“Tại sao không có biểu tình ngày 2 tháng 9?” plus 4 more |
- Tại sao không có biểu tình ngày 2 tháng 9?
- Hết ODA, 'nghề công chức' mất giá
- Câu hỏi đến 4 lãnh đạo cấp cao: khi nào chúng ta có thể sống tốt?
- Đồng bào Trần Huỳnh Duy Thức
- Nghĩ về một phẩm cách cao thượng (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 52)
Tại sao không có biểu tình ngày 2 tháng 9? Posted: 04 Sep 2018 08:41 PM PDT Thảo Vy
Chỉ có công an "biểu tình" vào ngày 2 tháng 9. Vì sao không có cuộc biểu tình nào diễn ra, mặc dù ròng rã trước đó suốt một tháng trời rất nhiều diễn đàn mạng xã hội, và cá nhân liên tục 'livestream' kêu gọi biểu tình? Linh mục Lê Ngọc Thanh (Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn) và nhà báo Trúc Giang cùng đi tìm câu trả lời. Có phải vì chính quyền ra tay đàn áp sớm?Linh mục Lê Ngọc Thanh nói rằng câu trả lời chính xác thì phải cần đợi một thời gian nữa để có thêm thông tin. "Nhưng chúng ta có thể nhìn sự việc của ngày 2 tháng chín, với lại ngày 10 tháng sáu để so sánh, thì chúng ta thấy thời điểm của ngày 2 tháng chín, trước đó hơn một tháng bắt đầu có nhiều nhóm khởi động đặt vấn đề có nên biểu tình hay không, cuối cùng đi đến việc cho rằng biểu tình rất là cần thiết. Ngay sau đó có nhiều video 'livestream' mang tính tập huấn về kỷ năng biểu tình rất là rầm rộ. Tất cả tạo cảm giác là sẽ có cuộc biểu tình rất là lớn nổ ra ở Việt Nam, ít nhứt là nổ ra ở Sài Gòn và Hà Nội. Điểm thứ hai cần lưu ý là cái khởi động đó đa số xuất phát từ các anh chị em người nước ngoài gốc Việt, như ở Úc, như ở Mỹ, như ở Âu Châu. Điều đó cho thấy nó khác biệt căn bản với hôm 10 tháng sáu. Hôm 10 tháng sáu thì cái khởi động của nó chỉ trong vòng 8 ngày thôi. Tức là khoảng mùng 1 đến mùng 8 tháng sáu. Mùng 9 là đã bắt đầu đi vào hoạt động rồi với vụ việc công nhân ở khu công nghiệp Pouchen tại Bình Tân, Sài Gòn. Cái khởi động của đợt đầu tháng sáu đó là xuất phát tại Việt Nam. Một nhóm nào đó cho đến giờ phút này vẫn chưa thể gọi tên chính xác đã tổ chức. Chính các anh an ninh còn nói ra các mệnh đề như vậy. "Chắc là mình phải đi biểu tình, kẻo mình bị mất nước tới nơi rồi". Cái nữa mà chúng ta cần chú ý, là ở thời điểm của ngày 2 tháng 9 tại Sài Gòn, thì trước đó vài ngày bầu không khí căng thẳng gia tăng, với những tuyên truyền lên án biểu tình của nhà cầm quyền bắt đầu xuất hiện. Từ những tờ rơi gửi vào các công ty giáp ranh Sài Gòn, Bình Dương, Long An, Đồng Nai; gửi đến từng công nhân nói rằng cuộc biểu tình là do phản động giật dây, bà con không nên tham gia kẻo bị bắt. Rồi một số khu phố ở thành Hồ cũng được phát những tờ rơi này. An ninh và công an khu phố bắt đầu làm nhiều cái việc mang tính đe dọa cộng đồng. Tối hôm trước ngày 2 tháng chín, khi chúng tôi đến dự sinh nhật con của một người bạn ở bên hông nhà thờ Phú Trung, thì an ninh đi theo và họ dừng xe ngay cái chỗ mình để xe, như thể họ đứng coi xe dùm mình vậy. Có một người chị em còn bị họ đưa lên xe chở tới nơi rồi họ đứng đợi. Khi ra về thì họ cũng lấy xe và đi theo sát vậy thôi. Tức là họ muốn gây ra một sự lo lắng hoảng sợ. Trong khi thời điểm của ngày mùng 9 tháng sáu, điều ấy không xảy ra. Đúng hơn là chỉ xảy ra với một số nhà hoạt động đặc biệt thôi". Áp đặt chính trị từ những lời kêu gọi biểu tình"Tôi nhớ cái bầu không khí ngày mồng 7, 8, 9 tháng sáu, thậm chí là có một số anh an ninh mà hay lảng vảng ở các khu phố dân cư, nhắc khéo: "chắc là phải đi biểu tình". Chính các anh an ninh còn nói ra các câu như vậy. "Chắc là mình phải đi biểu tình, kẻo mình bị mất nước tới nơi rồi". Y như có kiểu cò mồi từ phía các giới chức. Và ngay những bà đạo đức ở Hội Legio Mariae, cầu nguyện thôi mà cũng bảo với tôi là chủ nhật này phải đi biểu tình, không mất nước tới nơi rồi. Tức là đã có một cái cách tiếp cận cộng đồng khá hữu hiệu trong chuyện kêu gọi xuống đường biểu tình". Linh mục Lê Ngọc Thanh biện giải. Vẫn theo lời của linh mục Thanh, lần kêu gọi biểu tình dịp đầu tháng chín, xuất phát từ bên ngoài Việt Nam, mặc dù anh chị em ngay tại Sài Gòn cũng muốn biểu tình đòi hỏi những quyền lợi dân sinh và quyền chính trị được Hiến pháp bảo hộ. "Kêu gọi biểu tình 2 tháng chín vì mục đích gì? Hoàn toàn chưa rõ ràng. Nếu cụ thể là cần đình hoãn để sửa đổi những điều không hợp lý ở Luật An ninh mạng, nghĩa là cuộc biểu tình phải có mục đích cụ thể, thì chắc là tôi cũng tham gia, vì luật này ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận và tự do chính trị của công dân". Linh mục Lê Ngọc Thanh chia sẻ. Nhà báo Trúc Giang nhìn nhận chính việc một số cá nhân người nước ngoài gốc Việt kêu gọi người Việt trong nước biểu tình, với những mệnh đề mang tính mệnh lệnh cảm tính, xa rời thực tế của đời sống Việt Nam nên khó thể tạo hiệu ứng cộng đồng ủng hộ. "Tại sao lại kêu gọi biểu tình lật đổ, và cho rằng các thế lực quân sự nước ngoài đang sẳn sàng tham gia vào cuộc lật đổ này? Ai sẽ lãnh đạo cuộc biểu tình đó? - Không có câu trả lời. Lật đổ như vậy có phải là đảo chánh? - Không có câu trả lời. Ở Thái Lan, biểu tình có thể làm nên một cuộc lật đổ, vì đơn giản là quân đội xứ Thái đứng ngoài các đảng phái chính trị". Nhà báo Trúc Giang nhận định. Cùng quan điểm với linh mục Lê Ngọc Thanh, trong biểu tình hôm 10 tháng sáu rồi, nhà báo Trúc Giang tin chắc là có kịch bản công phu của thế lực đủ mạnh trong chính quyền ngay tại Sài Gòn; và có thể thế lực ấy được thêm sự yểm trợ của Quân khu 7, mà vụ việc bạo động ở tỉnh Bình Thuận là một liên tưởng. Thấy gì từ lời kêu gọi của Chủ tịch và cựu Chủ tịch Nước? Sáng 30 tháng tám, 2018, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp cùng với Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức lễ ra mắt "Sách vàng Sáng tạo Việt Nam". Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. "Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, tư vấn, phản biện của các nhà khoa học" là những cụm từ nhấn mạnh trong diễn văn của ông Trần Đại Quang.
Bài viết về quyền lực và trách nhiệm của cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trên báo Tuổi Trẻ Phải chăng việc kêu gọi "Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng", cùng với bài báo "Thời gian và cơ hội không chờ chúng ta" trên tờ Tuổi Trẻ (báo in, phát hành ngày 1 tháng chín, 2018) của cựu Chủ tịch Trương Tấn Sang, là những dấu chỉ cho một cuộc biểu tình khác về sự cấp thiết điều chỉnh thể chế chính trị của Việt Nam? T.V. VNTB gửi BVN | |
Hết ODA, 'nghề công chức' mất giá Posted: 04 Sep 2018 08:03 PM PDT Phạm Chí Dũng
Đồng hồ nợ công của tạp chí The Economist nêu con số nợ công của Việt Nam vào ngày 16/7/2017 là hơn $94 tỉ. (Hình: Trích từ website của The Economist) Tiệc ăn chực nào cũng phải có lúc tàn. Chẵn một phần tư thế kỷ từ lúc bắt đầu 'ăn đủ, ăn dày' nguồn tiền ODA - viện trợ phát triển chính thức - của thế giới 'tư bản giãy chết', đến tháng Tám năm 2018 chính thể độc đảng ở Việt Nam đã phải gián tiếp thừa nhận hiện thực nợ công ngập đầu: ODA chỉ còn rất ít hoặc sẽ hết sạch. Những ai sẽ phải thất vọng và tuyệt vọng? Đứng đầu bảng nạn nhân của hậu quả nợ công ODA là dân. Luôn là nhân dân. Núi nợ 210% GDP và quả báo ứng nghiệm! Liệu con số 35 triệu đồng nợ công đè lên mỗi đầu dân từ người già sắp chết đến trẻ sơ sinh mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan có trách nhiệm chính 'quản lý nguồn vốn ODA' nhưng từ mấy năm qua đã có nhiều biểu hiện muốn 'nghỉ ngơi vì quá no' và muốn đẩy bớt trách nhiệm cho các cơ quan khác như Bộ Công thương, Ngân hàng nhà nước, Văn phòng Chính phủ cũng đang 'no' không kém - công bố có đúng với thực tế? Thực tế còn khốn quẫn hơn nhiều, rất nhiều. Trong khi vào thời Thủ tướng bị xem là 'phá chưa từng có' - Nguyễn Tấn Dũng - trị vì 9 năm và cũng là thời vay mượn ODA xả láng bất cần hậu quả, tỷ lệ nợ công quốc gia luôn bị ép dưới 65% GDP - tức chỉ khoảng 130 tỷ USD, thì con số nợ công trần trụi hơn rất nhiều đã lên tới 431 tỷ USD - tức chiếm đến 210% GDP, vượt rất xa ngưỡng cho phép 65% GDP (theo tiêu chí thế giới) và thực chất đã quá nguy hiểm đối với một đất nước mà mức độ tàn tạ về tài nguyên thiên nhiên và ngân sách luôn tỷ lệ thuận với thói 'ăn của dân không chừa thứ gì'. Việt Nam đương đại năm 2018 và 'toàn đảng, toàn quân, toàn dân lập thành tích tiến tới đại hội 13' vào năm 2021. Trong cơn mê sảng quằn quại giai đoạn cuối, quả báo đã ứng nghiệm. Hạn ngạch đạo đức hay giới hạn chấm mút? Quả báo ODA đã chính thức bắt đầu từ năm 2012. Ngay trước thềm hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ giữa kỳ năm 2012, Bộ Ngoại giao Đan Mạch đã không ngần ngại tuyên bố ngừng 3/4 dự án ODA tài trợ cho Việt Nam do nghi ngờ một số cơ quan đơn vị sử dụng chi sai khoảng 11,4 tỷ đồng trên tổng số tiền 69 tỷ đồng do Đan Mạch tài trợ, tương đương khoảng 19,9 triệu cua-ron. Đến năm 2013, Thụy Điển đã bắt buộc phải ngừng vô thời hạn các khoản viện trợ ODA cho Việt Nam sau khi phát hiện hàng loạt gian dối của quan chức Việt. Sau đó cả Bộ Ngoại giao Australia vài vài quốc gia khác cũng bắt đầu cắt giảm viện trợ. Một trong những "gương người tốt việc tốt" ghê gớm nhất là vụ PMU18 vào năm 2006, với hình ảnh rất tiêu biểu của Trưởng ban PMU18 Bùi Tiến Dũng thuộc Bộ Giao thông Vận tải - một kẻ tắm bia khi quan hệ với gái. Sau đó, báo chí Nhật Bản - chứ không phải báo chí Việt Nam - đã phát hiện công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương của Nhật đã phải hối lộ cho quan chức Việt Nam phụ trách dự án đại lộ Đông-Tây ở Sài Gòn một phần hoa hồng tương đương 10% giá trị hợp đồng. Lúc đó cũng là một Trưởng ban của PMU Đông-Tây là Huỳnh Ngọc Sĩ đã nhận số tiền hối lộ trên 800.000 đô la. Chỉ vài tuần lễ sau khi xảy ra vụ việc 6 quan chức ngành đường sắt Việt Nam bị bắt tạm giam do bị nghi nhận tổng cộng 16 tỷ đồng tiền hối lộ từ công ty Tư vấn Giao thông Nhật Bản (JTC), vào đầu tháng Sáu năm 2014, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã ra thông báo cho biết các khoản vay mới bằng đồng yen và các khoản tài trợ cho dự án đường sắt đô thị Hà Nội đã bị đình chỉ. Hạn ngạch đạo đức giới quan chức tham nhũng ODA đã không còn biết giới hạn chấm mút là gì. Thậm chí còn có những tỉ lệ tham nhũng, thất thoát cụ thể đối với ODA ở Việt Nam. Trong một lần hiếm hoi được 'mở miệng', báo điện tử Vietnamnet đã nêu ra một minh họa cụ thể: từ năm 2009-2010, sau khi Đại sứ quán Nhật tại Việt Nam loan báo sẽ viện trợ không hoàn lại để một số tỉnh xây trường học, đường sá hạ tầng thì có một phụ nữ mà tờ báo không dám nêu tên, chỉ cho biết là cư ngụ tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, đã liên lạc với lãnh đạo nhiều xã ở Hà Tĩnh để đặt vấn đề chạy dự án, với điều kiện khi thành công phải cắt cho bà ta 40%. Sau đó nguồn vốn ODA đã được rót về cho ba xã ở Hà Tĩnh, trong đó có một xã tên là Gia Phố được nhận 80,000 đô la để xây dựng trường tiểu học. Chính quyền xã này đã lấy 8.000 đô la chia cho nhau, rồi lấy thêm 24.000 đô la chi cho người phụ nữ làm môi giới. Tỉ lệ 40% tương tự cũng xảy ra ở huyện Cẩm Xuyên. Do bị ăn chặn thảm thiết đến thế, các cơ sở giáo dục, đường sá ở ba xã trên đều sụt giảm mạnh về quy mô và chất lượng. Còn rất nhiều dẫn chứng khác về lãng phí và "ăn dày" ODA, đặc biệt là những dự án sử dụng vốn ưu đãi trong lĩnh vực giao thông bị chậm tiến độ và đội vốn lớn so với tổng mức dự kiến đầu tư ban đầu như dự án tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội, dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông ở Hà Nội, dự án xây dựng tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) và dự án metro tuyến Bến Thành-Tham Lương ở Sài Gòn... Thế nhưng điều quái lạ là cho đến nay, bất chấp yêu cầu trong rất nhiều lần các tổ chức tài trợ quốc tế và giới chuyên gia phản biện trong nước, ở Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ tổ chức giám kiểm độc lập nào cho một khu vực được coi là nhạy cảm như ODA. Những tổ chức phi chính phủ Việt Nam muốn làm việc này thì không được cho phép thành lập, trong khi đó những tổ chức phi chính phủ nước ngoài vốn có truyền thống kiểm định những dự án lớn như thế này lại chưa hoạt động ở Việt Nam, và cũng chưa được được một cơ quan nhà nước Việt Nam nào mời. Các cơ quan quản lý Việt Nam chỉ muốn 'ôm' và 'ăn'… Cạn ODA và bi kịch vĩ đại 2018, sau vài chục năm "vay mượn, vay mượn ồ ạt cho đến khi sụp đổ", ngân sách Việt Nam đã biến thành một tổ mối đúng nghĩa: tỉ lệ nợ công/GDP vượt xa giới hạn nguy hiểm, còn cộng đồng tài chính quốc tế đang thẳng tay "cấm cửa" vay mượn ODA đối với chính thể mà ngay giới chuyên gia quốc tế còn rành rẽ một giai thoại dân gian: một chương trình an sinh xã hội của Chính phủ Việt Nam nhận nguồn ODA có tên là 'Chương trình 135', nhưng khi tiền được phân bổ từ cấp cơ quan trung ương xuống cơ quan địa phương rồi đến tay người dân thì đã biến thành công thức '5 - 3 - 1', tức những người khốn khổ nhất trong xã hội lầm than này chỉ nhận một phần quá nhỏ nhưng vẫn phải tự nguyện 'cám ơn đảng và nhà nước ta', cũng tự nguyện làm bình phong để giới quan chức có cớ 'xóa đói giảm nghèo' để xin ODA. 2018, sau vài chục năm nhận 'lộc trời', ODA đã trở thành một trong những bi kịch 'vĩ đại' nhất của chính thể Việt Nam. Bi kịch đến nỗi mà vào một buổi sáng mùa thu năm 2017, Thủ tướng Phúc đã phải "đề nghị Ngân hàng thế giới tìm kiếm nguồn vốn tài trợ cho Việt Nam các khoản không hoàn lại để giảm tối đa làm chi phí vay vốn, tăng thành tố ưu đãi của các khoản vay" - cử chỉ xin tiền đầu tiên và hình như không còn quá chú tâm về lòng tự trọng kể từ ngày quan chức này phải lãnh trách nhiệm 'đổ vỏ' cho đời Thủ tướng trước bị xem là 'phá chưa từng có' là Nguyễn Tấn Dũng… Bi kịch đến mức mà vào cuối tháng Sáu năm 2018, cuộc gặp của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với Bộ Tài chính Hoa Kỳ ở Washington đã khiến lộ ra một 'bí mật quốc gia' mà mấy năm qua giới quan chức Việt Nam cố tình giấu nhẹm: ông Huệ đề nghị Mỹ "mở lại kênh cho vay ODA và vay ưu đãi cho Việt Nam, tăng cường các chương trình viện trợ trực tiếp và gián tiếp thông qua các tổ chức phi chính phủ để thực hiện các dự án nhân đạo và hỗ trợ phát triển tại Việt Nam". Cũng có nghĩa là trong những năm gần đây, lượng ODA và viện trợ không hoàn lại được cấp từ Mỹ cho Việt Nam đã giảm về 0. Nhưng Mỹ không phải là quốc gia duy nhất đặt Việt Nam vào trạng thái zero viện trợ, mà động thái này như thể 'không hẹn mà gặp' đã diễn ra phổ biến ở gần hết các nước cấp viện trợ cho Việt Nam, dẫn đến một phát hiện lớn mà 'đảng và nhà nước ta' đã không dám công bố trong suốt 4 năm qua: từ năm 2014 đến năm 2018, viện trợ ODA cho Việt Nam luôn cận kề với vạch 0. Đến lúc này, người ta đã có thể hiểu vì sao giới quan chức cao cấp Việt Nam đã tận dụng các sự kiện hội thảo quốc tế, các cuộc gặp song phương ở Hà Nội lẫn các chuyến công du nước ngoài để phát ngôn 'xin tiền' không biết mệt mỏi. Hết mật, sạch ruồi và 'tìm đâu ra nhân tài' 2018 rất có thể là năm chứng kiến sự sụt giảm thảm thiết nhất của nguồn vốn ODA (viện trợ phát triển chính thức) vào Việt Nam, bổ túc một dấu ấn cho năm 'thắng lợi kinh tế chưa từng có' và 'tiếp tục gặt hái nhiều thành công đối ngoại' theo lối tuyên truyền không còn biết trời cao đất dày của chính thể độc đảng này, chìm nghỉm trong bức tranh tổng thể mang gam màu xám ngoét - được đặc tả bởi sự phối ngẫu của ba thành phần 'binh chủng hợp thành': nợ công - nợ xấu - ngân sách. Tháng Tám năm 2018, tròn một năm sau khi Việt Nam bị các tổ chức tín dụng quốc tế là Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB) chính thức tăng lãi suất cho vay gấp 3 lần và giảm thời gian ân hạn xuống chỉ còn một nửa, các cơ quan quản lý trên dải đất 'lệ tuôn hình chữ S' cùng giàn đồng ca của hơn nhiều tờ báo nhà nước một lần nữa rên la thống thiết 'Gánh nặng ODA', 'Nhiều dự án vay vốn ODA không có khả năng trả nợ', 'Xác định rõ trách nhiệm để ODA vượt trần 300.000 tỷ', 'Cân nhắc sử dụng nguồn ODA', 'ODA đã hết hấp dẫn'… Không chịu cải cách thể chế, cũng chẳng chịu cải thiện nhân quyền một cách thực tâm, chi tiết và bằng hành động mà vẫn là thói trớt trả miệng lưỡi như trước đây, chính thể độc trị ở Việt Nam vào năm 2019 có thể sẽ nhận được con zero to tướng giá trị ODA mà các tổ chức quốc tế ký kết với Việt Nam. Nghề công chức liên quan đến nhiệm vụ 'tiếp nhận và điều tiết nguồn viện trợ ODA' ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Sở Kế hoạch và Đầu tư ở các tỉnh thành cũng bởi thế đang và sẽ kém hẳn phần hấp dẫn so với thời vàng son trong dĩ vãng. Nếu trong dĩ vãng phải chạy tiền đậm mới có thể được trở thành công chức ngồi thực thi công thức '5 - 3 - 1', thì nay và những năm tháng tới, chỗ nào hết mật sẽ tự nhiên sạch bóng ruồi. Nếu dân Việt tuyệt vọng vì núi nợ công trên đầu mình thì giới quan chức cũng cuống cuồng thất vọng: chẳng còn gì để 'ăn'. Hẳn đó là nguồn cơn vừa sâu xa vừa trực tiếp đã khiến gần đây một số quan chức Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải than vãn 'khó tìm được nhân tài' cho bộ này… P.C.D. Tác giả gửi BVN | |
Câu hỏi đến 4 lãnh đạo cấp cao: khi nào chúng ta có thể sống tốt? Posted: 04 Sep 2018 07:58 PM PDT Ánh Liên Đô Thành, một xã thuộc huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An rất đặc biệt, vùng đất này có trên 300 tỷ phú, 2.000 ngôi nhà từ 2 đến 4 tầng, 200 xe ô tô các loại. Xã Đô Thành là hình ảnh thu nhỏ của Nghệ An, một vùng đất nhiều ô tô và nhà cao tầng - biểu hiện cho cuộc sống sung túc. Và cũng như Nghệ An, tại Hà Tĩnh hay các vùng đất khác của đất nước, xuất khẩu lao động đã trở thành phương pháp đổi đời; về mặt vĩ mô thì bản thân xuất khẩu lao động trở thành một phương thức thu hút ngoại tệ về trong nước. Nhưng!Một người phụ nữ giúp việc 46 tuổi (ở tỉnh Hòa Bình) bị 'thằng Lùn' ở Ả Rập Saudi đánh đập dã man. Một 'du học sinh', người huyện Yên Thành (Nghệ An) là Bùi Thị Diện (1992) đột quỵ tại Nhật Bản. Những ngôi nhà ở ghép chật chội, những công việc hiểm nguy, những đồng lương chắt chiu với việc ăn uống tạm bợ là điều mà hầu hết người Việt theo diện 'xuất khẩu lao động' phải 'thụ hưởng'. Đồng tiền từ xuất khẩu lao động hay 'du học sinh' mang về từ Ả Rập Saudi, Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan,… vẫn tiếp tục chảy về Việt nam. Quan chức Việt nam hoan hỉ trước nguồn thu lớn này, và đặt mục tiêu xuất khẩu lao động năm sau hơn năm trước. Trong khi đó, tình trạng bị bạc đãi của người lao động nơi xứ người, và những cái chết vì 'đột quỵ' ở những người 'du học sinh trẻ' tiếp tục diễn ra. Xuất khẩu lao động là phương pháp 'thoát nghèo' tạm thời, người Việt có thể hy sinh một hoặc hai thế hệ lao động nơi xứ người để đời con cháu họ tốt hơn, nhưng ai trong đội ngũ quan chức Việt nam nghĩ được đến đó?
Những 'du học sinh' kiêm lao động người Việt tại Đài Loan. Người viết luôn kỳ vọng một ngày ông Tổng Bí thư Đảng CSVN ngồi lắng nghe xem người xuất khẩu lao động đang nghĩ gì; bà Chủ tịch Quốc Hội có thể lắng nghe những tâm sự đầy cay đắng mà dân lao động nước ngoài phải gánh chịu; ông Thủ tướng nghe những ưu tư từ những gia đình có con là lao động bị 'đột quỵ' hoặc chết vì tai nạn nghề nghiệp; ông Chủ tịch nước có thể ngồi nghe chia sẻ về những bất công mà người lao động Việt nam gánh nơi xứ người. Nhưng không, chưa từng có vị nào trong nhóm tứ trụ chịu khó 'tiếp xúc' với người lao động tha hương, họ chỉ 'chia sẻ' với những đồng ngoại tệ chuyển về, phấn khởi với những ngôi nhà cao tầng và ôto mọc lên như một 'thành tựu đổi mới kinh tế' do sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Nhà nước. Chưa một ai trong tứ trụ từng phát biểu quan điểm rằng, xuất khẩu lao động là chuyện chẳng đừng, và lãnh đạo hứa sẽ chấm dứt câu chuyện người Việt nam làm 'culi xứ người' trong tương lai bằng tạo việc làm trong nước, nâng cao thu nhập người lao động, sử dụng những đồng ngoại tệ quý giá để giảm khoảng cách giàu nghèo và biến Việt nam trở thành một nước tiên tiến. Không ai cả, và chắc hẳn chẳng hề có một ưu tư, một giọt nước mắt nào từ các vị lãnh đạo 'bề trên' khi báo chí nhắc về tình trạng bạc đãi lao động Việt ở nước ngoài, kể cả những cái chết vì lao động quá sức. Có lẽ, vì thời gian của 'lãnh đạo bề trên' dành cho sự hô hào và tuyên truyền, thời gian dành đấu tranh với các 'thế lực phản động' và tìm lý do để biện minh cho cái nghèo của quốc gia. Một phút cho người lao động tha hương cũng chưa bao giờ có. Vì vậy, khi ông Tổng Bí thư đề cập về một 'đất nước phát triển, dân tộc trường tồn' của dân tộc dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN, hay khi ông Thủ tướng đề cập về một Singapore tại Việt nam, chỉ thấy đó là một sự hênh hoang, và vô cảm. Bởi ngay đồng ngoại tệ mà dân xuất khẩu lao động mang về, các ông chưa từng một lần cảm ơn trên báo chí, chưa một lần cay đắng đón nhận nó, và chưa một lần quý trọng nó. Khi một sự chia sẻ, một giọt nước mắt còn không dành cho người lao động tha hương, thì đừng bao giờ đề cập đến một Việt nam cường thịnh. Dường như, hầu hết quan chức Việt nam (bao gồm cả hơn hai trăm mấy con người ngồi ghế Đại biểu Quốc hội, mười mấy vị Ủy viên Bộ chính trị, và bốn vị lãnh đạo cấp cao) khi nhìn sang Hàn Quốc, chỉ thấy sự hùng cường,... Họ tin rằng, đó là do 'phép màu' từ trên trời rơi xuống, một số khác lại nhận định đó là vai trò của Chaebol. Nhưng sẽ hiếm ai nghĩ rằng, Hàn Quốc ngày hôm nay, có một phần góp công cực kỳ lớn lao và đầy nước mắt của những đoàn người xuất khẩu lao động. Từ năm 1959 đến năm 1977, 7.936 thợ mỏ và 10.723 y tá đã được Chính phủ Hàn Quốc xuất khẩu sang Tây Đức. Những người này đã đưa một nguồn ngoại tệ quý giá về Hàn Quốc, và phép màu Hàn Quốc được ghi nhận từ bước đệm 'sự hy sinh' của nhóm người lao động này. Không chỉ Tây Đức, mà còn có cả nguồn lao động sang Kuwait. Những nữ y tá không dừng ở việc thông thường như y tá sở tại, họ phải lao động cật lực tại các bệnh viện vùng nông thôn, với việc dọn dẹp phòng, vệ sinh nhà vệ sinh, phân phối thuốc (tức kiêm cả việc điều dưỡng),... Trong khi thợ mỏ, đã phải làm việc 10 giờ đồng hồ/ ngày, trong lòng đất 1.000 m (nhiệt độ luôn ngưỡng 30 độ C), đeo trên mình 50kg thiết bị, và khi nhóm đầu tiên khi rời Tây Đức năm 1963 hầu hết họ bị gãy xương. Nếu so mức độ cực nhọc và độ chăm chỉ của người lao động Hàn Quốc lúc đó, thì người lao động Việt nam bây giờ có kém gì? Nhưng may mắn cho người lao động Hàn Quốc, họ có một Park Chung Hee, còn người lao động Việt nam 'may mắn' có sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Nhà nước. Vào ngày 10.12, năm 1964, khoảng 300 thợ mỏ và y tá tụ họp trong hội trường của một công ty khai thác mỏ ở Hamborn (Ruhr) trong buổi gặp mặt với Tổng thống Park Chung Hee, người đang có chuyến thăm nhà nước tới Tây Đức. 'Tổng thống nước người ta' bước lên bục giảng và bắt đầu bài phát biểu của mình. Nhưng ông ta không phát biểu với sự hoan hỉ, vui mừng, trái ngược lại – Park Chung Hee cay đắng thừa nhận nỗi cay đắng về sự 'ly hương' này. Ông phát biểu: "Nhìn vào những khuôn mặt rám cháy của các bạn, tôi rất đau đớn. Tất cả mọi người đang mạo hiểm tính mạng đi xuống hàng nghìn mét dưới lòng đất. Các bạn phải cố gắng làm công việc vất vả này vì Hàn Quốc đang rất nghèo khó." Ông ta nhận thức được cái giá của việc xuất khẩu lao động Hàn Quốc, và ông đã cam kết sẽ chấm dứt nạn xuất khẩu này trong tương lai, thời điểm mà Hàn Quốc trở thành cường quốc. "Mặc dù chúng ta đang trải qua giai đoạn khó khăn này, chúng ta không thể để nghĩa vụ vượt qua đói nghèo này cho thế hệ con cháu chúng ta. Chúng tôi phải làm một phần để chấm dứt nghèo đói ở Hàn Quốc để thế hệ tiếp theo không trải qua những gì chúng tôi đang trải qua". Ông Park Chung Hee nói trong bối cảnh ông đến Đức vay tiền trong tư thế người đứng đầu một quốc gia nghèo (hạng 3), và ông phải cam kết bằng danh dự của chính khách để đảm bảo sẽ trả lại nguồn tiền vay đó. Kết quả, ông đã trả lời câu hỏi của hàng trăm người lao động Hàn Quốc tại Tây Đức thời điểm đó, rằng: "Tổng thống, khi nào chúng ta có thể sống tốt?" Nước mắt của những lao động trẻ đã rơi, vì Tổng thống của họ hiểu họ. Ở Việt nam có hẳn 'tứ trụ', nhưng ai hiểu người lao động ly hương? Thế nên, vào năm 2017, ông Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương ngành LĐ-TB & XH vì mục tiêu xuất khẩu lao động tới 135.000 người được hoàn thành, trong bối cảnh, những cái chết, sự bạc đãi, tủi nhục,… của người lao động ly hương vẫn diễn ra. Khi xuất khẩu lao động chưa được coi là 'quốc nhục' thì hùng cường còn lâu mới hiện diện! Câu hỏi đang đặt ra: "Tổng Bí thư Đảng CSVN quang vinh, Thủ tướng Việt nam kiến tạo, Chủ tịch nước Việt nam tự do, Chủ tịch Quốc hội Việt nam thượng tôn pháp luật,... khi nào chúng ta có thể sống tốt?". Đáp: "Có lẽ đến hết thế kỷ này không biết đã sống tốt chưa!." * Bài viết là quan điểm riêng của tác giả. A.L. VNTB gửi BVN | |
Posted: 04 Sep 2018 07:54 PM PDT Đỗ Thành Nhân Đồng bào để chỉ những người cùng một giống nòi, một dân tộc, một Tổ quốc với mình (hàm ý có quan hệ thân thiết như ruột thịt). Theo nghĩa đen, "đồng bào" có nghĩa là "cùng một bọc" hay là "cùng một bào thai" và chỉ anh em ruột thịt cùng cha cùng mẹ. Ở Việt Nam có truyền thuyết "trăm trứng trăm con" với mục đích giáo dục tất cả các dân tộc Việt, nguyên thủy đều là anh em được sinh ra từ trong một bọc. Với người cha là Lạc Long Quân là cốt nhục của Rồng vè mẹ là Âu Cơ là huyết thống của tiên nữ; "con rồng cháu tiên" cũng từ sự tích này. Tôi đã đi nhiều nơi, gặp gỡ nói chuyện với nhiều người ở các thành phần xã hội khác nhau, nhận thấy: - người miền Nam, không biết Đồng Tâm ở đâu, không có người thân ở Đồng Tâm (Tp Hà Nội), nhưng khi nghe "sự kiện Đồng Tâm" cũng vô cùng bức xúc. - người miền Bắc, mặc dù không có tấc đất nào ở Thủ Thiêm (Tp Hồ Chí Minh), nhưng khi xem xong "sự kiện Thủ Thiêm" thì cũng vô cùng phẩn nộ. Những sự kiện như vậy xảy ra ở Trung Quốc lại không tạo ra phản ứng xã hội mạnh như vây. Rõ ràng người thể hiện sự bức xúc, phẩn nộ đã đồng cảm với những người dân Đồng Tâm, Thủ Thiêm; không phải là họ sẽ được m2 đất nào, mà chính vì tình nghĩa "đồng bào". Lên tiếng vì Đồng Tâm, Thủ Thiêm để trong tương lai, chính chúng ta không phải như những người Đồng Tâm, Thủ Thiêm. Ngày hôm nay, một đồng bảo của chúng ta là anh Trần Huỳnh Duy Thức đang ở trong nhà tù của chế độ Cộng sản - từ đây tôi xin viết hoa từ "Anh" để nói về Trần Huỳnh Duy Thức. Nhà nước kết tội Anh, nhưng Anh không nhận tội. Cũng như Nelson Mandela đã từng bị kết tội "phản quốc" năm 1956, Nam Phi; cũng như Tống Văn Sơ bị bắt và kết tội "thành phần nguy hiểm cho chế độ" năm 1931, Hồng Kông. Anh Trần Huỳnh Duy Thức bị bắt và kết tội đã "thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân". Anh có tội hay không sẽ để lịch sử phán xét. Với tôi: Anh là một người tài năng, yêu nước; một chính nhân. - Anh là một "chính nhân"; cũng như Nelson Mandela, Anh dám nhận những việc anh đã làm và chấp nhận tù tội. Khác với Tống Văn Sơ, mặc dù là người tham gia Quốc tế 3 Cộng sản, sáng lập đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, nhưng lại phủ nhận mình là "người cộng sản". - Anh là một người "tài năng, yêu nước"; cũng như Nelson Mandela, khởi điểm con đường chính trị là một Cử nhân; Anh Trần Huỳnh Duy Thức khởi điểm con đường chính trị là một Kỹ sư, doanh nhân với "Con đường Việt Nam". Không phải phiên tòa nào cũng đúng và bản án nào cũng nhân danh công lý. Nếu có công lý, thì đã không có những tử tù "Huỳnh Văn Nén", "Hàn Đức Long"; nên Trần Huỳnh Duy Thức có tội hay không, hãy để cho lịch sử phán xét. Nhưng cứ cho là Trần Huỳnh Duy Thức có tội là "thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân". Theo phân tích của Luật sư Ngô Ngọc Trai thì cũng đã đến lúc nhà cầm quyền phải trả tự do cho Anh "căn cứ vào quy định mới tại Điều 109 Bộ luật hình sự năm 2015 đã sửa đổi Điều 79 Bộ luật hình sự năm 1999, bổ sung nội dung phân biệt xử lý hành vi chuẩn bị phạm tội với mức án chỉ từ 01 đến 05 năm tù nhẹ hơn rất nhiều so với hành vi phạm tội". Trần Huỳnh Duy Thức - một "đồng bào" của chúng ta; ngày hôm nay Anh đang tuyệt thực để yêu cầu nhà nước tôn trọng luật pháp do chính họ đặc ra. Từng người có quyền biểu lộ tình cảm với "đồng bào" của mình, cũng như "sự kiện Đồng Tâm" hay "sự kiện Thủ Thiêm"; hãy lên tiếng về trường hợp Trần Huỳnh Duy Thức, để tương lai chúng ta không trở thành nạn nhân. Có nhiều cách để lên tiếng với chính quyền, như Tỳ kheo Thích Ngộ Chánh với "Thông điệp kêu gọi đồng hành cùng anh Trần Huỳnh Duy Thức" hay nhà báo Võ Văn Tạo đăng "Thư ngỏ Hãy cùng gọi tên Trần Huỳnh Duy Thức vì công lý và hy vọng của Việt Nam", .v.v… đây là quyền, nghĩa vụ công dân trong một nhà nước pháp quyền. Nói thêm: Tôi không ủng hộ bạo lực, "Chính quyền" sẽ không chính danh khi được xây dựng bằng cách "cướp chính quyền"; "Chính quyền" sẽ trở thành "tà quyền" khi không tuân thủ pháp luật và tước đoạt những quyền đương nhiên của người dân, trong đó có "quyền tự do diễn đạt và tự do thông tin". Cá nhân tôi, một lần nữa: Trần Huỳnh Duy Thức là một người tài năng, yêu nước; một chính nhân; bài viết này để chia sẻ sự đồng cảm với Anh. - "sự kiện Đồng Tâm": https://www.google.com.vn/search?ei=qReNW42bGdiBoATXm7rYAw&q=s%E1%BB%B1+ki%E1%BB%87n+%C4%91%E1%BB%93ng+t%C3%A2m&oq=s%E1%BB%B1+ki%E1%BB%87n+%C4%91%E1%BB%93ng+t%C3%A2m&gs_l=psy-ab.3..0l2j0i8i30k1l8.9632.10723.0.11292.2.2.0.0.0.0.112.205.1j1.2.0....0...1c.1.64.psy-ab..0.2.204...0i22i30k1.0.pAWz6IeV-v0 Đ.T.N. Tác gỉả gửi BVN This posting includes an audio/video/photo media file: Download Now | |
Nghĩ về một phẩm cách cao thượng (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 52) Posted: 04 Sep 2018 07:52 PM PDT
Tương Lai Từ hồi cầm được cuốn sách để đọc, tôi đã ngấu nghiến cuốn "Tâm hồn cao thượng" của một tác gia người Ý được dịch sang tiếng Việt. Có những câu hơi rắc rối mà trí óc tuổi thơ tôi phải căng hết cỡ cũng chỉ nghĩ được lơ mơ, đại loại như lời của bố Erison dạy con trong bức thư ông viết cho Erison "con hãy coi sự ngu dốt là cừu địch và lấy sự văn minh của nhân loại làm cuộc khải hoàn, con phải phấn đấu luôn luôn và chớ hề làm tên lính hèn nhát". Tuy không hiểu lắm, nhưng cũng mang máng cảm thấy đây là điều lớn lao cần phải theo. Có những câu hiểu rõ hơn và đến nay vẫn còn nhớ, như lời thầy Perbôni dạy học trò "đừng để con rắn ghen tị luồn vào trái tim, đó là một con rắn độc, nó gặm mòn khối óc và làm đồi bại trái tim". Và rồi câu này thì in đậm trong óc tôi: "con có một trái tim cao thượng đáng khen". Đây là cũng lời thầy Perbôni, nhưng là nhằm biểu dương Garônê, cậu học sinh quả cảm đã dám đứng lên nhận lỗi thay cho bạn trong cơn phẫn uất vì bị nhục mạ đã ném lọ mực vào kẻ dám xúc phạm đến sự nghèo khổ của mẹ mình, chẳng may lọ mực văng ngay vào ngực thầy giáo."Trái tim cao thượng" theo năm tháng cùng với sự trải nghiệm cuộc sống mà dẫn dắt dòng mạch cảm xúc và tư duy của mình, tôi ngày càng hiểu ra được đó chính là nền tảng của một cuộc sống có ý nghĩa.Thế rồi vào thời thanh niên sôi nổi, "trái tim Đankô" của M. Gorki từng chiếm lĩnh tâm hồn, lay động tâm tư tôi và giục giã hành động "ta sẽ làm gì cho mọi người đây? Đankô gào to hơn sấm. Bỗng nhiên anh đưa hai tay lên xé toang lồng ngực, dứt trái tim ra và giơ cao lên đầu. Trái tim cháy rực như mặt trời, sáng hơn mặt trời, và cả khu rừng im lặng sáng lên dưới ngọn đuốc của trái tim yêu thương vĩ đại đối với mọi người… Đi thôi! Đankô thét lớn và xông về phía trước, tay nâng cao trái tim cháy rực, soi đường cho mọi người… Và Đankô sung sướng nhìn khoảng đất tự do và bật lên tiếng cười tự hào rồi gục xuống… có một người vốn tính cẩn thận sợ có điều gì không hay liền giẫm lên trái tim kiêu hãnh ấy. Trái tim lóe sáng rồi tắt ngấm…".Với số tuổi cứ mỗi năm mỗi nặng dần trên đôi vai không còn mang vác được nhiều những đa đoan thế sự nên không còn đủ sức nâng cao mãi trái tim đơn độc cháy rực của Đankô. Có lẽ vì thế mà hôm rồi, ngồi trước cuốn sổ tang tưởng niệm John McCain tại tòa Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ, sau phút trầm tư, ngòi bút ngập ngừng bỗng hướng đến hình ảnh "trái tim cao thượng". Biểu tượng ấy lóe sáng trong đầu, đẩy ngòi bút viết một mạch những dòng tưởng niệm con người đáng kính ấy. Phải chăng tuổi tác và sự trải nghiệm hình như đã nhào nặn lại dòng suy nghĩ của tôi! Sau những róc rách phun ra từ mạch đá là những rộn rã thét gầm của suối khe tuôn chảy dội thành thác lũ dòng nước tự khuôn mình trong lòng sông giữa hai bờ, xuôi dần về biển cả, cho dù "chảy từ suối ra đều là nước, vọt từ tim ra đều là máu"! Trái tim Đankô vĩnh viễn vẫn "cháy rực như mặt trời, sáng hơn mặt trời" song tình "yêu thương vĩ đại đối với mọi người" giờ đây trầm lắng lại và giấu kín trong lồng ngực như ý tưởng của John McCain nhắn lại cho cuộc đời này trước khi ông mãi mãi ra đi: "tự do, công lý bình đẳng, tôn trọng phẩm giá của tất cả mọi người – là điều đem đến hạnh phúc tuyệt diệu hơn cả những thú vui phù du trong cuộc đời." (Lời vĩnh biệt của J. McCain). Khi chúng tôi "kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của một con người trung thực, quả cảm và cao thượng" là chúng tôi biểu thị sự nhìn nhận những giá trị mang ý nghĩa vĩnh hằng của một con người, một điểm hội tụ phẩm chất người của bộ phận tinh hoa những người sống trên trái đất này, trong đó, chúng tôi đang cố là những giọt nước trong lành giữa mênh mông của biển cả. J. McCain nhắc nhủ người Mỹ rằng "nếu chúng ta nấp mình sau những bức tường thay vì phá bỏ chúng" thì đó là làm tổn thương chính mình, tiếp tay cho đường lối gieo rắc sự bất bình, lòng thù hận và bạo lực ở khắp nơi trên thế giới. Với ý đó, ông đã kín đáo phê phán hành động và đường lối của đương kim tổng thống mà ông yêu cầu không được có mặt trong tang lễ của ông. Đó là một ý tưởng đẹp. Nhưng còn đẹp hơn, từ ý tưởng và hành động của J. McCain trong cả cuộc đời của mình, ông đã gợi lên một cách tư duy. Hãy đọc ý nghĩ của ông vào giờ phút bi thương vĩ đại của một đời người: "Tôi cảm nhận rằng ngay cả lúc này khi tôi chuẩn bị từ giã cõi đời, tôi vẫn trân quý cuộc sống của mình – trân quý hết thảy cuộc đời đó. Tôi đã có những trải nghiệm, những cuộc phiêu lưu và tình bằng hữu đủ cho mười kiếp sống viên mãn, và tôi tràn đầy lòng biết ơn…" Riêng đối với người đang viết những dòng này khi ngồi ghi sổ tang cho một người Mỹ từng lái máy bay ném bom vào Hà Nội, một ý nghĩ nặng nề chợt thoáng gợi gợi trong đầu: Hồ Trúc Bạch mà người Mỹ ấy được vớt lên cách mục tiêu Nhà Máy điện Yên Phụ khoảng 100m và chỉ cách hầm trú ẩn của chúng tôi khoảng 500m đường chim bay. Chính ngày 26 tháng10 năm 1967 ấy, tôi cùng vợ và đứa con trai đầu lòng mới 4 tháng tuổi phải nhảy xuống hai cái hầm cá nhân không có nắp khi đèo hai mẹ con cháu đi khám ở Bệnh viện C để xin cấp phiếu mua sữa. Mẹ cháu phải cúi người che kín cho con đề phòng mảnh đạn rơi. Tai họa của chiến tranh ập xuống bất kỳ, không kiêng dè một ai. Phải bắn rơi máy bay của kẻ thù để cứu lấy sự sống khi mà Hà Nội đã trở thành mục tiêu bắn phá, đó là câu trả lời dứt khoát và duy nhất đúng của người biết tự trọng với lòng "trung thực và quả cảm"! Trung thực và quả cảm với chính mình, với Tổ quốc của mình! Đó là giá trị vĩnh hằng mang tính chân lý mà mỗi con người, không là con người trừu tượng, mà là "con người này" như Hegel, nhà triết học Đức từng lưu ý, con người cụ thể của một đất nước cụ thể, đứa con của một Tổ quốc cụ thể mà John McCain, "người khổng lồ trong nền chính trị Mỹ" đã "tự hào là đã cố gắng phục vụ đất nước với danh dự", những điều rất cụ thể mà cũng rất thiêng liêng. Thiêng liêng không chỉ riêng đối với chúng ta, những người Việt Nam của Tổ quốc được tạo lập, bảo vệ và phát triển từ nhiều thế hệ ông cha, mà đối với tất cả những con người cụ thể sống trên trái đất này, tất cả đều có một quê hương, một Tổ quốc để mà yêu thương, mà tôn quý và đổ máu để bảo vệ khi Tổ quốc lâm nguy. Mơ hồ hoặc làm phôi pha tình cảm mãnh liệt và nghĩa vụ cao quý ấy là tự tước bỏ phẩm tính làm người của mỗi một con người. Đấy là chưa tiện nói ra đây tội ác của những chủ trương và hành động trấn áp, bỏ tù những người quả cảm biểu tỏ lòng yêu nước bằng những ứng xử cụ thể có tính ôn hòa. Vì thế mà hoàn toàn dễ hiểu tâm trạng của những người dân Hà Nội buổi đó hàng ngày phải điều chỉnh nhịp sống của mình theo tiếng loa "Đồng bào chú ý, máy bay Mỹ cách Hà Nội… cây số. Rồi "Đồng bào chú ý, máy bay địch đã đi xa". Và cái ngày 26 tháng 10 năm 1967 ấy thì tiếng loa gấp gáp giục giã "đồng bào phải xuống ngay hầm trú ẩn" hòa vào trong gầm gào tiếng nổ chát chúa của các loại pháo phòng không, của tên lửa. Mặt đất và bầu trời Hà Nội rung lên trong tiếng nổ và khói đạn mù trời không còn phân biệt nổi đâu là từ trên trời máy bay Mỹ dội xuống hay từ dưới quân dân ta bắn lên, quật rơi máy bay địch. Nhảy lên khỏi hầm cá nhân bước vội đến miệng hầm cách đó 3m kịp đón con trai từ tay mẹ cháu đầu tóc phủ kín bụi đất, áp bé vào ngực để nghe được nhịp đập của trái tim nhỏ nhoi khiến lòng cuộn lên niềm xúc động và nỗi căm hờn. Niềm xúc động và nỗi căm hờn ấy cũng rất cụ thể, và từ một chiều sâu góc cạnh nào đó, cũng rất thiêng liêng. Điều ấy giúp tôi giải thích được tâm trạng của một người tham gia vào việc cứu phi công Mỹ rơi trên hồ Trúc Bạch, ông Lê Trần Lụa "Với một con dao trong tay, tôi định đâm ông ấy. Nhưng mọi người đứng gần đó đã hét lên ngăn tôi lại" như CNN đã dẫn lời. Giờ đây, hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ sau cuộc chạm mặt kịch tính đầu tiên và duy nhất đó, cũng CNN cho biết: "ông Lụa tiếc thương cho sự ra đi của ông John McCain. "Tôi rất buồn. Tôi luôn mong muốn gặp lại ông ấy vì sự kiện đó là một dấu mốc trong cuộc đời tôi", ông Lụa nói về người từng là kẻ thù ở bên kia chiến tuyến". Đã có một bức phù điêu được đặt gần hồ Trúc Bạch để đánh dấu sự kiện bắn rơi máy bay của John McCain, và những ngày qua, nơi đây phủ đầy hoa của người Hà Nội tưởng niệm một cựu thù nay trở thành một người bạn cao quý mà sự ra đi mãi mãi của ông để lại niềm tiếc thương chân thành của người Việt Nam đối với "một chính khách vĩ đại và là một người bạn của Việt Nam" như lời của cựu Đại sứ tại Washington Phạm Quang Vinh (Trí thức Trẻ. 30.8.2018) còn đại tá Trần Trọng Duyệt, nguyên là trại trưởng trại tù binh Hỏa Lò, người có nhiều duyên nợ với John McCain thì trầm tĩnh nhận xét: "Ông ấy là một người cứng rắn và mạnh mẽ. Ông ấy trung thành với lý tưởng của mình"! (Trí thức Trẻ. 30.8.2018). Và rồi hôm nay, ngồi trước sổ tang của người vừa từ biệt thế giới này khi "đã sống và chết trong cuộc đời của một người Mỹ kiêu hãnh", tôi cố nén nỗi xúc động dâng trào nhằm ngăn giọt nước mắt cảm phục, để đủ tỉnh táo ghi lời tưởng niệm người vừa nằm xuống. Cảm phục phẩm tính làm người của một người can trường, giàu lòng vị tha và tính cách cao thượng. Phải chăng đó là "biện chứng của tâm hồn" được diễn giải một cách giản đơn. Tôi đã đọc Hồi ký của ông. Tôi biết những gì ông phải trải qua trong thân phận một tù binh khi cuộc chiến đang trong những ngày tàn khốc nhất. Càng trung thành với lý tưởng phục vụ tổ quốc mình trong thách thức về thái độ ứng xử của một quân nhân giàu lòng tự trọng để bảo toàn danh dự quân nhân, nhất là khi John McCain là cháu nội và con trai của hai Đô đốc Hải quân, từng là Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, những thách thức đó càng nghiệt ngã. Càng cứng rắn và mạnh mẽ thì sự nghiệt ngã ấy lại càng tăng lên theo cấp số nhân. Đó là quy luật tàn nhẫn của chiến tranh. Những ai đã từng trải qua chiến tranh, từng đối diện với những khảo nghiệm về sự can trường, tinh thần quả cảm và ý thức danh dự sẽ càng hiểu hơn cái quy luật tàn nhẫn ấy, và càng kính trọng phẩm tính cao thượng của John McCain. Điều này càng được khẳng định với nhận xét của Tom Patterson, giáo sư của Đại học Harvard: "Sự việc khiến ta hiểu sâu hơn về con người này bắt đầu khi Việt Nam đồng ý trả tự do cho ông nhờ vị thế của cha, McCain đã nói rằng ông sẽ vẫn ở lại nếu các phi công người Mỹ khác cùng tham chiến vẫn chưa được thả… Khi chiến tranh kết thúc, ông được trả về Mỹ. McCain đã không dùng sự cay đắng để đáp trả thời gian bị cầm tù, mà đáp lại bằng một quyết tâm giải quyết nguyên nhân chia rẽ giữa Việt Nam và Mỹ dẫn tới chiến tranh. Cùng với người bạn thượng nghị sĩ và cũng là một cựu binh trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam John Kerry, McCain đã làm nhiều hơn bất kỳ người Mỹ nào có thể làm để thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. (Tuần VN 27/08/2018) Trong suy ngẫm của một người ngoài tuổi tám mươi với những bước thăng trầm qua những sóng gió phũ phàng và tàn khốc của ba cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc và lũ bành trướng tôi thật thấm thía ý tưởng tuyệt vời của John McCain trước lúc ra đi: "Bản sắc và giá trị của chúng ta không hề bị giới hạn mà là được nâng tầm khi chúng ta cống hiến đời mình cho những chính nghĩa vượt khỏi bản thân mỗi chúng ta. Cũng như hết thảy mọi người, tôi cũng có những hối tiếc. Nhưng tôi sẽ không đánh đổi một ngày nào trong đời tôi, cho dù trong lúc vui hay lúc buồn, để lấy ngày hạnh phúc nhất của bất kỳ người nào khác". Tự khẳng định cuộc sống có ý nghĩa của chính mình, tự vượt lên mình để "cống hiến đời mình cho những chính nghĩa vượt khỏi bản thân" chính là một phẩm tính cao thượng của một con người biết trân trọng cuộc sống của bản thân mình, và đó cũng chính là nền tảng vững bền nhất để tạo ra bản sắc và giá trị của một đời người. Càng suy ngẫm, đối chiếu với những trải nghiệm không ít nghiệt ngã, càng thấy ra phẩm tính cao thượng hàm chứa trong đó tính nhân văn sâu sắc vượt lên trên những hạn hẹp mang tính thời đoạn lịch sử của phạm trù ý thức hệ, cho dù có lúc điều đó có sức tập hợp rộng lớn đông đảo quần chúng nhằm thực hiện một mục tiêu xác định. Chính vì có tính thời đoạn nên ý thức hệ mà người ta đang ra sức tô son điểm phấn mang tính hạn hẹp và thực dụng, rồi tệ hại hơn khi ý thức hệ ấy hướng vào một mục tiêu cục bộ thì sẽ dẫn đến sự chia cắt, giằng xé thay vì tập hợp, gắn kết người với người, cá nhân với cộng đồng, công dân với tổ quốc. Sự khủng hoảng ý thức hệ bộc lộ rõ nhất khi mục tiêu cục bộ ngày càng quy chiếu vào lợi ích của một phe nhóm đang thâu tóm và lũng đoạn quyền lực mà họ giành được từ máu xương của quần chúng nhân dân được dùng làm vật lót đường cho cuộc tranh cướp quyền lực ấy. Phẩm tính cao thượng được thể hiện phổ quát nhất, tập trung nhất là đối với Tổ quốc, đối với nhân dân. Tôi muốn trở lại với "Tâm hồn cao thượng" từng khắc họa trong ký ức tuổi thơ về câu chuyện "Lòng yêu nước của cậu bé thành Pađôva" với hình ảnh cậu bé người Ý nghèo khổ mới mười một tuổi. Cậu bé ấy đã giận dữ và khinh bỉ ném trả những đồng tiền vàng mà những khách ngoại quốc sang trọng thương hại cậu đã nhét vào tay, vào túi áo của cậu, nhưng rồi sau đó lại nói xấu về người Ý, kể chuyện xấu về nước Ý của cậu. Ném trả trong tiếng thét phẫn nộ: "Cầm lấy tiền của các người đi, ta không thèm nhận của bố thí của những kẻ đã lăng mạ tổ quốc ta"! Ở đây, một chú bé người Ý nghèo khổ mới 11 tuổi và một ông già tám mốt tuổi, "người khổng lồ trong nền chính trị Mỹ" đều có cách biểu thị lòng yêu tổ quốc của riêng mình! Và có lẽ không thể và cũng không nên, so sánh ai cao thượng hơn trong tình yêu cụ thể và thiêng liêng đó. Cô Meghan McCain, con gái của người vừa nằm xuống nói với những người tham dự lễ tang cha mình rằng: "Ông ấy là ngọn lửa vĩ đại đã cháy hết mình, và chúng tôi đã sống dưới ánh sáng, hơi ấm của ngọn lửa đó thật lâu. Chúng tôi biết ngọn lửa của ông sẽ sáng mãi, trong mỗi chúng tôi". Có lẽ nhiều người có thiện chí và giàu tính nhân văn đều muốn rằng hai tiếng "chúng tôi" mà Meghan nói cũng hàm nghĩa của "chúng ta". Đó chính là ngọn lửa sáng mãi phẩm tính cao thượng mà cuộc sống đang khao khát. Sự khao khát càng mãnh liệt hơn, bức xúc hơn với chúng ta khi mà cuộc khủng hoảng ý thức hệ đè nặng lên đời sống của mọi tầng lớp nhân dân bị bầm dập với những hệ lụy trực tiếp của một bộ máy quyền lực quá yếu kém về năng lực quản lý và vận hành guồng máy hoạt động xã hội, cả về đời sống vật chất lẫn đời sống tinh thần! Cái thể chế toàn trị phản dân chủ đang dồn hết tâm sức vào mọi thủ đoạn loại bỏ đối thủ nhằm chiếm giữ cái ghế quyền lực nhân danh ý thức hệ xã hội chủ nghĩa thì sự bung bét, bất cập về mọi lĩnh vực, nhìn vào đâu cũng thấy hư hỏng, bất an là thực trạng đang bày ra trước mắt là chuyện dễ hiểu. Để rồi, "rốt cuộc chỉ thấy nợ nần và lệ thuộc, mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình" như một vị quyền cao chức trọng nọ, sau những trích dẫn đông tây kim cổ với những rao giảng phủ dụ cũ mèm, đã phải thốt ra cái sự thật trần trụi không thể giấu giếm đó! Khi mà cuộc đời và sự nghiệp không bén mảng đến được hai tiếng cao thượng, chỉ dai sức ngụp lặn trong những toan tính cơ hội với mọi thủ đoạn đen tối nhằm vươn tới cái ghế quyền lực cao nhất thì "rốt cuộc" chỉ có thế! Điều cần nói thêm là những toan tính cơ hội với mọi thủ đoạn đen tối ấy đã làm ô nhiễm và đầu độc môi trường xã hội khiến cho một bộ phận không nhỏ trong công chúng, nhất là với không ít người sống thu mình trong sự tăm tối của sự lừa mị, cam chịu phục tùng cho yên thân, e sợ ánh lửa "cháy rực của trái tim Đankô, sợ có điều gì không hay liền giẫm lên trái tim kiêu hãnh ấy. Trái tim lóe sáng rồi tắt ngấm"! M. Gorky dựng lên hình tượng tàn nhẫn ấy thật đáng suy ngẫm. Đây mới chính là điều phải đặc biệt quan tâm. Vì rằng "giữa sức ép của những sự kiện lớn, nguyên tắc bình thường không có tác dụng" như Hegel từng phân tích trong khi bàn về biện chứng của cuộc sống. Điều này không dành riêng cho một ai, kể cả cho người thích rao giảng về biện chứng! Ấy thế mà, cũng chính Hegel đã chỉ rõ "cuộc sống chỉ có giá trị khi nó có cái gì đó đáng giá làm mục tiêu". Chính vì vậy "cống hiến đời mình cho những chính nghĩa vượt khỏi bản thân mỗi chúng ta" như John McCain tâm niệm, đó chính là phẩm tính cao thượng, biết đặt Tổ quốc lên trên mọi toan tính về lợi ích hạn hẹp và cục bộ được phủ bằng tấm áo ý thức hệ lừa bịp đang đầu độc đời sống tinh thần của cả xã hội. Đã đến lúc phải trung thực và thẳng thắn nói điều rất đáng nói về sự đảo lộn hệ thống giá trị đang làm băng hoại nền tảng đạo lý vững bền mà thiếu nó thì đất nước sẽ ngày càng lạc hậu và lạc điệu với sự phát triển của nền văn minh mà thế giới đang hướng tới. Càng ngoan cố duy trì mối quan hệ lệ thuộc với người đồng chí cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa để được bảo kê cái ghế quyền lực đang rệu rã, thì càng đẩy tới sự đảo lộn và băng hoại đáng sợ kia. Chính sự băng hoại ấy làm cho Tổ quốc lâm nguy trước nanh vuốt của kẻ thù đang diễu võ giương oai trên Biển Đông. Phải đặt lợi ích của dân tộc lên trên mọi lợi ích phe nhóm nhỏ hẹp được ngụy trang bởi những danh xưng ý thức hệ lừa mị, những giáo điều ẩm mốc ôi thiu đã bị thế giới vứt bỏ. Chính những điều ấy đang đánh mất lòng tin của dân. Mất lòng dân là mất tất cả. Vì vậy, cần gióng lên hồi chuông thức tỉnh khi đất nước đang đối diện với những thách đố nghiệt ngã nhưng cũng đang tiềm ẩn những cơ may cần biết tỉnh táo nắm lấy. Chỉ có thể làm được điều ấy khi dám mạnh dạn vứt bỏ sự hạn hẹp của một ý thức hệ lạc hậu, biết đặt quyền lợi của Tổ quốc lên trên hết và trước hết, có vậy mới hun đúc được phẩm tính cao thượng, biết "cống hiến đời mình cho những chính nghĩa vượt khỏi bản thân mình". Sài Gòn, ngày 2.9 - 4.9.2018
T. L. Tác giả gửi BVN. Chú thích ảnh từ trên xuống: Ảnh 1: Bìa cuốn sách "Tâm hồn cao thượng" Ảnh 2: Tương Lai đang ghi vào sổ tang John McCain tại Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh 3 : từ ngoài vào Lê Công Giàu, Huỳnh Tấn Mẫm, Tương Lai, Huỳnh Kim Báu đặt hoa tưởng niệm J. McCain. Ảnh 4 : Người dân Hà Nội đặt hoa tưởng niệm John McCain tại bức phù điêu bên hồ Trúc Bạch. Ảnh 5 : Ba thế hệ McCain: Ông nội John S.McCain, đô đốc Hải quân Mỹ giai đoạn thế chiến 2 đang bế J. McCain, đứng sau ông là bố mẹ của J.McCain, Đô đốc Hải quân John S.McCain, Jr, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương. Ảnh 6 : Cô Meghan McCain bên cạnh cha mình. |
You are subscribed to email updates from Bauxite Việt Nam. To stop receiving these emails, you may unsubscribe now. | Email delivery powered by Google |
Google, 1600 Amphitheatre Parkway, Mountain View, CA 94043, United States |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét