“Hàng trăm tỷ đồng tiền cho thuê của Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình đi về đâu?” plus 7 more |
- Hàng trăm tỷ đồng tiền cho thuê của Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình đi về đâu?
- Trung Quốc đề nghị hợp tác khai thác trên biển, Việt Nam lên tiếng !
- Lưu Trọng Văn - Không chỉ là cuộc chiến thương mại
- Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung căng thẳng, đơn hàng đến Việt Nam, Thái Lan ùn ùn tăng
- Trung Quốc tìm cách cứu vãn thể diện sau lệnh áp thuế của ông Trump
- Trung Quốc đang thua cuộc Chiến tranh Lạnh Mới
- Trong 2 tháng nữa nền Kinh tế TQ sẽ rơi vào mô thức tan vỡ
- TIẾT LỘ VỀ CUỘC GẶP GIỮA VÕ VĂN KIỆT VÀ DƯƠNG DANH DY TẠI HÀ NỘI
Hàng trăm tỷ đồng tiền cho thuê của Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình đi về đâu? Posted: 20 Sep 2018 01:58 PM PDT Thứ Năm, 20/09/2018 07:43 AM GMT+7(VTC News) - Dù thu về hàng trăm tỷ đồng tiền cho thuê mặt bằng, nhưng Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình vẫn nợ 314 tỷ đồng tiền thuê đất và đang xin miễn khoản này. Năm 2011, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có quyết định cho phép Khu Liên hợp thể thao Quốc gia (LHTTQG) Mỹ Đình được thực hiện thí điểm liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để khai thác, cơ sở vật chất, quỹ đất nhằm tăng nguồn thu. Năm 2012, Khu LHTTQG Mỹ Đình chính thức được tự chủ về tài chính. Bên cạnh đó, Khu LHTTQG Mỹ Đình còn được đưa về trực thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thay vì Tổng cục Thể dục thể thao như trước kia. Từ năm 2012, Khu LHTTQG đã ký hợp đồng liên doanh liên kết với một số đơn vị với thời hạn từ 10-15 năm và 430 hợp đồng ngắn hạn (3 tháng, 6 tháng, 1 năm). Ước tính số tiền cho thuê này thu về hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, ngày 29/11/2017, Bộ Tài chính có văn bản số 16182 về việc thu tiền thuê đất đối với LHTTQG. Theo đó, số tiền mà đơn vị này phải nộp là 314 tỷ đồng. Được biết, từ năm 2014, khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, Khu LHTTQG là đơn vị tự chủ, sẽ chịu trách nhiệm về tài chính, tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên, nên phải chuyển sang hình thức thuê đất trả tiền hàng năm hoặc trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê. Khu LHTTQG được miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất đối với diện tích đất sử dụng vào mục đích sự nghiệp. Điều đáng nói là mới đây, Khu LHTTQG đã có văn bản đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ra văn gửi UBND TP. Hà Nội về việc xin không thu khoản tiền này. Cụ thể, lãnh đạo Khu LHTTQG đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có văn gửi UBND TP. Hà Nội về việc xin không thu tiền thuê đất đối với các hợp đồng thuê mặt bằng ngắn hạn. Đồng thời, thu hồi lại thông báo số 2783 ngày 14/3/2018 của Chi cục thuế quận Nam Từ Liêm. Theo báo cáo của đơn vị này thì hiện số thu chi chưa phân phối chỉ là 1,579 tỷ đồng và không có khả năng đóng 314 tỷ đồng nếu bị truy thu. Tuy nhiên, điều đáng nói là, vậy số tiền hàng trăm tỷ đồng cho thuê mặt bằng tại đây nhiều năm qua đã đi về đâu? Video: Những lưu ý khi mua nhà đất Trước đó, ngày 29/3/2018, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có công văn do Thứ trưởng Lê Khánh Hải ký, chỉ đạo Khu LHTTQG Mỹ Đình phải thu hồi lại mặt bằng cho thuê ngắn hạn. Công văn gồm 2 nội dung yêu cầu Khu LHTTQG Mỹ Đình: Thứ nhất, rà soát lại các hợp đồng liên kết, hợp tác kinh doanh, hợp tác đầu tư của Khu liên hợp (kể cả các hợp đồng đã ký nhưng chưa triển khai thực hiện). Trong quá trình rà soát, nếu có phát sinh vướng mắc, Khu LHTTQG phải báo cáo kịp thời về Bộ để xem xét. Thứ hai, dừng khai thác, cho thuê toàn bộ phần diện tích đất đã đền bù giải phóng mặt bằng nhưng chưa triển khai các dự án theo quy hoạch. Khu LHTTQG có trách nhiệm chấm dứt các hợp đồng cho thuê, khai thác ngắn hạn hiện có và thu hồi lại mặt bằng. Sở dĩ có công văn như vậy là bởi trong những năm qua, có ý kiến cho rằng Khu LHTTQG Mỹ Đình sử dụng đất trong quy hoạch dành cho thể thao để cho các đơn vị, cá nhân thuê mặt bằng kinh doanh nhiều dịch vụ khác nhau, từ quán bia, cà phê cho tới cả massage. Vì thế, chính quyền địa phương đã nhiều lần ra văn bản nhắc nhở, xử phạt, thậm chí gửi văn bản cho cả Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, cơ quan chủ quản của Khu LHTTQG Mỹ Đình, để yêu cầu có ý kiến chỉ đạo xử lý, nhưng cuối cùng mọi sự vẫn đâu vào đấy. | ||
Trung Quốc đề nghị hợp tác khai thác trên biển, Việt Nam lên tiếng ! Posted: 20 Sep 2018 01:50 PM PDT 243 Views 0 CommentsNgười phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh Việt Nam hoan nghênh hợp tác giữa các quốc gia, trong đó có các hợp tác về biển. Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 20/9, phóng viên quốc tế đề cập tới đề xuất hợp tác khai thác trên biển để kiểm soát bất đồng trên Biển Đông được Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đưa ra trong phiên họp lần thứ 11 Ủy ban Chỉ đạo song phương Việt Nam – Trung Quốc. Trả lời về quan điểm của Việt Nam trước đề xuất này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam hoan nghênh hợp tác giữa các quốc gia, trong đó có các hợp tác về biển. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Phiên họp lần thứ 11 Ủy ban Chỉ đạo song phương Việt Nam – Trung Quốc. (Ảnh: TTXVN) Người phát ngôn trả lời câu hỏi về việc Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng cách tốt nhất để kiểm soát bất đồng trên biển giữa Việt Nam – Trung Quốc là cùng hợp tác để khai thác trên biển. Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều 20-9, phóng viên đã nêu nhiều câu hỏi về vấn đề biển Đông. Trong đó, phóng viên nước ngoài nêu câu hỏi về việc tại phiên họp lần thứ 11 của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc vừa diễn ra, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng cách tốt nhất để kiểm soát bất đồng trên biển giữa Việt Nam – Trung Quốc là cùng hợp tác để khai thác trên biển. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết phiên họp lần thứ 11 của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc diễn ra mới đây đã được thông tin đầy đủ. Theo bà Hằng, tại phiên họp, hai bên đã nhất trí tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước và thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp, duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông. "Việt Nam hoan nghênh hợp tác giữa các quốc gia, trong đó có các hợp tác về biển" – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói. Bà Hằng cho hay trên thực tế, Việt Nam đã có hợp tác song phương và đa phương với các quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc, với nhiều hình thức khác nhau về kinh tế, nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường, phòng chống tội phạm trên biển. Chủ trương nhất quán của Việt Nam là ủng hộ, hợp tác trên biển theo đúng các quy định và chế định của công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, phù hợp với quyền và lợi ích của Việt Nam, cũng như tôn trọng quyền và lợi ích của các bên liên quan. Phiên họp lần thứ 11 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc vừa diễn ra tại TP HCM ngày 16-9 vừa qua. Tại đây, hai bên đã trao đổi thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước và "thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc"; thúc đẩy các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển đạt kết quả thực chất; Hai bên nhất trí thực hiện toàn diện, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) nhằm bảo đảm môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC; tiếp tục tinh thần hợp tác, xây dựng và tích cực cùng các nước ASEAN trao đổi các nội dung cụ thể, thực chất của Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC); kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình hay mở rộng tranh chấp, duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông. https://vtc.vn/trung-quoc-de-nghi-hop-tac-khai-thac-tren-bien-viet-nam-noi-gi-d427532.html | ||
Lưu Trọng Văn - Không chỉ là cuộc chiến thương mại Posted: 20 Sep 2018 01:48 PM PDT Cái đích của Trump không chỉ là chiến thắng Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại. Cái đích cuối cùng là tháo ngòi nổ của nguy cơ hiện hữu xuất hiên một Trung Quốc xã. Bài học Đức quốc xã vẫn còn nguyên. Nhân loại và nước Mỹ đã mất cảnh giác- một lỗi lầm dẫn đến cái chết của gần 100 triệu người - Hitler đẩy nước Đức thành phát xít tiến hành Thế chiến thứ Hai. Thế giới đã thờ ơ trước việc Hitler tập trung các nhà khoa học hàng đầu thế giới nghiên cứu và thực hiện cuộc cách mạng công nghệ. Thế giới đã thờ ơ khi Hitler đẩy mạnh sản xuất công nghiệp thép và hoá chất. Thế giới đã thờ ơ khi Hitler tích tụ thành cường quốc kinh tế. Thế giới đã thờ ơ khi Hitler hô hào tinh thần dân tộc Đức thượng đẳng. Trump thấy rõ bước đi của Trung Quốc hôm nay lặp lại bước đi của Đức quốc xã. Mô hình CNXH mang đặc thù Đức thượng đẳng cũng chính là mô hình CNXH mang đặc thù Trung Quốc thượng đẳng. Nguy cơ đâu chỉ với 300 tr người Mỹ mà nguy cơ với cả nhân loại. Gã cảm ơn cuộc chiến của tỉnh thức và rất trách nhiệm này của Trump đối với 90 tr dân gã. Bởi nước gã sẽ không khác Ba Lan trong Thế chiến thứ Hai là nạn nhân đầu tiên của đế chế Trung Quốc xã này. Gã hiểu cuộc chiến thương mại lập lại trật tự thương mại là bước đi đầu tiên của cuộc đại chiến lập lại trật tự thế giới hướng tới hoà bình và đầy trách nhiệm. Trump đang đi tiếp các bước : - Chống ăn cắp công nghệ. FBI vừa mở chiến dịch tại tất cả các trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ của Mỹ loại trừ các nhà khoa học gốc Hoa tham gia "Kế hoạch 1000 người " của Trung Quốc và các nhà khoa học gốc Hoa ăn cắp công nghệ đưa về Trung Quốc. Trong chiến dịch này FBI đã phát hiện được nhiều gián điệp công nghệ, bắt giam và trục xuất khỏi Mỹ. - Trump đang vận động EU cùng tham gia vào cuộc bao vây chống lại nạn vi phạm bản quyền, gian lận thương mại, ăn cắp công nghệ này của Trung Quốc. Tiếp tay cho gian lận thương mại cũng là gian lận thương mại. - Trump cùng các nước khác đang là chỗ dựa cho các quốc gia lệ thuộc Trung Quốc biến thành sân sau làm giàu cho Trung Quốc, từng bước cởi trói lệ thuộc kinh tế , phục hưng lại văn hoá, chính trị độc lập. Một loạt nước như Malaixia, Myanmar, Srilanca... gần đây đã có những biểu hiện mạnh mẽ khước từ các miếng mồi kinh tế của Trung Quốc. - Trump đang chặt đứt dần các mắt xích đồng minh của Trung Quốc đặc biệt là Triều Tiên, tiếp tới sẽ có sách lược lôi kéo Nga về với châu Âu để không liên kết chặt chẽ chính trị, quân sự với Trung Quốc nữa. - Trump gắn kết với Đài Loan để Đài Loan là một đối lực cản trở giấc mộng Trung Hoa của Tập Cận Bình. Vậy đó. Gã giật mình nhìn lại nước gã khi cảm nhận hình như những người có trách nhiệm ở nước gã chả quan tâm tới những gì mà cả nước Mỹ đang quan tâm. Ai đó vẫn còn hy vọng nước gã sẽ đứng ngoài mọi nguy cơ khi đu dây với Trung Quốc? Ai đó vô trách nhiệm chuyện quốc gia nhân loại chỉ quan tâm ổ ấm đã lót cho riêng mình? Ai đó và ai đó là ai? (FB của Lưu Trọng Văn) | ||
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung căng thẳng, đơn hàng đến Việt Nam, Thái Lan ùn ùn tăng Posted: 20 Sep 2018 01:22 AM PDT Minh Khôi |Nguyên tắc không có ai chiến thắng trong một cuộc chiến tranh thương mại làm các nhà kinh tế lo ngại nhưng các doanh nghiệp Đông Nam Á đang chứng minh rằng, điều này là sai.Hàng hóa từ Đông Nam Á hưởng lợi trong chiến tranh thương mại Khu vực Đông Nam Á đang thu lợi nhanh chóng từ việc chuyển đổi sản xuất khi các công ty cân nhắc lại việc kinh doanh tại Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại ngày một căng thẳng. Khoảng 1/3 của hơn 430 doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc đã hoặc đang cân nhắc chuyển các khu sản xuất ra nước ngoài khi căng thẳng của cuộc chiến tranh thương mại đang leo thang. Và theo thống kê của Văn phòng thương mại Mỹ, Đông Nam Á đang là lựa chọn hàng đầu. Nhà sản xuất đồ gỗ Việt Nam Phú Tài Corp, nhà sản xuất đồ gỗ nội thất cho chuỗi cửa hàng Wal-Mart ở Mỹ đang lên kế hoạch tăng 30% sản lượng xuất khẩu trong năm nay và năm sau, theo Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Sỹ Hòe. Phú Tài sẽ đầu tư khoảng 10 triệu USD để mở rộng 2 nhà máy ở Bình Định và nâng cấp các chi nhánh sản xuất ở 2 nhà máy khác tại Đồng Nai. "Chúng tôi nhìn thấy một cơ hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu vào Mỹ và chúng tôi đang nhận được thêm nhiều đơn đặt hàng hơn từ thị trường Mỹ. Do cuộc chiến tranh thương mại, nhiều nhà xuất khẩu Mỹ đang chuyển đổi sang mua hàng từ Việt Nam", ông Hòe nói Khối ASEAN đang được xem là nơi thu hút các nhà máy mới nhờ chi phí sản xuất rẻ, tăng trưởng bền vững với 5 nền kinh tế lớn nhất trong khối đang tăng trưởng trung bình 5,3% và đang cải thiện xếp hạng môi trường kinh doanh. Nicholas Kwan, giám đốc nghiên cứu về cơ quan pháp lý hỗ trợ các công ty địa phương, cho rằng, Đông Nam Á một nơi ẩn náu an toàn giữa những căng thẳng chiến tranh thương mại. Việc Mỹ và Trung Quốc áp thuế lên 50 tỷ USD hàng hóa lẫn nhau từ tháng 7 đã tạo ra những tác động tiêu cực. Gần đây nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tiếp tục áp thuế với 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc. Đáp lại, Bắc Kinh cũng công bố áp thuế trả đũa 60 tỷ USD hàng hóa của Mỹ. Không giống như các nền kinh tế phát triển, các cơ sở sản xuất thay thế tại Đông Nam Á sẽ hưởng lợi khi các công ty chuyển đổi đơn đặt hàng để "né" thuế. Nguyễn Thành Phương, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Kangaroo ước tính, lượng bán hàng trong nửa cuối năm 2018 sẽ tăng thêm 10%. "Mức thuế mới của Mỹ đang giúp các sản phẩm của chúng tôi trở nên cạnh tranh hơn so với mặt hàng của Trung Quốc", ông nói. Koratak Weeradaecha, giám đốc tài chính cho Star Microelectronics Thái Lan, cũng đã nhận thấy những biến động trong đơn đặt hàng, tương quan với những căng thẳng thương mại. Đầu tiên, đã có một sự chậm trễ để điều chỉnh với mức thuế mới nhưng sau đó, đơn đặt hàng hiện đã tăng ít nhất 15% so với năm 2017 và xu hướng này dự kiến sẽ rõ ràng hơn vào cuối năm nay. "Chúng tôi nghĩ rằng nên có nhiều công ty nên suy nghĩ về việc chuyển nhà máy của họ sang các nước láng giềng, vì ở lại Trung Quốc có thể quá mạo hiểm", ông Koratak Weeradaecha nói thêm. Thị trường Trung Quốc giảm thu hút Không chỉ mặt hàng điên tử, xe hơi, hải sản, cao su và du lịch là những thị trường có lợi khi hàng hóa Trung Quốc trở nên kém hấp dẫn hơn. Chính phủ Thái Lan đồng ý rằng ngành thủy sản sẽ giành chiến thắng trong bối cảnh tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc, khi những hàng hóa này được cả Washington và Bắc Kinh đưa vào danh sách đánh thuế, Pimchanok Vonkorpon, Giám đốc phòng chính sách thương mại của Bộ thương mại Thái Lan cho biết. "Cá ngừ đóng hộp là một mặt hàng hưởng lợi chính", bà Pimchanok Vonkorpon nói. Tình hình tương tự cũng đang xảy ra ở Malaysia. Vấn đề lớn nhất của chúng tôi là làm sao tăng cường năng lực bao gồm cả trong lĩnh vực điện tử, sản xuất thép và tự động hóa để một khi các công ty từ cả Trung Quốc và Mỹ đến thì rất khó rút đi, Bộ trưởng Tài chính Malaysia Lim Guan Eng nói. Malaysia có thể nhìn thấy lợi ích từ cả 2 nước như là một điểm chuyển hàng và bởi vì đây là một quốc gia trung lập mà các công ty Trung Quốc và Mỹ đều quan tâm đầu tư. Công ty Kerry Logistics Network Ltd của Robert Kuok cho biết "số lượng đang tăng lên một chút" khi các công ty di chuyển các trung tâm phân phối từ Trung Quốc đại lục sang những nơi khác như Hồng Kông và Đài Loan và khu vực Đông Nam Á. "Họ đang nghĩ đến nhà máy tiếp theo, và ít có khả năng đặt ở Trung Quốc", Yeo - cựu bộ trưởng thương mại và ngoại giao ở Singapore, nói với Bloomberg. Hiện tại, Đông Nam Á đang nổi lên như một khu vực mà một số lợi ích có thể gia tăng khi trao đổi thương mại Mỹ và Trung Quốc bị ảnh hưởng. theo Trí Thức Trẻ | ||
Trung Quốc tìm cách cứu vãn thể diện sau lệnh áp thuế của ông Trump Posted: 19 Sep 2018 08:49 PM PDT 09:13, 20/09/2018Quyết định đánh thuế mới đây của Tổng thống Trump khiến Trung Quốc bất ngờ và đang tìm cách cứu vãn thể diện, theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế. Tổng thống Donald Trump cảnh báo về việc tiếp tục áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc, cáo buộc Bắc Kinh tìm cách gây ảnh hưởng đến bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới, theo Epoch Times. Tổng thống Trump gửi 2 tin nhắn trên mạng Twitter hôm 18/9, khiển trách Trung Quốc khi 2 bên tuyên bố sẽ áp thuế mới lên hàng hóa của nhau. "Trung Quốc đã công khai tuyên bố rằng họ đang tích cực tìm cách tác động và thay đổi cuộc bầu cử của chúng ta, bằng cách tấn công vào những người nông dân, những chủ trại gia súc và công nhân công nghiệp của chúng ta, chỉ vì lòng trung thành của họ đối với tôi", ông Trump viết. "Điều mà Trung Quốc không hiểu, rằng những người này là những người yêu nước tuyệt vời, họ hoàn toàn hiểu rằng Trung Quốc đã lợi dụng Mỹ về thương mại trong nhiều năm. Họ cũng biết rằng tôi là người biết cách ngăn chặn nó. Sẽ có sự trả đũa kinh tế to lớn và nhanh chóng đối với Trung Quốc nếu như nông dân, chủ trang trại gia súc và/hoặc công nhân công nghiệp của chúng ta bị nhắm tới", ông Trump nhấn mạnh. Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã leo thang khi Tổng thống Trump công bố hôm 17/9 rằng chính quyền Mỹ sẽ tiến hành áp đặt thêm thuế quan lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Các mức thuế được thiết lập sẽ bắt đầu vào ngày 24/9, với thuế xuất 10%, trước khi tăng lên 25% vào ngày 1/1 năm tới. Vòng thuế quan thứ hai được tiếp tục sau khi áp thuế xuất 25% lên 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc mà Washington công bố vào tháng 6/2018. Tổng thống Trump cũng cảnh báo nếu Trung Quốc trả đũa, chống lại nông dân Mỹ và các ngành công nghiệp khác, ông ấy sẽ áp đặt thuế quan lên 267 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc. Đáp lại, Bắc Kinh tuyên bố hôm 18/9 rằng họ có kế hoạch trả đũa thuế quan đối với các sản phẩm của Mỹ, trị giá 60 tỷ USD. "Cứu vãn thể diện" Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin hôm 18/9 rằng các mức thuế mới của ông Trump đã gây bất ngờ cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc, những người đang lên kế hoạch cử một phái đoàn, do Phó Thủ tướng Lưu Hạc (Liu He) dẫn đầu, tới Washington vào tuần tới, để tiến hành một cuộc đàm phán mới. Kết quả là, Trung Quốc có thể từ chối lời mời của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, và sẽ không cử một phái đoàn nào. Theo ông Hạ Nghiệp Lương (Xia Yeliang), một học giả tự do và là cựu giáo sư kinh tế tại Đại học Bắc Kinh, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ tìm cách "cứu vãn thể diện" bởi vì họ hết sức ngạc nhiên trước thông báo của ông Trump. Ông Hạ cho rằng những bình luận của ông Trump về sự can thiệp bầu cử của Trung Quốc, là chính xác bởi vì "chính quyền Trung Quốc tìm cách khiến ông Trump gặp khó khăn, với việc trả đũa nhắm vào người nông dân Mỹ". Theo ông Hạ, Trung Quốc không hề có phương án B, ngoài việc kéo dài các cuộc đàm phán. "Họ không có nhiều sự lựa chọn. Họ có kỳ vọng cao rằng ông Trump sẽ thất bại trong cuộc bầu cử. Họ hy vọng sẽ thay đổi tổng thống Mỹ", ông Hạ lập luận. Tuy nhiên, ông Hạ tin rằng chiến lược của Trung Quốc sẽ không mang lại hiệu quả. Các mức thuế của Mỹ được đưa ra vào một thời điểm khó khăn đối với nền kinh tế Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế trong nước đang chậm lại, chiến tranh thương mại đang diễn ra dự kiến sẽ gây áp lực lớn hơn đối với tăng trưởng. Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc đang tăng lên. Điều này có thể sớm dẫn đến các cuộc biểu tình lao động và cựu chiến binh trên toàn quốc, ông Hạ nhận xét. Trong một cuộc họp báo chung với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tại Văn phòng Bầu dục vào ngày 18/9, Tổng thống Trump cho rằng Mỹ có thể đạt được thỏa thuận tại một số điểm. "Chúng ta đang có được nhiều tiến triển với Trung Quốc. Trung Quốc muốn đến và đàm phán. Chúng ta luôn sẵn sàng đàm phán. Nhưng chúng ta phải làm gì đó. Chúng ta có sự mất cân bằng thương mại to lớn với Trung Quốc", ông Trump thông báo. Quan điểm cứng rắn với Trung Quốc Trong nhiều tháng, Trung Quốc đã từ chối yêu cầu của Mỹ về việc thay đổi hoạt động thương mại không công bằng của mình. Chính quyền của Tổng thống Trump cáo buộc Trung Quốc đánh cắp các công nghệ chủ chốt và sở hữu trí tuệ (IP) từ các công ty Mỹ, sử dụng các thủ đoạn bao gồm đánh cắp trên mạng và trực tiếp, bắt ép chuyển giao công nghệ, lẩn tránh kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô, và đầu tư vào các công ty công nghệ cao . "Mỹ đã có 10 nghìn tỷ USD thâm hụt thương mại trong 20 năm qua. Điều đó có tác động rất lớn đến việc tạo ra việc làm ở đất nước này", ông Patrick Mulloy, cựu thứ trưởng Bộ thương mại Mỹ, phụ trách Thương mại Quốc tế, nói với Đài truyền hình Tân Đường Nhân (NTD), thuộc Tập đoàn Truyền thông Epoch. Theo ông Mulloy, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer nên phụ trách các cuộc đàm phán này, thay vì Bộ trưởng Tài chính Mnuchin. Ông Mullay cho rằng người Trung Quốc cũng bắt đầu nhận ra điều đó. "Bạn cần một nỗ lực đa phương để đàm phán với người Trung Quốc về một số điều họ đang làm. Và tôi nghĩ đó là những gì mà ông Lighthizer có trong suy nghĩ. Nhưng ông Lighthizer cần phải đạt được thỏa thuận NAFTA trước khi ông ấy có thể chuyển sự chú ý với toàn bộ thời gian của mình, cho vấn đề đó", ông Mulloy nhận xét. Ngoài ra, ông Mulloy tin rằng có một sự ủng hộ mạnh mẽ của cả 2 đảng đối với thuế quan mà ông Trump áp đặt lên Trung Quốc. "Đây không chỉ là vấn đề của ông Trump", ông Mulloy nhận xét, và lưu ý rằng các nghị sỹ Dân chủ chủ chốt như Thượng nghị sỹ lãnh đạo phe thiểu số Chuck Schumer (tiểu bang New York) và Thượng nghị sỹ Sherrod Brown (tiểu bang Ohio) "rất ủng hộ quan điểm cứng rắng hơn với Trung Quốc". Ông Mulloy cho rằng ngay cả khi đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Nghị viện vào tháng 11 tới, thì các nhà lập pháp sẽ tiếp tục ủng hộ sự cần thiết phải giải quyết xung đột thương mại với Trung Quốc. "Tôi nghĩ rằng cả hai đảng hiện đều quan tâm sâu sắc đến vấn đề này", ông Mulloy nhận định. Phạm Duy Có thể bạn quan tâm: | ||
Trung Quốc đang thua cuộc Chiến tranh Lạnh Mới Posted: 19 Sep 2018 08:35 PM PDT Khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trở nên bị ám ảnh với việc tìm hiểu nguyên nhân của sự kiện này. Các viện nghiên cứu của nhà nước quy trách nhiệm cho Mikhail Gorbachev, nhà lãnh đạo cải cách đơn giản là đã không đủ tàn nhẫn để giữ cho Liên Xô được toàn vẹn. Nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nhấn mạnh các yếu tố quan trọng khác, nhưng không phải yếu tố nào cũng được các nhà lãnh đạo Trung Quốc chú ý đến ngày ngày nay.
Chắc chắn là ĐCSTQ đã nằm lòng bài học quan trọng đầu tiên: thành tích kinh tế mạnh mẽ là điều cần thiết cho tính chính danh của Đảng. Và việc ĐCSTQ tập trung thúc đẩy tăng trưởng GDP trong vài thập niên qua đã mang lại "phép màu kinh tế", với thu nhập bình quân đầu người tăng vọt từ 333 đô la năm 1991 lên 7.329 đô la vào năm ngoái. Đây là lý do quan trọng nhất giúp ĐCSTQ giữ vững quyền lực. Nhưng việc giám sát một nền kinh tế đang suy sụp không phải là sai lầm duy nhất mà các nhà lãnh đạo Liên Xô gặp phải. Họ còn bị kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém và không thể thắng nổi với Hoa Kỳ, và trở thành nạn nhân của việc dàn trải sức mạnh quá mức, ném tiền và tài nguyên cho các chế độ ít giá trị chiến lược và nổi tiếng về quản lý kinh tế yếu kém. Khi Trung Quốc bước vào một "cuộc Chiến tranh Lạnh" mới với Mỹ, ĐCSTQ dường như có nguy cơ lặp lại những sai lầm thảm khốc tương tự. Thoạt nhìn, có vẻ như Trung Quốc không thực sự đang tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ. Xét cho cùng, ngân sách quốc phòng chính thức của Trung Quốc trong năm nay – khoảng 175 tỷ đô la – chỉ bằng một phần tư ngân sách 700 tỷ đô la được Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn. Nhưng chi tiêu quân sự thực tế của Trung Quốc được ước tính cao hơn nhiều so với ngân sách chính thức: Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Trung Quốc chi 228 tỷ USD cho quân đội vào năm ngoái, bằng khoảng 150% so với con số chính thức là 151 tỷ USD. Dù sao đi nữa thì vấn đề không phải là số tiền Trung Quốc chi cho vũ khí, mà là sự gia tăng chi tiêu quân sự nhất quán, điều ngụ ý rằng đất nước đang chuẩn bị tham gia vào một cuộc chiến tranh tiêu hao lâu dài với Mỹ. Tuy nhiên, nền kinh tế của Trung Quốc không được trang bị để tạo ra đủ nguồn lực nhằm hỗ trợ mức chi tiêu giúp mang lại chiến thắng trên mặt trận này. Nếu Trung Quốc có một mô hình tăng trưởng bền vững làm nền tảng cho một nền kinh tế hiệu quả cao, nó có thể đủ khả năng để duy trì một cuộc chạy đua vũ trang vừa phải với Hoa Kỳ. Nhưng Trung Quốc không có cả hai. Ở cấp độ vĩ mô, tăng trưởng của Trung Quốc có thể tiếp tục giảm tốc do sự lão hóa dân số nhanh chóng, mức nợ cao, sự chênh lệch thời điểm đáo hạn của tài sản và nợ (maturity mismatch) và cuộc chiến thương mại leo thang mà Hoa Kỳ đã khởi xướng. Tất cả điều này sẽ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên hạn chế của ĐCSTQ. Ví dụ, khi tỷ lệ phụ thuộc của người già tăng lên, chi phí chăm sóc sức khỏe và lương hưu cũng sẽ tăng lên. Hơn nữa, trong khi nền kinh tế Trung Quốc có thể hiệu quả hơn nhiều so với nền kinh tế của Liên Xô, nó lại không hiệu quả bằng nền kinh tế Mỹ. Lý do chính cho điều này là ảnh hưởng kéo dài của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của Trung Quốc, vốn chiếm một nửa tổng tín dụng ngân hàng toàn quốc nhưng chỉ đóng góp 20% giá trị gia tăng và việc làm. Vấn đề của ĐCSTQ là DNNN đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì chế độ độc đảng vì chúng được sử dụng để khen thưởng cho những người trung thành và tạo điều kiện cho sự can thiệp của chính phủ nhân danh các mục tiêu kinh tế vĩ mô chính thức. Việc loại bỏ những công ty cồng kềnh và không hiệu quả này sẽ là một hành động tự sát chính trị. Tuy nhiên, việc bảo vệ các doanh nghiệp này có thể chỉ trì hoãn một việc không thể tránh khỏi, bởi vì chúng càng được cho phép hút cạn các nguồn tài nguyên khan hiếm ra khỏi nền kinh tế bao nhiêu, thì cuộc đua chạy đua vũ trang với Hoa Kỳ sẽ càng trở nên khó đáp ứng – và thách thức đối với thẩm quyền của ĐCSTQ cũng trở nên ngày càng lớn. Bài học thứ hai mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã không nắm được là sự cần thiết phải tránh sự dàn mỏng nguồn lực đế quốc. Khoảng một thập niên trước, với thặng dư thương mại lớn mang lại một nguồn ngoại tệ mạnh dồi dào, chính phủ Trung Quốc bắt đầu chấp nhận những cam kết tốn kém ở nước ngoài và trợ cấp cho các đồng minh đã "chết cứng". Ví dụ điển hình là Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) được ca ngợi lâu nay. Đây là một chương trình trị giá 1 nghìn tỷ đô la tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng dựa trên vay nợ tại các nước đang phát triển. Bất chấp những dấu hiệu vấn đề từ sớm – điều cùng với kinh nghiệm của Liên Xô cho thấy ĐCSTQ nên tạm dừng sáng kiến này – nhưng Trung Quốc dường như quyết tâm thúc đẩy BRI, điều đã được các nhà lãnh đạo đất nước biến thành một trụ cột cho "đại chiến lược" mới của họ. Một ví dụ thậm chí còn nghiêm trọng hơn cho tình trạng dàn mỏng sức mạnh đế quốc là sự trợ giúp hào phóng của Trung Quốc đối với các nước – từ Campuchia đến Venezuela hay Nga – nhưng mang lại rất ít lợi ích. Theo dữ liệu AidData tại Trường Đại học William và Mary, từ năm 2000 đến năm 2014, Campuchia, Cameroon, Côte d'Ivoire, Cuba, Ethiopia và Zimbabwe đã nhận được tổng cộng 24,4 tỷ đô la viện trợ không hoàn lại hoặc các khoản vay ưu đãi cao của Trung Quốc. Trong cùng giai đoạn đó, Angola, Lào, Pakistan, Nga, Turkmenistan và Venezuela đã nhận được 98,2 tỷ USD. Bây giờ, Trung Quốc cam kết sẽ cung cấp 62 tỷ đô la các khoản vay cho "Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan." Chương trình đó sẽ giúp Pakistan đối mặt với cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán đang dần hiện hữu; nhưng nó cũng sẽ làm cạn kiện kho bạc của chính phủ Trung Quốc vào một thời điểm mà chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang đe dọa nguồn cung ngoại tệ bổ sung cho nó. Giống như Liên Xô, Trung Quốc đang vung tiền qua cửa sổ cho một vài quốc gia bạn bè để chỉ đạt được những lợi ích hạn chế trong khi ngày càng trở nên lún sâu vào một cuộc chạy đua vũ trang khó có thể duy trì. Cuộc Chiến tranh Lạnh Trung-Mỹ vừa mới bắt đầu nhưng Trung Quốc dường như đã trên đường trở thành người thua cuộc. Nguồn: "China is Losing the New Cold War", Project Syndicate, 05/09/2018. Biên dịch: Nguyễn Minh Khuê * Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân) là giáo sư ngành quản trị chính quyền tại Claremont McKenna College, và là nghiên cứu viên cao cấp không thường trú tại Quỹ German Marshall Fund of the United States. (Nghien cuu Quoc teĐ | ||
Trong 2 tháng nữa nền Kinh tế TQ sẽ rơi vào mô thức tan vỡ Posted: 19 Sep 2018 08:33 PM PDT Sau cú áp thuế 200 tỷ, Bắc Kinh có lẽ chỉ còn lại vốn liếng 60 tỷ và dốc hết nhưng chỉ với thuế suất 5% và 10%. Nghĩa là Bắc Kinh hết đạn trong cuộc chơi này rồi. Và giờ đây với bản chất cố hữu của chế độ Trung quốc, Bắc Kinh đang dùng tới các đòn bẩn là tác động vào cuộc bầu cử Mỹ bằng cách tấn công vào nông dân, chủ trang trại và lao động công nghiệp Mỹ để gây bất tín nhiệm với chính phủ Trump. Chưa rõ các ngón đòn Bắc Kinh sử dụng thế nào vì Trump không phân tích mà chỉ tố cáo trên Tweet, tuy nhiên với tỷ lệ tăng trưởng cao của nền kinh tế cộng với thị trường chứng khoán Mỹ càng khởi sắc khi đi sâu vào cuộc chiến thương mại, thì những đòn bẩn của Bắc Kinh khó phát huy tác dụng.
Ngay trong cuộc chiến thương mại, Mỹ không chỉ thắng Bắc Kinh ở thuế suất mà còn ở chỗ, trong khi Trung quốc vẫn cần nhập hàng Mỹ vì không có nguồn hàng thay thế thì ngược lại Mỹ không cần nhập hàng Trung quốc. Đây là ưu điểm tuyệt vời của nền kinh tế Mỹ khiến cho Bắc Kinh bối rối. Ngược lại với kinh tế Mỹ, kinh tế Trung quốc ngày càng đi vào hỗn loạn trên mọi lĩnh vực từ xuất khẩu đến đầu tư và sản xuất trong nước. Ông Hạ Giang Binh, chuyên gia phân tích tài chính nổi tiếng Trung Quốc khi trả lời phỏng vấn tờ "Nhật báo Bình Quả" (Hongkong) đã nhận định: nếu trong 2 tháng tới không giải quyết được vấn đề va chạm mậu dịch với Mỹ, kinh tế Trung Quốc sẽ rơi vào mô thức tan vỡ. Ông Hạ cho rằng, nhìn vào số liệu kinh tế của Cục Thống kê Trung quốc thì thấy tháng 8 đã trực tiếp rơi vào mô thức tan vỡ, và ông cho rằng "chiến tranh thương mại kéo dài 1 ngày thì kinh tế Trung Quốc sẽ sớm tan vỡ 1 năm". Xin nói thêm một chút về mô thức tan vỡ. Khi rơi vào mô thức này thì các chỉ số của nền kinh tế sẽ hướng đến sự tan vỡ trong tương lai gần chứ không phải là tan vỡ ngay lúc đó. Nhưng khi nền kinh tế đã vào mô thức tan vỡ thì không có phép màu nào có thể cứu vãn. Một điều cần lưu ý là, Trump sau một năm rưỡi ngồi ghế tổng thống, thực hiện xong nhiệm vụ chấn hưng nền kinh tế Mỹ rồi mới tiến hành chiến tranh thương mại. Nên thế chủ động của Mỹ rất cao. Đó là chưa kể nền kinh tế Mỹ là một nền kinh tế thực chất, khác với nền kinh tế Trung quốc là nền kinh tế bong bóng. Và sự tan vỡ của nền kinh tế bong bóng trong một cuộc chiến dữ dội như cuộc chiến này không tính bằng phép số học vì các hiệu ứng xô đẩy nhau theo dây chuyền. Thí dụ sự tháo chạy của nhà đầu tư sẽ dẫn đến tâm lý hoang mang, từ tâm lý hoang mang dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống tài chính... Cứ như thế các tác động sẽ cộng hưởng nhau một cách rất đáng sợ. Đó là chưa kể Trump không thực hiện đơn lẻ chiến lược áp thuế mà dùng tổng lực các chiến lược. Thí dụ hiện nay Trump kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ rút khỏi Trung quốc để quay về Mỹ. Vì thế nên sự sụp đổ của Trung quốc sẽ đến rất nhanh. Trần Đình Thu * Tôi sẽ cập nhật và phân tích liên tục các vấn đề liên quan chính trường Mỹ hiện thời và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, vì vậy các bạn nhớ bấm nút theo dõi trên fb tôi để không bỏ sót thông tin nhé. (FB Trần Đình Thu) | ||
TIẾT LỘ VỀ CUỘC GẶP GIỮA VÕ VĂN KIỆT VÀ DƯƠNG DANH DY TẠI HÀ NỘI Posted: 19 Sep 2018 08:24 PM PDT |
You are subscribed to email updates from NvPhamvietdao5.blogspot.com: Thế sự-Văn chương. To stop receiving these emails, you may unsubscribe now. | Email delivery powered by Google |
Google, 1600 Amphitheatre Parkway, Mountain View, CA 94043, United States |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét