“Trung Quốc giận dữ vì báo Ðan Mạch vẽ virus Corona lên cờ của họ ” plus 3 more |
- Trung Quốc giận dữ vì báo Ðan Mạch vẽ virus Corona lên cờ của họ
- Thông tin minh bạch là Vaccine chống Coronavirus
- Virus corona: Thể chế chuyên chế làm mất niềm tin của công chúng?
- Chuyên chế khiến Đảng CSVN nỗ lực nhưng ‘cứ cải tiến lại cải lùi’?
Trung Quốc giận dữ vì báo Ðan Mạch vẽ virus Corona lên cờ của họ Posted: 30 Jan 2020 02:16 AM PST 29/01/2020
Một tờ báo của Đan Mạch dứt khoát bác bỏ yêu cầu của Trung Quốc đòi họ xin lỗi sau khi ấn bản hôm thứ Hai của nhật báo này đăng ảnh biếm họa về lá cờ Trung Quốc với năm ngôi sao vàng được thay thế bằng những con virus corona đang gây chết người. Đại sứ quán Trung Quốc ở Copenhagen nói ảnh biếm họa của nhật báo Jyllands-Posten "xúc phạm Trung Quốc." Đại sứ quán nói hôm thứ Ba: "Không có bất kỳ sự cảm thông và đồng cảm nào cho hành động vượt quá lằn ranh của xã hội văn minh và ranh giới đạo đức của tự do ngôn luận và xúc phạm lương tâm con người. "Nhật báo [Jyllands-Posten] và họa sĩ biếm Niels Bo Bojesen phải công khai xin lỗi người dân Trung Quốc." Vụ lùm xùm tranh biếm họa cờ Trung Quốc mang virus corona nhanh chóng được đưa lên "tỉ thí" trên phương tiện truyền thông xã hội. Người Ðan Mạch nhảy vào bảo vệ nhật báo Jyllands-Posten trên Twitter, trong khi người dân Trung Quốc đã chia sẻ trên phương tiện truyền thông xã hội này bằng việc nhắc lại chuyện Đan Mạch đầu hàng Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai, và việc đầu hàng đã diễn ra chóng vánh chỉ trong vòng bốn giờ đồng hồ. Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen hôm thứ Ba lên tiếng nhắc nhở Trung Quốc rằng "Chúng tôi có quyền tự do ngôn luận ở Đan Mạch – kể cả quyền vẽ." Các chính trị gia Đan Mạch khác cũng bày tỏ ủng hộ đối với việc báo Jyllands-Posten đăng tranh biếm họa đó. Tổng biên tập Jacob Nybroe của Jyllands-Posten khẳng định rằng nhật báo của ông không giễu cợt về dịch bệnh viêm phổi gây chết người này. Ông Nybroe nói: "Chúng tôi không thể xin lỗi về điều gì đó mà chúng tôi nghĩ là không sai. Chúng tôi không có ý định coi thường hoặc chế giễu, và chúng tôi nghĩ bức họa cũng không mang ý định đó. Theo tôi thấy, đây là hình thức hiểu biết văn hóa khác nhau." Báo Jyllands-Posten năm 2005 đăng biếm họa Tiên tri Muhammad quấn bom trên đầu đã khiến cho thế giới Hồi giáo phẫn nộ. Một số đại sứ quán Đan Mạch đã bị tấn công và các nước Ả Rập tẩy chay hàng hóa của Đan Mạch. (Theo Reuters, BBC, Business Insider) | ||||||||
Thông tin minh bạch là Vaccine chống Coronavirus Posted: 30 Jan 2020 02:10 AM PST canhco Hơn 130 người chết, gần 6.000 người đang bị lây nhiễm Coronavirus, Thành phố 11 triệu dân Vũ Hán bị cô lập hoàn toàn. WHO đã chính thức công bố tình trạng khẩn cấp cho Trung Quốc. 1000 bác sĩ, y tá, nhân viên y tế của Nhật đang lên đường sang giúp Trung Quốc. Nhiều chuyên gia quốc tế lo ngại tầm ảnh hưởng của Coronavirus có thể khiến thế giới chìm trong khủng hoảng. Việt Nam không ngoại lệ nên sau vài ngày do dự đã đóng cửa biên giới, cách ly bệnh nhân từ Vũ Hán tới Việt Nam, chữa trị cho các nạn nhân bị lây nhiễm người Trung Quốc. Tuy nhiên vẫn còn những khe hở rất lớn trong tiến trình phòng chống bệnh dịch nguy hiểm này. Nếu chính quyền Trung Quốc không ngần ngại cô lập cả thành phố Vũ Hán cũng như nhiều thành phố khác thì chính quyền Việt Nam lại có thái độ ngược lại, cho phép hàng ngàn du khách từ Trung Quốc trong đó không ít người đã chuyển tiếp từ Vũ Hán sang Việt Nam du lịch với lý do không thể để nền kinh tế du lịch bị ảnh hưởng. Không thấy ai trong chính phủ hỏi lại nếu dịch bệnh phát tán lây lan trên diện rộng thì chi phí y tế ấy có nhỏ hơn tiền thu từ du lịch hay không? Trong khi giới chuyên gia y tế đều biết rằng Coronavirus lây lan qua đường hô hấp và dịch tiết, hai nguyên nhân này dễ dàng lan rộng giữa một đám đông thở chung trong một môi trường hẹp như trong máy bay có hệ thống điều hòa khí hậu chung cho hành khách, hay trong sân bay, xe buýt, hay các phương tiện giao thông công cộng khác…vì vậy chấp nhận cho một lượng lớn du khách từ Vũ Hán sang Đà Nẵng là hành vi thiếu cân nhắc và hậu quả khó lường trước. Tuy không lường trước được hậu quả nhưng kiến thức y học dịch tễ không cho phép một chính phủ liều lĩnh bất chấp tất cả chỉ vì lo ngại mất doanh thu từ khách du lịch. Chính quyền hoặc những kẻ đang nắm ngành du lịch quốc gia quên rằng một khi Coronavirus bị phát hiện do khách du lịch mang vào Việt Nam thì xem như ngành du lịch đi vào ngõ cụt. Không một du khách nào dám vào Việt Nam trên những chuyến bay đã chở mầm bệnh. Họ sẽ không dám bước vào bất cứ khách sạn nào vì nơi ấy từng được người Trung Quốc thuê bao. Họ không dám ăn bất cứ thực phẩm gì vì ở đâu con virus Corona cũng ám ảnh họ. Tham lam vài ngàn khách Trung Quốc trong lúc này là chấp nhận mất hàng triệu khách du lịch từ nước khác. Đây là một quyết định rồ dại thiếu kiểm soát của cấp trên và vì vậy cần một thái độ tích cực và quyết đoán từ chính phủ trung ương. Hai nữa chống Coronavirus cần một luồng thông tin minh bạch và nhanh nhạy, những thông tin đến từ báo chí phải được Bộ y tế xem xét độ chính xác của nội dung có liên quan đến việc chữa trị. Những tin như báo chí vừa đăng "hai người Vũ Hán nhập viện Chợ Rẫy thì một người được chữa khỏi" không khỏi làm người đọc hiểu nhầm. Hiểu nhầm là Việt Nam đã tiến bộ quá mức tưởng tượng của thế giới. Luồng thông tin không chỉ đến từ nhà nước nhưng ngay cả xuất hiện trên mạng xã hội từ một nhân vật có ảnh hưởng nào đó phát biểu cực đoan hay một chiều, sai trái chống lại nỗ lực chiến đấu với Coronavirus cũng cần phải giải quyết. Chính quyền không nhất thiết phải mang họ ra làm vật hù dọa như trường hợp công an tới nhà người dân tại Khánh Hòa vì người này đưa thông tin sai lạc về Coronavirus, nhưng chính quyền có thể làm những việc trong khuôn khổ pháp luật cho phép mà không làm cho dư luận bất bình. Thí dụ trong trường hợp của nhà báo Phạm Dương Ngọc phóng viên của tờ An ninh Thế giới viết trên trang facebook cá nhân của ông những điều ngược lại với những gì mà nhà nước đang lo ngại về Coronavirus. Trong bài viết có tựa Corona có gì đáng sợ? Phạm Dương Ngọc cho rằng chết vài ngàn người là chuyện nhỏ, so với tai nạn giao thông tại Việt Nam thì đó chỉ là muỗi, so với vài ngàn người mỗi ngày bị cảm cúm thì có gì là quan trọng? Nhà báo Phạm Dương Ngọc có thể muốn câu view hay tỏ ra khác người nhưng dù với mục đích nào thì thông tin của ông ta sẽ làm người đọc thiếu kiến thức y học hoang mang và cho rằng báo chí hay những người đang lo lắng Coronavirus đã đi quá xa trong vấn đề thông tin. Những lời lẽ xem thường Coronavirus có mục đích của Phạm Dương Ngọc nếu đem so sánh với nhận định của RFI, một đài radio có tên tuổi của Pháp viết về Coronavirus thì người nhẹ dạ có thể tỉnh ra trước sự nghiêm trọng của vấn đề. Bài viết có đoạn: "Tại Việt Nam, hiện chỉ mới có hai ca nhiễm virus corona viêm phổi cấp tính được xác nhận, nhưng theo các số liệu mới nhất, gần 40 ca nghi nhiễm bệnh đang được cách ly theo dõi. Theo các chuyên gia Việt Nam và ngoại quốc, Việt Nam có thểsẽ là quốc gia bị dịch bệnh nặng nhất, sau Trung Quốc. Theo hãng tin AsiaNews của Ý, trong bản tin đề ngày 27/01, nhiều chuyên gia Việt Nam và ngoại quốc cảnh báo rằng, nếu chính quyền không thi hành kịp lúc các chính sách bảo vệ sức khỏe, không gia tăng kiểm soát biên giới với Trung Quốc, thì Việt Nam rất có thể sẽ là quốc gia có nhiều ca lây nhiễm virus corona nhất châu Á, chỉ sau Trung Quốc." Báo chí Việt Nam đang theo dõi tích cực mọi chuyển động từ Trung Quốc cũng như Hongkong. Ma cau. Đài Loan và những thông tin mà nhiều tờ báo đưa ra rất quan trọng cho người xem. Độc giả có thề áp dụng những kiến thức cơ bản nhằm ngăn chặn lây lan của Coronavirus ngay từ trong nhà mình. Độc giả cũng có thể biết diễn tiến của dịch bệnh này trên phạm vi toàn cầu và vì vậy mọi giao động, lo lắng không đáng có khó thể xảy ra. Bên cạnh những thông tin "khó chấp nhận" như của nhà báo Phạm Dương Ngọc người dùng mạng xã hội có thể tham khảo những thông tin khác về căn bệnh này qua các facebooker sống ở nước ngoài. Những thông tin có dẫn nguồn thường có độ tin cậy rất cao và vì vậy giúp cho người xem có khái niệm về con virus này nguy hiểm tới mức nào. Ngày 28/1/2020, giáo sư bác sĩ nổi tiếng Gabriel Leung, trưởng khoa y học của Đại học Hồng Kông, công bố một tài liệu nghiên cứu đáng quan tâm. Trong đó có vài điểm khiến người dân Trung Quốc càng thêm sợ hãi đó là: Sự lan tràn của trận đại dịch này sẽ gấp 10 lần hơn trận dịch SARS của năm 2003. Cứ sau 6,2 ngày, số người nhiễm coronavirus sẽ tăng gấp đôi. Thí dụ đầu tháng 2 có 500 ngàn người nhiễm, thì tuần lể sau 8/2, số người nhiễm sẽ là 1 triệu. Việc truyền từ người sang người đã xảy ra ở hầu hết các thành phố lớn ở Trung Quốc. Tại Trung Quốc, khoảng từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 sẽ là cao điểm, mỗi ngày sẽ có thêm 150.000 người nhiễm coronavirus. Lúc cao điểm, hầu hết các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thẩm Quyến,Trùng Khánh... sẽ bị nhiễm coronavirus trên bình diện rộng lớn. Chống Coronavirus không phải bằng những lời hoa mỹ, bóng gió khen tụng hay lo sợ tới mức buông thả…báo chí hay ngay cả người sử dụng mạng xã hội có bổn phận chung: Viết những gì mình hiểu và có thể dẫn nguồn. Nguồn cũng có nhiều loại, nên chú ý tới những loại nhà báo mà bản thân không hiểu thế nào là nỗi đau của đồng loại chỉ lo chăm chút cho tăm tiếng của mình. canhco's blog | ||||||||
Virus corona: Thể chế chuyên chế làm mất niềm tin của công chúng? Posted: 30 Jan 2020 01:55 AM PST
Giữa khi lo ngại về nguy cơ lây nhiễm chủng virus corona mới (2019-nCoV) lan truyền trên mạng xã hội, các facebooker Việt Nam đã bị công an thẩm vấn, yêu cầu xóa bài cảnh báo về virus corona trên Facebook. Mục tiêu của chính quyền là chặn đứng những thông tin thất thiệt, tin giả gây hoang mang dư luận. Nhưng việc hệ thống truyền thông dòng chính đánh mất niềm tin của công chúng và cách sử dụng hệ thống an ninh để ngăn chặn thông tin sẽ có hiệu quả cho việc kiểm soát dịch? Việt Nam: xử lý người tung tin thất thiệt Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, ông Vũ Đức Đam, tại cuộc họp khẩn của Bộ Y tế về ứng phó dịch viêm phổi cấp do virus corona mới (nCoV) chiều 26/1 (mùng 2 Tết) đã yêu cầu xử lý người tung tin thất thiệt về virus corona. Báo điện tử VOV dẫn lời ông Đam yêu cầu "Bộ Công an phải theo dõi, đề phòng khi có đối tượng tung tin thất thiệt về tình hình dịch bệnh phải ngăn chặn ngay. Đây là hành động gây hoang mang, nguy hại phải xử ký nghiêm". Trước đó, một số facebooker ở tỉnh Khánh Hòa đã bị cơ quan công an mời lên làm việc, sau khi họ đăng lên Facebook thông tin về việc nhiễm virus corona tại tỉnh này. Truyền thông nhà nước đưa tin rằng, công an tỉnh này đã triệu tập một số Facebooker đến các đồn cảnh sát để làm việc về các bài đăng gần đây của họ, trong đó có đưa tin "có du khách người Trung Quốc và cả người Nha Trang nhiễm virus corona". "Quá trình làm việc, các facebooker cho rằng, chỉ nghe qua một số người đồn đoán về người nhiễm bệnh do virus corona, khi chưa được kiểm chứng của các cơ quan chức năng đã đưa lên mạng xã hội", báo Khánh Hòa loan tin.
Khánh Hòa là một trong những địa điểm du lịch của Việt Nam thu hút khá đông du khách đến từ Trung Quốc. Nên điều người dân nơi đây rất lo lắng về nguy cơ bị nhiễm virus corona từ những khách du lịch này không có gì là lạ. Trước đó, một số Facebooker địa phương cũng đưa tin vào ngày 9/1, một em nhỏ 10 tuổi, ở tỉnh này, tên là Lê Nguyễn Thị Thanh Hiền đã tử vong do chủng virus corona NL63 gây ra. Các facebooker cũng tải lên mạng giấy chứng tử cấp bởi chính quyền xã nơi gia đình em cư trú. Tuy nhiên, cơ quan chức năng tại Khánh Hòa, gồm cả Sở Y tế tỉnh này, tuyên bố rằng tỉnh này chưa có bất kỳ trường hợp nhiễm virus corona nào. Và trường hợp tử vong nói trên là do chủng virus corona khác, không phải loại mới bùng phát gần đây ở Trung Quốc. Hiện ở tỉnh này có năm trường hợp nghi ngờ, trong đó có ba khách du lịch Việt Nam và hai thanh niên Trung Quốc. Năm người này đang được theo dõi và xét nghiệm. Tương tự Khánh Hòa, Đà Nẵng cũng là địa phương có rất đông du khách Trung Quốc đến du lịch. Chiều 27/1, bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc sở Y tế TP Đà Nẵng, cho báo chí Việt Nam biết, tính đến trưa cùng ngày, trên địa bàn có gần 12.000 người Trung Quốc đang đi du lịch và làm việc. Hiện Đà Nẵng ghi nhận 41 trường hợp có biểu hiện sốt; trong đó có 3 người phát hiện tại cửa khẩu, 38 người dân và du khách tự đến bệnh viện khám. Bởi có lượng khách Trung Quốc nhiều như vậy nên tin đồn liên quan đến dịch bệnh này tại Đà Nẵng xuất hiện trên facebook khá nhiều. Tranh cãi nổ ra gần đây ở Đà Nẵng liên quan tới việc một chủ khách sạn ở thành phố này dán bảng ngưng phục vụ khách đến từ Trung Quốc. Theo chủ khách sạn, việc từ chối là để bảo đảm an toàn cho nhân viên và khách đang lưu trú tại khách sạn trong diễn biến lây lan của dịch bệnh, tờ Tuổi trẻ đưa tin. Tuy nhiên, vẫn theo chủ khách sạn, một số đơn vị chức năng của Đà Nẵng đã đến vận động khách sạn tháo bảng ngưng phục vụ khách đến từ Trung Quốc và tôn trọng quyết định đặt phòng trước đó của họ. Khách sạn phản ứng quyết liệt với lý do nếu có người nhiễm chủng virus corona vào khách sạn thì nơi này sẽ ảnh hưởng đến các du khách khác và tình hình kinh doanh. Hiện khách sạn này vẫn từ chối nhận khách đến từ Trung Quốc và đưa sự việc lên mạng xã hội, gây ra nhiều tranh cãi gay gắt. Trung Quốc: muốn làm im các chỉ trích Cách ứng xử của nhà cầm quyền Việt Nam với các thông tin về dịch bệnh trên mạng xã hội thực ra không lạ. Tại Trung Quốc, theo tờ New York Times, giữa khi bệnh do virus corona đang lây lan, các quan chức Vũ Hán đã mạnh miệng rằng bệnh đã được kiểm soát và có thể điều trị. Cảnh sát Trung Quốc cũng đã thẩm vấn 8 người đăng trên phương tiện truyền thông xã hội về virus này vì cho rằng họ đã làm lan truyền tin đồn trên mạng. Hai ngày trước khi công bố chính thức về mức độ nghiêm trọng của vụ dịch, Vũ Hán cũng tổ chức một bữa tiệc với sự tham dự của hơn 40.000 gia đình để đăng ký.... kỷ lục thế giới. Vương Quảng Phát, Trưởng khoa Hô hấp và Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Bắc Kinh I, khi ấy cũng hậu thuẫn bằng lời khẳng định trên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc vào ngày 10/1 rằng, tình trạng của các bệnh nhân ở Vũ Hán và tình trạng dịch bệnh đang lan rộng là có thể kiểm soát được. Ông còn tuyên bố: "Phần lớn bệnh nhân được phân loại từ nhẹ đến trung bình". Khi một nhóm các nhà báo Hong Kong đến bệnh viện Vũ Hán, cảnh sát đã giữ họ trong vài giờ; kiểm tra điện thoại và máy ảnh. Nhóm nhà báo này sau đó bị buộc phải xóa video, theo New York Times. Nhưng chính ông Vương, sau đó vài ngày, bị chuẩn đoán mắc chủng virus corona mới. Chính những thông tin 'loạn xì ngầu' như vậy khiến người ta dần đánh mất niềm tin vào truyền thông dòng chính khi dịch bệnh chính thức được xác nhận với tình trạng "nghiêm trọng". Còn nhớ, năm 2003, lúc dịch SARS bùng nổ, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc cố che giấu mức độ nghiêm trọng của đại dịch. Khi đó, ở Trung Quốc, việc chính quyền địa phương tìm cách che đậy hay làm đẹp các con số, không dám báo cáo con số thật; tiếp đó là việc trì hoãn các biện pháp điều trị dự phòng đã khiến dịch lan rộng. Với dịch viêm phổi cấp hiện tại, bài học đó xem ra đang được lặp lại. Hôm 3/1, Công an Vũ Hán đã phạt 8 người vì "loan tin sai lệch vô căn cứ trên internet". Công an cũng yêu cầu công dân ở Vũ Hán không truyền bá thông tin sai lệch. Nhưng khi đó, đã có ít nhất là 27 trường hợp được chuẩn đoán đã nhiễm bệnh, theo trang web của Viện báo chí Poynter. Những người này bị cáo buộc bởi họ đã đăng trên Weibo (một nền tảng truyền thông xã hội giống như Facebook) và trên các ứng dụng nhắn tin khác rằng, SARS đã quay lại. "Chế độ chuyên chế không tốt cho sức khỏe", Andrew Stroehlein, Giám đốc truyền thông khu vực châu Âu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, viết trên twitter. Còn Rose Luqiu, Phó Giáo sư báo chí, cũng là người từng đưa tin về SARS với tư cách là phóng viên Đài truyền hình Phoenix có trụ sở tại Hong Kong, nói với New York Times rằng: "Cách thức thông tin về chủng virus mới này với công chúng cũng tựa như với virus SARS 17 năm trước". Mất niềm tin vào nhà chức trách? Xu Triyuan, người từng phê bình gay gắt cách thức chính phủ Trung Quốc việc xử lý dịch SARS viết rằng, "Hệ thống này đã thành công khi nó phá hủy sự chính trực của con người, đánh mất đi uy tín của các tổ chức và khả năng của xã hội để nói về những vấn đề của mình. Những gì còn lại chỉ là sự kiêu ngạo, một loạt các thông tin lộn xộn và những cá nhân yếu đuối, bị cách ly trong nỗi giận dữ", theo tờ New York Times. Tại Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (Đại học New South Wales, Úc) nhận xét trên Facebook cá nhân rằng, tình trạng misinformation, tin giả liên quan đến chủng virus Corona mới, "không chỉ diễn ra trên mạng xã hội mà còn trên báo chí được xem là 'chánh thống'... Ngạc nhiên thay, nhiều người tung tin nhảm lại là những facebooker nổi tiếng." "Cũng có thể họ mất niềm tin vào các nhà chức trách", ông viết thêm. Bởi vậy, muốn chống tin giả, thì bên cạnh việc người đọc tự 'lượng giá thông tin', đòi hỏi chính quyền cập nhật và minh bạch trong cung cấp thông tin. Thay vì "mời" các facebooker lên đồn công an "uống trà", giờ là lúc Việt Nam phải dân chủ hóa thông tin và thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công chúng. Đó mới là cách phòng chống tin giả và thông tin sai lệch hữu hiệu? Bởi như Giáo sư Alfred Hermida, Giám đốc chương trình báo chí tại Đại học British Columbia, Canada lý giải về hiện tượng tin giả trỗi dậy cùng với sự lan rộng của chủng virus corona mới. "Khi thiếu thông tin và sợ hãi, sẽ có tin đồn xuất hiện để lấp đầy khoảng trống đó", ông nói với CBC. Trong khi đó, báo chí nhà nước Việt Nam lại nói rằng, những tin đồn thất thiệt về dịch viêm phổi Vũ Hán do virus corona mới gây hoang mang trong dư luận.
Các báo dẫn các thông tin được lan truyền trên mạng xã hội như việc người dân đổ gục khi đang đi trên đường ở Vũ Hán, chính quyền Trung Quốc che đậy số người chết thật sự, nhiều người tìm cách đào thoát khỏi khu cách ly... như những dân chứng của tin giả. Báo chí Việt Nam viết rằng, để có được thông tin chính xác, người dân có thể theo dõi trang web chính thức của Bộ Y tế tại https://www.moh.gov.vn/ và thông tin từ báo chí chính thống. 28 tháng 1 2020 | ||||||||
Chuyên chế khiến Đảng CSVN nỗ lực nhưng ‘cứ cải tiến lại cải lùi’? Posted: 30 Jan 2020 01:38 AM PST PGS. TS. Phạm Quý Thọ Học viện Chính sách & Phát triển
Sau Đại hội 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam, nỗ lực cải cách được đón nhận và đạt được kết quả khích lệ. Tuy nhiên, chuyên chế có xu hướng mạnh lên và phức tạp, một mặt để củng cố quyền lực chống tham nhũng và 'tự diễn biến, tự chuyển hoá' trong bộ máy cầm quyền, mặt khác lạm dụng quyền lực trước lo ngại từ đòi hỏi dân quyền, dân chủ có thể lan rộng làm suy yếu chế độ. Chế độ Đảng Cộng sản toàn trị mang đặc tính chuyên chế là nhà nước được miễn trừ khỏi các quy định pháp luật với việc duy trì bộ máy an ninh đông đảo, rộng khắp để kiểm soát mọi mặt cuộc sống của người dân. Lạm dụng quyền lực hiện nay đang tạo ra xu hướng đáng lo ngại trong công luận. Nó có thể làm tổn hại đến nỗ lực cải cách thể chế hiện nay. Nỗ lực cải cách Những sai lầm về chính sách và yếu kém về quản lý kinh tế xã hội trong thập niên trước là sức ép trực tiếp buộc Đảng Cộng sản Việt Nam phải tiến hành cải cách thể chế. Hậu quả của các chính sách sai lầm là sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế và bất ổn thể chế. Hơn thế, sự bất ổn diễn ra nghiêm trọng trong bộ máy chính quyền. Đảng nhận định đó là 'sự tự diễn biến, tự chuyển hoá' của lãnh đạo đảng viên. Nhiều cán bộ, trong đó có bộ phận lãnh đạo cao cấp của Đảng đã 'lợi dụng chức quyền', 'cố ý' vi phạm kỷ luật đảng và pháp luật, tham nhũng lan rộng. Hơn thế, 'các nhóm lợi ích' được hình thành và phát triển đe doạ những nguyên tắc lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Sau Đại hội 12, đầu năm 2016, Đảng Cộng sản đã và đang nỗ lực cải cách. Một mặt, đảng tăng cường củng cố tổ chức đảng, trừng trị tham quan, xoa dịu công luận nhằm giảm bớt ấn tượng xấu, tiêu cực về bộ máy lãnh đạo các cấp chính quyền. Mặt khác, đảng nới rộng quyền tự do kinh doanh, khuyến khích tư nhân khởi nghiệp, đầu tư, gỡ bỏ rào cản về luật pháp và hành chính, và tạo sức ép với bộ máy hành chính. Sự khởi sắc kinh tế, nhất là tốc độ tăng trưởng cao trong ba năm gần đây trong bối cảnh trong nước và quốc tế bất định, phức tạp, có thể tạo 'không khí phấn khởi', nhưng không thể cải thiện nhiều về chất lượng nền kinh tế và niềm tin phát triển bền vững. Hai khuynh hướng thay đổi nêu trên, từ khía cạnh chính sách công, chứa đựng mâu thuẫn. Kinh tế mở hơn hướng về phía thị trường trong khi quyền lực Đảng tập trung cao hơn với đặc trưng chuyên chế luôn hàm chứa rủi ro bạo lực bị lạm dụng và tha hoá. Sự ngộ nhận có thể lớn dần, có thể trở thành nguy cơ lớn hơn khi câu hỏi cơ bản không có câu trả lời thoả đáng rằng Đảng Cộng sản có thể lãnh đạo kinh tế thị trường với hai hệ tư tưởng có bản chất trái ngược nhau. Một trong những khác biệt lớn giữa hai mô hình chế độ chính là cách thức và tình huống sử dụng quyền lực nhà nước. Dùng quyền lực của đảng, nhà nước để chống tham nhũng được coi như 'ta đánh ta', 'tự lấy đá ghè chân mình', 'đánh chuột không làm vỡ bình'… để giảm thiểu sự bất mãn từ dân chúng, mà không dựa vào dân bằng cơ chế dân chủ, khả thi là một hình thức biểu hiện của chuyên chế Đảng tập trung quyền lực Tập trung quyền lực để củng cố tổ chức và chống tham nhũng những nỗ lực song hành của Đảng Cộng sản Việt Nam trong những năm gần đây. Dùng quyền lực của đảng, nhà nước để chống tham nhũng được coi như 'ta đánh ta', 'tự lấy đá ghè chân mình', 'đánh chuột không làm vỡ bình'… để giảm thiểu sự bất mãn từ dân chúng, mà không dựa vào dân bằng cơ chế dân chủ, khả thi là một hình thức biểu hiện của chuyên chế. Sau Đại hội 12, một mặt, Đảng Cộng sản đang 'chỉnh đốn' tổ chức nội bộ bằng cách tập trung cao quyền lực. Một mặt, đảng ban hành nhiều quy chế, quy định về đề cử, tuyển chọn, khen thưởng, kỷ luật, nêu gương… và luân chuyển, bố trí nhân sự trong hệ thống chính trị hiện hành cũng như quy hoạch lãnh đạo 'chiến lược' chuẩn bị cho Đại hội 13.
Hơn thế, đảng mạnh tay 'trừng trị' quan chức tham nhũng. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hơn 90 cán bộ thuộc diện TƯ quản lý, trong đó có 21 ủy viên Trung ương đảng, nguyên ủy viên Trung ương đảng (trong đó có 2 ủy viên Bộ Chính trị), 22 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang… đã bị thi hành kỷ luật Đảng và bị toà án kết tội. Gần đây có một số vụ kỷ luật thu hút sự quan tâm của công chúng. Ngày 8/1/2020 Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố Ban thường vụ Thành ủy TP HCM nhiệm kỳ 2010 - 2015 và Ban cán sự đảng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2011 - 2016 và một số cá nhân vi phạm khuyết điểm đến mức phải xem xét kỷ luật, trong đó có cựu Bí thư, cựu Chủ tịch và các Phó chủ tịch; Ngày 9/1 Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo Bí thư Thành ủy Hà Nội; Hành động trấn áp mang tính chuyên chế làm cho công luận 'bàng hoàng' và phản ứng lan rộng, mạnh mẽ, khiến chính quyền phải 'chống đỡ' lúng túng, bị động. Ngày 10/1 Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Bí thư thành phố Hà Nội bằng hình thức cảnh cáo do có những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng; Ngày 13/1 hai cựu chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến bị toà án tuyên phạt lần lượt 17 và 12 năm tù… 'Chống tham nhũng không vùng cấm' được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được nhận mạnh mới đây, khi trả lời Báo Quân đội nhân dân nhân Tết Nguyên đán - Xuân Canh Tý 2020 và đánh dấu 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông đã khẳng định quyết tâm và 'cam kết' của Đảng Cộng sản 'tuyên chiến' với bộ máy lãnh đạo tha hoá, đồng thời thể hiện quyền lực tuyệt đối của đảng. Danh sách các lãnh đạo và nguyên lãnh đạo cao cấp dự đoán có thể còn kéo dài trước Đại hội 13 của đảng. Chuyên chế trước lo ngại
Chuyên chế trước lo ngại về những biểu hiện hoặc thách thức mà theo cách diễn giải của đảng cho rằng có thể làm suy yếu quyền lực của mình. Chuyên chế gây nên sự sợ hãi. Không chỉ những kẻ tội phạm mới phải sống trong nỗi sợ hãi. Không chỉ các quan chức tha hoá, 'tự diễn biến, tự chuyển hoá' 'bị lộ' hoặc 'chưa' trong bộ máy cầm quyền, mà cả những biểu hiện gây ra lo ngại cho đảng từ phía xã hội, từ dân chúng cũng là đối tượng của chuyên chế.
Ngoài ra, các học giả, các nhà bất đồng chính kiến, các blogger và các lãnh đạo doanh nghiệp cũng có thể phải chịu cảnh 'nghi ngờ' và lo sợ bị xét hỏi. Tình trạng bộ máy hành chính trì trệ, 'trên nóng, dưới lạnh', 'giấu mình chờ thời' là một biểu hiện bề ngoài không ngạc nhiên khi nỗi sợ hãi treo lơ lửng trên đầu nhưng đảng lấy 'răn đe' làm chính. Tuy nhiên, khi các biểu hiện từ phía xã hội khiến sự lo ngại lớn dần với quyền lực tuyệt đối thì đảng ra tay. Đơn cử hai biến cố dưới đây. Ngày 21/ 11/2019 nhà báo chủ tờ Thời báo độc lập, tác giả của nhiều bài viết phê phán chính quyền và bảo vệ nhân quyền, đã bị khởi tố và bắt tạm giam về tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước….". Rạng sáng ngày 9/1/2020 vụ 'đột kích' vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, thủ đô Hà Nội của hàng nghìn cảnh sát cơ động để giải quyết tranh chấp đất đai, đã gây ra thương vong, và hàng chục người bị bắt, và sau đó bị khởi tố với tội danh rất nặng… Hành động trấn áp mang tính chuyên chế làm cho công luận 'bàng hoàng' và phản ứng lan rộng, mạnh mẽ, khiến chính quyền phải 'chống đỡ' lúng túng, bị động. Hậu quả nặng nề và lâu dài 'Biến cố Đồng Tâm', nhìn từ nỗ lực cải cách thể chế hướng tới kinh tế thị trường và dân chủ, đó là 'bước thụt lùi' Chuyên chế tạo ra nỗi sợ hãi tức thì, nhưng hậu quả để lại có thể nặng nề và lâu dài. Từ các góc nhìn chính sách công làm tổn hại đến cải cách thể chế hiện nay. Sự lạm dụng quyền lực nhà nước trong kinh tế làm tổn hại cải cách hướng tới thị trường, giảm chất lượng tăng trưởng. Chuyên chế trong chính trị tạo ra sự chống đối ngầm, bộ máy hành chính trì trệ, quan chức tuân lệnh nhưng 'tâm không phục'. Nguy hại hơn, nếu chuyên chế trong các vấn đề dân sự, như các biến cố trên, có thể gây nên sự bất bình, mất niềm tin, thậm chí sự căm thù, đối đầu với chính quyền. Đây là căn nguyên bất ổn dẫn đến mâu thuẫn, chia rẽ và xung đột xã hội. 'Biến cố Đồng Tâm', nhìn từ nỗ lực cải cách thể chế hướng tới kinh tế thị trường và dân chủ, đó là 'bước thụt lùi'. Hình ảnh các vị đại biểu Quốc hội đến 'hiện trường', khi căng thẳng bùng phát năm 2017, gặp gỡ và lắng nghe từ cả hai phía người dân và chính quyền, đã từng cho thấy kỳ vọng về chính sách đối thoại, về cách giải quyết kiên trì và ôn hoà, theo luật pháp. 'Biến cố Đồng Tâm' đầu năm 2020 không chỉ dập tắt mọi tia hy vọng về sự thay đổi dân chủ. Lời kêu gọi Bộ Chính trị và Quốc hội 'vào cuộc' trở thành sự ngộ nhận đáng thương. Vì sao chúng tôi đòi điều tra cái chết của cụ Kình? Việc gửi 'Đơn tố giác tội phạm' tới các cơ quan chức năng yêu cầu điều tra về cái chết của ông Lê Đình Kình thể hiện sự kiên trì đấu tranh của các nhà hoạt động dân sự vì sự thật và công lý. Một số tổ chức quốc tế như Theo dõi Nhân quyền hay Ân xá Quốc tế lên tiếng về vi phạm nhân quyền, thậm chí của một số nghị sĩ của một số nước phát triển, như Hoa Kỳ hay Liên minh Châu Âu lên tiếng về 'điều tra độc lập', nhưng để tạo ra sức ép ngăn việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư EU - Việt Nam (EVIPA) tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố khác trong bối cảnh các nước này cũng đang đặt ưu tiên tăng trưởng kinh tế lên trên. Đúng vậy, hôm 21/1/2020 tại Brussels, Ủy ban Thương mại Quốc tế thuộc Nghị viện Châu Âu vẫn đã thông qua 2 hiệp định nêu trên, mở đầu cho việc phê chuẩn các thỏa thuận này. Các biến cố nêu trên xảy ra vào thời điểm 'nhạy cảm' trong bối cảnh có những nỗ lực cải cách thể chế và chuẩn bị cho Đại hội 13, được cho là 'bất ngờ' đối với một số nhà phân tích tình hình chính trị Việt Nam. Đã xuất hiện giả định về 'thuyết âm mưu', rằng liệu có 'kẻ giấu mặt' ngăn cản quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và cố tình gây ra biến cố để giải quyết xung đột quyền lực nội bộ. Cải cách hướng tới thể chế dân chủ là quá trình khó khăn, lâu dài nhưng có thể là xu hướng văn minh của loài người. Chuyên chế không những không thể là công cụ để cải cách, mà còn là 'bước lùi' và để lại những hậu quả nặng nề và lâu dài./. PGS. TS. Phạm Quý Thọ 25 tháng 1 2020 Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội. |
You are subscribed to email updates from Dân quyền. To stop receiving these emails, you may unsubscribe now. | Email delivery powered by Google |
Google, 1600 Amphitheatre Parkway, Mountain View, CA 94043, United States |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét