“Thư ngỏ gửi ông Nguyễn Thiện Nhân đương kim Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh” plus 4 more |
- Thư ngỏ gửi ông Nguyễn Thiện Nhân đương kim Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh
- Cái chết của ông Trần Đại Quang và ‘các đồng chí khác’…
- Ông Trần Đại Quang để lại gì?
- Xung quanh thương chiến Mỹ - Trung còn có phong trào tẩy chay Viện Khổng Tử mà Mỹ đã biết là trò tình báo ranh ma của cáo già họ Tập
- Thanh toán thương mại bằng Nhân dân tệ: làm sao giới hạn bằng địa giới hành chánh?
Thư ngỏ gửi ông Nguyễn Thiện Nhân đương kim Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Posted: 21 Sep 2018 02:58 PM PDT Nguyễn Nguyên Bình Thưa ông, Cực chẳng đã mới phải gửi tới ông theo cách này. Bởi vì những người dân như tôi bây giờ không còn cách nào khác để thưa bất cứ chuyện gì với các ông bà lãnh đạo nữa rồi. Gửi đường bưu điện có ghi địa chỉ nhà riêng hẳn hoi, chắc chắn thư cũng chẳng đến tận tay được vì lý do "bảo đảm an ninh" mà. Tôi nói điều này là có căn cứ. Một là, ông P, đảng viên, lại là cháu ruột một ông nguyên Ủy viên BCT của Đảng CSVN, ông ấy đã gửi nhiều thư đến các vị lãnh đạo thật cao mà thư đều mất hút, chẳng ai trả lời là đã nhận được hay chưa. Sợ thư thất lạc, ông ấy đã đem thư đến tận cổng nhà ông Tổng Bí thư để nhờ người đưa tận tay những ý kiến đóng góp chân thành, xây dựng. Nhờ người bảo vệ chuyển thư, họ không chịu nhận; ông ấy thấy có cái hòm thư ở cổng, định tới bỏ vào, thì người gác cổng liền nhào tới, đưa lưng chắn kín hòm thư, không cho bỏ… Việc thứ hai, đó là vào tháng 9 năm 2011, có 14 nhà khoa học đã và đang làm nghiên cứu, giảng dạy ở các trường, viện tiếng tăm ở các nước Mỹ, Pháp, Nhật, Canada, Bỉ, Singapore… và ở cơ quan Liên Hợp Quốc cũng đã cùng nhau thảo ra và gửi tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng một Bản Ý kiến đưới đầu đề "Cải cách toàn diện để phát triển đất nước". Nhưng Bản Ý kiến công phu đó cũng chẳng hề nhận được một chút hồi âm nào. (Nói thêm: việc không thèm hồi âm và xem xét đến Bản Ý kiến đó thật là thái độ mất lịch sự ghê gớm và cũng là sự lãng phí chất xám ghê gớm. Các tác giả đều là những người rất nghèo về thời gian vì thời gian của họ thường được tính tiền cho từng giờ làm việc, vậy mà đã bỏ ra hàng trăm giờ làm việc, gọi điện thoại từ nước này sang nước khác, thảo luận, nhiều lần bổ sung chỉnh sửa để đi đến đồng thuận và dung hòa những khác biệt về quan điểm và cách nhìn). Tôi biết về việc Bản Ý kiến đó bị vứt xó là do một lần được gặp ông Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, tôi hỏi ông đã biết đến Bản Ý kiến đó chưa? Ông nói chưa hề. Vậy đó! Trong Bản Ý kiến, ở phần đầu, các tác giả đã viết: "Theo chúng tôi, phải có một cuộc cải cách mang tính Cách mạng về thể chế mới giải quyết được hai vấn đề này (thể chế thiếu dân chủ và thành phần lãnh đạo đất nước chưa có nhiều người tài giỏi, bản lĩnh, chịu trách nhiệm cao và quy tụ được bên mình những trí thức và cộng sự chân chính). Chúng tôi nghĩ rằng, trách nhiệm này trước hết thuộc về Đảng cầm quyền, và trên thực tế hiện nay cũng chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới đảm nhận được vai trò này". Thưa ông, tôi kể lể dài dòng như vậy để nói rõ lý do tại sao tôi phải gửi thư lên mạng và hi vọng may mắn ông đọc được. Đồng thời nhân đây, tôi cũng giới thiệu với ông văn bản quý nói trên. Chắc bởi lý do quá lâu không nhận được hồi âm (kể cả những lời phê phán chỉ trích, đấu tranh với những thứ "sai trái, lệch lạc" nếu có của Bản Ý kiến, cũng không hề có), nên các tác giả của nó đã tung lên mạng, vì vậy tôi mới được biết đến. Và chính ông Vũ Ngọc Hoàng mãi mấy năm sau cũng mới biết đến để đọc nó. Thiết nghĩ, việc đọc hiểu một văn bản dài chừng chục trang giấy thì không có gì khó đối với người chữ nghĩa bình thường, lại càng dễ dàng đối với ông. Chẳng lẽ ông lại cũng thờ ơ, không thèm vào đọc xem hay dở thế nào? Tìm văn bản nay rất dễ, chỉ cần gõ "Cải cách toàn diện để phát triển đất nước" là tìm thấy ngay. Chắc rằng ông chẳng phải ngại ngùng gì, vì văn bản chưa bị liệt vào những tài liệu phản động xấu độc bị cấm. Tin rằng cũng là người từng du học nước ngoài, ông chẳng xa lạ với tên tuổi các tác giả của Bản Ý Kiến đó, như Nhà nghiên cứu Vật lý Giáp Văn Dương của Đại học Quốc gia Singapore, GS. Phạm Xuân Yêm Giám đốc nghiên cứu Vật lý Đại học Paris VI, GS. Trần Văn Thọ của Đại học Waseda Nhật Bản, TS. Vũ Quang Việt chuyên gia tư vấn Kinh tế Liên Hợp Quốc v.v. Gần đây, Đảng, Nhà nước, Chính phủ ta tỏ ra quan tâm nhiều đến cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu rất bạo: "Chúng tôi muốn làm bạn của những người giỏi nhất trong kinh tế toàn cầu". Mình chưa có vị thế gì lắm về kinh tế, có phải tự nhiên làm bạn với người nổi tiếng được đâu! Tiếc rằng, giá 6, 7 năm qua chịu khó quan tâm lắng nghe hoặc chịu gặp gỡ, tôn trọng các tác giả nói trên, thì dù họ chưa hẳn là "những người giỏi nhất" như ông Phúc mong gặp, thì họ cũng có thể kết nối để ông Thủ tướng làm quen với những người giỏi nhất! Và cái "công nghệ 4.0" mong mỏi kia, chắc chắn họ cũng có thể giúp được nhiều lắm. Nhân đây, tôi cũng xin giới thiệu thêm để ông tìm đọc, ngoài Bản Ý kiến nói trên, nhiều năm gần đây, còn có hàng chục Kiến nghị của những người có học hành có kiến thức, có ý thức xây dựng. Họ cũng đã nung nấu, suy ngẫm cẩn thận về vận nước, đã gắng tìm ra những giải pháp cho sự phát triển lành mạnh, phù hợp xu thế thời đại. Những ý kiến đó đã được gửi qua đường bưu điện theo đúng địa chỉ, nhưng chẳng bao giờ có chút hồi âm nên cùng kì lý, họ phải đưa lên mạng xã hội. Chẳng may, tất cả lại đã bị ông Tổng Bí thư và một số người phụ họa cho vào một rọ với những "thông tin xấu, độc hại", gọi những người chân thành lo toan cho vận nước là "diễn biến xấu, suy thoái", là "thành phần bất hảo" v.v. Tôi ngờ rằng, những người nói như vậy chắc không chịu tự mình vào mạng đọc các văn bản đó, mà chỉ thông qua lăng kính của những người thư kí, mà có khi chính thư kí lại nương theo ý thủ trưởng của mình rồi tô vôi bôi phẩm sao cho lọt tai thủ trưởng, thành ra thông tin chẳng bao giờ đến tai các ông trên theo đúng bản chất, nội dung mà văn bản kiến nghị nêu ra. Là nhà khoa học, chắc chắn ông thừa hiểu, muốn nhận thức một vấn đề gì, đều phải thông qua nghiên cứu nhiều chiều thì mới đạt đến bản chất sự việc, mới là khách quan, khoa học? Chẳng thế mà, trước nay, Thông Tấn Xã VN vẫn thường xuyên cung cấp Tài liệu tham khảo đặc biệt cho các vị Ủy viên Trung ương để các vị tham khảo thêm các thông tin trái chiều, cũng là vì lý do nói trên. (Nhưng có lẽ chẳng mấy vị chịu giành thời gian đọc). Không chỉ riêng tôi, mà dư luận cũng đã từng tin rằng ông có thể khác những người kia. Ngay cả cái đài VOA (của cựu thù) cũng từng nhận xét: "Vào năm 2006, khi được đưa từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Trung ương làm Bộ trưởng Giáo dục, Nguyễn Thiện Nhân đã được khá nhiều người dân kì vọng về triển vọng "đưa trí tuệ vào Bộ Chính trị". Nguyễn Thiện Nhân lại thuộc về số ít, có thể là rất ít trong giới quan chức cao cấp được dư luận nhìn nhận là "sạch"… Ông Nhân chưa hề bị điều tiếng về tham ô hay nhà cửa"… (VOA 10 -5 - 2017) Như vậy ông có điều kiện hơn hẳn nhiều người khác khi phát biểu chính kiến của mình trong các hội nghị quan trọng nhất, hội nghị quyết định nhiều việc thậm chí là động chạm đến vận mệnh của đất nước. Có một điều khiến nhiều người Việt Nam ta từ lâu đã lo lắng, và gần đây càng lo lắng thêm: trong khi nhiều nước trên thế giới (từ Sri Lanka, Pakistan, Bangladesh, Nepal, Philippines, Campuchia… và nhiều nước châu Phi) đang sập bẫy nợ Trung Quốc; và giữa lúc "Khắp thế giới cấm cửa đầu tư Trung Quốc" (bài trên báo Người Lao Động - báo chính thống) thì Việt Nam đã làm gì? Mong ông hãy nói lên ý kiến của riêng mình khi đã tham khảo nhiều thông tin cần thiết. Bên trong ý kiến đã công khai phát biểu tại Hội nghị lần thứ 11 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt-Trung vừa qua, liệu có còn điều gì ở đâu đó cho nhân dân hi vọng? Thưa ông, dẫu chẳng muốn nói điều gì làm phật lòng ông, nhưng cũng khó để không trích dẫn ý kiến của một tác giả đăng trên Việt Nam Thời báo mấy ngày trước đây: "Một người lãnh đạo, nhất là tại Trung tâm thương mại phía Nam, có thể thiếu nụ cười thân thiện, có thể thiếu trình độ tiếng Anh, có thể thiếu cả học hàm học vị cao: nhưng nhất thiết không được thiếu sự quan tâm đến vấn đề quốc kế (tôi thêm từ này) dân sinh, không được thiếu sự mạnh mẽ trong giữ lời nói và thực hiện nó. Nếu không thì anh cũng chỉ là con rối không hơn không kém"./. N.N.B. Tác giả gửi BVN This posting includes an audio/video/photo media file: Download Now | |
Cái chết của ông Trần Đại Quang và ‘các đồng chí khác’… Posted: 21 Sep 2018 02:56 PM PDT Võ Thị Hảo Ông Trần Đại Quang đã chết vào sáng 21/09/2018… Tin từ UB Bảo vệ Sức khỏe TƯ nói rất mập mờ: 'đồng chí đã mắc loại virus hiếm và độc hại, trên thế giới chưa có thuốc chữa', đưa về cái chết của ông trước khi Nhà nước tung ra cáo phó. Miếng 'virus hiếm'Điều lạ là rất ít người ngạc nhiên về cái chết của ông. Lâu nay đã có vô số lời đồn đoán rằng ông đã bị vô hiệu hóa và đầu độc theo kiểu Nguyễn Bá Thanh trước đây. Đúng sai không rõ, nhưng những dịp ông vắng mặt dài ngày đi chữa bệnh ở Nhật đã được những trang 'lề dân' đưa tin, dù báo chí chính thống im bặt. Trong những tháng gấn đây, gương mặt tiều tụy và dáng đi kiệt sức của ông đã được dân mạng đưa cận cảnh kèm lời bình luận về một cái chết không xa được báo trước. Dưới thời cai trị của ông Trần Đại Quang, đặc biệt từ khi ông làm Bộ trưởng Công an năm 2011 rồi từ 02/04/2016 lên làm Chủ tịch nước, nhân quyền và tự do ngôn luận bị đàn áp tàn bạo tăng tốc. Đặc biệt nhất là công an giả dạng côn đồ cài cắm vào những cuộc biểu tình ôn hòa để chính quyền lấy cớ đàn áp dân. Công an cũng giả dạng côn đồ đi đánh đập những nhà bất đồng chính kiến và dân oan khiếu kiện. Thậm chí công an và quân đội còn kết hợp cùng nhau thành những đội quân mang vũ khí hùng hậu chỉ để hỗ trợ doanh nghiệp cướp đất của dân, buộc người dân phải dật dờ trôi dạt đầu đường xó chợ. Đến khi dân khiếu kiện về cái sai của việc làm trái pháp luật của chính quyền, doanh nghiệp và công an thì những người có trách nhiệm thờ ơ, dân lại bị đánh đập, đàn áp tiếp với những tội vu cáo là 'gây rối trật tự công cộng' với những bản án phi pháp hết sức nặng nề và có những người phải tự thiêu vì quá oan trái. Vụ án Đồng Tâm, Thủ Thiêm… chỉ là một vài trong số những ví dụ khiến người dân phẫn nộ. Ông Trần Đại Quang, đã hẳn là một trong những nhân vật quan trọng tạo tác 'nền công an trị' nhấn chìm quốc gia này trong đàn áp bất đồng chính kiến và bạo lực. Trong bức màn bưng bít thông tin bí mật, có lần nào ông đã 'tỉnh giấc' và phát biểu đôi lời đứng về phía dân chúng? Những gì ông và các cá nhân trong hệ thống cầm quyền VN đã gây hại cho dân từ trước đến nay đương nhiên sẽ được lịch sử ghi nhận và được phán xét công bằng, như những bài học cần nhắc mãi để VN và nhân loại cần nhận diện và ngăn chặn ngay từ ban đầu nền độc tài toàn trị gây hậu họa cho dân. Chết hay 'mất tích' hay bị thay thế?Đáng tiếc là cái chết của ông Trần Đại Quang chưa hẳn là một cái chết thông thường. Nghi vấn về cái chết của ông đặt ra những câu hỏi quan trọng về thực trạng phân rã của hệ thống cầm quyền, đặc biệt là đảng. Phải chăng, cái chết của ông là của 'một trong những đồng chí khác' nằm trong hệ thống cầm quyền, vốn đã bất thường nhưng còn bất thường hơn dưới thời vai trò của Chính phủ và Chủ tịch nước, Quốc hội hoặc bên trong là nhập làm một, hoặc bị chèn ép hoàn toàn lu mờ kể từ sau Đại hội 12 của đảng CS VN, với sự lên ngôi cầm quyền gần như tuyệt đối của nhóm ông Nguyễn Phú Trọng, sau khi ông thống lĩnh cả ruột gan của hệ thống tổ chức Đảng Bộ Công an và Bộ quốc phòng? Sau dồn dập những văn bản hợp tác hoàn toàn bất bình đẳng, gây thiệt hại cho VN được ký kết giữa Đảng CSVN và TQ, cho đến việc thúc đẩy QH thông qua Luật đặc khu, đã thông qua luật An ninh mạng, và gần đây nhất là việc cho lưu hành đồng Nhân dân tệ TQ song song với đồng VN dưới danh nghĩa là 'ở vùng biên giới', rồi chấp nhận cùng TQ khai thác biển Đông, trong khi rõ ràng là để mặc cho TQ xâm lược biển, thì vai trò của Chủ tịch nước và Thủ tướng CP, Quốc hội VN càng trở nên mờ nhạt. Hồi 19/06/2018, ông được dư luận cho là đã bị 'bịt miệng', khi phát biểu trước cử tri và báo chí rằng ủng hộ việc đưa luật Biểu tình ra QH xem xét. Lời nói của ông hoàn toàn không có gì sai nhưng phải chăng sự sợ hãi của kẻ nắm quyền lực tuyệt đối đã ép buộc ông phủ nhận lời ông đã nói và báo Tuổi Trẻ Online đã phải đình bản oan uổng 3 tháng trời? Ông Trần Đại Quang khi còn sống đã là một người ngoan trong hệ thống. Cũng như ông Đinh Thế Huynh hay ông Phùng Quang Thanh… đang mất tích với lý do 'chữa bệnh' đâu đó và khả năng là 'chết trong khi đang sống'. Đó là cái chết tức tưởi của những 'đồng chí khác' dù họ vốn vẫn ngoan. Các đồng chí trong hệ thống cầm quyền tham nhũng, đã rất nhiều đồng thuận với nhau để đàn áp dân, mỵ dân và ngu dân, đồng thuận cùng bán rẻ đất nước. Các đồng chí ấy đã cùng chia chác nhau, sát cánh bên nhau hưởng nhiều quyền lợi đen nhưng đến một ngày vì những lý do nào đó các đồng chí bỗng dưng không sát cánh với nhau nữa. Một số đồng chí liền trở thành những 'đồng chí khác'. Có thể chỉ vì 'đồng chí khác ấy đã biết quá nhiều. Biết quá nhiều là tội lớn cần loại trừ, kể cả khi đồng chí ấy 'cắn rơm cắn cỏ' lạy lục ngoan thật là ngoan. Và khi đó xẩy ra những cuộc ốm, cuộc mất tích, cuộc chết vì bệnh bất thường… Đó là cái chết của 'những đồng chí khác'. Cái đồng thuận và sát cánh vì lý tưởng đẹp mới là cái đồng thuận lâu dài, vì trong đó những người đồng thuận và sát cánh bên nhau vì những quyền lợi chung ấy chỉ là sự hy sinh quyền lợi riêng vì đất nước, không phải dính sự nhầy nhụa của những bàn tay đen chia chác dưới gầm bàn quyền lực và dự án… Còn sự đồng thuận để chia chác lợi ích nhóm thì đương nhiên rất dễ tan vỡ. Của cải từ dân dù tha hồ róc xương đẽo cốt nhưng chẳng là vô hạn. Những miếng mồi công quỹ treo lửng lơ trước mồm vô số 'con sói không đói nhưng hễ thấy mồi là nuốt chửng'. Có những nhóm 'đồng chí sói nanh vuốt' dài hơn và cuộc chiến là một mất một còn. Khi đó xẩy ra cái chết của 'những đồng chí khác'. Cuộc thay đổi nhân sự cấp tập từ trung ương tới địa phương trên mọi lĩnh vực, rộng khắp, đặc biệt trong Bộ Công an và Quân đội cũng không loại trừ 'cái chết, dù là theo nghĩa đen hay nghĩa bóng của 'các đồng chí khác'. Những đồng chí tại vị từ trước đã đành rất tệ, đụng đâu cũng có thể kết tội tham nhũng và cố ý làm trái và có thể cách chức, hạ bệ ngon lành, thậm chí đưa vào tù hoàn toàn không oan. Bởi vậy, việc thay thế bằng những đồng chí mới, không phải giỏi hơn, trong sạch hơn, mà là vì cánh hẩu hơn, là một việc quá dễ dàng mà các đồng chí bị thay thế phải ngậm miệng, không dám 'á' lên một tiếng. Giữ được miếng ăn và tài sản tham nhũng đã là may lắm rồi với họ. Và, người VN cũng như thế giới sẽ biết, sớm thôi, có bao nhiêu đồng chí trong bộ máy mới là 'người lạ' được hà hơi từ TQ lên nắm chính quyền VN để đảm bảo đường ray cho TQ tha hồ tung tác. Nếu 'các đồng chí khác' không tự vệCái chết hoặc nhiều kiểu biến mất của các 'đồng chí khác', với lý do mập mờ là 'virus hiếm và độc hại' hoặc một lý do nào khác, cho sự lên ngôi vị của một số đồng chí 'được bình đẳng hơn các đồng chí khác', đương nhiên không ai có thể thấm thía hơn những người đã và đang nắm hệ thống cầm quyền. Khi cần, các đồng chí hết đợt này đến đợt khác có thể tặng nhau một miếng 'virrus hiếm'. Cải cách Ruộng đất chỉ là một trong những ví dụ. Có lẽ hơn ai hết, một số người trong bộ máy quyền lực, trong đó là những người nắm vũ khí như quân đội và công an, đang khóc cho ông Trần Đại Quang - thủ trưởng của họ - dù hầu hết dân không có cảm hứng khóc ông. Để người thân không phải khóc cho cái chết quá sớm vì 'một loại virus hiếm và độc hại' hay vì miếng khác, cơn ớn lạnh của các đồng chí đang ở trong bộ máy quyền lực có thể là một sự cảnh tỉnh qua cái chết của ông Trần Đại Quang, vì dẫu ông có chết tự nhiên vì bệnh thì bản thân ông dường như đã bị 'ghẻ lạnh' từ ngay khi ông đang là Chủ tịch nước. Họ nên tự bảo vệ mình bằng cách cần tận dụng vị trí để xây dựng một thể chế có dân chủ, minh bạch, có giám sát quyền lực và chính họ sẽ được giám sát và bảo vệ bằng tự do ngôn luận và nhân quyền. Đó mới là lá chắn bảo vệ vững chắc nhất cho mỗi công dân. V.T.H. | |
Posted: 21 Sep 2018 02:54 PM PDT 1. "Ông Trần Đại Quang ra đi và không để lại dấu ấn gì đáng kể"TS. Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam bình luận trên Bàn tròn Đặc biệt của BBC Tiếng Việt hôm 21/9: "Ông Trần Đại Quang cuối cùng đã ra đi một cách không trọn vẹn, mặc dù tuổi được coi là vẫn còn trẻ ở trong Bộ Chính trị. Và ông Trần Đại Quang ra đi và không để lại dấu ấn gì đáng kể. "Thực sự dấu ấn đáng kể nhất của ông là thời còn Bộ trưởng Bộ Công an, tôi nghĩ là dấu ấn đáng kể nhất của ông là đã chỉ huy những chiến dịch đàn áp nặng nề đối với giới đấu tranh, hoạt động dân chủ nhân quyền ở Việt Nam và bắt nhiều người. "Và di sản của ông Trần Đại Quang để lại, tất nhiên ngày hôm nay mà nói những điều đó với một người vừa qua đời thì kể ra tôi nghĩ rằng nó cũng có cái gì đó hơi khập khiễng, nhưng nếu đánh giá một cách khách quan thì cũng phải nhắc lại cho đầy đủ rằng người nào có công, người nào có tội và người nào làm được gì đó, thì tôi nghĩ rằng di sản ông Trần Đại Quang để lại, thậm chí cho cả Bộ Công an sau này kế thừa, đến đời ông Tô Lâm còn đàn áp nhân quyền mạnh hơn nữa... "Và di sản thứ hai mà ông Trần Đại Quang để lại, tôi nghĩ rằng dấu ấn lớn nhất của ông thời Bộ trưởng Bộ Công an trước khi làm Chủ tịch Nước là ông đã có một chuyến đi Washington tiền trạm cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để ông Trọng đi Washington sau đó gặp Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. "Và trong chuyến đi tiền trạm đó vào tháng 3/2015, ông Trần Đại Quang đã được rất nhiều quan chức của Mỹ tiếp, kể cả quan chức của Bộ Quốc phòng, rồi FBI, rồi CIA v.v…, tất cả, nhưng mà sau đó vai trò của ông mờ nhạt và mờ nhạt hẳn kể từ tháng 7/2017…" 2. LS Trần Quốc Thuận: "ông Trần Đại Quang để lại một di sản nặng nề"Bình luận trong chương trình Bàn tròn Thứ Năm hôm 21/9 của BBC Tiếng Việt, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội nói: "Về quan điểm của tôi thì thấy ông Trần Đại Quang để lại một di sản, tôi dùng chữ 'di sản nặng nề' nhất, chính là Bộ Công An, đã có lần tôi nói là một cuộc cải cách hay là 'thay máu toàn diện'. Từ 12 Tổng cục giải thể hết và chỉ còn lại là các Cục, thì rõ ràng là hàng loạt tướng lĩnh, rồi sỹ quan cấp tá, cấp này kia ra đi phải được bố trí trở lại. "Đó là một câu chuyện di sản và di sản đó không chỉ là sắp xếp bộ máy khổng lồ như thế, rồi phong tướng, phong quan hàng loạt như thế, thì bây giờ việc bố trí như thế nào? Đó là một câu chuyện không phải đơn giản. "Nhưng cái để lại mà người ta nói nhiều nhất là để lại những dấu hiệu tiêu cực mà bây giờ đã thành tội phạm rồi, như vụ án Vũ Nhôm…, rồi một số tướng lĩnh bị điều tra tiêu cực... "Tôi đang nghĩ đến Quyết định 102 của Bộ Chính trị và nếu những người nào liên quan đến việc có dấu hiệu tiêu cực nghiêm trọng, thì cho dù có qua đời thì cũng phải kết luận đó là cái gì. Tôi nghĩ rằng kết luận trách nhiệm về thiết kế của Bộ Công an, bộ máy mà bây giờ nhiều người bị phạm tội như thế thì trách nhiệm thế nào? Thì cái đó có áp dụng quy định 102 hay không? "Đó là vấn đề người ta nghĩ tới phải đặt ra, phải làm một cách không có vùng cấm, cho nó rõ ràng, sòng phẳng, chứ không thể để người ra đi vì nếu mà có thì cũng nói cho nó rõ, hoặc là không có vấn đề gì cả". 3. GS. Carl Thayer, chuyên gia về chính trị Việt Nam từ Úc, nhận định "Sau khi ông Trần Đại Quang rời vị trí Bộ trưởng Bộ Công an, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện các bước cắt giảm cơ cấu nặng nề của bộ." "Rõ ràng là những quyền lợi đặc biệt mà Bộ này đã tận hưởng đang bị cắt giảm trong một nỗ lực để làm cho Bộ có trách nhiệm hơn." "Những quyết định này được đưa ra trong khi ông Quang là thành viên của Bộ Chính trị. Chức năng cơ bản của Bộ Công an sẽ không thay đổi nhưng bây giờ bộ này sẽ chịu sự giám sát của các quan chức cấp cao hơn." 4. Tuyên bố của Phil Robertson về Chủ tịch nước Phó Giám đốc khu vực Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói gì? Phil Robertson "Di sản trong nhiệm kỳ của Chủ tịch Trần Đại Quang là một cuộc đàn áp nhân quyền kéo dài nhiều năm và khiến nhiều tù nhân chính trị rơi vào chốn lao tù hơn bất kỳ thời điểm nào trong những năm tháng gần đây. Và hơn bất kỳ ai, ông cũng là người đã giúp Bộ Công an xâm nhập vào mọi ngõ ngách của cuộc sống thường ngày của người dân Việt Nam, gây ra tình trạng vi phạm nhân quyền, tham nhũng và uy hiếp kèm theo sự hiện diện ngày càng gia tăng của cảnh sát. Dưới sự lãnh đạo của ông, Bộ Công an đã có quyền lực vô cùng lớn đối với Bộ Chính trị Đảng Cộng sản cầm quyền và bây giờ chúng ta sẽ phải xem liệu ảnh hưởng của Bộ trưởng Bộ Công an có còn được duy trì hay không".
Nguồn: 1. https://www.bbc.com/vietnamese/live/media-45597803 2. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45574593 5. Lê Hồng Hiệp: Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời và tác động Việc Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang đột ngột qua đời vào ngày 21 tháng 9 năm 2018 là một cú sốc đối với nhiều người Việt Nam. Mặc dù ông Quang được biết là đã bị bệnh một thời gian, ông vẫn được nhìn thấy tiếp đón các nhà lãnh đạo nước ngoài và tích cực tham gia vào các hoạt động chính trị và xã hội khác nhau cho đến một vài ngày gần đây. Tuy nhiên, các báo cáo chính thức tiết lộ rằng ông bị phát hiện nhiễm một loại vi-rút "hiếm", "độc hại" và không thể chữa được vào tháng 7 năm 2017 và đã trải qua sáu đợt điều trị tại Nhật Bản. Ông Quang là Chủ tịch nước Việt Nam đầu tiên qua đời khi đang đương chức kể từ khi Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ trần năm 1980. Khi qua đời, ông Quang mới chỉ phục vụ được 2 năm và 172 ngày trong cương vị Chủ tịch nước. Vì vị trí Chủ tịch nước nhìn chung mang tính lễ nghi trong khi tình trạng bệnh tật đã hạn chế hoạt động của ông trong hơn một năm qua, di sản mà ông Quang để lại không có nhiều nổi bật. Đồng thời, chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam từ năm 2016 đến nay đã phơi bày nhiều vụ bê bối tham nhũng tại Bộ Công an, nơi ông Quang từng giữ chức Bộ trưởng từ năm 2011 đến năm 2016. Mặc dù ông Quang chưa chính thức bị quy trách nhiệm về những bê bối này, chúng vẫn phủ bóng đen lên nhiệm kỳ của ông. Cùng với tình trạng sức khỏe kém, khả năng ông bị quy trách nhiệm cho các vụ bê bối kể trên đã dẫn tới những đồn đoán cho rằng ông có thể bị loại khỏi vị trí Chủ tịch nước trong tương lai gần. Sự qua đời của ông Quang đã giúp Đảng Cộng sản Việt Nam không phải tiến hành thủ tục nhiều khả năng sẽ khó khăn và nhạy cảm này nếu xét việc từ trước tới nay chưa có lãnh đạo nào trong hàng ngũ "tứ trụ" của Việt Nam từng bị cách chức hoặc thay thế khi đang còn tại vị. Tuy nhiên, Đảng sẽ phải tìm kiếm một ứng cử viên để điền vào vị trí mà ông Quang để lại. Quyết định về vấn đề này có thể sẽ được đưa ra tại Hội nghị trung ương lần thứ tám của Ủy ban Trung ương Đảng được triệu tập vào tháng 10 tới. Sau đó, ứng cử viên được lựa chọn sẽ được Quốc hội phê chuẩn, nhiều khả năng tại kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2019. Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh sẽ giữ chức Quyền Chủ tịch nước cho đến khi vị Chủ tịch nước mới được bổ nhiệm. Hiện tại, vẫn chưa rõ ai sẽ được Đảng đề cử để đảm nhận chức vụ này. Có các tin đồn cho rằng ông Nguyễn Thiện Nhân, hiện là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, là ứng cử viên hàng đầu cho vị trí này. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cũng chỉ ra rằng Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng cũng có thể là một ứng cử viên tiềm năng. Mặc dù vị trí Chủ tịch nước phần lớn mang tính lễ nghi, nhưng ai được chọn để tiếp quản vị trí này trong thời gian tới lại có thể có một số tác động quan trọng đối với hệ thống chính trị của Việt Nam trong tương lai. Ví dụ, nếu ông Nhân được chọn, cấu trúc lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, bao gồm bốn chức vụ (Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội) do bốn chính trị gia khác nhau nắm giữ, có thể sẽ được duy trì. Tuy nhiên, trong trường hợp Đảng chọn ông Vượng, người hiện cũng được xem là ứng viên tiềm năng nhất thay thế Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thì có một khả năng là ông Vượng sẽ nắm giữ cả hai chức danh Chủ tịch nước và Tổng Bí thư sau Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2021. L.H.H. Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2018/09/21/chu-tich-nuoc-tran-dai-quang-qua-doi-va-tac-dong/ | |
Posted: 21 Sep 2018 02:53 PM PDT Cuộc đại chiến Thương mại Mỹ - Trung, ai thắng? Lưu Trọng Văn
Nguyên nhân Liên Xô sụp đổ là do kinh tế bị kiệt quệ khi sập bẫy Chạy đua vũ trang mà cao trào là cuộc đua Chiến tranh trên các vì sao. Tình báo cùng hệ thống truyền thông khổng lồ đã nống lên về sức mạnh vũ khí Mỹ dẫn đến bao tiềm lực kinh tế của Liên Xô dồn cho quận sự, chinh phục vũ trụ và niềm tự hào hão: Sức mạnh vô địch của cộng sản trên toàn thế giới. Cuộc đua ấy càng dài, càng tăng tốc, kinh tế bao cấp càng bộc lộ sức mạnh ảo để rồi toác rỗng. Trump giờ đây đang tập trung vào đối thủ mới và chính của Mỹ: Trung Quốc. Bài mới không ẩn danh Chạy đua vũ trang, chinh phục các vì sao mà toẹt thẳng: Đại chiến thương mại và chinh phục kinh tế toàn cầu. Trump tấn công hai gọng kìm, một trực diện với hàng hoá khổng lồ của Trung Quốc, một vạch mặt các cuộc xâm lăng của Trung Quốc bằng kinh tế rồi chi phối chính trị các nước trên thế giới để các nước trên thế giới đồng khởi chống lại. Đại chiến thương mại này phần thắng thuộc về ai? Là nhà kinh doanh Trump quá biết cuộc đua cạnh tranh kinh tế phần thắng chỉ thuộc về kẻ trường vốn tức kẻ thực sự mạnh. Trump cũng quá hiểu kẻ thực sự mạnh phải là kẻ làm chủ công nghệ, làm chủ quan hệ sản xuất, làm chủ các thương hiệu và làm chủ niềm tin của khách hàng - thị trường. Và ở những nền tảng ấy thì số lượng hàng hoá tràn ngập, giá rẻ cùng mạng lưới nhân công rẻ, khổng lồ chưa nói lên điều gì. Phát lệnh tấn công. Trump áp thuế lên hàng trăm tỷ hàng hoá Trung Quốc. OK, Trung Quốc áp thuế đáp trả lên hàng hoá Mỹ. Lúc đầu cả hai nhà sản xuất và tiêu dùng đều thiệt hại nặng. Nhưng Trump tin vào cuộc đua đường dài khi Mỹ làm chủ đồng dola chi phối cùng niềm tin không chỉ 300 triệu dân Mỹ mà niềm tin toàn cầu vào sản phẩm, thương hiệu, công nghệ cũng như công bằng bản quyền hàng hoá của Mỹ thì Trung Quốc sẽ gục ngã. Gã cũng tin như vậy. Gã biết rằng lâm vào cuộc đua này hàng trăm triệu người dân Trung Quốc sẽ khốn khó sinh nhai, sẽ mất việc làm, hàng triệu doanh nghiệp Trung Quốc sẽ phá sản. Gã không vui vì thảm cảnh ấy. Nhưng đổi lại, gã tin, rất tin cuộc đại chiến thương mại và cuộc đồng khởi các quốc gia toàn thế giới chống ách đô hộ kinh tế bẩn của Trung Quốc mà phần thất bại thuộc về Trung Quốc, Tập Cận Bình và Trung Nam Hải nếu không tỉnh ngộ chiến lược Thiên hạ coi Thiên hạ là nô bộc của mình để buộc Trung Quốc chân thành làm bạn tử tế của thế giới thì Trung Quốc sẽ sụp đổ và tan rã như Liên Xô đã sụp đổ và tan rã. Đất nước gã có gì hạnh phúc hơn nếu có một láng giềng tử tế, tôn trọng các giá trị của Tạo hoá và Nhân loại. Một Trung Quốc như thế sẽ tác động mạnh vào nước gã giúp nước gã sớm trở thành một quốc gia tử tế và tôn trọng các giá trị của Tạo hoá và Nhân loại.
Nguồn: FB Lưu Trọng Văn Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Chuyên gia Nga nói Trump làm đúng, Bắc Kinh tổn thất nặng nềHuệ Anh Hàng của Trung Cộng từ cảng Hồng Kông sẽ đi cảng Okland, CA ngày 20 tháng 6, 2018 Chiến tranh thương mại Trung – Mỹ tiếp tục leo thang. Sau khi Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố đánh thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Cộng có tổng trị giá khoảng 200 tỷ Đô la Mỹ, Bắc Kinh cũng đã đưa ra biện pháp đáp trả. Có chuyên gia của Nga cho rằng, từ góc độ lợi ích quốc gia của Mỹ mà xét, cách làm của ông Trump phù hợp với lợi ích quốc gia của Mỹ, bên cạnh đó một khi chiến tranh thương mại bùng nổ một cách toàn diện, Bắc Kinh sẽ tổn thất thảm hại. Ngày 17/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố thu thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Cộng có tổng trị giá khoảng 200 tỷ Đô la Mỹ (USD), ngày 24/9 sẽ bắt đầu thực thi. Hiện tại tỉ lệ trưng thu thuế quan là 10%, đến ngày 1/1/2019, tỉ lệ thuế quan sẽ tăng cao lên đến 25%. Ông Trump cho biết, phía Mỹ mong muốn đối thoại với Trung Cộng, nhưng nếu Bắc Kinh thực hiện biện pháp trả đũa đối với nông dân và ngành công nghiệp Mỹ, thì Mỹ sẽ lập tức đánh thuế đối với hàng hóa Trung Cộng trị giá 267 tỷ USD, điều này có nghĩa là tất cả các hàng hóa của Trung Cộng xuất khẩu sang Mỹ đều sẽ bị ảnh hưởng. Ông còn nhấn mạnh, hành vi thương mại của chính quyền Trung Cộng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển lành mạnh lâu dài của nền kinh tế Mỹ, ông cũng kêu gọi Bắc Kinh có biện pháp hành động để chấm dứt chính sách thương mại không công bằng. Ngày 18/9, Bắc Kinh đã đáp trả lại và cho biết, sẽ thu thuế quan 10% hoặc 5% đối với 5207 sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ trong danh mục thuế, tổng trị giá khoảng 60 tỷ USD, bắt đầu thực thi từ ngày 24/9. Đài Á châu Tự do (RFA) dẫn quan điểm của một chuyên gia Nga cho biết, Bắc Kinh sẽ tổn thất nặng nề trong cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ. Bản tin cho biết, ông Alexei Piric – Giám đốc "Trung tâm liên lạc Âu – Á" của Nga cho rằng, từ lợi ích quốc gia của Mỹ mà xét, cách làm của ông Trump là vô cùng chính xác, có hiệu quả và thiết thực, "nhưng từ góc độ của Trung Cộng mà xét, thì Trung Cộng sẽ phải chịu tổn thất, hơn nữa lại là tổn thất nặng nề. Bởi vì chiến tranh thương mại đã bùng nổ trên mọi phương diện, trong khi thực lực kinh tế của Bắc Kinh vẫn không cách nào sánh ngang với Washington." Alexei Piric giải thích rằng, nguyên nhân trực tiếp là kinh tế Trung Cộng tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, và xuất khẩu lại dựa nhiều vào thị trường Mỹ. Bắc Kinh muốn tìm một thị trường có quy mô tương đương Mỹ để thay thế nhưng là điều cực kỳ khó. Mặc dù các sản phẩm của Mỹ xuất khẩu vào thị trường Trung Cộng cũng bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Trung Cộng, nhưng mức độ tổn hại là nhỏ hơn rất nhiều so với tổn hại của Trung Cộng. Còn có chuyên gia Nga cho rằng, trong cuộc chiến thương mại này, Trung Cộng vẫn luôn giữ tư thế đối kháng có nguyên nhân là do Trung Cộng đã không còn đường lui, cho dù Trung Cộng không suy xét đến tổn thất kinh tế quốc gia, nhưng chấp nhận quá nhiều điều kiện ví dụ như mở cửa tự do internet, thì sẽ đe dọa trực tiếp đến sự thống trị của Đảng Cộng sản Trung Cộng. Bản tin cho biết, hiện nay, chính sách của Bắc Kinh là kéo dài đến kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ, với kỳ vọng Đảng Dân chủ cản trở ông Trump có thể vượt lên, đồng thời thông qua sức mạnh của giới doanh nghiệp tài chính ở Phố Wall thân Cộng Sản để gây áp lực cho ông Trump, buộc ông phải thay đổi kế hoạch. Tuy nhiên, tỉ lệ người dân ủng hộ ông Trump hiện tại đang lên cao, do đó kỳ vọng này của Đảng Cộng sản Trung Cộng là rất mong mạnh. Bên cạnh đó, theo CNBC đưa tin, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết, biện pháp tăng thu thuế quan không phải là "hành động lỗ mãng", mục đích là để thay đổi cho ngay chính lại hành vi của Bắc Kinh, để các công ty Mỹ đang cạnh tranh tại Trung Cộng có một sân chơi công bằng. Đối với hành động trả đũa của Bắc Kinh, Bộ trưởng Ross cho rằng, "đạn của Trung Cộng đã dùng hết rồi", bởi vì kim ngạch xuất khẩu của Trung Cộng sang Mỹ gấp gần 4 lần so với kim ngạch xuất khẩu của Mỹ vào Trung Cộng. H.A. Nguồn: https://trithucvn.net/the-gioi/chuyen-gia-nga-ong-trump-lam-dung-bac-kinh-se-ton-that-nang-ne.html Mỹ Khai Tử Viện Khổng Tử Vi Anh Quảng cáo về khóa học tiếng Trung được tài trợ bởi Viện Khổng Tử tại Trường đại học Iowa, Hoa Kỳ. Không những chiến tranh thương mại quyết liệt với TC, Mỹ còn thực hiện chiến dịch khai tử Viện Khổng Tử của TC lâu nay đã đặt tại các đại học lớn trên đất Mỹ. Nếu Hành pháp Mỹ thực hiện chiến tranh thương mại chống TC thì Lập pháp Mỹ thực hiện cuộc chiến tranh văn hoá chống Viện Khổng Tử của TC. Viện Khổng Tử là một vũ khí của quyền lực mềm của TC nhằm phổ biến ý thức hệ và chữ Tàu để chuyển biến hoà bình một số khoa bảng thiên tả và sinh viên còn trẻ người non dạ ở các đại học Mỹ. Sử dụng sáng quyền lập pháp của Quốc hội, Quốc hội đã thông qua đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) cho tài khóa 2019 hồi tháng 8 năm 2018. Quốc hội kèm vào luật này một điều khoản cấm các trường đại học ở Mỹ sử dụng kinh phí của ngân sách của Bộ Quốc phòng Mỹ để phục vụ cho bất kỳ chương trình nào có liên quan đến Viện Khổng Tử hoặc trường Hoa ngữ do chính quyền Trung Quốc tài trợ. Bộ QP Mỹ hiện có chương trình đào tạo Hoa ngữ riêng, giao cho các trường đại học thực hiện nhằm tạo nguồn cho nhân sự phụ trách an ninh quốc gia liên quan đến Trung Quốc trong tương lai. Với điều luật mới này, các trường đại học nếu muốn mở cả chương trình Hoa ngữ được chính quyền Trung Quốc tài trợ sẽ phải xin phép Bộ QP Mỹ, đồng thời bảo đảm hai khóa đào tạo hoàn toàn tách biệt, theo tờ báo The Washington Post cho biết. Sở dĩ Quốc hội kèm điều khoản này vào đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) cho tài khóa 2019 là vì có nhiều giới chức đại học thiên tả, phóng túng nhập nhằng đánh lận cơ quan lấy kinh phí của Bô Quốc phòng tài trợ cho Viện Khổng Tử của TC đặt trong trường. Tiêu biểu như Chủ tịch Đại học tiểu bang Arizona (ASU) Matt Salmon khi tham dự hội thảo tại Câu lạc bộ Báo chí quốc gia hồi tháng 4 đưa ra tuyên bố sai sự thật, cho rằng Bộ QP đang tài trợ cho Viện Khổng Tử đặt trong ASU. Ông Salmon nói "Tôi nghĩ rằng Viện Khổng Tử không nên được xem là mối đe dọa an ninh quốc gia. Nếu là mối đe dọa an ninh quốc gia thì rõ ràng Bộ Quốc phòng đã sai lầm khi rót kinh phí cho chương trình của Viện Khổng Tử tại trường chúng tôi". Tờ China Daily của TC khai thác cơ hội và lời nói này, ngay lập tức đăng tải nguyên văn tuyên bố của ông Salmon. Vì thế, Bộ Quốc phòng Mỹ gửi công văn cho ASU, yêu cầu Ban lãnh đạo trường phải tách biệt hoàn toàn chương trình dạy tiếng Hoa của Bộ QP Mỹ và Viện Khổng Tử. Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết tuyên bố của ông Salmon là đáng lo ngại và thể hiện sự hợp tác với Trung Quốc đã đi quá xa. Mặc dù ASU sau đó ra thông báo đính chính và khẳng định tuân thủ đạo luật NDAA, nhưng Bộ QP Mỹ vẫn quyết định gạt bỏ trường này khỏi danh sách tài trợ thực hiện chương trình tiếng Hoa trong năm học tới, theo tờ South China Morning Post. Bộ QP Mỹ có hành động khẳng khái như trên giữa lúc ngày càng nhiều nhà lập pháp Mỹ lên tiếng cảnh báo Viện Khổng Tử là nỗ lực của nhà cầm quyền TC nhằm tăng cường sức ảnh hưởng chính trị, gieo thông tin lệch lạc "tẩy não" giới trẻ để can dự vào chính trường Mỹ. Thượng nghị sĩ Ted Cruz quả quyết cho rằng Viện Khổng Tử là mối đe dọa nền tự do học thuật và an ninh quốc gia Mỹ. Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung thuộc Quốc hội Mỹ mới đây cũng công bố báo cáo cho thấy Viện Khổng Tử cùng mạng lưới Hội Sinh viên và học giả Trung Quốc tại Mỹ là "những cơ sở hoạt động tình báo". Quốc hội Mỹ cũng đang cân nhắc dự luật buộc tất cả tổ chức được chính phủ nước khác tài trợ (bao gồm Viện Khổng Tử) phải đăng bộ là cơ quan nước ngoài, đồng thời các trường đại học phải công khai ngân sách và quà tặng có nguồn gốc bên ngoài nước Mỹ. Trung Quốc chưa có phản ứng về báo cáo này. Sơ khảo cho biết, Trung Cộng hiện đang điều hành hơn 513 Viện Khổng Tử khắp thế giới, cộng thêm 1.074 Lớp học Khổng Tử đặt trong các trường tiểu học và trung học. Trong đó có 90 Viện Khổng Tử đặt tại các trường đại học khắp cả nước Mỹ hay ngoài đại học. Chính phủ Trung Quốc điều hành các viện này. Các Website của trung tâm cho biết nhiệm vụ của họ là tạo điều kiện cho "giao lưu văn hoá phong phú giữa Mỹ và Trung Quốc trong sự hợp tác với các đối tác giáo dục ở Bắc Kinh". Đã có nhiều tranh cãi, phản đối liên quan đến các Viện Khổng Tử của TC. Giáo sư và sinh viên và cựu sinh viên đại học Mỹ đã từng chống những viện này của TC. Tiêu biểu, Giáo sư và sinh viên cùng cựu sinh viên Đại học Massachussetts ở thành phố Boston chỉ trích Viện Khổng học của Trung Quốc đặt tại đây, cáo buộc viện này đẩy mạnh kiểm duyệt và làm suy yếu những chương trình về nhân quyền. Phản đối hoạt động của các trung tâm của Viện Khổng Tử trong khuôn viên của Đại học Massachussetts đang tiếp diễn. Đa số lo ngại rằng chính phủ Trung Quốc kiểm soát các cơ sở của Viện Khổng Tử đang hoạt động trong khuôn viên của trường và họ "sử dụng chỗ đứng của họ trong các cơ sở giáo dục có tiếng này để gây ảnh hưởng và định hướng luận đàm học thuật". Báo The Boston Globe cho biết Đại học Massachussetts nói rằng Viện Khổng Tử định hướng dư luận về những vấn đề gây tranh cãi như sự độc lập của Tây Tạng, mối quan hệ của Trung Quốc với Đài Loan, và vụ thảm sát Thiên An Môn. Tờ báo này đưa tin người tổ chức tập hợp những người chống đối nói rằng bà hy vọng sẽ thuyết phục được các trường đại học đóng cửa các Viện Khổng Tử này. Còn Đại học Tiểu bang North Carolina vào năm 2009 hủy một buổi nói chuyện của Đức Dalai Lama, được cho là để tránh làm mất lòng Trung Quốc vì áp lực của Viện Khổng Tử. Và Đại học Bắc Florida đã đóng cửa Viện Khổng Tử sau 4 năm đặt tại trường này vì cho rằng các lớp học, hoạt động và sự kiện của Viện không phù hợp. Thượng nghị sĩ Marco Rubio hoan nghênh quyết định trên, đồng thời kêu gọi các đại học khác làm theo. Một số trường lớn như Đại học bang Pennsylvania và Chicago đã cắt đứt quan hệ với Viện Khổng Tử sau khi nhiều Giáo sư lên tiếng phản đối, theo Reuters. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 100 cơ sở như vậy khắp nước Mỹ. Trung Quốc dùng tiền tài trợ cho các trường Đại học để thu hút sự đồng ý trên tiêu chuẩn hai bên cùng có lợi. Thế nhưng đối với giới học thuật Tây phương thì cái lợi lớn nhất là tự do trao đổi tư tưởng. Trung Quốc không thể dùng tiền để khuynh loát các trường cho phép họ mở Viện Khổng Tử cho nên sau khi bị tố cáo nhiều đại học đã đóng cửa các Viện Khổng Tử trong khuôn viên trường của họ. Các đại học McMaster, Waterloo, Manitoba của Canada hay Chicago, Pennsylvania của Mỹ đã mời Viện ra khỏi trường trong khi các đại học khác đang chuẩn bị để trả lời dư luận về những điều kiện mà Viện Khổng Tử đặt ra cho nhà trường trong các hợp đồng được ký kết. Những điều khoản ấy trước đây được xem là bí mật nhưng với luật pháp của Mỹ và nhiều nước Tây phương khác không có gì được gọi là bí mật trong giáo dục ngoại trừ sự bí mật ấy là các thỏa thuận bất chính. V.A. | |
Thanh toán thương mại bằng Nhân dân tệ: làm sao giới hạn bằng địa giới hành chánh? Posted: 21 Sep 2018 02:51 PM PDT Thảo Vy Sau khi bị chỉ trích, chính quyền đã cho vài tờ báo quốc doanh đăng bài về việc đã cho thanh toán đồng Nhân dân tệ (CNY) từ năm 1993, như một cách bào chữa đầy ngụy biện… Bởi việc cho phép sử dụng đồng CNY trong mọi giao dịch thương mại pháp nhân, mua bán cá nhân ở tất cả các khẩu của 7 tỉnh Việt Nam giáp biên giới Trung Quốc, không chỉ vi hiến, mà còn mâu thuẫn với các văn bản liên quan đang hiệu lực. Hội chợ thương mại biên giới Việt - Trung. Thông tư số 19/2018/TT-NHNN do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành, cho phép kể từ ngày 12-10 tới đây, đồng CNY được sử dụng trong giao dịch thương mại, xuất nhập khẩu của cư dân và pháp nhân ở tất cả các cửa khẩu biên giới của 7 tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng và Điện Biên giáp với Trung Quốc. Bài viết tiếp theo đây chỉ thuần góc nhìn pháp lý về các căn cứ để ban hành Thông tư số 19/2018/TT-NHNN. Qua đó củng cố thêm nghi vấn phải chăng "Sáp nhập tiền tệ' để tiến tới 'sáp nhập lãnh thổ'?". Một quyết định vi hiến?Trên báo Thanh Niên điện tử hôm 13-9, trong bản tin tường thuật về phiên họp thứ 27 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, phóng viên Lê Hiệp của báo này có trích băng ghi âm, đoạn phát biểu của bà Nguyễn Thị Kim Ngân về Thông tư số 19/2018/TT-NHNN: "Có người nói vi hiến. Liệu có vi hiến, có vi phạm pháp luật không, vì trên một đất nước sử dụng 2 đồng tiền? Phải trả lời câu hỏi này. Tất nhiên, quy định này chỉ ở khu vực biên mậu, tức là khu vực thương mại ở biên giới thôi, nhưng cũng phải xem lại (…) "Tôi đã chỉ đạo anh Nguyễn Hồng Thanh[*] và anh Phùng Quốc Hiển[**] xem lại, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xử lý vấn đề này". Đoạn trích băng đó sau khi báo đăng, đã bị gỡ bỏ. Hơn 4 năm trước, trong bài viết có tựa đề khá dài, "Quy định của Hiến pháp về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường - Bước tiến mới trong quá trình đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng và phát triển bền vững", đăng trên báo Nhân Dân số phát hành ngày 16-1-2014 [http://bit.ly/2xyZsrS], trên cương vị Phó Chủ tịch Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh: "Đơn vị tiền tệ quốc gia được hiến định là đồng Việt Nam". Trên thực tế, mặc dù Thông tư số 19/2018/TT-NHNN mang tính điều chỉnh về giao dịch thương mại ranh giới địa lý ở 7 tỉnh biên giới phía Bắc, tuy nhiên ở đây hàng hóa đến các cửa khẩu chỉ là điểm cuối. Giao dịch của thương nhân và cư dân 7 tỉnh biên giới bằng đồng CNY trong thanh toán này, sẽ được sử dụng rộng rãi trên toàn quốc. Điều đó tương tự như dự Luật Đặc khu cho phép đồng CNY được lưu hành tại các địa phương hưởng quy chế đặc khu. Trong khi đó thì không có điều khoản cụ thể nào chế tài việc sử dụng đồng CNY ngoài 7 tỉnh biên giới, cũng như các địa phương sẽ là đặc khu (dự luật này được hoãn). Như vậy ở Việt Nam sẽ song hành sử dụng đồng Việt Nam và CNY. Biên giới thương mại của Trung Quốc đang được kéo dài đến tận Cà Mau?Xét về mặt quy phạm pháp luật, thì Thông tư số 19/2018/TT-NHNN là văn bản có nội dung mâu thuẫn với các văn bản liên quan đang có hiệu lực thi hành. "Thực hiện Hiệp định thương mại biên giới ký ngày 12 tháng 9 năm 2016 giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Hiệp định thanh toán và hợp tác ký ngày 26 tháng 5 năm 1993, sửa đổi ngày 16 tháng 10 năm 2003 giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc" là viện dẫn của việc ký ban hành Thông tư hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Thử tìm hiểu xem trong hai văn bản pháp lý mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã viện dẫn cho ban hành Thông tư số 19/2018/TT-NHNN, có điều khoản nào như giải thích, hay đây chỉ là viện dẫn mập mờ, tạo ngộ nhận là việc ban hành đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam. Lưu ý, Thông tư 32/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước đang có hiệu lực, quy định "mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác (bao gồm cả quy đổi hoặc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ, giá trị của hợp đồng, thỏa thuận) của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối". (Điều 3) Hiệp định thương mại biên giới Việt - Trung có gì?Đây là Hiệp định được ký kết giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam - ông Trần Tuấn Anh, với Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Hoa - ông Cao Hổ Thành, ký tại Bắc Kinh, ngày 12 tháng 9 năm 2016. Hiệp định có hiệu lực tức thì ngay sau khi hai bộ trưởng đặt bút ký. Về thanh toán thương mại trong các giao dịch mua bán, Điều 8 của Hiệp định ghi: "Thanh toán trong thương mại biên giới do doanh nghiệp hoặc thương nhân thương mại biên giới và cư dân biên giới thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật mỗi nước, bao gồm: 1. Thanh toán bằng Đồng Việt Nam hoặc Nhân dân tệ Trung Quốc hoặc ngoại tệ tự do chuyển đổi. 2. Căn cứ theo quy định của pháp luật mỗi nước, thương mại biên giới có thể tiến hành các hình thức thanh toán thông qua ngân hàng hoặc bằng tiền mặt hoặc hàng đổi hàng. Khuyến khích thanh toán thông qua ngân hàng thương mại hai bên". Như vậy, Hiệp định cho phép việc các bên mua bán được thanh toán trên cơ sở tự thỏa thuận. Việc thỏa thuận sẽ phụ thuộc vào kỹ năng đàm phán, và các thương nhân Việt Nam luôn mong muốn ngoại tệ tự do chuyển đổi là đồng Mỹ kim, chứ không phải CNY. Nay với quy định cụ thể bằng một văn bản pháp lý, phía doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó khăn hơn trong đàm phán lựa chọn đồng tiền thanh toán. Hiệp định thanh toán và hợp tác năm 1993: bằng ngoại tệ tự do chuyển đổiHiệp định này được ký nhân danh Nhà nước, khác với Hiệp định thương mại biên giới Việt - Trung được ký nhân danh Chính phủ[***] Hiệp định thanh toán và hợp tác ký tại Bắc Kinh ngày 26 tháng 5 năm 1993. Tại Điều 2 ghi: "Mọi thanh toán hàng hóa và dịch vụ thực hiện thông qua các ngân hàng thương mại của hai nước theo thông lệ quốc tế, bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi". Điều 3 ghi: "Việc thanh toán hàng hóa và dịch vụ giữa các tổ chức ngoại thương và các thực thể kinh tế khác thuộc vùng biên giới của hai nước được thực hiện qua các Ngân hàng thương mại với các phương thức sau: 1. Thanh toán trả bằng ngoại tệ chuyển đổi hoặc bằng đồng tiền khác do hai bên bàn bạc chấp thuận. 2. Thanh toán trả bằng hàng. Trường hợp có chênh lệch giữa xuất và nhập thì việc thanh toán do các doanh nghiệp hai nước thỏa thuận". Trong Hiệp định này có một điều khoản dành riêng cho cư dân biên giới (không phải thương nhân), là: "Để phục vụ cho dân cư vùng biên giới đi lại, trao đổi, mua bán, hệ thống ngân hàng thương mại của hai bên tùy theo điều kiện của từng nước sẽ quyết định thành lập quầy đổi tiền. Căn cứ tình hình cụ thể, hai bên cho phép sử dụng đồng tiền được hai bên bàn bạc chấp thuận". (Điều 4) Như vậy, Hiệp định nói trên cũng trao quyền tự do thỏa thuận giữa đôi bên mua bán trong lựa chọn đồng tiền thanh toán. Theo yêu cầu của Trung Quốc?Tuy nhiên dường như mọi chuyện thay đổi trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Khắc Cường từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 10 năm 2013 theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trong Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc ở chuyến thăm này, có đoạn viết: "Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tài chính, tích cực tạo điều kiện và khuyến khích các tổ chức tài chính hai bên hỗ trợ dịch vụ tài chính cho các dự án hợp tác song phương về thương mại và đầu tư. Trên cơ sở Hiệp định thanh toán bằng đồng bản tệ song phương trong thương mại biên giới ký giữa ngân hàng Trung ương hai nước năm 2003, tiếp tục nghiên cứu việc mở rộng phạm vi thanh toán bằng đồng bản tệ, thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư hai bên. Hai bên quyết định thành lập Nhóm công tác về hợp tác tiền tệ giữa hai nước, để nâng cao khả năng phòng ngừa rủi ro tài chính tiền tệ của hai bên, duy trì ổn định và phát triển kinh tế hai nước và khu vực. Tăng cường điều phối và phối hợp đa phương, cùng nhau thúc đẩy hợp tác tài chính tiền tệ khu vực Đông Á". Có lẽ chính nội dung "Về hợp tác tiền tệ" mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký kết hôm 15-10-2013 với Thủ tướng Lý Khắc Cường tại Hà Nội trong Tuyên bố chung, là nguyên cớ đưa đến Thông tư số 19/2018/TT-NHNN. Lưu ý, việc thực thi như nội dung của Tuyên bố chung nói trên cần bổ sung thêm một văn kiện pháp lý đang thiếu, đó là một ký kết về điều ước quốc tế song phương của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam với phía Nhà nước Trung Hoa liên quan đến chính sách tiền tệ quốc gia, được quy định tại Điều 3.3, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Xem ra đúng như lời nhận định của nhà báo Phạm Chí Dũng trong một bài viết trên VOA: "Về mặt an ninh tiền tệ và chủ quyền kinh tế, 'Nhân dân tệ hóa biên giới phía Bắc' chính là một thất bại lớn và càng khiến người dân Việt có cơ sở để mang nỗi tuyệt vọng rằng bản Hiệp ước Thành Đô - được cho là đã được lén lút ký kết giữa các lãnh đạo Việt Nam với lãnh đạo Trung Quốc vào thập kỷ 90 của thế kỷ XX để đưa Việt Nam trở thành một tỉnh của Trung Quốc vào năm 2020 - đang được giới lãnh đạo hậu bối của Việt Nam rắp tâm thi hành bằng thủ đoạn 'sáp nhập tiền tệ' trước khi tiến tới 'sáp nhập lãnh thổ'" [http://bit.ly/2Nt5CEE]. T.V. Chú thích:[*] Nguyễn Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội. [**] Phùng Quốc Hiển, Phó chủ tịch Quốc hội [***] 1. Điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước trong các trường hợp sau đây: a) Điều ước quốc tế do Chủ tịch nước trực tiếp ký với người đứng đầu Nhà nước khác; b) Điều ước quốc tế liên quan đến chiến tranh, hòa bình, chủ quyền quốc gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; c) Điều ước quốc tế về việc thành lập, tham gia tổ chức quốc tế và khu vực nếu việc thành lập, tham gia, rút khỏi tổ chức đó ảnh hưởng đến chính sách cơ bản của quốc gia về đối ngoại, quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, tiền tệ; d) Điều ước quốc tế làm thay đổi, hạn chế hoặc chấm dứt quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội; đ) Điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước theo thỏa thuận với bên ký kết nước ngoài. 2. Điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Chính phủ trong các trường hợp sau đây: a) Điều ước quốc tế không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này; b) Điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Chính phủ theo thỏa thuận với bên ký kết nước ngoài. (Điều 4, Luật Điều ước quốc tế). VNTB gửi BVN |
You are subscribed to email updates from Bauxite Việt Nam. To stop receiving these emails, you may unsubscribe now. | Email delivery powered by Google |
Google, 1600 Amphitheatre Parkway, Mountain View, CA 94043, United States |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét