“Phòng thu âm giữa vách núi về Corona của Bộ đội Biên phòng ở Thanh Hoá” plus 14 more |
- Phòng thu âm giữa vách núi về Corona của Bộ đội Biên phòng ở Thanh Hoá
- 2.000 suất quà gửi tặng người bán vé số giữa dịch Covid-19
- 'ATM gạo' miễn phí dành cho người nghèo thời cách ly toàn xã hội
- Giáo dân 91 tuổi ở Hà Tĩnh ủng hộ hơn 1 tấn gạo chống dịch Covid-19
- Tin tức Covid-19 ngày 7/4/2020: Covid-19 bắt đầu chững lại ở Mỹ
- 2 triệu lao động khó khăn do dịch Covid-19, Chính phủ muốn hỗ trợ gấp 62 ngàn tỷ
- 3 bệnh nhân nặng, chỉ còn 1 người phải can thiệp tim phổi nhân tạo
- Đoàn Văn Hậu gặp khó ở Heerenveen: Phía trước là bầu trời
- Thủ tướng Anh vào phòng chăm sóc tích cực, bệnh do Covid-19 chuyển biến xấu
- Bầu Đức nói về thông tin liên quan vụ án Trần Bắc Hà
- Chủ tịch Khánh Hoà Phải giữ nguyên hiện trạng ga Nha Trang
- Người phụ nữ gửi con thơ cho bố mẹ chồng để đi chống dịch Covid-19
- Sức mua từ thị trường nội địa gần 100 triệu dân sẽ 'giải cứu' doanh nghiệp
- Tin chứng khoán ngày 7/4: Hàng không tê liệt, ông lớn độc quyền thu phí cũng kêu khó
- Bác sĩ Nhật khuyến cáo viễn cảnh Covid-19 đáng sợ ở Tokyo
Phòng thu âm giữa vách núi về Corona của Bộ đội Biên phòng ở Thanh Hoá Posted: 06 Apr 2020 09:26 PM PDT Vách núi đá dựng đứng có những yếu tố đặc biệt để chính trị viên đồn biên phòng Bát Mọt (huyện Thường Xuân, Thanh Hóa), Trung tá Thịnh Văn Kiên biến thành phòng thu âm. Người dân xã Bát Mọt ở vùng cao biên giới Thanh Hóa đã quen với hình ảnh người chiến sĩ biên phòng rong ruổi trên chiếc xe máy tới từng ngõ ngách thôn, bản để tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 những ngày này. Anh là chính trị viên đồn biên phòng Bát Mọt, Trung tá Thịnh Văn Kiên. Người dân trìu mến đặt tên anh là "ông mõ bản", còn đồng nghiệp gọi anh là "phát thanh viên bất đắc dĩ".
Anh Kiên chia sẻ, Bát Mọt là xã vùng biên xa xôi, có 8 thôn, bản ở rải rác dọc biên giới Việt - Lào. Ở khu vực biên giới, công tác thông tin tuyên truyền tới người dân còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 lại đang diễn biến phức tạp nên cần thông tin tới người dân kịp thời. Hơn 2 tháng qua, đồn biên phòng Bát Mọt phối hợp với UBND xã, trạm y tế triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân về công tác phòng chống dịch.
Anh Kiên thu thập tài liệu rồi thu âm qua điện thoại, chuyển sang USB, phát qua loa di động. Những ngày đầu, để có được bản tin tuyên truyền tới người dân vừa đúng, vừa chuẩn, vừa thời sự, đêm nào anh cũng phải chờ cho các chiến sĩ ở đồn đi ngủ, một mình anh đóng kín cửa phòng đọc thu âm những bài tuyên truyền cho ngày hôm sau. "Ở trong đồn không thể tránh được tạp âm trong lúc thu, cộng với việc đọc chưa quen, thường xuyên vấp, lỗi… phải đọc lại từ đầu. Có những bản tin tôi phải làm đi làm lại cả chục lần, đến tận 1, 2 giờ sáng", anh Kiên chia sẻ. Có những hôm thấy việc đọc ảnh hưởng tới người khác, anh Kiên chuyển ra khu hầm hào để đọc. Ở ngoài có vẻ khả quan hơn nhưng có điểm bất tiện nên anh quyết định chuyển sang địa điểm khác, đó là vách đá trên sườn núi.
"Sở dĩ tôi chọn vách đá vì ở những chỗ này tránh được tạp âm, giọng đọc vang vọng, khi phát vào loa rất truyền cảm", anh Kiên vui vẻ nói.
Anh đã đọc và phát hơn chục bản tin, mỗi bản tin dài 15 phút. Ngày nào cũng vậy, anh chỉ huy đội tuyên truyền của đồn rong ruổi trên xe máy chở theo chiếc loa thùng di động len lỏi vào khắp bản làng, giúp bà con hiểu về cách phòng tránh loại virus nguy hiểm. "Ở dưới xuôi, việc tuyên truyền bằng loa truyền thanh rất dễ nhưng ở khu vực biên giới này hệ thống truyền thanh của xã tiếp sóng nên không đưa file ghi âm giọng đọc của mình vào được, phải đi tuyên truyền lưu động. Bà con thấy hình thức lạ, lại nghe giọng của bộ đội quen quen nên họ rất thích. Anh em thấy vậy nên dù có leo đèo lội suối cũng không quản ngại", anh Kiên cười hiền lành. Lê Anh - Lâm Nguyên Bữa cơm trên lá chuối nơi biên giới của bộ đội biên phòng chặn dịchLực lượng Biên phòng tỉnh Nghệ An phối hợp với chính quyền địa phương lập 28 chốt chặn, kiểm soát đường biên, đo thân nhiệt cho người dân đi qua các điểm. | ||||||||||||||||||||
2.000 suất quà gửi tặng người bán vé số giữa dịch Covid-19 Posted: 06 Apr 2020 04:00 PM PDT Nhiều tổ chức, nhà hảo tâm ở TP HCM đã chia sẻ khó khăn của những lao động nghèo bằng phần cơm chay, ổ bánh mì, chiếc khẩu trang, những suất quà. Họ cùng nhau giúp bà con tạm thời ổn định cuộc sống, chung tay phòng chống Covid-19. Đức Yên | ||||||||||||||||||||
'ATM gạo' miễn phí dành cho người nghèo thời cách ly toàn xã hội Posted: 06 Apr 2020 09:09 PM PDT Chủ doanh nghiệp ở Sài Gòn phát minh ra máy 'ATM' phát gạo miễn phí cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch Covid-19. Anh Hoàng Tuấn Anh - chủ một doanh nghiệp vừa phát minh ra chiếc máy phát gạo tự động đặt tại số 204B đường Vườn Lài (quận Tân Phú, TP.HCM). "Ở Sài Gòn, rất nhiều nơi đang làm từ thiện, nhưng tôi thấy họ phát thủ công và tụ tập đông người rất dễ xảy ra việc lây lan dịch. Xuất phát từ mong muốn chung sức cùng cộng đồng, tôi đã tận dụng máy móc có sẵn của công ty để chế tạo ra chiếc máy phát gạo tự động 24/24h này"- anh Tuấn chia sẻ.
Cũng theo anh, cấu tạo máy bao gồm một nút bấm kết nối với một van tự động và một thùng chứa gạo được điều khiển thông minh qua phần mềm, nhờ vậy mà giảm đáng kể tình trạng tập trung đông người; người phát gạo và người nhận không tiếp xúc với nhau sẽ tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Theo quy định, mỗi người khi lấy được khoảng 1,5 kg gạo trong 1 lần. Ban đầu anh Tuấn dự kiến một ngày phát khoảng 300 kg gạo nhưng không đủ, do người dân có hoàn cảnh nghèo khó tìm đến rất đông. "Sau hơn 1 ngày, chúng tôi đã phát gần 2 tấn gạo đến hàng trăm người dân. Với đà này, trong những ngày sắp tới, người nghèo sẽ đến điểm lấy gạo tự động nhiều hơn nên số gạo có thể lên đến từ 3-5 tấn mỗi ngày"- anh Tuấn Anh chia sẻ. Anh Tuấn cho biết, sắp tới sẽ mở rộng khoảng 100 điểm phát gạo tự động như thế này. Anh cố gắng duy trì trong khả năng có thể để san sẻ cho bà con nghèo. Đồng thời, hy vọng sẽ có nhiều Mạnh Thường Quân chung tay góp sức giúp đỡ bà con nghèo đến khi dịch bệnh được đẩy lùi, cuộc sống của người dân ổn định. Một số hình ảnh tại điểm phát gạo tự động:
Cụ bà trăm tuổi ủng hộ 50 quả trứng cho quỹ chống dịchBan công tác Mặt trận tổ Tân Ngọc, phường Mai Hùng (TX Hoàng Mai, Nghệ An) vừa nhận được 1kg gạo và 50 quả trứng vịt do cụ bà Lê Thị Xuân (SN 1922) ủng hộ quỹ phòng, chống dịch Covid-19. Như Sỹ | ||||||||||||||||||||
Giáo dân 91 tuổi ở Hà Tĩnh ủng hộ hơn 1 tấn gạo chống dịch Covid-19 Posted: 06 Apr 2020 09:57 PM PDT Gia đình cụ Nguyễn Hồng Phong (91 tuổi) và vợ là cụ Nguyễn Thị Hường (76 tuổi) - giáo dân thuộc Giáo xứ An Nhiên, xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) ủng hộ 1,1 tấn gạo cho địa phương để phòng chống dịch Covid-19.
Cuộc sống chủ yếu dựa vào 1,8 triệu đồng tiền lương hưu hàng tháng, nhưng vợ chồng cụ đã dùng toàn bộ số tiền 17,5 triệu đồng tiết kiệm được để mua 1,1 tấn gạo, rồi đạp xe lên trao cho UBND xã Thạch Hạ. Trước đó, cụ Phong cũng đã đóng góp 1 triệu đồng và 170kg gạo ủng hộ công tác phòng dịch và giúp các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trong xứ đạo An Nhiên.
Ông Nguyễn Song Hàn, Chủ tịch UBND xã Thạch Hạ cho biết: "Do khu cách ly của xã chưa có người, nên theo nguyện vọng của gia đình ông Phong, số gạo này sẽ dùng để hỗ trợ những người nghèo, khó khăn trong xã". Thiện Lương Xử lý nghiêm vụ tổ chức hành lễ đông người giữa dịch tại Hà TĩnhChủ tịch UBND Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng hôm qua ký văn bản gửi các cơ quan, đoàn thể đề nghị thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19. | ||||||||||||||||||||
Tin tức Covid-19 ngày 7/4/2020: Covid-19 bắt đầu chững lại ở Mỹ Posted: 06 Apr 2020 06:54 PM PDT Số ca tử vong do Covid-19 dường như chững lại ở New York, Mỹ và phản ánh xu hướng đang diễn ra ở Italia, Tây Ban Nha. Tuy nhiên, khủng hoảng do Covid-19 gây ra đang leo thang một cách báo động ở Anh.
Thủ tướng Anh vào phòng chăm sóc tích cực Theo AP, Thủ tướng Anh Boris Johnson, 55 tuổi, tối qua (6/4) đã được đưa vào phòng chăm sóc tích cực sau khi tình hình của ông chuyển biến xấu. Ông Johnson hiện vẫn tỉnh và chưa cần thiết phải thở máy ngay lập tức, văn phòng Thủ tướng Anh xác nhận. Thủ tướng Anh là người đứng đầu chính phủ đầu tiên trên thế giới ngã bệnh vì nhiễm virus corona chủng mới. Dịch đạt đỉnh ở nơi virus tấn công mạnh nhất Mỹ Tại New York, Thống đốc Andrew Cuomo thông báo những dấu hiệu đầu tiên, không mấy rõ rệt rằng dịch Covid-19 tại bang này có thể đã đạt đỉnh hoặc gần đỉnh. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo, hiện giờ vẫn chưa phải là thời gian có thể nới lỏng các hạn chế để tách mọi người ra xa nhau. Nhà lãnh đạo này đã yêu cầu các mức phạt nặng hơn đối với những ai vi phạm. Ông Cuomo cho hay, các ca tử vong vì virus corona chủng mới ở Mỹ đã vượt qúa 10.000 và số ca nhiễm vào khoảng 350.000. Covid-19 đổi hướng sang Anh, Pháp Dịch Covid-19 ở những nơi khác lại đi theo hướng ngược lại với New York: Pháp ghi nhận số ca tử vong vì virus corona chủng mới trong 24h qua vọt lên mức kỷ lục kể từ khi dịch bùng phát ở nước này, thêm 833 người thiệt mạng.
Thủ tướng Nhật Abe Shinzo cho biết, hôm nay ông sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia ở một số khu vực, trong đó có Tokyo, sau khi các ca nhiễm tăng vọt. Số ca tử vong vì Covid-19 ở Anh đã tăng thêm 400 trong ngày 6/4, nâng tổng số người chết do virus corona chủng mới lên gần 5.400. Trên toàn thế giới, hơn 1,3 triệu người được xác nhận nhiễm Covid-19 và hơn 70.000 người đã chết, thống kê của Đại học John Hopkins cho biết. Tuy nhiên, con số thực chắc chắn cao hơn nhiều do số lượt xét nghiệm có giới hạn cũng như cách đếm ca tử vong và nhiễm bệnh của nhiều nước khác nhau. Cách ly xã hội phát huy tác dụng làm virus chậm lây lan Dữ liệu thống kê mới nhất cho thấy, cách ly xã hội dường như đã phát huy tác dụng ở một số quốc gia, tốt hơn so với dự đoán.
Một số nơi trên thế giới, như Áo và Cộng hoà Czech đều công khai thảo luận về cách thức nới lỏng một số hạn chế, bắt đầu bằng việc mở cửa trở lại một số cửa hàng nhỏ và các cửa hàng bán cây cối vào tuần tới. Tại Italia, số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày tiếp tục giảm, số trường hợp phải điều trị tích cực đã giảm ngày thứ 3 liên tiếp. Thủ tướng Italia Giupseppe Conte cam kết, người Italia sẽ sớm được hưởng thành quả từ sự hy sinh tự do cá nhân. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này từ chối nói, khi nào lệnh phong toả sẽ được dỡ bỏ. Cho tới giờ, Italia vẫn là nước có số ca tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới, hơn 16.500. Tuy nhiên, sức ép với các khoa chăm sóc tích cực ở phía bắc nước này đã giảm xuống nhiều và hiện khu vực này không cần phải chuyển bệnh nhân bằng đường không tới các khu vực khác. Tại Tây Ban Nha, số người tử vong và nhiễm mới cũng tiếp tục giảm. Bộ Y tế nước này cho biết, có thêm 637 ca tử vong trong ngày hôm qua, và đây là mức thấp nhất trong 13 ngày. Các ca nhiễm mới cũng thấp nhất trong 2 tuần. Tổng số người chết vì Covid-19 ở Tây Ban Nha hiện là 13.341, số ca nhiễm là 136.675. Bộ trưởng Giao thông và các vấn đề thành thị Tây Ban Nha Jose Luis Abalos nói, các số liệu trên cho thấy, nước này đang tiến vào giai đoạn mới của trận chiến. "Giai đoạn mới không có nghĩa là chúng ta lơi lỏng sự đề phòng của mình. Chúng ta phải đánh giá các biện pháp mà chúng ta cần thông qua". Đó cũng thông điệp được các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới nhắc đi nhắc lại: Bất cứ thắng lợi nào cũng có thể đảo chiều nếu mọi người không tuân thủ các quy định phong toả. Hoài Linh | ||||||||||||||||||||
2 triệu lao động khó khăn do dịch Covid-19, Chính phủ muốn hỗ trợ gấp 62 ngàn tỷ Posted: 06 Apr 2020 01:00 PM PDT Ngày 6/4, Chính phủ đã có báo cáo 121/BC-CP gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Dự kiến dành khoảng 62 nghìn tỷ đồng cho các gói hỗ trợ. 2 triệu lao động ngừng việc, mất việc Báo cáo của Chính phủ đánh giá: Dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng toàn diện nền kinh tế nước ta; trong đó nhiều DN tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô, một bộ phận người lao động phải ngừng việc, dừng hợp đồng lao động không hưởng lương hoặc thất nghiệp. Theo ước tính sơ bộ, 19% DN đã tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô; 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc; 78% lao động ngành vận tải, giầy da, dệt may bị giảm việc, giãn việc hoặc ngừng việc; 98% lao động hàng không tạm nghỉ việc. Hàng triệu người lao động đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là lao động giản đơn, thu nhập thấp, không thường xuyên. Đồng thời, dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng lớn tới các đối tượng yếu thế khác như đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo...
"Dự báo trong tháng 4, tháng 5 dịch bệnh còn phức tạp, ước khoảng 2 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm; trường hợp dịch bệnh bùng phát mạnh sẽ có khoảng 3,5 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm", Chính phủ báo cáo. Trong báo cáo, Chính phủ đề nghị loạt chính sách hỗ trợ. Một là người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng ngoài mức trợ cấp thường xuyên được hỗ trợ thêm: 500.000 đồng/người/tháng. Thực hiện chi trả một lần mức hỗ trợ của 3 tháng. Hai là hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định: 1.000.000 đồng/hộ/tháng. Thực hiện chi trả một lần mức hỗ trợ của 3 tháng. Ba là người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho người lao động theo Khoản 3 Điều 98 của Bộ Luật lao động, trường hợp khó khăn về tài chính được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% của tiền lương tối thiểu vùng với lãi suất 0% tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Thực hiện cho vay hằng tháng theo tình hình thực tế. Bốn là người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không lương với người sử dụng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên: 1.800.000 đồng/người/tháng. Thực hiện chi trả hằng tháng theo tình hình thực tế. Năm là người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và mất việc làm: 1.000.000 đồng/người/tháng. Thực hiện chi trả hằng tháng theo tình hình thực tế. Sáu là hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ: 1.000.000 đồng/hộ/tháng. Thực hiện chi trả hằng tháng theo tình hình thực tế. Các chính sách hỗ trợ nêu trên được thực hiện tối đa 3 tháng. Ngoài ra, Chính phủ đề nghị người sử dụng lao động và lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải tạm thời nghỉ việc (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) tối đa không quá 12 tháng. Bên cạnh đó, cho phép người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh, có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động được hỗ trợ kinh phí từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động theo quy định của Luật Việc làm. Thời gian hỗ trợ tối đa là 3 tháng, mức hỗ trợ tối đa là 1.000.000 đồng/tháng đối với từng người lao động. Thu xếp 62 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ Theo báo cáo của Chính phủ, quy mô hỗ trợ dự kiến khoảng 62 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho khoảng 20 triệu đối tượng. Trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp khoảng 36 nghìn tỷ đồng. Cụ thể, ngân sách trung ương khoảng 22-23 nghìn tỷ đồng, dự kiến sẽ sử dụng 19-20 nghìn tỷ đồng nguồn tăng thu và nguồn kinh phí còn lại của năm 2019; số còn lại sẽ bố trí từ nguồn dự phòng năm 2020, tiết kiệm chi thường xuyên và các nguồn hợp pháp khác theo quy định. Ngân sách địa phương khoảng 13-14 nghìn tỷ đồng, dự kiến bố trí từ nguồn tăng thu và nguồn kinh phí còn lại của ngân sách địa phương năm 2019, quỹ dự trữ tài chính, dự phòng ngân sách địa phương năm 2020 và nguồn cải cách tiền lương còn dư và các nguồn hợp pháp khác theo quy định. Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương trên 50% tự bảo đảm kinh phí thực hiện. Ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương còn lại theo nguyên tắc. Một là 70% mức thực chi theo quy định đối với các tỉnh miền núi, Tây Nguyên; 50% mức thực chi theo quy định đối với các địa phương chưa tự cân đối ngân sách còn lại (ngoài các tỉnh miền núi, Tây Nguyên). Hai là 30% mức thực chi theo quy định đối với các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50%. Ngoài ra, hỗ trợ gián tiếp thông qua việc cho phép doanh nghiệp và người lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải tạm thời nghỉ việc (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương); hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại người lao động (khoảng 3 nghìn tỷ đồng); cho vay chi trả tiền lương ngừng việc cho người lao động qua Ngân hàng Chính sách xã hội (khoảng 16 nghìn tỷ đồng). Để thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho người dân bị tác động bởi dịch Covid-19, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về nguyên tắc triển khai thực hiện ngay gói hỗ trợ nêu trên. Đồng thời, cho phép sử dụng khoảng 19-20 nghìn tỷ đồng từ nguồn tăng thu và nguồn kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2019 để thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân... Chính phủ cũng muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý cho phép Chính phủ thực hiện ngay và báo cáo Quốc hội cho phép người sử dụng lao động và người lao động tạm dừng đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp tối đa không quá 12 tháng. Ngoài ra, sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không lương với người sử dụng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên và người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong thời gian chờ Quốc hội xem xét, quyết định, cho phép Chính phủ chủ động bố trí nguồn để hỗ trợ các đối tượng này. "Căn cứ yêu cầu thực tiễn và khả năng cân đối ngân sách nhà nước, cho phép Chính phủ chủ động điều chỉnh đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ cho phù hợp", Chính phủ đề nghị. Lương Bằng
| ||||||||||||||||||||
3 bệnh nhân nặng, chỉ còn 1 người phải can thiệp tim phổi nhân tạo Posted: 06 Apr 2020 04:54 PM PDT - Sáng 7/4, Bộ Y tế thông báo không có thêm ca mắc Covid-19, hiện cả nước vẫn ghi nhận 245 ca mắc. 3 bệnh nhân nặng đều tiến triển, chỉ còn 1 người phải thở ECMO. Trong số 149 bệnh nhân đang điều trị tại 21 cơ sở y tế, tin vui là 32 bệnh nhân đã âm tính từ 1 lần trở lên và 30 trường hợp trong số này đã âm tính lần 2. Do đó ngay trong hôm nay, dự kiến sẽ có 18 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Về tình hình 3 ca nặng, duy nhất bệnh nhân 91 tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM phải thở ECMO; 2 ca thở máy không xâm nhập, lọc máu là bệnh nhân 19 và bệnh nhân 161 đang điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương đều đã có tiến triển. Để phòng chống dịch Covid-19, hiện cả nước đang có hơn 85.000 người phải thực hiện cách ly, trong số này có hơn 1.200 người đang cách ly tại bệnh viện, hơn 37.000 trường hợp đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung, hơn 46.000 trường hợp còn lại đang cách ly tại nhà, nơi lưu trú. Như vậy, đây là buổi sáng thứ 3 liên tiếp Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc mới Covid-19. Trong 4 ngày qua, số ca mắc Covid-19 cũng giảm thấp, riêng ngày 5/4 chỉ ghi nhận 1 ca. Đây là những tín hiệu vui bước đầu khi Việt Nam quyết liệt triển khai hàng loạt giải pháp. Tuy nhiên, người dân không vì thế mà chủ quan, cần tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, tuân thủ triệt để các khuyến cáo của Bộ Y tế. Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, căn cứ quy định của pháp luật hiện hành tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, kịp thời phát hiện, khẩn trương xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19. Các hành vi vi phạm không chấp hành biện pháp phòng, chống dịch; chống đối người thi hành công vụ phòng, chống dịch; đưa tin sai không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận, mất ổn định xã hội; tái chế khẩu trang y tế đã qua sử dụng; sản xuất hàng giả, đầu cơ găm hàng, tăng giá trái pháp luật, gian lận thương mại, gây bất ổn thị trường...đều bị xử lý; nếu có dấu hiệu tội phạm phải chuyển ngay hồ sơ đến cơ quan chức năng để điều tra, xử lý về hình sự. Thúy Hạnh Nữ điều dưỡng Bạch Mai nhiễm Covid-19: 'Nghề y nhiều nguy cơ lây nhiễm, tôi chấp nhận điều đó'31 năm làm trong ngành truyền nhiễm, từng tham gia chống dịch SARS vào năm 2003, bà H. không ngờ một ngày, bà có kết quả dương tính nCoV. | ||||||||||||||||||||
Đoàn Văn Hậu gặp khó ở Heerenveen: Phía trước là bầu trời Posted: 06 Apr 2020 04:03 PM PDT - Văn Hậu trải qua thời gian đầy thách thức và bấp bênh trên đất Hà Lan, cùng Heerenveen nhưng phía trước là tương lai sáng sủa của trung vệ đầy mạnh mẽ và nhiệt huyết này. Mong manh... Ít ngày trước, trên trang FeanOnline được xem là tiếng nói của các cổ động viên CLB Heerenveen đã mở cuộc thăm dò trên Twitter về việc CLB nên giữ hay kết thúc hợp đồng với Văn Hậu. Kết quả cho thấy chỉ 21,4 % ủng hộ ở lại, và có tới 78,6% muốn trung vệ người Việt Nam ra đi sau khi kết thúc hợp đồng cho mượn 1 năm, khiến nhiều fan hâm mộ lo lắng cho tương lai của Văn Hậu tại CLB Heerenveen.
Càng đáng lo hơn khi giải Reserve League - sân chơi dành cho đội hình dự bị, mà Văn Hậu đang thể hiện rất tốt vừa bị BTC quyết định huỷ vì dịch Covid-19 khiến hậu vệ của tuyển Việt Nam càng ít cơ hội khẳng định bản thân trước CLB chủ quản. Với chỉ 4 phút ra sân ở cúp Quốc gia, cùng lúc thời hạn bản hợp đồng cho mượn sẽ kéo dài đến 30/08/2020 đang đến gần khiến cơ hội ở lại dành cho Văn Hậu thực sự mong manh. Thậm chí, Văn Hậu có thể rời Hà Lan sớm hơn khi thời gian ấn định kích hoạt hợp đồng mới giữa đôi bên dự kiến diễn ra vào ngày 15/5 tới đây. ... nhưng tương lai nằm ở phía trước Xét trên yếu tố thi đấu, ra sân... trong đội hình 1 của CLB Heerenveen rõ ràng nhìn lại quãng đường đã qua của bản hợp đồng mang giá trị rất cao của Văn Hậu là không thành công. Bởi như đã nói, hậu vệ của tuyển Việt Nam chỉ có được 4 phút tại cúp Quốc gia Hà Lan kể từ khi chuyển đến đây vào tháng 8/2019.
Nhưng nếu xét trên phương diện xây dựng hình ảnh thì có lẽ cuộc phiêu lưu của Văn Hậu là thành công khi cùng với Công Phượng đã kéo châu Âu gần hơn đối cho bóng đá Việt Nam. Nói cách khác, cả hai ít nhiều mang về những trải nghiệm lớn mà không phải cầu thủ Việt Nam nào cũng có được. Riêng với Văn Hậu, chuyến xuất ngoại đầu tiên sang trời Âu của chàng trai mới 21 tuổi này còn mang về nhiều thay đổi cho tương lai, khi khác xa so với Công Phượng là cần khẳng định, trong khi cầu thủ người Thái Bình coi như một chuyến du học. Và chắc chắn, với tuổi đời còn rất trẻ cho tới cả khả năng chuyên môn, thể hình cũng có những thay đổi trông thấy dù chỉ đá ở đội trẻ CLB Heerenveen rõ ràng chuyến đi đầu tiên này của Văn Hậu không hề thất bại, nếu chẳng muốn nói thành công. Thế nên, nếu như Văn Hậu không trụ lại được ở CLB Heerenveen và phải trở về người hâm mộ cũng chẳng đáng phải buồn. Bởi nên nhớ rằng, bóng đá Thái Lan vốn đi trước cũng như tính đường ra châu Âu cả 20 năm trước đến giờ vẫn thất bại, thì việc Văn Hậu hay những cầu thủ khác của Việt Nam chưa thành công cũng là lẽ thường. Nói cách khác, muốn nhanh thì phải từ từ và cần những người mở đường. Với Văn Hậu, 21 tuổi rõ ràng chưa phải quá muộn để tìm thành công ở châu Âu một lần nữa, nếu như có cơ hội thứ 2. Video Đoàn Văn Hậu "luyện công" thời dịch Covid-19: Mai Anh | ||||||||||||||||||||
Thủ tướng Anh vào phòng chăm sóc tích cực, bệnh do Covid-19 chuyển biến xấu Posted: 06 Apr 2020 03:37 PM PDT Thủ tướng Anh Boris Johnson đã được chuyển vào phòng chăm sóc tích cực tối qua (6/4) sau khi các triệu chứng về Covid-19 của ông xấu đi, văn phòng Thủ tướng Anh xác nhận.
Anh hiện chưa có kế hoạch kế nhiệm trong trường hợp thủ tướng mất khả năng lãnh đạo. Tuy nhiên, ông Boris Johnson đã đề nghị Ngoại trưởng Dominic Raab thay thế ông. Telegraph đưa tin, Thủ tướng Anh nhập viện St Thomas ở Westminster lúc tối Chủ nhật (5/4) và được kiểm tra do các triệu chứng bệnh vẫn dai dẳng gồm cả sốt cao và ho, sau hơn 10 ngày nhiễm bệnh. Văn phòng thủ tướng cho hay, người đứng đầu chính phủ Anh vẫn chịu trách nhiệm lãnh đạo đất nước dù tình hình của ông chuyển biến xấu. Và rằng, ông Boris Johnson được đưa vào phòng chăm sóc tích cực như một biện pháp đề phòng, trong trường hợp ông cần thở máy để hỗ trợ hồi phục. Phát ngôn viên của Thủ tướng Anh trước đó từ chối trả lời trực tiếp sau khi được hỏi liệu ông Johnson đã viêm phổi. Tuy nhiên, việc nhà lãnh đạo này được đưa vào phòng chăm sóc tích cực đã xác nhận tình hình trở nên xấu đi. Người Anh và các nhà lãnh đạo thế giới đều cầu chúc cho ông Johnson sớm bình phục. Hoài Linh | ||||||||||||||||||||
Bầu Đức nói về thông tin liên quan vụ án Trần Bắc Hà Posted: 06 Apr 2020 04:04 PM PDT Ông Đoàn Nguyên Đức (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) cho biết, từng bị ông Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch BIDV) đưa vào thế khó. Theo kết luận điều tra, ông Đoàn Nguyên Đức (SN 1963, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) nói: Vào cuối năm 2014, trên cơ sở đề nghị của ông Trần Bắc Hà, ông Đức đón và chỉ đạo nhân viên tập đoàn dẫn đoàn công tác của tỉnh Hà Tĩnh, do ông Võ Kim Cự (Chủ tịch tỉnh làm trưởng đoàn) và một số nhân viên dưới quyền đi thăm quan trang trại nuôi bò của tập đoàn tại tỉnh Gia Lai. Đến đầu năm 2015, ông Hà gọi điện mời ông Đức ra Hà Tĩnh tham dự cuộc họp do UBND tỉnh tổ chức để kêu gọi Tập đoàn HAGL đầu tư dự án chăn nuôi bò. Cuộc họp do ông Võ Kim Cự chủ trì, có sự tham gia đại diện các sở, ban, ngành tỉnh Hà Tĩnh. Đại diện BIDV có ông Trần Bắc Hà cùng một số lãnh đạo cao cấp của BIDV.
Tại buổi làm việc tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh đứng ra kêu gọi đầu tư dự án chăn nuôi bò tại Hà Tĩnh và BIDV. Ông Trần Bắc Hà đứng ra cam kết tài trợ dự án; ông Đức chỉ tham gia với vai trò khách mời, không phát biểu và không cam kết gì. Theo đề nghị của tỉnh ủy, UBND Hà Tĩnh và ông Hà, ông Đoàn Nguyên Đức tổ chức họp HĐQT của Tập đoàn để bàn và đánh giá việc tham gia đầu tư dự án trên. Tuy nhiên, khi khảo sát các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai... thấy địa bàn các huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh, nơi Hà Tĩnh kêu gọi đều tư không đủ điều kiện để chăn nuôi bò giống, bò thịt và trồng cỏ để nuôi bò nên HAGL quyết định không tham gia đầu tư. Nhưng do Tập đoàn là khách hàng vay vốn tại BIDV, phụ thuộc vào ông Trần Bắc Hà nên ông Đoàn Nguyên Đức không thể trả lời ông Hà là không tham gia đầu tư vào dự án do Hà Tĩnh không đủ điều kiện để đầu tư. Sau đó, ông Hà nhờ ông Đức giới thiệu người có năng lực và kinh nghiệm quản lý. Ông Đức giới thiệu ông Đinh Văn Dũng, một nhân viên cũ của Tập đoàn HAGL. Theo lời khai của ông Đoàn Nguyên Đức, ông chỉ giới thiệu, còn 2 bên làm việc, thực hiện dự án ra sao, ông không tham gia. Sau khi công ty Bình Hà được thành lập để thực hiện dự án nuôi bò giống, bò thịt, do không có giấy phép nhập bò và không đủ tiêu chuẩn nhập khẩu bò, con trai ông Trần Bắc Hà là Trần Duy Tùng đặt vấn đề với ông Đức nhờ Tập đoàn HAGL hỗ trợ việc nhập khẩu bò trong giai đoạn đầu. Ông Đức đã chỉ đạo cấp dưới thông qua 2 công ty con của Tập đoàn đứng ra nhập khẩu bò giúp công ty Bình Hà trong giai đoạn đầu. Sau này, công ty Bình Hà ký hợp đồng mua bò với 2 công ty trên của tập đoàn nhưng cụ thể mua bán thế nào do 2 công ty trực tiếp làm, ông Đức không biết và không tham gia. Dư nợ hơn 1.459 tỷ đồng Theo kết luận điều tra, ngay từ thời điểm 3/2015, ông Trần Bắc Hà lợi dụng chức vụ Chủ tịch HĐQT BIDV, trực tiếp làm việc với tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh để xúc tiến đầu tư, đề nghị chấp thuận chủ trương dự án chăn nuôi bò tại Hà Tĩnh, đề nghị được cấp đất và được áp dụng chính sách ưu đãi cho Liên danh giữa công ty "sân sau" của ông Hà (dưới sự bảo trợ vốn của BIDV). Tháng 4/2015, ông Hà dùng 3 cá nhân không có năng lực tài chính, không có kinh nghiệm nuôi bò để thành lập công ty "sân sau" là công ty Bình Hà và lập dự án nuôi bò để xin vay vốn tại BIDV nhằm thực hiện dự án. Trong khi công ty Bình Hà mới thành lập, chưa có bất cứ hoạt động kinh tế phát sinh, thuộc DN chưa đủ điều kiện xếp hạng tín dụng theo tiêu chuẩn của BIDV; vốn tự có và tài sản đảm bảo không đủ điều kiện để cấp tín dụng; hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ, chưa đánh giá hết phương án kinh doanh và phương án trả nợ khi dự án không hiệu quả... nhưng ông Hà vẫn phê duyệt cấp tín dụng giải ngân cho vay 2.687 tỷ đồng với các điều kiện ưu đãi. Theo kết luận điều tra, tổng dư nợ đến thời điểm khởi tố vụ án (11/2018) của công ty Bình Hà là hơn 1.459 tỷ đồng. Quá trình điều tra, BIDV đã nỗ lực phối hợp với cơ quan điều tra thu hồi thêm hơn 207 tỷ đồng nên tổng dư nợ gốc của công ty Bình Hà chỉ còn hơn 1.252 tỷ đồng. BIDV đã tìm kiếm được đối tác, trong đó có Hoàng Anh Gia Lai để khai thác, chuyển đổi dự án, trên cơ sở đó đảm nhận toàn bộ nghĩa vụ trả nợ cho BIDV. Vì sao phải mở rộng điều tra vụ ông Trần Bắc Hà?Cơ quan điều tra thu thập được nhiều tài liệu vụ ông Trần Bắc Hà nhưng do hết hạn điều tra nên phải tách các vụ án, sự việc và đối tượng để điều tra tiếp. T.Nhung | ||||||||||||||||||||
Chủ tịch Khánh Hoà Phải giữ nguyên hiện trạng ga Nha Trang Posted: 06 Apr 2020 06:24 PM PDT - Đó là ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân nêu tại Thông báo kết luận của UBND tỉnh về việc nghe báo cáo đề xuất phương án cải tạo, di dời ga Nha Trang. Tại thông báo kết luận này, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà nêu rõ: "Công trình kiến trúc ga Nha Trang thuộc danh mục kiểm kê di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh, do đó phải được giữ nguyên trạng để tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan gắn kết với Công viên Võ Văn Ký phục vụ công cộng". Ông Tuân cũng cho biết, báo cáo của Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung và các đơn vị tư vấn tại cuộc họp mới chỉ là phương án đề xuất ban đầu, chưa phải là hồ sơ đề xuất thực hiện dự án chính thức theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh Khanh Hòa đề nghị Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung cùng các đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến tham gia của các sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị liên quan để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề xuất thực hiện dự án bảo đảm tính khả thi, trình Bộ GTVT xem xét theo đúng quy định. Lãnh đạo Khánh Hoà cũng yêu cầu, đơn vị phải có phương án bố trí tái định cư tại chỗ cho các đối tượng bị ảnh hưởng; việc sử dụng quỹ đất tại khu vực ga Nha Trang hiện hữu để hoàn vốn dự án đầu tư khác. "UBND tỉnh sẽ có ý kiến chính thức về lựa chọn phương án đầu tư sau khi Bộ GTVT xem xét hồ sơ đề xuất thực hiện dự án và có đề nghị làm việc với tỉnh Khánh Hòa" - thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định. Đại gia Hà Nội đề xuất dời ga để xây nhà ở, cao ốc thương mại Trước đó, Sở GTVT Khánh Hòa đã gửi văn bản đến UBND tỉnh này báo cáo về 2 phương án đề xuất di dời ga Nha Trang của Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung (trụ sở tại TP Hà Nội). Tại phương án 1, doanh nghiệp đề xuất cải tạo ga Nha Trang thành ga khách, xây dựng mới cầu quay đầu máy để bỏ đường vòng. Xây dựng ga Vĩnh Trung mới (xã Vĩnh Trung, ngoại thành TP Nha Trang) là ga hàng hóa; xây dựng đường vòng, tránh tàu hàng đi vào trung tâm thành phố. Quy hoạch sử dụng 36.450 m2 đất khu vực ga Nha Trang trở thành chung cư cao 30 tầng, công trình hỗn hợp 35 tầng, nhà ở thương mại, cây xanh công viên, đường giao thông nội bộ.
Còn theo phương án 2, cải tạo ga Nha Trang hiện hữu thành bảo tàng du lịch. Dỡ bỏ ga Nha Trang và khu vực bên trong đường vòng hình bóng đèn hiện tại; tuyến đường sắt chính đi thẳng ra ga Vĩnh Trung. Phương án này sẽ quy hoạch sử dụng đất khu vực ga Nha Trang với diện tích khoảng hơn 114.287 m2, bố trí gồm: bảo tàng ga, chung cư cao 30 tầng, công trình hỗn hợp 35 tầng, nhà ở xã hội, nhà liên kế, nhà ở kết hợp thương mại, cây xanh công viên, đường giao thông nội bộ... Theo đó, cả 2 phương án của Công ty Tuấn Dung đề xuất đều có mục đích quy hoạch sử dụng đất ga Nha Trang, bố trí xây dựng chung cư cao tầng (30 tầng), công trình hỗn hợp (35 tầng), nhà liền kề, nhà ở kết hợp thương mại, cây xanh công viên, đường giao thông nội bộ. Trao đổi về vấn đề này, KTS Nguyễn Văn Lộc - nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa cho biết, theo quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến năm 2025 được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2012 đã có quy định về quy mô dân số của thành phố Nha Trang và đã tính đến chỗ ở cho dân số theo quy mô đó. "Quan điểm của tôi là thực hiện theo quy hoạch, quy mô dân số chứ không phải di dời đi để làm nhà cao tầng ở đó. Hiện nay Nha Trang không phải thiếu cao ốc vì đã xây quá nhiều rồi" – ông Lộc nói. Hồng Khanh Toàn cảnh công trình không phép lấp đất đá lấn biển vịnh Nha Trang- Ngoài vi phạm về trật tự xây dựng, việc xây dựng các công trình không phép tại KDL đảo Hòn Tằm khiến đất, đá trong quá trình san lấp đã tràn xuống biển ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái khu vực này. | ||||||||||||||||||||
Người phụ nữ gửi con thơ cho bố mẹ chồng để đi chống dịch Covid-19 Posted: 06 Apr 2020 02:50 PM PDT Khi lượng người Việt ở nước ngoài về nước, vào khu cách ly đông, những phụ nữ này đã gác công việc gia đình sang một bên để tham gia cuộc chiến chống dịch Covid-19. Mẹ và con trai chung chiến tuyến chống Covid-19 Năm nay 60 tuổi, về hưu được 5 năm nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát, máu nghề nghiệp nổi lên, cô Nguyễn Thị Hoa (nguyên Phó khoa Kiểm soát bệnh dịch- Trung tâm Y tế quận Thủ Đức, TP.HCM) quyết định sẽ góp sức mình vào việc đẩy lùi dịch bệnh. Nghĩ là làm, cô đem tâm nguyện bàn với chồng con. Do cả gia đình đều làm nghành y nên không một ai phản đối mà nhiệt tình ủng hộ cô. Sắp xếp công việc gia đình, giao lại quầy thuốc cho chồng quản lý, cô Hoa làm đơn xin với Ban giám đốc Trung tâm Y tế quận Thủ Đức, tình nguyện đến làm việc tại khu cách ly.
Thời điểm này, khu cách ly KTX Đại học Quốc gia TP.HCM thành lập, cô Hoa được phân công về quản lý kho thực phẩm và trang thiết bị y tế ở đây. 'Tôi công tác trong ngành đã lâu, đã từng trải qua thời kỳ chống đại dịch Sars nên tôi muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình cùng các đồng nghiệp trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh lần này", cô Hoa tâm sự. Không chỉ mình cô Hoa tham gia trong trận chiến chống lại đại dịch, con trai cô hiện là cán bộ tại Trung tâm Y tế quận Thủ Đức cũng đang thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly khác. Dù vậy, hơn nửa tháng qua 2 mẹ con cô chưa từng gặp mặt nhau vì công việc nối tiếp, giờ giấc khác nhau nên khi con về cơ quan nghỉ thì mẹ đi làm và ngược lại. 'Mẹ con chả gặp được nhau, lâu lâu cô gửi chút đồ ăn lại cho con trai để động viên tinh thần, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao', cô Hoa nhắc về con trai với ánh mắt tự hào. Nữ điều dưỡng gửi con cho cha mẹ chồng đi chống dịch Sau khi giúp các công dân làm thủ tục chứng nhận hoàn thành đủ thời gian cách ly, chị Lê Thị Ngọc Loan (điều dưỡng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức) tần ngần đứng nhìn từng người đang hối hả, hân hoan trở về với gia đình. Chị thấy vui lây vì những công dân này hoàn toàn khỏe mạnh, không ai bị dương tính với Covid-19. Ngày nhận quyết định từ ban lãnh đạo Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức điều xuống khu cách ly KTX Đại học Quốc gia TP.HCM, chị Loan và các đồng nghiệp không hề bất ngờ hay hoang mang bởi ngay khi dịch bệnh bùng phát, mọi người đã xác định chắc chắn sẽ phải đối mặt và tham gia vào việc chống lại đại dịch này.
Nhận nhiệm vụ, chị Loan quay về nhà thu xếp hành lý và sắp xếp việc nhà. May mắn, chị có cha mẹ chồng tâm lý. Khi nghe chị thông báo phải vào khu cách ly làm việc, cha mẹ chồng chị chỉ nhỏ nhẹ nói 'Con cứ đi đi, 2 đứa nhỏ để ba mẹ lo, cố gắng giữ sức khỏe và hoàn thành nhiệm vụ'. Trước khi tới điểm cách ly, chị Loan cũng khá lo lắng về vấn đề bảo hộ trong quá trình làm việc, bởi coi qua tivi, chị thấy đội ngũ y tế ở các nước trên thế giới mặc đồ bảo hộ đầy đủ mà không biết mình vào khu cách ly có được như vậy không? Thế nhưng, ngay khi tới nơi, chị và các đồng nghiệp đã được trang bị đầy đủ và an toàn các thiết bị bảo hộ nên chị rất an tâm làm việc. Những ngày đầu chăm sóc cho các công dân cách ly, chị Loan và các đồng nghiệp khá áp lực, bởi số lượng người quá đông, mỗi người mỗi tính. 'Có nhiều người khó khăn về việc ăn uống, có người ăn chay thì phải đặt đồ ăn chay cho họ, nhiều người nước ngoài theo đạo Hồi thì cũng phải cung cấp đồ ăn theo đạo Hồi cho họ. Chúng tôi đáp ứng cho họ đầy đủ để họ cảm thấy thoải mái khi cách ly ở đây', chị Loan cho hay.
Có một kỷ niệm chị Loan nhớ mãi đó là lần tới đo thân nhiệt cho một cựu chiến binh năm nay đã ngoài 70 tuổi. Người cựu binh này không những nhiệt tình hợp tác với cán bộ y tế, ông còn động viên ngược lại: 'Chú là bộ đội Trường Sơn, đối mặt với cái chết nhiều lần rồi, lần này không có gì là sợ cả'. Vừa tươi cười vẫy tay chào từng người như chia tay người thân, chị Loan tâm sự: 'Khi nhận nhiệm vụ, tôi xác định, công việc ở đây có những nguy hiểm vì mình không biết trong số này có ai nhiễm bệnh hay không. Vì vậy, khi làm việc, chúng tôi phải biết tự bảo vệ mình, giữ khoảng cách nhưng luôn chào hỏi vui vẻ để người cách ly không cảm thấy bị kỳ thị'. Kỳ tích 32 ngày cách ly của em bé 10 tháng tuổiLần thứ nhất, New New cách ly cùng mẹ ở Campuchia 15 ngày. Trở về Sài Gòn, em cùng mẹ đến KTX Đại học Quốc gia TP.HCM cách ly 17 ngày nữa. Phương Tùng Anh | ||||||||||||||||||||
Sức mua từ thị trường nội địa gần 100 triệu dân sẽ 'giải cứu' doanh nghiệp Posted: 06 Apr 2020 03:00 PM PDT Quy mô dân số 97 triệu người, tuy bị dịch Covid-19 gây tác động tiêu cực, nhu cầu tiêu dùng giảm nhưng thị trường nội địa Việt Nam vẫn rất tiềm năng. Khai thác tốt thị trường nội địa sẽ giúp các DN vượt qua khó khăn. Kết nối tìm cơ hội Đại dịch Covid-19 đang làm các DN chịu ảnh hưởng nặng nề. Số liệu khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân cho thấy, trên 80% được hỏi cho biết doanh thu của họ năm nay sẽ suy giảm mạnh. Nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, số DN có doanh thu bị giảm trên 50% chiếm khoảng 60% và doanh thu giảm từ 20-50% chiếm khoảng 29%. Các DN đang phải xoay sở để tìm đầu ra cho sản phẩm. Nếu doanh thu giảm kéo dài, chắc chắn sẽ không thể bù đắp cho chi phí hoạt động. Đứng trước tình hình này, ý kiến từ giới chuyên môn cho rằng cần thúc đẩy sự liên kết giữa các DN để hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm, khai thác hết tiềm năng của thị trường nội địa. Thị trường nội địa Việt Nam được đánh giá là rất hấp dẫn, với quy mô dân số 97 triệu người, trong đó có tới 60% là dân số trẻ. Trong thời điểm dịch bệnh, dù nhu cầu tiêu dùng giảm nhưng vẫn rất tiềm năng.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, quý 1/2020 hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra kém sôi động, người tiêu dùng hạn chế mua sắm, đi du lịch và ăn uống bên ngoài, doanh thu bán lẻ hàng hóa vẫn ghi nhận tăng 7,7% so với cùng kỳ. Vì vậy, việc khai thác tốt thị trường nội địa sẽ giúp các DN vượt qua khó khăn. Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cần xác định thị trường nội địa là nơi có thể giúp DN đứng vững trong khó khăn. Vì vậy, thời điểm này rất cần tạo ra mối kiến liên kết giữa các DN, các địa phương để giúp nhau tiêu thụ sản phẩm. Một ví dụ cụ thể là thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các tỉnh Bình Thuận, Long An,... đã tồn đọng số lượng lớn thanh long, dưa hấu do không xuất khẩu được sang Trung Quốc. Trước tình hình đó, các cơ quan chức năng đã vào cuộc, kết nối các DN bán lẻ lớn trong nước với địa phương để đẩy mạnh tiêu thụ. Kết quả cho thấy năng lực tiêu thụ lớn trong hệ thống, giúp người nông dân bán được sản phẩm, tránh bị mất khả năng sản xuất. Như vậy, có thể thấy sức mua của thị trường trong nước là rất lớn, ông Lộc nói. Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội hàng Việt Nam chất lượng cao, đề nghị Chính phủ cần thúc đẩy, kêu gọi người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Các DN đang hết sức khó khăn khi hàng tồn kho cao vì không bán được do dịch bệnh, chúng ta càng phải ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đến nay, tất cả địa phương trên cả nước đều có các chương trình do Sở Công Thương, Sở NN-PTNT địa phương đứng ra làm đầu mối, kết nối các DN trên địa bàn với các tỉnh thành khác để cùng nhau tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa. Hiệp hội DN nhỏ và vừa Đà Nẵng cho hay, do tác động của dịch Covid-19, doanh thu của các DN hội viên sụt giảm đáng kể. Do vậy, Hiệp hội đã kêu gọi các DN ưu tiên ủng hộ, sử dụng sản phẩm của nhau với mức giá ưu đãi. Tất cả các DN đều tích cực tham gia, nhờ đó khó khăn đã giảm bớt. Đòn bẩy thị trường nội địa Không thể phủ nhận những giá trị kinh tế to lớn của xuất khẩu nhưng trước những biến động khôn lường trong giao thương hàng hóa do ảnh hưởng của dịch Covid-19 một lần nữa chứng tỏ việc tập trung quá nhiều vào thị trường xuất khẩu luôn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao. Chính vì vậy, cần ưu tiên thị trường trong nước.
Bà Nguyễn Thị Đoàn, Giám đốc HTX sản xuất, mua bán, chế biến thủy hải sản Vương Đoàn (Quảng Bình), chia sẻ: "Nhờ được hỗ trợ tham gia hội nghị kết nối cung cầu trong và ngoài nước, các sản phẩm của HTX đã được nhiều doanh nghiệp, khách hàng quan tâm, tiếp cận các hệ thống phân phối hiện đại. Các sản phẩm hải sản sấy khô, đóng gói của chúng tôi được tiêu thụ tốt không chỉ tại địa bàn tỉnh mà cả các tỉnh phía Bắc". Ngày càng có nhiều các chương trình lớn được khởi xướng không chỉ từ các cơ quan chức năng hay hiệp hội ngành nghề... mà của chính các DN. Nhóm Quản trị và Khởi nghiệp, kết hợp với đối tác vận hành Vinalink vừa tổ chức chương trình quảng bá 1.000 thương hiệu tới 1 triệu khách hàng tại Hà Nội và TP.HCM. Các DN tham gia sẽ chuẩn bị các sản phẩm chất lượng với mức khuyến mại hấp dẫn nhất, đóng gói lại thành các gói ưu đãi gửi tới khách hàng dưới dạng tạp chí điện tử để khách hàng dễ dàng lựa chọn. Ngân hàng SHB cũng triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối thị trường đầu vào, đầu ra cho khách hàng là các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thông qua việc cung cấp các thông tin thị trường và những chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ Nhà nước dành; tư vấn miễn phí tài chính và tái cấu trúc DN để vượt qua khó khăn. Các DN cũng kiến nghị, Chính phủ cần công bố danh mục các mặt hàng thiết yếu để tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa ngay cả trong trường hợp cách ly chặt như hiện nay. Việc không thanh, kiểm tra DN trong thời điểm này cũng cần thực hiện triệt để. Các ngân hàng thương mại không thu phí dịch vụ với các khoản giao dịch nhỏ và giảm lãi suất cho vay từ 1,5% đến 2,5% trong thời gian dịch bệnh để giúp DN đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa. Về phía các DN, để đẩy mạnh tiêu thụ trên thị trường nội địa cần đảm bảo chất lượng hàng hóa, giảm giá và tăng ưu đãi cho khách hàng, có như vậy mới đem lại hiệu quả, bà Kim Hạnh nhấn mạnh. Giới chuyên môn cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu dựa vào 3 trụ cột quan trọng là xuất nhập khẩu, đầu tư hạ tầng và tiêu dùng. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, xuất nhập khẩu giảm mạnh, nguồn lực đầu tư cho hạ tầng còn hạn chế thì cần phát huy "nền tảng" tiêu dùng nội địa. Đây chính là đòn bẩy cho tăng trưởng GDP. Nếu kích thích tiêu dùng nội địa tăng thêm 1%, nền kinh tế sẽ có thêm 38.000 tỷ đồng, sẽ là đóng góp quan trọng vào GDP - chuyên gia Cấn Văn Lực phân tích. Trần Thủy | ||||||||||||||||||||
Tin chứng khoán ngày 7/4: Hàng không tê liệt, ông lớn độc quyền thu phí cũng kêu khó Posted: 06 Apr 2020 08:17 PM PDT Những DN có nguồn gốc Nhà nước, độc quyền dịch vụ và thuộc loại nhiều tiền mặt nhất trên thị trường chứng khoán cũng kêu gặp khó 2020 do đại dịch Covid-19 và cầu cứu Chính phủ giúp đỡ. Trong khi Chính phủ đang gồng mình tính những khoản tiền khổng lồ lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng để giúp cho người lao động, đặc biệt người nghèo, người có thu nhập thấp bị ảnh hưởng vì đại dịch Covid-19 thì hàng loạt doanh nghiệp lớn công bố những con số khó khăn 2020 và không ít trong số đó là các khoản lỗ lớn. Hãng hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HVN) vừa đưa ra ước tính lỗ khoảng 2.400 tỷ trong quý 1 và cả năm có thể lỗ gần 20.000 tỷ nếu dịch kéo dài đến quý 4. Dòng tiền của Vietnam Airlines dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế gần 15.000 tỷ đồng và cần được hỗ trợ ngay từ tháng 4/2020. Hai hãng hàng không tư nhân lớn khác là VietJet (VJC) của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết chưa có ước tính lỗ cho cả năm. Lãnh đạo các doanh nghiệp này đang đẩy mạnh mua vào cổ phiếu và tự đề xuất giảm lương để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Đáng chú ý, khi các hãng bay tê liệt thì các hoạt động dịch vụ khác cũng ảnh hưởng lớn. Ông lớn hạ tầng hàng không Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cũng ước tính lợi nhuận giảm 24% trong quý 1 về chỉ còn gần 1,9 ngàn tỷ đồng và lợi nhuận cả năm được cảnh báo có thể chỉ bằng 14% so với kế hoạch do dịch Covid-19. ACV là doanh nghiệp quản lý phần lớn các sân bay dân dụng tại Việt Nam và cũng như các hãng hàng không Việt là các đối tượng được hưởng lợi chính trong sự bùng nổ du lịch và hàng không của Việt Nam.
Là một doanh nghiệp gần như độc quyền trong lĩnh vực hạ tầng sân bay, ACV gần đây thông báo giảm 50% dịch vụ dẫn tàu bay, 10% dịch vụ thang ống, thuê băng chuyền, xử lý hành lý tự động, thuê quầy, phục vụ mặt đất... Tuy nhiên, một số các loại phí, thuế cao nhất như phí cất hạ cánh, phí điều tiết đường bay, phí bãi đỗ, phí phục vụ hành khách,... được cho là chưa giảm hoặc giảm ít. Trong năm 2019, Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways phải nộp các loại phí trực tiếp và gián tiếp gần 35 tỷ đồng/ngày. Một doanh nghiệp hoạt động phụ thuộc vào hàng không là Taseco Airs (AST) cũng vừa đưa ra dự kiến lợi nhuận 2020 có thể giảm tới 90% theo kịch bán dịch bệnh Covid-19 sẽ hết dịch vào tháng 7, thị trường hồi phục dần và trở lại bình thường từ tháng 9. Năm 2019, Taseco Airs đã ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt hơn 1,1 ngàn tỷ, tăng 32% so với năm 2018. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 263 tỷ, tăng hơn 29%. Trên thị trường chứng khoán (TTCK), chỉ số VN-Index quay đầu giảm nhẹ sau một phiên tăng cao lịch sử trong vòng gần 2 thập kỷ qua (tăng 5%). Nhiều cổ phiếu quay đầu giảm do áp lực chốt lời tăng lên và giới đầu tư lo ngại về triển vọng kinh doanh 2020 của các doanh nghiệp. Nhiều công ty chứng khoán có các dự thận trọng. Theo BVSC, VN-Index dự báo sẽ tiến đến thử thách vùng kháng cự 745-750 điểm. Tại đây, thị trường nhiều khả năng sẽ chịu áp lực chốt lời và điều chỉnh trở lại để kiểm định vùng hỗ trợ 700-720 điểm. Tình hình kiểm soát dịch Covid-19 đang phát đi những tín hiệu tích cực, cùng với đó là diễn biến khởi sắc của thị trường chứng khoán toàn cầu. Đây là các yếu tố sẽ tiếp tục hỗ trợ cho đà hồi phục của thị trường. Tuy nhiên, điểm tiêu cực vẫn đến từ hoạt động bán ròng mạnh và kéo dài của khối ngoại. Ngoài ra, rủi ro đối với diễn biến thị trường trong thời gian tới còn đến từ các thông tin về kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp và các số liệu vĩ mô sẽ dần được công bố trong tháng 4. Ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 có thể khiến cho lợi nhuận quý I của các doanh nghiệp niêm yết không đạt như kỳ vọng. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/4, VN-Index giảm 34,95 điểm lên 736,75 điểm; HNX-Index tăng 5,41 điểm lên 103,26 điểm. Upcom-Index tăng 1,2 điểm lên 50,33 điểm. Thanh khoản đạt 5,4 ngàn tỷ đồng. V. Hà | ||||||||||||||||||||
Bác sĩ Nhật khuyến cáo viễn cảnh Covid-19 đáng sợ ở Tokyo Posted: 06 Apr 2020 08:54 PM PDT Một bác sĩ Nhật đang điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 ở "điểm nóng" New York vừa đưa ra cảnh báo đáng sợ về tình trạng dịch bệnh ở Tokyo, mô tả thành phố này "có vẻ giống" New York cách đây 2-3 tuần. Số ca nhiễm Covid-19 ở Tokyo lần đầu tiên vượt quá 100 người vào hôm 4/4 và hiện đang tiếp tục tăng. Bang New York của Mỹ cũng trải qua tình trạng tương tự cách đây 3 tuần, vào ngày 12/3.
"Tin tức từ Nhật Bản cho thấy mọi người vẫn tụ tập", báo Japan Times dẫn lời bác sĩ Yuichi Shimada thuộc khoa tim mạch Trung tâm Y khoa Irving của Đại học Columbia. "Người dân ở Nhật Bản dường như chưa coi trọng tình hình đúng mức". "Ở New York 3 tuần trước, mọi người không thực hiện các biện pháp ngăn chặn lây nhiễm cơ bản, chẳng hạn như đeo khẩu trang, rửa tay và không tới nơi đông người, không tiếp xúc gần", ông nói thêm. Đến nay, New York là bang bị virus corona chủng mới tấn công dữ dội nhất ở Mỹ, với hơn 122.000 người nhiễm bệnh, hơn 28.000 người phải nhập viện và gần 4.200 người tử vong. Bác sĩ Shimada mô tả tần suất xe cứu thương hoạt động ở New York tương đương hồi xảy ra vụ khủng bố kinh hoàng 11/9/2001. Các khoa cấp cứu trong các bệnh viện ở bang này đầy rẫy bệnh nhân Covid-19. Người đầu tiên nhiễm Covid-19 ở New York được ghi nhận ngày 1/3. Đó là một phụ nữ trở về từ Iran, và các nhà chức trách đã xác định được hành trình lây nhiễm. Tuy nhiên, với bệnh nhân tiếp sau đó thì họ không biết nguồn lây nhiễm từ đâu. "Ở Tokyo cũng vậy, nguồn gốc lây nhiễm của nhiều người không thể xác định", bác sĩ Shimada chỉ ra và cảnh báo virus có thể đã lây nhiễm diện rộng ở thủ đô Nhật Bản. "New York là một trong số ít thành phố của Mỹ mà mọi người có thể sử dụng các hệ thống giao thông công cộng, và nơi này có nhiều nhà hàng, quán bar có thể tụ tập đông người", ông nói. "Virus có thể dễ dàng lây lan ở những thành phố lớn như thế, và điều này đã xảy ra trên thực tế. Tình hình ở Tokyo rất giống với New York". "Tôi nghĩ sự lây lan của virus có thể bùng nổ (ở Tokyo) nếu mọi người vẫn thờ ơ với tình hình. Tôi thực sự hy vọng Tokyo sẽ không phạm sai lầm giống như New York", ông Shimada cảnh báo. Thanh Hảo |
You are subscribed to email updates from Tin mới nóng - Tin tức mới nhất, hot nhất | Báo VietNamNet. To stop receiving these emails, you may unsubscribe now. | Email delivery powered by Google |
Google, 1600 Amphitheatre Parkway, Mountain View, CA 94043, United States |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét