tự do bình đẳng, phù hợp với thế giới dân chủ văn minh. Với một ông Tổng Bí thư, việc này không thể dễ dãi bỏ qua. Ông Trọng thiếu một lời xin lỗi vì đã xúc phạm hạ nhục hàng triệu đảng viên cộng sản có tâm nguyện vì một nền dân chủ đích thực cho Việt Nam. B.T. __________ (*) Bùi Tín là Nhà báo tự do sống tại Pháp; Từng phục vụ trong Quân đội Nhân dân Việt Nam từ năm 1946 tới năm 1982; Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân từ 1982 tới 1990. Tác giả gửi BVN. |
Máy bay quân sự “rụng như sung”, vì sao? Posted: 29 Jul 2018 04:05 PM PDT Nguyễn Đình Ấm * Các phi công quân sự nên có đại diện trong các tổ chức mua sắm khí tài cung ứng vật tư kỹ thuật máy bay.Trưa ngày 26/7/2018 tôi điếng người lại nghe tin máy bay cường kích SU-22UM3, số hiệu 8551 của Trung đoàn 921, Sư 371 bị nạn rơi ở núi làng Dừa, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An, hai phi công tử nạn. Đây là chiếc máy bay QS thứ 27 bị rơi từ năm 1975 đến nay và là chiếc thứ 10 từ năm 2010, là chiếc thứ 5 (trong đó có 2 SU-22 và một SU-30) trong hai năm rưỡi (từ 2016 đến nay). Với những nước có hàng nghìn máy bay quân sự hoạt động với cường độ cao như Nga, Mỹ, Ấn Độ… thì số lượng máy bay QS bị nạn kia không đáng kể nhưng với VN là một tỷ lệ tai nạn quá lớn mà dân gian thường gọi "rụng như sung". Việc những chiếc SU-22 đã cũ bị phá huỷ do rơi cũng không phải là tổn thất quá lớn nhưng với những phi công tiêm kích, cường kích bị thiệt mạng là tổn thất không thể tính nổi. Để có một phi công lái máy bay chiến đấu hiện đại, thành thạo kỹ năng, kỹ, chiến thuật… không chỉ rất tốn công của, tiền bạc, huấn luyện, rèn luyện mà [những phi công này] còn có thể đào tạo ra những phí công khác… Thế mà chỉ trong thời gian ngắn không quân VN liên tiếp xẩy ra các tai nạn làm chết hàng chục phi công, tại sao? Dù là máy bay dân sự hay quân sự thì an toàn bay vẫn là mục tiêu hàng đầu và một nguyên tắc đặt ra trong thời bình là: Không an toàn thì không bay! Theo tôi, những tai nạn xẩy ra gần đây hầu hết là do con người không kiểm soát được những nguy cơ mất an toàn. Không thể đổ cho thời tiết, kỹ thuật… là những lý do hầu như tai nạn nào cũng được đổ vấy để những người liên quan trốn tránh trách nhiệm. Bởi vì: - Thời tiết:Ở sân bay nào cũng có cơ quan dự báo, quan trắc thời tiết cộng thêm trung tâm thời tiết quốc gia, ngành hàng không dân dụng VN, thế giới thông báo từng phút, giờ… Trên các máy bay hiện có cũng trang bị ra đa thời tiết, phi công luôn chủ động đối phó như ngưng chuyến bay, lái tránh những đám mấy CB, nếu sân bay căn cứ bị thời tiết xấu thì hạ cánh ở các sân bay khác… Vì vậy, không thể nói các chuyến bay này bất ngờ về thời tiết. - Về kỹ thuật:Máy bay Nga dù là dân dụng hay quân sự đều có khung xương tỷ lệ thép cao, bền chắc mà dân HK vẫn gọi là "nồi đồng, cối đá". Tuy hiệu quả chuyên chở thấp, độ linh hoạt, tiện nghi kém thì máy bay Nga không thua kém (nếu không nói là hơn) máy bay của phương tây về độ an toàn. Tuy nhiên, dù máy bay nào thì độ an toàn vẫn phụ thuộc vào chế độ chăm sóc, bảo dưỡng định kỳ, khai thác có đúng quy trình kỹ thuật, phụ tùng, chi tiết có đúng tiêu chuẩn hay không. Theo tôi, các máy bay quân sự VN bị tai nạn dày đặc là ở các nguyên nhân này. Bởi vì, chế độ chăm sóc kỹ thuật phụ thuộc vào con người mà con người lại phụ thuộc tình hình xã hội, đời sống, tâm tư, tâm lý… của họ. Thời Liên Xô mới tan rã, tai nạn HK ở Nga, VN, SNG thuộc loại cao nhất thế giới do đời sống công nhân bảo dưỡng, điều hành, phi công quá khó khăn, đói kém, bất mãn, cán bộ tham nhũng cộng thêm thiếu phụ tùng, phụ tùng trôi nổi, giả, nhái… Riêng với không quân VN theo tôi cũng rất đáng lo ngại. Không loại trừ tiêu cực, tham nhũng trong các công đoạn cung ứng phụ tùng, chi tiết cho các máy bay. Thời ngành HKVN còn dùng máy bay Liên Xô đã thấy quá rõ các maphia Liên Xô, Đông Âu trong lĩnh vực hàng không là như thế nào. HKVN đã mất những khoản tiền khổng lồ do bị maphia lừa, phụ tùng trôi nổi, giả, nhái rất phổ biến ở Nga, SNG… Vừa qua, có nhiều tin đồn về sự "thiếu minh bạch" trong việc mua sắm khí tài, "đòi hoa hồng" quá cao trong việc mua sắm khí tài của quân đội (?). Với những biểu hiện tham nhũng bừa bãi như lấn chiếm đất sân bay chia chác, làm sân golf, công trình thương mại trong sân bay bất chấp lợi ích quốc gia, luật đất đai… Các lãnh đạo cao cấp như Thượng tướng Phương Minh Hoà, PCN Tổng cục Chính trị chuyên thuyết giáo đạo đức, trung thành với Đảng cho quân, dân; Trung tướng Nguyễn Văn Thanh, Chính uỷ Quân chủng "sát thủ máy bay " (Quân chủng PKKQ) trong lĩnh vực dễ thấy là đất đai còn lộng hành sa đoạ như vậy thì trong lĩnh vực mua sắm, cung ứng vật tư máy bay ít người hiểu, lặng lẽ, bí mật, giá trị rất cao thì hãy coi chừng! Sự nguy hiểm của phụ tùng kém chất lượng là rất khó phát hiện và khi máy bay đã rơi cháy tan tành rồi lại càng khó. Theo tôi, các phi công quân sự nên đòi hỏi có đại diện am hiểu kỹ thuật HK của mình trong các tổ chức mua sắm khí tài để bảo đảm khách quan, an toàn sinh mạng của chính họ. Ngoài ra, với những công nhân, phi công quân sự làm việc vất vả, nguy hiểm, thức khuya dậy sớm, ngoài đồng lương, phụ cấp theo chế độ còn eo hẹp có phấn khởi khi những tướng tá, sĩ quan nhàn hạ mà giàu sụ, nhà cửa, biệt thự nguy nga, đi xe sang nghênh ngang trước mắt họ…? - Máy bay cũ:Vừa có có thông tin sở dĩ nhiều SU-22 rơi do quá cũ, quá date… Máy bay cũ cũng có liên quan an toàn nhưng theo tôi tỷ lệ rất nhỏ. Bởi vì, trong kỹ thuật HK, với nguyên tắc bảo dưỡng định kỳ thì máy bay cũ vẫn bảo đảm an toàn do dù máy bay bất kỳ vẫn hoạt động tốt nhưng người ta vẫn cứ bảo dưỡng, thay thế chi tiết, phụ tùng theo định kỳ đúng quy định của nhà chế tạo. Và, tất nhiên khi máy bay dù mới hay cũ không chắc chắn bảo đảm an toàn thì không ai bắt phải bay. - Sai lầm của phi công:Với máy bay thương mại thì khoảng 70-80% tai nạn là do sai lầm của phi công khi xử lý tình huống bất thường vì các công đoạn bảo đảm an toàn khác do nhiều bộ phận, công đoạn ở mặt đất chịu trách nhiệm dễ kiểm soát còn với máy bay quân sự thì khác. Trong việc xử lý tình huống của máy bay tiêm kích, cường kích phi công phải xử lý thành thạo rất nhiều tình huống phức tạp của giáo án hoặc chiến đấu nên tỷ lệ sai lầm trong xử lý tình huống bất thường của họ ít hơn ở máy bay thương mại. N.Đ.A Tác giả gửi BVN. |
Posted: 29 Jul 2018 04:02 PM PDT Nguyễn Đình Cống Tháng 8/2011 Trump công bố quyển sách: Time to get tough, make America #1 again. Năm 2015 sách được tái bản. Cuối năm 2016 Trump được bầu làm Tổng thống nước Mỹ. Tháng 2/ 2017 sách được Nguyễn Quốc Vĩ dịch ra tiếng Việt với tên Hãy làm cho nước Mỹ vĩ đại một lần nữa. Việc Trump trúng cử tổng thống là một hiện tượng nên được tìm hiểu về phương diện tâm lý xã hội. Một nhà kinh doanh, chưa qua bất kỳ chức vụ lãnh đạo nào trong đảng và chính quyền, không phải là chính khách, nghĩa là từ một dân thường, lại bị khá nhiều phê phán, chỉ trích về đạo đức và tác phong, bị nghi ngờ về khả năng làm chính trị, già trên 70 tuổi, thế mà trúng cử tổng thống với số phiếu khá cao. Hiện tượng Trump, đối với đa số dân Mỹ là tương đối bình thường, đối với nhân loại là hơi lạ, còn đối với đa số dân Việt Nam là quá lạ, quá bất ngờ. Vì sao vậy? Vì dân Việt trong thời gian dài tăm tối, đã quen với nhầm lẫn tai hại là để làm được quan to phải trèo từng bước từ thấp lên cao, phải được lọt vào cơ cấu, phải từ cán bộ nguồn, bị hạn chế tuổi. Điều này được viết rõ trong các nghị quyết, đã được thấm nhuần vào nhận thức của toàn Đảng, toàn dân, tưởng là rất đúng, nhưng thật ra chứa đựng sai lầm lớn. Với mục đích tìm hiểu tâm lý xã hội mà tôi đọc sách của Trump. Đọc xong, thấy có vài điều thú vị, xin giới thiệu và trao đổi với những ai có quan tâm. Sách có 10 chương và kết, đầu đề như sau: 1- Phải kiên quyết; 2- Nắm lấy dầu; 3-Đánh thuế Trung Quốc và cứu việc làm của Mỹ; 4- Đó là tiền của bạn - Bạn phải được giữ lại nhiều tiền hơn; 5- Một chính phủ mà chúng ta có thể đáp ứng được; 6- Tăng cường sức mạnh của Mỹ; 7- Một dàn lưới an toàn chứ không phải là một chiếc võng; 8- Bãi bỏ Obamacare; 9- Gọi nhập cư bất hợp pháp là có lý do; 10- Một nước Mỹ xứng đáng cho con cháu của chúng ta; Kết- Báo chí và Tổng thống. Về lý do viết sách, Trump bày tỏ (trích từng câu ở các đoạn): "Tôi viết cuốn sách này bởi vì đất nước mà tôi yêu đang trải qua một thảm họa kinh tế toàn diện ngay lúc này,… Mỗi ngày làm kinh doanh tôi thấy nước Mỹ bị xé nát tanh bành và bị lạm dụng… Chúng ta đã trở thành trò cười, thành thằng nhỏ bị đòn oan của thế giới, bị đổ lỗi cho mọi thứ, chẳng được tí công lao và không được sự tôn trọng nào… Chính phủ tống tiền người nộp thuế để thưởng cho các nhóm lợi ích đặc biệt của mình… Trung Quốc đang lừa gạt chúng ta hàng trăm tỉ đô la…". Sách được phát hành vào khoảng 1 năm trước khi Tổng thống Obama kết thúc nhiệm kỳ 1 và nhiệm kỳ 2. Trong toàn bộ cuốn sách Trump đã chỉ trích Obama rất nhiều, chỉ xin trích dẫn một số câu hoặc ý kiến: "Obama? Đó là một sự bất tài, cận kề với sự phản bội… Obama đã hợp thức hóa Trung Quốc trên sân khấu thế giới… Obama đã cúi mình trước Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và chào đón ông ta vào Nhà Trắng. Obama thậm chí đã cho nhà lãnh đạo Cộng sản được vinh dự lớn của một buổi quốc yến chính thức… Chính sách của Obama đối với OPEC là ngu ngốc… Obama là một thảm họa hoàn toàn. Ông đã san bằng đất nước này và đã phá hủy công ăn việc làm và tăng trưởng kinh tế… Obama đã làm xói mòn mỗi nguyên tắc cốt lõi… Bản năng ngu ngốc của Obama là coi những kẻ khủng bố là tội phạm (thay vì như là các chiến binh thù địch). Tái cử Barack Obama, nước Mỹ mà chúng ta để lại cho con cháu sẽ không còn giống như nước Mỹ mà chúng ta đã rất may mắn được lớn lên trong đó. Chúng ta sẽ để tang cho nước Mỹ, một nước Mỹ đã mất dưới thời Obama…". Trong 8 năm Obama làm tổng thống tôi được nghe nhiều lời khen ngợi ông. Khi Obama thăm VN, ăn bún chả, gặp gỡ với thanh niên, nói rằng để làm tốt công việc của tổng thống hàng ngày ông phải nghe rất nhiều chỉ trích v.v… tôi cảm phục ông. Đến khi đọc những lời chỉ trích của Trump tôi biết thêm một Obama khác. Có 2 việc mà Obama đã bỏ khá nhiều tâm trí và công sức, đó là luật về bảo hiểm y tế Obamacare nhằm giúp đỡ người nghèo và Hiệp định TPP nhằm phát triển mậu dịch xuyên Thái Bình Dương. Thế nhưng Trump chống lại kịch liệt và ngay sau khi nhậm chức tổng thống, ông đã sớm ra lệnh bãi bỏ. Tại sao vậy? Trong chuyện này ai đúng, ai sai, đúng sai ở đâu? Thì ra có đọc sách của Trump mới hiểu mặt trái của luật Obamacare, trong lúc nó có tính nhân đạo, đem lại một số lợi cho người nghèo thì nó ảnh hưởng xấu đến sự phát triển sản xuất của nhiều công ty và doanh nghiệp, và như vậy nó mang lại lợi ít, hại nhiều, mang lại cho người nghèo cái lợi nhỏ trước mắt và cái hại lớn lâu dài. Trump cho rằng Obama quan tâm nhiều đến việc tạo ra sự nổi tiếng cá nhân mà ít quan tâm đến phát triển đất nước. Về vai trò của tổng thống, Trump cho rằng: Một tổng thống không "tạo" công ăn việc làm, chỉ có doanh nghiệp mới có thể làm được điều đó. Nhưng tổng thống có thể giúp tạo ra một môi trường cho phép các doanh nhân, các doanh nghiệp nhỏ và lớn lo việc làm giàu cho nước Mỹ. Tôi nghĩ, người như Trump ở Việt Nam, dưới chế độ cộng sản thì đã bị diệt từ đời nào, may mắn thoát chết thì cũng bị vài chục năm tù về tội lợi dụng tự do để phỉ báng lãnh đạo và chống đối chế độ. Điều làm tôi thích khi đọc sách của Trump là thái độ của ông đối với Trung quốc, và gần đây ông đã chủ động gây ra cuộc "Chiến tranh thương mại" với Tập Cận Bình. Trump đang được nhiều người ủng hộ, nhưng cũng không ít người phản đối. Đánh giá Trump với tư cách tổng thống ngoài con người cá nhân (tác phong, đạo đức…) cần quan tâm hơn con người chức năng (trình độ, đường lối, việc làm…). Đại đa số nhân dân Mỹ và đặc biệt những người đối lập sẽ có đánh giá chính xác hơn về Trump khi ông ta thôi không làm tổng thống. N.Đ.C. Tác giả gửi BVN. |
Posted: 29 Jul 2018 03:59 PM PDT Trung tá James Gregory Zumwalt (Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ) Nguyễn Luận dịch (Sài Gòn) "Nếu không muốn thấy, sẽ không thấy Đã không muốn nghe, sẽ chẳng nghe" - Jer. 5:21 Ba thập kỷ trước, một trong những tội ác tàn bạo nhất của thế kỉ XX đã xảy ra. Kỳ lạ thay, cả hung thủ và nạn nhân đều im lặng. Hai mươi sáu năm sau đó, khi những kẻ có tội nhắc lại sự việc đó bằng lời lẽ cao ngạo, thì các nạn nhân lại một lần nữa im lặng. Tuy vậy, vào tháng 7/2018, những người bị hại - Việt Nam - cuối cùng cũng chọn cách nói ra sự thật bằng việc cấp phép xuất bản một cuốn sách chi tiết về vụ thảm sát (Gạc Ma - Vòng tròn bất tử, BVN chú giải). Điều thú vị là lần này, hung thủ - Trung Quốc, lại chọn cách giữ im lặng. Bất kể lý do Việt Nam giữ im lặng suốt 30 năm qua là gì, nó cũng không đáng lo ngại bằng việc ngày nay Trung Quốc đang dần trở thành một mối đe dọa lớn. Chính vì thế, vào ngày 10 tháng 7 tới đây, một nhà xuất bản ở Việt Nam sẽ tổ chức một cuộc họp báo ra mắt sách được Chính phủ cấp phép. Có mặt ở đó sẽ là những người sống sót, vốn rất ít, cùng gia đình của những chiến sĩ quả cảm đã mãi mãi không trở về. Cuộc thảm sát tàn bạo ấy diễn ra ở bãi đá Gạc Ma, được biết đến trên các bản đồ của phương Tây với tên gọi Johnson South Reef, thuộc Quần đảo Trường Sa - gồm 750 đảo, rạn đá, đảo san hô và những vĩ đá ngầm. Trong lúc nhiều quốc gia cùng đòi chủ quyền với Trường Sa, thì vào tháng 3 năm 1988, mọi tranh chấp đều đổ dồn về cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Việt Nam tại ba rạn san hô kề sát nhau trên quần đảo này. Lường trước khả năng Trung Quốc sẽ chiếm đóng các bãi đá này, hai tàu vận tải Việt Nam là HQ-604 và HQ-605, đã đưa 73 binh sĩ lên Gạc Ma để thực thi chủ quyền quốc gia. Hai chiếc tàu này chỉ được trang bị vũ khí hạng nhẹ, như những phương tiện vận tải, không thể trở thành mối đe dọa quân sự nghiêm trọng (súng trên tàu chỉ có hỏa lực giới hạn trong phạm vi 500m). Sau khi đưa được 73 binh sĩ lên đảo vào cuối ngày 13 tháng Ba, hai chiếc tàu di chuyển đến 2 đảo san hô lân cận khác. Rạng sáng hôm sau, những người lính Việt Nam trên đảo Gạc Ma phát hiện được một lực lượng hải quân Trung Quốc gồm tàu vận tải, quân đổ bộ và các tàu khu trục đang tiến đến gần. Bên phía Trung Quốc có thể nhìn thấy quốc kỳ Việt Nam đang tung bay trên Gạc Ma và một đảo san hô khác là Cô Lin. Những người lính Việt Nam quan sát được một số tàu chiến nhỏ, chở đầy thủy quân lục chiến Trung Quốc được vũ trang đầy đủ, lao ra khỏi tàu của họ và hướng đến Gạc Ma. Không có chỗ che chắn hoặc nơi ẩn nấp, các chiến sĩ Việt Nam lập tức tạo thành một vành đai phòng thủ 360 độ - với lá cờ của họ tự hào tung bay ở trung tâm - một thế trận về sau được gọi là "Vòng tròn bất tử". Người Trung Quốc hiểu rằng hành động ấy là tuyên bố cho quyết tâm bảo vệ Gạc Ma bằng mọi giá của những người lính Việt Nam. Họ bắt đầu cho quân đổ bộ để đánh chiếm đảo. Trong trận chiến ác liệt diễn ra sau đó, một thiếu úy người Việt đã ôm chặt lá cờ để ngăn kẻ thù đoạt lấy. Anh bị bắn vào đầu vì hành động này. Lá cờ ngay lập tức được nhặt lên bởi Nguyễn Văn Lanh, người đã giữ nó cho đến cả khi bị thương. Trận chiến kết thúc và những người lính Việt Nam vẫn giữ được trận địa, họ vui mừng khi nhìn thấy lính Trung Quốc rút lui và quay về tàu của mình. Tuy nhiên, đó chỉ là những niềm vui ngắn ngủi. Lanh, người sống sót một cách thần kỳ sau những vết thương nghiêm trọng, cùng với các đồng đội đã phải hứng chịu một cuộc oanh tạc dữ dội bằng pháo và súng máy từ các tàu chiến Trung Quốc. Mặc dù hai tàu vận tải của Việt Nam không cho thấy bất kỳ mối đe dọa nào bởi người Trung Quốc đã nằm ngoài tầm bắn của họ, chúng cũng bị bắn chìm. Đã có một video ghi lại toàn bộ diễn biến trận giao tranh ấy. Thật ghê rợn khi nhìn thấy những họng súng của hải quân Trung Quốc xé nát Gạc Ma trong khi những người lính Việt Nam hoàn toàn không có khả năng tự vệ. Co cụm giữa trận địa của vòng tròn bất tử, họ chỉ đơn giản chờ đợi một cái kết không thể tránh khỏi. Video ấy khiến người xem không thể tin vào mắt mình bởi những người lính Việt Nam đã bị tàn sát như thể họ chỉ là những con vật. Người ta chỉ có thể tưởng tượng sự bất lực mà họ cảm thấy khi người Trung Quốc tàn nhẫn xuống tay. Sáu mươi tư chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh ngày hôm đó. Chín người sống sót, tính cả Lanh, bị người Trung Quốc giam cầm 3 năm trước khi được thả. Ngày nay, Trung Quốc chiếm đóng Gạc Ma, biến nó thành một hòn đảo nhân tạo có căn cứ quân sự cùng một sân bay. Ngoài ra, trên đảo còn được trang bị tên lửa đất đối đất và đất đối không. Điều thú vị là đoạn video về vụ thảm sát Gạc Ma đã bị bưng bít cho đến tận thời điểm được lan truyền rộng rãi vào năm 2014, bởi không ai khác ngoài chính người Trung Quốc. Tại sao Trung Quốc làm điều đó sau 26 năm im lặng? Câu trả lời nằm ở những sự kiện diễn ra vào tháng 5 năm 2014. Trung Quốc đã cho neo một giàn khoan bán chìm, giàn Haiyang Shiyou 981, gần quần đảo Hoàng Sa. Đây là một quần đảo khác trên Biển Đông đang có sự tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Việt Nam. Kết quả là, đã xảy ra một số cuộc đối đầu giữa các quốc gia trên biển, sau khi đoạn video được công bố. Trung Quốc công bố video này như một lời đe dọa ngầm đến Việt Nam, cảnh báo rằng những gì xảy ra năm 1988 có thể lặp lại lần nữa. Kể từ vụ thảm sát Gạc Ma, Trung Quốc ngày càng tăng cường sự bành trường ở Biển Đông. Chiến lược của của họ là sử dụng sự đe dọa đến từ sức mạnh quân sự, vốn không bị thách thức bởi bất kỳ nước láng giềng khu vực nào, làm nền tảng cho việc tuyên bố chủ quyền - những tuyên bố trái với luật pháp quốc tế. Trung Quốc tiếp tục tuyên bố chủ quyền các khu vực khác nhau trên Biển Đông một cách bất hợp pháp để xây dựng các đảo nhân tạo, không hề bị đe họa bởi những tuyên bố chủ quyền đến từ những quốc gia khác. Điều này khiến Hoa Kỳ phải tiến hành các hoạt động "tự do chuyển hướng" (Freedom of navigation - FON). Các hoạt động này liên quan đến việc điều hướng trong phạm vi lãnh hãi 12 hải lý được quốc tế công nhận. Việc tất cả các quốc gia đều tuyên bố chủ quyền ngoài khơi bờ biển của họ như là một minh chứng cho thấy tuyên bố của Trung Quốc là bất hợp pháp. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc liên tục phản đối va cho rằng các hoạt động FON là bất hợp pháp. Một hằng số tồn tại nghìn năm trong nền độc lập của Việt Nam là những cuộc đối đầu lịch sử với Trung Quốc. Chiến tranh thường xuyên xảy ra giữa hai bên - gần đây nhất là cuộc chiến dài ba mươi ngày vào năm 1979. Việt Nam lại một lần nữa đánh bại Trung Quốc trong cuộc xung đột đó - điều mà Trung Quốc không bao giờ quên. Theo một cách nào đó, người Trung Quốc có thể đã xem những chính sách hung hăng của họ đối với Việt Nam trên Biển Đông như một cách để cứu vãn danh dự. Hiển nhiên, chính sách tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực là một cái tát vào luật pháp quốc tế và cộng đồng các quốc gia. Trớ trêu là, nó có thể mang lại hai kẻ thù cũ - Mỹ và Việt Nam - cùng hợp thành một mặt trận thống nhất đối kháng lại nó. Địa lý chính trị đôi khi cũng tạo nên những đồng minh kỳ lạ! J.Z. __________ Lt. Col. James Gregory Zumwalt - US Marine Corps Translated by Nguyễn Luận Saigon. 10th July, 2018. In the memories of those who fell in Gac Ma on 14th March, 1988. |
Vì sao người Việt ghét Đảng Cộng sản Trung Quốc? Posted: 29 Jul 2018 03:57 PM PDT Trần Thành - Trúc Giang"Trung Quốc là một cường quốc, với dân số đông nhất thế giới, diện tích rộng lớn bậc nhất. Nhưng có thể nói dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, mà đứng đầu là Tập Cận Bình, Trung Quốc hiện ra là một quốc gia xấu xa về mọi mặt, tráo trở và không đáng tin cậy. Những người sáng suốt thường không chơi với kẻ xấu". Luật sư Trần Hồng Phong (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định như vậy về 'ông bạn 16 chữ vàng - 4 tốt' của Đảng Cộng sản Việt Nam. Là 'đồng chí' hay là 'gã hàng xóm' xấu tính phương Bắc?Bàn luận về câu hỏi "vì sao lại tẩy chay hàng Tàu"?, theo ghi nhận 'bỏ túi' của người viết, do ghét Đảng Cộng sản Trung Quốc nên người Việt ghét lây luôn hàng Tàu. Chuyện ý thức hệ chính trị này có lẽ nguyên do đến từ những người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam. Kể từ khi phía Trung Quốc khái quát phương châm 16 chữ "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai", nêu trong Tuyên bố chung cấp cao 1999, phía Việt Nam lại 'nịnh nọt' thêm vào đó một chữ "vàng". Chính "16 chữ vàng" đã tạo nên sự ngộ nhận to lớn. Đồng ý Trung Quốc là một nước láng giềng quá lớn, không thể không tính đến và không thể thoái thác quan hệ. Thế nhưng trong lúc người Việt luôn nhắc nhở nhau cần luôn tỉnh táo trong mối quan hệ này, xác định một cách minh triết bản chất mối quan hệ ấy, tránh những điều mơ hồ, ngộ nhận; tránh cái bẫy ý thức tư tưởng có thể gây nhầm lẫn về chiến lược, nhập nhằng và mơ hồ giữa các ngôn từ hữu nghị, đối tác, đồng chí, đại cục,... thì xem ra những người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam lại không cùng nếp nghĩ ấy. Người Việt trong một cuộc biểu tình phản đối dàn khoan HD-981 (Trung Quốc) xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Dự Luật Đặc khu là một ví dụ. Người dân Sài Gòn đã xuống đường 'hưởng ứng' (người viết dùng từ 'hưởng ứng' với lý do được lý giải ở phần sau của bài viết) cuộc biểu tình phản đối dự Luật Đặc khu, vì cho rằng dự luật này chỉ nhằm hợp thức hóa tất cả những gì mà Trung Quốc đã và đang đầu tư tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Thế nhưng Bí thư Thành ủy TP.HCM lại nói rằng "Thành phố rút kinh nghiệm, không để xảy ra biểu tình". Phát ngôn này của ông Nguyễn Thiện Nhân được báo chí ghi nhận hôm 24-7 tại buổi Thành ủy gặp gỡ lãnh đạo cấp cao nghỉ hưu trên địa bàn thành phố. Biểu tình là một quyền Hiến định. Việc 'không để xảy ra biểu tình' trong thời gian chờ đợi thông qua dự Luật Đặc khu, xem ra không ngoài lý do tránh mích lòng 'ông bạn 16 chữ vàng - 4 tốt'. Báo Tuổi Trẻ là nơi thấm thía việc ủng hộ quyền biểu tình của người dân, để rồi sau đó phiên bản điện tử của Tuổi Trẻ đã bị bị buộc đình bản 90 ngày. "Tôi nghĩ rằng ông Bí thư Thành ủy TP.HCM tuyên bố sẽ tìm mọi cách để Sài Gòn không xảy ra biểu tình là có ít nhất 2 nguyên do: thứ nhất, cuộc biểu tình hôm Chủ nhật 10-6, thực chất được diễn ra theo một kịch bản tính toán trước. Ai là đạo diễn? Thứ hai, đồng chí tốt giờ đây chỉ còn Trung Quốc, bởi Cuba có vẻ đang chuyển hướng". Luật gia Nguyễn Lan Phương (Hội Luật gia TP.HCM) chia sẻ. Nếu như năm 1999 phía Trung Quốc đưa ra 16 chữ "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai", thì đến năm 2002, Bắc Kinh lại khái quát một phương châm nữa, gọi là "4 tốt" với Đảng Cộng sản Việt Nam: "Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, Đồng chí tốt, Đối tác tốt". Theo luật gia Nguyễn Lan Phương, điều mơ hồ nhất trong những điều mơ hồ lần này chính là hai chữ "đồng chí". Nó hàm ý một điều phi lý, là hai bên cùng chung ý thức hệ, cùng chung chí hướng. Nó làm quên mất một điều sơ đẳng nhất của chính trị quốc tế trong mọi thời đại: Giữa các quốc gia, 'không có đồng minh vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn'. "Nếu vì lợi ích vĩnh viễn thì cần ủng hộ người dân biểu tình phản đối việc cho thuê đất 99 năm, vì tin chắc vùng Vân Đồn giáp Trung Quốc, nếu cho thuê đến gần thế kỷ như vậy, Vân Đồn sẽ là tô giới của Trung Quốc". Luật gia Nguyễn Lan Phương nhìn nhận. Hiểm họa Bắc thuộcThế nhưng nếu quốc gia thuê đất thời hạn 99 năm như đề xuất ở dự Luật Đặc khu là các tập đoàn thực sự của người Mỹ, Pháp, Đức… thì có lẽ người dân Việt sẽ vỗ tay ủng hộ. Lý do cũng không ngoài chuyện vì ghét Đảng Cộng sản Trung Quốc, nên người Việt ghét luôn người Trung Quốc qua Việt Nam làm ăn. Luật sư Trần Hồng Phong biện giải: Khoảng 10 năm lại đây (thời Tập Cận Bình), Trung Quốc đã nghĩ ra một "mưu kế" rất thâm hiểm là gợi ý cho một số quốc gia nghèo khó vay tiền, đồng thời "tư vấn" và bày vẽ ra những dự án/ đặc khu khổng lồ với số vốn đầu tư lên tới nhiều tỷ đô la (nhưng hoàn toàn không khả thi, thiếu hiệu quả kinh tế). Sau đó, khi dự án thiếu tiền thì tiếp tục bơm tiền cho vay, mục đích là để "nuôi" cho số lỗ của dự án ngày càng lớn. Chờ đến khi quốc gia sở tại không còn khả năng trả nợ nữa, thì đưa ra yêu cầu phải giao đất đó cho Trung Quốc thuê, lên tới 99 năm. Mà đó toàn là những vị trí hiểm yếu, yết hầu của quốc gia đó. Đó là những trường hợp của Srilanka, Campuchia v.v. Sập bẫy một cách đau đớn, di hại đến nhiều thế hệ mai sau. "Những kẻ độc tài bao giờ cũng tự cho mình là giỏi nhất, hảo hảo, là không thể thay thế và luôn luôn muốn người khác phải phục tùng mình. Thậm chí tin rằng mình "yêu nước, cống hiến" hơn những người khác! Thành quả mồ hôi, nước mắt của người dân thì cứ nói là do mình "lãnh đạo", bóp méo sự thật. Nếu có ai nói không đúng ý mình, thì dù là nói đúng, sẽ rất không thích, tức giận. Thậm chí dùng những thủ đoạn nhỏ nhen, tàn ác để trả thù, chèn ép. Và tất nhiên đã là độc tài thì sẽ không bao giờ muốn chia sẻ quyền lực cho người khác (dù cùng là người như nhau, chứ không phải là tiên thánh gì). Chính vì vậy, những người sáng suốt không bao giờ chơi với những kẻ xấu. Vì biết rằng không sớm thì muộn, kẻ xấu sẽ "thịt" mình mà thôi". Luật sư Trần Hồng Phong kết luận. Việt Nam giáp biên giới với Trung Quốc, và có quá nhiều vấn đề liên quan, tồn đọng (thậm chí là sự ràng buộc, bao gồm cả những "bí mật" mà chỉ một số ít cán bộ lãnh đạo cấp siêu cao của Đảng Cộng sản Việt Nam mới biết - và hy vọng đó không phải là những tin bất lợi cho đất nước), cho nên trong câu chuyện của những người yêu nước, biết quan tâm đến thời sự, chính trị và vận mệnh đất nước - đề tài Trung Quốc hầu như không thể thiếu. Bài viết này chỉ là lát cắt nhỏ của câu chuyện "Vì sao người Việt ghét Đảng Cộng sản Trung Quốc?". T.T. - T.G. VNTB gửi BVN. |
You are subscribed to email updates from Bauxite Việt Nam. To stop receiving these emails, you may unsubscribe now. | Email delivery powered by Google |
Google, 1600 Amphitheatre Parkway, Mountain View, CA 94043, United States |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét