“Quốc hội chốt chưa tăng lương cho cán bộ, công chức” plus 14 more |
- Quốc hội chốt chưa tăng lương cho cán bộ, công chức
- Không nâng tiêu chuẩn ứng cử, tăng tỉ lệ đại biểu chuyên trách
- Chủ tịch phường ở Đồng Nai có bằng đại học trước cấp 3
- Chủ tịch Hà Nội: Chỉ nhận đường sắt Cát Linh-Hà Đông khi đã nghiệm thu
- Tổng thư ký QH nói về xem xét lại quyết định giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải
- 21 thành viên của Hội đồng bầu cử quốc gia có 6 ủy viên Bộ Chính trị
- Xe khách bị đối tượng lạ mặt chặn xe hành hung ở Quảng Ngãi
- Đà Nẵng chưa được thực hiện dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND
- Bàn giao Triệu Quân Sự cho cơ quan điều tra quân sự
- Chưa có cơ sở kết luận luật sư Nguyễn Văn Chiến vi phạm khoản tiền 15 tỷ
- Lý do đề xuất đưa số liệu thu hồi tài sản tham nhũng vào danh mục tối mật
- Quốc hội thông qua cho Hà Nội được tự quyết thu, tăng phí
- Bắt tài xế xe tải đè bẹp xế hộp, 3 người chết ở Thanh Hóa
- Bổ sung hơn 23.400 tỷ đồng đầu tư công ba dự án cao tốc Bắc - Nam
- Việt Nam và Nhật Bản nhất trí từng bước nới lỏng hạn chế đi lại
Quốc hội chốt chưa tăng lương cho cán bộ, công chức Posted: 19 Jun 2020 03:25 AM PDT Quốc hội đồng ý chưa tăng lương cơ sở, giao Chính phủ cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước. Chiều nay (19/6), 443/444 ĐBQH có mặt (91,72%) đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Nghị quyết kỳ họp 9. Theo đó, Quốc hội đồng ý bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 để bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019 tương ứng với số lợi nhuận sau thuế thực nộp ngân sách nhà nước năm 2020 của Agribank, không vượt quá 3.500 tỷ đồng.
Quốc hội cũng giao Chính phủ thực hiện các giải pháp chống thất thu, tiết giảm chi ngân sách nhà nước, cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Việc cắt giảm này không bao gồm Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế; kinh phí thực hiện năm Chủ tịch ASEAN, năm Chủ tịch AIPA và các hoạt động ngoại giao quốc gia khác của Bộ Ngoại giao. Ngoài ta, Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ phải tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020. Quốc hội đồng ý chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020. Căn cứ tình hình thực tế, Chính phủ báo cáo UB Thường vụ Quốc hội về thời điểm điều chỉnh mức lương cơ sở. Như vậy mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang và lương hưu vẫn giữ nguyên ở mức 1,49 triệu đồng/tháng như năm 2019. Tại kỳ họp 9, Quốc hội đã thông qua 10 luật, 21 nghị quyết, trong đó có Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Thanh niên; Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA… Đồng thời, cho ý kiến 6 dự án khác như Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Cư trú (sửa đổi); Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính…. Thu Hằng Bộ Nội vụ giải thích lý do công an, quân đội nghỉ hưu sớm, lương hưu caoBảng lương hiện hành của công an, quân đội được thiết kế riêng và cao hơn công chức là phù hợp với đặc điểm lao động và xu hướng của nhiều nước trên thế giới. | ||||
Không nâng tiêu chuẩn ứng cử, tăng tỉ lệ đại biểu chuyên trách Posted: 19 Jun 2020 02:30 AM PDT Với tỷ lệ 87,37% ĐBQH tán thành, chiều nay (19/6), Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Đáng chú ý trong luật là số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% tổng số ĐBQH. Đồng thời, đổi tên hai Uỷ ban: Ủy ban văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng" thành "UB văn hóa, giáo dục" và "Ủy ban về các vấn đề xã hội" thành "Ủy ban Xã hội". Báo cáo giải trình, tiếp thu, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết ý kiến của đa số ĐBQH nâng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% đã thể hiện sự cân nhắc, tính toán kỹ. Đây là cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự để giới thiệu tham gia ứng cử làm ĐBQH hoạt động chuyên trách, từ đó tăng cường tính chuyên nghiệp, góp phần quan trọng cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của QH.
"Để bảo đảm tính khả thi của quy định này, trong thời gian tới, đề án bầu cử ĐBQH khóa 15 sẽ cụ thể hóa các nội dung liên quan cũng như xem xét việc bố trí hợp lý số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách ở từng địa phương", ông Tùng cho hay. Khi thảo luận, một số ý kiến đề nghị cần quy định tiêu chuẩn cụ thể cao hơn đối với ĐBQH, đồng thời, không quy định tiêu chuẩn về độ tuổi đối với ĐBQH. Ý kiến khác không tán thành và cho rằng, ĐBQH là người đại diện cho các giai tầng khác nhau trong xã hội nên không thể quy vào một tiêu chuẩn chung. Ngoài các tiêu chuẩn chung của ĐBQH đã được Luật Tổ chức QH quy định, nếu đặt ra các tiêu chuẩn cao hơn về trình độ chuyên môn, năng lực, kỹ năng làm việc sẽ làm hạn chế quyền ứng cử vào QH của công dân đã được quy định trong Hiến pháp. Theo quy trình bầu cử hiện nay, bên cạnh những người tự ứng cử, phần lớn người tham gia ứng cử là đại diện do tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở TƯ và địa phương lựa chọn, giới thiệu ứng cử để bảo đảm tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong Quốc hội. Mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, hiện đã có những quy định riêng của Đảng, quy định của từng cơ quan, tổ chức trong việc xác định tiêu chuẩn, điều kiện khi xem xét, lựa chọn nhân sự.
Nâng cao chất lượng của ĐBQH nói chung, từng cơ quan, tổ chức, đơn vị cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc sàng lọc, lựa chọn, giới thiệu đại diện tiêu biểu, ưu tú nhất của mình tham gia ứng cử ĐBQH để cử tri có điều kiện lựa chọn người thực sự xứng đáng làm ĐBQH. UB Thường vụ QH xin phép không bổ sung nội dung này trong dự thảo luật. Nhiều ý kiến đề nghị cần tổng kết, đánh giá việc thực hiện thí điểm theo Nghị quyết tổ chức một Văn phòng giúp việc chung cho 3 cơ quan là đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh để quyết định mô hình cơ quan tham mưu, giúp việc đoàn ĐBQH phù hợp, hiệu quả, ổn định lâu dài. Một số ý kiến đề nghị kết thúc thí điểm và giữ mô hình 3 Văn phòng giúp việc như hiện hành; các ý kiến khác đề nghị chỉ hợp nhất Văn phòng đoàn ĐBQH với Văn phòng HĐND cấp tỉnh. Giải trình trước QH, ông Hoàng Thanh Tùng cho hay kết quả tổng kết Nghị quyết chưa thực sự đáp ứng được mục tiêu đề ra. "Xin phép Quốc hội cho kết thúc việc thực hiện thí điểm theo Nghị quyết và tổ chức Văn phòng tham mưu, giúp việc, phục vụ chung cho đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh, Văn phòng tham mưu, giúp việc, phục vụ riêng cho UBND cấp tỉnh", ông Tùng nói. Đối với các địa phương đang thực hiện thí điểm, ông Tùng cho hay sẽ chuyển ngay sang mô hình nêu trên; ở các địa phương còn lại thì sẽ hoàn thành việc chuyển giao và thực hiện từ nhiệm kỳ QH khóa 15 và HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trần Thường Quốc hội cho Hà Nội được tự quyết thu, tăng phíQuốc hội vừa biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội. | ||||
Chủ tịch phường ở Đồng Nai có bằng đại học trước cấp 3 Posted: 19 Jun 2020 08:37 AM PDT Khi xét duyệt hồ sơ để chuẩn bị đại hội Đảng bộ, cơ quan chức năng phát hiện một Chủ tịch phường ở TP Biên Hòa có bằng đại học trước bằng cấp 3. Thông tin từ UBND TP Biên Hòa (Đồng Nai) chiều nay cho hay, Chủ tịch UBND TP Biên Hòa Phạm Anh Dũng vừa ký quyết định cách chức một Chủ tịch phường do vi phạm quy định. Người bị kỷ luật cách chức là ông Nguyễn Văn Minh – Chủ tịch UBND phường Hóa An, TP Biên Hòa.
Ông Minh được bổ nhiệm làm Chủ tịch UBND xã Hóa An (sau tháng 7/2019 là phường Hóa An) vào năm 2016. Qua kiểm tra, Ủy ban kiểm tra Thành ủy Biên Hòa xác định thời điểm ông Minh được bổ nhiệm chưa cung cấp bằng tốt nghiệp THPT và bằng Đại học. Đầu năm 2020, trong quá trình xem xét hồ sơ chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ phường Hóa An nhiệm kỳ 2020-2025 thì ông Minh có 2 văn bằng nói trên. Đáng nói, cơ quan chức năng phát hiện thời điểm ông Minh được cấp bằng tốt nghiệp THPT lại có sau thời điểm được cấp bằng Đại học. Kết luận của Ủy ban kiểm tra Thành ủy Biên Hòa xác định, việc ông Minh dùng hai văn bằng nói trên để được bổ nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND phường Hóa An là không đúng với quy định về công tác cán bộ. Trước đó, vào tháng 4/2020, UBND TP Biên Hòa cũng đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Văn Minh do để xảy ra tình trạng phân lô bán nền, xây dựng trái phép tràn lan trên địa bàn phường Hóa An. Để 'loạn' phân lô bán nền, chủ tịch phường ở Đồng Nai bị đình chỉĐể hàng chục công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiêp, phân lô bán nền tràn lan, Chủ tịch một phường ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) vừa bị đình chỉ công tác. Xuân An | ||||
Chủ tịch Hà Nội: Chỉ nhận đường sắt Cát Linh-Hà Đông khi đã nghiệm thu Posted: 19 Jun 2020 02:26 AM PDT Sáng nay (19/6), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có cuộc tiếp xúc cử tri tại quận Hoàn Kiếm trước kỳ họp thứ 15 HĐND thành phố khóa 15. Cử tri Trần Ngọc Toán (phường Tràng Tiền) thắc mắc về tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã kéo dài hơn 10 năm, theo Bộ GTVT báo cáo chỉ còn 1% nhưng bao năm nay 1% vẫn không đưa vào khai thác được. Chủ tịch Hà Nội cho biết, vừa qua Thủ tướng giao cho Bộ GTVT xong trong năm 2020. Dự án này nhiều lần lỡ hẹn, Hà Nội đã thành lập ra một công ty đường sắt để tiếp nhận. "Hà Nội chỉ tiếp nhận sau khi công trình đã được nghiệm thu và bàn giao an toàn", ông Chung cho biết.
Về việc cử tri thắc mắc tổng thầu đề xuất "đòi" 50 triệu USD, Chủ tịch Hà Nội cho biết, đây là số kinh phí nằm trong dự toán của gói thầu, nhưng trong qua trình thi công, Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán và xuất toán. Bộ GTVT không thanh toán cho nhà thầu, do vậy nhà thầu yêu cầu, muốn nghiệm thu, hoàn thành họ cần lượng tiền để trả công cho chuyên gia, đơn vị tư vấn. Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ rất quan tâm đến việc này. Bí thư đã họp với Bộ GTVT và Hà Nội thành lập một tổ công tác cử Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng cùng một Thứ trưởng Bộ GTVT phối hợp với nhà thầu Trung Quốc, kiểm toán khắc phục những tồn tại, đẩy nhanh tiến độ dự án. Cũng theo Chủ tịch UBND TP, hiện dự án còn nhiệm vụ trọng tâm là Hội đồng nghiệm thu Nhà nước nghiệm thu liên quan toàn bộ công trình này về độ an toàn chạy thầu, chất lượng vận hành của cả hệ thống và chạy thử nghiệm, an toàn mới bàn giao cho Hà Nội chạy thương mại. Khuyến khích dùng nhà mặt phố để trông giữ xe Liên quan đến vấn đề vỉa hè cho người đi bộ, ông Nguyễn Đức Chung cho biết phải sắp xếp lại các bãi trông đỗ xe, ứng dụng công nghệ iparking để trông giữ xe ô tô. Chủ tịch Hà Nội nêu vấn đề, sau dịch Covid-19 nhiều cửa hàng bỏ nhưng nếu đưa dịch vụ trông giữ xe vào những nhà mặt phố thì có thể ứng dụng công nghệ vào để trông giữ xe, thu nhập còn cao hơn cho thuê nhà. "Vấn đề có thu phí hay không thì chờ Nghị quyết cho Hà Nội một cơ chế đặc thù. Chúng tôi khuyến khích người dân mở hoạt động kinh doanh này, có thể năm đầu không thu phí", ông Chung nói. Cũng theo Chủ tịch TP, cần xử nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự lòng đường, vỉa hè kinh doanh. Vấn đề này chủ yếu là ý thức của các hộ kinh doanh. Về công tác cắt tỉa cây xanh, tránh trường hợp tai nạn do cây gãy đổ, ông Chung cho hay, việc trồng mới, cắt tỉa cây xanh là việc làm thường xuyên, bằng trang thiết bị hiện đại. Việc cắt tỉa cây xanh vừa nhằm mục tiêu tạo cảnh quan, kiến trúc đẹp, đồng thời sẽ hạ dần độ cao của cây xanh để đảm bảo an toàn. Từ khi áp dụng máy móc hiện đại vào cắt tỉa, đã giảm triệt để tai nạn lao động cho công nhân cây xanh. Thế giới đã ứng dụng máy siêu âm, phát hiện cây mục, sâu bệnh, Thành phố Hà Nội sẽ phấn đấu trang bị máy móc hiện đại bậc nhất vào công tác này. Trần Thường Chưa có cơ sở kết luận luật sư Nguyễn Văn Chiến vi phạm khoản tiền 15 tỷBộ Tư pháp cho biết, qua xác minh 5 vấn đề tố cáo luật sư Nguyễn Văn Chiến, Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội, chưa có cơ sở kết luận là có vi phạm. | ||||
Tổng thư ký QH nói về xem xét lại quyết định giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải Posted: 19 Jun 2020 04:43 AM PDT Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe báo cáo vụ Hồ Duy Hải và quyết định. Ngay sau phiên bế mạc, cuộc họp báo thông báo kết quả kỳ họp Quốc hội (QH) thứ 9 đã được tổ chức vào chiều tối ngày 19/6. Báo chí đặt câu hỏi: Trong họp báo đầu kỳ họp ngày 18/5, Tổng thư ký QH cho biết Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) giao các cơ quan chuyên môn xem xét, giải quyết các kiến nghị trong vụ án Hồ Duy Hải. Vừa qua UB Tư pháp đã họp và lấy ý kiến các thành viên về vấn đề này, quan điểm và các kiến nghị cụ thể của UB Tư pháp là gì? Sau khi có kiến nghị của UB Tư pháp thì UB Thường vụ QH có họp xem xét các kiến nghị về vấn đề này hay không. Tổng thư ký, Chủ nhiệm VP QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại cuộc họp báo đầu kỳ họp QH ông đã nêu đây là vụ án phức tạp, trải qua 12 năm.
Theo ông Phúc, sau quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án NDTC, có nhiều ý kiến của dư luận, báo chí cũng như các ĐBQH. Tiếp đó, UB Thường vụ QH đã giao UB Tư pháp xem xét, có báo cáo tham mưu cho UB Thường vụ QH. Việc này được là thực hiện theo điều 404 Bộ luật Tố tụng Hình sự.. "Ngày 16/6, UB Tư pháp đã họp phiên toàn thể xem xét nội dung này. Tuy nhiên, đến nay, UB Tư pháp chưa có báo cáo gửi UB Thường vụ QH. Sau khi UB Tư pháp báo cáo, UB Thường vụ QH sẽ nghe, lúc đó sẽ có quyết định. Khi nào có kết quả cụ thể, chúng tôi sẽ thông tin với báo chí", ông Phúc thông tin. Ngày 15/6 trước Quốc hội, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình đã dành hơn 10 phút để nói về vụ Hồ Duy Hải. Chứng cứ để chứng minh Hải phạm tội Chánh án TANDTC cho biết: Thứ nhất, Hải mô tả rất đúng tại hiện trường. Nếu không có mặt tại hiện trường thì không thể miêu tả được. Thứ hai, là diễn biến hành vi, Hải khai khi có hành vi sờ soạng thì cô ấy không nói gì nhưng khi đè cô Hồng thì bị phản ứng. Do đập đầu bằng thớt nên đầu cửa cô Hồng có một vết thương. Kết luận giám định pháp y cho thấy do tác động của vật cứng mặt phẳng. Nếu vật lồi lõm thì để lại vết lõm ở trên đầu. Ngoài ra, theo ông Bình, sự phù hợp thứ ba là qua giám định pháp y trong âm đạo của cô Hồng có dịch và cơ chế hình thành dịch là do quá trình kích dục. Ngoài ra, theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, Hồ Duy Hải có 25 lời khai nhận tội, trong đó lời khai nhận tội đầu tiên là tự viết ra, không phải là bản cung kiểu hỏi và đáp. Trong quá trình giải quyết vụ án, ở những thời điểm quan trọng của vụ án Hải đều nhận tội.
Trần Thường - Thu Hằng Chánh án Nguyễn Hòa Bình lên tiếng trước Quốc hội về vụ án Hồ Duy Hải"Câu chuyện đặt ra là có oan sai? Tôi sẽ trả lời câu hỏi Hồ Duy Hải có oan sai, có phạm tội hay không?", Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nói trước Quốc hội. | ||||
21 thành viên của Hội đồng bầu cử quốc gia có 6 ủy viên Bộ Chính trị Posted: 19 Jun 2020 03:55 AM PDT Trong 21 thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia có 6 ủy viên Bộ Chính trị, trong đó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Hội đồng. Hôm nay (19/6) Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia. Ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ký ban hành Nghị quyết này. Theo đó, Hội đồng bầu cử quốc gia gồm 21 thành viên, trong đó có 6 ủy viên Bộ Chính trị gồm: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.
Hội đồng Bầu cử Quốc gia do bà Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch và 4 Phó Chủ tịch gồm: Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh. 16 ủy viên Hội đồng gồm: Trưởng ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch; Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Chủ nhiệm UB Kiểm tra TƯ Trần Cẩm Tú; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ; Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý; Tổng Thư ký quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân; Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Nguyễn Văn Được; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga. Hội đồng bầu cử quốc gia có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khoá 15; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 theo quy định của pháp luật; phối hợp với UB Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện nhiệm vụ được giao. Thu Hằng Không nâng tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH, tăng tỉ lệ đại biểu chuyên tráchVới tỷ lệ 87,37% ĐBQH tán thành, chiều nay (19/6), Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. | ||||
Xe khách bị đối tượng lạ mặt chặn xe hành hung ở Quảng Ngãi Posted: 19 Jun 2020 02:27 AM PDT Chiều nay (19/6), lãnh đạo công ty TNHH Kinh doanh vận tải S.T cho biết đang làm báo cáo cơ quan chức năng ở Quảng Ngãi việc nhà xe bị nhiều đối tượng chặn đánh. XEM CLIP: Vụ việc xảy ra vào khoảng 7h40 ngày hôm nay (19/6). Xe khách biển số 77B - 009.37 của nhà xe S.T (ở tỉnh Bình Định) đang chạy trên quốc lộ 1, hướng từ Đà Nẵng về TP Quy Nhơn (Bình Định). Khi đến thị trấn La Hà (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) xe này bị xe khách 16 chỗ BKS 76B - 015.19 lô gô Hương Trang từ phía sau chạy tới và chặn đầu. Sau đó, một phụ xe Hương Trang cùng 3 người khác lấy mã tấu chạy sang đập cửa xe khách S.T, buông lời tục tỉu và yêu cầu phụ xe S.T mở cửa.
Nhận thấy tình hình không an toàn cho khách, nhân viên nhà xe S.T cố gắng đóng cửa lại. Các đối tượng vẫn hung hăng đập cửa, giật mạnh khiến cửa trước bung ra. Ngay lập tức, hai đối tượng xông vào đạp, đánh nhân viên nhà xe S.T. Tài xế T.T.A.T của nhà xe S.T đã ra sức ngăn cản, năn nỉ các đối tượng dừng tay nhưng bất thành. Một đối tượng trong nhóm của nhà xe Hương Trang hung hăng xách mã tấu dài khoảng 1m lao thẳng lên xe, vung tay đòi chém, khiến người này hoảng loạn né tránh. Anh H.C.H, phụ xe S.T trình bày, phương tiện của anh xuất phát từ Đà Nẵng, khi chạy đến thị trấn La Hà thì có 2 người khách vẫy tay đón xe. "Lúc này, xe dừng lại, tôi đón khách. Xe chạy được một lúc thì xe Hương Trang lao tới chặn lại. 2 người trên xe Hương Trang lao qua đánh và dùng mã tấu đòi chém", anh H. cho biết. Cách đây 1 tháng, các đối tượng trên xe khách biển số 76B - 015.19 cũng chặn phương tiện của nhà xe S.T đánh dằn mặt phụ xe. Hà Vân Xe đầu kéo lật ngửa trên cầu, hơn 20 tấn dăm gỗ trôi sôngXe tải đầu kéo sụp lề, lật ngửa trên quốc lộ 19C khiến hơn 20 tấn dăm gỗ đổ xuống lưu vực sông Hà Thanh. | ||||
Đà Nẵng chưa được thực hiện dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND Posted: 19 Jun 2020 02:23 AM PDT Để có thể áp dụng được cơ chế người dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND cần phải có sự nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng nên UB Thường vụ Quốc hội chưa quy định nội dung này. Với tỷ lệ 445/451 đại biểu có mặt (chiếm 92,13%) tán thành, chiều nay (19/6), Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Không tổ chức HĐND quận, phường Theo đó, thành phố Đà Nẵng là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND thành phố; còn cấp quận và phường chỉ có UBND, không có HĐND. Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng được thực hiện từ ngày 1/7 năm 2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm.
Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết trước khi thông qua, Chủ nhiệm UB Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, một số ý kiến đề nghị thực hiện thí điểm người dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND để bảo đảm quyền của người dân trong việc lựa chọn người đứng đầu chính quyền địa phương, đồng thời có cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực đối với Chủ tịch UBND. Về việc này, UB Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc tổ chức để người dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND là hình thức dân chủ trực tiếp, qua đó nhân dân giám sát và kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu chính quyền địa phương. "Để có thể áp dụng được cơ chế này, cần phải có sự nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng. Do đó, UB Thường vụ Quốc hội xin phép chưa quy định nội dung này trong dự thảo Nghị quyết", ông Tùng nói. Để giám sát, kiểm soát quyền lực đối với Chủ tịch UBND quận, phường, dự thảo Nghị quyết đã quy định cơ chế chịu trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận, phường; bổ sung thẩm quyền của HĐND thành phố trong việc lấy phiếu tín nhiệm và xem xét việc trả lời chất vấn đối với Chủ tịch UBND quận. Đồng thời tiếp tục duy trì cơ chế kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội như hiện nay. HĐND thành phố lấy phiếu tín nhiệm Chủ tịch UBND quận Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị cần đổi mới cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐND thành phố theo hướng tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; làm rõ cơ chế giám sát đối với chính quyền địa phương ở quận, phường và các cơ quan tư pháp. UB Thường vụ QH tiếp thu ý kiến này theo hướng, mỗi ban của HĐND thành phố có không quá hai phó trưởng ban hoạt động chuyên trách; trưởng ban của HĐND thành phố có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.
Theo ông Tùng, quy định như vậy nhằm tạo sự linh hoạt, chủ động cho thành phố trong trường hợp cần bố trí tăng thêm số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tại mỗi ban. Nghị quyết cũng bổ sung thẩm quyền của HĐND thành phố trong việc giám sát hoạt động của UBND quận, UBND phường, TAND và VKSND quận; xem xét việc trả lời chất vấn của đại biểu HĐND thành phố đối với Chủ tịch UBND quận, Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND quận. Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết bổ sung thẩm quyền của Chủ tịch UBND quận, Chủ tịch UBND phường trong công tác nhân sự tại các điều 3, 4, 5, 6 và 7. Cụ thể, Chủ tịch UBND thành phố có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, tạm đình chỉ công tác Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận và Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo; đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của UBND quận, UBND phường. Khi không tổ chức HĐND, UBND quận loại 1 có không quá 3 phó chủ tịch, quận loại 2 có không quá 2 phó chủ tịch. Đối với UBND phường loại 1 và loại 2 có không quá 2 phó chủ tịch; phường loại 3 có 1 phó chủ tịch. Chủ tịch UBND quận có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, tạm đình chỉ công tác chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND phường và người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận; tuyển dụng, quản lý công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật; ký các văn bản của UBND quận… Thu Hằng Đề xuất người dân Đà Nẵng được trực tiếp bầu Chủ tịch TPQH sáng nay thảo luận trực tuyến về dự thảo nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác. | ||||
Bàn giao Triệu Quân Sự cho cơ quan điều tra quân sự Posted: 18 Jun 2020 11:59 PM PDT Trưa nay, Công an TP Tam Kỳ (Quảng Nam) đã tiến hành bàn giao Triệu Quân Sự (29 tuổi, đối tượng thụ án chung thân, 2 lần trốn trại quân sự) cho cơ quan điều tra quân sự. XEM CLIP: Tại buổi bàn giao, Triệu Quân Sự vẫn khỏe mạnh và nở nụ cười khi được dẫn giải ra xe. Đại tá Đỗ Thanh Vân, Phó Phòng Điều tra quân sự Quân khu 5 cho biết, sau khi nhận bàn giao sẽ chuyển đối tượng cho trại giam Quân khu V (đóng tại Đà Nẵng) để tiếp tục điều tra, làm rõ. Trước đó, khoảng 19h45 tối 18/6, Công an TP Tam Kỳ bắt ập vào bắt Triệu Quân Sự tại quán Internet ở kiệt 155/11, đường Hùng Vương (TP Tam Kỳ). Tại cơ quan Công an, Sự khai nhận, khoảng 15h chiều 3/6, khi đang phục vụ tại khu vực bếp ăn dành cho phạm nhân, lợi dụng cán bộ quản lý không để ý, không có người trực gác, Sự dùng đoạn gỗ keo lá tràm móc vào kẽm gai trên tường rào để trèo lên bờ tường ximăng. Sau đó, Sự trèo qua vọng gác, bám vào đường ống nước nhảy xuống đất, chạy vào rừng. Trên đường chạy, khi đến địa bàn xã Bình Nguyên (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), Sự trộm cắp 1 áo thun, 1 quần sọc màu xanh, 1 điện thoại và 1 xe máy…. Lúc này, Sự điều khiển xe máy trộm cắp được di chuyển theo đường QL 1A hướng ra Bắc. Đến 1h ngày 4/6, Sự đến địa phận TP Tam Kỳ thì dừng xe trên đường và nghỉ ngơi. Sau đó, Sự đến một tiệm điện thoại bán điện thoại trộm được với giá 700.000 đồng, rồi chạy ra đèo Hải Vân thì bị CSGT truy đuổi. Khi đến lưng chừng đèo Hải Vân, Sự bỏ lại xe máy chạy vào rừng ẩn nấp, đến tối đó, Sự di chuyển ngược lại xuống biển và đi dọc đường biển đến địa phận quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng).
Tại đây, Sự đột nhập vào nhà người dân lấy trộm 1 điện thoại, rồi đi bộ vào trung tâm TP Đà Nẵng nghỉ ngơi. Sự ở Đà Nẵng khoảng 2 ngày và ngủ trên ghế đá khu vực dọc bãi biển Mỹ Khê. Sáng 7/6, Sự đón xe vào TP Hội An và đi dạo khu vực phố cổ khoảng 1 giờ thì tiếp tục đón xe ôm vào đến TP Tam Kỳ lúc 12h cùng ngày. Tại TP Tam Kỳ, Sự đi bộ lang thang ở các tuyến đường và trộm 1 điện thoại và bán được 2,5 triệu đồng. Đến sáng 8/6, Sự đón xe khách Tam Kỳ - Nam Giang, với ý nghĩ xe này đi vào TP.HCM. Tuy nhiên, khi xe về đến bến xe huyện Nam Giang, Sự phát hiện mình nhầm nên xin đi nhờ xe container xuống lại huyện Đại Lộc, khi đến cầu Hà Nhai, Sự xuống xe vào nhà nghỉ và ngủ lại tại đây. Đến khoảng 3-4h sáng ngày 9/6, Sự thức dậy đi bộ ra tiệm tạp hóa rồi ăn trộm hơn 200.000 đồng, Sự tiếp tục sang tiệm tạp hóa đối diện trộm được khoảng 5-6 triệu đồng. Bị công an phát hiện, Sự bắt xe lên huyện Nam Giang, rồi xuống thị xã Điện Bàn, sau đó bắt xe vào lại TP Tam Kỳ.
Từ ngày 9-18/6, Sự đi lòng vòng tại địa bàn vùng ven khu vực xã Tam Đàn (huyện Phú Ninh), sau đó di chuyển vào khu vực trung TP Tam Kỳ để chơi game. Đến khoảng 20h tối 18/6 thì bị bắt giữ. Thượng tá Huỳnh Tấn Mười, phó Trưởng Công an TP Tam Kỳ cho hay, Triệu Quân Sự một mình trốn khỏi nơi giam, trong thời gian lẩn trốn đã thực hiện 6 vụ trộm cắp tài sản gồm: 1 xe mô tô nhãn hiệu Sirius, 3 điện thoại di động và tiền mặt khoảng 6 triệu đồng. "Đối tượng Sự nghiện game và có kinh nghiệm nên trong quá trình bỏ trốn không liên lạc, không nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, người thân vì sợ bị lộ. Trong lúc bắt giữ, Sự không hề có phản ứng và mong muốn được gặp mẹ", thượng tá Mười nói. Được biết, Triệu Quân Sự từng là quân nhân tại đại đội 1, tiểu đoàn 18, Sư đoàn 3, Quân khu 1 trước khi gây ra vụ án mạng sát hại 1 nữ chủ quán cà phê, cướp tài sản tại Hà Nội vào năm 2012. Tháng 3/2013, Tòa án quân sự Quân khu 1 mở phiên toà xét xử tuyên phạt Sự án chung thân với các tội danh giết người, cướp của, đào ngũ. Năm 2015, Triệu Quân Sự cùng 1 phạm nhân khác tổ chức vượt ngục và thành công. Đúng 1 tháng sau, Sự bị bắt giữ tại Hà Nội. Hành trình 15 ngày vượt ngục lẩn trốn của Triệu Quân SựTriệu Quân Sự rời đèo Hải Vân xuống Hội An rồi vào Tam Kỳ (Quảng Nam) chơi game thì bị công an bắt giữ. Lê Bằng | ||||
Chưa có cơ sở kết luận luật sư Nguyễn Văn Chiến vi phạm khoản tiền 15 tỷ Posted: 18 Jun 2020 11:57 PM PDT Bộ Tư pháp cho biết, qua xác minh 5 vấn đề tố cáo luật sư Nguyễn Văn Chiến, Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội, chưa có cơ sở kết luận là có vi phạm. Trả lời báo chí tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp sáng nay (19/6) liên quan đến việc tố cáo luật sư Nguyễn Văn Chiến - Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội, bà Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đặng Kim Hoa cho biết, vụ việc này diễn ra ngay trước Đại hội Đoàn luật sư TP. Thời gian vừa qua, các ban ngành, trong đó có Bộ Tư pháp, UBND TP Hà Nội, Sở Tư pháp đã vào cuộc.
"Chúng tôi đã có sự phối hợp, chỉ đạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam giải quyết dứt điểm vụ việc, đúng quy trình, trình tự, thủ tục giải quyết đối với những tố cáo của bà Phan Thị Hương Thuỷ. Việc này phải minh bạch, có đầy đủ chứng cứ xác đáng", bà Hoa khẳng định. Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp cho hay, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã thực hiện đúng trình tự, đầy đủ thủ tục và có văn bản báo cáo toàn bộ quy trình, kết quả xác minh. Đồng thời có văn bản trả lời cho bà Phan Thị Hương Thuỷ về 5 nội dung tố cáo đối với luật sư Nguyễn Văn Chiến. "Xác minh 5 vấn đề bà Thuỷ nêu đều cho thấy các nội dung đó chưa có cơ sở kết luận luật sư Nguyễn Văn Chiến có vi phạm. Việc trả lời bà Thuỷ như vậy là rõ ràng, đảm bảo quy định, trình tự thủ tục giải quyết tố cáo", bà Hoa khẳng định. Trước đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam gửi Bộ Tư pháp, Ban Nội chính TƯ báo cáo nội dung tố cáo của bà Phan Thị Hương Thuỷ cho rằng luật sư Nguyễn Văn Chiến tự động chuyển tiền của các luật sư thành viên (hơn 15 tỷ đồng) từ tài khoản của ngân hàng này sang ngân hàng khác trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2018. Qua xác minh vụ việc này đã có kết luận, không có căn cứ để cho rằng ông Chiến có hành vi tham nhũng hoặc chiếm giữ quỹ Đoàn luật sư để tiêu dùng riêng cho cá nhân. Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Văn Chiến và Trưởng ban Tài chính có thiếu sót khi không báo cáo lại cho các thành viên Ban chủ nhiệm cập nhật thông tin về việc quản lý tài chính, việc cất giữ tiền, gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm tại các ngân hàng theo quy định tại Điều 20, 21 Quy chế tài chính Đoàn luật sư TP Hà Nội. Riêng giai đoạn từ 1/1/2018 đến 30/9/2018 và các các giai đoạn sau ngày 30/9/2018, hoạt động tài chính Đoàn luật sư chưa được báo cáo ra Hội nghị (hoặc đại hội) xem xét thông qua nên không có cơ sở để nhận xét, đánh giá. Còn tố cáo ông Chiến tự ý giữ lại hơn 1 tỷ đồng, luật sư Nguyễn Văn Chiến đã có giải trình với Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong phiên họp ngày 20/7/2019. Cụ thể, đầu năm 2018 có sự thay đổi nhân viên kế toán, mất thời gian để rà soát, đối chiếu số liệu. Khi chậm trích nộp tiền, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội đã có công văn trình bày lý do chậm trích nộp phí thành viên lên Liên đoàn. Vào ngày 27/6/2018, Đoàn luật sư đã chuyển đủ phí thành viên quý 4/2017 cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Luật sư Nguyễn Văn Chiến cũng xin rút kinh nghiệm về việc chậm trễ chuyển phí. Thu Hằng Bộ Tư pháp đề nghị kiểm tra các vụ đấu giá có Nguyễn Xuân Đường tham giaBộ Tư pháp đề nghị Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình kiểm tra, rà soát, báo cáo Bộ Tư pháp các vụ việc đấu giá tài sản có sự tham gia của Nguyễn Xuân Đường, xử lý theo thẩm quyền. | ||||
Lý do đề xuất đưa số liệu thu hồi tài sản tham nhũng vào danh mục tối mật Posted: 18 Jun 2020 10:17 PM PDT Bộ Tư pháp vừa giải thích lý do việc đưa số liệu thu hồi tài sản tham nhũng vào danh mục tối mật trong cuộc họp báo sáng nay (19/6). Tại họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp sáng nay (19/6), báo VietNamNet đặt câu hỏi: "Hiện công tác phòng chống tham nhũng đang được đẩy mạnh và ngày càng công khai, minh bạch, vì sao Bộ Tư pháp lại đưa số liệu thu hồi tài sản tham nhũng vào danh mục tối mật như vậy?" Trả lời, bà Phan Thị Hồng Hà, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo quyết định này cho biết, nội dung này căn cứ theo quy định Điều 7 của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018. Cụ thể, tại khoản 14 Điều 7 của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước quy định về phạm vi bí mật nhà nước bao gồm nhiều nội dung, trong đó có "thông tin về hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng".
"Trên cơ sở đó, các đơn vị của Bộ Tư pháp trong các lĩnh vực của mình có đề xuất các nội dung đưa vào dự thảo. Chúng tôi cũng căn cứ trên quy định của luật để đưa vào. Đang là dự thảo để xin ý kiến các cơ quan, đơn vị để có cái nhìn đầy đủ hơn trước khi có sự rà soát và ban hành chính chính", bà Hà giải thích. Trước đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh ký công văn gửi các bộ, ban, ngành và UBND các tỉnh, thành góp ý dự thảo quyết định danh mục bí mật Nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý của ngành tư pháp. Trong đó, có nội dung, danh mục bí mật Nhà nước độ tối mật có các văn bản, tài liệu, số liệu tuyệt đối, cơ sở dữ liệu, đề án, chiến lược các lĩnh vực công tác của các cơ quan tư pháp và thi hành án dân sự; các báo cáo, tài liệu, số liệu liên quan đến vụ việc thi hành án dân sự, thi hành án hành chính phức tạp, kéo dài; các báo cáo, số liệu liên quan đến việc thu hồi tài sản trong vụ án kinh tế, tham nhũng…
Thu Hằng Bộ Tư pháp đề nghị kiểm tra các vụ đấu giá có Nguyễn Xuân Đường tham giaBộ Tư pháp đề nghị Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình kiểm tra, rà soát, báo cáo Bộ Tư pháp các vụ việc đấu giá tài sản có sự tham gia của Nguyễn Xuân Đường, xử lý theo thẩm quyền. | ||||
Quốc hội thông qua cho Hà Nội được tự quyết thu, tăng phí Posted: 18 Jun 2020 09:48 PM PDT Quốc hội vừa biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội. Sáng nay (19/6), với 91,51% ĐBQH tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội. Nghị quyết gồm 6 điều, quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội về quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, mức dư nợ vay và sử dụng Quỹ dự trữ tài chính. HĐND TP Hà Nội được quyền quyết định một số khoản thu phí trên địa bàn (phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí); điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí được quy định trong danh mục phí, lệ phí. Ngân sách thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu phí để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội và chi sự nghiệp kinh tế, khoa học công nghệ, giáo dục, y tế…
Nghị quyết cũng cho phép thành phố được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất để đầu tư phát triển hạ tầng; được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn Nhà nước để bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội… Nghị quyết thông qua cũng cho phép Hà Nội quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư. Quy định tổng mức vay và bội chi ngân sách TP hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật ngân sách nhà nước…. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2020 và được thực hiện trong 5 năm. Trần Thường Quốc hội đồng ý bổ sung hơn 23.400 tỷ đồng đầu tư cao tốc Bắc - NamQuốc hội đồng ý cho Chính phủ chuyển ba dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công và bổ sung 23.461 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách nhà nước. | ||||
Bắt tài xế xe tải đè bẹp xế hộp, 3 người chết ở Thanh Hóa Posted: 18 Jun 2020 10:05 PM PDT Công an tỉnh Thanh Hóa vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt giam tài xế xe tải đè bẹp xế hộp làm 3 người chết. Đại tá Khương Duy Oanh, Phó giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, liên quan đến vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn huyện Triệu Sơn làm 3 người chết và 1 cháu bé bị thương, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt giam đối với tài xế xe tải BKS 36C-171.15 Lương Văn Lâm (SN 1985, trú tại xã Hoằng Lưu, Hoằng Hóa).
Trước đó như VietNamNet đã đưa tin, khoảng 10h30, ngày 4/6, tại Km 17+800, TL 506 (đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn), thuộc địa phận thôn 6, xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng khiến 4 người thương vong. Vào thời điểm trên, xe ô tô tải BKS 36C-171.15 do tài xế Lương Văn Lâm (SN 1985) trú xã Hoằng Lưu, huyện Hoằng Hóa điều khiển đi theo hướng Sao Vàng - Nghi Sơn.
Khi đi đến địa điểm trên, xe tải va chạm với ô tô con BKS 36A-468.94 do Lê Ngọc Hoàn (SN 1991) trú thôn 2, xã Xuân Thọ, huyện Triệu Sơn điều khiển. Sau đó chiếc xe tải lật nghiêng đè vào ô tô con bẹp dúm. Lúc này trên xe chở theo 3 người gồm: bà Lê Thị Bình (SN 1948), chị Lê Thị Út Huệ (SN 1992) và cháu Đỗ Minh Nhật (SN 2014) đều trú tại thôn 6 xã Vân Sơn. Hậu quả, anh Hoàn, bà Bình, chị Huệ tử vong tại chỗ, cháu Đỗ Minh Nhật bị thương. Lê Dương Xe tải đè xế hộp bẹp dúm ở Thanh Hóa: 3 người thương vong trong 1 gia đìnhTheo thông tin từ chính quyền xã Vân Sơn, 3 người trên xe con gặp nạn (trừ lái xe) đều là người trong một gia đình khiến 2 người chết, 1 người đang cấp cứu. | ||||
Bổ sung hơn 23.400 tỷ đồng đầu tư công ba dự án cao tốc Bắc - Nam Posted: 18 Jun 2020 09:01 PM PDT Quốc hội đồng ý cho Chính phủ chuyển ba dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công và bổ sung 23.461 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách nhà nước. Với tỉ lệ biểu quyết 91,72% tán thành, sáng nay (19/6), Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.
Theo Nghị quyết được Quốc hội thông qua, ba dự án thành phần được chuyển đổi từ phương thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước. Đó là dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và bổ sung vốn đầu tư 23.461 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách nhà nước. Quốc hội giao Chính phủ rà soát, xác định và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp lý của tổng mức đầu tư điều chỉnh của từng dự án thành phần chuyển đổi và tổng mức đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện các dự án thành phần chuyển đổi sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công, chậm nhất đến cuối năm 2022 hoàn thành, đưa vào sử dụng; xây dựng phương án phù hợp để thu hồi vốn hoàn trả vào ngân sách trung ương. Hạn chế tác động đến nợ công và trần nợ công Trước khi thông qua, Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung của dự thảo. Ông Thanh cho biết, một số ý kiến đề nghị làm rõ 5 dự án thành phần còn lại có phải tiếp tục chuyển đổi trong thời gian tới không.
UB Thường vụ Quốc hội cho hay, mặc dù 5 dự án còn lại đều có từ hai nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, tuy nhiên chưa thể khẳng định việc đấu thầu sẽ lựa chọn được nhà đầu tư do còn phụ thuộc vào kết quả đấu thầu. Ngoài ra, trong trường hợp có nhà đầu tư trúng thầu, nhà đầu tư có thời gian tối đa 6 tháng để huy động vốn tín dụng. Trường hợp nhà đầu tư không huy động được vốn tín dụng, sẽ phải hủy hợp đồng, tịch thu bảo lãnh và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Việc tham gia đấu thầu của nhà đầu tư và việc quyết định cung cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại được thực hiện theo cơ chế thị trường, phụ thuộc chủ yếu vào tính hấp dẫn, mức độ rủi ro của từng dự án... Do vậy, trường hợp đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư, Chính phủ sẽ báo cáo UB Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Ông Thanh cũng cho biết, nhiều ý kiến đề nghị xem xét, làm rõ tác động và khả năng cân đối vốn trong giai đoạn sau nếu bổ sung 23.461 tỷ đồng vốn nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 khi chuyển đổi ba dự án nói trên. Theo UB Thường vụ Quốc hội dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là dự án quan trọng quốc gia. Chính phủ sẽ trình Quốc hội bố trí vốn theo quy định và điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm một cách hợp lý, linh hoạt, hạn chế các tác động đến nợ công và trần nợ công. Bên cạnh đó, các dự án sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền để thu hồi vốn nhà nước, đây cũng là giải pháp phù hợp để huy động nguồn lực xã hội và giảm thiểu tác động đến nợ công. Về phương án thu hồi vốn, Chủ nhiệm UB Kinh tế cho hay, đối với ba dự án thành phần sau khi chuyển đổi sang đầu tư công sẽ tiếp tục tổ chức xây dựng phương án thu hồi vốn nhà nước theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Do đó, tại dự thảo Nghị quyết đã quy định đối với những dự án thành phần sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công, Chính phủ có trách nhiệm xây dựng phương án phù hợp để thu hồi vốn hoàn trả vào ngân sách Trung ương. Thu Hằng Quốc hội chính thức khai tử dịch vụ đòi nợ thuêDịch vụ đòi nợ thuê chính thức bị nghiêm cấm sau khi Quốc hội bấm nút thông qua dự thảo luật Đầu tư (sửa đổi) vào chiều nay (17/6). | ||||
Việt Nam và Nhật Bản nhất trí từng bước nới lỏng hạn chế đi lại Posted: 18 Jun 2020 10:46 PM PDT Bộ Ngoại giao hôm nay (19/6) cho biết, Việt Nam và Nhật Bản nhất trí sẽ từng bước, từng phần nới lỏng hạn chế đi lại giữa hai nước. Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đã hợp tác chặt chẽ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Chính phủ Việt Nam đánh giá cao những kết quả quan trọng mà Chính phủ Nhật Bản đạt được trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Ngày 25/5, Nhật Bản đã tuyên bố dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp. Chính phủ Nhật Bản cũng đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã thành công trong phòng, chống dịch Covid-19 và việc hơn 2 tháng qua Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Hai bên chia sẻ nhận thức chung về tầm quan trọng của việc tiếp tục tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời trên tinh thần bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19, không để lây lan dịch bệnh và bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định liên quan về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của mỗi nước. Việt Nam và Nhật Bản đã nhất trí trong thời gian tới sẽ từng bước, từng phần nới lỏng hạn chế đi lại giữa hai nước. Các biện pháp và thủ tục cụ thể, hai bên sẽ trao đổi qua đường ngoại giao. Phát biểu tại cuộc họp đặc biệt của lực lượng đặc nhiệm phản ứng với Covid-19 của Chính phủ ngày 18/6, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết, du khách nước ngoài từ các quốc gia Australia, New Zealand, Thái Lan và Việt Nam sẽ được phép vào Nhật Bản với điều kiện họ trình được kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19, hoặc PCR và lịch trình chi tiết nơi họ dự định đến trong thời gian lưu trú tại Nhật Bản. 4 quốc gia trên được chọn vì là những nước đã kiểm soát được dịch Covid-19 và tiến tới, Nhật Bản sẽ mở rộng ngoại lệ sang các quốc gia khác. Thành Nam Việt Nam trao đổi nối đi lại với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật BảnCăn cứ trên tình hình kiểm soát dịch Covid-19, Việt Nam đang thảo luận mở cửa đi lại với Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. |
You are subscribed to email updates from Thời sự - Tin tức trong ngày, tin xã hội mới nhất hôm nay. To stop receiving these emails, you may unsubscribe now. | Email delivery powered by Google |
Google, 1600 Amphitheatre Parkway, Mountain View, CA 94043, United States |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét